- Đang online: 1
- Hôm qua: 942
- Tuần nay: 38186
- Tổng truy cập: 3,471,496
ĐI TÌM NHỮNG DI SẢN THƠ VĂN CỦA TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI 544
- 262 lượt xem
ĐI TÌM NHỮNG DI SẢN THƠ VĂN
CỦA TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI
(Tượng Mạc Đĩnh Chi thờ tại chùa Dâu)
Phan Đăng Thuận
Trước tết PGS.TS Mạc văn Trang, Tổng biên tập website: mactoc.com, có chuyển cho tôi thư của ông Phí Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng Phí tộc Việt Nam cùng với lời nhắn: “Gắng tìm bằng được những di sản của cụ Mạc Đĩnh Chi”. Trong thư, ông Chiến cho biết thông tin: “Cụ Mạc Đĩnh Chi là người có quan hệ đặc biệt với một cụ tổ chúng tôi, cụ tổ chúng tôi là Phí Mộc Lạc, năm 1304 được Thượng hoàng Trần Nhân Tông cho đổi thành họ Bùi, Bùi Mộc Đạc. Vì có mối quan hệ đặc biệt, nên khi cụ Tổ chúng tôi mất, cụ Mạc Đĩnh Chi có làm Văn bia ” Bùi công Mộc Đạc thần đạo” và bài ” Văn tế ân sư“. Theo sách ” Công Dư tiệp ký“, cụ Mạc Đĩnh Chi còn có tập Tán Văn, Tế văn, câu đối và 4 bài thơ trong Khởi thì tập, Tạ văn một đạo trong Quốc triều biểu chương”.
Đọc thư ông Chiến, tôi mới được biết cụ Mạc Đĩnh Chi có bài “Văn tế ân sư”. Nhiều đêm mất ngủ, suy nghĩ tôi quyết tâm phải đi tìm những di sản thơ văn của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Tôi lên thư muc những tài liệu có thể tìm thấy những di sản thơ văn của cụ Mạc Đĩnh Chi như: thơ văn Lý-Trần, Những di sản Hán-Nôm thời Lý-Trần, Giai thoại văn học Việt Nam, Công dư tiệp ký cũng như những địa điểm mà tôi phải đến: Thư viện Hán Nôm, Thư Viện Quốc Gia, Thư viện Quân đội….
Tìm ở Thư viện Quân đội thấy cuốn “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề do Bộ Quốc gia Giáo dục của Việt Nam Cộng hòa dịch ra chữ quốc ngữ và xuất bản năm 1961. Mừng quá! Cầm cuốn sách trên tay tôi liền tìm đọc bài viết về cụ Mạc Đĩnh Chi. Nhận thấy đây là một tư liệu quý, tôi bèn xin photo toàn bộ cuốn sách này. Nhưng chị thủ thư cho biết do cuốn sách này của miền Nam nên có quy định không được phép photo chỉ được mượn đọc tại chỗ!
Đến Thư viện Quốc gia, Thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng không có cuốn Công dư tiệp ký xuất bản năm 1961. Gọi điện cầu cứu TS Mạc Văn Trọng, Nguyên Giám đốc Thư viện Quân đội nhưng không thấy ông Trọng trả lời. Gọi điện “cầu cứu” PGS.TS Đinh Khắc Thuân, tôi được biết “năm 1997, nxb Thế Giới có xuất bản Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, gồm 4 tập do GS Trần Nghĩa làm chủ biên”. Trong cuốn sách này có giới thiệu và in Công dư tiệp ký.
Ông Chiến cũng cho tôi biết thêm Nam Phong tạp chí có 1 số nói về cụ Mạc Đĩnh Chi nhưng không rõ ở số nào. Cũng may ở Thư viện Quân đội còn lưu giữ được Nam Phong tạp chí mặc dù không được đầy đủ lắm. Suốt ba ngày ngồi đọc Nam Phong tạp chí tôi thấy ở số 92 năm 1925 có bài “Nói chuyện các cụ nước ta đi sứ nước Tàu” trong đó có nói về cụ Mạc Đĩnh Chi như sau:
“Về đời Trần có cụ Mạc Đĩnh Chi, người làng Lũng động, huyện Chí Linh, cụ người cực xấu, mà cực kỳ thông minh, thi đỗ Trạng nguyên đời vua Trần Anh Tôn. Vua thấy người cụ xấu xí có ý coi thường. Cụ có làm bài phú Ngọc Tỉnh liên để tự tỉ mình như cái hoa sen, chửa dễ mấy người biết.
Sau cụ được cử sang sứ Tàu, qua Lạng Sơn cụ có đọc câu:
“Đầu non lác đác và đôi yến,
Mặt nước thung thăng mấy chánh ngư”
Khi tới cửa Nam Quan, vì đi chậm lỡ hẹn, người Tàu đóng cửa quan lại, ra câu đối ném xuống để thử cụ, rồi mới mở cửa,
Câu ra: “Quá quan trì, môn quan bế, nguyện quá khách quá quan”(1)
Đĩnh Chi đối: “Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối”(2)
Người Tàu phục cụ có tài ứng khẩu phải mở cửa để cụ đi.
Khi đến Yên Kinh, người Tàu thấy cụ xấu có ý khinh. Một hôm cụ vào tướng phủ, cùng ngồi nói chuyện với các quan. Cụ trông thấy cái riềm màn vẽ con chim sẻ đậu trên cành trúc. Cụ tưởng là chim thực. Người Tàu cười ầm cả lên. Cụ xé toang cái riềm màn ấy đi. Người Tàu hỏi. Cụ đáp rằng:
Chim sẻ đậu cành mai thì có, chứ sao lại vẽ chim sẻ đậu cành trúc. Trúc là thứ cây quân tử. Chim sẻ là thứ chim tiểu nhân, vẽ thế thì ra cho tiểu nhân đứng trên đầu quân tử, nên tôi xé đi, có ý vì quý quốc trừ loài tiểu nhân đó.
Người Tàu phải phục là biện bác có tài.
Lại một hôm, cụ cùng với sứ Cao ly vào chầu. Nhân có ngoại quốc dâng vua tàu đôi cái quạt quý. Vua Tàu sai sứ Cao ly và sứ ta mỗi người làm một bài minh đề vào quạt. Cụ chưa nghĩ ra đề được câu gì hay, đã thấy sứ Cao ly viết nhoay nhoáy, đề rằng:
Uẩn long trùng trùng, Y Doãn Chu Công(3).
Đông hàn thê thê, Bá – Di – Thúc Tề(4).
Cụ liếc trông quản bút, cụ viết theo luôn ngay, đề rằng:
Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô(5)
Nhĩ ư tư thời hề, Y Chu cự nho
Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ,
Nhĩ ư tư thời hề, Di, Tề ngã phu(6)
Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng
Duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù?(7)
Cụ viết thảo nhanh, đề xong trước dâng lên vua Tàu. Vua Tàu cầm bút khuyên từ chữ Y trở xuống, cho làm “lưỡng quốc trạng nguyên”
Có khi cụ cưỡi lừa đi chơi, chạm phải ngựa người Tàu. Người Tàu đọc câu:
Súc ngã kỵ mã, đông – di chi nhân dã, tây – di chi nhân dã?(8)
Cụ ứng khẩu đáp rằng:
Át dư thừa lư, nam phương chi cường dư, bắc phương chi cường dư?(9)
Người Tàu phải nhường lối cho cụ đi.
Người Tàu thấy cụ đối đáp nhanh nhẹn, lại ra nhiều câu đối để thử thách. Như ra câu:
An, nữ, khứ, thỉ, nhập, vị gia
Cụ đối lại:
Tù nhân xuất, vương lai thành quốc.
Người Tàu phê:
Con cháu đời sau tất có người làm vua. Nhưng hiềm nỗi chữ 国 Quốc đơn, thì hưởng nước không được tràng cửu.
Lại ra câu:
Nhật hỏa, vân yên, bạch chú thiêu tàn thỏ ngọc
Đối lại:
Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô
Người Tàu phê:
Con cháu về sau tất có người cướp nước (Quả nhiên về sau có Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê) (“cướp ngôi”… theo quan niệm của sử gia xưa – BTV) )
Lại câu ra:
Lỵ, vị, võng, lượng, tứ tiểu quỷ.
Câu đối:
Cầm, sắt, tỳ, bà, bát đại vương
Người Tàu phê:
Về sau được làm phúc thần, hưởng người ta tế bái (Quả nhiên về sau cụ làm phúc thần làng Cổ Trai).
Lại câu ra:
Quých tập chi đầu đàm Lỗ luận: tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri
Đó là tập câu thành cú trong sách Luận ngữ, mà có ý chê tiếng nói của ta như tiếng chim.
Câu đối lại:
Oa minh trì thượng độc Châu thư, Lạc dữ thiểu nhạc lac, lạc dữ chúng nhạc lạc, thục nhạc?
Câu này cũng là câu thành cú trong sách Mạnh tử, đối lại như thế là có ý chê người Tàu nói như tiếng ếch vậy.
Lại câu ra rằng:
Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu
Câu đáp rằng:
Thốn thân ngôn tạ, tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương
Lại khi ấy gặp bà trưởng công chúa mất, sứ các nước đều vào điếu tang dự tế, sứ cao ly thì vào hiến hương, sứ ta thì vào độc chúc. Khi cụ vào đọc, thì chỉ thấy trên bản chúc có bốn chữ nhất, cụ cũng cứ nghiễm nhiên theo lề lối mà đọc từ đầu, rồi đọc luôn rằng:
Vu sơn nhất đóa vân, hồng lô nhất điểm tuyết.
Thượng uyển nhất chi hoa, Quảng hàn nhất phiến nguyệt.
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết.
Vua Tàu (Nguyên) phải khen là tài. Còn sứ Cao ly bưng hương thì suýt nữa bỏng tay!
Truyền rằng người Tàu thấy cụ hay chữ như thế, mà sao người lại xấu, có anh hiếu kỳ dò xét đại tiện biết rằng cụ có ẩn tướng ở ruột vuông.”
Ở số 112 năm 1926 có bài thơ “Việt sử danh nhân liệt nữ ngâm khúc” viết về cụ Mạc Đĩnh Chi như sau:
“Đĩnh Chi họ Mạc anh tài
Đời Trần đậu trạng dạng người xấu xa
Qua sứ Nguyên vào nhà tể tướng,
Trúc tước thêu trong trướng thấy treo.
Bỗng không đến xé trướng thêu,
Rằng treo bức ấy sinh điều loạn giai,
Trúc quân tử lạc loài thấp thỏi,
Tước tiểu nhân vọi vọi trên cao.
Xem qua tức tối biết bao,
Lân bang xin vị thánh trào trừ đi.
Nói phải hay chịu tay lanh lợi,
Khi vào chầu quạt lại đề minh.
Vua Nguyên khen ngợi tài lành,
Quan Nguyên ai cũng phục tình làm mau
Ra trị dân nước trước sau liêm khiết
Đêm đặng tiền chí quyết tâu qua…”
Vất vả mấy ngày cũng tìm được một ít tư liệu viết về cụ Mạc Đĩnh Chi nhưng những di sản thơ văn của Cụ mà tôi cần tìm thì chưa thấy đâu, dẫu biết rằng đây là công việc lâu dài và vất vả. Chúng tôi hy vọng con cháu họ Mạc chúng ta cùng nhau đi tìm những di sản thơ văn của cụ Viễn tổ Mạc Đĩnh Chi…
Chú thích
(1)Đến cửa quan chậm, cửa quan đóng, xin quá khách qua cửa quan khác
(2)Ra câu đối dễ, đối lại khó, xin tiên sinh đối trước
(3)Khi nắng nóng ngốt, thời cái quạt đắc dụng như ông Y Doãn, Chu Công
(4)Mùa đông rét mướt, thì lại bỏ quạt đi như ông Di, ông Tề bị chết đói
(5)Nắng chảy vàng bỏng đá, trời đất như cái lò lửa, mày ở lúc ấy thì như ông Y, ông Chu đắc dụng.
(6)Gió bấc lạnh lùng, mưa tuyết đầy đường, mày ở lúc ấy thì như ông Di, ông Tề bị chết đói.
(7)Ôi! Dùng thì ra làm, bỏ đi thì cất, ta với mày cũng giống như thế chăng.
(8)Chạm vào ngựa ta cưỡi, người rợ bên Đông hay người rợ bên Tây đó?
(9)Chắn con lừa của ta đi, phương nam khỏe hơn hay là phương bắc khỏe hơn.
10/3/2013
PĐT
Hải Dương phong vận khúc
Trong quá trình đi sưu tập những di sản thơ văn của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, chúng tôi thấy trong tác phẩm: “Hải Dương phong vật chí” có bài thơ bằng chữ Nôm “Hải Dương phong vận khúc” có đoạn viết về cụ Mạc Đĩnh Chi xin giới thiệu với bà con:
Thầy Lũng Động(1) khá phen tộ trước
Cõi doành châu sớm bước xênh xang
Đã nên nguyên soái văn chương
Miệng dường nước chảy, dạ dường gấm thêu
Văn phiến minh(2) danh cao Yên bắc(3)
Tiếng đồn xa Nam quốc hữu nhân(4)
Chú thích:
(1) Nguyên chú: Mạc Đĩnh Chi người xã Lũng Động, đỗ Trạng nguyên khoa Giáp thìn niên hiệu Hưng Long (1304) đời Tần. Ông làm quan đến Thượng thư nổi tiếng có tài văn chương và đối đáp giỏi.
(2) Văn phiến minh: bài minh đề trên cái quạt
(3) Nguyên chú: Thoạt Hiên tiên sinh co thơ vịnh rằng: Phiến minh dang trọng Yên đài dự, Sứ tiết phương tri quốc hữn nhân (Yên đài giá trọng thơ đề quạt, Trong nước cho hay có sứ thần.)
(4) Nam quốc hữn nhân: nước Nam có người tài giỏi.
(Phan Đăng Thuận sưu tập)
Viết bình luận
Tin liên quan
-
83 năm Nhà Mạc ở Cao Bằng của Tác giả: Phạm Huy Thực (Trang Mạc Tộc Nghệ An)
-
GỌI THẾ NÀO CHO ĐÚNG. Tác giả : Hoàng Cương.
-
HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
-
VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
-
THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
-
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
-
VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
-
ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
-
VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
-
MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC