- Đang online: 1
- Hôm qua: 471
- Tuần nay: 20112
- Tổng truy cập: 3,372,912
LỊCH SỬ HIỆN TẠI VỚI VIỆC “CHIÊU TUYẾT” CHO NHÀ MẠC 535
- 190 lượt xem
Nguyễn Phương Thoan
Có thể nói trong các triều đại phong kiến Việt Nam thì hầu như duy nhất chỉ có nhà Mạc (1527-1592) sau khi thất thế không những cả gia tộc đã lâm vào thảm họa tru di khốc liệt nhất do chính sách thù hận của tập đoàn phong kiến Lê-Trịnh gây nên mà đến cả vai trò và công nghiệp suốt 65 năm trị vì đất nước của vương triều này cũng bị bôi nhọ đến thậm tệ. Nhằm xóa bỏ tận gốc mọi ảnh hưởng của nhà Mạc đối với đương thời cũng như hậu thế, các sử gia của triều đình “vua Lê-chúa Trịnh” thậm chí đã không ngần ngạisử dụng đến cả thủ đoạn vu khống, xuyên tạc sự thật để hạ nhục các vua Mạc và coi nhà Mạc là “ngụy triều”. Đi tiên phong trong việc này là nhóm chủ biên kỷ nhà Lê trong Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) do Phạm Công Trứ (1600-1675) đứng đầu. Do ĐVSKTT là bộ chính sử lớn xuyên suốt các triều đại, nên những gì ghi chép trong đó đều được coi là “khuôn vàng thước ngọc” đối với các nhà viết sử về sau. Chính vì thế mà Lê Quý Đôn (1782-1784) rồi Phan Huy Chú (1782-1840) được coi là những trí thức vào loại bác học tầm cỡ nhưng vẫn không thoát khỏi sự ràng buộc của ĐVSKTT khi viết về nhà Mạc- tuy có phần thận trọng hơn trong nhìn nhận, đánh giá… Bước sang thời hiện đại với Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (1882-1953) thì nhà Mạc còn bị biếm nhục và lên án gay gắt hơn như nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Hòe (1911-1968) đã từng phê phán: “Cái khuyết điểm lớn nhất của cuốn Việt Nam sử lược là ở chỗ đã nặng lời biếm nhục Mạc Đăng Dung, vua Thái Tổ nhà Mạc. Sự thật khác hẳn”. Cho đến tận đầu thập niên 70 của thế kỷ vừa qua, cuốn Lịch sử Việt Nam (Tập I) do Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam và ấn hành vẫn nặng lời trách cứ nhà Mạc một cách giáo điều rằng: “Nhà Mạc là một tập đoàn quân phiệt, vì lợi ích của dòng họ mà cướp đoạt ngôi và họ Mạc tự chuốc lấy sự phẫn nộ của nhân dân”(?). Từ những nhìn nhận và đánh giá thiếu khách quan lại nặng nề về phê phán một chiều đầy định kiến đối với nhà Mạc qua một số sử liệu đã nêu không chỉ làm lu mờ tính trung thực vốn có của lịch sử mà còn gây nên nỗi đau oan khúc cho biết bao thế hệ hậu duệ họ Mạc trải suốt mấy trăm năm qua mỗi khi ngĩ về tỏ tiên dòng tộc mình (được biết con cháu họ Mạc hiện có gần 400 chi phái khắp toàn quốc).
Nhưng rồi tất yếu phải đến đã đến. Bước sang thời kỳ đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo, giứo sử học nước nhà đã có sự thay đổi cởi mở hơn về nhìn nhận quá khứ. Và thế là kể từ năm 1991 trở đi, một số công trình nghiên cứu về nhà Mạc lần lượt được công bố nhằm xem xét và định giá một cách khoa học và khách quan đối với công/tội của vương triều đã đi vào lịch sử này. Cùng với một loạt bài đăng trên Tạp chí nghiên cứu lịch sử (số 6 (259)-XI-XII/1991) của các tác giả: Trần Thị Vinh, Đỗ Đức Hùng, Vũ Quý Mền, Nguyễn Hữu Tâm…thì đồng thời nhiều công trình nghien cứu khoa học khác về nhà Mạc cũng lần lượt xuất hiện trên các báo và tạp chí trong và ngoài nước. Đáng chú ý là bài viết của tác giả Huệ Thiên với đầu đề “Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh hay không?” (Bán nguyệt san kiến thức ngày nay- số 70/1991). Bằng các cứ liệu lịch sử đáng tin cậy cả trong lẫn ngoài nước, bài viết của tác giả Huệ Thiên đã đi đến kết luận mang tính khẳng định dứt khoát rằng: “Không! Làm gì có chuyện Mạc Đăng Dung cắt đất của quốc gia Đại Việt để dang cho nhà Minh. chỉ có việc sử thần của nhà Lê đã xuyên tạc sự thật lịch sử để hạ nhục họ Mạc mà thôi”. Theo đà khởi sắc đó, một cuộc hội thảo khoa học về vương triều Mạc đã được tổ chức tại huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng-nơi phát tích nhà Mạc với cố đô Dương Kinh xưa- vào ngày 18/7/1994 mà thành phần tham dự cũng như không khí hội thảo đậm tính nhân văn “là một “Quần Anh Hội tụ” ở cố đô Dương Kinh kể từ khi Lê-Trịnh lấy được thăng long từ năm 1592 đến giờ”- nhận xét của cựu Chủ tịch UBND kiêm chủ tịch Hội đồng lịch sử Hải Phòng Đào An. Mặc dù còn có ít nhiều tiểu dị quanh việc xem xét về quan hệ bang giao Mạc-Minh nhưng những vấn đề cơ bản khác như Mạc thay Lê, nhà Mạc với những thành tựu đã đạt được trong công cuộc nội trị… thì các ý kiến qua tham luận tại hội thảo đều nhất trí cao (được coi là thành công của hội thảo) để đi đến kết luận: Vai trò và vị thế của vương triều Mạc xứng đáng sánh vai với các triều đại chính thống khác trong lịch sử. Kết luận xác đáng này chính là xuất phát từ ý kiến của nhà các nhà nghiên cứu lịch sử công tâm và trách nhiệm. Chẳng hạn, với việc Mạc thay thế Lê bị các sử gia phong kiến gán cho tội “tiếm ngôi”, giáo sư sử học Trần Quốc Vượng cho rằng: “Không nên chỉ nhìn nhận và đánh giá công nghiệp nhà Mạc qua những gì sử thần nhà Lê viết. Triều đình Lê-Trịnh đối nghịch với nhà Mạc từ đầu đến cuối thế kỷ XVI và còn tiếp tục đối địch với triều Mạc thu nhỏ ở Cao Bằng ba đời nữa cho đến cuối thế kỷ XVII; do vậy sử thần Lê-Trịnh bôi xấu nhà Mạc là chuyện tất nhiên “yêu nên tốt, ghét nên xấu” là chuyện thường tình. Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Lê không phải từ tay mọt vua Lê anh hùng như Lê Lợi, một vua Lê có học vấn và tài năng như Lê Thánh Tông, mà là những vua lợn, vua quỷ. Sự thay thế đó là hợp lẽ Đời và Đạo”. Cũng vẫn giáo sư Trần Quốc Vượng, sau đó trong bài Một chút cơ duyên với họ Mạc đã trích dẫn câu nói của một học giả Hoa Kỳ mà ông cho là một luận điểm thú vị rằng: Cái gì mà cải cách Hồ Quý Ly thất bại thì Mạc Đăng Dung và con cháu đã làm được. Công nghiệp chấn hưng đất nước của nhà Mạc thể hiện trên các lĩnh vực kinh tế (bao gồm nông, công, thương nghiệp), tư tưởng… đặc biệt là về văn hóa-giáo dục (có thể so sánh với triều đại Lê Thánh Tông) cũng đã được giaos ư Phan Huy Lê-Chủ tịch Hội sử học Việt Nam-nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan qua phát biểu tổng kết hội thảo. Sau thành công của hội thảo mang dấu ấn lịch sử như vừa nên, các công trình nghiên cứu về nhà Mạc vẫn tiếp tục tiến hành và công bố. Trong số đó phải kể đến những bài viết của giáo sư Văn Tạo như “Nhà Mạc không phải là ngụy triều”, “Khủng hoảng cuối thời hậu Lê và vai trò của Mạc Đăng Dung”… đã rất được giới nghiên cứu đồng tình và người đọc hoan nghênh. Gần đây nhất, tạp chí Cửa biển của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng đã ra số “Chuyên đề về Dương Kinh-nhà Mạc” (Số 75-10/2004) gồm nhữn bài viết của các tác giả: Hoàng Lưu, Ngô Đăng Lợi, Ngọc Khoa, Hải Đoan, Quang Ngọc…càng giúp cho người đọc đương thời hiểu rõ thêm về vai trò và công nghiệp của nhà Mạc trong lịch sử…
….Tiến thêm một bước quan trọng trong việc xác nhận vai trò và công tích của nhà Mạc trong tiến trình lịch sử dân tộc, ngày 17 tháng 9 năm 2002, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định số 24/2002/QĐ-BVHTT xếp hạng Di tích quốc gia từ đường họ Mạc ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng-nơi thờ phụng các vua Mạc. Vinh dự này đã được Đảng bọ và nhân dân huyện Kiến Thụy cùng với đại diện con cháu tộc Mạc khắp cả nước hành hương về quê tổ tổ chức đón nhận hết sức trọng thể vào sáng ngày 3-10-2004, gia tộc sở tại lại vui mừng được đón tiếp Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm và dâng hương tưởng niệm các vua Mạc. Lưu bút vào sổ vàng từ đường, Chủ tịch ngỏ lời khen: “ Về thăm Kiến Thụy, thăm Cổ Trai, tôi vui mừng thấy địa phương và ngành Văn hóa Thông tin đã đưa các di tích thuộc Dương Kinh-nhà Mạc vào danh sách các công trình lịch sử văn hóa cần bảo vệ lưu niệm của địa phương và đất nước. Đây là việc làm cần thiết, thể hiện truyền thống văn hiến của dân tộc ta”.
Vậy là sau hơn 400 năm thăng trầm dâu bể, cuối cùng phải đến thời đại Hồ Chí Minh, nhà Mạc mới lấy lại được vị thế của mình trong lịch sử. Việc “chiêu tuyết” trải bao mong đợi này không chỉ sẽ làm ấm lòng hậu duệ tộc Mạc khắp mội miền đất nước mà còn là niềm vui chung của mọi lương tri hôm nay và mai sau.
(Văn hóa Nghệ An –Tết Ất Dậu (57)-Tháng2 năm 2005, trang73-74). Hoàng Anh Văn ST
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.