- Đang online: 3
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 17979
- Tổng truy cập: 3,369,741
NHỮNG DẤU TÍCH VĂN HÓA LIÊN QUAN ĐẾN NHÀ MẠC TRÊN ĐẤT VĨNH PHÚC 635
- 410 lượt xem
NHỮNG DẤU TÍCH VĂN HÓA LIÊN QUAN ĐẾN NHÀ MẠC
TRÊN ĐẤT VĨNH PHÚC
Hoàng Lĩnh
Vĩnh Phúc nằm ở phía Bắc, liền kề với thủ đô Hà Nội là một vùng đất có mối liên hệ địa – chính trị, địa – văn hóa sâu sắc với trung tâm của của cả nước. Đây là một vùng đất cổ với đặc điểm địa lý đa dạng, có cả đồng bằng, trung du, miền núi với những con đường giao thông, giao thương quan trọng trên bộ cũng như đường thủy tạo bởi hợp lưu của các con sông huyết mạch: sông Hồng, sông Lô, sông Cà Lồ, sông Phan, sông Phó Đáy… Với điều kiện tự nhiên như vậy, con người sớm định cư nơi đây và đã tạo dựng một nền văn hóa lâu đời với đặc trưng biểu hiện tính cách của mình là hiền hòa, thích nghi, dung nạp, nhiều sắc thái. Điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi ấy đã khiến cho quá trình hình thành và phát triển Vĩnh Phúc được ghi nhận nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa tương ứng với từng thời kỳ phát triển của lịch sử Việt Nam. Với triều Mạc cũng vậy – một triều đại chỉ có 66 năm trị vì theo chính sử nhưng lại có nhiều dấu ấn về văn hóa, khoa cử, cộng thêm rất nhiều những ẩn số trong lịch sử cũng đã để lại Vĩnh Phúc những di sản có giá trị.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi điểm lại những dấu tích văn hóa có liên quan đến nhà Mạc trên đất Vĩnh Phúc và giá trị của những dấu tích ấy trong đời sống văn hóa của cộng đồng nhân dân các địa phương trong tỉnh nói chung và đối với hậu duệ của nhà Mạc ở Vĩnh Phúc nói riêng. Những dấu tích văn hóa có liên quan đến nhà Mạc ở Vĩnh Phúc có hai dạng: Một là những di tích, di vật, cổ vật thời Mạc. Hai là, hậu duệ nhà Mạc và những di sản hiện còn trên đất Vĩnh Phúc.
I. Di tích, di vật thời Mạc:
Những di tích, di vật, cổ vật thời Mạc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được thống kê theo các nguồn tài liệu thống kê năm 1938 của Viện Viễn Đông Bác Cổ và kiểm kê năm 1998 của Viện Hán Nôm và tỉnh Vĩnh Phúc có thể kể đến các loại: bia đá (9), cầu đường (2), chùa (5). Tuy nhiên qua khảo sát thực tế, hiện nay chỉ còn lại một số di tích. Chúng tôi xin điểm lại danh sách và hiện trạng như sau:
Bia:
1- Bia chùa Đông Lan (thôn Vật Cách, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc), tạo năm Đại Chính thứ nhất (1530). Bia hiện vẫn còn được lưu giữ ở chùa.
2- Bia “tam bảo điền thạch bi” hiện được dựng ở đền thôn Xuân Hoà 1 (xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên), tạo năm Quảng Hoà thứ 3 (1543). Nội dung bia được giới thiệu rất chi tiết trong bài viết “Giới thiệu văn bia mang niên hiệu nhà Mạc ở xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc)” của tác giả TS.Nguyễn Hữu Mùi (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), bia ghi về việc một ngôi chùa ở địa phương đã có từ thời trước thời Mạc, được cung phi hoàng hậu của nhà Mạc đứng ra trùng tu. Hiện nay chưa xác định được chính xác ngôi chùa được nhắc đến trong bia.
3- Bia “Đạm Giang kiều bi” xã Đạm Nội, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên nay là thôn Đạm Nội xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên. Bia tạo năm Sùng Khang thứ 9 (1574), hiện không rõ vị trí chính xác.
4, 5- Bia “trùng tu bảo quang tự bi ký”, tạo năm Đoan Thái thứ 2 (1587) và bia “tân tạo ngọc hoàng chư phật Bảo Quang tự bi ký”, tạo năm Hưng Trị thứ 4 (1591), hiện dựng tại chùa Bảo Quang (chùa Thượng Trưng) ở xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường.
6, 7- Bia “Đại Đồng tự bi”, tạo năm Hưng Trị thứ nhất (1588) và bia tạo niên hiệu Hưng Trị thứ 3 (1590) cùng đặt tại chùa Đại Đồng xã Cẩm Viên, nay là xã Đại Tự huyện Yên Lạc. Hiện không còn dấu tích của chùa và bia.
8, 9- Bia “Phượng Tường Tự” và “Phượng Tường Tự bi ký”, hai bia tạo năm Đoan Thái thứ 2 (1587) dựng tại chùa Phượng Tường, xã Kiên Cương, huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường. Tuy nhiên đến nay dấu tích về bia và chùa đều chưa tìm thấy trên thực tế.
Cầu đường: (Đến nay vẫn chưa tìm được dấu tích trên thực tế)
1. Cầu Đại Đồng, xã Xã Cẩm Viên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên, nay là xã Đại Tự, huyện Yên Lạc.
2. Cầu Đạm Giang, xã Đạm Nội, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên nay là thôn Đạm Nội, xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên. Tạo năm Sùng Khang thứ 9 (1574).
Di tích:
Các di tích được xây dựng hoặc mang dấu ấn thời Mạc ở Vĩnh Phúc còn lại đến nay không nhiều. Theo thống kê dựa trên các tài liệu cũ có các di tích sau:
1. Chùa Đông Lan thôn Vật Cách xã Đồng Cương huyện Yên Lạc.
2. Chùa Bảo Quang xã Thượng Trưng huyện Vĩnh Tường.
3. Chùa Phượng Tường xã Ngũ Kiên huyện Vĩnh Tường.
4. Chùa Đại Đồng xã Đại Tự huyện Yên Lạc.
Các di tích này đều có tài liệu nói về văn bia ghi lại việc tu bổ tôn tạo chùa vào thời Mạc, tuy nhiên đa phần các di tích đều đã mai một theo thời gian. Chùa Phượng Tường đến nay chưa tìm thấy dấu tích trên thực tế. Chùa Đại Đồng đã bị phá hủy, khu vực chùa hiện nay là nghĩa địa của xã. Chùa Đông Lan có quy mô nhỏ, lần tu sửa lớn gần đây nhất vào năm 1991, gồm 2 tòa, thượng điện 3 gian, hậu cung 2 gian, tượng và đồ thờ đều mới.
Tiêu biểu trong số các di tích còn mang dấu ấn thời Mạc ở Vĩnh Phúc có chùa Bảo Quang (chùa Thượng Trưng) ở xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường. Chùa có niên đại trước thế kỷ XVI, đến triều Mạc được trùng tu, tôn tạo, đánh dấu sự phát triển trở lại của Phật giáo thời kỳ này. Chùa Bảo Quang hiện nay được kiến trúc theo kiểu “nội Công ngoại Quốc” gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện, bên cạnh còn có các đơn nguyên kiến trúc khác như tam quan – gác chuông, nhà hành lang, nhà tổ… Cũng như nhiều ngôi chùa ở Bắc Bộ chùa Thượng Trưng thờ Phật theo dòng Đại Thừa (cỗ xe lớn) cho nên hệ thống tượng ở đây vẫn được bài trí theo cùng mô-tuýp với rất nhiều chủng loại tượng. Các pho tượng tại chùa được tạc ở nhiều giai đoạn khác nhau từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XX, hầu hết đều là tượng gỗ tròn, bên cạnh đó còn một số tượng hậu được tạc bằng đá rất đẹp.
Ngoài những di tích được ghi lại trong các tài liệu thư tịch cũ, còn có một di tích nổi tiếng của Vĩnh Phúc mà nhiều nhà khoa học trong những năm gần đây cho rằng có phong cách nghệ thuật thời Mạc rõ nét. Đó là tháp Bình Sơn, di tích xếp hạng cấp Quốc gia năm…, nay thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Qua nghiên cứu, tìm hiều, đối chiếu, so sánh về bố cục, đồ án trang trí, hoa tiết hoa văn, vật liệu… của tháp Bình Sơn, GS.Trần Lâm Biền trong bài viết “Trở lại niên đại tháp Bình Sơn” (Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 4, Hà Nội – 1974) đã nhận định rằng: “Nếu trang trí cũng là “ngôn ngữ” tạo hình, thì “ngôn ngữ” của tháp Bình Sơn không phải là hồi âm của thế kỷ XIV. Theo chúng tôi nó là tiếng vang của một thời kỳ muộn hơn, có nghĩa là nó không sớm hơn thế kỷ XVI.” Và như vậy, dưới thời Mạc, thời kỳ bùng nổ của kiến trúc và nghệ thuật, tháp Bình Sơn đã xuất hiện như là một di tích điển hình của đương thời”.
***
II. Hậu duệ nhà Mạc và di sản trong các chi họ
Về hậu duệ của nhà Mạc ở Vĩnh Phúc, đến nay đã tính được 10 chi họ lớn, phân bố rải rác ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đại đa số đã đổi sang các họ khác và ẩn đi danh tính họ Mạc suốt mấy trăm năm qua, di sản vật chất được lưu lại không nhiều, nhà thờ họ cũng ít. Tuy nhiên vẫn có một số họ giữ được gia phả và có thể truy nguyên nguồn gốc của mình.
1. Họ Nguyễn ở Tiên Lữ, Văn Quán, Sơn Đông (Lập Thạch), Việt Xuân (Vĩnh Tường). Theo di ngôn của dòng họ thì đây là truyền nhân trực hệ của vua Mạc Kính Vũ. Tổ là là Nguyễn Hữu Pháp (tức Mạc Kính Mân), con trưởng của vua Mạc Kính Vũ, đã chuyển về ở Tiên Lữ (Lập Thạch). Nguyễn Hữu Pháp có 4 người con trai, phân chia ra gây dựng và phát triển dòng họ ở 4 nơi:
+ Nguyễn Hữu Kiên – con trưởng ở Tiên Lữ (chùa Tiên Lữ)
+ Nguyễn Hữu Kính – ở Văn Quán (Xuân Sơn tự)
+ Nguyễn Hữu Khắc – ở Sơn Đông (Đông Minh tự)
+ Nguyễn Hữu Nhẫn – ở Việt Xuân (chùa Diệm Xuân) với nhiệm vụ trông coi phần mộ của ông nội là Mạc Kính Vũ.
Hiện nay ở khu vực chùa Diệm Xuân (Việt Xuân, Vĩnh Tường) có dấu tích 3 ngôi mộ tương truyền là mộ của vua Mạc Kính Vũ, công chúa Mạc Chính Lan và hoàng tử. Trước đây họ Nguyễn gốc Mạc ở Việt Xuân cũng có nhà thờ họ nhưng đến nay không còn, việc thờ cúng thực hiện ở nhà ông trưởng họ.
Khu vực Tiên Lữ còn ngôi mộ tổ, được gọi là Mả Vàng, tương truyền là mộ cụ Nguyễn Hữu Pháp, con trưởng của vua Mạc Kính Vũ. Ở đây có chùa Tiên Lữ, theo lời kể của dòng họ, ngôi chùa này được xây dựng sau khi cụ tổ đến đây định cư, tuy nhiên đến nay chưa có tài liệu xác minh. Ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2000. Chùa Tiên Lữ đã được trùng tu nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau, lần trùng tu lớn gần đây nhất là vào năm 1876, đời vua Tự Đức 29. Chùa có kiến trúc hình chữ “Công” gồm toà bái đường 3 gian 2 dĩ, ống muống dài 8m30 và toà thượng điện 1 gian 2 dĩ, tất cả đều là kiến trúc cổ, có giá trị cao về kiến trúc và nghệ thuật. Trong chùa còn lưu giữ được hệ thống tượng đẹp, có những pho tượng được coi là mang phong cách nghệ thuật thời Mạc.
2. Họ Nguyễn gốc Mạc ở thôn Phù Lập, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường. Theo lời kể, chi họ này có gốc từ Hải Dương, hàng năm vẫn theo ngày giỗ tổ Mạc Đĩnh Chi). Họ này có 4 chi nhỏ nhưng hiện còn 3 chi với 52 hộ và 166 khẩu.
Theo lời kể, trước đây họ có ngôi nhà thờ tổ bằng gỗ, lợp lá cọ, đến những năm 1960 bị phá hủy. Ngôi nhà thờ họ hiện nay được phục hồi năm 2007 có quy mô 3 gian.
3. Họ Nguyễn gốc Mạc ở thôn Yên Xuyên, Phú Thịnh, Vĩnh Tường. Cụ tổ là Mạc Đăng Cao về đây ẩn cư sau sự biến ở thành Thăng Long, cụ có 2 con trai là Mạc Đăng Minh và Mạc Đăng Quang, hình thành nên 2 nhánh là Nguyễn Đăng và Nguyễn Đức. Theo gia phả ghi lại thì đến nay đã tính được 13 đời. Hiện còn bản gia phả chép tay có niên đại Duy Tân năm thứ 7 (1913) vẫn được con cháu trong nhánh Nguyễn Đức lưu giữ và bổ sung.
4. Họ Hoàng gốc Mạc ở Đạo Đức, Bình Xuyên: thuộc dòng Lưỡng Quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, phái hệ Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng là cháu đời thứ 11 Mạc Đĩnh Chi. Thái thủy tổ là ông Hoàng Đăng Đạo (con thứ của Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng, thủy tổ họ Hoàng Trần, Hoàng Văn, Hoàng Bá, lập từ đường ở Lương Sơn xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Thủy tổ của dòng họ Hoàng ở Đạo Đức là ông Hoàng (Viết) Uyển cháu đời thứ 5 của ông Hoàng Đăng Đạo. Năm Canh Ngọ 1690 đất nước có loạn, để tránh sự đổ máu, ông và gia quyến dời khỏi quê hương nơi sinh quán về ẩn tại xóm Mái, Làng Ngoài, xã Yên Lỗ, huyện Bình Tuyền, trấn Thái Nguyên sau là tỉnh Thái Nguyên, nay là thôn Thượng Đức, làng Yên Lỗ, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bắt đầu lập chi họ Hoàng ở Yên Lỗ cho đến nay đã được 12 đời, tổng cộng hơn 300 năm.
5. Họ Lê Đăng gốc Mạc ở Vũ Di (Vĩnh Tường), Yên Đồng, Tam Hồng (Yên Lạc). Thủy tổ là cụ Mạc Công Sinh, con trai của vua Mạc Mậu Hợp. Năm 1592, cụ đưa 3 người con là Mạc Tuấn Tú, Mạc Đăng Vạn, Mạc Đăng Phúc về lánh nạn ở Vĩnh Tường lánh nạn. Cụ Mạc Tuấn Tú về thôn Đông Mẫu xã Yên Đồng huyện Yên Lạc đổi thành họ Lê; cụ Mạc Đăng Vạn về thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng huyện Yên Lạc đổi thành họ Nguyễn; cụ Mạc Đăng Phúc về thôn Vũ Di, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường đổi thành họ Lê.
Dòng họ còn lưu giữ được một cuốn gia phả chữ Hán, có ghi niên đại sao chép là năm Thành Thái thứ 2 (1890) và nội dung một số câu đối nói về nguồn gốc họ Mạc của mình.
6. Họ Ngô gốc Mạc ở Bình Dương, Vĩnh Tường: thuộc chi phái con trai của vua Mạc Mậu Hợp. Hiện tách thành 3 nhánh ở Bình Dương (Vĩnh Tường), Sơn Dương (Tuyên Quang), Sóc Đăng (Đoan Hùng). Hiện vẫn còn gia phả.
7. Họ Trừ gốc Mạc ở thôn Đồng Cả, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo. Thủy tổ là cụ Mạc Văn Vượng. Hiện vẫn còn mộ cụ thủy tổ ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo. Họ này đã phân ra làm 4 nhánh:
– Nhánh họ Trừ ở Đồng Cà, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo.
– Nhánh họ Trương ở xóm Ngọc Quang, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên
– Nhánh họ Mạc ở Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo.
– Nhánh họ Mạc ở Linh Sơn, Đồng Hỷ, Thái Nguyên.
8. Các chi họ gốc Mạc ở Bình Xuyên, Phúc Yên, Mê Linh, Yên Lạc. Nhóm này có nhiều họ, tuy nhiên chung một gốc là phái hệ Hoàng thúc Mạc Ngọc Liễn. Sau khi kinh thành thất thủ đã chạy về vùng này, điểm dừng chân đầu tiên là vùng Xa Mạc thuộc xã Liên Mạc huyện Mê Linh, Tp. Hà Nội rồi sau đó phát tán đi các nơi. Hiện nay hình thành nên các chi họ gốc Mạc ở Mê Linh (Hà Nội), Phúc Yên, Bình Xuyên, Yên Lạc như sau:
– Chi họ Trần gốc Mạc ở thôn Nội Phật, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên
– Chi họ Trần gốc Mạc ở Xa Mạc, Bồng Mạc của xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Hiện còn ngôi mộ Tổ ở cánh đồng Chanh thuộc xóm 2 thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc được coi là mộ của cụ: Trần Quý Công, tự Phúc Tạng, Húy Chính Thịnh – gọi đủ là Trần Đăng Chính Thịnh, quy ngày 20-12(không rõ năm). Vì thế những chi nhánh trong phái hệ này đều lấy ngày 20-12 làm ngày giỗ tổ và ngày 1-3 âm lịch là ngày tảo mộ để tập họp nhau tại nơi trước kia là nền đất cũ của cụ Tổ Trần Quý Công, nay do ông Trần Văn Hội sinh năm 1963 quản lý.
– Chi họ Nguyễn Đăng gốc Mạc ở Đạm Xuyên, xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên
– Chi họ Đỗ Đăng gốc Mạc ở Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Hiện còn giữ được gia phả.
9. Họ Nguyễn Đức gốc Mạc ở Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Dương, Mê Linh (Hà Nội). Thuộc phái hệ Hoàng thúc Mạc Kính Điển. Thủy tổ tự Phúc An. Nhị thế tổ tự Phúc Thiện. Tam thế tổ tự Phúc Diên và con trai trưởng Tự Đức Nghĩa (tứ thế tổ) đã đến trụ trì tại chùa Yên Phật, thôn Đinh Xá, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Tứ thế tổ Tự Đức Nghĩa sinh được 3 con trai là:
– Nguyễn Đức Tuyên tiếp tục làm hòa thượng như cha, tại chùa Yên Phật, Đinh Xá, Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
– Nguyễn Đức Thận trụ trì tại chùa Đông Lỗ, huyện Yên Lãng, nay thuộc xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
– Nguyễn Đức Cẩn trụ trì tại chùa Can Bi, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Con cháu về sau đổi sang các họ Trần, họ Nguyễn, họ Lê, họ Đỗ… phân tán mọi nơi thuộc phía Bắc sông Hồng nhưng vẫn theo chi trưởng ở Đinh Xá, Yên Lạc, Vĩnh Phúc vào những ngày họp mặt.
Theo thống kê có các chi họ gốc Mạc ở Đông Lỗ (Đạo Đức, Bình Xuyên), Can Bi (Phú Xuân, Bình Xuyên), Thanh Vân (Tam Dương), Yên Nội (Vạn Yên, Mê Linh, Hà Nội).
Nhìn chung các di tích, di vật thời Mạc và có liên quan đến nhà Mạc đến nay còn lại ở Vĩnh Phúc không nhiều. Tuy nhiên vẫn còn những ẩn số mà nếu giải đáp được sẽ có một kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với Vĩnh Phúc nói riêng, đối với họ Mạc trên cả nước và lịch sử Việt Nam nói chung, như: việc xác minh danh tính chủ nhân 3 ngôi mộ ở chùa Diệm Xuân, việc xác minh niên đại khởi dựng chùa Diệm Xuân và chùa Tiên Lữ cũng như các ngôi chùa mà các hậu duệ nhà Mạc đã tới đó ẩn tu. Ngoài ra còn các vấn đề như: nghiên cứu để tìm hiểu về những dấu ấn hoặc ảnh hưởng về nghệ thuật tạo hình thời Mạc trên những di tích ở Vĩnh Phúc, tìm hiểu chính xác và đầy đủ về các chi họ gốc Mạc và nguồn gốc cũng như địa bàn phân bố trong tỉnh… Những vấn đề này cần thêm thời gian và sự chung tay nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài họ Mạc, các nhà quản lý và nghiên cứu lịch sử tại địa phương./.
Tháng 8-2012
Hoàng Lĩnh
Ban Quản lý di tích tỉnh Vĩnh Phúc
Tài liệu tham khảo
– “Bước đầu tìm hiểu về một số chi họ gốc Mạc ở Vĩnh Phúc”, Th.S. Phan Đăng Thuận – Trung tâm BTVHKTTT – Hội KHLS Việt Nam.
– “Giới thiệu văn bia mang niên hiệu nhà Mạc ở xã Cao Minh thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) , TS. Nguyễn Hữu Mùi – Viện NC Hán Nôm.
– “Văn bia thời Mạc”, PGS.TS. Đinh Khắc Thuân, Nxb Hải Phòng – 2010.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.