- Đang online: 1
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 18719
- Tổng truy cập: 3,369,957
Họ Mạc xứ Đông 614
- 298 lượt xem
Họ Mạc xứ Đông
Ngô Đăng Lợi ( Ủy viên BCH Hội KHLS VN )
Lịch sử dựng nước, giữ nước nhiều ngàn năm đầy cam go, thử thách nhưng vô cùng oanh liệt, vẻ vang của dân tộc ta có sự đóng góp của toàn thể cộng đồng cư dân trên đất nước ta. Nhưng do điều kiện thiên nhiên, xã hội, truyền thống của mỗi vùng miền; do đặc điểm nếp nhà, gia phong, gia đạo nên mỗi dòng họ xây dựng được truyền thống riêng, đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc. Họ Mạc xứ Đông là một dòng họ như thế. Nói đến xứ Đông là nói đến vùng đất phía đông của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, trái tim của Tổ quốc. Xứ Đông là một trong bốn trấn chính xung quanh Kinh đô, giữ nhiệm vụ che chắn bảo vệ trực tiếp. Xứ Đông còn gọi là miền Hải Đông, nơi quan yếu bậc nhất nước ta. Tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, trừ cuộc xâm lăng của Chế Bồng Nga đời Trần Phế Đế (1377 – 1388) theo cửa bề Thần Phù xứ Thanh Hoa ngoại trấn, còn đều theo cửa Bạch Đằng huyện Thủy Nguyên, xứ Đông nay thuộc thành phố Hải Phòng. Các thế hệ cư dân ở vùng này luôn phải đương đầu với bọn xâm lăng khi chúng đang sung sức, khí thế còn hăng và khi chúng thất thế phải rút chạy với trạng thái chó cùng rứt dậu, thả sức cướp phá giết tróc. Các thế hệ cư dân, cụ thể là các gia đình dòng họ xứ Đông, trong đó có họ Mạc được tôi luyện, trưởng thành ở môi trường đặc biệt đó.
Nghiên cứu về họ Mạc xứ Đông, khó khăn nhất là thiếu tư liệu, vì thời gian quá xa, vì biến thiên xã hội, đặc biệt là hai biến cố lớn:
– Năm Nhâm Thìn (1592), Bình An vương Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long “giết hết bọn ngụy đảng, đem quân phá hết cung điện ở Cổ Trai, hủy bia ở mộ, chặt hết cây trồng trong lăng. Đó là tỏ sự truy phạt vậy” (Lê triều thông sử). Dịp này, Hồng Ninh hoàng đế Mạc Mậu Hợp bị xử cực hình, hơn 60 tôn thất nhà Mạc bị giết hại với nhiều trung thần, nghĩa sĩ.
– Năm Đinh Dậu (1897) Nguyễn Khắc Tỉnh gốc Mạc người làng Bàng Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, bất bình cảnh thực dân đô hộ Pháp tàn bạo dày xéo Tổ quốc, bóc lột nhân dân, triều Nguyễn cam tâm làm tay sai cho giặc, đã phát động cuộc khởi nghĩa với khẩu hiệu Bình Tây diệt Nguyễn khôi phục Mạc triều. Phong trào lan rộng ở nhiều tỉnh Bắc Kỳ khiến thực dân Pháp vô cùng hoảng hốt, chúng tập trung đàn áp. Thủ lĩnh Mạc Đĩnh Phúc (Nguyễn Khắc Tỉnh) cùng nhiều tướng sĩ nghĩa quân bị tàn sát, mưu sĩ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm bị lưu đầy biệt xứ, các căn cứ của nghĩa quân bị đàn áp, triệt hạ. Con cháu họ Mạc lại một phen bị truy lùng, phải trốn tránh, phải đổi họ dấu tên.
Họ Mạc xứ Đông vốn là một vọng tộc nổi danh về văn hóa, từ đời Hậu Lý (1010 – 1225) đã có Mạc Hiển Tích, quê xã Lũng Động, huyện Chí Linh, đỗ đầu khoa Minh kinh bác học năm Quảng Hựu 2 ( 1086 ) đời Lý Nhân Tông, được bổ chức Học sĩ Viện Hàn lâm, trải thăng đến chức Thượng thư, từng vâng mệnh đi sứ Chiêm Thành. Ông là tổ xa đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Mạc Kiến Quan, anh ruột Mạc Hiển Tích, cũng là nhà Nho học nổi tiếng, được triều đình mời ra làm quan, trải thăng đến chức Thượng thư.
Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346) người Lũng Động, huyện Chí Linh đỗ Trạng nguyên khoa Hưng Long 12 (1304) đời Trần Anh Tông, làm quan trải thăng đến Tả bộc xạ, Đại liêu ban (Tể tướng), 2 lần đi sứ sang nhà Minh, được vua Minh phục tài, gọi là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.
Triều Hậu Lê (1428 – 1527) họ Mạc xứ Đông có:
Mạc Đức Tuấn, quê làng Mặc Thủ huyện Bình Hà (Thanh Hà nay) đỗ Tiến sĩ khoa Quang Thuận 7 (1466) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thượng thư ( Cố nội Mạc Văn Tú)
Mạc Văn Uy (1476 – ?) quê làng Mặc Thủ, đỗ Tiến sĩ khoa Cảnh Thống 5 (1502) đời Lê Hiến Tông, làm đến chức Hiến sát sứ.
Mạc Nhuận Lãng, quê xã Đồng Khê, huyện Thanh Lâm, đỗ Tiến sĩ khoa Đoan Khánh 4 (1508) đời Lê Uy Mục, làm đến chức Tả Thị lang bộ Công.
Mạc Văn Tú (1539 – ?) quê làng Mặc Thủ, đỗ Tiến sĩ khoa Sùng Khang 9 (1574) đời Cảnh Tông Mạc Mậu Hợp làm đến chức Tự Khanh. Ông là chắt nội Tiến sĩ Đức Tuấn.
Mạc Đình Dự (1524 – ?) người làng Du La, huyện Bình Hà, nay thuộc xã Cẩm Chế huyện Thanh Hà, đỗ Hoàng giáp khoa Sùng Khang 9 (1574) đời Cảnh Tông Mạc Mậu Hợp làm đến chức Hiến sát sứ.
Như trình bày trên, họ Mạc xứ Đông nổi bật về truyền thống học hành đậu đạt, đủ cả ba giáp Tiến sĩ (Trạng nguyên, Hoàng giáp, Đồng Tiến sĩ) được giao các chức vụ Tể tướng, Thượng thư, Viện Hàn lâm, Hiến sát sứ đều xứng chức; người được cử đi sứ nước ngoài đều được vua Chiêm Thành, vua Minh kính nể tài năng danh nhân đất Việt.
Họ Mạc xứ Đông không chỉ nổi tiếng về văn chương, học thuật mà đặc biệt là họ duy nhất của xứ này xây dựng được một vương triều cai quản đất nước đến 7 thập kỷ. Chỉ thua nhà Hậu Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê, nhà Nguyễn. Hơn các nhà Ngô (26 năm), nhà Đinh (14 năm), nhà Tiền Lê (29 năm), nhà Hồ (7 năm), nhà Tây Sơn (25 năm).
Thời Mạc, kinh tế nước ta phát triển cả về nông nghiệp, thủ công, nội ngoại thương, do không theo đuổi chính sách trọng nông ức thương nặng nề như nhà Lê trước đó nên mới có cảnh thái bình thịnh trị “Những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ trong khoảng mấy năm, trộm cắp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn về chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn” (Lê triều thông sử)
Về mặt tư tưởng, văn hóa, nhà Mạc cởi mở, không độc tôn Nho giáo nên Phật giáo, Lão giáo cùng phát triển; mặc dù dòng họ Mạc có truyền thống sùng Nho. Triều Mạc mở liên tục các khoa thi tuyển chọn nhân tài, kể cả lúc kinh đô Thăng Long bị uy hiếp, phải mở trường thi ở Bồ Đề, Gia Lâm. Với 22 khoa thi Hội đã tuyển chọn được gần 500 Tiến sĩ, trong đó có những danh nhân góp công lớn với nền văn hóa nước nhà như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Trần Bảo, Nguyễn Thiến… Thời Mạc, không chỉ có nhiều tác gia lớn mà nhiều tác phẩm bị quân Minh cướp phá, bị tản mát trong chiến tranh đã được nhà Mạc giao cho Cục Tú lâm sưu tầm thu thập, sao chép, chỉnh lý. Nhờ thế, mà nhiều tác phẩm quý còn giữ được. Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đều được đọc những sách này và đã đưa vào mục Văn tịch chí trong Lê triều thông sử, Lịch triều Hiến chương loại chí.
Ngày 25 tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592), Cảnh Tông hoàng đế Mậu Hợp bị bắt rồi bị giết. Vũ An hoàng đế Mạc Toàn cũng bị bắt bị giết ở Thảo Tân, huyện Chí Linh; nhưng các thân vương nhà Mạc không chịu khuất phục, vẫn chiếm cứ nhiều nơi, mưu đồ khôi phục cơ nghiệp tổ tông. Tiêu biểu là các con cháu Khiêm Thái vương Mạc Kính Điển:
Đường An vương Mạc Kính Chỉ, con trưởng Khiêm Thái vương chiếm cứ vùng Chí Linh – Đông Triều xưng đế lấy niên hiệu Bảo Định (1592) năm sau đổi là Khang Hựu. Văn thần võ tướng quy phục. Nhân dân ứng nghĩa tới 7 vạn người, đánh thắng quân Trịnh, nên dân Hải Dương, Kinh Bắc hưởng ứng, thanh thế lừng lẫy. Trịnh Tùng huy động đại quân, trực tiếp chỉ huy, dùng biện pháp bao vây, chia cắt, tuyệt lương mới phá được. Ngày 14 tháng giêng Quý mùi (1593), vua Bảo Định bị bắt cùng nhiều quan văn võ ở thôn Tân Manh, huyện Hoành Bồ, xứ An Quảng và bị giết.
Đôn Hậu vương Kính Cung, con trai thứ Khiêm Thái vương, tháng 3 Nhâm thìn ( 1592 ), được Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn lập lên làm vua ở Văn Châu, lấy niên hiệu là Càn Thống, tướng sĩ, nhân dân quy phục rất đông, chiếm cứ nhiều phủ huyện ở bốn trấn. Nghĩa quân tiến đánh sát Thăng Long, đốt cầu phao Bát Tràng. Nhưng sau đó bị phản công phải rút. Hai bên liên tiếp đánh nhau nhiều trận, mãi đến tháng 5 Ất Sửu (1625), vua Mạc Càn Thống mới bị bắt ở Cao Bằng, bị sát hại sau 34 năm ở ngôi.
Khánh vương Mạc Kính Khoan, cháu nội Khiêm Thái vương, cháu con nhà bác vua Mạc Càn Thống, chiếm cứ Cao Bằng, xưng đế hiệu, đặt niên hiệu Long Thái (năm 1623), định đô ở xã Vu Toàn. Ngài dựa vào địa thế hiểm yếu, dựa vào các dân tộc ít người, vận dụng linh hoạt chiến thuật du kích nên chúa Trịnh cử đại binh tấn công Cao Bằng vào các năm: 1618, 1621, 1623, 1624, 1625 đều hao binh tổn tướng. Năm 1623, lợi dụng cơ hội anh em chúa Trịnh lục đục, Vạn quận công Trịnh Xuân nổi loạn, vua Mạc Long Thái đem quân tấn công Thăng Long. Hai bên đánh nhau hơn một tháng, vì hết lương phải rút về Cao Bằng. Tháng 5 năm Ất Sửu (1625), vua Càn Thống bị Thái phó Trịnh Kiều đánh bại và sát hại. Thế lực nhà Mạc bị suy yếu nên vua Mạc Long Thái phải trá hàng, tạm nhận chức Thái phó Thông quận công của vua Lê. Năm 1643, nhân cơ hội chúa Nguyễn Phúc Nguyên chống lại nhà Lê – Trịnh, vua Mạc Long Thái lại đem quân về tiến đánh Thái Nguyên. Nhà Lê – Trịnh huy động quân tướng biên giới phản công, quân Mạc thua ở Ngân Trường nên phải rút về căn cứ. Năm 1667, chúa Trịnh Tạc đem đại binh tấn công Cao Bằng, đánh tan quân nhà Mạc, đặt đồn binh lớn, cử quan võ có tài như Vũ Ninh làm Đốc trấn Cao Bằng, Đinh Văn Tả làm Trấn thủ Thất Tuyền (sau đổi là Thất Khê) Lạng Sơn để hỗ trợ. Bị đánh bật khỏi căn cứ địa, vua Mạc Càn Thống rút chạy sang Trung Quốc, tranh thủ quan lại nhà Thanh đòi lại đất Cao Bằng. Sau vua Thanh cho đem Ngài về Nam Ninh Quảng Tây rồi sai sứ bắt chúa Trịnh Tạc phải cắt 4 châu: Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang nhường cho họ Mạc. Sau Ngô Tam Quế, một tướng cũ nhà Minh chiếm cứ Vân Nam, Quảng Tây, chống lại nhà Thanh. Ngô Tam Quế bị đánh bại. Vua Mạc Thuận Đức mất chỗ dựa. Lợi dụng cơ hội, năm 1677 tướng Đinh Văn Tả tấn công Cao Bằng, Ngài lại phải chạy sang Long Châu, đến năm 1683 Vương Quốc Trinh nhận của chúa Trịnh 5.500 lạng bạc, bắt Ngài cùng thân quyến và tướng tá gồm 350 người giao cho nhà Lê – Trịnh. Cơ hội phục hưng vương triều đến đây chấm dứt, sau 90 năm kiên trì đấu tranh liên tục.
Việc nhà Mạc theo di chúc Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rút lên Cao Bằng, sau khi Thăng Long thất thủ không chỉ phản ánh tầm nhìn xa rộng sáng suốt của danh nhân mà còn mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Vì Cao Bằng là vùng biên viễn, người Kinh rất ít, trình độ các dân tộc ít người thấp mà ngoại bang với tư tưởng Đại Hán luôn muốn bành trướng bằng mọi thủ đoạn. Vì vậy, Vương triều Mạc với truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa nổi tiếng xứ Đông lên cát cứ Cao Bằng đã đưa tộc Kinh hòa đồng với các dân tộc ít người bảo vệ biên cương vững trãi. Ngày nay, chúng ta càng thấy rõ cống hiến của nhà Mạc với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.
Đánh giá về nhà Mạc, các sử gia phong kiến nhà Lê và một số sử gia đương đại thiếu công minh, nhưng sự thực luôn là sự thực. Ngay vào thời kỳ thịnh đạt triều Lê Trịnh vẫn có việc Trịnh Du, họ gần nhà chúa, làm quan trải thăng đến Thái phó – loại cực phẩm triều đình – còn bị bãi chức vì “ngợi khen ngụy Mạc, chê bai chính sự đương thời” – Việc xảy ra năm Chính Hòa 22 (1701). Lại nữa, cố Lê công tử Phạm Đình Hổ, trong tác phẩm Vũ trung tùy bút còn nêu rõ: “… Vả lại, cái đức chính của đời Minh Đức (1527 – 1530), Đại Chính (1530 – 1540) nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên vận trời đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc vẫn chưa hết. Những nhà nho đời bấy giờ còn nhiều người náu hình dấu bóng không chịu ra. Còn những kẻ ra ứng dụng cho đời phần nhiều là những người hủ lậu, ít người tài giỏi (Bài văn thề). Không khó tìm minh chứng cho nhận xét trên. Bản thân ông ấm Phạm Đình Hổ đến đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn mới ra nhận chức Tế tửu trường Quốc tử giám.
Vậy, nghiên cứu về họ Mạc xứ Đông phải đề cập đến những điểm mấu chốt sau:
Xã Lũng Động huyện Chí Linh (trước là xã Đông Cao huyện Bình Hà) nơi phát tích dòng họ Mạc nước ta với những nhà nho tiêu biểu nho phong sĩ khí Bắc Hà như Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan, Mạc Đĩnh Chi – tổ 7 đời Mạc Đăng Dung. Khi lên ngôi báu, Mạc Thái tổ truy tôn Ngài làm Kiến thủy Khâm minh Văn hoàng đế, dựng điện Sùng Đức ở nền cũ của Ngài ở xã Lũng Động để thờ.
Xã Cổ Trai huyện Nghi Dương nay là Kiến Thụy, trung tâm Dương Kinh thời Mạc, nơi dựng đế nghiệp của dòng họ. Năm 1527, khi lên làm vua, Mạc Thái tổ đã lập cung điện, đền đài lăng tẩm… ở ấp thang mộc nhưng đã bị chúa Trịnh Tùng sai phá hủy hết. Nay chỉ còn di tích nhà từ đường dựng lại thời Nguyễn Duy Tân, một vài ngôi chùa thời Mạc: Nhân Trai, Trà Phương, Hòa Liễu…
Qua nhiều Hội thảo khoa học cấp quốc gia, đã đánh giá công minh về Vương triều Mạc nên Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai, nhiều di tích nhà Mạc đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Vì vậy, nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhà nước đã đầu tư xây dựng Khu Tưởng niệm Vương triều Mạc ở Cổ Trai, khánh thành đúng dịp chính kỵ Mạc Thái tổ năm 2010.
Các chi phái họ Mạc trong, ngoài nước là di duệ của hoàng thân, tôn thất nhà Mạc sau biến cố năm 1592 và 1677 phải thay họ đổi tên, mai danh ẩn tích nay mới có điều kiện tầm tông vấn tổ, nhận họ nhận hàng, về quê giỗ tổ theo đạo lý, phong tục của dân tộc.
Chúng ta có đủ căn cứ để tin tưởng họ Mạc xứ Đông đã, đang và sẽ giữ gìn, kế thừa phát huy truyền thống ưu việt của dòng họ, quy tụ, đoàn kết các chi phái họ Mạc Việt Nam trong, ngoài nước để kề vai sát cánh với các dòng họ nước ta xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 6 – Nhâm Thìn ( 2012 )
N.Đ.L
Tài liệu tham khảo chính:
– Đại Việt sử ký toàn thư – Bản Kỷ tục biên _ NXB KHXH.H.1982
– Lê Quý Đôn: Lê triều thông sử. NXB KHXH.H.1978
– Ngô Đăng Lợi – Trần Thị Vinh – Nguyễn Quang Ân: Nhà Mạc và Dòng họ Mạc trong lịch sử ( Kỷ yếu Hội thảo – Hội KHLS VN – Viện Sử học VN – Hội đồng lịch sử Hải Phòng – Hà Nội – 1996 )
– Ngô Đăng Lợi – Phạm Thu Hà: Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc. Hội KHLS VN – Hội Sử học Hải Phòng.H.2000
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.