- Đang online: 2
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 18062
- Tổng truy cập: 3,369,750
GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA CỦA TẤM BIA THỜI MẠC (THẾ KỶ XVI) Ở CHÙA LINH CỐC (NINH BÌNH) 631
- 216 lượt xem
GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA CỦA TẤM BIA THỜI MẠC
(THẾ KỶ XVI) Ở CHÙA LINH CỐC (NINH BÌNH)
Vũ Tiến Đức
(Viện Sử học)
- 1. Chùa Linh Cốc và bia ma nhai Tân tạo Phật bi
Chùa Linh Cốc (còn gọi là chùa Móc), thuộc địa phận thôn Côi Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Chùa nằm trong hệ thống quần thể danh thắng Tràng An, cách chùa Bích Động gần 1km mét về phía đông nam. Quần thể kiến trúc chùa Linh Cốc gồm: một phần ở chân núi và một phần ở lưng chừng núi Móc.
Dưới chân núi là các đơn nguyên kiến trúc, gồm: Nhà thờ tổ, nhà trai và điện Mẫu. Nhà thờ tổ kết cấu 3 gian, cửa hướng tây bắc, thờ tổ ni Trọng Quang và đức Lạt Ma. Nhà trai 5 gian, quay hướng đông nam. Điện Mẫu xây dựng theo kiểu chữ “Tam”, quay lưng vào sườn núi, cửa quay hướng đông bắc, nhìn ra một hồ bán nguyệt.
Bộ phận chùa chính trên núi: Từ sân chùa, theo 83 bậc thang lên độ cao gần 30m là khu vực chính điện của chùa Linh Cốc. Chùa được xây dựng trên nền cửa động Tiên, một hang đá mà quá trình karst đã kết thúc, hang khô, nhiều nhũ đá đẹp. Hang đá dài hơn 200m, xuyên qua núi Móc bằng hai cửa đông và tây. Phía cửa đông, động được cải tạo nhiều lần thành nơi thờ Phật. Trên vách đá ở cửa đông hiện còn một tấm bia ghi lại một trong những lần trùng tu chùa Linh Cốc.
Bia chùa Linh Cốc có tên là新造佛碑 – Tân tạo Phật bi, thuộc loại hình bia ma nhai, hình chữ nhật, kích thước 0,77m x 1,02m, xung quanh trang trí văn dây leo theo phong cách thời Mạc. Bia được khắc bằng chữ Hán, mặt bia bị bào mòn, nhiều chữ quá mờ, không thể đọc được. Hiện bia còn 35 dòng tương đối rõ chữ. Dòng dài nhất có 39 chữ.
Dòng đầu tiên của bia ghi rõ địa danh hành chính của chùa Linh Cốc thời điểm lập bia :長安府安謨縣瑰溪社 – Trường Yên phủ, Yên Mô huyện, Khôi Khê xã – tức phủ Trường Yên, huyện Yên Mô, xã Khôi Khê.
Từ dòng thứ 2 đến dòng thứ 7 chép về lý do và quá trình trùng tu chùa. Việc trùng tu được bắt đầu từ丙寅年十一月初七日 – Bính Dần niên thập nhất nguyệt sơ thất nhật – tức ngày 7 tháng 11 năm Bính Dần (âm lịch), hoàn thành 丁卯年五月十五日 – Đinh Mão niên ngũ nguyệt thập ngũ nhật – tức ngày 15 tháng 5 năm Đinh Mão (âm lịch). Sau khi hoàn thành việc tu tạo, liền mở hội khánh toàn [1]
Dòng thứ 8: 銘 曰- Minh viết – tức bài minh nói rằng.
Từ dòng 9 đến dòng 13 chép lại bài minh gồm 22 câu, 88 chữ, ca ngợi cảnh chùa và thuật lại việc tu tạo, dựng bia.
Dòng 14 khắc 2 chữ 大 士 – Đại sĩ
Từ dòng 15 đến dòng 27, tổng cộng 13 dòng, khắc tên 45 vị có công xây dựng.
Dòng 28 khắc hai chữ 信弛 – Tín thí.
Từ dòng 29 ghi tên 6 vị có công.
Giữa dòng 29 và dòng 30 là một đoạn bị bào mòn, rộng 15cm, trên đó lờ mờ một vài nét khắc chữ Hán, nhưng không thể đọc được mặt chữ. Căn cứ vào kích thước của chữ và khoảng cách giữa các dòng chữ, có thể đoán là ở đây còn 6 đến 7 dòng chữ Hán nữa không thể đọc được.
Từ dòng 30 đến dòng 34 ghi tên các vị Tượng công .
Dòng 35 ghi: 淳福三年五月十三日 – Thuần Phúc tam niên ngũ nguyệt thập tam nhật – tức ngày 13 tháng 5 năm Thuần Phúc thứ 3(âm lịch).
Văn bia chùa Linh Cốc trước đây đã được Viện nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm, dập và lưu trữ, có ký hiệu No 6272. Năm 2010, Đinh Khắc Thuân dịch và công bố bia này trong sách Văn bia thời Mạc [2]. Tuy nhiên, bản dịch văn bia của Đinh Khắc Thuân chỉ có tổng cộng 23 dòng[3] chứ không phải 35 dòng như tấm văn bia trên vách đá chùa Linh Cốc hiện nay. Theo bia đá, niên đại lập bia là淳福三年五月十三日- Thuần Phúc tam niên ngũ nguyệt thập tam nhật – tức ngày 13 tháng 5 năm Thuần Phúc thứ 3 (âm lịch). Còn theo bản dịch của Đinh Khắc Thuân là 淳福三年五月十五日- Thuần Phúc tam niên ngũ nguyệt thập ngũ nhật – tức ngày 15 tháng 5 năm Thuần Phúc thứ 3 (âm lịch) [4]. Một số phần như danh sách Tín thí không thấy Đinh Khắc Thuân đề cập đến. Vậy do đâu mà có sự chênh giữa bản dịch và tấm văn bia trên thực tế hiện nay ?
Tháng 6 – 2012, chúng tôi có dịp khảo sát chùa Linh Cốc, tiếp cận và dập tấm bia Tân tạo Phật bi. Bề mặt tấm bia tuy bị mờ và đục phá rất nhiều nhưng từ phần bài minh trở về cuối có dấu vết khắc đè lên trên vết khắc cũ đã bị mờ. Như vậy, có thể sau bản dập No 6272 cùa Viện nghiên cứu Hán Nôm được thực hiện, tấm bia Tân tạo Phật bi đã được tu tạo lại một phần bằng cách khắc đè lên những nét chữ bị mờ. Phần Tín thí do quá mờ nên chỉ khắc được 1 phần chứ không thể khắc lại toàn bộ, tạo ra khoảng trống như đã nói trên. Bản dập mà Đinh Khắc Thuân sử dụng và văn bia hiện tại do đó mà có đôi chút sự khác biệt. Tuy nhiên, sự khác biệt đó không ảnh hưởng nhiều đến nội dung bài minh văn trên tấm bia.
2. Vài nét về giá trị lịch sử – văn hóa của tấm bia Tân tạo Phật bi
Thời gian lập bia được ghi là:淳福三年五月十一日 – Thuần Phúc tam niên ngũ nguyệt thập nhất nhật – tức ngày 15 tháng 5 năm Thuần Phúc thứ 3 (âm lịch). Chữ “Thuần Phúc” tuy đã mờ nhưng vẫn còn có thể nhận rõ mặt chữ. Thuần Phúc là một trong những niên hiệu của vua Mạc Mậu Hợp. Theo sách Toàn thư và Cương mục thì năm Mạc Mậu Hợp nối ngôi Mạc Phúc Nguyên và cho đặt năm Thuần Phúc thứ nhất là năm 1562 Dương lịch [5]. Theo Lê Qúy Đôn, ngay sau khi Mạc Phúc Nguyên mất, Mạc Mậu Hợp lên ngôi năm Giáp Tý Chính Trị thứ 7 (niên hiệu vua Lê Anh Tông triều Lê Trung Hưng) tương đương năm 1564 Dương lịch, năm sau thì lấy làm niên hiệu Thuần Phúc thứ nhất tức năm 1565 Dương lịch [6]. Sách Hợp biên thế phả họ Mạc – cuốn gia phả đầy đủ và chính xác nhất của họ Mạc ở Việt Nam cũng chép rằng Mục Tông Hồng Ninh Hoàng đế Mạc Mậu Hợp lên ngôi năm Giáp Tý (tức năm 1564 Dương lịch) – và lấy năm sau là năm Ất Sửu (tức năm 1565 Dương lịch) làm năm Thuần Phúc thứ nhất [7]. Do đó, có 2 giả thuyết liên quan đến niên đại Thuần Phúc thứ 3:
– Nếu tính theo sách Toàn thư và Cương Mục thì năm Thuần Phúc thứ 3 tương đương với năm Giáp Tý (âm lịch) và năm 1564 Dương lịch.
– Nếu tính theo sách Đại Việt thông sử và Hợp biên thế phả họ Mạc thì năm Thuần Phúc thứ 3 tương đương năm 1567 Dương lịch. Nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân theo cách tính này, nên cho rằng niên đại lập bia là năm 1567 Dương lịch[8]. Tuy nhiên, cũng chính sách Đại Việt thông sử và Hợp biên thế phả họ Mạc khẳng định là không có năm Thuần Phúc thứ 3 vì đến đầu năm Thuần Phúc thứ 2 (1566), Mạc Mậu Hợp cải thành Sùng Khang thứ 1.
Dù là năm Thuần Phúc hay Sùng Khang thì đây vẫn là thời gian trị vì của vua Mạc Mậu Hợp [9]. Vấn đề đặt ra đâu là niên đại chính xác của bia Tân tạo Phật bi ở chùa Linh Cốc ?
Dòng 5 và 6 bài minh văn bia chùa Linh Cốc còn đề cập tới hai mốc thời gian khác: 會大士及太翁老婆善男信女於丙寅年十一月初七日興工脩造觀音佛一相幷刻碑一面至丁卯年五月十五日一所鳩工云 – Hội đạo sĩ cập thái ông lão bà, thiện nam tín nữ ư Bính Dần niên thập nhị nguyệt sơ thất nhật hưng công tu tạo Quan Âm (6) Phật nhất tướng tinh khắc bia nhất diện chí Đinh Mão niên ngũ nguyệt thập ngũ nhật nhất sở cưu công vân tất (tức Hội Đại sĩ và thái ông lão bà, thiện nam tín nữ vào ngày 7 tháng 12 năm Bính Dần hưng công tu tạo một pho tượng Phật Quan Âm và khắc bia 1 mặt. Đến ngày 15 tháng 5 năm Đinh Mão công việc hoàn tất). Thông thường, trong cách tính lịch truyền thống của người Việt, cách tính năm theo niêu hiệu là cách tính lịch mang tính chất quan phương, chủ yếu sử dụng trong triều đình hay trong những sự kiện trọng đại, còn cách tính lịch theo hệ can chi hay còn gọi là âm lịch là cách tính lịch thông dụng trong dân gian, mang tính phi quan phương nhưng có độ chính xác rất cao. Tìm kiếm mối liên hệ giữa các năm Âm lịch Bính Dần, Đinh Mão với khoảng thời gian trị vì của Mạc Mậu Hợp, chúng tôi nhận thấy năm Bính Dần chính là năm 1566 Dương lịch, tương đương năm Sùng Khang thứ 1; năm Đinh Mão là năm 1567 Dương lịch tức năm Sùng Khang thứ 2. Nếu Mạc Mậu Hợp không cải niên hiệu Thuần Phúc thành Sùng Khang thì năm Đinh Mão (1567 Dương lịch) chính là năm Thuần Phúc thứ 3 như khắc ghi trên bia. Như vậy, niên đại chính xác của bia Tân tạo Phật bi chùa Linh Cốc là năm 1567 Dương lịch.
Tại sao nhà Mạc đã thay đổi niên hiệu cách thời điểm lập bia gần hai năm, mà bia chùa Linh Cốc vẫn sử dụng niên hiệu Thuần Phúc? Trước một sự kiện đã lùi vào trong lịch sử hàng trăm năm thật khó có thể trả lời chính xác. Có thể dựa vào phương pháp logic lịch sử để đưa ra những giả thuyết là do những người lập bia ở xã Khôi Khê thời Mạc bị hạn chế trong việc tiếp cận các văn bản hành chính của triều đình lúc đó. Chúng ta nên nhớ, thời kỳ xung đột Nam – Bắc triều (thế kỷ XVI), vùng Trường Yên xưa (trong đó có huyện Yên Mô) tức Ninh Bình ngày nay là nơi tranh chấp thường xuyên giữa hai thế lực chính trị nhà Mạc và nhà Lê Trung hưng. Dù cho huyện Yên Mô chủ yếu thuộc vùng quản lý của nhà Mạc, bằng chứng là bia chùa Linh Cốc ghi niên hiệu triều Mạc chứ không phải niên hiệu triều Lê Trung hưng, nhưng mức độ quản lý ở đây không thể nào chặt chẽ như vùng những khu vực gần kinh thành. Mặt khác, trong danh sách các cá nhân được đề tên trong bia, không thấy vị nào được khắc tước vị hoặc học hàm. Thông thường, trong văn bia ở các làng xã Việt Nam thời Trung đại, những vị có học thức, đỗ đạt hoặc có địa vị xã hội cao đều được khắc ghi rõ trong bia. Bia chùa Linh Cốc không có điều đó có thể vì thực thế không có người đỗ đạt hay làm quan. Cho nên, khả năng tiếp xúc với những văn bản hành chính lúc đó của những người lập bia chùa Linh Cốc bị hạn chế rất nhiều và khiến họ “ngỡ” năm Sùng Khang thứ 2 vẫn là năm Thuần Phúc thứ 3.
Theo bia chùa Linh Cốc, năm 1567 Dương lịch là năm Thuần Phúc thứ 3. Điều đó có nghĩa năm Thuần Phúc thứ 1 là năm 1565 Dương lịch, hoàn toàn trùng khớp với những ghi chép trong sách Đại Việt thông sử và Hợp biên thế phả họ Mạc. Do đó, những ghi chép về thời gian lên ngôi của vua Mạc Mậu Hợp trong Đại Việt thông sử và Hợp biên thế phả họ Mạc có thêm bằng chứng củng cố độ tin cậy tuy vẫn cần phải kiểm tra lại. Sách Đại Việt thông sử chép : “Mạc Mậu Hợp là con trai đích của Phúc Nguyên, tiếm ngôi tháng 2 năm Giáp Tý niên hiệu Chính Trị thứ 7 (1564) … đổi năm sau làm niên hiệu Thuần Phúc thứ nhất (1565) [10]. Hợp biên thế phả họ Mạc chép “Ngài [tức vua Mạc Mậu Hợp – TG] lên ngôi năm ngày 8 tháng 2 năm Giáp Tý (1564) lúc này mới 2 tuổi … lấy năm sau là Ất Sửu (1565) đặt niên hiệu Thuần Phúc thứ nhất” [11]
Theo chính sử, huyện Yên Mô thế kỷ XVI thuộc khu vực tranh chấp giữa triều Mạc với triều Lê Trung hưng. Từ năm 1535 đến 1867 (tức thời gian hoàn thành tu tạo chùa Linh Cốc), ít nhất Yên Mô từng 3 lần là chiến trường giao tranh giữa quân đội nhà Mạc và nhà Lê vào các năm 1545, 1557 và 1565 [12]. Đó là chưa kể các cuộc hành quân khác của quân nhà Lê đánh thẳng ra vùng Sơn Nam, hay những cuộc rút quân của nhà Mạc sau khi tấn công quân nhà Lê bất thành, đều đi ngang qua phủ Trường Yên. Cho nên, huyện Yên Mô là một trong những nơi chịu sự tàn phá thường xuyên của chiến tranh.
Dù cho chiến sự xảy ra liên miên, nhưng không hề làm hạn chế những sinh hoạt văn hoá trong đời sống tâm linh của cộng động dân cư nơi đây. Sự xuất hiện tấm bia Tân tạo Phật bi, thuật lại quá trình trùng tu chùa Linh Cốc tại xã Khôi Khê, huyện Yên Mô đã phản ánh những sinh hoạt văn hoá trong đời sống tâm linh của người dân Ninh Bình thời Mạc. Theo bia, ghi việc 興工脩造觀音佛一相幷刻碑一面 – ( hưng công tu tạo Quan Âm (6) Phật nhất tướng tinh khắc bia nhất diện – tức hưng công tu tạo một pho tượng Phật Quan Âm và khắc bia 1 mặt ), đã thu hút được sự tham gia ủng hộ của đông đảo nhân dân thời đó. Văn bia còn có đoạn ghi: 會大士及太翁老婆善男信女 ( Hội đạo sĩ cập thái ông lão bà, thiện nam tín nữ – tức Các Đại sĩ và thái ông lão bà, thiện nam tín nữ) . Số lượng Đại sĩ có công được khắc trên bia không hề nhỏ: 45 vị, chưa kể các vị Tín thí bị mờ tên. Việc tu tạo tượng Phật, dựng bia là tiền đề vật chất để người dân tiến hành các hoạt động sinh hoạt tôn giáo như入會慶贊- nhập hội khánh tán – tức mở hội khánh thành. Dĩ nhiên, các hoạt động tôn giáo của cộng đồng cư dân Khôi Khê, huyện Yên Mô gắn liền với ngôi chùa hang Linh Cốc và động Tiên. Đây là điểm nổi bật của bia Tân tạo Phật bi và chùa Linh Cốc so với phần lớn các bia, chùa khác đương thời. Sở dĩ có sự nổi bật này là do cuộc sống gắn liền hang động lâu đời của cộng đồng cư dân nơi đây.
Cửa phía đông động Tiên có hình chữ “U”, rộng cao và thông thoáng, thuận lợi cho cuộc sống của các nhóm cư dân Tiền sử. Cũng trong đợt khảo sát tháng 6 – 2012, chúng tôi phát hiện trên vách đá ở trước chính điện chùa Linh Cốc những khối trầm tích ở độ cao trên 30m so với mực nước biển, có tuổi Pleistocene muộn [13] . Thành phần động vật trong tảng trầm tích có ốc núi (Cyclophorus sp), ốc suối (Antimelania) bị carbon nat hóa cao, thường có tuổi 30.000 – 10.000 năm cách ngày nay. Gần động Tiên, trong khu vực hệ thống núi đá vôi Tràng An, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích Tiền sử như Mái đá Chợ, Mái đá Ốc, Mái đá Vàng, hang Ông Hay … có tuổi từ 10,000 năm đến 4.000 năm cách ngày nay. Như vậy, có thể kết luận, cửa đông động Tiên tức khu vực chính diện chùa Linh Cốc vốn từng là nơi cư trú của người Tiền sử từ rất sớm, cách nay hàng vạn năm. Đây là giai đoạn trước biển tiến. Sang giai đoạn biển tiến từ 7,000 đến 4,000 năm, nhóm cư dân tiền sử ở đây đã tiếp cận biển, khai thác biển và xác lập nên văn hóa biển ở vùng này. Sau 4,000 năm, biển rút, vùng Tràng An từ biển trở thành lục địa. Người Việt cổ vốn có mặt lâu đời ở đây bắt đầu dời hang ra khai phá các đồng bằng thấp ven biển cổ. Tại đây, Truyền thống sinh hoạt gắn liền với hang động vẫn được các cộng đồng cư dân trong khu vực duy trì. Biểu hiện qua việc tạo tượng, lập bia năm 1567. Cửa đông động Tiên trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người Việt từ xã Khôi Khê, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên thời Mạc cho đến ngày nay.
PHỤ LỤC ẢNH
Ảnh 1: Chùa Linh Cốc (Côi Khê, Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình) |
Ảnh 2: Bia Tân tạo Phật bi ở chùa Linh Cốc |
Ảnh 3: Bản dập bia Tân tạo Phật bi |
|
Ảnh 4: Dòng lạc khoản “Thuần Phúc tam niên ngũ nguyệt thập tam nhật” của bia Tân tạo Phật bi |
[1] Niên đại các năm Bính Dần và Đinh Mão sẽ được trình bày cụ thể trong mục 2
[2] Đinh Khắc Thuân, Văn bia thời Mạc, Nxb Hải Phòng, 2010, tr. 197 – 200.
[3] Đinh Khắc Thuân, Văn bia thời Mạc, Sđd, tr. 197.
[4] Đinh Khắc Thuân, Văn bia thời Mạc, Sđd, tr. 198.
[5] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử ký toàn thư, Tập 3, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 135.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 143.
[6] Lê Qúy Đôn, Đại Việt thông sử, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 387 – 388.
[7] Ban liên lạc họ Mạc, Hợp biên thế phả họ Mạc, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2001, tr. 103.
[8] Đinh Khắc Thuân, Văn bia thời Mạc, Sđd, tr. 197.
[9] Thuần Phúc và Sung Khang đều là niên hiệu của vua Mạc Mậu Hợp triều Mạc. Mạc Mậu Hợp trị vì đến năm 1592 thì nhường ngôi cho Mạc Toàn tức Vũ An Hoàng đế.
[10] Lê Qúy Đôn, Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 388.
[11] Ban liên lạc họ Mạc, Hợp biên thế phả họ Mạc, Sđd, tr. 103
[12] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử ký toàn thư, Tập 3, Sđd, tr. 124, 130, 136.
[13] Thế Pleistocene hay còn gọi là thế Cánh Tân có niên đại cách ngày nay 2,588+0,005 triệu năm.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.