- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 20068
- Tổng truy cập: 3,370,927
THÁI HOÀNG THÁI HẬU HỌ VŨ VÀ HỘI LÀNG HÒA LIỄU 788
- 223 lượt xem
THÁI HOÀNG THÁI HẬU HỌ VŨ VÀ HỘI LÀNG HÒA LIỄU
GS-TSKH Phan Đăng Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ văn hóa truyền thống thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Việt Nam.
GS-TSKH Phan Đăng Nhật trình bày tham luận tại Hội thảo.
I. Vài nét về Hòa Liễu
Làng Hòa Liễu thuộc xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Tên làng xưa là Lan Niểu/Lan điểu; đời vua Minh Mạng, triều Nguyễn đổi tên là Hòa Liễu. Từ huyện lỵ Kiến Thụy đến làng khoảng 3km.
Các dòng họ đến cư trú sớm nhất, tính từ thủy tổ đến nay là 17 – 18 đời. Hiện nay có 9 dòng họ, dân số trên 2560 người, nghề chính là nông nghiệp, nghề phụ không đáng kể. Làng có 5 xóm, ở tương đối quy tụ.
Cụm di tích Đền và Chùa Hòa Liễu được dựng trong cùng một khuôn viên. Đền là nơi thờ Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.
II. Hội làng Hòa Liễu
Hội làng Hòa Liễu cũng như mọi hiện tượng lịch sử văn hóa, có sự thay đổi qua thời gian, nhằm phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và môi trường thiên thiên. Tuy nhiên Hội vẫn giữ được những đặc điểm truyền thống cơ bản. Hội làng Hòa Liễu mà chúng tôi miêu thuật dưới đây do bản thân quan sát trực tiếp, và phỏng vấn trực tiếp trong các ngày 13 tháng 14 tháng Giêng Tân Mão (Tức 15 và 16 tháng 2 năm 2010).
Ngày nay, hội làng có những mục chính là tế lễ, cờ người, đấu vật; đặc biệt là lễ minh thệ.
1. Tế lễ
Lễ tế tổ chức vào chiều 13 tháng, mọi tiết mục không khác các lễ tế nơi khác. Chúng tôi nhận thấy đội tế (nữ quan) ở đây trật tự, nề nếp và uyển chuyển, khiến tăng thêm sự trang trọng của buổi lễ. Luôn có cụ bô lão có hiểu biết (cụ Phạm Đăng Khoa) kiểm tra, theo dõi thao tác của các thành viên tham gia tế. Ai có lỗi thì bị gài thẻ vàng để chỉnh đốn.
Trước đây có lễ rước bài vị ở đến thờ Thái hoàng Thái hậu và bát nhang từ miếu thờ thành hoàng về đình mở hội. Sau khi miếu bị phá không còn lễ rước nữa.
2. Lễ minh thệ
Minh thệ là một lễ khá đặc biệt của hội Hòa Liễu. Nhân dân nói rằng lễ thề là do Đức Thánh tức Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản “bày cho”. Thực tế là Thái hoàng Thái hậu đã tiếp thu lễ thề của đời trước và một số nơi khác chuyển giao lại cho dân làng. Điều quan trọng là nhân dân Hòa Liễu có công giữ gìn lễ này cho đến ngày nay và bảo lưu một cách đầy đủ, trang nghiêm.
Về thời gian trước đó. Lịch sử còn ghi lại lễ ăn thề của các vua quan đời Lý và đời Trần, tại đền Đồng Cổ, Thụy Khê, Hà Nội.
Về đương thời, khoán ức của ba làng xã Vân Trường huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình lập ngày 30 tháng 10 năm Diên Thành thứ nhất, đời vua Mạc Mậu Hộp (1578) có ghi tục minh thệ (ăn thề): “Từ đời vua Đoan Khánh (Lê Uy Mục 1505 – 1509) Hồng Thuận (Lê Tương Dực 1509 – 1506) dân chính bấy giờ mới hợp cử tâu được bằng Minh thệ (ăn thề) lập án văn, việc tố tụng các ruộng đồn điền, ruộng do người khác xã lấn chiếm và ruộng dân thống nhất làm một”
Lễ minh thệ Hòa Liễu được thực hiện trước một đài thề, cao khoảng 2m50 gồm nhiều bậc, có tàn, lọng nghĩa là nơi thần ngự. Trên đài bày lễ vật. Ở tầng cao nhất là chiếc mũ cổ của thành hoàng. Như thế là lễ ăn thề được chứng giám trực tiếp của thành hoàng. Bên trái đài là đội nhạc bát âm. Sát trước đài, ngay mặt đất (lát gạch) là một bình sứ dùng để đựng rượu, dung lượng khoảng 10 lít. Trước bình rượu, trên sàn gạch là một vòng tròn trắng, đường kính khoảng 2m (Ảnh đài thề số 3), ở tâm vòng thề có một viên gạch được cậy lên để lộ rõ mặt đất.
Chủ tế tiến lên điều khiển toàn bộ buổi tế, bát âm bắt đầu trình xướng. Đội nam đinh lần lượt kính dẫn các vị chức sắc của làng, từng vị một vào vị trí, trước đài thề. Tiếp theo là các mục then chốt của lễ ăn thề được thực hành khoan thai, nghiêm cẩn dưới sự điều hành của chủ tế, trong tiếng nhạc bát âm lay động, trầm hùng và sự dẫn lễ của đội tráng đinh: Dâng hịch văn minh thệ (hịch thề), tuyên độc hịch thề, dâng gà, dâng dao thề, đồ rượu vào bình, cắt tiết gà vào bình, Ảnh cắt tiết gà, số …) toàn thể hô vang lời thề, cắm dao xuống đất vào tâm vòng thể, dâng huyết, từng vị chức dịch lần lượt hai tay nâng chén rượu thề, che miệng và uống cạn chén (Ảnh uống rượu thề, số …..)
Tóm tắt Hịch văn minh thệ
Một là: Ông Nguyễn Văn A được dân làng bầu làm cấp trưởng, làm việc chính sự, cùng người tùy tùng là lấy của công làm việc công thì được thần linh ủng hộ. Nhược bằng nếu có lòng tham, lấy của công đem về làm của tư, nguyện cầu cá vị thần linh đả tử! Y như lời thề!.
Hai là: Ông Nguyễn Văn B làm cấp phó, cùng với các người cộng sự mà lấy của công dùng vào việc công thì được thần linh ủng hộ. Nhược bằng có lòng tham, lấy cảu công đem về làm tư; nguyện cầu các vị thần linh đả tử! Y như lời thề!
Ba là: Trên từ cụ già, đến dưới 18 tuổi ở dân thôn, trong làng vườn tược buồng cau, trái chuối, ngoài đồng lúa mạ hoa màu, mọi người đều công minh chính trực, không tham lam vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử! Y như lời thề!
3. Thi vật
Thi vật tổ chức ở xới vật vừa hoàn thành xây dựng ở phía ngoài khuôn viên của đền – chùa. Không khí thi vật rất sôi nổi. Kể cả thiếu niên cũng hăng hái tham gia thi vật (Ảnh thi vật, số ….) (Ảnh đô vật thiếu niên, số …..)
Chúng tôi đã được sự không ít lễ hội trên khắp miền đất nước. Nói chung không tránh khỏi cảnh chen lẫn, lộn xộn. Hội càng lớn, lại càng chen lấn nhiều. Riêng ở đây, không có tình trạng đó. Điều này chứng tỏ trình độ văn minh lịch sự của nhân dân Hòa Liễu, đồng thời cũng do ban tổ chức đã sắp xếp hàng nghìn ghế cho bà còn dự hội và bố trí vị trí hợp lý cho tất cả mọi người ngồi đều xem, nghe được hội.
III. Đức Thánh Hòa Liễu – Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn
Đền Hòa Liễu thờ bà Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, nhân dân gọi là Đức Thánh. (Xem ảnh Đức thánh, số ). Tên bà xuất hiện trên bia từ năm 1562, năm đầu của niên đại vua Mạc Mậu Hợp, cho đến năm 1589. Thái hoàng Thái hậu đã có công lớn là lấy tiền riêng mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam bảo; đồng thời vận động hoàng thân quốc thích đóng góp thêm, tổng số ruộng lên tới 47 mẫu 3 sào, gọi là ruộng nhà Thánh (Thánh điền). Số ruộng trên được dùng làm ba khoản chính:
– Khoản thứ nhất: Cấp cho việc cúng tế ở đền và chùa làng.
– Khoản thứ hai: Cấp cho dân đinh, thượng hạ. Khi dân số ít thì chia đến tuổi 15, khi dân số tăng thì chia đến tuổi 18, mỗi người một sào, cày cấy thu hoạch, không phải nộp thuế. Chia theo cách bốc thăm công khai, già nhận trước, trẻ nhận sau, cứ 3 năm chia lại một lần.
– Khoản thứ 3. Cho đấu thầu cấy lấy thóc lập quỹ nghĩa thương, khi đói khó cấp đỡ người nghèo, cô nhân, quả phủ, bảo dưỡng lát gạch đường làng. Đến Cách mạng Tháng Tám, quỹ làng còn 3 tấn thóc, ủng hộ kháng chiến, số thóc cho người nghèo vay không thu lại nữa.
Cùng với việc cấp ruộng cho dân làng, THTH là người công đức để xây dựng chùa với 6000 lá vàng, cùng không biết bao nhiêu tiền bạc cho trên 15 ngôi chùa ở khu vực Dương Kinh và phụ cận như:
Chùa Linh Cảm (Tiên Sơn, Bắc Ninh) 1557, chùa Bà Đanh (Kiến Thụy, Hải Phòng) 1563, chùa Thiên Hựu (Nam Sách, Hải Dương) 1571, chùa Minh Phúc (Tiên Lãng, Hải Phòng) 1572, chùa Sùng Ân (Phù Cừ, Hưng Yên) 1574, chùa Phổ Chiếu (Kiến Thụy, Hải Phòng) 1579, Chùa Thánh Thọ (Bình Giang, Hải Dương) 1579, chùa Minh Quang (Gia Lộc, Hải Dương) 1579, chùa Hoa Tân (An Lão, Hải Phòng) 1582, chùa Linh Sơn (An Lão, Hải Phòng) 1589 …. và chùa làng Hoa Liễu mà chúng ta đang bàn ở đây, có tên Thiên Phúc Tự xây dựng năm 1562.
Bà cũng là người “bày cho” dân lễ minh thệ, đã miêu thuật trên.
Tóm lại, Thái hoàng Thái hậu đã có nhiều công lao lớn như: mua ruộng để cung tiến cho chùa đền, để cấp phát cho dân đinh cày cấy và lập quỹ cứu đói; xây dựng nhiều chùa trong vùng và khuyến khích tổ chức hội làng, đặc biệt là xây dựng lễ minh thệ.
Quả thật, đúng như PGS. Đinh Khắc Thuân đã nhận định: “Bà Thái hoàng thái hậu họ Vũ quả là một người đã dốc toàn tâm toàn ý cho công cuộc trung hưng chùa Phật thời kỳ này. Bà từng được dân gian tôn xưng là “mẫu nghi thiên hạ, là vị Phật sống trên trần gian” … Bà là Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ, một biểu tượng của người phúc thiện, đáng được muôn đời ghi nhớ.
IV. Hội làng và Đức Thánh trong lòng dân
Để tìm hiểu hội làng và Đức Thánh trong lòng dân, chúng tôi dùng phương pháp phỏng vấn trực tiếp, nói và điều tra bằng bảng hỏi, viết.
Trọng tâm các nội dung cần tìm hiểu là: hội thề, hương ước, đạo Phật Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.
Hai đối tượng được tìm hiểu là:
– Học sinh trường THCS xã Thuận Thiên, 14 – 15 tuổi, số lượng 18 em.
– Số người được hỏi trực tiếp là 9 cụ, tuổi trên 70, gồm các cụ sau đây:
+ Cụ Phạm Xuân Đức, 88 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND h. Kiến Thụy
+ Cụ Nguyễn Văn Ngần 78 tuổi, BCH Chi hội CCB xã Thuận Thiên.
+ Cụ Nguyễn Quang Thơm 75 tuổi, Ủy viên BCH Chi hội người cao tuổi xã Thuận Thiên.
+ Cụ Phạm Đăng Khoa, 77 tuổi, Chủ nhiệm CLB Thời sự chính sách
+ Cụ Phạm Văn Côi, 84 tuổi
+ Cụ Nguyễn Minh Phú, 91 tuổi
+ Cụ Phạm Văn Tầm, 88 tuổi
+ Cụ Nguyễn Văn Vận, 79 tuổi
Các cụ trên đây đồng thời là trong số 12 cụ cao niên nhất, trước kia, ngày hội làng, được ngồi 3 mâm trên, dân thường gọi là “các cụ ba mâm”
1. Kết quả phỏng vấn hỏi (ngày 14/2/2011 tại đền Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, Kiến Thụy, hải Phòng)
1.0. Về Hội làng
Chỗ ngồi ở đình làng, 12 cụ ngồi phía Tây, có 3 cỗ (không ngồi phía đông). Bên Đông là chỗ ngồi của lý dịch, tiên chỉ, thứ chỉ, ….
1.1. Về lễ minh thệ
– Các cụ đều biết khá tường tận và nhớ khá đầy đủ về lễ minh thệ trong hội làng.
Ngày xưa, lễ minh thệ tiến hành ở miếu, là nơi thờ thành hoàng. (Tại sao không thề ở đình mà thề ở miếu). Vì miếu là nơi ngự thường xuyên của thành hoàng, hiện nay miếu không còn, đã bị phá chỉ còn cái mũ của Ngài và mũ đó, trong lễ minh thệ vẫn để lên đài thờ tượng trưng cho Ngài.
Lễ minh thệ là do Đức Thánh (Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản, hoàng hậu của Thái tổ Mạc Đăng Dung) “đặt” ra.
Người đứng ra thề: gồm toàn bộ lý dịch, 12 cụ, trương tuần, toàn dân từ 18 tuổi trở lên, các ông lý dịch ra thề trước.
Ngoài ra tất cả làng đều dự.
Hậu quả của minh thệ: Có ông đội phó hợp tác xã tên là Mão xúc phạm đến cây cột đá Nhà Thánh, bị ốm và sưng mặt lên, sau lệ tạ thánh, kéo cột đá trở lại mới khỏi. Có người vào khu đền định ăn cắp, cứ đi luẩn quẩn không lấy được gì.
Nhân dân thật thà, bắp ngô cho đến củ xu hào không ai lấy của ai. Dân làng không ai lấy của nhau còn tham ô bên ngoài thì khó biết.
1.2. Về hương ước
– Có sách hương ước phát cho các dòng họ, các họ đọc cho mọi người nghe. Ví dụ: Làm cỏ không được bỏ cỏ lên bờ, lấy nước qua đường phải lấp lại, súc vật chết phải chôn, không được vất bừa bãi, học giỏi có thưởng, các cháu vào đại học được họ cấp 1 bút, 1 sổ và 100.000đ.
1.3 Về đạo phật
– Dân làng 40, 50 tuổi đều đi lễ phật
1.4. Về Thái hoàng thái hậu (THTH)
– Cả làng đều nhớ công ơn Ngài, ngày rằm tháng 6 và rằm tháng chạp nhà nào cũng làm cỗ cúng Thánh (Thái hoàng Thái hậu). Ruộng Thái hoàng Thái hậu cấp cho dân làng gọi là ruộng Thánh, không phải nộp thuế. Các cụ ra lão (60 tuổi), nuôi “ông bồ” (lợn cúng thánh, trên một tạ thịt), được giao 1 mẫu 2 sào ruộng, ngày hội phải dâng “ông bồ” và 120 bánh dầy.
Thái hoàng Thái hậu cấp cho làng 48 mẫu ruộng, ngoài tế điền, người dân từ 18 tuổi trở lên được cấp một sào để cấy cày thu hoạch, không phải thuế.
Toàn dân đều biết tiểu sử và công ơn Ngài. Các cháu cũng vậy
2. Kết quả phỏng vấn biết (ngày 15/2/2011 tại trường PTCS xã Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng).
2.1. Đại cương
– Giới tính: nữ 14 người, nam 4 người;
– Tuổi: 15 = 10 người; 14 = 5 người; 13 = 3 người
– Học vấn: lớp 9 = 10 người; lớp 7 = 5 người; lớp 6 = 3 người
– Dân tộc Kinh: 18 người
– Không tôn giáo: 18 người
2.2. Kết quả
– Biết về lễ minh thệ: 17 người /18 người = 94%
– Tri thức về lễ minh thệ:
+ Ngày thề là 24 tháng Chạp Âm lịch, sau đổi lại 14 tháng Giêng.
+ Đài thề, vòng tròn, dao bầu, gà sống, ….
+ Người thề: Bô lão chức dịch, dân làng trên 18 tuổi
+ Đọc lời thề, cắt tiết gà, uống rượu thề.
Chín em (9/18 = 50%) ghi nội dung như trên. Các em này tất cả đều 15 tuổi và học lớp 9. Ngoài ra số còn lại ghi sơ sài hoặc không ghi gì.
Nhận xét: phải chăng lớp 9 được bồi dưỡng riêng về lễ minh thệ
– Biết về hương ước: 13 người /18 người = 72%
– Tri thức về hương ước:
“Ai lấy của tư làm việc công cầu xin thần linh phù hộ, ai lấy của công làm việc tư xin thần linh đả tử, làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh “tru diệt”.
Bảy em (7/18 = 38%) ghi nội dụng như trên, tất cả đều là 15 tuổi và học sinh lớp 9 như trên. Các em khác không ghi gì.
Nhận xét: Các em đã lẫn lộn nội dung lời thề với hương ước. Sự lẫn lộn này khá chính xác, giống như tài liệu của cụ Phạm Đăng Khoa, giống cả chỗ sai phát âm. “tru diệt”. Chúng tôi lại nghĩ, phải chăn một số em lớp 9 đã được mỗi dưỡng riêng về lễ minh thệ.
– Đi lễ chùa: 17 người /18 người = 94 %
+ Để nghe kinh: 7 người /18 người = 38%
+ Để vãn cảnh: 11 người /18 người = 61%
– Biết về THTH: 15 người /18 người = 83%
– Tri thức về THTH
+ Bà tên là Vũ Ngọc Toản, vợ của vua Mạc Đăng Dung, mẹ vua Mạc Đăng Doanh.
+ Bà tên là Vũ Thị Ngọc Toản, có công quyên góp tiền bạc của cair xây dựng chùa Thiên Phúc. Bà là vợ của Mạc Đăng Dung (?)
Sáu em (6 người /18 người = 27%) ghi như trên. Các em khác không ghi.
3. Nhận xét về kết quả phỏng vấn
1. Các cụ cao tuổi trong làng biết khá tường tận và nhớ khá đầy đủ về các sự kiện quan trọng trong hội làng và văn hóa truyền thống của làng.
2. Các em dưới 16 tuổi tươi đối có hiểu biết phần nào về các sự kiện trên. Nhưng số lượng ghi nhớ thực sự (có tri thức) về chúng chưa nhiều. Trong số đó các em hiểu biết về lễ minh thệ là khá nhất. Theo chúng tôi nguyên nhân là do người lớn. Người lớn quan tâm nhiều đến minh thệ thì sự kiện này được các em tiếp thu nhiều hơn.
3. Những sự kiện tiêu biểu của làng Hòa Liễu (minh thệ, hội chùa, cấp phát ruộng đất …..) liên quan đến THTH Vũ Thị Ngọc Toản. Mọi người đời đời ghi nhớ công ơn Bà.
Qua phỏng vấn chúng ta nhận thấy, mấy thế kỷ qua, hội làng Hòa Liễu vẫn tiếp tục tồn tại trong cuộc sống và trong lòng người.
V. Kết luận và kiến nghị
1. Hội làng Hòa Liễu là một hội làng tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ, được tổ chức đúng bài bản có quy củ, nề nếp, trang trọng và trật tự. Các hội làng khác nên học tập kinh nghiệm ở đây.
2. Hội làng Hòa Liễu cũng như những hội làng khác là sự tích hợp các giá trị văn hóa đặc sắc của một làng và một vùng văn hóa, trong số đó có cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
Văn hóa phi vật thể luân chuyển và trôi chảy nên khó xác định thời gian. Trái lại văn hóa vật thể đứng lại nên xác định được thời gian. Ví dụ như trên bia Tạo Thiên Phúc tự lưu giữ ở chùa ghi ngày dựng bia là 18 tháng tư năm Quảng thứ 8, 1563; có thể tin rằng nhiều sự kiện quan trọng của chùa làng và hội làng Hoa Liễu quây quần gần xa thời điểm trên, nghĩa là từ thế kỷ XVI, đến nay tính tròn là 5 thế kỷ.
Mặc đâu đã qua 5 thế kỷ, trải qua bao “dâu bể tang thương” ngay ở Hòa Liễu, nhiều đầm lầy, sông ngòi, cồn gò đã biến mất, nhưng trong lòng người già cũng như trẻ vẫn còn lưu giữ những nét đẹp của hội làng, đặc biệt là lễ minh thệ và công ơn trời bể của THTH, và tất cả vẫn tiếp tục được tái hiện trong ngày hội hàng năm, mỗi dịp xuân về.
Vậy có thể nói hội làng Hòa Liễu, vừa cổ xưa lại vừa hiện đại.
3. Chủ đề trung tâm của hội Hòa Liễu là tôn vinh, kính ngưỡng và tạ ơn Đức thánh THTH. Hình tượng Ngài còn sâu nặng trong lòng dân.
Một số hình ảnh tiêu biểu trong Lễ Hội Minh thề:
Ảnh minh họa Lễ Hội Minh thề:
Ảnh 1: Cụ trưởng lão trình tấu lời Minh thề trước Thánh Thiên tử (Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn).
Ảnh 2: Pha tiết gà vào vò rượu để cùng uống sau lời hô Minh thề.
Ảnh 3: Mọi người cùng giơ tay hô vang “Xin thề” trước khi uống rượu tiết.
Sưu tầm: Hoàng Sơn Hiền
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.