- Đang online: 3
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 18700
- Tổng truy cập: 3,369,951
NGUYỄN BỈNH KHIÊM VÀ XÃ HỘI CỦA ÔNG 590
- 208 lượt xem
NGUYỄN BỈNH KHIÊM VÀ XÃ HỘI CỦA ÔNG
Tháng 9-20-2012
GS. Vũ Khiêu
Xã hội của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một xã hội xây dựng trên cơ sở một phương thức sản xuất còn mang nặng tính chất công xã nông thôn. Nhà nước là người sở hữu lớn nhất đã thông qua bộ máy làng xã, giao khoán ruộng đất cho nông dân và thu hoa lợi từ thành quả lao động của họ. Chế độ quan liêu phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội này có nhiệm vụ thực hiện sự giao nộp từ bên dưới và cấp phát từ bên trên. Trong khuôn khổ gò bó này, nông nghiệp lạc hậu không có điều kiện phát triển đã hạn chế cả công nghiệp và thương nghiệp. Đất nước lâm vào sự trì trệ kéo dài qua nhiều thế kỷ. Chế độ này đã thường xuyên làm nảy sinh và tái sinh những mâu thuẫn xã hội khi tạm thời dịu xuống, khi bùng lên gay gắt. Mâu thuẫn giữa vua chúa bóc lột nặng nề và nhân dân ngày một đói khổ. Mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền luôn luôn xung đột và chém giết lẫn nhau gây ra những cuộc chiến tranh nội bộ, tạo ra cảnh tượng đất đai chia cắt huynh đệ tương tàn. Thời kỳ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều mầm mống xã hội mới đã manh nha trong lĩnh vực thương nghiệp và công nghiệp. Những nhân tố này còn quá yếu ớt, và bị trói buộc bởi sự bảo thủ nặng nề của hình thái kinh tế xã hội cũ.
Từ phân tích hoàn cảnh xã hội ấy, chúng ta cần đánh giá một cách công bằng và khoa học vai trò lịch sử của Mạc Đăng Dung. Ông đã xây dựng một trật tự cần thiết cho sự đổi mới của xã hội. ông trấn áp những thế lực bảo thủ, phản động và ủng hộ tích cực cho sự phát triển của công nghiệp và thương nghiệp. Lịch sử đã để lại nhiều bằng chứng nói’ lên công lao của Mạc Đăng Dung và triều đại ông. Sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, đem lại đời sống no ấm cho nhân dân. Thủ công nghiệp được phát triển nhất là đồ gốm, đồ dệt. Trật tự trị an được bảo đảm. Không còn người cầm giáo mác và binh khí đi ngoài đường. Không có trộm cướp ban đêm. Người đi lại buôn bán được an toàn. Trâu bò thả chăn không phải mang về. Chính Đại Việt sử ký toàn thư vốn lên án tội thoán nghịch của Mạc Đăng Dung cũng phải thừa nhận những thành công của ông: “Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục quyển XV).
Ngoài việc phát triển công nghiệp và thương nghiệp, nhà Mạc đã đặc biệt quan tâm việc sử dụng và ưu đãi trí thức. Rất nhiều ông Nghê triều Lê đã theo nhà Mạc. Nhà Mạc đã liên tục mở các khoa thi, tuyển lựa được rất nhiều trí thức từ tiến sĩ đến trạng nguyên. Lịch sử còn ghi nhớ những tên tuổi của nhiều ông trạng thời Mạc: Nguyễn Thiến trạng nguyên 1532), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng nguyên 1535), Giáp Hải (Trạng nguyên 1538).
Ngoài những thành tựu trên, Mạc Đăng Dung và triều đại của ông vẫn chưa vượt qua được sự trì trệ hàng ngàn năm của xã hội. Công nghiệp, thương nghiệp có những bước phát triển nhất định nhưng chưa đạt tới mức tạo ra những thành thị mới. Những thành thị phồn vinh của công nghiệp, thương nghiệp chứ không phải là những thành thị có bộ máy quan liêu xây dựng trên cơ sở của nông nghiệp. Thời đại ông cũng chưa xuất hiện một lực lượng xã hội mới, lực lượng lớn lên từ tầng lớp tiểu sản xuất trở thành chỗ dựa cho ông và đủ sức hình thành một phương thức sản xuất mới thay thế cho phương thức sản xuất cũ đã lỗi thời.
Không thể dự báo sự phát triển tương lai của đất nước, Mạc Đăng Dung và con cháu ông đành quay trở lại con đường mòn của lịch sử: lại duy trì chế độ ruộng công, lại giao khoán cho nông dân qua hình thức công điền, lại cấp ruộng cho công thần hưởng hoa lợi, lại duy trì chế độ quan liêu bao cấp dưới hình thức giao nộp từ bên dưới và cấp phát từ bên trên.
Con đường mòn của lịch sử lại đưa ông trở về với một xã hội thường xuyên mất ổn định do bóc lột giữa các tập đoàn chính trị. Nhân dân lao động lại chìm ngập trong cuộc sống túng thiếu, đói khổ, chết chóc
Cuối cùng các vua Mạc chỉ còn biết dựa vào những ông Trạng, ông Nghè. Nhưng các ông với sự bất lực cố hữu của mình đã không cứu chữa được những căn bệnh của thời đại, không tránh nổi cho nhà Mạc đi tới suy vong và thất bại. Trong hoàn cảnh xã hội này, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đạt tới đỉnh cao nhất mà người tri thức có thể vươn tới. Nhưng cũng như mọi người, ông không thể vượt qua được ranh giới mà thời đại đã hạn chế.
Suốt 45 năm trời, nhìn rõ sự thối nát của các triều đại nhà Lê với những “vua quỷ” và “vua lợn”, ông đã nhất định nằm im dù biết rằng kiến thức uyên bác và tài năng lỗi lạc của mình có thể đưa ông tới đỉnh cao của danh vọng. Ông đã kiên quyết gạt bỏ mọi sự cám dỗ của vinh hoa phú quý và tự an tủ rằng .
Ngoài bốn mươi tuổi khoẻ triều quan
Ta bốn mươi đã được nhàn.
Cho đến khi nhà Mạc đã xây dựng được tám năm và đạt được những thành công và tiến bộ nhất định, ông đã vui mừng, hy vọng về một xã hội thanh bình và thịnh trị do triều đại mới đem lại:
Mừng thấy thời vần dời mở trị
Thái bình thiên tử, thái bình dân.
Ông quyết định ra phục vụ nhà Mạc, coi đó là sự lựa chọn đúng đắn của bậc trượng phu và người quân tử:
Quân tử mới hay nơi xuất xử
Trượng phu cũng có chí anh hùng.
Từ đó, ông đem hết tấm lòng để phục vụ triều Mạc trên các mặt văn học, chính trị, quân sự, coi như nghĩa vụ lớn lao của mình:
Ba đời chúa được phúc tình cờ
Ơn nặng chưa từng báo tóc tơ
Cho đến lúc 70 tuổi về nghỉ ở quán Trung Tân, ông vẫn bày tỏ thái độ chung thủy với các vua Mạc:
Xem lại tuổi đời ngoài bảy chục
Chỉ vì già yếu há quên vua.
Tuy nhiên, nhiệt tâm của ông trước sau vẫn không đem lại một kết quả thực tế nào cho vua, cho nước, cho dân. Chúng ta thông cảm với ông, coi đó không phải là khuyết điểm của ông mà là khuyết điểm của thời đại.
Cũng như Mạc Đăng Dung, nhà chính trị xuất sắc trong lúc đó và cũng như những nhà tri thức cùng thời, ông đã không thể hiểu được xã hội ông đang sống sẽ đi đến đâu và xã hội nào sẽ thay thế xã hội ấy.
Ngay so với Mạc Đăng Dung, ông cũng không có một quan điểm xã hội tiến bộ hơn. Mạc Đăng Dung ít nhất còn thấy được vai trò công nghiệp và thương nghiệp, còn nhìn được mối quan hệ hàng hóa trong phạm vi toàn quốc, còn hiểu được phần nào tình hình buôn bán của các nước công nghiệp phương Tây.
Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm thì khác. Trước tình hình xã hội phức tạp và suy đồi, ông chỉ quanh quẩn với am Bạch Vân, với quán Trung Tân, chỉ an phận với cỏ, hoa, chim, cá, gió, trăng, giữa một quê hương bùn lầy nước đọng ông không đoán được những gì đang diễn biến ở bên ngoài xã hội của ông, không dự báo được những gì sẽ xảy ra sau cái thời đại ông đang sống. Ông cũng không hề biết rằng các nước phát triển về công nghiệp, thương nghiệp ở phương Tây đã bắt đầu đến gõ cửa quê hương ông nghèo nàn và lạc hậu.
Xa lạ với những điều thiết thực ấy, ông chỉ biết quay về với sách vở của thánh hiền, không biết rằng chính những cái đó đang là sợi dây trói buộc ông.
Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành trí thức cũng là con đường mà mọi người trí thức đã đi qua. Bất cứ ai muốn trở thành trí thức, đều phải tiếp thu những kiến thức đương thời, đều chiu ảnh hưởng của ý thức hệ thống trị.
Cả một hệ thống khái niệm đã được sắp sẵn và được sử dụng như những công cụ để nghiên cứu và biên thuật. Không thể đòi hỏi một người trí thức gạt bỏ con đường học vấn ấy và những công cụ tư duy ấy chừng nào họ muốn trở thành trí thức.
Suốt mấy ngàn năm, Khổng giáo đã từng đóng vai trò ý thức hệ thống tri ở Trung Quốc, thích ứng với một chế độ quan liêu nền kinh tế nông nghiệp theo kiểu giao nộp từ bên dưới và cấp phát từ bên trên.
Từ các triều đại Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê, nước ta giành được độc lập. Khổng giáo được tiếp nhận như một ý thức hệ có sẵn phù hợp với trật tự kinh tế xã hội mà tầng lớp thống trị nước ta muốn duy trì.
Từ thế kỷ XV Phật giáo đã suy yếu dần. Khổng giáo giữ địa vị độc tôn. Các trí thức Việt Nam từ Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi cho đến Nguyễn Bỉnh Khiêm và các tri thức sau này, tất cả đều xuất thân từ cửa Khổng sân Trình. Sách vở thời đó, kể cả các sách của Phật, của Lão đều không nhiều lắm. Kiến thức thời kỳ đó cũng chỉ quanh quẩn chung quanh những lời nói và việc làm của thánh hiền, những sự kiện lịch sử đã từng được phân tích và bình luận. Các nhà nghiên cứu ngày nay gặp rất nhiều khó khăn khi muốn phân biệt sự khác nhau giữa các nhà trí thức thời xa, khi những người này cũng nói đến những khái niệm cơ bản trong hệ thống kiến thức của Khổng giáo. Rất khó phân biệt giữa sự khác nhau giữa Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm khi các. ông cùng nói tới nhân, nghĩa, trung, tín cùng giải thích về tam cương ngũ thường, cùng bình luận về Xuân Thu Chiến Quốc…
Người ta từng gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà triết học hay cụ thể hơn là nhà lý học. Không như những triết gia khác, ông không để lại những tác phẩm thuần tuý triết học. Như mọi nhà thơ lớn của Việt Nam, mọi tư tưởng của ông, kể cả tư tưởng triết học, lại nằm dưới vỏ thẩm mỹ của ngôn ngữ thi ca. Thi ca là cửa ngõ duy nhất cho những ai muốn đi tới lâu đài triết học của ông. Cái khó khăn là mỗi bài thơ của ông chỉ có thể bộc lộ một điểm nào đó, một mặt nào đó của tư tưởng ông. Không thể hiểu cả khu rừng nếu chỉ hiểu một cây. Không thể hiểu cả bầu trời nếu chỉ thấy một vì sao. Ông là nhà duy vật, nếu chúng ta chỉ nêu những lời ông nói về những mặt cụ thể của thiên nhiên và xã hội, và kết luận của ông cho tất cả đều do khí. ông sẽ là nhà duy tâm nếu chỉ nhấn mạnh những quan điểm của ông về lý học, về thiên lý và nhân tâm. ông là nhà biện chứng khi ông nói tới sự chuyển hoá lẫn nhau giữa các mặt thịnh suy, hưng vong, cùng thông, bĩ thái… Nhưng ông sẽ là siêu hình khi ông chỉ nhìn thấy sự vật biến đổi trong một cái vòng luẩn quẩn. Triết học Mác – Lênin cần được rọi soi vào những điểm bản chất trong thế giới quan của ông, để từ đó đánh giá mặt tiến bộ và mặt hạn chế, khi ông ứng dụng những quan điểm đó vào cuộc đời ông và truyền lại cho hậu thế.
Ông là một nhà Nho, là một người được chính truyền về tư tưởng Khổng giác. Ông đã dành nhiều bài thơ để giải thích tỉ mỉ về đạo cương thưởng, về mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bè bạn…
Không ai có thể chối cãi điều đó, nhưng từ đây lại nghĩ rằng ông không tiếp thu gì ở đạo Phật và đạo Lão thì lại là một điều rất không đúng. Có nhà Nho nào trong lịch sử Việt Nam mà lại không nghiên cứu các sách Lão Trang và các sách Phật học. Khổng giáo trở thành độc tôn từ thế kỷ XV nhưng không vì thế mà truyền thống kết hợp “tam giáo” từ thời nhà Lý đã bị gạt bỏ.
Từ đầu chí cuối, ông chưa bao giờ đi ngược lại đạo Nho. Nhưng khi cáo quan trở về, sống giữa cỏ hoa sông nước, ông muốn gần gũi với thiên nhiên, thực hiện thuyết vô vi, ca ngợi chữ “nhàn”. ông không bài xích Phật nhưng tư tưởng thiên học thắm đượm trong rất nhiều bài thơ. Bài văn bia ở bên quán Trung Tân nêu cao đạo lý của nhà Nho, lấy đạo trung dung làm gốc, nhưng Trung Tân, cái bến của đạo Trung dung ấy, cũng còn là cái bến để đón tiếp những khách vãng lai từ mọi nẻo mê mê đồ đồ đi tới Trung Tân là bến đợi chờ những kẻ đang chìm nổi trong bể trầm luân của nhà Phật. Trung Tân cũng là bến thảnh thơi đối với những người mang tư tưởng Lão Trang trở về với cuộc sống tiêu dao của trăng thanh gió mát. Hệ tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm phải chăng đã rõ nét trong bài văn bia ấy.
* *
*
Giá trị chân chính của người trí thức không phải ở chỗ họ lặp lại những câu chữ của thánh hiền mà ở chỗ họ đã có những cống hiến gì trong khi vận dụng những kiến thức ấy vào thực tế. Đánh giá về Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như mọi trí thức thời xa trước hết ở chỗ họ, bằng suy nghĩ và hành động, đã làm gì cho phồn vinh của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân, cho văn hóa của dân tộc, cho phẩm cách của con người…
Để đạt tới những mục tiêu trên đây, người tri thức không thể không dựa vào kiến thức đương thời. Nhưng tiếc thay hệ thống kiến thức ấy lại không giúp họ nhìn xa thấy rộng.
Không nhận thức được sự đi lên của lịch sử, không phát hiện được những gì đang chứa đựng trong sự khủng hoảng hôm nay, không thấy được một ngày mai hoàn toàn đổi mới, các nhà trí thức chỉ biết bất mãn với những cảnh ngang trái xấu xa của đương thời và lên án xã hội bằng những quan điểm cũ kỹ của thánh hiền. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng giống như các nhà trí thức thời ấy và có thể còn nghiêm khắc hơn nữa khi ông lên án những cảnh “tham vàng bỏ nghĩa”, “của trọng hơn người”, “treo dê bán chó”, “phản bạn, lừa thầy”.
Những lời lẽ đạo đức đó cũng chẳng có giá trị bao nhiêu. Ông cũng chẳng hơn gì hàng trăm những nhà nho khác đã từng nói đi, nói lại những điều như thế. Khó tìm thấy điểm tích cực và cống hiến của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở mặt này.
Điều đáng để ta quý mến và kính trọng ông lại là ở chỗ khác.
Trước hết là ở chỗ ông đã vượt qua những thói thường của nho gia để khẳng định bản lĩnh của mình.
Không phải dễ dàng mà phải có một bản lĩnh đặc biệt mới gạt bỏ được các quan điểm ngu trung, các lời chê bai, các sự cám dỗ để từ chối nhà Lê và lựa chọn nhà Mạc. Phải có một bản lĩnh nhất định mới làm chủ được mình trong mọi trờng hợp khi xuất khi xử, khi ẩn, khi tàng.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nuôi dưỡng và phát huy những truyền thống tốt đẹp nhất của người trí thức Việt Nam: đó là tinh thần nhân đạo rộng lớn, là lòng yêu nước sâu sắc, là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Thơ văn ông tiếp tục xúc động chúng ta từ những tình cảm sáng ngời ấy, những tình cảm quán triệt suốt cuộc đời ông từ nhỏ đến già .
Vì cuộc sống thanh bình và hạnh phúc của nhân dân, ông đã bao lần hăng hái ra giúp nhà Mạc nhưng bao lần ông đã phải cáo quan quay về. Lòng mong mỏi suốt đời của ông vào một xã hội tốt đẹp đã không thành hiện thực. Ông luôn luôn nêu lên trong thơ những cảnh nghèo khổ, túng thiếu của nhân dân, tình trạng đạo đức suy đồi, những cảnh chạy theo lợi danh, những thói tục vì tiền bỏ nghĩa.
Tiếc rằng không vượt qua được những hạn chế của thời đại và nhận thức, ông chỉ thấy mặt tác hại của đồng tiền mà không thấy mặt tiến bộ của nó. Đồng tiền đã đem lại sự suy đồi cho đạo đức nhưng cũng là một tia sáng về tương lai của đất nước. Ông quay lại quá khứ nhìn lại cái vòng luẩn quẩn của một xã hội mà sự trì trệ đã kéo dài hàng ngàn năm.
Ông cũng nhìn về tương lai nhưng cái tương lai vẫn mù mịt ấy không cho ông nhìn thấy sự phủ định tất yếu của ngày hôm nay mà chỉ đẩy lùi ông trở về cái quá khứ của ngày Nghiêu tháng Thuấn. Phải chăng chính vì thế, ông trở thành bảo thủ và sự bất lực của ông là bi kịch của ông.
Điều đau xót nhất là cuộc chiến tranh liên miên diễn ra suốt cuộc đời ông giữa các tập đoàn phong kiến đã đẩy nhân dân vào cảnh “thành xương sông máu”. Do chiến tranh ấy mà nhân dân lao động chung quanh ông đã phải sống cuộc đời chia ly đói rét, nhà cửa bi tàn phá, ruộng đồng thành hoang phế.
Thái độ của ông đối với hòa bình và chiến tranh là rất rõ ràng. Ông tham gia vào các cuộc chinh phạt nhằm chống lại bọn giặc cướp tàn hại nhân dân. Nhưng đối với các cuộc chiến tranh khác, những cuộc chiến tranh vì lợi ích của cá nhân và dòng họ thì ông lại kịch liệt lên án.
Phải chăng thái độ của ông cũng thể hiện truyền thống của nhân dân ta là vừa cương quyết chống những kẻ áp bức và tàn bạo, vừa xây dựng và bảo vệ cuộc sống thanh bình của đất nước. Đây là một thái độ mà giới khoa học chúng ta cần phải làm sáng tỏ trước toàn thể nhân loại đang đấu tranh cho hòa bình chống đế quốc Mỹ và bọn phản động thế giới đang đẩy nhân loại vào cuộc chiến tranh huỷ diệt. Với ý nghĩa đó, tôi nghĩ rằng ông rất xứng đáng được Hội đồng hòa bình thế giới kỷ niệm 500 năm ngày sinh của ông (1991).
Có vấn đề sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm mà suốt 400 năm người ta vẫn xôn xao bàn tán. Phải chăng ông là một nhà tiên tri biết hết mọi việc. Từ phép biện chứng thô sơ của Dịch kinh và Lý học, ông đã thể nghiệm sự đổi thay của hoàn cảnh xã hội giữa sống chết, đầy vơi, lên xuống, doanh hư, thăng trầm. Từ sự lắp đi lắp lại của lịch sử trong cái vòng luẩn quẩn, ông đã dự đoán khá chính xác về sự thịnh suy của nhà Lê, sự hưng vong của nhà Mạc, chỉ ra lợi ích thiết thực của các tập đoàn xã hội.
Ta có thể dễ dàng gặp điều này ở các nhà tri thức sáng suốt qua các thời đại. Nhưng cái gọi là Sấm của ông lại là một vấn đề khác. Tôi nghĩ rằng những giai thoại kỳ quái về khả năng của ông đoán trước được mọi việc cụ thể là một điều có thể hiểu được trong một xã hội còn đầy rẫy những điều mê tín, những chuyện bịa đặt và hoang đường. Chứng ta cần làm sáng tỏ vấn đề đâu là khả năng dự báo xã hội của Nguyễn Bỉnh Khiêm do kiến thức và kinh nghiệm đã đem lại và đâu là những điều vô lý mà người ta do ngu muội và mê hoặc đã gán ghép cho ông.
Người ta còn bàn nhiều về cuộc sống thanh nhàn và ẩn dật của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là điều đáng khen hay đáng chê. Đó là sự trốn tránh trách nhiệm khi đất nước đang đòi hỏi sự đóng góp của mọi người hay đó là thái độ ứng xử của người trí thức trong trạng thái khủng hoảng và bế tắc. Phải chăng bất
lực trước những quan hệ xã hội rối ren và thối nát, người trí thức không muốn làm hoen ố tâm hồn phẩm chất của mình trong cuộc đua chen lợi danh ấy. Cao Bá Quát sau ông ba trăm năm đã phân chia người tri thức thành ba loại giống như ba loài chim. Loại thứ nhất là những con chim hồng hộc bay bổng trên trời xanh. Loại thứ hai là những con hạc đen đi ẩn bên sườn núi. Loại thứ ba là, những con chim hoàng yến quanh quẩn trên lâu đài của những nhà quyền quý.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không làm nên những sự nghiệp lớn và bay bổng trên mây xanh như kiểu Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm. Ông cũng không cam tâm chạy theo cuộc sống lợi danh chung quanh những nhà quyền quý. Ông đã muốn làm những nhà ẩn dật giống như những con hạc đen sống thanh cao bên sườn núi theo kiểu Chu Văn An trước đây. Phải chăng chính vì thế mà người đời hiểu nỗi khó khăn của ông và càng kính trọng ông thêm .
Sau Nguyễn Trãi hơn một trăm năm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những đóng góp gì vào quá trình phát triển của văn học Việt Nam và vị trí của ông như thế nào trong lâu dài văn học của dân tộc.
Trước hết phải thấy rằng suốt bao nhiêu thế kỷ học chữ Hán và làm thơ bằng chữ Hán, các nhà trí thức Việt Nam trước những khó khăn về ngôn từ và thể loại đã lẩn tránh việc cố gắng làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ.
Trước sự sáng tạo của Nguyễn Thuyên, sự quan tâm đặc biệt của Nguyễn Trãi, thành quả bước đầu của Lê Thánh Tôn và nhóm Tao Đàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã suốt cuộc đời của mình dành bao tâm huyết để làm thơ bằng tiếng Việt. Không chỉ để nói với đồng bào mình những điều muốn nói, ông cũng như Nguyễn Trãi đem hết nhiệt tình xây dựng nền văn học dân tộc mà lòng yêu nước và óc tự cường đã hằng ngày thôi thúc các ông.
Với một di sản lởn lao mà ông để lại, thơ Nôm của ông đã đánh dấu một chặng đường quang vinh trong lịch sử văn học Việt Nam. Thơ văn ông vừa mang những nét mộc mạc và rắn chắc của thơ Nguyễn Trãi, vừa tiếp thu truyền thống chau chuốt mà nhuần nhuyễn của thơ Lê Thánh Tôn và nhóm Tao Đàn.
Có lẽ đầy lòng tự hào về tinh hoa và tiềm năng của dân tộc trong thơ ca dân gian Việt Nam mà ông đã đưa vào tràn ngập trong thơ những lời đẹp nhất của ca dao tục ngữ.
Thơ của ông hướng vào cuộc sống hằng ngày của nhân dân mà ông gần gũi và yêu quý. Có lẽ vì thế mà thơ Nôm của ông ít thững lời sáo rỗng về phong, hoa, tuyết, nguyệt mà lại đi vào lòng người với những nét thân thương của những đồ đạc, những rau cỏ, những chim muông gặp gỡ hàng ngày. Cũng như Nguyễn Trãi, ông đưa vào thơ những con cóc, con rùa, con cua, con ốc, con cá đòng đong, con tằm, con ngài, con kiến, con ong, non ruồi, con nhện…
Nhớ rau lại tiếc nồi canh ngọt,
Nêm ếch còn thèm cá giống măng.
Thơ của ông nói đến rau muống, rau ngổ, đến củ tía, củ nâu, củ khoai…
Phải chăng vì gần gũi với đời sống như thế mà ông thuộc tên từ cụ già đến trẻ em, đi vào niềm vui và nỗi lo của từng người, và chính vì thế thơ ông đã mang tính nhân dân sâu sắc.
Các nhà nghiên cứu của ta từng bàn nhiều đến đặc điểm của ông khi sử dụng nhiều câu sáu chữ. Có người khen là thơ của ông mộc mạc, không cần kỹ xảo, không cần hình tượng. Có người nói ngược lại là thơ của ông tràn ngập những hình tượng, hình tượng của hiện thực, hình tượng của suy tư, hình tượng của đạo lý, hình tượng của cảm xúc Vấn đề đặt ra cho chúng ta là tìm hiểu vì đâu mà trong thơ ông những cái mộc mạc, cái suy tư, cái đạo lý lại mang tính thẩm mỹ và tạo nên giá trị nghệ thuật.
Trên một nghìn bài thơ mà ông để lại là những nhân chứng quý báu giúp chúng ta hiểu sâu thêm về bản thân ông.
Thơ ông là nhật ký của ông, thơ ông không chỉ là phản ánh sâu sắc những diễn biến của cuộc đời ông mà còn là sự thể hiện chân thành những suy tư, những xúc cảm, những thái độ trước những diễn biến ấy. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong thơ ông mà chúng ta tìm hiểu cũng là giá trị được rút ra từ chiều thầm kín ấy của tâm hồn ông.
(Bài trích trong cuốn: Vũ khiêu, những tác phẩn đạt Giải thương Hồ Chí Minh)
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.