- Đang online: 5
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 18183
- Tổng truy cập: 3,369,761
TÀI LIỆU HÁN NÔM VỀ VĨNH PHÚC VÀ NHÀ MẠC Ở VĨNH PHÚC 627
- 780 lượt xem
TÀI LIỆU HÁN NÔM VỀ VĨNH PHÚC
VÀ NHÀ MẠC Ở VĨNH PHÚC
PGS.TS. Đinh Khắc Thuân
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Chúng tôi giới thiệu ở đây tài liệu Hán Nôm về Vĩnh Phúc và nhà Mạc ở Vĩnh Phúc mà cụ thể là các tài liệu địa phương chí và văn bia của Vĩnh Phúc hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Tài liệu được viết bằng chữ Hán, lại rất nhiều, nên chúng tôi chọn dịch những phần liên quan đến Vĩnh Phúc ngày nay.
I. TÀI LIỆU ĐỊA PHƯƠNG CHÍ
A. ĐỊA GIỚI, DANH TÍCH
1. Địa giới1
Phủ Vĩnh Tường
Huyện Bạch Hạc
Huyện Bạch Hạc, đông giáp các xã Thụ Ích, Ích Minh huyện An Lạc; tây giáp sông Đáy, bên kia sông là các xã Sơn Bình, Đông Mật huyện Lập Thạch; nam giáp các xã Minh Châu, Tràng Độ, Kim Đê huyện Tiên Phong; bắc giáp các xã Sơn Tang, Lương Trù huyện An Lạc.
Huyện Tam Dương
Huyện Tam Dương, đông giáp các xã Thiện Kế, Quảng Bình huyện Bình Xuyên tỉnh Thái Nguyên và ba xã Tiên Hàng, Ngọc Canh, Hương Canh huyện Yên Lãng; tây giáp các xã Ngọc Kỳ, Liễn Sơn, Tịnh Luyện, Phù Liễn, Mạn Hạ huyện Lập Thạch; nam giáp các xã Trấn Yên, An Tiên, Hội Thượng huyện An Lạc; bắc giáp địa phận tỉnh Thái Nguyên lấy núi Tam Đảo làm ranh giới và các xã Hoàng La, Bằng Bí, Mẫn Hóa huyện Sơn Dương.
Huyện Lập Thạch
Huyện Lập Thạch đông giáp sông Đáy bên kia sông là xã Hoàng Vân huyện An Lạc và xã Hoàng Xá huyện Bạch Hạc; tây giáp sông Lô, bên kia sông là các xã Viên Quận, Hạ Hoàng Thượng, Hạ Nha, Nhượng Bộ, Bình Bộ; nam giáp sông Đáy, bên kia sông là các xã Bạch Hạc, Nghĩa An huyện Bạch Hạc và các xã An Lãm, Dữu Lâu, Lâu Hạ huyện Phù Ninh; bắc giáp các xã Phan Lương, Lương Viên, Gia Mông, Phú Nhiêu huyện Sơn Dương và các xã Lữ Lương, Tây Cố, Quan Nội, Đại Điền, Vạn Phẩm, Dương Chỉ huyện Tam Dương.
Phân phủ Vĩnh Tường
Huyện Yên Lãng
Huyện Yên Lãng, đông giáp xã Trạch Viên Nội huyện Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh và xã Đông Đồ huyện Kim Anh; tây giáp xã Đôn Hậu huyện Tam Dương và xã Lạc Ý huyện Yên Lạc, lại giáp các xã Xuân Lôi, Thiện Kế huyện Bình Xuyên tỉnh Thái Nguyên; nam giáp sông Nhĩ (Nhị) Hà, bên kia sông là các xã Bá Dương, Bồng Lai, Hữu Cước, Thượng Trì, Hạ Trì, An Nội, Hoàng Mạc, Thụy Hương, Đông Ngạc, Phú Xá huyện Từ Liêm tỉnh Hà Nội; bắc giáp các xã Đông Đồ, Xuân Hy, Thanh Tước, Lâm Hộ, Khả Do huyện Kim Anh tỉnh Bắc Ninh.
Huyện Yên Lạc
Huyện Yên (An) Lạc, đông giáp các xã Tây Xá, Kim Đà, Nam Cường, Cư An, Phú Mỹ, Can Thô huyện Yên Lãng; tây giáp các xã Lăng Trủng, Thế Trủng, Văn Trủng, Vu Thai, Thượng Trủng, Đồng Phú, Lũng Ngoại, Đồng Vệ, An Nhiên, Bích Đại, Nghĩa An, Thượng Lạp, Hoàng Xá Thượng, Hoàng Xá Hạ huyện Bạch Hạc, và xã Hạ Ích, Đại Lữ huyện Lập Thạch; nam giáp các xã Kiên Cương, Cẩm Trạch, Đại Tự, Nhật Chiêu, Vân Cốc, Duật Mịch, Đãng Vũ, Dương Cốc huyện Bạch Hạc và xã Hát Môn huyện Phúc Thọ, lại giáp với các xã An Trung, Thiên Mạc, La Thạch, Địch Vi huyện Đan Phượng, lại giáp với các xã Hạ Mỗ, Bá Dương huyện Từ Liêm Hà Nội; bắc giáp với các xã Lý Hải, An Lãng, Hợp Lễ, Vị Nội huyện An Lãng, và các xã Tích Sơn, Quyết Trung, Nhân Ngoại, Linh Thâm huyện Yên Lãng, lại giáp với các xã Hạ Đạo, Đạo Trù, An Lạp, Man Hạ huyện Lập Thạch.
2. Thành trì2
Phủ Vĩnh Tường
Thành của phủ nguyên đặt ở địa phận xã Văn Trưng huyện Bạch Hạc do phủ kiêm lý, năm Minh Mệnh 12 (1831) di chuyển xây ở địa phận 3 xã Bồ Điền, Huy Ngạc, An Nhiên. Thành đắp bằng đất chu vi tổng cộng dài 271 trượng 6 thước, mặt thành rộng 8 thước, chân thành rộng 1 trượng 5 thước, bên ngoài cao 7 thước 2 tấc, bên trong cao 4 thước. Xung quanh thành có hào nước tổng cộng dài 288 trượng 6 thước, mặt hào rộng 4 trượng 5 thước, 4 góc hào đều rộng 7 trượng 5 thước, sâu 5 thước.
Ở về phía đông tỉnh thành 45 dặm. Từ đông sang tây cách 57 dặm. Từ nam đến bắc cách 32 dặm. Kiêm lý huyện Yên Lãng, cai quản hai huyện Yên Lạc và Bình Xuyên. (Xét huyện Yên Lạc vào năm Minh Mệnh 13 (1832) đã thuộc về phủ Vĩnh Tường. Từ đó đến nay tất cả công văn chỉ thấy biên ở phủ Vĩnh Tường. Hoặc do thay đổi sáp nhập vào năm nào đó, hoặc do nhầm lẫn đã lâu. Hãy tạm y theo Nhất thống chí để bị khảo).
Thành huyện Yên Lãng
Ở xã Trung Hậu (tạo lệ sở tại). Từ đông sang tây cách 19 dặm. Từ nam đến bắc cách 32 dặm. Phía đông đến địa giới huyện Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh là 2 dặm. Phía tây đến địa giới huyện Yên Lạc là 17 dặm. Phía nam đến địa giới huyện Từ Liêm tỉnh Hà Nội bên kia sông Bạch Hạc là 11 dặm. Phía bắc đến địa giới huyện Kim Anh tỉnh Bắc Ninh là 20 dặm. Bốn mặt có thành đất cao 8 thước, chu vi 40 trượng. Pháo đài cao14 thước, bên trong có một công đường, một tư thất, một quân xá và một nhà tù (thiếu học xá). Xét, thành nguyên ở xã Mạch Long. Niên hiệu Minh Mệnh 13 (1832) dời về lỵ sở hiện nay. Niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất (1883) dời đến trú ở các xã Văn Quán, Yên Nhân. Niên hiệu Thành Thái 4 (1892) được lệnh cho tu sửa lại.
Thành huyện Yên Lạc
Lỵ sở của huyện trước đây đặt ở xã Xa Mạc, năm Minh Mệnh 12 (1831) chuyển đến xã Vĩnh Mỗ tổng Đông Lỗ. Lỵ sở trồng tre làm lũy, chu vi tổng cộng là 137 trượng 3 thước 6 tấc.
Ở xã Vĩnh Mỗ (tạo lệ sở tại) cách phân phủ về phía tây 35 dặm. Từ đông sang tây cách 38 dặm, từ nam đến bắc cách 30 dặm. Phía đông đến địa giới huyện Yên Lãng là 17 dặm Phía nam đến địa giới các huyện Lập Thạch, Bạch Hạc là 22 dặm. Phía nam đến địa giới huyện Phúc Thọ là 7 dặm. Phía bắc đến địa giới huyện Tam Dương là 22 dặm. Xung quanh có thành cao 2 thước, bên ngoài trồng lũy tre. Chu vi 139 trượng. Phía đông thành đặt một pháo đài cao 14 thước. Bên trong thành có một công đường 5 gian, một quân xá 3 gian (đều là nhà ngói). Tư xá 5 gian (nhà lá). Xét, thành nguyên ở xã Đông Mạc, niên hiệu Minh Mệnh 11 (1830) mới dời về lỵ sở hiện nay.
Huyện Tam Dương
Lỵ sở của huyện trước đây do phủ Đoan Hùng kiêm lý, năm Gia Long 7 (1808) sửa đổi do phủ tổng quản, huyện lỵ đặt ở địa phận xã Tích Sơn. Lỵ sở đắp đất làm lũy bên ngoài trồng tre làm hàng rào, chu vi tổng cộng là 52 trượng, cao 2 trượng nay vẫn như thế.
Thành huyện Bình Xuyên
Ở xóm Ái Liên xã Sơn Lôi, cách phân phủ về phía nam 31 dặm. Từ đông sang tây cách 31 dặm, từ nam đến bắc cách 28 dặm. Phía tây địa giới huyện Yên Lạc là 16 dặm. Phía nam đến địa giới huyện Yên Lãng là 20 dặm. Phía bắc đến địa giới huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên là 8 dặm. Thành đắp bằng đất, cao 6 thước, chu vi 80 trượng, mặt trước có một hào sâu và rộng. Góc tây bắc thành dựng một pháo đài cao hơn 10 thước. Bên trong làm công đường tư thất, quân xá, nhà tù, mỗi loại một nhà (đều là nhà lá). Xét, thành nguyên ở thôn Đức Cung xã Linh Sơn. Niên hiệu Tự Đức 14 (1861) dời đến xã Cao Quang (di chỉ vẫn còn). Năm thứ 27 (1874) do bị đốt trụi nên phải tạm trú ở các xã Xuân Hòa, Hiển Lễ. Niên hiệu Thành Thái thứ 2 (1890) đổi đến đặt ở lỵ sở hiện nay.
Huyện Lập Thạch
Lỵ sở của huyện nguyên đặt ở địa phận xã Sơn Đông trồng tre làm hàng rào chu vi tổng cộng dài 64 trượng.
3. Cổ tích
Cổ lũy của Trưng Vương: Tại địa phận xã Cư An huyện Yên Lãng. Lũy có hai cái cách nhau khoảng một tầm tên bắn di tích đến nay vẫn còn.
Nguyễn Gia loan: còn có tên là Độc Nhĩ sơn hoặc Biện Sơn, tại địa phận xã Vĩnh Mỗ huyện Yên Lạc, nơi đất bằng nhô cao có một gò đất hình như con voi nằm, phía dưới có đầm sâu, sứ quân Nguyễn Khoan chiếm cứ Tam Đới đóng đô ở đây, nhân đó mà đặt tên là ngọn Nguyễn Gia.
Đền Hậu Lý Nam Đế: Đền ở xã Hương Nha huyện Yên Lạc. Ông họ Lý húy là Phật Tử, là tướng trong gia tộc của Tiền Lý Nam Đế, khởi binh diệt Triệu Quang Phục, lên ngôi vua, thiên đô đến Phong Châu. Tương truyền nhà vua chính là người xã này. Sau khi ông mất dân chúng lập đền thờ cúng. Vào năm Thiệu Trị 6 (1846) được ban sắc tặng là Hồng Chiêm Phổ Huệ Thông Huyền Xung Tuệ Tịnh Xá Lỵ Lý Thượng đẳng thần. Năm Tự Đức 3 (1850) bộ Lễ làm tập tâu nghị bàn: xin đổi là Hậu Lý Nam Đế, đã được ban cấp sắc chỉ để thờ phụng.
Đền Tam Đảo: Tại xã Sơn Đình huyện Tam Dương không rõ được xây dựng vào năm nào, tượng đồng đến nay vẫn còn như mới. Tương truyền nước ta thời thuộc Minh, có người ở đất Thái Nguyên họ Lưu tên là Chú cùng cậu là Phạm Cuồng đi bán dầu ban đêm ngủ nhờ trong đền nghe thần nói chuyện với nhau biết rằng Lê Thái Tổ sẽ lên làm vua, bèn đi theo khởi nghĩa. Về sau họ trở thành công thần được phong là Quốc công. Nhà vua cho rằng thần hiển linh trợ giúp liền phong cho làm Trụ quốc Thái phu nhân Thượng đẳng tối linh thần. Vào các năm Minh Mệnh, Thiệu Trị nhiều lần ban sắc phong tặng là Trấn An Trợ Thuận Trùng Tam Đảo Trụ Quốc Thái phu nhân chi thần.
Đền Lý Hải: Tại xã Lý Hải huyện Yên Lãng, thần họ Nguyễn húy là Duy Tường người xã Lý Hải. Ông đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận triều Lê (1511) làm quan đến chức Tham Chánh ty Thừa Chánh sứ. Niên hiệu Quang Thiệu (1527), họ Mạc nắm ngôi, ông chỉ huy hương binh chống lại, thua trận đã tự vẫn chết. Thời Lê Trung hưng được khen thưởng ghi vào sổ tiết nghĩa phong là Thượng đẳng phúc thần. Năm Thiệu Trị 6 (1846) được ban sắc tặng là Tuấn Lương Lượng Trực Lê triều Tân Mùi khoa Đệ Nhị giáp Nguyễn Tiến sĩ thụy Nhã Trực chi thần.
Đền Thiên Lộc: Tại xã Thiên Lộc huyện Yên Lãng. Thần họ Lê húy là Vô Cương người xã Thiên Lộc, đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận triều Lê (1511), làm quan đến chức Tả Thị lang bộ Lễ. Nhà Mạc nắm ngôi, ông theo Chiêu Tông chạy vào Thanh Hóa, thì bị bắt liền tự vẫn chết. Thời Lê Trung hưng được khen thưởng, ghi danh vào sổ tiết nghĩa phong là Trung đẳng phúc thần. Năm Minh Mệnh, Thiệu Trị được ban sắc tặng là Uy Nghĩa Phong Nhã Cảnh Lượng Lê triều Lễ bộ Tả Thị lang Lê Tiến sĩ thụy Duệ Trực chi thần.
B. QUẬN HUYỆN BỊ KHẢO3
Phủ Vĩnh Tường
Vĩnh Tường thời cổ tiếp giáp với đất Phong Châu, cũng gọi là Phong Châu. Thời Sứ quân Nguyễn Khoan là đất Tam Đới. Triều Lý gọi là thành Tam Giang. Triều Trần gọi là lộ Tam Giang. Niên hiệu Vĩnh Lạc nhà Minh gọi là châu Tam Đới. Thời Lê sơ gọi là phủ Tam Đới. Nguyên thuộc hạt có 6 huyện là Bạch Hạc, Lập Thạch, Yên Lãng, Yên Lạc, Tiên Phong, Tam Nông. Khoảng thời Cảnh Hưng, tách huyện Tiên Phong ra đổi thuộc về phủ Quảng Oai cai quản.
Thời Gia Long triều ta vẫn theo như vậy. Niên hiệu Minh Mệnh 2 (1821), đổi phủ Tam Đới thành phủ Tam Đa. Đến năm thứ 3 (1822) đổi Tam Đa thành phủ Vĩnh Tường. Tên gọi Vĩnh Tường bắt đầu từ đó. Năm thứ 11 (1830), tách huyện Tam Nông ra đổi thuộc về phủ hạt Gia Hưng tỉnh Hưng Hóa. Lại tách huyện Phù Ninh ra đổi thuộc về phủ Đoan Hùng cai quản, đồng thời đem huyện Tam Dương nguyên thuộc phủ Đoan Hùng, đổi nhập vào phủ này. Năm thứ 13 (1832) lại tách hai huyện Yên Lãng, Yên Lạc ra đặt thành phân phủ Vĩnh Tường, phủ này kiêm lý Bạch Hạc, cai quản Lập Thạch và Tam Dương. Phân phủ kiêm lý Yên Lãng, cai quản Yên Lạc. Thời Tự Đức vẫn theo như vậy, phủ này quản lĩnh 3 huyện, phân phủ quản lĩnh 2 huyện.
Huyện Tam Dương
Tam Dương từ thời Lý – Trần trở về trước thuộc đất Tam Đới. Niên hiệu Quang Hưng thứ 16 thời Lê (1593) Việt Quốc công chiếm huyện Tam Dương. Tên gọi Tam Dương bắt đầu từ đó. Sau Trung Hưng, tách đất này ra đổi nhập vào phủ Đoan Hùng kiêm lý. Niên hiệu Gia Long 7 (1808) triều ta, đổi thành trị sở của huyện, vẫn theo như cũ cai quản. Niên hiệu Minh Mệnh 11 (1830) đổi thuộc về phủ này cai quản. Huyện lỵ đặt ở địa phận xã Tích Sơn. Nguyên cũ phủ Đoan Hùng kiêm lý. Thời Gia Long đổi thành phủ cai quản. Chu vi 55 trượng. Huyện cách phía đông nam phủ 26 dặm. Khoảng cách từ đông sang tây là 29 dặm, từ nam lên bắc là 31 dặm. Phía đông đến địa giới huyện Bình Xuyên thuộc tỉnh Thái Nguyên là 16 dặm, giáp các xã Thiện Kế, Quảng Bình. Phía tây đến địa giới huyện Lập thạch là 13 dặm, giáp các xã Liễn Sơn, Phù Liễn. Phía nam đến địa giới huyện Yên Lạc là 5 dặm, giáp các xã Hội Thượng, Trấn Yên. Phía bắc đến địa giới huyện Đại Từ thuộc tỉnh Thái Nguyên và địa giới huyện Sơn Dương là 26 dặm, giáp các xã Hoàng La, Mẫn Hóa. Thuộc hạt có 7 tổng, 65 xã thôn trang trại.
Huyện Lập Thạch
Lập Thạch từ thời Lý – Trần trở về trước, không rõ tên gọi là gì. Từ niên hiệu Kiến Gia thứ 2 thời Trần Thiếu đế (1212) có giặc cướp là Nguyễn Áng tụ tập ở đây. Thiếu đế sai tướng đến đánh dẹp, dựng đá ghi công mà về, nhân đó mà gọi là Lập Thạch. Tên gọi Lập Thạch bắt đầu từ đây. Nguyên thuộc phủ Vĩnh Tường cai quản. Triều ta vẫn theo như vậy.
Trị sở của huyện nguyên đặt ở địa phận xã Sơn Đông. Khoảng cách từ đông sang tây là 20 dặm, từ nam đến bắc là 38 dặm. Phía đông đến địa giới hai huyện Yên Lạc, Bạch Hạc là 7 dặm, giáp các xã Hoàng Xá, Hoàng Vân. Phía tây đến địa giới huyện Phù Ninh bên kia bờ sông Lô là 13 dặm, giáp các xã Hạ Hoàng, Bình Thiệp. Phía nam đến địa giới huyện Bạch Hạc là 6 dặm, giáp các xã Phan Lương, Phú Nhiêu. Thuộc hạt có 11 tổng 82 xã, thôn.
Huyện Yên Lãng (phân phủ Vĩnh Tường kiêm lý)
Yên Lãng thời cổ thuộc đất Phong Châu. Vào thời Hán thuộc quận Giao Chỉ, gọi là huyện Mê Linh. Niên hiệu Kiến Gia thứ 8 thời Hán Hiến đế, đổi đặt là Giao Châu, gọi là huyện Chu Diên. Thời Tấn đặt quận Vũ Bình gồm 7 huyện lại gọi là Phong Khê, đều là đất của Yên Lãng. Trải các đời đều theo như vậy. Đến khoảng niên hiệu Hồng Đức, đổi gọi là huyện Yên Lãng. Cái tên Yên Lãng bắt đầu từ đấy, nguyên thuộc phủ Vĩnh Tường cai quản. Thời Gia Long triều ta vẫn theo như vậy, niên hiệu Minh Mệnh 13 (1832) đổi thuộc về phân phủ Vĩnh Tường kiêm lý.
Trị sở của huyện nguyên đặt ở xã Tráng Việt. Sau đổi đến xã Mạch Lũng, rồi lại dời đến xã Trung Hậu thuộc địa phận tổng Thiên Lôi. Niên hiệu Minh Mệnh 13 (1832), đặt làm phân phủ, chu vi lỵ sở là 112 trượng. Huyện do phân phủ kiêm lý. Từ đông sang tây cách 23 dặm, từ nam đến bắc cách 33 dặm. Phía đông đến địa giới huyện Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh là 5 dặm, giáp các xã Đôn Hậu, Lạc ý. Phía nam đến địa giới huyện Từ Liêm là 12 dặm, giáp các xã Bồng Lai, Hữu Cước. Phía bắc đến địa giới huyện Kim Anh tỉnh Bắc Ninh là 21 dặm, giáp các xã [18b] Đông Đồ, Thanh Tước. Thuộc hạt có tất cả là 9 tổng, 66 xã, thôn.
Huyện Yên Lạc
Tên huyện Yên Lạc bắt đầu có vào khoảng thời Hồng Đức. Niên hiệu Gia Long triều ta vẫn theo như vậy. Nguyên thuộc phủ Vĩnh Tường cai quản. Niên hiệu Minh Mệnh 13 (1832) đổi thuộc về phân phủ Vĩnh Tường cai quản.
Trị sở của huyện nguyên ở xã Sa Mạc. Niên hiệu Minh Mệnh 11 (1830) dời đến địa phận xã Vĩnh Mỗ tổng Đông Lỗ. Chu vi 122 trượng. Huyện cách phía nam phân phủ 37 dặm. Từ đông sang tây cách 34 dặm. Từ nam đến bắc cách 32 dặm. Phía đông đến địa giới huyện Yên Lãng là 19 dặm, giáp các xã Nam Cường, Phú Mỹ. Phía tây đến địa giới hai huyện Bạch Hạc, Lập Thạch là 15 dặm, giáp các xã Văn Trưng, Thượng Trưng và Hạ Ích, Đại Lữ. Phía nam đến địa giới huyện Phúc Thọ là 10 dặm, giáp xã Hát Môn. Phía bắc đến địa giới huyện Tam Dương là 22 dặm, giáp các xã Tích Sơn, Nhân Ngoại, thuộc hạt có tổng cộng 14 tổng 110 xã châu phường vạn.
C. ĐỊA DANH HÀNH CHÍNH4
Phủ Vĩnh Tường
Huyện Bạch Hạc (nay thuộc tỉnh Phú Thọ, nên lược bớt)
Huyện Tam Dương;
1. Tổng Định Trung: Xã Định Trung (làng Quyết Trung), xã Xuân Trường (làng Dăm), xã Đôn Hậu (làng Hạ), xã Nhân Mĩ (làng Mẽ), xã Hán Nữ (làng Nẫm), xã Đạo Hoằng (làng Oản), xã Khai Quang (làng Hoa), xã Cổ Hoằng (trước là Cổ Độ – làng Hoằng), xã Bảo Sơn (làng Biều), xã Tích Sơn (làng Tiếc).
2. Tổng Miêu Duệ: Xã Miêu Duệ (làng Lãng), thôn Miêu Duệ Hạ (làng Ngô), xã Cửu An, thôn Dị Nậu, thôn Dị Nậu Thượng (Má Thượng), thôn Dị Nậu Hạ (Má Hạ), xã Thê Đồng (làng Lâu Hà), xã Bảo Phác (làng Lâu Hà), xã Hữu Thủ, xã Hạ Nậu (làng Hà).
3. Tổng Quan Ngoại: Xã Quan Ngoại (làng Tranh), xã Khang Nội, xã Quan Nội (làng Đài), xã Quan Đình, thôn Xuân Mẫu, thôn Xuân Quang (làng Quăng), thôn Xuân Trù, thôn Lý Nhân (làng Mạ), xã Đại Điền, xã Vạn Phẩm (làng Vả), xã Sơn Đình, xã Đông Lộ,
4. Tổng Tam Lộng: Xã Tam Lộng, Hương Vị, Gia Do, Xạ Hưng (làng Xạ Hung), Xuân Quang (Quang Hà), Nga Hoàng, Lưu Quang (Lâm Quang), Trung Hậu (làng Đạo Ngữ).
5. Tổng Hoàng Xuyết: Xã Hoàng Xuyết, xã Hoàng Vân, xã Thủ Lâu (Lục Lâu), xã Duy Hàn, xã Phú Vinh (làng Đình Hạp), thôn Mai Nham (thôn Mọi), xã Đan Trì.
6. Tổng Hội Thượng: Xã Hội Thượng (làng Gồi), xã Thụy Sơn, xã Tiên Nga, xã Tiên Hội, xã Trấn Yên (làng Rau Má), xã Đông Đạo (làng Rỗ Động), xã Tiên Sơn.
7. Tổng Đạo Tú: Xã Đạo Tú, xã Long Trì, xã Cẩm Trạch, xã Lai Sơn, xã Thụy An, xã Thanh Vân (làng Vườn).
8. Tổng An Dương: Xã An Dương (kẻ Hương), xã Đạo Trù, thôn Lục Liễu, thôn Phán Lân, xã Vĩnh Ninh, xã Bồ Lý, thôn Trung Bị, thôn Chiêu Bị, xã An Đạo, ấp Vĩnh Điện.
9. Tổng Bình Hòa: Xã Bình Hòa, thôn Yên Hòa, xã Hướng Đạo (làng Hạ Đạo), thôn Tiên Trù (làng Chùa), xã Yên Lập (làng Lạp), xã Bảo Chúc, xã Điền Trù (làng Quế), xã Yên Hạ (làng Man), thôn Lương Điền, thôn Hương Đình, thôn Ngọc Thạch, thôn Phương Lâu, xã Hướng Đạo, xã Yên Thượng (làng Man Hạ), thôn Đô Cối, thôn Đô Kỳ, thôn Xóm Đồi, thôn Xóm Nhạn.
10. Tổng Phương Canh: Xã Phương Canh (trước là Hương Canh) (làng Cánh), xã Ngọc Canh (làng Cánh), xã Tiên Canh (làng Cánh), xã Ngoài Đầm, xã Vị Trù (làng Ngà), xã Vị Thanh (làng Vị), xã Quất Lựu (làng Quất), xã Nội Phật (làng Nội).
11. Tổng Tranh Luyện: Xã Tranh Luyện (làng Diện), thôn Thúy Lựu, xã Phần Thạch, xã Lũng Hữu (làng Lũng Niết), thôn Tiêu Lộng (thôn Sống), xã Phù Liễn, xã Tần Lũng, thôn Bạn Lương.
Huyện Lập Thạch (Huyện Cởi)
1. Tổng Bạch Lựu: Xã Bạch Lựu Hạ (làng Nội), xã Bạch Lựu Thượng (làng Mật), xã An Thiết, xã Quang Viễn, xã Hải Lựu,
2. Tổng Đông Mật: Xã Đông Mật, thôn Lũng Đông, thôn Phú Hậu (làng Chợ Phó), xã Sơn Đông, thôn Phú Thị, xã Cương Đông, xã Triều Đông.
3. Tổng Sơn Bình: Xã Sơn Bình, xã Phồn Dư (Hạ Dư), xã Phồn Tức, xã Lai Thù, xã Triệu Xá, xã Đại Đê (làng Do), phường Đại Đê (Giáo Phường).
4. Tổng Hạ Ích: Xã Hạ Ích, xã Xuân Đán, xã Xuân Lôi, xã Đại Lữ, phường Thụ Ích, xã Tiên Lữ, xã Hoàng Chung.
5. Tổng Thượng Đạt: Xã Thượng Đạt (làng Quen), xã Ngọc Liễn, xã Bàn Giản, xã Thản Sơn, xã Liễn Sơn, thôn Quảng Khổn, thôn Lương Lỗ.
6. Tổng Tử Du: Xã Tử Du, xã Gia Hòa, thôn Lộng Điền, xã Bồ Tỉnh, xã Thạc Trục, thôn Ý Mô, xã Ngọc Kỳ, xã Bản Lập, xã Xuân Trạch, thôn Hương Hạng, xã Vân Tán, xã Bản Hậu, xã Tiên Định, xã Vân Nhưng, xã Vân Trục, thôn Tây Trù.
7. Tổng Yên Xá: Xã Yên Xá, xã Đức Bác (làng Lạp), xã An Tĩnh (làng Ân), thôn Bình Nhiệt, xã Yên Lương, xã Thiều Xuân (làng Nước), xã Lập Thạch (làng Bạch), xã Yên Lập (làng Dạng), xã Thượng Yên (Thượng Phồn).
8. Tổng Đạo Kỷ: Xã Đạo Kỷ, xã Nô Sơn (làng Đọ), thôn Thạch Lương, xã Văn Thạch, xã Quế Nham, xã Sơn Cầu, xã Lạc Sơn, xã Bình Sơn, xã Thụy Sơn, xã Đồng Thị, xã Thụy Điền, xã Cẩm Bình, xã Quế Trạo, xã Ân Hộ (làng Hộ), thôn Nô Điền, thôn Ngu Nham.
9. Tổng Nhân Mục: Xã Nhân Mục (làng Lạn), xã Đạo Nội, xã Lãng Sơn, thôn Quảng Duệ, xã Phương Ngạc, xã Nhân Lạc, xã Khoan Bộ, xã Đôn Mục.
10. Tổng Hoàng Chỉ: Xã Hoàng Chỉ, xã Quảng Cư, xã Tùy Sơn, xã Nghệ Uyển, xã Yên Thích, xã Dương Chỉ, xã Bằng Chỉ, xã Bỉnh Di, xã Yên Mĩ.
11. Tổng Đại Lương: Xã Đại Lương, xã Liên Hồ (làng Đầm), thôn Nghĩa Ngoại, xã Hữu Phúc, xã Ngọc Hà, xã Tây Định, xã Bắc Bình, thôn Lũng Hữu – Ngọc Hà.
Phân phủ Vĩnh Tường
Huyện Yên Lãng
1. Tổng Thạch Đà: Xã Thạch Đà (làng Chợ), xã Hoàng Xá, xã Văn Quán, xã Tây Xá, xã Đông Cao, xã Phú Lộc, xã Khê Ngoại,
2. Tổng Hạ Lôi: Xã Hạ Lôi, xã Liễu Trì, xã Đại Bối, xã Đường Lệ, xã Cư An, xã Nam Cường, xã Nội Đông, xã Văn Lôi.
3. Tổng Bạch Ninh: Xã Bạch Ninh, xã Đạm Nội (làng Áng), xã Đạm Xuyên (làng Áng), xã Phú Mĩ (làng Chặt), xã Tháp Miếu, xã Thịnh Kỷ, xã Kim Giao (trước là Kim Thanh), phường Đại Phùng, phường Thái Lai.
4. Tổng Tháp Mai: Xã Tháp Mai, xã Đại Độ (Hối Độ), xã Đại Đồng (Hối Đồng), xã Mai Châu, xã Mạch Lũng (làng Nhuệ).
5. Tổng Đa Lộc: Xã Đa Lộc, xã Hậu Dưỡng (làng Dưỡng), xã Trung Hậu, xã An Nhân, xã Do Nhân, xã Trang Việt, thôn Trang Việt (làng Tráng), thôn Trang Điệp, Lân Cổ Nhuế (làng Nuôi).
6. Tổng Hải Bối: Xã Hải Bối (làng Bối), xã Uy Nỗ Hạ, xã Đồng Nhân, xã Tàm Xá, xã Thọ Đa, xã Yên Hà, xã Cổ Điển.
7. Tổng Võng La: Xã Võng La, xã Công Ngư, xã Canh Tác, xã Canh Vân.
8. Tổng Đông Mạc: Xã Xa Mạc (làng Vàng), xã Bồng Mạc, xã Yên Mạc, xã An Bài.
Huyện Yên Lạc (Huyện Cười)
1. Tổng Đông Lỗ: Xã Đông Lỗ, xã Vĩnh Mỗ (làng Cười), xã Trung Nguyên, xã Lạc Trung, xã Tề Lỗ (làng Lạc), xã Phượng Trì, xã Tiên Mỗ, xã Lỗ Yên.
2. Tổng Thư Xá: Xã Thư Xá, xã Đồng Tâm (làng Dâm), xã Đông Mẫu, xã Nho Lâm, xã An Nghiệp, xã Lũng Xuyên Thượng, xã Lũng Xuyên Hạ, xã Lâm Xuyên, xã An Tâm (làng Dăm), xã Bình Lâm.
3. Tổng Phương Nha: Xã Phương Nha, xã Đinh Xá, xã Thụ Ích (làng Ích), xã Phú Phong, xã Trung Nha, xã An Thư, xã Dân Trù (làng Chùa), xã Ích Bằng (trước là Ích Minh), xã Phương Trù.
4. Tổng Thọ Lão: Xã Thọ Lão (Làng Già), xã An Lão Thị, xã An Lão Giáp, xã Mạnh Lân, xã Nội Hộ (làng Nội), thôn An Nội, thôn Thượng – xã An Nội, xã Chu Trần, xã Thanh Điềm, xã Kỳ Đồng.
5. Tổng Xuân Đài: Xã Xuân Đài, xã Nghênh Tiên, xã Tiên Đài, xã Vân Đài (trước là Quan Đài).
6. Tổng Hội Hạ: Xã Hội Hạ, xã Vân Hội, xã Báo Văn, xã Yên Lạc, xã Đồng Lạc, xã Ốc Trù, xã Lão Sơn, xã Hùng Vĩ.
7. Tổng Hồn Ngạc: Xã Hồn Ngạc, xã Lạc Ý, xã Đồng Cương, xã Dịch Đồng, xã Thụy Cốc, xã Cốc Lâm, xã Thụy Trung, xã An Quán.
8. Tổng Lưỡng Quán: Châu Lưỡng Quán, châu Trung Hà, châu Yên Ổn Nội, châu Yên Ổn Ngoại, thôn Mai Khê, châu Sa Khoát, châu Phần Sa.
9. Tổng Phương Quan: Xã Phương Quan, xã Nại Tử, xã Châu Phan, phường Gia Lư, xã Nại Tử Châu, xã Sa Khúc.
10. Tổng Xuân Lãng: Xã Xuân Lãng (làng Láng), xã Yên Lan, xã Lý Hải, xã Mộ Đạo, xã Hợp Lễ, xã Can Bì, xã Yên Lỗ.
D. ĐĂNG KHOA KHẢO5
Huyện Yên Lãng
Tổng số người thi đỗ là 22 người: 1 người đỗ Thám hoa; 6 người đỗ Hoàng giáp; 15 người đỗ Đồng Tiến sĩ.
– Đời Tiền Lê Trung hưng thi đỗ 10 người (lược).
– Đời Mạc thi đỗ 5 người.
– Thời Hậu Lê Trung hưng thi đỗ 7 người (lược).
Nguyễn Hoằng Xước: người xã Lý Hải. Năm 37 tuổi thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính 9 (1538), đời vua Mạc Đăng Doanh. Làm quan đến chức Đề hình Giám sát Ngự sử. Là con trai Nguyễn Duy Tường; là cha của Thế Tử; là cao tổ của Quang Luân.
Nguyễn Tử Khải: người xã Thiên Biều; nay đổi là xã Thiên Lộc. Thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa 1 (1541), đời vua Mạc Phúc Hải. Làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Nguyễn Công Tộc: người xã Cổ Tốn; nay đổi là xã Cổ Điển. Thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Quí Sửu, niên hiệu Cảnh Lịch 6 (1553), đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan đến chức Hàn lâm viện Kiểm thảo, tước Cẩm Đường bá.
Nguyễn Công Phụ: người xã Lý Hải. Năm 40 tuổi thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Tân Mùi, niên hiệu Sùng Khang 6 (1571), đời Mạc Mậu Hợp. Làm quan chức Tham chính.
Nguyễn Thế Thủ: người xã Lý Hải. Năm 54 tuổi thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất, niên hiệu Đoan Thái 2 (1587), đời Mạc Mậu Hợp. Nhà Mạc mất, lại theo nhà Lê. làm quan chức Tham chính. Là cháu Nguyễn Duy Tường; là con trai Hoằng Xước; là tằng tổ của Quang Luân.
Huyện Yên Lạc
Thi đỗ 19 người: đỗ Bảng nhãn 1 người, đỗ Thám hoa 1 người, đỗ Hoàng giáp 2 người, đỗ Đồng Tiến sĩ 15 người.
Tạ Hiển Đạo: người xã Đinh Xá. Thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, đời Mạc Phúc Hải, niên hiệu Quảng Hòa 4 (1554). Làm quan đến chức Hiến sát sứ; tước Quảng Xuyên bá.
Phạm Du: người xã Tiên Mỗ. Đỗ Nhất giáp Tiến sĩ Đệ Nhị danh khoa Đinh Mùi, đời Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Vĩnh Định 1 (1547). Làm quan đến chức Tả Thị lang bộ Binh; tước Nghi Tuyền bá.
Dương Đôn Cương: người xã Vĩnh Mỗ. Năm 22 tuổi đỗ Nhị giáp Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, đời Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Vĩnh Định 1 (1547). Làm quan đến chức Tả Thị lang bộ Hình; tước Đạm Giang bá. Là cháu Dương Tĩnh.
Lê Hiến: người xã Thụ Ích. Nhất cử, đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Canh Tuất, đời Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Cảnh Lịch 3 (1550). Làm quan đến chức Tả Thị lang kiêm Đông các Đại Học sĩ; là cháu Lê Ninh.
Nguyễn Tự Cường: người xã Lan Mộ. Thi Hương đỗ Giải nguyên. Năm 46 tuổi thi đỗ Hội nguyên khoa Giáp Tuất, đời Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Sùng Khang 9 (1574). Thi Đình được ban đỗ Nhị giáp Tiến sĩ. Làm quan đến chức Thừa Chánh sứ.
Vũ Hoằng Tổ: người xã Vân Ổ. Năm 41 tuổi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Canh Thìn, đời Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Diên Thành 3 (1580). Khi nhà Mạc đổ, liền theo nhà Lê. Làm quan đến chức Tham chính.
Huyện Lập Thạch
Thi đỗ 23 người: đỗ Hoàng giáp 4 người; đỗ Đồng Tiến sĩ 18 người; đỗ Minh kinh 1 người.
– Thời Tiền Lê Trung hưng thi đỗ 18 người.
– Đời Mạc thi đỗ 5 người.
Hà Sĩ Vọng: người xã Bình Sơn. Năm 22 tuổi, thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Ất Mùi, đời Mạc Đăng Doanh, niên hiệu Đại Chính 6 (1535). Làm quan đến chức Hữu Thị lang bộ Lễ, tước Tuy Lộc bá. Tặng Tả Thị lang, tước hầu. Là anh trai Hà Sĩ Đại.
Vũ Doãn Tư: người xã Sơn Đông. Thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Tân Sửu, đời Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Quảng Hòa 1 (1541). Làm quan đến chức Tả Thị lang bộ Lại, tước Sơn Đông bá.
Phạm Phi Hiển: người xã Tịnh Luyện. Thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Tân Sửu, đời Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Quảng Hòa 1 (1541). Làm quan đến chức Phó Đô Ngự sử, tước Tào Khê hầu.
Đào Thái: người xã Liễn Sơn. Thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Canh Tuất, đời Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Cảnh Lịch 3 (1550). Làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Hà Sĩ Đại: người xã Bình Sơn. Năm 49 tuổi, thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Giáp Thân Người xã Sơn Đông. Thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Giáp Thân (Thìn), đời Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Sùng Khang 9 (1574). Làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ; có làm tập thơ Lê triều túc vịnh thi tập. Là em trai Hà Sĩ Vọng.
II. VĂN BIA THỜI MẠC6
1. TRÙNG TU TRÍ THẠCH TỨ KIỀU BI MINH
Bia chùa Hương Sơn, huyện Phù Ninh, tỉnh Vĩnh Phúc. No 9841-2.
Bia 2 mặt, khổ 0,62 x 1,04m, 37 dòng, khoảng 800 chữ, mờ nhiều. Có chữ Nôm ghi tên xứ đồng. Chạm mặt trời tua mây, dây leo. Bia dựng năm Quảng Hòa thứ 3 (1543).
Dịch nghĩa:
Bia ghi việc trùng tu dựng 4 trụ đá cầu
Lời tựa và bài minh về việc trùng tu dựng 4 trụ đá cầu.
Thường nghe: Cái sở tạo của trời đất là sông núi vững bền mãi…
Nay có vị Trung úy, lão Nguyễn Tử Vinh tự Thiện An, vợ là Nguyễn Thị Trữ… (?) vào ngày 15 tháng giêng mùa xuân năm Quảng Hòa thứ 2 (1542) thấy cổ tích này: Vốn là cầu gỗ, nước chảy xiết bốn mùa, trụ gỗ hư hỏng. Ông bà liền vận động mọi người đồng tâm hiệp lực dựng lại cầu…
Tín thí: Xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh: Phó tướng Nguyễn Hữu Trinh. Xã chính Nguyễn Văn Bảng. Tổng chính Nguyễn Đình Tứ. Xã sử Nguyễn Đình Tộ.
Thượng thọ Nguyễn Khánh Thanh, Nguyễn Ý, Nguyễn Bá, Nguyễn Công, Nguyễn Đức, Nguyễn Hạc, Nguyễn Khánh, Nguyễn Nãi, Nguyễn Vân, Đặng Cấn, Nguyễn Phúc, Nguyễn Công Lộ, Nguyễn Văn Quyến, Đỗ Kiên, Nguyễn Khắc Niệm, Nguyễn Trinh tướng sĩ lang, Nguyễn Phúc Tiên, …
Sãi vãi Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Vượng…
Nguyễn Văn Liễn, Quang tiến trấn quốc đại tướng quân tả Kiểm điểm, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy sứ và vợ là Nguyễn Thị Xuân tín thí sinh ty (tơ sống) trị giá 10 lượng. Nguyễn Bá Lung: Hoài Viễn Tướng quân, Cẩm y vệ Đô chỉ huy Đồng tri và vợ là Nguyễn Thị Đàm tín thí tơ sống trị giá 5 lượng.
Huyện Sơn Vi: Hoàng Đố xã Tùng Cương… Huyện An Lãng: Bùi Văn Vi xã Kim Yên… (?)
Ngày 24 tháng 7 năm Quảng Hoà thứ 3 (1543).
Thiện An Nhàn soạn văn bia. Nguyễn Khắc Quang Viết chữ. Mậu lâm lang Công bộ khí giới doanh tạo sở ngọc thạch tượng Tượng chính Đỗ Văn Đình khắc bia.
Xã Phù Ninh tín thí vật Tam bảo: Nguyễn Văn Tô… Nguyễn Trọng cúng thửa ruộng ở xứ Cửa Chùa và tơ sống trị giá 4 lượng. Nguyễn Kim Trà cúng 1 mảnh ruộng mạ ở xứ Bãi Cốt và tơ sống trị giá 5 lượng. Nguyễn Thọ Nhuệ cúng 1 lượng…
Xã Y Kỳ tín thí: Nguyễn Đình Dung, Nguyễn Thi Ái cúng 1 thửa ruộng xứ Mã Lễ và tơ sống trị giá 3 lượng.
Sư bản chùa Huệ Thông cúng tơ sống trị giá 3 lượng.
Nguyễn Công Lộ tự Thành ý Quả cảm tướng quân Báo thao vệ Vũ uý tìm mua bia đá.
Nguyễn Văn Kế tự Thiện Khê tìm mua trụ đá cầu.
2. ĐẠM GIANG KIỀU BI
Bia cầu Đạm Giang xã Đạm Nội, huyện Yên Lãng tỉnh Phúc Yên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. No 10167-8.
Bia 2 mặt, khổ 0,47 x 1,00m, 58 dòng, khoảng 850 chữ. Chạm mặt trời tua mây, dây leo, cánh sen. Bia dựng năm Sùng Khang thứ 9 (1576).
Nguyên văn chữ Hán:
澹 江 橋 碑
重修澹江橋碑并敘
澹江橋何始乎。參自宣光參議阮公、因其古跡、摧舊為新鄉人賴焉。行者資焉。一大去處。但歲久陳人多拔涉 不 能 無 行 難 之 嘆 然 、 難 使 之 易 舊 使 之新 。
其有待 於大力量、大手段之大檀越者乎。時有致仕安郡公福安士并熙峰仙生及澹川總太翁老婆名出家貲、隨其信與直渡澹江計其工役、量材木、督繩墨。
於乙亥冬仲月興作、至季月畢功。但見萬景具新眾美悉集輪蹄之跡胥此而進行坐之貨、由是而通。工之工咸精其能、農之農各食其力、詠繼羅之至則可以漁。執斧柄以往、則可以樵、耕者行之、遂其生。牧者系之、得所養。安人利物之功、顧不鉅乎。他於是開會場以宣揚功德。立碑文以流傳永久。
使斯世、斯民咸樂其樂、利其利功德廣矣、大矣慈悲矣。後之足斯橋、目斯碑、其與起感發樂於為善雲若夫東接春熙、西臨東魯、雀山之山峙於前、乾山之寺鎮於後。形世之強、雄麗之狀、與斯橋相為懷始終相為悠久矣。猗歟、盛哉。於是識。銘曰:
瞻 彼 澹 江 有 此 橋 梁
山 來 朝 案 水 入 騰 光
乾 西 北 鎮 熙 東 南 強
形 世 之 大 文 物 之 鄉
巿 通 財 貨 人 樂 農 桑
外 消 禍 患 內 集 禎 祥
泥 歸 眾 善 利 及 群 方
斯 功 斯 德 悠 久 無 疆
崇康玖年歲在丙子建寅月穀日。歷四府校官武洪叟識。福山杜公政遇山阮進擢 。
富山社公政。。。
信施 安朗縣知縣武、參知梅嶺伯阮。。。
Phiên âm: Đạm Giang kiều bi
Trùng tu Đạm Giang kiều bi tính tự.
Đạm Giang kiều hà thủy hồ? Tự Tuyên Quang Tham nghị Nguyễn công, nhân kỳ cổ tích suy cựu vi tân. Hương nhân lại yên, hành giả tư yên. Nhất đại khứ xứ, đán tuế cửu tích trần. Nhân đa bạt thiệp bất năng, vô hành nan chi thán. Nhiên nan sử chi dịch, cựu sử chi tân, kỳ hữu đãi ư đại lực lượng, đại thủ đoạn chi đại Đàn việt giả hồ.
Thời hữu trí sĩ An Quận công Phúc An sĩ tính Hy Phong tiên sinh cập Đạm Xuyên tổng thái ông lão bà, các xuất gia tư, tùy kỳ tín dữ trực độ Đạm Giang, kế kỳ công dịch, lượng tài mộc, đốc thằng mặc. Ư Ất Hợi đông, trọng nguyệt hưng tác, chí quý nguyệt tất công. Đán kiến vạn cảnh câu tân, chúng mỹ tất tập, luân đề chi tích tư thử nhi tiến, hành toạ nhi hóa, do thị nhi thông công chi công, hàm tinh kỳ năng, nông chi nông, các thực kỳ lực, vịnh cương la chi chí, tắc khả dĩ ngư, chấp phủ bính dĩ vãng, tắc khả dĩ tiều canh giả hành chi, toại kỳ sinh, mục giả hệ chi đắc sở dưỡng, an nhân lợi vật chi công, cố bất cự hồ?
Ư thị khai hội trường dĩ tuyên dương công đức, lập bi văn dĩ lưu truyền vĩnh cửu, sử tư thế tư dân hàm lạc kỳ lạc, lợi kỳ lợi. Công đức quảng hĩ, đại hĩ, từ bi hĩ. Hậu chi túc tư kiều, mục tư bi, kỳ hưng khởi cảm phát lạc ư vi thiện vân. Nhược phù đông tiếp Xuân Hi, tây lâm Đông Lỗ. Tước sơn chi sơn, trĩ ư tiền, càn sơn chi tự, chấn ư hậu. Hình thế chi cường, hùng lệ chi trạng dữ tư kiều tương vi thủy chung, tương vi du cửu hĩ y dư, thịnh tai! Ư thị hồ thức. Minh viết:
Chiêm bỉ Đạm Giang Hữu thử kiều lương
Sơn lai triều án Thủy nhập đằng quang
Càn tây bắc chấn Hi đông nam cường
Hình thế chi đại Văn vật chi hương
Thị thông tài hóa Nhân lạc nông tang
Ngoại tiêu họa hoạn Nội tập trinh tường
Phúc quy chúng thiện Lợi cập quần phương
Tư công tư đức Du cửu vô cương.
Sùng Khang cửu niên, tuế tại Bính Tý, kiến Dần nguyệt, cốc nhật. Lịch Tứ phủ Hiệu quan Vũ Hồng Tẩu thức.
Phúc Sơn Đỗ Công Chính, Ngộ Tiên Nguyễn Tiến Trạc…
Dịch nghĩa: Bia cầu Đạm Giang
Văn bia và lời thuật về việc trùng tu cầu Đạm Giang.
Cầu Đạm Giang bắt đầu có từ bao giờ? Từ ngài Tham nghị Tuyên Quang là Nguyễn Công, nhân dấu tích cũ mà làm thành mới. Dân trong hương ấp ơn nhờ, người qua lại trông cậy. Việc lớn qua đi, lâu ngày lại thành trần tích. Khách bộ hành nhiều người phải lội qua, gian nan không khỏi ta thán. Nhưng muốn khó thành dễ, muốn cũ thành mới, thì đợi ở bậc đại Đàn việt có lực lượng lớn, phương sách lớn chăng?
Đúng lúc này, có Trí sĩ An Quận công Phúc An Sĩ và Hi Phong tiên sinh cùng thái ông lão bà tổng Đạm Xuyên mỗi người tùy lòng tín thí mà bỏ tiền của gia tư. Cùng đến Đạm Giang, mưu tính công việc, ước lượng vật liệu, đốc thúc công thợ. Bắt đầu khởi công từ tháng trọng đông năm Ất Hợi, đến tháng quý đông thì hoàn tất. Muôn cảnh đều mới, vẻ đẹp hiện ra. Nhờ đó mà ngựa xe qua lại, hàng hóa lưu thông. Thợ thuyền tinh thông tay nghề, nhà nông sống được bằng nghề của mình. Người chài lưới, qua đây đánh cá; người hái củi, qua nhờ cầu này mà kiếm sống được; kẻ chăn trâu có chỗ tạm nghỉ ngơi.
Công đức giúp cho dân yên, vật lợi ấy, chẳng lớn lao sao? Do vậy mọi người bèn mở hội tụ họp tuyên dương công đức và dựng bia để lưu truyền mãi mãi. Khiến cho dân chúng đời này thẩy đều được vui với cái vui ấy, lợi với cái lợi ấy. Công đức ấy thật lớn lao và từ bi vậy. Mai sau ai bước chân lên cây cầu này, nhìn tấm bia này hẳn đều cảm kích lòng thiện mà vui làm điều thiện vậy.
Cầu này, đông giáp Xuân Hi, tây kề Đông Lỗ. Đỉnh núi Tước Sơn sừng sững ở phía trước, chùa Càn Sơn chấn ngự phía sau. Hình thế hùng cường, cảnh quan tráng lệ, cùng cầu này trước sau lưu truyền mãi mãi. Than ôi! Tốt đẹp thay! Vì thế ghi lại. Bài minh rằng:
Ngắm dòng sông Đạm Cây cầu bắc ngang
Núi chầu phục trước Nước tụ mênh mang
Càn Sơn Tây bắc Xuân Hi, Đông nam
Lớn lao hình thế Văn vật xóm làng
Chợ trao hàng hóa Người vui nông tang
Ngoại trừ hoạn nạn Trong được bình an
Phúc cho người thiện Lợi khắp nhân gian
Công ấy, đức ấy Truyền mãi vô vàn.
Ngày lành tháng Dần, năm Bính Tý, niên hiệu Sùng Khang thứ 9 (1576), Hiệu quan phủ Lịch Tứ là Vũ Hồng Tẩu ghi.
Phúc sơn Đỗ Công Chính, Ngộ Tiên Nguyễn Tiến Trạc, Trí sĩ An Quận công Phúc An Sĩ. Chiêu Minh bá Hi Phong tiên sinh Nguyễn Phúc Độ (lược 21 vị), Nguyễn Thị Huyện (lược 81 vị).
Tín thí: Tri huyện huyện Yên Lãng Vũ Chính Thiện, Đô chỉ huy Phù Ninh hầu Đỗ Hữu Khánh. Tư quan Nguyễn Thiết Lâm (lược 13 vị).
3. PHƯỢNG TƯỜNG TỰ
Bia chùa Phượng Tường, xã Kiên Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay là tỉnh Vĩnh Phúc. No 14285.
Bia 2 mặt, khổ 0,68 x 1,06m, 66 dòng, khoảng 2.200 chữ. Mờ một số chữ. Chạm mặt nguyệt, rồng chầu (mặt sau chim đậu trên đầu rồng), dây leo. Bia dựng năm Đoan Thái thứ 2 (1586).
Dịch nghĩa: Chùa Phượng Tường
Văn bia trùng tu chùa Phượng Tường.
Sãi vãi các xã Kiên Cương, An Thọ, Bích Đái, Thượng Trưng, Văn Trưng, An Tâm thuộc các huyện Bạch Hạc, Yên Lạc, Tân Phong của phủ Tam Đới và Tì Khâu bản chùa là Mậu Thiền, tự Đức Tâm cùng môn đệ Hà Thị Hán hưng công:
Môn đệ chùa Thiên Phúc là Mậu Thọ, tự Đức Toàn… (lược 60 vị).
Mạc Ngọc Liễn, Trung quân đô đốc phủ Tả Đô đốc chưởng phủ sự, Phò mã, Đô úy Thái bảo, Đà Quốc công, pháp hiệu Đức Quảng. Phúc Thành thái trưởng công chúa Mạc Ngọc Lâm, hiệu Từ Đức. Nghi Xuân quận chúa Mạc Ngọc Lương. Đặng Thị Kim Thoa người xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất.
Quan viên xã thôn trưởng xã Kiên Cương và Đông Cương công đức sửa chùa gồm Nguyễn Trâm, Nguyễn Thị Xuân (lược 63 vị).
Sa di Mậu Khẩu, pháo tự Đức Uất chủ trì chùa Thiên Phúc núi Phật Tích tổ chức hội chùa.
Ngày lành, tháng mạnh đông (10), năm Đoan Thái thứ 2 (1586) dựng bia. Nguyễn Nhân Trí, Đề Lại huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đới viết chữ. Nguyễn Ích Diệu người xã Gia Đức, huyện Thủy Đường, Lực sĩ ty Hà Thanh, vệ Chiêu Vũ khắc bia.
Trùng tu thượng điện, tượng Phật, thiêu hương, tiền đường:
Hội chủ: Dương Như Thiết, Giám sinh Quốc tử giám, Phạm Thị Năng xã Thái Cực (lược 51 vị).
– Tín thí: Tì khâu Phạm Bá Khang, người huyện Thanh Lâm đèn nhang chùa Phượng Tường.
Tì khâu Mậu Trí và Bùi Thị Dương (lược 5 vị) chùa Bảo Khám.
Sa di Mậu Tiến (lược 19 vị) chùa Ngô Sơn.
Tì khâu Mậu Tuyên (lược 10 vị) chùa Bát Giác.
Tì khâu Pháp Vũ chùa Đại Tướng…
Trần Đức Nhuận phường Công Đô, Nguyễn Thị Mạo phường Bích Câu, Ngô Đình Bảng phường An Lạc… (lược 86 vị).
Thập phương tín thí đá khối gồm Phạm Hữu Dụng…
Ngày 22 tháng 10 năm Bính Tuất tạo bia đến tháng 12 làm lễ khánh thành nêu gương công đức. Lê Trương cùng toàn dân xã thôn trưởng xã An Thọ ghi.
4. PHƯỢNG TƯỜNG TỰ BI KÝ
Bia chùa Phượng Tường xã Kiên Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. No 14288-9.
Bia 2 mặt, khổ 0,78 x 1,17m, 65 dòng, khoảng 650 chữ. Chạm quỷ đội mặt trời, rồng chầu, hoa dây, cánh sen. Bia dựng năm Đoan Thái thứ 2 (1586).
Dịch nghĩa: Bia ký chùa Phượng Tường
Văn bia trùng tu chùa Phượng Tường.
Chùa Phượng Tường danh lam huyện Bạch Hạc trở thành cổ tích, sau nạn binh đao. Nay được khôi phục lại. Tuy việc tu bổ đã thành, nhưng quy mô chưa hoàn bị. Việc tu bổ ấy tất chờ phương sách lớn, lực lượng lớn đảm nhận vậy. Tì khâu bản chùa pháp hiệu là Mậu Thiền, tự Đức Tâm và thái ông lão bà, thiện nam tín nữ vùng phụ cận thờ Phật thành tâm, vui làm việc thiện, bỏ tiền góp gỗ, mời thợ khởi công làm thượng điện, lại dựng tiền đường, xây thềm đá. Quy mô hơn cũ. Bày tượng điểm nhãn, sửa sang diện mạo. Rồi lại mua 2 sào ruộng cúng làm của Tam bảo, sửa đặt pháp hội, tạo khắc bia đá. Thật là nền phúc cao đầy, quả thiện viên mãn. Công đức như vậy khôn lường, lưu truyền mãi mãi. Bèn khắc hết thảy họ tên ra sau đây:
Hội chủ: Sãi vãi các xã Kiên Cương, An Thọ huyện Bạch Hạc và Tân Phong phủ Tam Đới:
Nguyễn Khắc Phục, hiệu Phúc Thắng, tự Khắc Hoàn, Lê Tứ hiệu Phúc An… (lược 190 vị), Hà Thị Điệu hiệu Từ Hòa (lược 100 vị).
Ngày lành tháng 4 mạnh hạ, năm Nhu triệu Yêm mậu (Bính Tuất) niên hiệu Đoan Thái 2 (1586).
Trí sĩ Uyên phủ Lê Hạng, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1538), chức Gia hạnh đại phu, Hưng Hóa đạo tán trị Thừa tuyên sứ ty Thừa tuyên sứ, soạn văn bia.
Vị họ Nguyễn xã Tây Am huyện Vĩnh Lại khắc bia.
Tín thí:
Tì khâu Mậu Thiền trụ trì chùa Phượng Tường, tự Đức Tâm quyên giáo các sãi phát lòng Bồ đề. Tất cả 50 người đã góp công sức và 24 quan tiền, 2 sào ruộng ở xứ Đa Bái cúng làm ruộng Tam bảo, lưu truyền vạn đại, cháu con an khang hanh thái.
Tín thí: Đoàn Triết, Hiến sứ ty đạo Sơn Tây.
Ngày 2 tháng tư năm Bính Tuất làm lễ điểm nhãn, khai quang, đến ngày 6 thì hoàn thành.
5. TRÙNG TU BẢO QUANG TỰ BI KÝ
Bia chùa Bảo Quang, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. No 4950.
Bia 1 mặt, khổ 0,58 x 0,87m, 29 dòng, khoảng 1000 chữ. Chạm mặt trời rồng chầu, hoa dây, cánh sen. Bia dựng năm Đoan Thái thứ 2 (1586).
Phiên âm: Trùng tu Bảo Quang tự bi
Bạch Hạc danh lam Bảo Quang tự, kỳ nhất dã. Kinh binh chi hậu cựu quán trùng tu. Tuy doanh cấu ký thành, nhiên nghi vật vị bị.
Cựu cải nhi tân, tệ tùy nhi bổ. Phi hữu đại thủ đoạn, công phu bất năng dã. Bản xã Kỳ lão Bùi Tiền Mậu, Phúc lai Trần Hàn Mậu, Dụng tâm Lê Tự Cường, hiệu Thuận Phúc đẳng sự Phật, hữu thành vi thiện tối lạc phát tài dụng mộc cưu tượng hưng công.
Ký tạo hương án ư Tiền đường, hựu xế hoa chuyên ư Thượng điện, trùng quang Phật tượng, kim tướng. Tân tạo tự biên oản phòng, hải hội san đồ pháp. Trường khánh tán như tư công đức vô lượng, truyền chi du cửu phất hoãn. Phàm tính danh khai liệt vu hậu.
Hội chủ Kỳ lão Bùi Tiền Mậu…
Đoan Thái vạn vạn niên chi nhị, tuế thứ Nhu triệu, Yêm mậu, mạch hạ tứ nguyệt tiết cốc nhật. Mậu tuất khoa Tiến sĩ xuất thân Gia hạnh đại phu Hưng Hóa đạo, Tán trị thừa tuyên sứ ty, Thừa tuyên sứ, Trí sĩ Lê Hạng Uyên phủ soạn. Kinh Môn phủ Thủy Đường huyện, Gia Đức xã Nguyễn Đình Hựu san.
Dịch nghĩa: Bia trùng tu chùa Bảo Quang
Trong các danh lam huyện Bạch Hạc thì chùa Bảo Quang là số một. Sau nạn binh đao, chùa bị hư hỏng đã được tu sửa. Tuy việc tu sửa đã xong, nhưng các vật tế khí vẫn chưa hoàn hảo. Cái cũ thì sửa thành mới, cái mục nát phải bổ sung vào. Công việc đó không có những bàn tay lớn, công sức lớn thì khó thành.
Kỳ lão Bùi Tiền Mậu, Phúc lai Trần Hàn Lâm, Dụng tâm Lê Tự Cường hiệu Thuận Phúc trong xã, phụng thờ Phật, thành tâm lấy điều thiện làm niềm vui lớn, phát gia tài mua gỗ, mời thợ khởi công.
Các vị đã làm hương án ở Tiền đường, lại xây bệ thờ ở Thượng điện, tô điểm tượng Phật. Dựng phòng oản bên chùa, chạm khắc bức pháp đồ. Mừng vui ngợi khen, công đức khôn lường, lưu truyền mãi mãi. Tất cả họ tên người công đức kê khai ra sau đây.
Hội chủ Kỳ lão Bùi Tiền Mậu, Phúc lai Trần Hạn Mậu, Dụng tâm Lê Tự Cường (lược 90 vị).
Tín thí Lê Vĩ hiệu Tuệ Đức.
Ngày lành tháng tư năm Đoan Thái 2 (1586), Nhu triệu, Yêm mậu (Bính Tuất) dựng bia.
Trí sĩ Lê Hạng, Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất (1538) giữ chức Gia hạnh đại phu Hưng Hóa đạo, Tán trị thừa tuyên sứ ty, Thừa tuyên sứ soạn văn bia.
Nguyễn Đình Hựu, người xã Gia Đức, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn khắc bia.
6. ĐẠI ĐỒNG TỰ BI
Bia chùa Đại Đồng, xã Cẩm Viên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên; nay là tỉnh Vĩnh Phúc. No 5901-2.
Bia 2 mặt, khổ 0,56 x 0,87m, 35 dòng, khoảng 700 chữ, mờ một số chữ. Chạm mặt trời, rồng chầu, hoa dây, cánh sen. Bia dựng năm Hưng Trị sơ niên (1588).
Dịch nghĩa: Bia chùa Đại Đồng
Văn bia trùng tu thềm bậc thượng điện chùa Đại Đồng
Ôi! gọi là Phật, bởi vốn hư vô; tồn tại trong cõi người, rất được kính ngưỡng. Vì thế hoặc có người đem sức ra khuyên giáo để xây dựng chùa; hoặc có người bỏ tiền của để tô tạo tượng Phật. Thấy biết bao người đem lòng kính trọng như vậy thì đó biết là công đức thật lớn lao xiết bao!
Nay có vị xã quan, hương lão là Lê Tông Đức, con trai là Sinh đồ Lê Tông Kính, cháu là Sinh đồ Lê sự, Lê Vệ muốn làm dồi dào nguồn mạch nhân, đắp bồi nền móng đức. Trước các vị đã cúng 1 khu ruộng, cùng dân chúng làm ngôi dinh trạm nhỏ để cho dân tiện nghỉ ngơi. Nay thấy tòa thượng điện chùa Đại Đồng được các sãi vãi dựng xong, lâu đài đã mới mẻ vậy, nhưng nền bậc chưa có, bèn muốn bỏ công sức, bồi thêm đức lớn.
Vào tháng 5 năm Mậu Tý, các vị bèn bỏ tiền của, cùng mọi người vui làm điều thiện, cùng vị Giám sinh Quốc tử giám Chu Đức Chính, Xã trưởng lão Lê Hiệu và các vị thiện nhân chèo lái thuyền từ phát tâm Đàn Na, mua được đá khối, rồi cùng mọi người lớn bé già trẻ trong 3 xã chở đến chùa, mời thợ về khởi công. Công việc chẳng mấy đã xong, vĩnh viễn vững bền cùng trời đất. Thế là bụi uế được tẩy sạch, trời thiền đẹp hơn xưa. Nền mới càng tăng thêm vững chắc, đất phúc lớn hơn trước. Ai nhìn thấy đều ca ngợi đạo cả, ai chiêm ngưỡng đều hâm mộ nghĩa ca. Vì thế làm bài minh để lưu truyền mãi mãi. Bài minh rằng:
Ba xã đất Cẩm Có chùa Đại Đồng
Lâu đài chót vót Lưu li trùng trùng
Bồ đề rủ bóng Công đức tựa rừng
Sáng ngời trần thế Lợi lạc chúng nhân
Trước tuy đã có Sau phúc càng tăng
Chùa ngợp trăng sáng Hiên lộng gió trong
Tượng Phật xán lạn Lan can linh lung
Chùa chiền tráng lệ Thềm bậc chưa xong
Liền chọn ngày đẹp Mời thợ khởi công
Đá khối xếp bậc Nền phúc hưng long
Một bầu Thế giới Trời đất ghi công
Tiếng nhân vang dội Đức tốt lẫy lừng
Tông chi dài lối Phúc lộc mênh mông
Công ấy đức ấy Ơn trời vô cùng!
Hội chủ:
Gồm các vị trong xã Cẩm Viên, Cẩm Tuyền, Cẩm Khê và Đới Tự của huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đới là Xã quan, lão Lê Tông Đức hiệu Phúc Điền, con trai là Sinh đồ Lê Tông Kính vợ Nguyễn Thị Tấm, cháu là Sinh đồ Lê Sự và vợ Nguyễn Thị Lương, con gái Lê Thị Minh, cháu Lê Vệ và vợ Đỗ Thị Thạch, con rể Thụy Khê bá Hoàng Thế, cháu là Sinh đồ Hoàng Vĩ; Quốc tử sinh Chu Đức Chính và vợ là Đỗ Thị Củng… (lược 4 vị).
Năm Hưng Trị sơ niên (1588), Quốc Tử sinh Quốc Tử Giám Chu Thuần Phu soạn văn bia.
Tín thí: Nguyễn Quý… (lược 15 vị).
Vào tháng giêng năm Mậu Tý (1588) có đất gần xứ Đại Khê cúng làm đường. Lại có các sãi làm cầu và có 8 khối đá xanh do người trước công đức nhưng chưa kịp làm.
Nay cúng tiến cho chùa cùng dân 3 xã làm thềm bậc thượng điện, tiền đường.
Sĩ nhân Vũ Tiến xã Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng ghi.
Hiệu sinh Tô Thức xã Kính Chủ huyện An Sơn, phủ Kinh Môn (khắc bia).
Cảo Hưởng và vợ Mạc Thị Đồ xã Nhật Chiêu huyện Bạch Hạc mua bia).
7. ĐẠI ĐỒNG LINH AM NHỊ TỰ NHỊ ĐÌNH KHÊ KIỀU BI
Bia chùa Đại Đồng xã Cẩm Viên, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc. No 5903-4.
Bia 2 mặt, khổ 0,65 x 1,16m, 46 dòng, khoảng 1500 chữ, mờ một số. Chạm mặt trời rồng chầu, dây leo, cánh sen. Bia dựng năm Hưng Trị thứ 3 (1590).
Phiên âm: Đại Đồng Linh Am nhị tự thị đình khê kiều bi
Trùng tu Đại Đồng Linh Am nhị tự thị đình khê kiều bi văn
Đại phàm thiện nhân hữu thí công ư đương thế giả, tất lập bi văn dĩ thùy danh ư ức tái vân. Cố tư Cẩm Thủy đại sĩ cập thái ông lão vãi, thiện nam tín nữ phụng Phật khắc thành vi thiện tối lạc, phát tài dụng lực, triệu tượng hưng công, ký tu tác Đồng tự thượng điện tịnh am tòa lầu. Hựu doanh cấu trung thị đình gian, hoành khê kiều giá, thả tạo Phật tượng tân tướng thập tứ. Cựu tướng, tu lục, kim thân tố hội, quang nhãn điểm khai, đại pháp hội hành, tam quan môn cấu, viên thành thiện quả, hoàn thị phúc cơ, giá cá công đức, vô lượng vô biên. Khả thùy vĩnh viễn, bất san bất hủ. Phàm hữu tính danh khai liệt vu hậu.
Tam Đới, Ứng Thiên, Phụng Thiên đẳng phủ Bạch Hạc, Phù Ninh, Thanh Oai, Vĩnh Xương, Văn Giang đẳng huyện Cẩm Mộc, Cẩm Khê, Cẩm Viên Hạ, Thanh Oai, Cổ Nha, Lâu Thượng, Cổ Vũ, Hồi Cương, Đa Ngưu đẳng xã.
Bản tự Tì khâu Vũ Công Đặng tự Pháp Vũ, thê Phạm Thị Thành, hiệu Từ Lộc…
Bản tổng Nhật Chiêu xã Sinh đồ Cao Doãn Thịnh san tả bi. Bản xã Sinh đồ Cao Văn Giáo tả bi. Phụ Phượng huyện, An Dục xã Phạm Phong tả bi.
Quốc tử giám Quốc tử sinh Chu Đức Chính soạn văn.
Hưng Trị vạn vạn niên chi tam trọng đông, cốc nhật.
Dịch nghĩa: Bia cầu suối, đình chợ hai chùa Đại Đồng, Linh Am
Văn bia trùng tu cầu suối, đình chợ hai chùa Đại Đồng và Linh Am.
Phàm người thiện có công bố thí ở dương gian, ắt phải được dựng bia ghi lại để lưu danh muôn thuở. Nay có vị đại sĩ cùng thái ông lão vãi, thiện nam tín nữ ở xã Cẩm Thủy thờ Phật thành tâm, vui làm điều thiện, bỏ tiền của, mời thợ hưng công tu sửa Thượng điện, tòa lầu Tịnh Am chùa Đại Đồng. Các vị lại dựng đình chợ, bắc cầu qua suối, tạo tượng mới 14 pho, tô tượng cũ 6 pho, Kim thân vàng óng, mắt sáng long lanh. Đại pháp hội hành, Tam quan cửa dựng, quả thiện viên thành, nền phúc hoàn hảo. Công đức ấy, thật là vô lượng vô biên, lưu truyền ngàn đời, bia khắc bất hủ.
Tất cả họ tên kê ra sau đây:
Các xã Cẩm Mộc, Cẩm Khê, Cẩm Viên Hạ, Thanh Oai, Cổ Nha, Lâu Thượng, Cổ Vũ, Hồi Cương, Đa Ngiu thuộc các huyện Bạch Hạc, Phù Ninh, Thanh Oai, Vĩnh Xương, Văn Giang của các phủ Tam Đới, Ứng Thiên, Phụng Thiên.
Tì khâu bản chùa Vũ Công Đặng tự Pháp Vũ, vợ Phạm Thị Thành hiệu Từ Lộc.
Hội chủ: Chu Mi tự Phúc Hiền, Cao Thái tự Phúc Mỹ, Nguyễn Phúc tự Phúc Đài, Cao Đạt tự Phúc Đức… (lược 101 vị).
Sinh đồ Cao Doãn Thịnh xã Nhật Chiêu trong tổng khắc bia. Sinh đồ Cao Văn Giáo trong xã cùng Phạm Phong xã An Dục huyện Phụ Phượng viết chữ.
Chu Đức Chính, Quốc Tử sinh Quốc Tử Giám soạn văn bia.
Ngày lành tháng trọng đông năm Hưng Trị thứ 3 (1590).
Tín thí:
Tín thí của các xã Cẩm Viễn, Cẩm Khê, Cẩm Viên, Lâu Thượng gồm: Nguyễn Nghi tự Thiện Khanh, Đỗ Tuấn vợ Vương Thị Phượng, Nguyễn Thị Nhuệ… (lược 125 vị).
8. TÂN TẠO NGỌC HOÀNG CHƯ PHẬT BẢO QUANG TỰ BI KÝ
Bia chùa Bảo Quang, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. No 4949.
Bia 1 mặt, khổ 0,60 x 0,85m, 28 dòng, khoảng 700 chữ. Chạm mặt trời, hoa mây, dây leo. Bia dựng năm Hưng Trị thứ 4 (1591).
Nguyên văn chữ Hán:
新 造 玉 皇 諸 佛 寶 光 寺 碑 記
大 越 國 山 西 道 三 帶 府 白 鶴 縣 上 徵 壽 徵 萬 幸 胤 嗣 等 社 居 奉 佛。
會 主 陳 翰 茂 用 心 黎 自 強 號 順 福 阮 汪 號 道 德 及 士 娓 善 男 信 女 大 小 等 伏 為 法 界 有 情 大 開 津 濟 於 己 丑 年 二 月 初 六 日 新 造 玉 皇 師 將 金 童 玉 女 南 曹 北 斗 七 軀 鳩 工 云 畢 。 至 庚 寅 年 三 月 二 十 日 修 造 口 井 一 圓 在 寶 光 寺具 列 姓 名 開 后 于 左
會 主 陳 翰 茂 用 心 黎 自 強 號 順 福 。 。 。
興 治 駟 年 辛 卯 五 月 初 一 日 。 上 徵 社 生 徒 陳 漢 刊 。 本 寺 阮 文 德 號 法 永 抄 。
Dịch nghĩa:
Bia ghi việc làm mới tượng Ngọc Hoàng và chư Phật chùa Bảo Quang
Các xã Thượng Trưng, Thọ Trưng, Vạn Hạnh, Dẫn Tự thuộc huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây, nước Đại Việt cùng phụng thờ Phật. Hội chủ Trần Hàn Mậu, Dụng tâm Lê Tự Cường hiệu Thuận Phúc, Nguyễn Uông hiệu Đạo Đức cùng các sãi vãi, thiện năm tín nữ trên dưới vâng theo pháp giới rộng lòng hải hà.
Vào ngày 6 tháng 2 năm Kỷ Sửu (1589) làm mới tượng Ngọc Hoàng, Sư Tướng, cùng 7 pho tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ, Nam Tào, Bắc Đẩu. Đến ngày 20 tháng 3 năm Canh Dần (1590), tu tạo một chiếc giếng tại chùa Bảo Quang.
Họ tên người công đức kê hết ra sau đây:
Hội chủ Trần Hàn Mậu, Dụng Tâm Lê Tự Cường hiệu Thuận Phúc, Nguyễn Uông hiệu Đạo Đức, Lê Đăng Thê hiệu Phúc Khê, Nguyễn Đề hiệu Phúc Lương, Đậu Hưng Vụ hiệu Phúc Sinh, Phí Lộ hiệu Phúc Điền, Chu Đức Đôn hiệu Đức Trượng, Nguyễn Ngọc Lan hiệu Chính Phúc, Nguyễn Áo hiệu Phúc Minh, Bùi Thời Chứng hiệu Phúc Sái, Chu Đức Thống hiệu Phúc Tín, Nguyễn Lâu hiệu Phúc Tráng, Vũ Ngao hiệu Chủng Đức, Nguyễn Các hiệu Phúc Thọ, Vũ Nghênh Xuân hiệu Phúc Trăn, Bùi Phô hiệu Phúc Nguyên, Bùi Xá hiệu Phúc Hỉ, Lê Thuật hiệu Phúc Đức, Lê Thực, Tú lâm cục Lê Chầm, Lê Công Quý, Nguyễn Đàn, Nguyễn Nghi, Trần Dĩnh, Phí Lâm, Lê Nhậm, Lê Quang Tuấn, Bùi Đạm, Lê Quang Tá, Chu Phú, Lê Thừa Đức, Trần Hán, Lê Thuyên, Lê Hải, Trần Chu, Đậu Vĩnh Giám, Trần Hưng, Đậu Linh, Lê Khắc Cẩn, Nguyễn Minh Đăng, Bùi Tắc, Nguyễn Địch, Chu Ngọc Bôi, Cao Trật, Bùi Kinh, Bùi Hữu Nhiêu, Bùi Thế Hào, Nguyễn Dao, Phí Liêu, Lê Tự Khánh, Lê Thế Hữu, Lê Di, Nguyễn Tuyển, Bùi Hỉ, Bùi Kì.
Lão vãi Trần Thị Mậu hiệu Từ An, Nguyễn Thị Cơ hiệu từ Xuân, Phan Thị Minh hiệu từ Khang, Nguyễn Thị Câu hiệu Đức Nhân, Lê Thị Tư hiệu Từ Nhuận, Nguyễn Thị Nghi hiệu Từ Tâm, Lê Thị Nghênh hiệu Từ Hải, Lê Thị Thái hiệu Từ Nhiên, Lê Thị Thông hiệu Từ Đoan, Bùi Thị Soạn hiệu Từ Tiết, Bùi Thị Thác hiệu Từ Định, (lược 32 bà khác).
Thọ Trưng xã Nguyễn Thừa Mệnh, Trần Mỹ, Nguyễn Chiến (lược 20 vị).
Tì khâu ni, hiệu Viên Mãn. Tự Phu nhân Lê Thị Thái, Phí Thị Bồng, Mạc Đình Anh, Mạc Thị Đái.
Ngày 1 tháng 5 năm Tân Mão, Hưng Trị thứ 4 (1591).
Sinh đồ Trần Hán xã Thượng Trưng khắc bia.
Nguyễn Văn Đức hiệu Pháp Vĩnh, trụ trì chùa chép lại.
NHẬN XÉT CHUNG
Về địa danh hành chính, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay chủ yếu là đất phủ Vĩnh Tường xưa, trừ huyện Bạch Hạc cắt sang tỉnh Phú Thọ. Đây là vùng đất cổ, có lịch sử dài lâu, trải nhiều biến động và thay đổi khá phức tạp. Rất may là có tập sách Quận huyện bị khảo đã khảo cứu khá cụ thể địa danh hành chính các phủ huyện của tỉnh Sơn Tây cũ, trong đó có phủ Vĩnh Tường. Phủ Vĩnh Tường bao gồm huyện Bạch Hạc, huyện Tam Dương, huyện Lập Thạch và phân phủ Vĩnh Tường gồm huyện Yên Lãng và huyện Yên Lạc. Tên gọi các huyện phủ ở đây chủ yếu có từ thời Hồng Đức khi nhà Lê định cả nước thành 13 đạo thừa tuyên và cho vẽ bản đồ cả nước. Tuy nhiên có địa danh vốn xuất hiện từ rất sớm, thậm chí như Yên Lãng từng là trung tâm hành chính của quận Vũ Bình hay huyện Chu Diên kiêm gồm 7 huyện vào thời Hán. Khảo cứu này đã giới thiệu ở trên, song xin nói vắn tắt lại như sau:
Phủ Vĩnh Tường:
Vĩnh Tường thời cổ cũng gọi là Phong Châu, thời Sứ quân Nguyễn Khoan là đất Tam Đới. Triều Lý gọi là thành Tam Giang, triều Trần gọi là lộ Tam Giang, vào niên hiệu Vĩnh Lạc nhà Minh gọi là châu Tam Đới. Thời Lê sơ gọi là phủ Tam Đới. Khoảng thời Cảnh Hưng, tách huyện Tiên Phong ra đổi thuộc về phủ Quảng Oai cai quản. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), đổi phủ Tam Đới thành phủ Tam Đa. Đến năm thứ 3 (1822) đổi Tam Đa thành phủ Vĩnh Tường. Tên gọi Vĩnh Tường bắt đầu từ đó. Năm thứ 11 (1830), tách huyện Tam Nông ra đổi thuộc về phủ hạt Gia Hưng tỉnh Hưng Hóa. Lại tách huyện Phù Ninh ra đổi thuộc về phủ Đoan Hùng cai quản, đồng thời đem huyện Tam Dương nguyên thuộc phủ Đoan Hùng, đổi nhập vào phủ này. Năm thứ 13 (1832) lại tách hai huyện Yên Lãng, Yên Lạc ra đặt thành phân phủ Vĩnh Tường, phủ này kiêm lý Bạch Hạc, cai quản Lập Thạch và Tam Dương. Phân phủ kiêm lý Yên Lãng, cai quản Yên Lạc. Thời Tự Đức vẫn theo như vậy, phủ này quản lĩnh 3 huyện, phân phủ quản lĩnh 2 huyện.
Huyện Tam Dương
Tam Dương từ thời Lý – Trần trở về trước thuộc đất Tam Đới. Niên hiệu Quang Hưng thứ 16 thời Lê (1593) Việt Quốc công chiếm huyện Tam Dương. Tên gọi Tam Dương bắt đầu từ đó. Niên hiệu Minh Mệnh 11 (1830) đổi thuộc về phủ này cai quản. Huyện lỵ đặt ở địa phận xã Tích Sơn. Nguyên cũ phủ Đoan Hùng kiêm lý. Thời Gia Long đổi thành phủ cai quản. Thuộc hạt có 7 tổng, 65 xã thôn trang trại.
Huyện Lập Thạch
Lập Thạch từ thời Lý – Trần trở về trước, không rõ tên gọi là gì. Từ niên hiệu Kiến Gia thứ 2 thời Trần Thiếu đế (1212) có giặc cướp là Nguyễn Áng tụ tập ở đây. Thiếu đế sai tướng đến đánh dẹp, dựng đá ghi công mà về, nhân đó mà gọi là Lập Thạch. Tên gọi Lập Thạch bắt đầu từ đây. Thuộc hạt có 11 tổng 82 xã, thôn.
Huyện Yên Lãng (phân phủ Vĩnh Tường kiêm lý)
Yên Lãng thời cổ thuộc đất Phong Châu. Vào thời Hán, gọi là huyện Mê Linh. Niên hiệu Kiến Gia thứ 8 thời Hán Hiến đế, gọi là huyện Chu Diên. Thời Tấn đặt quận Vũ Bình gồm 7 huyện lại gọi là Phong Khê, đều là đất của Yên Lãng. Trải các đời đều theo như vậy. Đến khoảng niên hiệu Hồng Đức, đổi gọi là huyện Yên Lãng. niên hiệu Minh Mệnh 13 (1832) đổi thuộc về phân phủ Vĩnh Tường kiêm lý. Trị sở nguyên đặt ở xã Tráng Việt, sau đổi đến xã Mạch Lũng, rồi lại dời đến xã Trung Hậu thuộc địa phận tổng Thiên Lôi. Niên hiệu Minh Mệnh 13 (1832), đặt làm phân phủ,. Thuộc hạt có tất cả là 9 tổng, 66 xã, thôn.
Huyện Yên Lạc
Tên huyện Yên Lạc bắt đầu có vào khoảng thời Hồng Đức. Niên hiệu Minh Mệnh 13 (1832) đổi thuộc về phân phủ Vĩnh Tường cai quản. Trị sở của huyện nguyên ở xã Sa Mạc. Niên hiệu Minh Mệnh 11 (1830) dời đến địa phận xã Vĩnh Mỗ tổng Đông Lỗ. thuộc hạt có tổng cộng 14 tổng 110 xã châu phường vạn.
Tài liệu địa phương chí cũng cho biết số người đỗ đại khoa dưới thời Mạc thuộc đất Vĩnh Phúc ngày nay có 16 vị, trong đó Yên Lãng 5 vị, Yên Lạc 6 vị và Lập Thạch 5 vị.
Văn bia thời Mạc trên đất Vĩnh Phúc hiện biết 8 văn bản, trong đó 2 văn bia ghi về dựng cầu cống, còn lại 6 văn bia ghi về việc tu sửa và xây dựng chùa Phật. Trong việc tham gia tu bổ chùa Phật ở đây có vị đại thần nhà Mạc. Đó là Mạc Ngọc Liễn, chức Trung quân đô đốc phủ Tả Đô đốc chưởng phủ sự, Phò mã, Đô úy Thái bảo, Đà Quốc công, pháp hiệu Đức Quảng và Phúc Thành thái trưởng công chúa Mạc Ngọc Lâm, hiệu Từ Đức, cùng một số công chúa nhà Mạc khác. Văn bia chùa cho biết quy mô ngôi chùa ở đây cũng khá lớn, thường có cả Tiền đường và Thượng điện. Trong tòa Thượng điện, tượng Phật khá đông, có văn bia ghi tới việc đúc mới 14 pho, tô tượng cũ 6 pho. Ngoài tượng Phật ra, Phật điện chùa thời Mạc còn có tượng Ngọc Hoàng, Sư Tướng, cùng 7 pho tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ, Nam Tào, Bắc Đẩu. Đây là yếu tố tam giáo hòa đồng trong tín ngưỡng thời Mạc.
Tượng thờ thời Mạc ở Vĩnh Phúc hiện còn bảo lưu đượcc hai pho tượng Quân âm quý giá. Đó là một ở chùa Thượng Trưng hay Bảo Quang tự, thôn Thượng Trưng xã Minh Đức huyện Vĩnh Lạc và một pho ở chùa Hạ, gọi là Hội Hạ xã Hợp Thịnh huyện Tam Dương.
Tượng Quan âm chùa Thượng Trưng xã Minh Đức huyện Vĩnh Lạc, là pho tượng gỗ gồm 12 tay trong tư thế ngồi xếp bằng tọa thiền trên bệ sen có quỷ đội. Tượng có khuôn mặt khá đẹp. Tượng gỗ, cao 93cm, trong đó thân tượng cao 55cm, bề ngang rộng nhất là 52cm, còn lại là bệ sen. Bệ hình bát giác, được trang trí nhiều hình sóng nước, mây xoắn. Văn bia cho biết tượng được tạo năm Đoan Thái thứ 2 (1586).
Tượng Quan âm chùa Hạ xã Hợp Thịnh cũng là tượng gỗ nghìn mắt nghìn tay. Tượng khá cao, cả thảy cao tới 3,27m, riêng bệ cao 1,47m. Tượng được thể hiện ở tư thế một Phật bà ngồi trên tòa sen có quỷ đội. Tượng có 36 tay, thể hiện nhiều động tác, bố cục khác nhau, nhưng không che khuất khuôn mặt. Mặt tượng được thể hiện như một thiếu nữ nông thôn hiền hậu, khỏe mạnh, mắt to với cái nhìn đăm chiêu, sâu thẳm. Đây là pho tượng đẹp tiêu biểu ở thời Mạc. Vẻ đẹp đó càng tôn thêm vẻ đôn hậu giàu lòng vị tha của đức Phật. Do chùa bị hỏng, nên năm 1965 tượng được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật, Hà Nội và được giới thiệu trong sách Mỹ thuật thời Mạc (1993). Đây không chỉ là di sản quý giá thời Mạc của Vĩnh Phúc mà là sản phẩm đặc sắc trong di sản văn hóa dân tộc.
Cũng từ tư liệu trên cho thấy, vùng đất Vĩnh Phúc ngày nay vốn là vùng đất căn bản của nhà Mạc, được nhà Mạc nắm giữ. Vì thế, sau khi thất thủ, nhiều quan quân nhà Mạc từng lánh nạn qua nơi đây, để lại dấu tích lịch sử sống động một thời trong văn minh Đại Việt. Đó là thời kỳ nhà Mạc ở Vĩnh Phúc.
Tài liệu tham khảo chính
Địa phương chí Sơn Tây qua tài liệu Hán Nôm (Đinh Khắc Thuân chủ biên), Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2011), bản thảo xuất bản.
Văn bia thời Mạc (Đinh Khắc Thuân sưu tập, dịch chú), Nxb. Hải Phòng 2010.
Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật, 1993.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, www.vinhphuc.gov.vn
ẢNH MINH HỌA
Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay thời Mạc chùa Hạ Hội, Hợp Thịnh
(Mỹ thuật thời Mạc, 1993)
Chi tiết tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay thời Mạc chùa Hạ Hội, Hợp Thịnh
(Mỹ thuật thời Mạc, 1993)
Tượng Quan âm thời Mạc chùa Thượng Trưng xã Minh Đức
(Mỹ thuật thời Mạc, 1993)
1 Theo SƠN TÂY TỈNH CHÍ, Quyển thượng, Kí hiệu: A 857, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
2 Theo SƠN TÂY THÀNH TRÌ TỈNH VĨNH YÊN HẠT SỰ TÍCH, Ký hiệu A84/1.
3 SƠN TÂY QUẬN HUYỆN BỊ KHẢO, Ký hiệu: A.1956.
4 SƠN TÂY TỈNH TOÀN HẠT PHỦ HUYỆN CHÂU TỔNG XÃ THÔN PHƯỜNG TRANG TRẠI, Ký hiệu: A.83
5 SƠN TÂY ĐĂNG KHOA KHẢO, Ký hiệu: VHv. 1289
6 Theo Văn bia thời Mạc (Đinh Khắc Thuân sưu tập, dịch chú), Nxb. Hải Phòng, 2010.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.