- Đang online: 3
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 18748
- Tổng truy cập: 3,369,961
Đoản khúc Dương Kinh bi tráng 588
- 211 lượt xem
Mactoc.com – Đây là bài viết của nhà văn Nguyễn Xuân Hưng đăng trên báo Văn Nghệ, cuối tháng 7/2012, do ông Thái Kế Toại ST gửi đến BBT. Một bài viết đầy tâm huyết suy tư về Vương triều Mạc với những phân tích sâu sắc… Tuy nhiên ý kiến của tác giả về vua Mạc Mậu Hợp có khác nhiều với những đánh giá của GS Phan Đăng Nhật đã công bố. Tôn trọng sự suy nghĩ đa chiều, khách quan, chân thành, chúng tôi xin đăng nguyên văn bài viết của tác giả.
Cánh đồng Trà Phương, còn dấu ấn hình gương – lược
từ thời Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn
Đoản khúc Dương Kinh bi tráng
Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng
0.
Mỗi lần về quê Kinh Môn, Hải Dương, tôi hay ghé qua quê của ông bạn Phạm Đăng Vĩnh, ở Kiến An, khoảng hai chục cây số. Bây giờ đường xá tốt, tôi theo đường 5 đi đến Quán Toan (Hải Phòng) rồi theo đường 351 đi Kiến An, phóng xe vèo một lúc là đến. Tôi nhà văn lãng tử, được Vĩnh chừng mực viên chức tỉnh ngăn lại mỗi khi nổi máu liều. Vĩnh thực dụng kiểu tài tử vườn, được tôi say máu nghề báo cũ lôi kéo. Hai thằng bổ sung cho nhau thật khéo, thành ra hợp nhau hay la cà song đôi. Hồi xảy ra vụ ông Đoàn Văn Vươn, tôi và Vĩnh cũng âm thầm đến xã Vinh Quang, Tiên Lãng để chơi, quan sát và suy ngẫm. Nhưng sau khi đọc thấy cái truyện tôi viết về vợ tướng Bùi Văn Khuê thời vua Mạc Mậu Hợp, thì Vĩnh có vẻ khó chịu, cự nự tôi. May mà anh thẳng tính, có gì nói ngay, nên chúng tôi mới có dịp tranh luận để hiểu nhau.
Vĩnh bảo tôi: “Các cậu có học, nhiều chữ thành ra đôi khi báng bổ thánh thần, tổ tông. Tôi là con cháu nhà Mạc, tôi không tiêu hóa được cái truyện có thể nói xấu vua nhà Mạc như vậy”
(…BBT xin phép cắt đi mấy câu trích). “Nhà Mạc vĩ đại, Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh vĩ đại, nhưng các vua Mạc sau này yếu kém,(…) đến nỗi đánh mất cơ nghiệp tổ tông, cũng là sự thật”.
Vĩnh nghe thế, dường như nguôi, vẫn nói như gắt: “Tôi là con cháu họ Mạc đang ở trên đất Dương Kinh, tôi đọc thấy cậu viết như vậy cũng là không phải…”
Chúng tôi alo trên điện thoại. Nói đi nói lại cũng khó, đành hẹn nhau một lần nữa đến cùng đi chơi. Tôi nói để xí xóa với Phạm Đăng Vĩnh, là “chúng ta la cà trên đất Dương Kinh” nhé.
1.
Mạc Vĩnh nói với tôi: “Tôi đang ở Kiến An, nhưng tôi chưa nói với anh, các cụ tôi quê ở gần Cổ Trai, Kiến Thụy.”
Tôi thắc mắc: “Nhưng anh quê ở Nam Định cơ mà?”
Vĩnh mìm cười: “Chuyện dài lắm. Các cụ nhà tôi lưu lạc về Nam Định, nhưng truyền đời đều nói, quê gốc ở Cổ Trai. Nam Định hay Kiến An thì cũng là Sơn Nam thời Lê, Dương Kinh thời Mạc. Khi tôi có cơ hội hoặc là ở Hà Nội, hoặc là ở Kiến An, thì cả họ đều phấn khởi bảo tôi về Kiến An đi. Vì nơi đó là trở về Cổ Trai, Dương Kinh”
Vĩnh cười, nhún vai: “Mình già mất rồi. Hoài cổ là biểu hiện của tuổi già”
Chúng tôi về Kiến An, rồi rong ruổi mấy huyện thuộc Kiến An cũ, nay thuộc Hải Phòng, đó là Kiến Thụy, An Dương, An Hải, Vĩnh Bảo, An Lão, Tiên Lãng… Đi qua các làng quê này, di tích và ký ức về nhà Mạc dường như sống dậy. Người Việt biết nhiều về Đình Bảng (Bắc Ninh), Thiên Trường (Nam Định), về Lam Sơn (Thanh Hóa), nhưng đã mấy người biết về Cổ Trai (Hải Phòng) với Dương Kinh?
Một vương triều huy hoàng ngắn ngủi đã lụi tàn, chịu nhiều ẩn ức nhất trong lịch sử nước ta xuất phát từ một vùng đất ven biển đồng bằng Bắc Bộ. Không xa kinh thành Thăng Long và nằm gọn trong khu vực văn hóa cổ Đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của người Việt cổ. Một vùng đất đầy trầm tích văn hóa ấy một thời dường như bị ngủ quên.
Dương Kinh thời Mạc có trung tâm là Cổ Trai, ngày nay là một làng quê thuộc xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy. Sau này, nhà Mạc mất ngôi, sử gia triều Lê –Trịnh chép qua loa về Dương Kinh, vả lại, toàn bộ đô thị Dương Kinh bị Chúa Trịnh Tùng san phẳng năm 1592, nên Dương Kinh lùi vào bóng tối lịch sử.
Cũng như nhà Lý có hành cung Đình Bảng, nhà Trần có Thiên Trường, nhà Hồ có Tây Kinh, thì nhà Mạc cũng lấy đất quê làm hành cung. Song, điều khác nhau là về kết cấu và tính chất đô thị. Khi nghiên cứu khai quật và điền dã, các nhà sử học, ngay từ thời Giáo sư Trần Quốc Vượng còn sống, đã nhận định Dương Kinh là một quần thể đô thị mang tính giao lưu thương mại chứ không phải là loại hành cung chỉ để các vua nghỉ chân hoặc thiết triều. Dương Kinh thời Mạc do đó không có thành quách mà là chuỗi đô thị có “cốt lõi” là vùng Cổ Trai, và một vùng đất rất rộng phụ cận lệ thuộc thuộc hai trấn Sơn Nam và Hải Dương thời Lê. Cổ Trai thời Lê thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, nên tên “Dương Kinh” đã bao hàm một ngữ nghĩa không bó hẹp là vùng Cổ Trai quê nhà Mạc.
Từ năm 2007, Thành phố Hải Phòng đặt quận Dương Kinh gồm một số xã phường thuộc Đồ Sơn, Kiến Thụy. Nhưng như vậy, tên quận ấy chỉ có ý nghĩa kỷ niệm gợi nhớ về một địa danh đã vang bóng một thời, chứ quận Dương Kinh ngày nay không tiêu biểu về địa giới hay có quan hệ gì nhiều với Dương Kinh thời Mạc.
Ngày nay, chúng tôi có thể nhìn thấy cụm công trình tưởng niệm nhà Mạc ở Cổ Trai, đó là kết quả của việc đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và Thành phố Hải Phòng đã quy hoạch hơn 10 ha ở đấy để xây dựng công trình. Nhìn vào những công trình này, chỉ có thể ghi công nhà quản lý đã làm một việc đáng làm là kỷ niệm một vương triều, nhưng thiết kế cụm công trình thì không làm cho người tham quan thấy sự độc đáo, đặc biệt của một khu đô thị cổ. Không thể nhìn thấy dấu xưa độc đáo của Dương Kinh so với Đình Bảng hoặc Thiên Trường…
Ngày nay, di tích về triều Mạc còn rải rác trong những đình chùa thôn xóm của mấy huyện Kiến Thụy, An Dương, An Lão, Tiên Lãng. Vĩnh kể, ngay từ mấy chục năm trước, hồi anh còn trẻ con, về đây còn thấy nhiều nhà còn những hòn đá đập lúa rất kỳ dị, có những món đồ thờ cũ kỹ, các cụ bảo chúng tao lớn lên đã có rồi. Rồi một thời có những người buôn đồng nát đến cứ kỳ kèo hỏi mua. Hóa ra toàn những đồ vô giá mà không biết. Cầm vàng mà không biết là vàng. Việt Nam hàng trăm năm trước, xã hội phong kiến ít biến động, sau nạn thảm sát của Trịnh Tùng, cái gì còn lại trong dân thì còn mãi đến thời đêm trước Đổi Mới. Đổi Mới thì người ta dần “khôn” ra, bao nhiêu cổ vật của cha ông thấy có tiền là bán cả. Ngày nay anh bạn tôi chỉ còn biết thở dài. Thở dài chán lại tự an ủi, ít ra còn có đứa như mình biết thở dài, chứ bao nhiêu người cứ sống chết mặc bay, cần gì đâu.
Di vật còn lại nhiều nhất là ở các chùa. Quân đội nhà Trịnh càn quét vùng quê nhà Mạc, động đến đình chùa cũng có phần e ngại, nên nhiều cổ vật còn lại. Vả chăng, toàn bộ ngôi chùa, từ kiến trúc, tượng thờ, đến đồ thờ tự nó cũng là những cổ vật. Nhìn những mái chùa cũ kỹ kia, khối ông bà có tiền bàn rằng, xây cái chùa to lớn hơn, nhưng họ không hiểu được rằng, trầm tích báu vật quý giá thế nào từ những chi tiết kiến trúc như cửa võng, ngạch cửa, gạch thời Trần, cho đến hoa văn chạm trổ… Vĩnh bảo tôi: “Lắm lúc mình nhìn những ngôi chùa làng, cứ lo lo là đến lúc người ta phá mất. Đã có chuyện can ngăn mãi mới giữ lại được đấy”. Hôm tôi đến chùa Du Lễ (Kiến Thụy) có một Phật tử đi chùa nói về pho Tam Thế đã mất, rằng những gì Trịnh Tùng còn để sót lại thì bây giờ con cháu phá nốt chăng?
Gần khu tưởng niệm nhà Mạc là một ngôi chùa bình dị, chùa Phúc Linh Tự ở làng Nhân Trai. Cổng chùa bề thế mới xây dựng, nhưng cái sự to đẹp thời hiện đại đúng là khoe mẽ nếu biết giá trị những cổ vật của ngôi chùa già nua, nhỏ bé. Nguyên bản ngôi chùa là một bảo vật. Những tượng thờ các vua và hoàng hậu nhà Mạc còn lại, những tường xây rêu phong nhưng làm nên chúng là những viên gạch từ thời Trần. Không ở đâu, đất đá cũng mang dấu xưa lịch sử như ở nơi này.
2.
Nhà Mạc là một vương triều đặc biệt, ngắn ngủi so với các triều đại Lý, Trần, Lê. Nhưng cho đến nay, nhà Mạc còn đặc biệt hơn, vì bị đối xử bất công. Sau khi bỏ chạy khỏi Thăng Long, sân khấu chính trị nước nhà do hai họ Trịnh, Nguyễn khống chế. Hai họ đều gương khẩu hiệu “phò Lê”, tiếp nối quốc thống Lê. Sử gia triều Lê, như Phan Huy Chú, như Lê Quý Đôn, đều ca tụng chúa Trịnh, thế lực đã đánh thắng nhà Mạc, trung hưng nhà Lê. Trong Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, nhà Mạc xếp vào kỷ “ngụy Mạc”, chuyện các nhân vật nhà Mạc thì xếp vào “nghịch thần truyện”. Triều Nguyễn sau này, các bộ sử của Quốc sử quán Triều Nguyễn đều bắt đầu từ “Triệu tổ triều ta”, tức Nguyễn Kim, cái nhìn về nhà Mạc càng khắc nghiệt.
Các bộ sử thời Việt Nam dân chủ cộng hòa không coi nhà Mạc là ngụy nữa, nhưng cách viết sử thì lặp lại y sì như cũ. Trong khi các vua Lý, Trần, Lê được gọi tôn kính theo miếu hiệu. Nào những Thái tổ, Thái tông… Thì đối với nhà Hồ, nhà Mạc, vẫn cứ tên củ tên cái gọi: Từ Hồi Quý Ly, đến Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh… Gần đây, sử gia Hải Phòng có một bước tiến quan trọng về nhận thức, khi đề nghị giới báo chí nên gọi “Thanh gươm báu của Mạc Thái tổ”, thay cho việc gọi “Thanh gươm báu của Mạc Đăng Dung” như trước kia.
Phạm Đăng Vĩnh nói với tôi: “Tôi không phải nhà văn, cũng không phải nhà sử, tôi chỉ là con cháu nhà Mạc, nên tôi đọc sử bắt đầu có thắc mắc từ hồi còn đi học. Vì sao ông Trần Quốc Tuấn thì cứ gọi là Trần Hưng Đạo, còn ông Trần Quang Khải thì không gọi là Trần Chiêu Minh? Vì sao vua Trần Nhân tông đi tu rồi, mà sử gia cứ gọi là Trần Nhân tông, chứ không phải là “bài kệ của Điều Ngự Giác Hoàng”, và khi nói “Nhà thơ Trần Nhân tông” sao chúng ta không thấy gợn, với tư cách thi nhân, ông ấy là Trần Khâm, chứ không phải Trần Nhân tông. Tại sao “Khóa hư lục” không mạnh dạn gọi tác giả của nó là Trần Cảnh. Ngày nay, có ai nói “Nhà thơ Hồ Chủ tịch” không, mà là “Nhà thơ Hồ Chí Minh” chứ. Cho nên, tôi thấy người ta không nói Mạc Thái tổ, Mạc Thái tông, mà là Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, thì bước tiến về con mắt sử gia bây giờ không hơn mấy so với các ông Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, hay Quốc sử quán Triều Nguyễn”.
Tôi nói với Vĩnh: “Nói chuyện này… khó lắm ông ơi. Nhà Trần lên ngôi chấm dứt nhà Lý khi đó suy tàn, nhưng nhà Trần có chiến công đánh giặc, triều đại lâu dài, nên sau này, sử gia coi như nối quốc thống nhà Lý, coi như chính thống”
Vĩnh cãi: “Nhà Mạc cũng chấm dứt nhà Lê suy từ Uy Mục, Tương Dực, nhưng cuối cùng lại bị các thế lực mang chiêu bài phò Lê đánh đuổi. Mạc Đăng Dung với Trần Thủ Độ và Trần Cảnh có khác gì nhau”
Tôi có tranh luận với Vĩnh, đại khái thế này: Hành vi của các vị ấy đổi ngôi vua thì không khác nhau, nhưng thời đại và lòng người đã khác. Cuối Lý, tư tưởng nói chung là chấp nhận tam giáo, triều đại thay đổi người ta coi là vận số, là số Trời. Còn khi Lê Thái tổ đánh đuổi nhà Minh, thì ông và các con cháu ông xây dựng một xã hội theo hình mẫu Minh, hoặc nói chung là tư tưởng theo mẫu Nho giáo Trung Hoa. Nhìn thẳng thắn thì thấy, Đại Việt thắng quân xâm lược trên chiến trường, mà thua trong hòa bình, thua về văn hóa. Cuối Trần, tư tưởng Trúc Lâm của vua Phật Trần Nhân tông đã nhạt, các nhà Nho ngày càng lớn mạnh, cho đến Lê Thánh tông, đỉnh cao Nho giáo đã được thiết lập trong xã hội. Song, Đại Việt không phải là Trung Hoa, tư tưởng Nho giáo cũng là ngoại lai. Khi anh vay mượn lý thuyết ngoại lai từ dân tộc khác, thì cái hay khó học mà cái dở lại dễ đóng cặn lại. Có lẽ cái hay của Nho giáo thì Lê Thánh tông đã học hết, để lại bộ Luật Hồng Đức rồi. Cái đóng cặn lại của tư tưởng Nho giáo là ý thức hệ trung quân mù quáng và triều chính càng ngày càng xa dân. Tiếc thay nhà Mạc suy nhanh quá và thời đại Mạc bị đòn dở của chiêu bài Nho giáo giáng cho chi tử. Khi nhà Mạc còn mạnh thì không sao, khi có một dấu hiệu suy thì người ta tưởng nhớ nhà Lê ngay, các viên tướng nắm lấy quân sư Nho gia, gương chiêu bài phục hưng nhà Lê để tranh đoạt đất nước. Một triều đại được một con người vĩ đại, đạo đức như Mạc Đăng Doanh lập nên, nhưng nhanh chóng suy đồi do các vua sau không tự tu dưỡng, tham nhũng, không nghĩ đến cơ nghiệp tổ tông, không dùng quan lại giỏi, không coi dân ra gì. Đến Mạc Mậu Hợp thì quá thể, ăn chơi trác táng, vơ vét của cải, không nghe trung thần. Bùi Văn Khuê làm tướng thủy quân, coi như quả đấm nặng của quân đội Mạc, nhưng vua Mạc nhìn thấy vợ Bùi Văn Khuê, là em hoàng hậu thì nổi máu dê muốn chiếm lấy, rồi rắp tâm trị tội Bùi Văn Khuê, dẫn đến cuộc đào thoát của toàn bộ thủy quân sang phía Trịnh, để mấy tháng sau Thăng Long thất thủ. Một triều đại huy hoàng khi mới lên ngôi, thiên hạ cùng theo về, mà chỉ chưa đầy một hoa giáp đã suy vi thật thảm thương.
Khi chấm dứt triều Lê, Mạc Thái tổ bắt đầu giảm bớt sự độc tôn Nho giáo, vẫn tổ chức tuyển bổ quan lại, nhưng đời sống xã hội thì tự do Phật giáo, xây chùa tô tượng, cho Đạo giáo hành đạo. Nhà Mạc có giết vua cũ, đó là điều bắt buộc, nhưng không có tàn sát quan lại triều đại cũ, nếu họ không chống lại. Nhà Mạc không quật mồ các vua Lê như sau này Trịnh Tùng làm với nhà Mạc, mà họ còn tôn tạo, giữ gìn lăng mộ vua Lê. Xét về văn hóa, nhà Mạc văn hóa hơn nhiều so với Lê – Trịnh sau này, càng tử tế so với Nguyễn Gia Long đối xử với nhà Tây Sơn. Đó là điểm mạnh và cái hay của nhà Mạc, mà thực chất là do đạo đức con người Mạc Đăng Dung. Khi ông còn sống, trải qua cả đời làm vua của Mạc Đăng Doanh, đất nước đã chấm dứt nạn loạn lạc, phát triển cực thịnh, đến nỗi các sử gia căm ghét nhà Mạc cũng phải ca tụng là thời thịnh “của cải chất đầy kho, ra đường không ai nhặt của rơi”. Nhưng nhà Mạc mất chính vì coi nhẹ giáo dục, coi nhẹ yếu tố con người. Nói chung, nhà Mạc mất ngôi không phải do tập đoàn Lê- Trịnh mạnh lên, mà là các vua Mạc sau này tự chết, chế độ tự suy tàn. Bài học này có mẫu số chung ở mọi thời đại, mọi quốc gia.
3.
Có một ngày chúng tôi tha thẩn đi Tiền Hải (Thái Bình), hẹn đến Đồng Châu. Con đường qua Tiên Lãng (Hải Phòng), qua Thái Thụy (Thái Bình). Có một sự rủ rê của một anh bạn ở Tiên Lãng, mà chúng tôi rẽ về Tiên Lãng. Nhà anh ở xã Vinh Quang, chính tại nơi cách đây ít ngày, là tâm điểm của vụ giải tỏa đất đai náo động dư luận, gắn liền với tên anh Đoàn Văn Vươn.
Nơi này là vùng đất ven biển nằm giữa hai cửa sông Văn Úc và Thái Bình. Đây là vùng đất cổ, có từ triều Lý. Những ngôi chùa triều Lý còn lại là minh chứng cho lịch sử đất đai. Phía Nam nữa là Kiến Thụy và Tiền Hải. Xuôi về phương Nam nữa là miền đất ven biển mới lập từ thời Nguyễn với kỳ công lấn biển của Nguyễn Công Trứ. Vào thời nhà Mạc, vùng ven biển tử Kiến Thụy, Vĩnh Bảo đến Đồ Sơn kéo đến cửa Bạch Đằng là vùng đất của những người đánh cá, sông nước, của người đồng bằng tiến ra cửa biển. Dân thuyền chài có một họ Trần đã lên Thăng Long làm vua, lập nên võ công chính là từ vùng sông nước. Sau thời Trần, họ Lê miền thượng du Thanh Hóa làm vua vào thời kỳ giao thông chủ yếu vẫn là đường thủy, lẽ tất nhiên những con người sông nước vẫn tiếp tục có vai trò quan trọng về quân sự, kinh tế và xã hội đương thời. Mạc Đăng Dung không phải con người của miền biển, không phải là dòng tộc sinh sống trên sông như Đông A Thiên Trường, mà ông đại biểu của một gia tộc sinh sống ở miền ven biển nước lợ. Nơi giao thoa của nước mặn và nước ngọt. Nơi có thể tiến nhìn ra biển, có thể quay lui về đồng bằng châu thổ. Nếu anh là người miền biển, anh không cần lấn biển làm gì, bởi vì anh sống trên biển rồi. Nếu anh ở sâu trong đồng bằng với ruộng vườn bến nước, anh không thể lấn sông. Nhưng người miền ven biển, hàng ngày nhìn thấy biển thì sẽ lấn ra biển. Đó là phẩm chất của những con người ở vùng nước lợ. Tại những xã của Tiên Lãng, Thái Thụy, có nhiều con đê quai biển còn vết tích từ thời Mạc. Chắc chắn nhà Mạc cũng là một triều đại đầu tiên khuyến khích nông dân lấn biển. Tiếc thay vết tích của một thời kỳ tiến bộ hùng tráng như vậy đã bị xóa đi nhanh chóng, ngày nay chỉ còn truyền thuyết. Sau này, Nguyễn Công Trứ mang dân ngoài vòng pháp luật vào miền Tiền Hải, Kim Sơn, đến chính vùng đất vành đai Dương Kinh thời Mạc để chinh phục miền đồng bãi. Dòng máu can trường nuôi dưỡng từ bao đời sinh sống miền ven biển đã làm nên kỳ công tiến ra biển. Gần đây hơn, cách đây mấy chục năm, ông Đoàn Duy Thành ở Hải Phòng hô hào lấn biển, và chính một số xã thuộc Quận Dương Kinh bây giờ chính là kết quả của việc khai hoang lấn biển ngày nào.
Nếu “dự án” Dương Kinh của nhà Mạc thành công, thì phải chăng Việt Nam chính là dân tộc ở châu Á biết giao thương trước Nhật Bản. Vào đầu thế kỷ 16, các con đường giao lưu trên biển đã hình thành. Cựu Thế giới đã có Tân Thế giới. Phương Tây đã đến các vùng đất ven biển châu Á. Sau này, Nhật Bản hưởng lợi nhờ chính sách hướng ra biển kịp thời. Tại Việt Nam, vua Mạc Thái tổ không biết tình cờ hay đã có thông tin, mà kịp nắm lấy luồng gió thời đại, phát triển chính sách hướng ra biển với kế hoạch Dương Kinh. Sau này, Phố Hiến thế kỷ 17 kế thừa và hưởng lợi do chính sách ấy. Tuy nhiên, nhà Lê –Trịnh vừa mở, vừa đóng, nên Phố Hiến cảng sông cũng có đời ngắn ngủi. Nếu như nhà Mạc không bị tiêu diệt, chắc chắn miền Bắc Việt Nam thế kỷ sau không có đời sống khép kín như đã có…
Minh chứng cho nền kinh tế biển rõ nhất là từ các sản phẩm tiểu thủ công, các công trình kiến trúc và tiêu biểu là gốm Chu Đậu, nay thuộc Nam Sách, Hải Dương. Gốm Chu Đậu đã theo thương thuyền đến châu Âu, bây giờ còn là bảo vật quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Bắc Âu. Đặc điểm gốm Mạc là có dòng xuất xứ sản phẩm, ghi rõ tên người và địa chỉ chế tác và là gốm dùng cho cung đình, chứ không phải gốm dân gian như Bát Tràng. Tiếc thay, năm 1592, sau khi tiến chiếm Thăng Long, Trịnh Tùng đã tàn phá Dương Kinh. Tất cả những gì thuộc về nhà Mạc đều phá hủy. Đến nỗi, Chu Đậu cũng không còn cho đến những năm gần đây mới khôi phục lại. Một dải đất thuộc vùng nước lợ từ Thái Bình, Nam Định qua Hải Phòng, Hải Dương ngày nay thành bãi chiến trường. Không khó gì khi lật giở Đại Việt sử ký toàn thư, đếm số lần giao tranh Nam –Bắc triều, số lần thảo phạt, dẹp loạn… Mới thấy có gần 100 năm từ cuối Lê, khoảng thời Tương Dực đế, đến khi Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1600, trung bình cứ 2 năm có một cuộc chiến tranh lớn, hàng năm có cuộc tiễu phạt nhỏ ở vùng đất Dương Kinh. Con người can trường lấn biển ở vùng đất này bị cuốn vào dòng xoáy của chiến tranh, loạn lạc. Một thời huy hoàng mấy chục năm đầu đời Mạc quả là một đoản khúc đầy bi tráng. Con người Việt có Mạc Đăng Dung đi trước thời đại, có thể nói tiên phong ở châu Á, nhưng chính con người Việt với đội quân Lê –Trịnh đã đóng cánh cửa thời đại ấy lại.
4.
Tôi và Phạm Đăng Vĩnh về Đồ Sơn, rồi qua Thủy Nguyên (Hải Phòng), để về quê nhà tôi ở huyện Kinh Môn (Hải Dương). Đồ Sơn ngày nay là đô thị cửa biển, nơi có sòng bạc đầu tiên, có dịch vụ ăn chơi thoáng bậc nhất của cả nước. Nhưng mấy ai đi Đồ Sơn ngày nay như chúng tôi tìm dấu tích một thời Dương Kinh xa xăm.
Nhìn vào bản đồ, Đồ Sơn như mỏ con chim thò xuống biển. Nó là đầu mũi lãnh thổ phương Đông xa nhất tính từ Thăng Long. Không biết có phải vì thế không, mà khi nghe lời sấm đồn trong dân gian rằng phương đông có khí tượng đế vương, thì vua Lê Tương Dực sai Nghĩa Quốc công Nguyễn Văn Lang ra Đồ Sơn làm lễ trấn yểm. Chuyện đó theo Đại Việt sử ký toàn thư chép vào năm Hồng Thuận thứ 3 (tức 1514). Chuyến đi trấn yểm ấy, trớ trêu thay, có mặt cả Mạc Đăng Dung, khi đó tước Vũ Xuyên bá, trấn thủ Sơn Nam. Triều đình nhà Lê sau mấy chục năm nát bét với Uy Mục, Tương Dực, chắc chắn khiến sĩ phu và nhân dân chán ghét, nên những lời sấm trong dân gian nói về một hy vọng đang sáng lên từ phương Đông. Trần Cảo chỉ là nô lệ ở nhà Lại Quốc công Trịnh Duy Đại, cho là lời sấm ấy ứng vào mình, vì Trần Cảo quê ở Thủy Nguyên (Hải Phòng bây giờ), nên ông mộ quân đứng lên chống triều đình. Trần Cảo thất bại, nhưng đó là cú đấm làm cho chế độ nhà Lê rệu rã ngã xuống, không gượng dậy được. Mạc Đăng Dung lên ngôi là một việc hợp thời, đúng thời. Hóa ra, sự trấn yểm của nhà Lê không ăn thua gì. Phương Đông ở đây là cả một vùng ven biển, mà Cổ Trai quê nhà Mạc mới là nơi ứng nghiệm vào lời sấm đó.
Chưa có nhà sử học nào chỉ ra chỗ mà quan lại nhà Lê làm lễ trấn yểm ở Đồ Sơn. Nếu có, chắc chắn phải là một mũi đất phía Đông, bây giờ là bến Vạn Hoa dày đặc nhà nghỉ và khách sạn. Cuộc trấn yểm của Nguyễn Văn Lang không thành, nhưng sau này, một người con là Nguyễn Hoằng Dụ đã khuấy đảo triều Lê đang tàn, một người cháu là Nguyễn Kim đã đào thoát khỏi triều đình nhà Mạc, khởi đầu cuộc trung hưng nhà Lê, rồi để cho nhà Trịnh hoàn thành việc đánh đổ nhà Mạc, còn con của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng bắt đầu một cuộc Nam tiến vĩ đại, lập nên triều đại chúa Nguyễn ở phương Nam.
Bây giờ, người ta nói nhiều đến các vấn đề xã hội. Gần đây, có làn sóng các nhà nghiên cứu bàn có nên làm việc pháp luật hóa và công khai việc mãi dâm, mại dâm không. Có lẽ, các vị nên đến Đồ Sơn nghiên cứu xem có nên làm một cuộc trấn yểm của thời đại mới. Và có trấn yểm được không? Cách đây khoảng 500 năm, hướng đông tiêu biểu cho một hướng canh tân đất nước. Điều đó còn kéo dài mãi đến thời nay, khi phát động một nền kinh tế biển. Làm thế nào để đừng làm trấn yểm như vua Lê, mà làm như Mạc Đăng Dung, nắm lấy làn gió của thời đại mới mà kiểm soát nó, làm cho nó thành quốc kế dân sinh, làm cho dân no ấm.
Thời nhà Lê, phủ Kinh Môn bao gồm hầu hết đất đai thành phố Hải Phòng bây giờ và mấy huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Nam Sách của Hải Dương ngày nay. Hiện nay thì Kinh Môn chỉ còn là tên của một huyện thuộc Hải Dương, cách Hải Phòng 20 km. Và lẽ dĩ nhiên, nó cũng là Dương Kinh nhà Mạc. Sau khi con cháu nhà Mạc bị truy sát, chạy khắp nơi và thay đổi họ, thì lạ thay, tại Kinh Môn, có một làng Lưu vẫn còn toàn người họ Mạc. Họ Mạc ở Thủy Nguyên giữ lại được họ vì một bà phi của chúa Trịnh là công chúa Mạc, nhưng tôi chưa biết vì sao làng Lưu Kinh Môn họ Mạc lại vẫn còn. Chính tại làng này, một người họ Mạc trở thành Đốc Tít, tướng trong quân của Tán Thuật. Ông Đốc Tít đóng quân tại khu vực mà dân Kinh Môn gọi là “Khu Đảo”, một khu vực núi non bao quanh bởi sông Kinh Thày và sông Đá Bạc, qua cửa Lục Đầu đổ vào dòng Bạch Đằng Giang. Ông Đốc Tít chống Pháp ở đây, đội du kích của ông quẩn quất trên các hang động của dãy núi thuộc Trại Sơn (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và Minh Tân (Kinh Môn, Hải Dương), đánh tàu Pháp trên sông Kinh Thày. Khu vực này có 4 xã thuộc huyện Kinh Môn, mà trên các bản đồ Pháp gọi là “Hai Sông”. Sau này, cuốn sử về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của ông Thanh Sơn cũng ghi là “căn cứ Hai Sông”. Nếu cứ tìm “Hai Sông” thì không ai có thể biết được. Mà phải gọi là “Khu Đảo thuộc Kinh Môn”. Đây là khu vực từ xưa gọi là “Hạ Long cạn”, núi đá lớn nhỏ mọc lô nhô trên đồng bằng, hình sông thế núi hài hòa, non nước hữu tình. Cho đến năm tám mươi của thế kỷ trước, người ta cắm vào đó nhà máy xi măng đầu tiên là Hoàng Thạch. Đến nay, gần năm chục nhà máy xi măng lớn nhỏ, trong đó có những nhà máy lớn như Phúc Sơn, Xi măng Hải Phòng mới, đã ngốn sạch núi đá vôi của vùng này. Phong thủy khu vực bị biến đổi. Núi non phong cảnh hàng triệu năm đang dần biến mất. Rồi đây, cuộc tàn sát núi non Kinh Môn, Thủy Nguyên sẽ được hậu thế phán xét, e rằng những người làm quy hoạch ngày nay khó thoát bản án của con cháu chúng ta. Còn đâu hang giấu quân của ông Đốc Tít, còn đâu Hạ Long cạn của muôn đời? Tại sao không làm xi măng ở dãy Trường Sơn mà phá đi vùng nước non cẩm tú của cha ông giữa đồng bằng ven biển? Tại sao người Đài Loan tọa lạc trên hòn đảo núi đá vôi, lại sang Việt Nam làm xi măng để mang về nước họ? Kể từ Trịnh Tùng tàn sát Dương Kinh, đây là cuộc tàn sát lớn lao quy mô nhất đối với Dương Kinh nhà Mạc.
5.
Tại sao sử gia tán dương Tán Thuật, mà không ghi công Đốc Tít? Bởi vì ông Đốc Tít bị bao vây rồi phải ra hàng quân Pháp. Tiếng ra hàng đã khiến các nhà sử học e dè. Tôi lớn lên ở vùng quê Đốc Tít đánh giặc. Ông tôi là Tổng sư dạy chữ nho ở đây, ông cụ kể rằng, các cụ già thương ông Đốc Tít, không chỉ vì ông ấy chống Pháp, mà thương cả cách ra hàng. Quân Pháp bao vây vùng núi Minh Tân, dọa nếu ông không hàng thì triệt hạ toàn bộ dân làng, phá hết núi non. Cho nên ông phải hàng vì cứu người và cứu non sông của tổ tông. Bây giờ thì những dải núi ông Đốc Tít muốn cứu khỏi tay người Pháp đã không còn dấu vết. Nó thành đá vôi để vào lò xi măng từ lâu rồi.
Con cháu nhà Mạc không chỉ có Đốc Tít ghi tên vào lịch sử, còn có Hoàng Diệu, Phạm Hồng Thái, Phan Đăng Lưu, Lê Hồng Sơn, Mạc Thị Bưởi… Những người họ Mạc còn họ hay đã đổi họ, ở đâu cũng mang trong mình khí phách của tổ tiên.
Nhà Mạc được chính quyền vì con người Mạc Đăng Dung xuất chúng, nhưng sau đó mất quyền chấp chính cũng là vì vua hèn kiểu Mạc Mậu Hợp. Trước kia, sử gia phong kiến coi Mạc là ngụy, cái gì cũng vùi dập, ngày nay, nếu coi Mạc là một khúc lịch sử dân tộc, mà không thấy cái xấu, cũng là không đúng. Tôi đã nói với Phạm Đăng Vĩnh về đoạn Mạc Mậu Hợp, vị vua cuối cùng bỏ chạy khỏi Thăng Long, giải tỏa những thắc mắc của anh. Bây giờ có thể đặt câu hỏi, một triều đại có nhiều con người xuất chúng, tài năng, sao không thể thay được một ông vua ngu tối bằng ông vua khác? Chí ít là những người hoàng tộc Mạc khác, đã biết lấy Cao Bằng làm nơi căn bản cố thủ để tồn tại mấy đời nữa, cũng là những ông vua khí phách. Câu hỏi ấy chỉ có người đời sau nhiễu sự đặt ra, chứ đương thời đổ tại “số Trời”. Số Trời làm cho lịch sử có những khúc quanh co…
Việc nhà Mạc trấn giữ biên giới phía Bắc là bi kịch của họ Mạc, nhưng lịch sử dân tộc thì được lợi. Vùng biên ải phía Bắc tiếp giáp với Trung Hoa từ khi có nhà Mạc, tuy chống triều đình, nhưng lại là lá chắn khiến các thế lực địa phương Trung Quốc không thể lấn xuống. Một vấn đề nữa, đó là vấn đề khai hóa và văn hóa. Tôi đã gặp nhà văn, nhà dân tộc học Triều Ân. Ông là đại trí thức của người Tày Cao Bằng. Ông nói vui với tôi: “Tày Cao Bằng không khù khờ đâu. Anh cứ quan sát đi. Tày Cao Bằng là Tày ở kinh đô nhà Mạc, giao lưu văn hóa Kinh từ mấy trăm năm. Không chỉ văn hóa Kinh, mà là văn hóa cung đình…”
Mạc Đăng Dung quả thật đã hứng chịu bi kịch chồng chất. Tầm mắt vượt thời đại với hy vọng đô thị hướng ra biển Dương Kinh, để rồi con cháu phải trấn thủ một mảnh núi non chật hẹp nơi biên ải. Bài học của một triều đại huy hoàng chỉ mấy chục năm mà từ chỗ thịnh trị trở thành bị tiêu diệt, xa rồi nhưng nhắc lại vẫn xót xa. Vì sao? Vì sao? Vì sao dân tộc đứng trước cơ hội canh tân, lại có thế lực quay ngược chiều tiến bộ ?
Nhà Hồ đã thất bại dưới tay nhà Minh, rồi Hồ Nguyên Trừng phục vụ nhà Minh đến Thượng thư, chế tạo thần công cho họ. Nhà Lê đã có thời cầu khẩn nhà Thanh mang quân vào đất nước để đến nỗi Nguyễn Huệ phải ra quân. Nhà Nguyễn mời người Pháp vào, rồi không sao mời ra được. Nhưng nhà Mạc có vị đại thần lưu vong (Mạc Ngọc Liễn) đã khuyên các vua mất kinh đô rằng, không bao giờ được mời người Trung Quốc vào đất nước mình để làm khổ dân. Nhà Mạc tuy mất vai trò chính trị, nhưng chỉ một điểm này cũng đủ để hậu thế đáng tôn thờ. Vậy mà, chỉ vì nghi án cắt đất biên giới, mà các nhà sử học thân nhà Lê còn nghi ngờ, mà kết tội Mạc Đăng Dung là không phải lẽ…
*
6.
Địa điểm cuối cùng của tôi và Phạm Đăng Vĩnh là một địa danh lịch sử, đó là xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương. Nơi này có một người một thời cả nước biết, đó là anh hùng Mạc Thị Bưởi. Khi những người anh hùng quân đội cùng thời với cô Bưởi như Nguyễn Thị Chiên, Cù Chính Lan… đã bị lãng quên, thì người ta còn biết đến cô Bưởi, cũng nhờ một người Nam Sách là nhà thơ Trần Đăng Khoa. Trần Đăng Khoa viết thơ về người anh hùng này, nên cả nhà thơ và nhân vật cùng nổi tiếng. Nhưng ở đây tôi không định nói về Mạc Thị Bưởi, mà định nói về địa danh xã Nam Tân.
Nơi này, thời Trần là làng Lũng Động, thuộc huyện Chí Linh, nơi sinh ra Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ngày nay, huyện Chí Linh mới không còn xã sinh ra ông ấy nữa, nhưng người ta vẫn hay nói ông Trạng quê ở Chí Linh. Thực ra thì quê Mạc Đĩnh Chi đã ở địa phận ngày nay là Nam Sách rồi.
Mạc Đĩnh Chi chính là Lưỡng quốc Trạng nguyên, ông tổ của họ Mạc sinh ra Mạc Đăng Dung. Nam Tân ngày nay còn đền thờ Mạc Đĩnh Chi, còn nhiều người họ Mạc, gần đó là địa danh Chu Đậu với sản phẩm gốm thời Mạc còn vang bóng. Nam Sách cũng là một huyện thuộc phủ Kinh Môn thời Lê, cho nên có nhà nghiên cứu đề xuất, Dương Kinh thời Mạc có thể lấy Lũng Động (Hải Dương) đến Cổ Trai (Hải Phòng) là địa giới nghiên cứu là có cơ sở thực tế.
Đặc điểm chung của rẻo đất từ Lũng Động đến Cổ Trai là vùng nước lợ. Sông sắp đổ ra biển. Sản vật vùng nước lợ đặc trưng, con còng con cáy cũng khác nơi khác, con rươi con ruốc vùng khác không có… Ông Trần Quốc Vượng nghi ngờ tổ của Mạc Đăng Dung là Mạc Đĩnh Chi, vì các đế vương thường tìm người thế hệ trước quyền quý làm sang cho gia phả mình. Ông Trần Quốc Vượng có lý về đánh giá lại vương triều Mạc, có lý khi nhìn nhận Mạc Đăng Dung tiến bộ canh tân đất nước, phát triển giao thương và đô thị biển, nhưng có lẽ ít lý lẽ khi nghi ngờ sợi dây huyết thống từ Mạc Đĩnh Chi đến Mạc Đăng Dung. Sự thiên di tự nhiên các dòng họ thường theo thủy thổ tương ứng. Họ Mạc Lũng Động di cư đến Cổ Trai theo vệt qua Kinh Môn, Thủy Nguyên là có lý. Vì những vùng đất này đều là vùng nước lợ. Thủy thổ giống nhau, hệ sinh thái giống nhau, không có sai khác nhiều so với vùng quê gốc.
Nghiền ngẫm chuyện này, dẫn đến một hệ quả khác. Đó là chủ trương nghiên cứu và phục dựng Dương Kinh. Phải chăng, Dương Kinh không phải chỉ là hình ảnh loanh quanh mấy địa danh của Hải Phòng, mà nó phải là một vùng rộng lớn gồm cả khu vực mấy huyện Hải Dương và một mặt nào đó, còn có một số vùng Nam Định, Thái Bình. Một tua du lịch Dương Kinh sẽ rất hấp dẫn, nếu các nhà hoạch định văn hóa để tâm.
Chuyện ấy để cho các nhà khảo cổ, nhà sử học, nhà hoạch định chính sách, nhà du lịch nghiên cứu. Còn riêng tôi, tôi và anh bạn Phạm Đăng Vĩnh, chúng tôi có cái nhìn mới về một vùng đất, thông cảm cho nhau về cách đánh giá một thời đại. Tôi qua chuyến này mới biết họ Phạm nhà anh cũng là họ Mạc.
Dương Kinh một thời ngắn ngủi trong lịch sử sao mà có số phận khắc nghiệt thế? Tôi viết một khúc về Dương Kinh bi tráng, nén nhang tưởng nhớ một thời đại đã tàn. Dù sao mặc lòng, các vua Mạc hay vua Lê, vua Nguyễn… họ đã làm nên đất nước. Đương thời các cụ coi nhau là chính là ngụy, nhưng các cụ làm nên lịch sử đất nước, thì con cháu nên tôn thờ các cụ như nhau, công bằng nhìn nhận lịch sử và học bài học của các cụ để canh tân đất nước hôm nay.
(Nguồn báo Văn Nghệ, số cuối tháng 7/2012)
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.