- Đang online: 1
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 19580
- Tổng truy cập: 3,370,717
Lịch sử 775
- 238 lượt xem
Lịch sử – văn hóa dòng họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê, Đại Thắng, Hải Phòng
từ thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XXI (Tiếp theo)
Luận văn Thạc sĩ Khoa học Lịch sử của Hoàng Thị Giang.
CHƯƠNG 3: NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG HỌ HOÀNG
(GỐC MẠC) ĐỐI VỚI LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG VÀ LỊCH SỬ DÂN TỘC TỪ THẾ KỶ XVIII ĐẾN NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những trang sử vẻ vang; lịch sử của các cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc; lịch sử của lớp lớp các thế hệ của các dòng họ trên mảnh đất Việt như: họ Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn…, và đó cũng là lịch sử của những cá nhân xuất sắc, của những dòng họ luôn cống hiến tài năng và đức hạnh của mình cho đất nước.
3.1. Đối với bản thân dòng họ Hoàng
Dòng họ Hoàng là một dòng họ lớn trên mảnh đất Tiên Lãng. Việc phát triển những giá trị văn hóa của bản thân dòng họ là một cách nhanh nhất phát huy được những giá trị vốn có. Đồng thời, làm tăng thêm những giá trị chung của địa phương. Điển hình nhất trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống dòng họ là:
Thứ nhất: dòng họ đã thành lập được hội đồng Hoàng tộc. Hội đồng Hoàng tộc là tập hợp của một nhóm người trong gia tộc được chỉ định hay tình nguyện tham dự vào việc hoạch định những kế hoạch hay công tác có liên quan đến hoạt động của Hoàng tộc. Hội đồng Hoàng tộc có nhiệm vụ quản lý chung tất cả các việc trong họ như: liên lạc với ban liên lạc họ Hoàng (gốc Mạc) để hội họp, học hỏi và giao lưu với nhau. Hội đồng Hoàng tộc còn quyết định các việc lớn trong họ như ma chay, giỗ chạp, và báo cáo trước Từ đường các vấn đề của dòng họ trong các dịp lễ tết.
Thứ hai, dòng họ đã viết được bản quy ước dòng họ. Trong quy ước có những quy định cụ thể áp dụng cho nội bộ và phù hợp với thời đại. Nội dung của quy ước không ngoài phạm vi quy định của hương ước làng xã về mọi mặt. Đồng thời, trong họ còn có những điều khuyên răn để giữ gìn kỷ cương.
Thứ ba, dòng họ đã khôi phục được gia phả, có ghi chi tiết từng đinh trong họ đến đời thứ 13. Gia phả được đặt trang trọng trong Từ đường, giúp con cháu trong họ hiểu về tổ tiên cũng như biết được vị trí của mình trong dòng họ.
Thứ tư, dòng họ đã thành lập được Chi hội khuyến học, khuyến tài, quỹ tình nghĩa dòng họ để thăm hỏi các thành viên. Dòng họ là một tấm gương điển hình trong công tác khuyến học, khuyến tài. Bên cạnh đó, các quỹ thăm hỏi, phúng viếng đối với các thành viên trong họ khi đau yếu, lúc về già được mọi người hưởng ứng. Quỹ và chương trình này nhiều năm đã được duy trì tốt và rất có tác dụng động viên các thành viên trong họ học tập và gắn bó với nhau hơn.
Thứ năm, dòng họ đã tiến hành xây mới nhà Từ đường và Lăng mộ cụ Cao Thượng Tổ. Với bề dày lịch sử và sự đóng góp của mọi họ viên, hai công trình lớn của dòng họ đã được hoàn thành. Những ngày giỗ chạp, lễ tết…con cháu họ Hoàng có nơi để tụ họp, bàn bạc, sum vầy với dòng họ, với tổ tiên. Đây được coi là một di sản văn hóa, một tài sản chung quý giá của cộng đồng dòng họ.
Thứ sáu, dòng họ đã thành lập được Đội tế, có nhiệm vụ thực hiện tế lễ trong các ngày trọng đại của dòng họ (ngày giỗ Cao Thượng Tổ Mạc Phúc Độ, giỗ hậu thần Hoàng Công Dong). Các thành viên trong Đội tế được đào tạo, chỉ dẫn bài bản, chuyên nghiệp, đúng nghi thức tế lễ. Ngoài ra hoạt động của Đội tế còn gây được tiếng vang trong làng, ngoài xã, nên trong một số ngày trọng đại của làng, của các dòng họ khác Đội tế cũng được mời đến thực hiện tế lễ.
Thứ bảy, dòng họ Hoàng (cùng các chi họ Mạc, gốc Mạc ở Hải Phòng) đã thành lập được Hội đồng Mạc tộc Thành phố Hải Phòng, thường xuyên liên kết với Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, tạo nên sợi dây khăng khít giữa những con người cùng chung nguồn cội.
Qua đây ta thấy, bản thân từng cá nhân trong tập thể dòng họ đã làm được nhiều việc cống hiến cho dòng họ của mình. Điều đó giúp dòng họ gắn kết với nhau hơn. Tất cả những giá trị truyền thống của dòng họ đều có nơi để lưu giữ lại. Những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dòng họ được lưu truyền qua các thế hệ không chỉ bằng các cuốn sách mà còn bằng truyền miệng và các hiện vật lịch sử. Như vậy, dòng họ Hoàng (gốc Mạc) đã hoàn thành được nhiệm vụ lớn của mình đối với dòng họ, đối với địa phương là lưu giữ các giá trị văn hóa của dòng họ. Từ đó góp phần làm phong phú hơn những giá trị văn hóa lớn của các dòng họ khác trên cả nước.
3.2. Đối với địa phương
Trong quá trình tồn tại của mình, dòng họ đã có nhiều đóng góp đối với quê hương Tiên Lãng. Đặc biệt, từ sau khi đất nước thống nhất, mọi người mọi nhà hăm hở xây dựng quê hương. Những thành viên trong dòng họ Hoàng ở Tiên Lãng cũng góp nhiều công sức làm nên thắng lợi của công cuộc xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, dòng họ Hoàng có nhiều đóng góp trên rất nhiều phương diện như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục…và trên phương diện nào dòng họ nào cũng đạt được nhiều thành tích và được chính quyền địa phương tuyên dương, khen thưởng.
Trên lĩnh vực kinh tế: Cùng với nhân dân xã Đại Thắng, con cháu họ Hoàng (gốc Mạc) đã góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương, đất nước. Con cháu họ Hoàng tích cực sản xuất nông nghiệp, trồng lúa và các cây lương thực, thực phẩm, giúp cho Tiên Lãng là một trong ba vùng nông nghiệp chính của Hải Phòng chuyên sản xuất lương thực. Ngoài ra, các gia đình họ Hoàng cũng mở các xưởng thủ công chuyên sản xuất chiếu cói, vừa phục vụ nhu cầu trong vùng, vừa phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Không chỉ vậy, một số người trong họ như bà Nga (dâu họ Hoàng) khi giữ chức Phó Chủ tịch xã đã kêu gọi đầu tư, xây dựng nên nhiều xí nghiệp trên địa bàn xã, góp phần làm giàu cho quê hương Trâm Khê. Trong dòng họ cũng có nhiều người làm Tổng Giám đốc, Giám đốc các công ty như: Bác Hoàng Văn Thế là Tổng Giám đốc công ty giày da, bác Hoàng Văn Lập là Chủ tịch Hội đồng quản trị…Ngoài ra, các con cháu họ Hoàng cũng đứng ra kinh doanh nhiều ngành nghề như anh Hoàng Văn Dinh – Giám đốc Công ty Vận tải Ô-hô, anh Hoàng Văn Tuấn (Con ông Đựng) – kinh doanh sửa chữa điện tử… Bên cạnh đó, dòng họ Hoàng ở Trâm Khê cũng có rất nhiều người làm quan chức như bác Hoàng Văn Kể, Hoàng Sơn Hiền…đã ủng hộ rất nhiều trong việc xây dựng những công trình ở địa phương, quỹ khuyến học hay kêu gọi đầu tư trên quê hương Trâm Khê, góp phần lớn trong việc làm giàu cho quê hương.
Trên lĩnh vực chính trị: họ Hoàng gốc Mạc cũng có những đóng góp lớn. Nhiều người con họ Hoàng đã giữ những chức vụ quan trọng như bác Hoàng Văn Kể, Hoàng Văn Đó, Hoàng Văn Đựng, Hoàng Sơn Hiền… Đó là những tấm gương tiêu biểu của dòng họ Hoàng tham gia vào bộ máy chính quyền, đóng góp công sức vào việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh hơn. Điển hình nhất là Tiến sĩ Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng; Nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng. Ông là người đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới. Là một đại biểu của Hội Đồng nhân dân Thành phố, ông luôn duy trì những nguyên tắc và quan điểm xây dựng nông thôn vững mạnh. Trong các cuộc hội thảo, ông đã đưa ra các quan điểm: Cơ chế và tổ chức giám sát quy hoạch xây dựng nông thôn mới; bảo vệ thực vật với môi trường nông nghiệp nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; định hướng phát triển nông lâm nghiệp đô thị của nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng; xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại và gìn giữ bản sắc dân tộc; đa dạng hóa hoạt động kinh tế nông nghiệp và tạo việc làm; quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phòng tránh thiên tai; vai trò của đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Đồng thời, thảo luận về các vấn đề: tăng cường thông tin, tuyên truyền như thế nào để huy động các bên tham gia mạnh mẽ; những nội dung, phương pháp tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ triển khai chương trình; những khó khăn trong quy hoạch nông thôn mới, xây dựng đề án nông thôn mới; những khó khăn khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất hàng hóa; khó khăn trong phát triển liên kết nông dân – doanh nghiệp; làm thế nào để huy động nội lực của cộng đồng tham gia tích cực xây dựng nông thôn mới… Những tham luận đóng góp của ông tại các cuộc hội thảo chính là một trong những gợi ý để làm căn cứ quan trọng để các nhà hoạch định, điều hành chính sách có sự điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện hơn nữa các chính sách, giải pháp nhằm xây dựng mô hình nông thôn mới trong thực tiễn thành công.
Trên lĩnh vực văn hóa: dòng họ Hoàng liên tục được làng và 14 dòng họ bình xét suy tôn là dòng họ tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào. Có 80% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 30% gia đình được làng khen thưởng. Có rất nhiều con em dòng họ đã thành đạt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Khi về hưu trở về đời thường còn rất tâm huyết, nhiệt tình với tổ tiên, dòng tộc, xóm làng mà điển hình là:
Ông Hoàng Văn Đó: Thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng, Đảng ủy viên tiểu đoàn, Bí thư chi bộ đơn vị nhiều năm, trưởng ban điều vận máy bay, trưởng ban hành chính văn phòng Bộ Tư lệnh phòng không, không quân. Về hưu năm 1984 liên tục tham gia việc họ, hiện nay là Phó chủ tịch Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng Hoàng tộc (gốc Mạc) Trâm Khê – Đại Thắng – Tiên Lãng – Hải Phòng nhiệm kỳ 2009 – 1015. Ông đã cung tiến 4 triệu đồng tiền mặt và hàng trăm ngày công lao động, xây dựng Lăng mộ, Từ đường.
Bà Đào Thị Linh (vợ ông Đó) là cán bộ phòng tổ chức, Bí thư chi bộ, 3 năm dẫn học sinh đi du học ở Trung Quốc, 3 năm dẫn đoàn đi lao động Tiệp Khắc, về hưu năm 1990, tham gia việc họ rất tích cực, bà đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để may sắm quần áo cho đội tế của dòng họ. Bà đã cung tiến hàng trăm ngày công tham gia xây dựng Lăng mộ Tổ. Hiện giờ bà là Đội trưởng đội tế họ Hoàng và là phó Bí thư chi bộ Làng văn hóa Trâm Khê nhiệm kỳ 2010 – 2012.
Hoàng Ngọc Vinh (Con trai ông Đó) là Đảng viên, Trưởng làng, đã cung tiến 3 triệu 700 ngàn đồng và 30 ngày công vào xây dựng Lăng mộ, Từ đường. Vợ là Nguyễn Thị Loan, Bác sĩ y khoa, Bí thư chi bộ, Trạm trưởng trạm y tế xã Đại Thắng.
Hoàng Văn Quang (con ông Đó) là công an, giáo viên trường Trung cấp lái xe Bộ Công an, bị bệnh ung thư dạ dày mất ngày 26/8/2010.
Hoàng Thị Hồng Nhung là giáo viên trường Tiểu học Tự Cường (con gái ông Đó) cung tiến gần 40 mét vuông xây mộ trị giá gần chục triệu đồng, chồng là Nguyễn Văn Hoạt, bác sĩ.
Ông Hoàng Văn Đựng: trình độ Đại học, Hiệu trưởng, Bí thư chi bộ nhiều năm, Phó Chủ tịch công đoàn huyện Tiên Lãng, Chủ tịch công đoàn ngành giáo dục huyện, trưởng ban văn hóa Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hội đồng Hoàng tộc Trâm Khê – Đại Thắng – Tiên Lãng – Hải Phòng. Ông đã cung tiến 2 triệu 500 ngàn đồng và hàng trăm ngày công lao động và xây dựng Lăng mộ. Bà Nguyễn Thị Mý (vợ ông Đựng) cũng đã cung tiến hàng trăm ngày công lao động xây dựng Lăng mộ Tổ.
Hoàng Văn Tuấn (con ông Đựng) nhà kinh doanh sửa chữa điện tử, cung tiến xây dựng lăng mộ 1 triệu đồng, vợ là Bùi Thị Thanh Huế, trình độ Đại học, nhà giáo, đảng viên.
Hoàng Thị Thu Hằng (con gái ông Đựng): trình độ Đại học, giáo viên, cung tiến 700 nghìn đồng xây mộ.
Bác Hoàng Sơn Hiền: là thương binh kháng chiến chống Mỹ hạng 2/4, Nguyên Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hải Phòng, Chánh Văn phòng Hội đồng Mạc tộc Thành phố, vợ là bác Phạm Thị Lan, gia đình bác đã cung tiến cho họ 3 sào ruộng hương hỏa trị giá 150 triệu đồng, 1 đôi câu đối trị giá 15 triệu đồng, 1 ti vi trị giá 6 triệu đồng. Ngoài ra còn cung tiến hàng chục triệu đồng để xây dựng Từ đường, Lăng mộ.
Bác Hoàng Văn Kể: Tiến sĩ, Nguyên Thành ủy viên, Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Gia đình bác đã cung tiến trên 250 triệu đồng để xây dựng Từ đường, Lăng mộ.
Bác Hoàng Văn Lập: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó chủ tịch Hội đồng Hoàng tộc nhiệm kỳ 2012 – 2015. Gia đình bác đã cung tiến trên 60 triệu đồng để xây dựng Từ đường, Lăng mộ.
Ông Hoàng Giang Hốt: Thuyền trưởng lái tàu đường sông. Con gái là Hoàng Thị Cẩm và Hoàng Thị Hằng đều là cử nhân Luật , Hoàng Thị Giang là Giáo viên. Gia đình ông đã cung tiến 3 triệu đồng để xây dựng Từ đường, Lăng mộ…
Xây dựng Từ đường, xây dựng mộ Tổ là xây dựng cho dòng họ ngày càng trở nên giàu đẹp. Điều đó không chỉ làm đẹp thêm cho dòng họ mà còn làm đẹp thêm cho quê hương. Đời sống con người có no đủ về vật chất mới càng có điều kiện chăm lo về mặt tinh thần. Sự khởi sắc trong dòng họ chính là sự khởi sắc của quê hương, làng xóm. Sự thay da đổi thịt trong mỗi căn nhà nhỏ đã góp phần làm quê hương ngày càng giàu mạnh hơn.
Trong công tác xã hội: Dòng họ luôn gương mẫu trong việc thực hiện các phong trào của địa phương như công tác xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tranh vách đất, thực hiện chỉ thị số 15 tiết kiệm trong tang hiếu, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa…Thường xuyên tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh, động viên con em phấn đấu, rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi, công dân gương mẫu, sống có ích cho xã hội, cộng đồng.
Dòng họ đã xây dựng được đội tế gồm 30 người do ông Đó, bà Linh đào tạo. Dòng họ đã đầu tư hàng chục triệu đồng may sắm quần áo trang phục, mua sắm nhạc cụ, trống đàn… Đội tế do bà Đào Thị Linh làm đội trưởng, anh Hoạt làm đội phó. Hoạt động chủ yếu của đội tế chủ yếu phục vụ cho ngày Giỗ Cao thượng tổ, ngoài ra còn phục vụ tế lễ cho làng và các khu vực xung quanh.
Nhờ làm tốt tất cả các công tác trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội mà dòng họ đã nhận được nhiều lời động viên, khen thưởng của các cấp chính quyền. Từ năm 2008 – 2012, dòng họ đã được Ủy ban nhân dân xã và Ủy ban nhân dân Huyện tặng thưởng 5 giấy khen về dòng họ hiếu học, dòng họ văn hóa, dòng họ đã thực hiện tốt các phong trào của địa phương. Trong dòng họ có bốn gia đình là: gia đình ông Hoàng Văn Đó, gia đình ông Hoàng Văn An, gia đình bà Hoàng Thị Nghĩa và gia đình bác Hoàng Văn Huyên được ủy ban nhân dân Xã và ủy ban nhân dân Huyện tặng giấy khen. Riêng gia đình ông Đó được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tặng một giấy khen và một bằng khen. Gia đình ông còn được Bộ văn hóa thể thao và du lịch tặng thưởng một bằng khen về thành tích xây dựng dòng họ và thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
3.2. Đối với dân tộc
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt, các triều đại phong kiến Việt Nam từ Tiền Lê đến Lý – Trần, Hồ, Lê sơ, Nguyễn đều trọng người tài và luôn đặt làm quốc sách hàng đầu trong kế sách trị quốc, an dân, giữ vững chủ quyền, độc lập dân tộc. Bất kỳ triều đại nào nếu thực hiện đúng đắn và đầy đủ quốc sách này thì triều đại đó đều ghi lại những chiến công hiển hách, những dấu ấn tinh hoa rực rỡ nhất trong trang sử vàng của dân tộc.
Hưởng ứng tinh thần chung ấy của dân tộc, dòng họ Hoàng cũng sản sinh ra nhiều nhân tài đứng ra giúp nước. Trong thời kỳ phong kiến, dòng họ Hoàng đã có 19 người làm quan tri phủ, tri huyện, tri châu. Đặc biệt, có cụ Mạc Công Gia (đổi thành Hoàng Công Dong) làm Thượng tướng quân Tổng binh bộ sứ (thời Lê Trung hưng). Cụ có công lớn với làng Trâm Khê nên khi qua đời được làng tôn làm hậu thần. Hàng năm, làng tổ chức cúng giỗ vào ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch. Cụ tại chức 50 năm và hưởng thọ 71 tuổi.
Cụ Hoàng Công Dong tức Đệ tam Cao thượng tổ Chi họ Hoàng gốc Mạc, thôn Trâm Khê, là hậu duệ đời thứ 9 Đức Thái Tổ Nhân minh cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung. Cụ là người tri thức song toàn, đỗ cao trong khoa cử, có công với nước, được vua sắc phong: Phụ quốc Thượng tướng quân. Khi được triều đình cho về quê vinh quy bái tổ, cụ đã bớt tiền bổng lộc vua ban, tự nguyện mua ruộng hiến điền và quyên 500 quan tiền xây dựng đình làng, được dân làng tôn vinh hậu thần. Công lao ấy, đời đời con cháu ghi nhớ công ơn và tự nguyện: “ sống Tết, chết Giỗ”.
Bước vào thời cận – hiện đại, trong cách mạng tháng Tám 1945, con cháu dòng họ Hoàng tích cực tham gia cách mạng, đấu tranh giành độc lập dân tộc với việc tham gia các tổ chức của Việt Minh, cùng toàn dân tham gia phong trào phá kho thóc Nhật, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong cả nước.
Trong thời kỳ chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dòng họ đã động viên tiễn đưa hàng trăm con em lên đường chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Con cháu họ Hoàng cùng nhân dân làng Trâm Khê đã đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Các gia đình đã bỏ tiền, bỏ gạo nuôi Vệ Quốc đoàn, tham gia tích cực các phong trào chống càn quét, đặc biệt là chống trận càn Cờ-lốt (Cloche).
Kết thúc hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cho hai bà mẹ Việt Nam anh hùng, 16 Anh hùng liệt sĩ và một Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Trong thời kỳ Đổi mới hiện nay, con em dòng họ, đã phát huy truyền thống tổ tiên, học rộng đỗ cao, nhiều con em trong dòng họ đã thành đạt trên mọi lĩnh vực. Có nhiều tấm gương về làm ăn kinh tế giỏi, nuôi dạy con ngoan, thành đạt, quỹ khuyến học của dòng họ ngày một dày thêm. Tính đến cuối năm 2011 dòng họ đã có:
73 người có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có 2 người là Tiến sĩ và 5 người là Thạc sĩ.
5 người là Tỉnh ủy viên.
8 người là bác sỹ, trong đó có 1 người có trình độ Thạc sĩ.
6 người mang hàm Thiếu tá đến Đại tá.
5 người là Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị…
Mọi sự đóng góp với xã hội được Nhà nước, nhân dân địa phương công nhận. Dòng họ là một cộng đồng làng xã có tính cố kết cao và cùng phát triển vì mục tiêu chung. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sau gần 30 năm đất nước đổi mới, nhân dân cả nói chung và nhân dân làng xã nói riêng đã có nhiều chuyển biến đi lên, nhà nhà no đủ, xóm làng khang trang, cuộc sống thanh bình hạnh phúc. Đó cũng chính là mong ước của mọi người dân trên vùng đất Tiên Lãng, Hải Phòng, trong đó có con cháu của dòng họ Hoàng gốc Mạc.
Tiểu kết chương 3
Qua quá trình tìm hiểu ta thấy được công lao đóng góp của dòng họ Hoàng đối với mảnh đất Tiên Lãng nói chung và đối với dân tộc nói riêng. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, dòng họ vẫn đứng vững và giữ được vị thế của mình trong lòng dân tộc. Dòng họ luôn là tấm gương sáng về tinh thần phấn đấu, rèn luyện đạo đức và học tập để làm giàu cho quê hương đất nước.
Dòng họ Hoàng (gốc Mạc) là một trong những lực lượng tiên phong cho sự phát triển kinh tế ở địa phương. Phát triển kinh tế là điều kiện tiên quyết để giữ vững ổn định chính trị. Đó là nhiệm vụ giữ nước của mọi cá nhân, mọi dòng họ trong bối cảnh lịch sử mới. Qua đó góp phần vào công cuộc đẩy nhanh quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội của đất nước.
Những công lao đóng góp ấy cũng chính là phần thưởng cho dòng họ, bởi con cháu họ luôn nhớ đến lời dạy của tổ tiên. Dù đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng những cá nhân trong họ Hoàng vẫn luôn giữ được nếp nhà và làm rạng danh một dòng họ có nguồn gốc Đế vương.
KẾT LUẬN
Dòng họ là một hiện tượng lịch sử – văn hóa mang tính phổ quát, xuất hiện từ lâu trong lịch sử nhân loại và tồn tại ở mọi nền văn hóa. Nó ra đời là cả một quá trình lâu dài, trải qua quá trình sinh sống đơn lẻ đến tập trung và tụ cư thành một khu vực nhất định. Theo nghiên cứu, đến nay có khoảng trên 300 dòng họ chính thức. Tổ tiên ta đã dày công vun đắp truyền thống đạo lý làm người, mà Hiếu Kính luôn đặt lên làm đầu (hiếu vì tiên). “Hiếu trong nhà “ rồi mới “Trung với nước”. Chữ Hiếu là gốc rễ của lòng yêu nước, của đạo lý làm người. Có thương yêu bố mẹ, ông bà, người thân, thì mới dẫn đến lòng yêu quê hương, đất nước. Người ta lấy Trung Hiếu để giữ trọn thân danh, lưu dài ơn phước. Giáo dục các thế hệ kế tục đạo làm người, tôn vinh công đức của tổ tiên, cha ông, phát huy truyền thống cha ông là trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với con cháu đời sau.
Bị đô hộ dưới chế độ phong kiến phương Bắc cả ngàn năm, rồi một trăm năm chống Pháp – Mĩ khiến đất nước ta cạn kiệt. Việc kết nối giữa các dòng họ là việc cấp bách để góp phần xây dựng đất nước trên nhiều lĩnh vực. Lịch sử dân tộc luôn ghi nhận vai trò dòng họ là sức mạnh cho việc hình thành, phát triển dân tộc, chinh phục thiên nhiên, bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa đất nước đến bờ vinh quang. Đặc biệt, dòng họ là nơi xây dựng con người Việt Nam có một nền tảng văn hóa, có lòng yêu nước, có một nhân cách, một phong thái, một tính cách rất riêng, đặc thù trong dòng chảy của nhân loại.
Có thể nói, dòng họ cũng là “trường học” hình thành nên nhân cách mỗi cá nhân, gia đình và tập thể. Con người có gắn kết vào trong những quy ước chung mới có thể hành động theo nguyên tắc và vì tập thể. Tập thể cũng có quyền phán xét và đánh giá mỗi cá nhân thông qua những hoạt động riêng cũng như chung. Xuất phát từ mối quan hệ hai chiều ấy đã tạo ra mối liên quan chặt chẽ và rèn luyện, đào tạo nên những nhân cách tốt phục vụ xã hội.
Dòng họ Hoàng gốc Mạc đến mảnh đất Tiên Lãng trong một hoàn cảnh khó khăn. Vương triều xảy ra biến cố lật ngôi và con cháu họ phải lưu tán khắp nơi để tránh đi họa diệt vong. Vì lưu tán, vì chiến tranh nhưng không vì vậy mà dòng họ bị mất đi những con người anh minh, tài giỏi. Từ biến cố ban đầu, dòng họ Mạc Việt Nam – một dòng họ Đế vương đã không chịu khuất phục trước khó khăn, không chịu sự diệt vong mà lịch sử đã tạo ra. Bản thân những con người anh minh và tài giỏi xuất chúng ấy đã tìm đến dân gian để nương náu. Bờ bến dân gian là cái nôi nuôi dưỡng dòng họ Mạc trong lúc sa cơ. Dòng họ Mạc từ đây đã phân tán và thay tên đổi họ thành nhiều dòng họ khác nhau. Cụ Mạc Phúc Độ đã chọn Trâm Khê, Tiên Lãng làm nơi để nương náu. Đến đây, ông đã đổi thành họ Hoàng và bắt đầu sinh cơ lập nghiệp nơi này. Dòng họ Hoàng ngày càng phát triển và trở nên phồn thịnh. Lớp lớp con cháu sinh tồn trên mảnh đất này và có nhiều đóng góp vào sự phát triển phồn thịnh của quê hương nơi đây.
Dòng họ Hoàng trên mảnh đất Tiên Lãng là một dòng họ có truyền thống lịch sử và văn hóa.
Truyền thống lịch sử người Việt Nam luôn đề cao các quan hệ gia đình, họ hàng, dòng tộc. Ðiều này thể hiện qua câu tục ngữ “một giọt máu đào hơn ao nước lã” mà qua bao đời mọi người đều đã thuộc nằm lòng, coi đó là nguyên tắc ứng xử cần được tôn trọng. Xuất phát từ quan điểm đó mà bất cứ ai sinh ra trong một dòng họ, mang trong mình trách nhiệm lãnh đạo dòng họ cũng phải lưu giữ cho mình những hiểu biết về truyền thống dòng họ nhất định và bản thân họ phải nắm vững được lịch sử phát triển của dòng họ mình để truyền lại cho con cháu.
Truyền thống văn hóa: mỗi họ tuy nghề nghiệp có khác nhau, nhưng phần lớn sống dựa vào ruộng đất, một số ít làm nghề thủ công, nhưng cả họ đều gắn bó với nhau và noi gương một số gia đình nho học, những gia đình nho học này không những có uy tín trong họ, trong làng mà thường vượt ra khỏi phạm vi làng. Người đỗ đạt cao nhất họ hoặc một nhà nho có uy tín trong vùng thường là chỗ dựa và là niềm tự hào của dòng tộc. Hàng năm, vào những ngày giỗ chạp họ, con cháu nội ngoại từ khắp nơi hội tụ về Từ đường để tưởng nhớ vong linh ông bà tổ tiên, đọc cho nhau nghe tộc phổ, nhắc nhở con cháu mối quan hệ thiêng liêng gắn bó họ hàng, chọn nêu gia đình tiêu biểu nhất làm tấm gương về nhân cách, đạo đức cho dòng họ noi theo. Do vậy, vấn đề quan tâm nhất của dòng họ không phải là kinh tế mà chính là ở tư cách đạo đức và học vấn. Các thành viên trong các gia đình tiêu biểu của dòng họ đều ý thức mình phải sống mẫu mực, bởi vì dòng họ, làng xã đều chú ý đến gia đình mình. Mỗi việc làm của họ hoặc mang lại niềm vinh hạnh cho cả dòng tộc, cả làng xã hoặc ngược lại. Chính vì thế truyền thống văn hóa của dòng họ phải luôn luôn được gìn giữ và mọi thành viên phải nhớ câu tục ngữ “giấy rách phải giữ lấy lề”. Dù dòng họ nào, nếp gia phong thời phong kiến cũng quan niệm cá nhân là một thành viên của những tổ chức hình vòng tròn đồng tâm: gia đình, họ hàng, làng xã, đất nước. Bản chất của sự cấu kết này là sự hình thành tư tưởng cộng đồng, yêu thương đoàn kết, đùm bọc, hòa hợp với nhau, gắn kết giữa cá nhân và tập thể, giữa cái riêng và chung.
Trải qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, ta có thể đúc kết lại những nét tiêu biểu trong dòng họ Hoàng ở Tiên lãng, Hải Phòng với các điểm sau:
Thứ nhất: dòng họ Mạc là một dòng họ Đế vương và có từ lâu đời. Tuy nhiên truyền thống dòng họ Mạc đến đất Tiên Lãng đã bị mai một đi nhiều, chỉ còn lại chút ít những dấu vết cổ xưa. Từ biến cố trong lịch sử đã chuyển họ Mạc thành họ Hoàng nên những giá trị phần lớn được làm mới. Vì vậy, tính đến nay, lịch sử dòng họ Hoàng trên mảnh đất Tiên Lãng chỉ khoảng vài trăm năm. Điều này chứng tỏ dòng họ sẽ có nhiều bước phát triển nhanh và mạnh hơn nữa trong những năm tới.
Thứ hai: Nét nổi bật trong dòng họ Hoàng ở Trâm Khê được mọi người biết đến là truyền thống hiếu học của dòng họ. Phát huy truyền thống khoa bảng của tổ tiên, ngày nay, các lớp cháu con của dòng họ luôn ra sức phấn đấu học tập, rèn đức luyện tài vì ngày mai lập nghiệp. Mặc dù được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê còn nghèo khó, sống trong những gia đình nghèo thuần nông, quanh năm suốt tháng chỉ lo đủ bữa cơm đạm bạc, nhưng dòng họ Hoàng đã sản sinh ra những người con ưu tú. Có những gia đình có tới 2, 3 người con vào Đại học, điển hình như gia đình ông Hoàng Giang Hốt, gia đình bác Hoàng Văn Hùng, gia đình bác Hoàng Văn Đoàn, gia đình bác Hoàng Tiến San… Đó quả thật là những phần thưởng vinh dự đáng quý mà xã hội đã ghi nhận với con cháu dòng họ Hoàng. Bởi vậy, đây là dòng họ có ý thức rất rõ rệt trong việc động viên khuyến khích con cháu học tập. Nhiều quỹ khuyến học được thành lập và đã mang lại hiệu quả lớn.
Thứ ba: Mảnh đất Tiên Lãng trù phú, phì nhiêu và gần biển đã tạo điều kiện cho cư dân làm ăn sinh sống. Môi trường biển tạo nên những con người mang tính cách phóng khoáng và gan dạ. Chính điều này đã thúc đẩy con cháu họ Hoàng vươn ra ngoài làm ăn và họ đã đạt được nhiều thành công nhất định. Họ Hoàng sử dụng công cụ là học tập để nhanh chóng tiếp thu những tri thức mới, phục vụ cho chính bản thân, gia đình, dòng tộc và xã hội.
Thứ tư: Dòng họ Hoàng gốc Mạc không chỉ được biết đến với truyền thống hiếu học mà còn được biết đến với tinh thần đấu tranh cách mạng qua các thời kỳ. Trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc, đã làm cho con cháu họ Hoàng trưởng thành rất nhiều trong tư tưởng. Đó là tấm lòng kiên trung với cách mạng trong việc nuôi dưỡng cán bộ và hăng hái tham gia chiến đấu. Tinh thần ấy đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao. Theo tổng kết sơ bộ ở địa phương, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới, dòng họ Hoàng đã có khoảng 35 người tham gia. Trong đó có 11 đồng chí đã hi sinh vì Tổ quốc. Có những người con đã trở về nhưng mang trong mình thương tật, vẫn vượt lên tất cả để miệt mài học tập, tiếp tục cống hiến tài năng và nhiệt huyết cho dòng họ, cho quê hương, đất nước. Tấm gương tiêu biểu nhất là bác Hoàng Sơn Hiền, một trong những người con ưu tú của dòng họ.
Có thể nói, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đều có sự góp mặt của từng thành viên con cháu họ Hoàng.
Thứ năm: họ Hoàng đến mảnh đất Tiên Lãng mang theo chút ít phong cách của một dòng họ Đế vương. Tuy nhiên, trải qua quá trình cùng sinh sống, những nét văn hóa dân gian đã thâm nhập và tưới mát, dung hòa chúng. Những nét văn hóa tiêu biểu của con người Việt luôn được đề cao như truyền thống thờ cúng tổ tiên, truyền thống hiếu học, truyền thống gia phong của dòng họ và các nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng, những giá trị vật thể như bia ký, gia phả, từ đường, lăng mộ…và các giá trị phi vật thể như bề dày truyền thống của dòng họ, quy ước dòng họ, việc thờ cúng tổ tiên và nghi lễ, mối quan hệ giữa các thành viên nội tộc, mối quan hệ với xã hội, vai trò và vị trí của dòng họ đối với sự phát triển của địa phương hoặc đối với đất nước… Một dòng họ có văn hóa là dòng họ đó được xây dựng dựa trên cơ sở những hành vi văn hóa vừa kế thừa chọn lọc các giá trị cổ truyền, vừa quy nạp thêm các giá trị mới mang tính nhân bản, tiến bộ để nâng cao phong thái và nhân cách con người Việt Nam. Ở đây, văn hóa họ Hoàng gốc Mạc có sự giao thoa và học hỏi. Chính điều đó đã tạo nên sự phong phú trong tâm hồn mỗi thành viên trong dòng họ. Từ đó tạo tiền đề vững chắc cho các thế hệ sau tiếp tục giữ gìn nếp khói hương thành kính với tổ tiên và luôn coi trọng các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Chính truyền thống dòng họ người Việt mang đậm chất nhân văn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước cổ truyền với ý thức sâu sắc về cội nguồn đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần vô giá. Nó làm thức dậy lòng kiêu hãnh tự hào, đốt cháy niềm phấn khích đam mê, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để con cháu bứt phá vươn lên trở thành người tài đức song toàn nối nghiệp tổ tông, sáng danh dòng tộc, vinh hiển quốc gia. Qua đó sản sinh ra những tài năng, giáo dục nhân phẩm, cổ vũ tinh thần để góp phần phát triển những nhân tài, định hình nhân cách lớn cho nền văn hiến dân tộc. Có thể nói, truyền thống dòng họ Hoàng ở Tiên Lãng đã góp phần nhỏ vào việc tạo dựng và nuôi dưỡng bản sắc văn hóa Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh (1950), Việt Nam văn hóa sử cương, NXB Bốn phương.
2. Đào Duy Anh (1994), Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Thuận Hóa – Huế.
3. Toan Ánh (1994), Nếp cũ, Làng xóm Việt Nam, Nxb Tp. HCM.
4. Ban Chấp Hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Tiên Lãng
(2000), Lịch sử Đảng bộ nhân dân huyện Tiên Lãng, NXB Văn hóa.
5. Ban Chấp Hành Đảng bộ (2004), Lịch sử Đảng bộ xã Đại Thắng, NXB
Văn hóa.
6. Ban liên lạc họ Mạc: Hợp biên thế phả họ Mạc, nxb Văn hóa dộc tộc,
Hà Nội – 2007.
7. Bùi Hạnh Cẩn (2002), Trạng Nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin.
8. Pham Huy Chú (2002), Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1 – Dư địa chí – Nhân vật chí – quan chức chí, NXB Khoa học xã hội.
9. Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2002), Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên.
10. Phương Đình, Nguyễn Văn Siêu (1992), Đại Việt địa dư toàn biên, NXB Thanh niên.
11. Trần Hồng Đức (2002), Các vị trạng Nguyên, bảng Nhãn, thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử, NXB Văn hóa thông tin.
12. Trần Văn Giáp (1972), Lược truyện các tác gia Việt Nam, NXb Khoa học xã hội.
13. Trần Văn Giàu (1980), Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
14. Gia phả dòng họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng.
15. Võ Hồng Hải (2012), Di sản văn hóa dòng họ và vấn đề nghiên cứu danh nhân văn hóa, phát triển nhân tài hiện nay, NXB Văn hóa.
16. Lê Mậu Hãn chủ biên (2001), Đại cương Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục.
17. Phạm Thị Hằng (2000), Bước đầu tìm hiểu về dòng họ Nguyễn Hiền ở thôn Dương A, xã Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định.
18. Diệp Đình Hoa (1990), Tìm hiểu làng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
19. Hiệp hội UNESCO Việt Nam (1996), Câu lạc bộ thông tin các dòng họ: Tập kỷ yếu hội thảo Đại hội lần thứ hai (12 – 4 – 1998), Hà Nội.
20. Vũ Ngọc Khánh (2004), Làng cổ truyền Việt Nam, NXB Thanh Niên.
21. Vũ Văn Khiêu (1992), Đất lề quê thói, NXb Đồng Tháp, Hồ Chí Minh.
22. Trần Trọng Kim (2001), Việt Nam sử lược, NXB Đà Nẵng.
23. Lê Văn Lan, Nhìn lại việc nghiên cứu cội nguồn dân tộc, NCLS số 3 – 1981.
24. Hoàng Lê (chủ biên), Gương sáng dòng họ, tập 1, nxb Lao động, Hà
Nội – 2002.
25. Hoàng Lê (chủ biên), Gương sáng dòng họ, tập 2, nxb Lao động, Hà
Nội – 2004.
26. Hoàng Lê (chủ biên), Gương sáng dòng họ, tập 3, nxb Lao động, Hà
Nội – 2007.
27. Phan Huy Lê (1990), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội.
28. Ngô Cao Lãng (1975), Lịch triều tạp kỷ, tập 2, NXB KHoa học xã hội.
29. Nguyễn Xuân Lân (1967), Uống nước nhớ nguồn, Ty thông tin Vĩnh Phúc.
30. Ngô Sỹ Liên (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội.
31. Phan Đăng Nhật: Nhà Mạc và họ Mạc: Ý chí và mục tiêu chiến lược,
Nxb Dân Trí, Hà Nội – 2011.
32. Bùi Văn Nguyên (1996), Việt Nam và cội nguồn trăm họ, NXB Khoa học xã hội.
33. Nhiều tác giả (2005), Làng Việt Nam nổi tiếng, NXB Thanh Niên.
34. Nhiều tác giả (1978), Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, NXB Khoa học xã hội.
35. Thạch Phương, Lê Trung Vũ (1995), 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, NXB Khoa học xã hội.
36. Quốc sử quán nhà Nguyễn (1975), Khâm định Việt sử thông giám cương mục – chính biên , Viện sử học, NXB Giáo dục
37. Quốc sử quán nhà Nguyễn (1969), Đại Nam nhất thống chí, NXB Khoa học xã hội
38. Quốc sử quán nhà Nguyễn (1975), Đại Nam thực lục chính biên, NXB Khoa học xã hội
39. Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Cảnh Minh (1999), Lịch sử địa phương, NXB Giáo dục.
40. Phạm Côn Sơn (1999), Tinh thần gia tộc, dã sử và ngoại phả”, NXB Văn hóa dân tộc.
41. Trần Từ (1984), Cơ cấu tổ chức làng Việt cổ truyền Bắc Bộ, Nxb. Khoa học xã hội.
42. Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế (1991), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Khoa học xã hội.
43. Nhất Thanh, Vũ Văn Khiếu (2005), Phong tục làng xóm Việt Nam, NXB Phương Đông.
44. Dương Thị The, Phạm Thị Thoa (1993), Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XX, NXB Văn hóa thông tin.
45. Trần Ngọc Thêm (1997), Tìm hiểu bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Thanh Niên.
46. Bùi Thiết (1996), Địa danh văn hóa Việt Nam, NXB Thanh niên.
47. Thái Hồng Thịnh (1999), Dòng họ, NXB Thanh niên.
48. Ngô Đức Thọ chủ biên (1993), Các nhà khoa bảng Việt Nam, NXB Văn học.
49. Ngô Đức Thọ chủ biên (1993), Từ điển di tích văn hóa Việt Nam gia phả Lam, NXB Khoa học xã hội.
50. Lý Thị Thu (2007), Tìm hiểu về dòng họ Hà ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ 1945 đến nay, Luận văn thạc sĩ KHLS, ĐHSPHN.
51. Phan Đăng Thuận: Họ Mạc ở Nghệ An, Tạp chí Thông tin khoa học
– công nghệ Nghệ An số 5/2007
52. Phan Đăng Thuận: Bác Hồ với họ Mạc ở xã Minh Tâm (Cao Bằng),
Tạp chí Thông tin khoa học – công nghệ Nghệ An số 4/2010
53. Trần Ngọc Uyển (2009), Lịch sử – văn hóa dòng họ Đàm Thận ở Hương Mạc – Từ Sơn – Bắc Ninh từ thế kỷ XV đến nay, Luận văn thạc sĩ khoa học lịch sử, Hà Nội.
54. Đỗ Tuấn Văn ( 2001), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Tạp chí Tâm lý học số 2.
55. Đinh Xuân Vinh (1992), Sổ tay địa danh Việt Nam, NXB Văn hóa.
56. Trần Thị Vinh. Phương thức tuyển dụng quan lại cho bộ máy chính quyền Nhà nước thời Lý (1010 – 1225). Tạp chí NCLS số 9 và số 10, 2008.
57. Viện sử học (1978), Nông thôn việt Nam trong lịch sử, NXB KHXH.
Nguồn tư liệu điền dã
58. Ông Hoàng Giang Hốt, đội 11, Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng
59. Ông Hoàng Văn Đó, đội 8, Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng
60. Ông Hoàng Văn Đựng, nguyên Chủ tịch Công đoàn phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Lãng
61. Ông Hoàng Tiến San, đội 09, Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng
62. Ông Hoàng Văn Bão, đội 11, Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng
63. Ông Hoàng Văn Toan, Tộc trưởng họ Hoàng ở thôn Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng
64. Ông Hoàng Văn Kể, Nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng
65. Ông Hoàng Sơn Hiền, Nguyên Chánh Thanh tra Sở Du lịch Thành phố Hải Phòng
66. Ông Hoàng Văn Hênh, Nguyên Thư ký Thành ủy Hải Phòng
Sách địa phương
67. Gia phả khôi phục lại của dòng họ Hoàng ở thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng.
68. Vương triều Mạc – Ban quản lý di tích khu tưởng niệm Vương triều Mạc.
Trang web:
– vi.wikipedia.org/wiki/Mac_Đang_Dung.
– hohoanghuynhvietnam.vn/news
– http:// sites.gooogle.com
– vi.wikipedia.org/wiki/thao_luan: Hoang
PHỤ LỤC
– CHÚC VĂN TƯỞNG NIỆM ĐỆ NHẤT CAO THƯỢNG TỔ MẠC PHÚC ĐỘ.
– MỘT CÔNG TRÌNH ĐẸP, MỘT THIÊN SỬ VÀNG.
– BÀI XƯỚNG TẾ TỔ.
– SỚ CÚNG TỔ TIÊN.
– BÀI THƠ CÚNG THÀNH HOÀNG.
– MỘT SỐ TRANH ẢNH VỀ VƯƠNG TRIỀU MẠC VÀ
HỌ HOÀNG GỐC MẠC Ở LÀNG TRÂM KHÊ – ĐẠI THẮNG – TIÊN LÃNG – HẢI PHÒNG.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.