- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 19643
- Tổng truy cập: 3,370,748
BÁC PHẠM VĂN ĐỒNG VỚI VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG 761
- 227 lượt xem
BÁC PHẠM VĂN ĐỒNG VỚI VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
GS. TSKH Phan Đăng Nhật
(Báo cáo tại Hội nghị kỷ niệm 108 ngày sinh cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, tại Quảng Ngãi)
“Quá khứ làm nên hiện tại và hiện tại cùng quá khứ làm nên tương lai với cái vốn giàu có nhất, quý báu nhất của một dân tộc, một chế độ” (Phạm Văn Đồng)
|
|
MỞ ĐẦU
1.Giới thuyết thuật ngữ “văn hóa”
Có nhà khoa học đã thống kê được hàng mấy trăm định nghĩa về văn hóa. Bác Phạm Văn Đồng có định nghiã riêng. Chúng tôi thấy bác định nghĩa chủ yếu theo hai góc nhìn , về nội dung và về vai trò của văn hóa.
Về nội dung, bác nhấn mạnh phần tinh thần, tư tưởng của văn hóa:
“ …Văn hóa với ý nghĩa bao quát và cao đẹp nhất của nó, bao gồm cả một hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức và phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sức nhạy cảm cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ và bản sắc của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu để tự bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh…” [1]
Mặt khác , bác rất coi trọng vai trò , ý nghĩa của văn hóa:
“Văn hóa là cội nguồn của sức mạnh và tài năng làm nên chiến thắng. Nó là đôi cánh giúp con người vươn lên ngang tầm với mọi hiểm họa và nguy cơ. Nó là phép mầu nhiệm biến một câu nói hầu như là trò đùa “chấu chấu đá voi” trở thành hiện thực trong mùa xuân đại thắng 1975, hoàn thành cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc”[2]
2. Giới hạn
Sau đây chúng tôi xin phép khảo biện về luận thuyết của bác Phạm Văn Đồng riêng trong phạm vi [3]về văn hóa truyền thống (VHTT), qua các nội dung chính: những phạm vi được nhấn mạnh, vai trò của VHTT, phương pháp tiếp cận, con người nhân ái bao la.
TRIỂN KHAI
1.Những phạm vi VHTT được nhấn mạnh
Mấy thập kỷ trước , vào thời tiền Nghị quyết hội nghị VIII, VHTT được nhận thức hẹp, thường chỉ gồm văn học và nghệ thuật. Bác Phạm Văn Đồng đã khẳng định thêm quan niệm mở rộng VHTT ra nhiều phạm vi mới : tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hương ước, môi trường sống của VHTT; mặt khác , bên cạnh văn học bác học, bác đề cao đúng mực văn học dân gian
-Tín ngưỡng thờ tổ tiên
Tín ngưỡng thờ cúng ít được các đồng chí cấp cao nói đến, trong số đó chắc có vị giữ thái độ “kính nhi viễn chi” (Khổng tử). Bác Phạm Văn Đồng đã chỉ ra ý nghĩa sâu xa của việc thờ cúng gia tiên tiền tổ của người Việt và coi sinh hoạt này gần gũi với tôn giáo:
“Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam ta không có tôn giáo theo nghĩa thông thường của các nước khác. Còn nói tôn giáo là thờ cúng, thì mọi người đều thờ cúng ông bà, mỗi họ đều thờ cúng tổ tiên, làng thì thờ cúng thành hoàng và các bậc anh hùng cứu nước, các tổ phụ ngành nghề, các danh nhân văn hóa. Từ góc độ văn hóa , tôi thấy đây là một đặc trưng đáng trọng của con người Việt Nam, ở chỗ nó là sự tưởng nhớ những người có công trong việc tạo lập cuộc sống ngày nay cho mọi gia đình và làng xóm” [4]
-Hương ước
Chúng ta có một kho tàng luật lệ “tiền” Nhà nước, đó là hương ước (ở các dân tộc thiểu số là luật tục). Đặc điểm cơ bản của nó là tính dân chủ sơ khại. Một số người nhấn mạnh mặt xấu của lệ làng, cho là vô tổ chức, gây rối. Bác Phạm Văn Đồng chỉ ra “đạo lý chân chính của nó”, “là một dạng dân chủ”:
“Lúc bấy giờ câu nói “Phép vua thua lệ làng” có cái đạo lý chân chính của nó, chừng nào thể hiện một dạng dân chủ , mà phải biết nhìn với con mắt lịch sử mới thấy hết ý nghĩa độc đáo” [5]
Bác còn chỉ ra phương pháp tiếp cận, “con mắt lịch sử”. Đúng như vậy phải biết thực trạng của người nông dân/làng vào thời đại mà vua/phép vua còn thống trị, mới thấy hết “đạo lý ” của lệ làng. Là một trong những chuyên gia về luật tục-hương ước, trước đây tôi đã viết một bài về “Phép vua thua lệ làng” đăng ở báo Pháp luật. Nay nghiên cứu ý của Bác, thấy bài mình chưa đủ độ sâu, và được mở ra nhiều ý mới.
Bác Phạm Văn Đồng của chúng ta, một trí tuệ thật kỳ diệu.
-Môi trường sống của VHTT: ba cột trụ
Mọi hiện tượng xã hội đều sinh ra và phát triển trong một môi trường xã hội nhất định, mà ở nước ta là: nhà, làng, nước và được bác Phạm Văn Đồng đánh giá rất cao và nhắc lại nhiều lần. Để khẳng định khả năng chống đỡ và sức trường tồn của chúng, Bác gọi đó là
ba cột trụ
“Xã hội ta mang dấu ấn bền vững của ba cái cột trụ mà phần trên đã nói là: gia đình (nhà), làng và nước” [6]
Ba cột trụ đó chống đỡ và bảo vệ cái gì ? Đó là tính cộng đồng và tính nhân văn Việt Nam:
“Đi sâu nghiên cứu ta thấy nổi bật hai điểm : một là , tính cộng đồng bao gồm ba cái trục : gia đình (nhà), làng và nước; hai là xu hướng nhân văn hướng về con người” [7]
Điều đặc biệt quan trọng là : “sức mạnh tổng hợp của nó có liên quan mật thiết đến sự tồn tại và hưng thịnh của dân tộc”:
“Trở lại hệ thống gia đình (nhà), làng và nước, chúng ta phải thấy mối quan hệ hữu cơ, sự gắn bó ngược xuôi giữa ba cơ cấu chính trị xã hội mà sức mạnh tổng hợp của nó có liên quan mật thiết đến sự tồn tại và hưng thịnh của dân tộc…Ôn cũ biết mới, tôi muốn nhấn mạnh chân lý lịch sử nói trên để chúng ta suy ngẫm về tình hình hiện nay mà chúng tôi đang có cơ hội nói tới” . [8]
Như vậy để giữ nước chúng ta phải củng cố nhà và làng. Thế mà có một lúc chúng ta theo ý của người khác, đã ra sức tàn phá văn hóa làng xã và văn hóa gia đình, gây nên những “sai lầm nghiêm trọng”.
-Văn học dân gian và văn học bác học
Bên cạnh văn học bác học Bác rất đề cao văn học dân gian:
“Đây là những hoài bão trong sáng và đẹp đẽ, những khao khát của cả cộng đồng và từng người Việt Nam ta. Tổ tiên ta diễn đạt những hoài bão và ước mơ này dưới nhiều dạng trong văn học dân gian biết bao phong phú và mãi mãi tươi đẹp; cũng như trong văn học bác học với những tác phẩm mà cho đến ngày nay chúng ta không hết ngạc nhiên về tầm cao và chiều sâu cũng như giá trị nghệ thuật của nó”[9]
[10]“Tôi xin lấy một câu ca dao làm ví dụ:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Và lấy một câu nữa trong Kiều:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
Đó là những câu rất hay, là hai hòn ngọc. Một hòn ngọc hãy còn mộc mạc củaa dân gian, và một hòn ngọc đã qua tay người thợ thiên tài” 9
Bác luôn cọi trọng văn học dân gian , nhưng với tinh thần có mức độ, coi đó là những hòn ngọc quý mà còn mộc mạc; so với văn hóa bác học “đã qua tay người thợ thiên tài” . Giới nghiên cứu khoa học xã hội đã thảo luận khá nhiều để phân biệt văn hóa dân gian và văn hóa bác học, đều cho đây là một việc rất khó. Có nhà khoa học đưa ra một tiêu chí “phạm quy”, bị nhiều người phản đối, cho rằng xấu kém là dân gian, tốt đẹp là bác học (?).
Bác Phạm Văn Đồng đã có sự phân biệt riêng đơn giản mà khá thuyết phục: mộc mạc và trau chuốt.
2.Vai trò của VHTT
-VHTT phản ánh lịch sử
Vấn đề mối quan hệ giữa VHTT và thực tiễn lịch sử xã hội từ muôn thuở đã tồn bao nhiêu giấy bút để bàn luận và nhiều lý thuyết đã được đặt ra:
-“Văn chương tự cổ vô bằng cứ”
-“Văn dĩ tải đạo”
-“Phong dao lại gọi là sử vì muốn nhân phong dao của dân mà biết sử sách của nước vậy” (Nguyễn Văn Mại)
Qua thể loại truyền thuyết bác Phạm Văn Đồng cho rằng VHTT có chứa đựng lịch sử xã hội nhưng không phải dưới dạng trần trụi như văn chương chính luận, mà dưới một hình thức nghệ thuật giàu sự tưởng tượng. Các nhà lý luận văn học gọi đây là phương pháp phản ánh hiện thực bằng hư cấu.
“Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác phẩm văn hóa mà đời đời con người ưa thích” [11]
Sau đó một lần nữa bác nhắc lại lý thuyết trên:
“Nhớ lại thời Vua Hùng với những truyền thuyết có tính thần thoại của nó, như ”Bọc trăm trứng” “Sơn tinh-Thủy tinh” “Thánh Gióng, ” tôi càng thấy giá trị văn hóa của những truyền thuyết đó. Trước đây tôi có một câu mà hôm nay tôi muốn nhắc lại: thần thoại có khi giàu tính lịch sử, bởi nó là tính lịch sử thông qua tính thơ mộng cua dân gian. Ngày nay , dân ta còn giữ đền thờ và hàng năm nô nức vui mừng tổ chức ngày giỗ Vua Hùng, ngày hội Thánh Gióng”[12]
Khẳng định các truyền thuyết thời vua Hùng có tính lịch sử là khẳng định một vấn đề rất lớn: thời kỳ Hùng Vương tồn tại thực sự trong lịch sử nước nhà. Nhưng không nên đồng nhất truyền thuyết với lịch sử, vì truyền thuyết có tính thần thoại, “được chăp đôi cánh của sức tưởng tượng”. Vậy không thể hiểu cứng nhắc là có thực bọc trăm trứng, là Thánh Gióng thực sự cưỡi ngựa sắt bay về trời.
-VHTT đối với hiên tại và tương lai
Bác Phạm Văn Đồng có một cái nhìn sâu sắc , biện chứng, rằng VHTT của ba thời kỳ, quá khứ, hiện tại và tương lai vận động gắn kết xoắn xít với nhau.
Trước hết là quá khứ -hiện tại, diễn tiến mạnh mẽ, sức chiến đấu được chuyển đến từ quá khứ “quá khứ đứng lên”, “truyền lại ý chí kiên cường bất khuất của tổ tiên cho hiện tại-người đang chiến đấu”
“ Ở đây tôi cần nhấn mạnh rằng thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến là thắng lợi của trí tuệ thông minh và tài năng sáng tạo….cả quá khứ đứng lên với những di sản và truyền thống hào hùng, truyền lại cho người đang chiến đấu ý chí kiên cường bất khuất của tổ tiên” [13]
Tiếp đến là mối quan hệ quá khứ- hiện tại- tương lai. Truyền thống hào hùng- quá khứ , truyền đến hiện tại, rồi cả quá khứ và hiện tại-đã được nhân lên, gộp lạị đẩy đến tương lai. Một sự chuyển động mạnh mẽ hùng tráng-một phát hiện rất mới lạ.
“Quá trình lịch sử Việt Nam nhìn tổng quát là quá trình phát triển những giá trị văn hoá, thành tựu vĩ đại nhất của dân tộc ta. Quá khứ làm nên hiện tại và hiện tại cùng quá khứ làm nên tương lai với cái vốn giàu có nhất, quý báu nhất của một dân tộc, một chế độ” [14]
Quy luật trên được cụ thể hóa bẳng thực tế cách mạng từ năm 30 của thế kỷ 20:
“Những thập kỷ vừa qua, có thể kể từ nhưng năm 30 của thế kỷ này, tuy thời gian rất ngăn so với cả lịch sử của dân tộc, song nó tràn đầy những giá trị văn hoa mới của thời đại, làm giàu thêm bản lĩnh và truyền thống quý báu của dân tộc, không chỉ góp phần làm nên những chiến thắng lạ lùng với nhiều ý nghĩa lịch sử đã được nhấn mạnh trên đây, mà còn tạo cơ hội và môi trường để nền văn hóa của dân tộc tiếp tục được giữ vững, thừa kế, phát triển và nâng cao, nhằm những phương hướng lớn mang dấu ấn của thời đại là độc lập dân tộc và định hướng XHCN” [15]
Tuy nhiên, không phải chỉ một chiều quá khứ -hiện tại- tương lai, mà còn có ảnh hưởng ngược lại: từ hiện tại quay về quá khứ với sự hiểu biết và kinh nghiệm của hiện tại
“Chúng ta thường nói: ôn cũ biết mới. Phải nói thêm: từ mới hiểu cũ” [16]
Và tất cả sự vận hành đa dạng, đa phương trên nhằm đến một mục tiêu, có thể nói là một viễn cảnh: “Làm cho đời sống xã hội của đất nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng dần dần trở nên trong sạch và lành mạnh, dần dần tốt đẹp và văn minh”:
“Trên đây tôi nhắc lại rất vắn tắt một vài suy nghĩ về văn học dân gian và văn học bác học ở nước ta, coi đó là di sản và truyền thống mà ngày nay chúng ta rất cần, là của quý có thể làm cho đời sống xã hội của đất nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng dần dần trở nên trong sạch và lành mạnh, dần dần tốt dẹp và văn minh”[17]
Được như vậy quả là khó khăn, phải thật kiên trì. Có lẽ Đảng viên và cán bộ liên tục sống và làm việc như thủ tướng Phạm Văn Đồng trong nhiều thập kỷ thì xã hội của đất nước ta sẽ trở lại “trong sạch và lành mạnh”, “tốt đẹp và văn minh”.
SƠ ĐỒ VỀ SỰ VẬN ĐỘNG CỦA VHTT TRONG THỜI GIAN
3. Phương pháp tiếp cận (cách nhìn và tầm nhìn) tổng thể, biện chứng và hệ thống.
Để có những phát hiện độc đáo như đã trịnh bày ở trên, bác Pham Văn Đồng đã vận dựng một phương pháp tiếp cận –mà bác gọi là cách nhìn, tầm nhìn-tổng thể, biện chứng và hệ thống, và bác cũng khuyên chúng ta vân dụng cách nhìn như trên:
“Đó là cách nhìn và tầm nhìn có tính văn hóa, thấy thời và thế, biết vận dụng thời để tăng cường thế và biết vận dụng thế để tạo thêm thời. Trong lịch sử nước ta, xa xưa cũng như gần đây , dân tộc Việt Nam ta đã gặp nhiều thời điểm như vậy”[18]
“Phải có cách nhìn và tầm nhìn xuyên qua lịch sử, lịch sử nước ta và lịch sử thế giới, vượt qua không gian, từ nước ta nhìn ra thời đại đang diễn ra cao trào cách mạng sau thắng lợi của Liên Xô…” [19]
4.Mối quan hệ giữa con người ( thiện tâm, nhân hậu , thủy chung) và luận thuyết khoa học của bác Phạm Văn Đồng.
-Tinh thần dân chủ, cởi mở trong khoa học
Đọc các luận văn của bác chúng ta không có cảm giác là được huấn thị từ trên xuống , mà như được nghe những lời trao đổi, lời tâm sự. Nhiều lần bác dừng lại nhắc nhủ người đọc bổ sung , hoàn chỉnh ý của mình:
“Nói văn hóa dân gian mà chỉ nói ngắn gọn đến như thé này, thì quả không thấm vào đâu. Song ở đây ý của người viết là chỉ nhắc cho người ta nhớ cái di sản văn hóa biết bao phong phú và quý giá này. Người đọc tha hồ bổ sung bao nhiêu tùy ý, từ các thể loại văn học đến các loại hình nghệ thuật dân gian” [20]
Hoặc là :
“Cần tránh thái độ cố chấp, không biết nhân nhượng nhau trong lúc tranh luận là điều cần thiết và quý báu, có khi nó còn nâng cao tầm vóc con người”[21]
–Một lòng nhân ái bao la
+Trường hợp đối với đạo diễn phim Trần Văn Thủy: Giai oan cho đạo diễn Trần Văn Thủy về bộ phim Hà Nội trong mắt ai (Xem Phụ lục 1)
+Trường hợp đối với nhà thơ Trần Việt Phương: Tập thơ Cửa mở của Trần Việt Phương bị coi là phản động, tuy vậy, bác Đồng vẫn ân cần khuyên: “Phương hãy tổ chức những buổi nói chuyện về tập thơ này, để người ta hiểu hơn về những điều Phương viết trong đó”. (Xem Phụ lục 2)
+Trường hợp cán bộ ngoại giao yêu Tây và “lấy Tây”: Thời bấy giờ yêu Tây là một trọng tội, huống chi còn đòi lấy Tây. Trong tình trạng đó cô Tây Thụy Điển viết thư cầu cứu bác Đồng. Bác viết thư trả lời và cho phép hai người kết hôn . (Xem Phụ lục 3)
+Trường hợp đối với GS Trần Đức Thảo: GS Trần Đức Thảo bị kết tội Nhân văn giai phẩm, phải đi lao động cải tạo. Tuy vậy, Bác Đồng thực sự tôn trọng tài năng, quý mến và cảm phục ông, trao đổi ý kiến về loại triết học “thượng hạng” của ông, gửi tài liệu cho ông. Khi ông chết bác “khóc rất nhiều….hình như bác vẫn day dứt một điều gì đó chưa làm được trọn vẹn cho Trần Đức Thảo” (Xem Phụ lục 4)
Trên đây, là một số mẩu chuyện của Bác Phạm Văn Đồng đối với : một đạo diễn, một nhà thơ, một người nước ngoài, một triết gia tầm cơ thế giới. Còn khá nhiều chuyện tương tự. Qua đây có thể nói: Bác Phạm Văn Đồng có một lòng nhân ái bao la, Có lòng nhân ái như vậy mới quý trọng ,yêu thương da diết con người mà sản phẩm duy nhất chỉ con người mới có , trong số muôn loài trên mặt đất, là VĂN HÓA .
Đến đây có người hỏi: với uy tín và quyền lực như thế bác Đồng sao vẫn phải day dứt vì chưa làm được việc chí đức độ, chí thiện tâm như đối với GS Trần Đức Thảo.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
Sinh thời, Bác Phạm Văn Đồng đã nói với con trai, ông Phạm Sơn Dương , rằng: “Ba không có tài sản gì để lại cho con, chỉ có một sự nghiệp để tiếp tục xây dựng”
Thay mặt hậu duệ và hậu thế của bác, chúng con xin thưa, bác không để lại tài sản , nhưng để lại một di sản tinh thần mà nhiều nghìn triệu đô la không sánh được, đó là sự nghiệp cách mạng, tấm gương đạo đức, khối lượng tri thức và trí tuệ trong sách vở, tài liệu của bác.
Bày tỏ lòng kính yêu và biết ơn bác, nhân kỷ niệm ngày sinh 108 này, chúng con ra sức học tập bác :
-Luận thuyết khoa học, mà ở đây là sự nhận định rất sâu sắc, toàn diện về đặc điểm và vai trò của quá khứ, của VHTT; đặc biệt là đối với việc xây dựng xã hội hiện tại.
-Phương pháp tiếp cận
-Phẩm chất nhân hậu, yêu thương dân chân thành, vì dân thực sự./.
P.Đ.N
(Hà Nội 16-12-2013
Quảng Ngãi 1-3-2014)
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
–Phạm Văn Đồng: Tổ quốc ta, nhân dân ta,sự nghiệp ta và người nghệ sỹ, nxb Văn học, H, 1969.
-Phạm Văn Đồng: Xây dựng nền văn hóa văn nghệ ngang tầm vóc dân tộc ta thời đại ta, nxb ST, H, 1975.
-Phạm Văn Đồng: Hồ chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, nxb ST, H, 1990
-Phạm Văn Đồng: Hồ chí Minh và con người việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh, nxb CTQG, H, 1993.
-Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, nxb CTQG, H, 1994.
-Phạm Văn Đồng: Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ chí Minh, nxb CTQG, H. 1998.
–Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh: Đồng chí Phạm Văn Đồng với cách mạng Việt Nam, H, 2006.
– Cù Huy Chử: Về mối quan hệ giữa GS Trần Đức Thảo với ông Phạm Văn Đồng. www.viet –studies/info/TDThao/CuHuyChu.
-Hương Thảo Nguyên: Chuyện về cuộc đời cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, phunutoday.
PHỤ LỤC
1. “Cứu tác giả Hà Nội trong mắt ai: Trong thời gian làm thủ tướng chính phủ, ông (Phạm Văn Đồng) và ông Nguyễn Văn Linh là người dã giải oan cho đạo diễn Trần văn Thủy trong sự kiện về bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” (Đạo diễn Trần Văn Thủy với ký ức “ Hà Nội trong măt ai”-Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình, đài truyền hình Việt Nam)
2. “Những bài thơ của Việt Phương trong tập “Cửa mở” đã dám nói những cái được, cái chưa được của xã hội thời điểm đó. Dù sau này, tập thơ “Cửa mở” của Việt Phương được đánh giá rất cao, nhưng vào thời điểm những năm 1970, không ít người đã coi thơ của ông trong “Cửa mở” là phản động. Những lời đồn như thế lan đi khắp nơi, mà khi đó nhà thơ Việt Phương lại là thư ký riêng của Phạm Văn Đồng.
Việc một thư ký cận kề với Phạm Văn Đồng viết ra những bài thơ đó khiến cho không ít những luồng dư luận phản động đã có những lời lẽ xuyên tạc về tập “Cửa mở” của Việt Phương, và điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng Nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề cảm thấy lấn cấn về việc đó. Ông thậm chí còn động viên nhà thơ Việt Phương: “Phương hãy tổ chức những buổi nói chuyện về tập thơ này, để người ta hiểu hơn về những điều Phương viết trong đó”. (Hương Thảo Nguyên: Chuyện về cố thủ tướng Phạm Văn Đồng)
3. Thủ tướng Phạm Văn Đồng không biết chàng trai Việt và cô gái Thụy Điển là ai. Ông chưa từng một lần gặp họ. Nhưng khi nghe câu chuyện của họ, ông biết mình sẽ giúp họ, vì họ yêu nhau và nên được ở gần nhau.
Ông đã viết một bức thư (trả lời thư của cô Thụy Điển) đề nghị cho phép họ được đến với nhau. Nhờ bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mà một mối tình Việt – Thụy Điển đẹp như mơ đã có một cái kết có hậu. Câu chuyện tình của họ sau đó đã được báo chí Thụy Điển đến tìm hiểu với mong muốn ca ngợi một mối tình đẹp (Hương Thảo Nguyên:Chuyện về cuộc đời cố thủ tướng PVĐ, phunutoday)
4. Cũng chính ông Phạm Văn Đồng đã nói với Trần Đức Thảo: “Tôi thật sự cảm phục anh, và bài tôi thích nhất trong những bài báo anh đã công bố ở Việt Nam là bài “Hạt nhân duy lý” trong triết học Hê-ghen. Theo tôi, đó là một bài báo có tầm cỡ thế giới”. (TS Cù Huy Chử: Về mối quan hệ giữa GS Trần Đức Thảo với PVĐ-một vài nét chấm phá) www.viet-studies.info/TDThao/CuHuy
“Trần Đức Thảo tiếp tục tâm sự với tôi (CHC): “Ông Phạm Văn Đồng quan tâm đến tôi từ việc nhỏ, như bố trí nhà ở, cho đến việc lớn như khi tôi đang bị phê phán ở trường đại học về vấn đề Nhân văn-Giai phẩm, thì chính ông Phạm Văn Đồng đã gửi cho tôi một tấm danh thiếp ngắn, với dòng chữ: ‘Anh Thảo, mong anh bình tĩnh và suy nghĩ lại”. (TS Cù Huy Chử: đã dẫn)
“Trong những người tri âm của thứ triết học ‘thượng hạng’ của anh Thảo, có thể nói anh Tô là người được anh Thảo sùng kính nhất. Chỉ với anh Tô, anh Thảo mới bộc lộ hết được lòng mình. Có bận tôi thấy anh Thảo buồn rầu buột miệng: ‘Anh (chỉ anh Tô) thì hiểu được lòng tôi, chứ những người khác, người ta không hiểu được đâu’. Ngày Trần Đức Thảo qua đời, anh Tô khóc rất nhiều. Nhiều tháng sau đó, anh vẫn rất buồn và hay thở dài mỗi khi nhắc tới Trần Đức Thảo. Hình như anh vẫn day dứt một điều gì đó chưa làm được thật trọn vẹn cho Trần Đức Thảo, mặc dù ai cũng hiểu anh đã làm tất cả những gì có thể”. (TS Cù Huy Chử: đã dẫn
[1] Phạm Văn Đồng: Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, nxb CTQG, H. 1998, tr.150.
[2] Phạm Văn Đồng: Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, nxb CTQG, H. 1998, tr.164.
[3] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, nxb CTQG, H, 1994, tr.41
[4] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, nxb CTQG, H, 1994, tr.75
[6] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, nxb CTQG, H, 1994, tr.74.
[7] Phạm Văn Đồng: Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, nxb CTQG, H. 1998, tr.160
[8] Phạm Văn Đồng: Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, nxb CTQG, H. 1998, tr.150.
[9] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, nxb CTQG, H, 1994, tr. 39-40.
[10] Phạm Văn Đồng: Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sỹ, nxb Văn học, H, 1969, tr. 152.
[11] Phạm Văn Đồng: Nhân ngày giỗ tổ vua Hùng, Báo nhân dân số ra ngày 29-4-1969
[12] Phạm Văn Đồng: Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, nxb CTQG, H. 1998, tr.151.
[13] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, nxb CTQG, H, 1994, tr. 19.
[14] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, nxb CTQG, H, 1994, tr. 70.
[15] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, nxb CTQG, H, 1994, tr. 37.
[16] Phạm Văn Đồng: Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sỹ, nxb Văn học, H, 1969, tr. 152.
[17] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, nxb CTQG, H, 1994, tr. 19.
[18] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, nxb CTQG, H, 1994, tr. 50.
[19] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, nxb CTQG, H, 1994, tr. 33.
[20] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, nxb CTQG, H, 1994, tr. 75.
[21] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, nxb CTQG, H, 1994, tr. 99.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.