- Đang online: 1
- Hôm qua: 942
- Tuần nay: 40823
- Tổng truy cập: 3,471,977
Bùi Vịnh (1508 524
- 265 lượt xem
Bùi Vịnh (1508-1545)
Và bài phú được thưởng 10 lạng vàng
Người làng Thịnh Liệt (làng Sét) huyện Thanh đàm (nay là Thanh Trì), Bùi Vịnh là con thứ hai của Bùi Xương Trạch (tiến sĩ năm 1478 đời Hồng Đức), một danh nho đời Lê Thánh Tông.
Ông thiên tính thông minh, học vấn uyên bác. Năm 25 tuổi đã đậu Bảng nhãn, khoa Nhâm thìn (1532), đời Mạc Đại Chính (Đăng Doanh). Thi ứng chế, ông đậu đầu, bài thơ ngũ ngôn 49 vần nay còn. Ông làm quan tại Đông các, đến chức Học sĩ, tước Mai lĩnh hầu. Mất năm 1545, thọ 38 tuổi.
Ông soạn nhiều từ-hàn được vua Mạc khen và ban thưởng. Nay vẫn còn một bài thơ đã nói ở trên, một bài phú chữ Đế đô hình thăng và một bài phú nôm Cung trung bảo huấn, còn được chép lại trong gia phả họ Bùi.
Bài này là lời dạy vắn tắt những phi tần trong cung phải cần kiệm nghiêm trang, chớ ghen tuông lăng loàn.
Nguyên trong nhà ông cũng có người hầu trong cung vua. Anh ông là Diễm quận công Bùi Quế có hai con gái: Ngọc Lan hầu Đăng Dung, và Ngọc Huyền hầu Đăng Doanh. Cho nên lời dạy nầy chính để dạy cháu mình nữa.
Lời văn chắc chắn giữ được nguyên xưa. Vì gia phả họ Bùi là nhờ Bùi Xương Tự (1656-1728) biên tập.
CUNG TRUNG BẢO HUẤN
(Phú bát vận. Vua Mạc sai làm, và được thưởng 10 lạng vàng)
I. Giêng cả có ba1. Vốn2 ở chung3 nhà,
Lành sau bởi nhân lành trước – Dạy gần mới khá dạy xa.
Tạo hòa4 công nên5, phép hoằng qui6 đà lập7
Cung vi8 giáo để9, văn bảo huấn10 chép ra.
II. Vừa thửa: Vận11 mở Đường Ngu12. – Đạo13 truyền Thuấn14 Vũ15
Thương sinh16 bốn bể17 chiêu an18. – Hoàng cực19 chín lần20 áo dũ21
Thôi văn22 đốc vũ23, việc ngoại đình24 đều đã sửa sang. – Cõi hóa, ngàn nhân25, tôi nội đài26 xá ư dạy nhủ27.
III. Trong ấy: Những người kén chọn. – Được ở đam chiêu28.
Khuya sớm đền loan, gác phượng29. – Trước sau dãy quế, phòng tiêu30.
Đòi đẳng31 thấp cao, phận quí tiện32, tôn ti33 có khác. – Toàn bề ân đãi34, chức phi tần35, tường ngự36 càng nhiều.
IV. Ắt tua37: Cực ghín38, cực nghiêm39. – Cùng lòng cùng đức.
Sao kia nắm – nắm40 còn chầu41. – Gà nọ o – o đã thức42.
Thiên Thiếu – nghi43, thiên Nội – tắc44, giáo lành45 chép lấy làm gương. – Thơ Quyền – nhĩ46, thơ Quan – thư47, đức thịnh48 phen đòi49 bắt chước.
V. Xem chưng: Dấu lành sự cũ. – Nghiệp tốt đời xưa.
Qíu nữ50 kính thay: khay tần – tảo51 tay nâng chắm – chắm52. Thái – nhâm52 kiệm54 bấy! áo khích – si55 mình mặc thưa thưa.
Chối liễn phượng56 chẳng ngồi. Ban – thị57 sự đà sau thấy. – Chống muôn hùng58 nào ngại , Phùng cơ59 lòng hãy xưa ngừa60.
VI. Đến bằng: Đua học thói nhơ. Tranh làm nết lạ.
Li-sơn61 cười một phút. Bao-tị62 kia lầm hết chư hầu. – Vị thủy63 tắm đòi phen. Dương phi64 nọ độc hòa thiên hạ65.
Cung Quán giai66, lang67 Hưởng tiếp68, Tây thi69 chỉn70 ấy thê loàn71. Thang đậu-khấu72, quê Ôn-nhu73, Triệu-thị74 thật là nước họa75.
VII. Dù nhẫn76: Ghín nơi hợp ghín77. – Răn thửa khá răn.
Niềm78 trung79, hiếu80, ái – ưu81 hằng dốc82. Thói xa hoa83, tật đố84 càng ngăn85.
Đức nhu86, đức thục87, dức uyển88, đức hòa89 ở chức tua gìn90 đạo chính91. – Nết tĩnh92, nết trang93, nết cần94, nết kiệm95, hết lòng cùng chấp96 giáo văn97.
VIII. Ngõ98 nên: Vua thánh, tôi hiền.- Nước yên, nhà thuận.
Đức lành cù – mộc99, ròng – ròng100 đạo rệt101, cương thường102. – Thơ ngợi chung – tư103, dặc- dặc104 phúc thêm, tộ dẫn105.
Vậy mới: Để danh trúc bạch106. Hưởng phúc thái bình. Chẳng phụ lời Cung-trung bảo huấn107.
Chú thích
– I. 1 Giềng cả có ba: giềng, cũng đọc là giường, là giây cái trương lưới. Nghĩa bóng là trật tự, vì có giường lưới mới giữ được các mắt lưới khỏi rời nhau; tỷ như trong luân lý, có những nguyên tắc căn bản giữ cho đời sống hàng ngày có trật tự, có hệ thống. Có ba giường lớn: a) Vua làm giường cho bề tôi b) cha làm giường cho con c) chồng làm giường cho vợ. (Do chữ “tam cương” trong đạo Nho: quân vi thần cương, phụ vi tử cương, phu vi thê cương.)
2 Vốn: a) gốc.b) vẫn là., nguyên là.,
3 Chưng: tại ở. Vốn ở chưng
4 Tạo hóa: nói về trời đất gây dựng ra và biến đổi muôn vật. Ở đây Tạo hóa là Trời.
5 Công nên: sự khó nhọc mà có kết quả, mà thành việc.
6 Hoằng quí: hoằng là rộng lớn. Quí nghĩa đen: khuôn tròn. Nghĩa bóng: phép tắc đã định. Đây là phép tắc rộng lớn về chính trị.
7 Đà lập: đã dựng lên, đã đặt ra.
8 Cung vi: trong cung; trong chỗ ở của vua và vợ con vua.
9 Giáo để: đặt sự dạy dỗ
10 Văn bảo huấn: bài văn chép lời dạy bảo quý báu.
Đại ý trong đoạn I:
Đạo làm người có ba giường mối lớn mà gốc là ở nhà (gia đình). Có làm điều lành rồi mới được hưởng phúc lành. Muốn dạy các điều cao xa, bắt đầu phải dạy những điều gần trước đã.
Phép tắc rộng lớn trị dân đã xây dựng để giúp vào việc “sinh thành” của Tạo hóa cho có kết quả tốt đẹp; trong chốn Hoàng cung, chép ra bài văn ‘bảo huấn” này để lại, đặt ra phép dạy dỗ cung phi.
II. 11 Vận: số mệnh xoay vần, chuyển đến.
12 Đường, Ngu: tên hai triều đại cổ Trung Hoa. Đời Đường có vua Nghiêu (2359-2259 tr.J.C); đời Ngu có vua Thuấn (2256-2208 tr.J.C); truyền thuyết cho là hoàng kim thời đại, nghĩa là buổi cực thịnh thái bình, tịnh trị trong lịch sử Tàu.
13 Đạo: đường lối phải noi theo.
14 Thuấn: tên hiệu vị hoàng đế đời Ngu. Đế tên là Trùng hoa, được Đế Nghiêu nhường ngôi mà có thiên hạ, đóng đô ở Bồ bản (nay thuộc huyện Ngu hương, tỉnh Sơn Tây) ở ngôi 48 năm; con là Thương Quân là người dở nên Đế truất đi mà nhường ngôi cho ông Vũ.
15 Vũ: vua đầu triều Hạ, tên là Văn Mệnh con Ông Cổn; thay cha giúp vua Thuấn trị thủy có công; sau dược vua Thuấn nhường ngôi cho. Ở ngôi 8 năm (2205-2197 tr.J.C). Người Tàu gọi các vua: Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Hạ Vũ là vua thánh.
16 Thương sinh: Dân đen đầu (chữ thương nghĩa đen là: sắc cỏ; sắc xanh xẫm tóc lốm đốm trắn đen) cùng nghĩa với “bách tính”, trỏ toàn thể nhân dân.
17 Bốn bể: khắp trong nước.
18 Chiêu an: nói về lúc loạn lạc, gọi dân chúng về yên ổn làm ăn.
19 Hoàng cực: cái khuôn phép, mẫu mực của vua đặt ra, trong nước đều phải theo cả.
20 Chín lần: do chữ Hán: Cửu trùng chỗ điện vua ở thường xây chín bậc. Chính lần tức là trỏ ông vua.
21 Áo dủ: ý nói đời thái bình, vua láy đức hóa dân, nên được thung dung, nhàn họ; khắp trong nước đều theo khuôn phép, chịu giáo hóa của vua. Lấy ý trong câu thùy y củng thủ nhi thiên hạ trị: vua bỏ dủ áo chắp tay lại mà ngồi yên trên ngai, thế mà thiên hạ thái bình.
22 thôi văn: thúc đẩy việc văn như văn học, lễ giáo…
23 Đốc vũ: dốc lòng chăm chỉ, săn sóc việc võ.
24 Ngoại đình: ngoài triều đỉnh, nơi vua và các quan họp bàn việc chính trị; việc ngoại đình là các việc sửa trị trong nước.
25 Cõi hóa, ngàn nhân: nơi, chốn do đấy nhân nghĩa, đạo đức phát ra, truyền đi khiến muôn dân biến đổi theo, trở nên ngày một tốt. Theo quan niệm cổ, đức của vua có thể cảm hóa được dân.
26 Nội đài: nhà lầu ở trong hoàng thành, nơi vua ở.
27 Xá ư dạy nhủ: hãy bèn chỉ bảo, khuyên răn.
Đại ý trong đoạn II.
Vừa gặp lúc nhà vua mở ra vận hội thái bình thịnh trị như đời Đường, đời Ngu và noi theo đạo đức của vua Thuận vua Vũ truyền lại. Dân trong nước sau cơn loạn đã được gọi về làm ăn yên ổn; khuôn phép đặt ra, nhiều người đều tuân theo hết cả; nhà vua được nhàn hạ ung dung.
Săn sóc việc vũ, thôi thúc việc văn, mọi điều đã được sửa sang ở bên ngoài; nhân nghĩa, đạo đức được phát khởi và truyền ra là do tự cung vua; bề tôi ở chốn “nội đài” nên ưa lời răn bảo.
III. 28 Đam chiêu: bên phải, bên trái.
29 Đền loan, gác phượng: đền và gác có vẽ hoặc chạm hình chim loan, chim phượng; nơi vua chúa ở.
30 Dãy quế phòng tiêu: nhà cung nhân ở, trước của thường trồng quế, tường thường quét hồ tiêu; chất quế và hồ tiêu là chất nóng, theo y lý Á Đông, dùng để chống rét.
31 Đòi đẳng: theo thứ bậc
32 Quý tiện: sang hèn
33 Tôn ti: cao thấp; quý trọng và thấp hèn. Nói chung là trật tự trên dưới.
34 Ân đãi: đối xử có ơn huệ
35 Phi tần: nghĩa đen phi là vợ bậc vương; tần là bậc nữ quan trong đám cung nữ. Nói chung, phi tần là các vợ thứ của vua.
36 Tượng ngự: tượng là chức quan đàn bà ngày xưa; ngự là hầu vua. Chức phi tường ở trên, chức tần ngự ở dưới; tường lại ở dưới phi.
Đại ý trong đoạn III:
Trong cung, những kẻ được lựa chọn chầu hầu bên tả hữu nhà vua, hoặc ở chốn phòng tiêu hoặc ở nơi đền loan gác phượng: số phi tần, nữ quan mong được vua ban ơn, không phải là ít; tất nhiên chia ra sang hèn, hơn kém, theo thứ bậc trên dưới hoặc khác nhau.
IV. 37 Tua: nên, phải; do chữ “tu” nói trạnh ra.
38 Ghín: cẩn thận
39 Nghiêm: đoan trang, chính đính.
40 Năm nắm: nói bộ lo sợ, không dám cẩn thả trễn biếng.
41 Cả vế này do thơ Tiểu tinh (kinh thi. Quốc phong: Thiệu nam). Lời thơ rằng: “Năm ba ngôi sao nhỏ kia lấp lánh ở phương Đông; đêm đi tề chỉnh, hôm sớm (hầu hạ chăn nệm) ở cung (vua)….” Lời chú rằng: “các tỳ thiếp ví bà vợ cả của vua như mặt trăng mà tự ví mình như các ngôi sao nhỏ. Sớm hôm hầu hạ chăn nệm ở trong cung nhân thấy sao mà khởi hứng. Lời thơ tỏ rõ ý các tỳ thiếp chăm chỉ chuyên cần…”. Ở đây, vế 40 khuyên cung nữ đêm khuya còn lo sợ, tận tâm hầu vua, như lời tỳ thiếp nói trong thơ Tiểu tinh.
42 Vế này khuyên cung nữ dậy sớm. Do thơ Kê minh (Kinh thi: Tề phong). Lời thơ rằng: “Gà đã gáy vậy. Trong triều đã đủ mặt các bầy tôi vậy…” Lời chú rằng: “Đời xưa, bà phi hiền thục, hầu ở bên vua, gần sáng tưởng rằng gà gáy; không dám nghĩ đến tình riêng; dục vua trở dậy ra họp bàn việc nước với các bầy tôi tại triều”.
43 Thiếu nghi: tên một thiên trong kinh Lễ; dạy trẻ còn ít tuoir các phép tắc, nghi, tiết…đối đã với mọi người….
44 Nội tắc: tên một thiên trong kinh Lễ dạy con trai, con gái ở trong buồng the các phép tắc thờ cha mẹ, đối đãi với cô, cậu…
45 Giáo tánh: điều dạy phải, hay, tốt
46 Quyền nhĩ: tên thơ trong kinh thi (Quốc phong: Chu nam). Thơ này là lời bà Hậu phi nhân vua Văn không có nhà, tưởng nhớ mà thác ra nhời nói đang hái rau quyền nhĩ chưa đầy dỉ, chợt nhớ vua Văn nên không hái được nữa, đặt dỏ xuống bên đường. Thơ Quyền nhĩ bày tỏ đức trinh tĩnh, chuyên nhất của bà Hậu phi luôn luôn tưởng nhớ vua Văn.
47 Quan thư: tên thơ trong kinh Thi (Quốc phong: Chu nam). Quan là tiếng bắt chước tiếng chim kêu, Thư là chim thư cưu, một loài chim ở nước, thường sống thành đôi. Thơ này là người trong cung ngợi khen bà Hậu phi hiền đức, sánh với vua Văn thực là tốt đôi.
48 Đức thịnh: đức là cái hạnh, cái nết tốt đẹp thuần túy, hợp với đạo lý. Thịnh là nhiều tốt. Đây trỏ nết cực tốt của bà Hậu phi vợ vua Văn.
49 Phen đòi: Phen: so sánh; đòi: theo
Đại ý đoạn IV:
Nên cẩn thận, nghiêm trang, một lòng, một đức. Phải chăm chỉ thức khuya dậy sớm; phải cư xử theo lời dạy trong thiên Thiếu nghi, thiên Nội tắc, phải bắt chước đức lớn của bà Hậu phi nói trong thơ Quyền nhĩ, thơ Quan thư.
V. 50 Quí nữ: con gái út: đây là người con gái nhỏ. Chữ lấy trong tho Thái tần (kinh thi, Quốc phong: Thiệu nam); tho này khen bà vợ quan đại phu là người đàn bà ít tuổi, thành kính; biết hái rau tần, rau tảo luộc rồi dâng lên nhà thờ Tổ để tế.
51 Tần tảo: tên hai loài rau mọc ở dưới nước
52 Chắm chắm: bộ nghiêm trang, ngay ngắn. Chữ Tần tảo này cũng ở thơ Thái tần.
53 Thái nhâm: vợ Vương Quí,mẹ vua Văn (nhà Chu)
54 Kiệm: dành dụm, dè dặt, không hoang phí.
55 Khích si: khích là varito, si là vải nhỏ. Chữ lấy trong thơ Cát đàm (kinh Thi: Quốc phong: Chu nam). Lời thơ rằng: “Giây sắn bò lan ở trong hang, lá xin xít (rậm rạp), ấy cắt, ấy nấu (ươm) làm vải nhỏ, làm vải to ; may áo mặc không chán”. Thơ tự bà Hậu phi làm lấy, bày tỏ đức cần kiệm, không vì cuộc sống trong cảnh giàu sang mà hoang phí.
56 Chối liễn phượng: Liễn phượng là xe vua ngồi, có chạm hình chim phượng. Đấy là tích Hán Thành đế muốn ngồi chung xe với tiệp dư Ban. Nàng từ chối vò làm thế sẽ hại cho danh dự nhà vua. Nàng nói: “trong các tranh xưa chỉ thấy vẽ danh thần ở cạnh vua mà thôi”.
57 Ban thị: họ Ban; trỏ người cung nhân đời Hán Thành đế, người đẹp, thơ ca giỏi; được vua yêu, làm tiệp dư. Sau vua lại yêu Triệu Phi yến; họ Ban bị ruồng bỏ, vào hầu thái hậu ở Trường tín cung; Tiệp dư là chức quan đàn bà ở trong cung, cso từ đời Hán Vũ đế; ví ngang thượng khanh, tước ngang liệt hầu.
58 Muông hùng: con gấu
59 Phùng cơ: nàng họ Phùng (cơ là tiếng gọi sang trọng các bà quý phái); con gái Phùng Phụng Thế đời Hán, làm tiệp dư trong cung vua Hán Nguyên đế. Một hôm Hán Nguyên đế cùng nàng ngồi xem đâu hổ. Một con gấu sổ cũi. Nàng tiến thẳng trước gấu mà chặn lại.
60 Xa ngừa: phong giữ trước.
Đại ý đoạn V:
Hãy xem gương tốt đời xưa truyền lại: như bà vợ quan đại phu nói trong thơ Thái tần thành kính trong việc sửa soạn đồ tế lễ; như bà Thái nhâm cần kiệm, nói trong thơ Cát đàm; như Ban tiệp dư không chịu cùng Vua ngồi chung một xe; như Phùng cơ tiến lên trước con gấu sổng chuồng lấy mình che cho vua khỏi bị hại.
VI: 61 Ly sơn: tên núi ở Đông Nam huyện Lâm đồng tỉnh Thiểm Tây; cũng gọi là núi Ly nhung, vua U vương nhà Chu chết ở chân núi ấy…
62 Bao tị: vợ yêu của Chu U vương: nàng không hay cười; vua dùng trăm phương nghìn kế không sao khiến nàng cười được; về sau sai đốt ụ lửa báo động ở Ly sơn đẻ đánh lừa chư hầu; chư hầu thấy hiệu lửa, tưởng kinh sư có biến vội đem quân đến cứu; đến nơi thấy vua và Bao tị đang yến tiệc, lại kéo quân về, nên bật cười. Đến khi giặc Khuyển Nhung theo thân hầu vào đánh nhà Chu, U vương sai đốt lửa, chư hầu không ai đến cứu nữa; Vua bị giết ở níu Ly sơn.
63 Vị thủy: tên sông, bắt nguồn từ Cam Túc chảy qua Thiểm Tây vào sông Hoàng Hà.
64 Dương phi: vợ thứ yêu của Đường Huyền tông; em Dương Quốc Trung; trước tên là Ngọc Hoàn, sau làm nữ đạo sĩ nên hiệu gọi là Thái Chân. Gặp khi có loạn An Lộc Sơn, Huyền tông cùng Dương phi chạy vào Thục, đến sườn núi Mã Ngôi, quân lính oán vì Dương phi sinh loạn nên không chịu tiến; Dương phi bèn tự tử.
65 Độc hòa thiên hạ: làm hại chung cả mọi người
66 Cung quán giai: Vua Ngô Phù sai sai dựng cung này ở núi Nghiễn thạch cho Tây thi ở. Người Ngô gọi con gái đẹp là “giai” nên mới gọi là cung Quán giai. Nay còn dấu vết ở trên núi Linh nham, tại Tây Nam Ngô huyện trong tỉnh Giang Tô.
67 Lang: dãy nhà chạy dài ở đền đài cung điện.
68 Hưởng tiếp: tên lang ở cung vua Ngô; dùng ván gỗ tử, lát để Tây Thi đi; mỗi bước đi lại có tiếng ngân vang lên.
69 Tây Thi: người đẹp ở thôn Trữ ta, nước Việt, đời Xuân Thu. Vua Việt Câu Tiễn thua trân Cối Kê, dùng mưu Phạm Lãi, đem Tây Thi dâng vua Ngô là Phù Sai. Sau Cẫu Tiễn diệt nước Ngô, Tây Thi theo Phạm Lãi đi chơi Ngũ hồ; hoặc có người nói Tây Thi bị dìm sông chết; không biết thuyết nào đúng.
70 Chỉn: thật là
71 Thê loàn: tức là thê loạn (vì luật bằng trắc nên loạn đọc là loàn): thang loạn; cái thang (dùng theo nghĩa bóng) là cái cớ đưa tới sự rối loạn; sự rối loạn dựa vào đấy mà phát sinh ra.
72 Thang đậu khấu: nước nấu vơi đậu khấu (một lọai thực vật làm thuốc)
73 Quê Ôn nhu: dịch chữ Hán: Ôn nhu hương: làng êm đềm mền mại. Sách “Phi Yến ngoại truyện” chép rằng: “Hậu (trỏ Phi Yến) đem Hợp Đức tiến lên cho vua. Vua rất bằng lòng… nói: Hợp Đức là làng Ôn nhu; ta già ở làng này”.
74 Triệu thị: trỏ hai chị em Triệu Phi Yến; cung nhân đời Hán Thành đế, học múa hát vì thân thể nhẹ nhàng nên gọi là Phi Yến (con én bay). Trước làm tiệp dư; sau Hứa hậu mất, được phong hoàng hậu; cùng em gái cổ hoặc vua trong mười năm; vua mất Ai đế tôn làm Hoàng Thái hậu; khoảng đầu đời Bình đế, bị giáng xuống làm thứ nhân, tự tử chết.
75 Nước họa: dịch chữ Hán: Họa thủy: nước gây ra tai vạ. Do câu của Náo Phương Thành, ý nói rằng: Triệu Hợp Đức làm mê hoặc Thành đế sẽ gây loạn và làm mất nhà Hán cũng như nước làm tắt lửa (vì nhà Hán lấy “đức Lửa” mà dấy lên).
Đại ý đoạn VI.
Nếu bắt chước những thói dở, nết lạ như của: Bao Tị cười ở Ly sơn khi xem trò đốt ụ lửa; Dương quý phi hay tắm suối nước ấm; Tây Thi ở cung quán giai, lang hưởng tiếp; Triệu Phi Yến tắm nước thang đậu khấu; Triệu Hợp Đức làm mê hoặc Hán Thành đế… thì sẽ là mầm gây họa, hại vua, hại nước, hại dân.
VII. 76 Dù nhẫn: cùng nghĩa như chữ dù; dù mà; ví bằng.
77 Ghin nơi hợp ghín: cẩn thận những điều đáng lẽ (đúng lý) phải cẩn thận.
78 Niềm: lòng tưởng nghĩ chuyên chú vào việc gì.
79 Trung: thành thực hết lòng (với vua)
80 Hiếu: thảo, ăn ở hết lòng với cha mẹ.
81 Ái ưu: yêu nước và lo vua
82 Hằng dốc: luôn luôn lúc nào cũng chuyên chú vào..
83 Xa hoa: hoang phí và (ưa chuộng sự) đẹp đẽ, rực rõ, lộng lẫy.
84 Tật đố: ghen ghét
85 Ngăn: chắn, cản lại (không cho phát ra)
86 Nhu: mềm mỏng
87 Thục: hiền lành, có lòng nhân
88 Uyển: dịu dàng uốn theo
89 Hòa: em ái, thỏa thuận, không sinh sự
90 Tua gìn: nên giữ (chữ Tua là chữ tu đọc tránh ra)
91 Đạo chính: đường lối thẳng, lý đúng phải noi theo.
92 Tĩnh: im lăng; trong sạch nói về tấm lòng
93 Trang: nói về cái dáng kính cẩn, nghiêm chỉnh
94 Cần: siêng năng, chịu khó.
95 Kiệm: dành dụm, dè dặt, không hoang phí.
96 Chấp: cầm, giữ.
97 Giáo văn: điều dạy bảo về lễ nhạc, đạo đức.
Đại ý đoạn VII:
Vậy nên cẩn thận những việc đáng cẩn thận và phải tự răn mình: Phải một lòng trung, hiếu, ái, ưu; phải tránh xa hoa ghen ghét; Phải theo đạo chính, luyện đức nhu, thục, uyển, hòa; Phải giữ lời dạy bảo, tập nết tĩnh, trang, cần, kiệm
VIII. 98 Ngõ: mong mỏi.
99 Cù mộc: cây to cành cong xuống, để giây bìm, giây sắn bò lên. Nghĩa bóng: vợ cả ăn ở có lương cho vợ lẽ được nhỏ. Tên một bài thơ trong kinh Thi (Quốc Phong: chu nam) thơ này là lời các vợ lẽ vua Văn, mừng được bà Hậu phi vui vẻ, dịu dàng với kẻ dưới nên cầu chúc cho bà hưởng phúc lộc của Trời ban cho người có đức.
100 Ròng-ròng: tỏ ý suốt, luôn không đứt quãng.
101 Rệt: tỏ rõ
102 Cương thường: cương là giường mối. Thường là luôn luôn không thay đổ. Cương thường nói tóm “Tam cương, ngũ thường” tức là ba giường mối (vua tôi, cha con, chồng vợ) và năm đức thường của người ta (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín).
103 Chung tư: chung tư là con sạt sành (như con châu chấu). Thơ chung tư là một thơ trong kinh Thi (Quốc Phong: chu nam). Vì bà vợ vua Văn hiền thục không ghen ghét nên các vợ lẽ cầu cho bà được hưởng phúc con đàn, cháu đống, dài lâu, vui vẻ, thuận hòa như đàn con chung tư (thơ này thuộc thể tỷ, mượn loài chung tư làm tỷ dụ).
104 Dặc dặc: lâu lắm, dài lắm.
105 Tộ dẫn: Kinh thi, Đại nhã, thơ “Ký túy” có câu: “Vĩnh tứ tộ dẫn” nghĩa là “mãi mãi ban phúc lành con cháu”. Tộ là phúc; Dẫn là con cháu.
106 Để danh trúc bạch: nghĩa đen là để tên tre lụa. Người đời xưa dùng thẻ tre viết chữ làm sách lá trúc, dùng lụa làm cờ là bạch. Hễ người có công thì được biên vào sách, ghi lên mặt cờ nên nói rằng để danh trúc bạch.
107 Cung trung bảo huấn: bài văn chép lời dạy bảo quý báu (cho phụ nữ ở) trong cung.
Đại ý đoạn VIII.
Như thế mới mong được vua thánh, tôi hiền, nước yên, nhà thuận. Đạo cương thường tỏ rõ, nhờ ở đức lành của bà chính hậu như lời thơ Cù mộc. Lại như lời thơ Chung tư và Ký túy, con cháu sẽ đông đúc và hưởng mãi phúc lành.
Do vậy mà tên đề sử xanh, hưởng phúc yên vui và không phụ lời trong bài văn này dạy bảo.
Bài phú này gồm có tám vần:
Đoạn I. vần lung, tức là nhập đề nói đả động tới bài văn “Bảo huấn”
Đoạn II. Vần biện nguyên: nói rõ nguyên ủy, lý do bài văn “Bảo huấn”
Đoạn III… VI: bốn vần thích thực, nói sát vào đề:
III- IV. Các điều răn dạy Cung nữ
V: Gương tốt đẹp cần theo
VI: Gương xấu phải tránh xa
Đoạn VII: vần phu diễn: quay trở lại các điều răn dạy và nói rộng ra 4 đức chính, 4 nết chính hay của cung nhân
Đoạn VIII: vần tổng kết: kết quả tốt thâu lượm được khi cung nhân nghe theo lời dạy.
(Thi văn Việt Nam từ đời Trần đến cuối đời Mạc, xuất bản 1951,
Phan Đăng Thuận sưu tầm)
Viết bình luận
Tin liên quan
-
83 năm Nhà Mạc ở Cao Bằng của Tác giả: Phạm Huy Thực (Trang Mạc Tộc Nghệ An)
-
GỌI THẾ NÀO CHO ĐÚNG. Tác giả : Hoàng Cương.
-
HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
-
VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
-
THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
-
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
-
VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
-
ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
-
VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
-
MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC