- Đang online: 2
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 19221
- Tổng truy cập: 3,370,098
TỔNG KẾT HỘI THẢO “NHÀ MẠC VÀ HẬU DUỆ TRÊN ĐẤT VĨNH PHÚC” ) 570
- 358 lượt xem
TỔNG KẾT HỘI THẢO
“NHÀ MẠC VÀ HẬU DUỆ TRÊN ĐẤT VĨNH PHÚC”
(21 – 9 – 2012)
GS. Viện sĩ Thông tấn Phan Huy Lê
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Kính thưa đoàn chủ tịch,
Thưa các vị đại diện các cơ quan,
Thưa các vị khách quý,
Thưa toàn thể các bạn[1].
GS VS Phan Huy Lê phát biểu tổng kết hội thảo
Như vậy là hội thảo được tổ chức buổi sáng ngày hôm nay, ngày 21 tháng 9 năm 2012, tại Vĩnh Tường đã kết thúc. Như chúng ta đã biết, Ban Tổ chức đã nhận được 41 bản báo cáo và cho chế bản thành kỷ yếu rất dày dặn trên 600 trang, đóng thành hai tập. Điều đó cho thấy giới khoa học ở địa phương tỉnh Vĩnh Phúc cũng như là hậu duệ họ Mạc, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu trung ương rất quan tâm đến đề tài này. Nhưng rất tiếc do thời gian chỉ hạn chế trong buổi sáng nên ngoài phần thủ tục khai mạc, chúc mừng của các vị đại diện của tỉnh Vĩnh Phúc, của huyện Vĩnh Tường, chúng ta đã nghe được 9 bản báo cáo trên tổng số 41 bản báo cáo. Điều đó là điều rất đáng tiếc. Điều đáng tiếc thứ hai nữa là chúng ta đến đây hội thảo nhưng mà không có phần thảo tức là không có phần trao đổi, phần đáng lẽ rất quan trọng, rất hào hứng trong các cuộc hội thảo. Và cũng vì thế, chúng tôi có nhận được một số ý kiến của một số nhà sử học tham dự hội thảo như là nhà sử học Tăng Bá Hoàng ở Hải Dương, nhà sử học Ngô Đăng Lợi ở Hải Phòng, nhưng rất tiếc không có phần thảo để trao đổi.
Thay mặt cho đoàn chủ tịch, tôi xin tạm đưa ra một số ý kiến để chúng ta tổng kết cuộc hội thảo hôm nay.
Các đại biểu dự hội thảo
1. Nhận thức về vương triều Mạc
Như chúng ta đã biết, trong khoảng gần 3 thập kỉ trở lại đây, nhận thức của chúng ta về vương triều Mạc và liên quan đến dòng họ Mạc, hậu duệ của nhà Mạc đã có sự thay đổi rất lớn. Vừa rồi PGS.TS Trần Thị Vinh đã trình bày cụ thể quá trình nhận thức lại nhà Mạc như thế nào[2]. Ở đây tôi chỉ xin nhấn mạnh mấy mốc cực kỳ quan trọng như sau.
Mở đầu, chưa phải là cuộc hội thảo về nhà Mạc mà là cuộc hội thảo về Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhân vật rất tiêu biểu của nhà Mạc mà cũng là một trong nhà tư tưởng văn hoá lớn nhất trong lịch sử Việt Nam tổ chức vào năm 1985, tôi nhấn mạnh là từ trước thời kỳ đổi mới. Trong cuộc Hội thảo Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng, rồi sau đó ở Tp. HCM, giới khoa học hoặc đặt lại vấn đề nhận thức nhà Mạc, không thể đối xử với nhà Mạc một cách bất công như trước đây, tức là theo triết lý Nho giáo và tư tưởng trung quân đẩy nhà Mạc vào dòng nguỵ triều hay nhuận triều. Trên cơ sở đó, cũng đặt ra một vấn đề mới là đóng góp tích cực của nhà Mạc, trong bối cảnh đó xuất hiện nhà văn hoá tư tưởng lớn như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có thể coi đấy là phần mở đầu cho quá trình nhận thức lại nhà Mạc.
Sau đó, có mấy cuộc hội thảo tập trung vào nhà Mạc rất quan trọng: năm 1994 là cuộc hội thảo về nhà Mạc tổ chức tại Hải Phòng, rồi năm 2010 là một cuộc hội thảo quy mô lớn có tầm cỡ quốc gia tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Đây là 2 cuộc hội thảo tập trung vào nghiên cứu đánh giá lại một cách khá toàn diện về vương triều Mạc. Có thể nói, đến năm 2010, tức là cuộc hội thảo lần thứ hai chuyên về nhà Mạc, thì nhận thức về nhà Mạc đã được thay đổi về căn bản và đạt được không chỉ trong giới khoa học mà cả trong công luận nói chung một thái độ mới, một nhân thức mới về nhà Mạc. Đây là một điều rất đáng mừng.
Như tất cả vị đại biểu đã biết, chính trên cơ sở nhận thức này, vương triều Mạc đã được đối xử một cách công bằng như các vương triều khác, đã được nghiên cứu một cách khách quan, trung thực hơn. Từ đó có các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, rất nhiều ấn phẩm đã được xuất bản. Cho đến hôm nay theo tôi cảm nhận thì gần như trên quy mô cả nước, nhận thức về nhà Mạc đã thay đổi hoàn toàn. Tuy nhiên cũng xuất hiện đây đó trên một vài bài báo, kể cả một vài thông tin trên kênh truyền hình đưa tin về nhà Mạc chưa cập nhật được những kết quả nghiên cứu mới về nhà Mạc.
Điều mà tôi buồn nhất là trong sách giáo khoa phổ thông cho đến nay cũng chưa có chương mục nào viết về vương triều Mạc. Trong hội nghị quốc gia về giảng dạy lịch sử ở bậc phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ở Đà Nẵng ngày 19 tháng 8[3], trong phần nhận xét, tôi có nêu lên nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt chú ý đây là một thiếu sót rất đáng tiếc và chắc chắn phải khắc phục. Sách giáo khoa lịch sử là loại sách chuẩn mực quốc gia, cung cấp cho thế hệ trẻ những kiến thức cần thiết về lịch sử mà chưa cập nhật về vương triều Mạc thì thật khó biện giải.
Tôi nói riêng thời kỳ Thăng Long, chưa nói tới thời kỳ Cao Bằng, thời kỳ hậu Cao Bằng. Về thời kỳ Cao Bằng, năm 2011 có cuộc Hội thảo khoa học Vương triều Mạc và họ Mạc ở Cao Bằng[4]. Hội thảo này nghiên cứu giai đoạn thứ 2 tức là giai đoạn từ sau năm 1592, nhà Mạc thất thủ Thăng Long rút lên Cao Bằng. Trong hội nghị lần thứ 2 này chúng ta lại có một thành tựu mới: nhìn nhận nhà Mạc sau năm 1592 như thế nào, có những hoạt động gì sau khi rút lên vùng rừng núi Cao Bằng. Nếu căn cứ vào chính sử của vương triều Lê – Trịnh, thì năm 1677 thế lực Mạc ở Cao Bằng đã kết thúc. Nhưng trong Hội thảo ở Cao Bằng, bằng các sử liệu trong thư tịch kết hợp với tư liệu địa phương thì có thể xác nhận trong giai đoạn Cao Bằng, họ Mạc bên cạnh cuộc đấu tranh với Lê-Trịnh đã có một số thành tựu trong việc góp phần khai phá, nhất là phát triển văn hoá trên vùng biên cương xa xôi này: vẫn phát triển kinh tế, vẫn mở mang văn hoá, tổ chức các kỳ thi. Công cuộc giao lưu kinh tế, văn hoá giữa dân tộc Việt (dân tộc Kinh) với cộng đồng các dân tộc thiểu số được đẩy mạnh. Như vậy là đến năm 2011, nhận thức về nhà Mạc được tiếp nối đến giai đoạn Cao Bằng. Và đến hội thảo năm 2012 này, chúng ta lại đi vào giai đoạn thứ 3 mà có người đã đưa ra một khái niệm mới là hậu Cao Bằng, tức là giai đoạn sau Cao Bằng, bắt đầu bằng địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc. Dĩ nhiên, hậu Cao Bằng không phải chỉ có tỉnh Vĩnh Phúc mà còn có thể mở rộng thêm trên địa bàn rộng lớn hơn của đất nước mà sau hội thảo này cần tiếp tục nghiên cứu.
2. Hội thảo giai đoạn hậu Cao Bằng ở Vĩnh Phúc
Chủ đề của cuộc hội thảo là “Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc”, nhưng các tham luận tham gia Hội thảo vừa tập trung vào chủ đề đó, vừa mở rộng ra nhận thức về nhà Mạc. Tổng kết hội thảo hôm nay, tôi xin được được nêu được mấy vấn đề sau đây.
Về mặt tư liệu. Khó khăn nhất trong nghiên cứu nhà Mạc là tư liệu rất hạn chế. Như chúng ta biết, nhà Mạc sau khi thất bại bị coi là nguỵ triều thì các ghi chép ở trong chính sử của chính quyền Lê – Trịnh vừa ít, vừa bị uốn nắn theo quan niệm chính thống của thời Lê – Trịnh. Các tư liệu mà chúng ta khai thác được trong các bộ thư tịch khác và bi ký có bổ sung thêm nhưng cũng rất hạn chế. Đến cuộc hội thảo lần này, tôi thấy nguồn tư liệu không những trên địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc mà nói chung các nguồn tư liệu liên quan đến nhà Mạc khó mà nói rằng đã khai thác hết, nhất là khả năng tìm thêm các nguồn mới. Tôi đánh giá cao các nguồn tư liệu khai thác trong thư tịch cổ của Trung Quốc. Trong hội thảo này, có sự đóng góp của hai học giả Trung Quốc, một vị có mặt ở đây là Ngưu Quân Khải và một vị khác là Dương Liễm hôm nay vắng mặt. Cần kể thêm đóng góp của một học giả Việt Nam nữa là Chu Xuân Giao. Ba học giả này có công lớn trong khai thác các nguồn tài liệu thư tịch của Trung Quốc và cả các di tích hiện nay đang còn ở Trung Quốc liên quan đến nhà Mạc. Tôi cho rằng đây là một nguồn tư liệu mới so với các nguồn tư liệu mà chúng ta tích luỹ từ trước. Đây là một đóng góp bổ sung tư liệu rất đáng trân trọng, riêng cá nhân tôi đánh giá rất cao.
Tôi lấy ví dụ, như các học giả nêu trên đã phát hiện thì, cộng đồng cư dân người Việt ở Tân Cương xa xôi, ở tận Urumqi, trong đó có 2 nhóm người Việt: một nhóm của Hoàng Công Toản (là con của Hoàng Công Chất, hậu duệ nhà Mạc bị đày trên vùng Urumqi) và một nhóm của Hoàng Ích Hiểu (đại thần lưu vong cùng vua Lê Chiêu Thống). Sau thời Gia Long, nhóm Hoàng Ích Hiểu được trả về cho Việt Nam. Rõ ràng đây là một phát hiện mới mẻ mà tìm dấu tích trong các nguồn thư tịch rất rõ ràng có thể xác định được. Điều đáng tiếc vùng Tân Cương xa xôi này sau nhiều biến thiên có thể nói là kinh thiên động địa ở Trung Quốc nhất là sau “đại cách mạng văn hoá” thì các dấu tích vật chất gần như bị xóa bỏ. Học giả Dương Liễm đã lên tận nơi để khảo sát, đưa ra nhận xét đó.
Rồi một phát hiện nữa cũng thú vị. Ai đến thăm Quảng Châu cũng biết có Đại Phật tự là một ngôi chùa rất lớn, nhưng chúng ta không ngờ rằng những cái cột cao 10m hai người ôm là gỗ từ An Nam do nhà Mạc đóng góp khi xây dựng ngôi chùa này. Rất tiếc các tấm bia ở đây không ghi rõ chuyện này nhưng các sử tích đó được phát hiện qua các nguồn tư liệu khác.
Rồi cũng bằng các nguồn tư liệu mới của Trung Quốc mà chúng ta cũng hiểu thêm được vương triều Mạc thời kỳ ở Cao Bằng, bổ sung thêm phổ hệ nhà Mạc ở Cao Bằng ba vị vua Mạc cuối cùng trong đó có Mạc Kính Diệu rồi đến Mạc Nguyên Thanh, cuối cùng là Mạc Kính Quang (về Mạc Kính Vũ còn có ý kiến khác nhau: là Mạc Kính Diệu hay là Mạc Nguyên Thanh). Một số tư liệu Việt Nam có ghi chép về tên của 3 ông vua này nhưng rất mơ hồ, phải kết hợp với các nguồn tài liệu Trung Quốc mới có thể xác định được.
Trong các nguồn tài liệu trong nước, thời gian gần đây một số nhà khoa học đã khai thác nguồn tư liệu văn bia thời Mạc, trong đó, có PGS. Đinh Khắc Thuân – người có góp mặt trong hội thảo này. Lần này, các nhà khoa học lại phát hiện và công bố thêm một số văn bia mới trên đất Vĩnh Phúc. Ngoài văn bia trên đất Vĩnh Phúc còn một số di tích liên quan đến nhà Mạc trong đó có cầu, chùa xây dựng thời Mạc, và như PGS. Trần Lâm Biền nói tháp Bình Sơn cũng được xác định niên đại Mạc. Nguồn tư liệu địa phương rõ ràng cần tiếp tục khai thác trong đó cần quan tâm hơn đến một nguồn tư liệu gắn liền với các thế hệ hậu duệ họ Mạc và những nhân chứng liên quan. Theo báo cáo sơ bộ của Hội đồng Mạc tộc, riêng trên đất Vĩnh Phúc có tới khoảng 30 chi họ mà hầu hết đều đổi sang họ khác. Hiện tượng họ Mạc đổi sang họ khác là phổ biến và họ Mạc ở Vĩnh Phúc một lần nữa minh chứng thêm hiện tượng này. Trên một địa bàn của tỉnh mà có tới 30 chi họ Mạc trên tổng số 500 chi họ Mạc trong cả nước. Đây là nguồn tư liệu sống rất quý. Nhưng đáng tiếc, trong các chi họ Mạc này, có một số ít còn giữ được gia phả, nhiều chi không giữ được gia phả, nên nguồn thông tin lưu truyền cần mất nhiều công phu thu thập để phát hiện và xác minh.
Trên cơ sở các nguồn tư liệu mới, hội thảo đặt ra nhiều vấn đề mà theo tôi có 2 vấn đề lớn.
Về địa bàn Vĩnh Phúc. Trong thời kỳ nhà Mạc nhất là thời kỳ hậu Thăng Long rồi sau là thời kỳ hậu Cao Bằng, thì đây là một địa bàn mà Hội đồng Mạc tộc rất quan tâm như đã trình bày trong báo cáo của GS. Phan Đăng Nhật.
Theo kết quả điều tra khảo sát thực địa, trên đất Vĩnh Phúc, dấu tích của nhà Mạc tương đối đậm đặc hơn các địa phương khác và bao gồm từ thời nhà Mạc ở Thăng Long cho đến thời hậu Cao Bằng. Trong đó nên đặc biệt quan tâm đến một số các di tích liên quan trực tiếp với các vua nhà Mạc ví dụ như: bà đệ tam phi Mạc Mậu Hợp ở Tiền Phong huyện Mê Linh; bà thứ hậu Mạc Đăng Dung tức là bà Nguyễn Thị Ngọc Lãng ở đền Bà Chúa Lối (Xuân Lôi huyện Lập Thạch); rồi ở chùa Sùng Khánh (Tiên Lữ huyện Lập Thạch) có cả hai pho tượng rất lạ thường gọi là Đức Ông – Đức Bà, có người cho là tượng Mạc Kính Vũ và phu nhân; rồi đặc biệt chùa Xuân Sơn (Việt Xuân huyện Vĩnh Tường) năm 1965 đã phát hiện ngôi mộ mà con cháu cho là mộ của một nhân vật nhà Mạc và sau chùa có mộ Mạc Kính Vũ… Trong các di tích ở Vĩnh Phúc có di tích từ thời nhà Mạc ở Thăng Long như thứ hậu vua Mạc Đăng Dung, thứ phi vua Mạc Mậu Hợp, và cả di tích thời kỳ hậu Cao Bằng như mộ và tượng Mạc Kính Vũ. Ở đây cũng có tới mấy chục chi họ Mạc, tôi chưa có điều kiện xem lại các gia phả này nhưng theo báo cáo trong kỷ yếu, thì trừ một số chi có mặt ở đây từ lâu, phần lớn hậu duệ nhà Mạc ở Vĩnh Phúc có hai nguồn chính. Một lớp từ Thăng Long lên trước năm 1592 khi Thăng Long thất thủ, lớp này khá đông. Lớp thứ hai là các thế hệ hậu Cao Bằng, tức là sau khi Cao Bằng thất thủ và có lẽ từ vùng núi Cao Bằng trở về. Tất cả những tư liệu đó đặt ra một vấn đề lớn: tại sao dấu tích của nhà Mạc để lại khá đậm trên đất Vĩnh Phúc, kể cả thời vương triều Mạc, sau đó cả thời hậu Thăng Long và thời hậu Cao Bằng? Đây là một vấn đề lớn, tôi nghĩ rằng chúng ta cần dày công nghiên cứu nhiều hơn nữa, nhưng ít nhất trong Hội đồng Mạc tộc, trong báo cáo của GS. Phan Đăng Nhật cũng đưa ra một ý trình bày dè dặt như một giả thuyết để chúng ta cùng nghiên cứu và thảo luận thêm. Đó là: phải chăng, sau năm 1677, tức là sau khi Cao Bằng thất thủ, thì không phải như chính sử chép là Mạc Kính Vũ đã sang Long Châu và biệt tăm ở đấy; hình như ông đã bằng cách nào đó bí mật trở về vùng này, có thể ẩn tích làm sư ở chùa Xuân Sơn, và sau khi mất được mai táng sau chùa (một trong những ngôi mộ liên quan đã được phát lộ năm 1965). Một câu hỏi đặt ra là Mạc Kính Vũ lui về ẩn tích ở đây chỉ vì sống qua ngày hay còn nuôi dưỡng một ý đồ gây dựng cơ sở để chờ thời cơ tiếp tục phát triển. Đây là vấn đề đặt ra, tôi nghĩ, chúng ta nên dày công nghiên cứu thêm, chưa thể kết luận ngay trong hội thảo này. Tôi rất tiếc ngôi mộ sau khi phát hiện năm 1965 đã di chuyển và không được nghiên cứu giám định về mặt khảo cổ học.
Về sức sống của họ Mạc. Vấn đề đã được nêu lên nhưng chưa được nghiên cứu nhiều trong các báo cáo, và cũng chưa được thảo luận trong hội thảo. Một số hội thảo trước đây đã xác nhận là trong thời gian tồn tại như một vương triều ở Thăng Long, nhà Mạc không những cần được đối xử bình đẳng như các vương triều khác trong lịch sử chế độ quân chủ, mà còn xác nhận những cống hiến to lớn của nhà Mạc đối với lịch sử dân tộc. Sau khi thất thủ ở Thăng Long, thế lực nhà Mạc còn khá mạnh và còn chiếm giữ nhiều vùng rộng lớn, một phần trung du và một phần đồng bằng, nhất là miền núi phía bắc này, rồi sau đó mới rút lên Cao Bằng. Trong hội thảo hôm nay, chúng ta lại thấy sau khi thất bại ở Cao Bằng, hậu duệ họ Mạc có một bộ phận rút về vùng Vĩnh Phúc gần kinh thành và có thể một số vùng khác nữa. Nếu nói đến “sức sống của họ Mạc” thì theo tôi có mấy điểm sau đây cần nghiên cứu.
Con cháu họ Mạc nuôi ý chí chống Lê – Trịnh nhằm phục hưng nhà Mạc khá mạnh và khá lâu dài. Ngoài việc bảo vệ vùng Cao Bằng với mấy lần định liên kết các thế lực để tiến về Thăng Long, thì vào giữa thế kỷ XVIII còn được tiếp tục với cuộc nội dậy khá lớn của Hoàng Công Chất (vốn là họ Mạc). Ông khởi nghĩa ở Sơn Nam sau đó rút lên vùng núi rừng Tây Bắc và chiếm giữ ở đây thời gian khá dài. Khởi nghĩa Hoàng Công Chất là một trong những cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở Đàng Ngoài thời Lê – Trịnh. Trong hội thảo này có báo cáo của nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho biết đến tận cuối thế kỷ XIX, cụ thể là năm 1897, trong các phong trào nổi dậy chống Pháp ở Hải Phòng, có một cuộc khởi nghĩa do một người gốc họ Mạc tên là Nguyễn Khắc Tỉnh (Mạc Đĩnh Phúc) mà căn cứ mở rộng ra khắp Hải Phòng và vùng lân cận. Mạc Đĩnh Phúc vừa chống Pháp, vừa chống Nguyễn, vừa phục Mạc. Ý chí khôi phục nhà Mạc vẫn được hậu duệ theo đuổi đến tận cuối thời nhà Nguyễn, cuối thế kỷ XIX.
Một điểm cũng cần nêu lên trong quá trình bảo tồn lực lượng nhất là thời kỳ ở Cao Bằng, nhà Mạc có dựa vào thế lực của Minh rồi Thanh để tồn tại, nhưng không bao giờ đưa quân Minh hay quân Thanh vào bờ cõi, thực hiện lời căn dặn của Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn: “Nếu khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta là dân vô tội mà để phải mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế. Bọn ta nên tránh ra ở nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được…Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì bằng” (Đại Việt sử ký toàn thư, Q.XVII, 48b-49a).
Trong việc bảo tồn dòng họ Mạc, chúng ta thấy nổi bật lên một phương thức hết sức mưu trí của con cháu họ Mạc là đổi sang các dòng họ khác. Trong lịch sử, có họ vua khi bị phế truất buộc phải đổi sang họ khác như trường hợp họ Lý bị Trần Thủ Độ đổi sang họ Nguyễn. Cũng có trường hợp vì tránh liên quan đến tai họa chính trị, con cháu trực hệ của chi họ nào đó phải đổi sang họ khác để tránh tru di tam tộc hay tránh trả thù. Nhưng hậu duệ họ Mạc thì đổi sang rất nhiều họ khác như là một phương thức bảo tồn dòng họ. Theo tư liệu Hội đồng Mạc tộc cho tôi biết thì với kết quả điều tra đến nay có khoảng 500 chi họ Mạc đổi sang 50 họ khác, một con số rất lớn. Riêng ở Vĩnh Phúc, trong hơn 10 chi họ Mạc lớn nhất ở đây cũng đổi sang các họ Nguyễn, Hoàng, Lê, Ngô, Trừ,…Nên coi đấy là một phương thức thông minh để bảo tồn con cháu của dòng họ, vừa có mặt và kết thân tộc với nhiều họ vừa đề phòng tránh nguy cơ bị truy lùng.
Như vậy, cuộc hội thảo hôm nay là một bước tiếp nối các cuộc hội thảo về nhà Mạc và họ Mạc trước đây, vừa bổ sung thêm tư liệu, vừa nêu ra một số vấn đề mới về thời kỳ hậu Cao Bằng. Chúng tôi hi vọng Hội đồng Mạc tộc Việt Nam tiếp tục tổ chức nghiên cứu, thu thập thêm tư liệu, không chỉ làm sáng tỏ về dòng họ Mạc mà còn góp phần bổ sung tư liệu cho nghiên cứu lịch sử dân tộc.
Xin cảm ơn quý vị !
Vĩnh Phúc, ngày 21/9/2012
Hà Nội, ngày 14/12/2012
P.H.L
Bà con ở xã Việt Xuân họp mặt đón các đại biểu về thăm
[1] Văn bản bài tổng kết được Phan Đăng Thuận thay mặt Ban Thư kí của Hội thảo gỡ băng ghi âm. GS.Phan Huy Lê đã xem lại và chỉnh lí (tháng 12.2012). Người biên tập nội dung thực hiện việc biên tập từ bản đã được xem lại và chỉnh lí. Các chú thích từ đây trở xuống là của người biên tập nội dung.
[2] Trần Thị Vinh, “Một phần tư thế kỷ nhận thức về Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc”, Bài cùng in trong kỷ yếu này.
[3] Đây là Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam được tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 18-19/8/2012 (có thể xem tin của Giáo dục và Thời đại: http://gdtd.vn/channel/3005/201208/Dat-dung-vi-the-va-chuc-nang-mon-lich-su-trong-he-thong-GDPT-1963044/ ).
[4] Đây là Hội thảo “Nhà Mạc trong thời kỳ Cao Bằng” được tổ chức tại Cao Bằng ngày 6/6/2011. Có thể xem tập bản thảo sau: Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng, 2011, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Nhà Mạc trong thời kỳ Cao Bằng” (Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Minh Đức), Tập bản thảo chế bản trên giấy hai mặt khổ B5 gồm 427 trang (bìa màu xanh có in chìm hình trống đồng Đông Sơn). Cũng xem tin trên website Mạc tộc: http://mactoc.com/newsdetail/692/hoi-thao-khoa-hoc-nha-mac-trong-thoi-ky-cao-bang.aspx.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.