- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 19605
- Tổng truy cập: 3,370,731
BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG CỤM DI TÍCH DIỆM XUÂN của bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường 752
- 2508 lượt xem
BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ KHỞI CÔNG
XÂY DỰNG CỤM DI TÍCH DIỆM XUÂN
của bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường
Kính thưa các quý vị đại biểu. Thưa toàn thể nhân dân.
Hôm nay, rất vui mừng, phấn khởi về dự buổi lễ long trọng khởi công xây dựng Cụm di tích đình, chùa, đền thôn Diệm Xuân. Lời đầu tiên, thay mặt Huyện uỷ, UBND, Uỷ ban MTTQ huyện Vĩnh Tường, tôi xin có lời chào, lời kính mừng nhiệt liệt nhất đến quý vị đại biểu, khách quý, Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni, các phật tử, thiện nam, tín nữ và toàn thể nhân dân. Kính chúc buổi lễ hôm nay thành công tốt đẹp.
Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể nhân nhân.
Cũng như các miền quê, làng mạc trên vùng đất trung du, đồng bằng Bắc Bộ, từ hàng ngàn năm nay, hoà hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán bản địa thờ mẫu, thờ thành hoàng làng, Phật giáo và những tư tưởng, giáo lý của Đạo Phật luôn có một vị trí quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hoá tinh thần của người dân huyện Vĩnh Tường nói chung, người dân thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân nói riêng. Chính vì vậy, hình ảnh “ngôi chùa, cây đa, giếng nước, sân đình” đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của mỗi làng quê Việt, luôn in đậm trong tâm khảm mỗi chúng ta.
Nằm ở vị trí hội tụ của 3 con sông lớn: sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, vùng chuyển tiếp từ miền núi, trung du xuống đồng bằng Bắc Bộ, địa hình Việt Xuân có các đồi, gò, bãi xen kẽ những cánh đồng, ao hồ tạo nên một khung cảnh sơn thủy hữu tình. Có lẽ do ở vào vị trí xung yếu cả về kinh tế, văn hóa, quân sự, nên quê hương Việt Xuân, đất tuy không rộng, người tuy không đông, nhưng lại là nơi tiêu biểu cho sự thống nhất trong đa dạng các sắc thái văn hóa, với sự hiện hữu của 2 tôn giáo lớn: Phật giáo và Thiên Chúa giáo; sự đa dạng về ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ vận tải thủy; là bàn đạp để bộ đội, du kích ta từ vùng tự do Lập Thạch về đồng bằng hoạt động trong kháng chiến chống thực dân Pháp; là trận địa phòng không bảo vệ cầu đường và thành phố Việt Trì trong những năm tháng ác liệt chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; và đặc biệt là, thông qua các hội thảo khoa học, các nhà nghiên cứu gần đây đã đi đến thống nhất khẳng định, Việt Xuân là vùng đất Vương triều Mạc lựa chọn làm nơi mai danh ẩn tích, chờ thời tiếp tục mưu nghiệp lớn. Trong đó, đồi Chùa, khu đất có ngôi chùa Xuân Sơn hay còn gọi là chùa Trống tọa lạc, là nơi lưu giữ nhiều dấu tích của vị vua cuối cùng Nhà Mạc – Mạc Kính Vũ, cùng các vị hoàng tộc Mạc Triều. Tiêu biểu nhất là 03 ngôi mộ cổ, gồm: Nhà vua – Nhà tu hành Mạc Kính Vũ, Công chúa Mạc Chính Lan và Nguyễn Hữu Nhẫn (cháu nội vua Mạc Kính Vũ – con trai Thái tử Nguyễn Hữu Pháp).
Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể nhân nhân.
Trên địa bàn xã Việt Xuân hôm nay, còn lưu giữ được 7 di tích lịch sử văn hóa, gồm: 2 chùa, 2 đình, 1 miếu và 2 nhà thờ công giáo, trong đó có 3 di tích xếp hạng cấp tỉnh là: chùa Dầu (Nguyên Hòa Tự), chùa Trống (Xuân Sơn Tự) và đình Diệm Xuân.
Chùa Trống là một trong số ít ngôi chùa mang dấu ấn kiến trúc thời Mạc còn lại trên đất Vĩnh Tường, cũng như còn lại trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trải những biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo, trong đó có lần trùng tu lớn vào năm 1940. Phong cách kiến trúc thời Mạc vì thế không còn nhiều, nhưng một số hiện vật quý như hệ thống tượng Phật, bia hậu Phật, đồ thờ tự vẫn được gìn giữ đến hôm nay.
Là một công trình tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, Đình Diệm Xuân thờ An Giang Linh Ứng Đại Vương, người có công trị thủy, bảo vệ mùa màng và cuộc sống của người dân trong vùng dưới thời Hùng Vương. Ngôi đình trước kia được dựng bên dòng sông Phó Đáy. Tuy nhiên, do yêu cầu phải di dời để tạo điều kiện cho việc đắp đê Tả Phó Đáy, cách đây hơn 30 năm, ngôi đình đã được nhân dân thôn Diệm Xuân di chuyển vào khu đất đồi Chùa, xây dựng bên cạnh ngôi chùa Xuân Sơn, hằng năm hương khói phụng thờ.
Trải qua thời gian, ngôi đình, ngôi chùa thôn Diệm Xuân đã bị xuống cấp nặng, cần được quy hoạch, tu bổ, tôn tạo lại cho tương xứng với một Cụm di tích lịch sử – văn hóa. Được sự tạo điều kiện, giúp đỡ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các sở ngành hữu quan tỉnh Vĩnh Phúc, sự tận tụy của Đại đức Thích Nguyên Cao – Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Vĩnh Tường, công tác khảo sát, nghiên cứu, lập dự án quy hoạch, tu bổ tôn tạo cụm di tích đình – chùa thôn Diệm Xuân được khẩn trương tiến hành. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 426/QĐ-CT ngày 11/2/1014. Hôm nay, thể theo tâm nguyện của đông đảo nhân dân hướng về Phật – Thánh, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Việt Xuân bắt tay vào triển khai dự án đầu tư, tu bổ, tôn tạo đình – chùa Diệm Xuân với tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa.
Đây thật sự là một niềm vui lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Việt Xuân nối riêng, huyện Vĩnh Tường nói chung. Thay mặt Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Tường, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của UBND tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các ban ngành hữu quan, đặc biệt là sự tận tình, chu đáo của Đại đực Thích Nguyên Cao trong suốt thời gian qua, và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể nhân nhân.
Việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo cụm di tích đình – chùa Diệm Xuân cũng như các công trình văn hoá tiêu biểu khác, không ngoài mục đích nhằm bảo tồn và phát huy tốt nhất các giá trị văn hoá truyền thống, góp phần khai thác tiềm năng, phát triển du lịch văn hoá tâm linh gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn xã Việt Xuân nói riêng và địa bàn huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
Để việc triển khai xây dựng các hạng mục công trình được thuận lợi, an toàn, đúng tiến độ, đạt chất lượng thiết kế, tiết kiệm, hiệu quả, củng cố, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, đạt thành tựu viên mãn, Huyện uỷ, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, ngành huyện Vĩnh Tường căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể quần chúng xã Việt Xuân, Ban Trị sự Phật giáo huyện Vĩnh Tường tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thi công theo đúng quy định của nhà nước về quản lý, xây dựng cơ bản và bảo tồn di tích lịch sử văn hoá; làm tốt công tác tuyên truyền vận động sự đóng góp công sức, tiền của của nhân dân, sự đồng thuận của nhân dân trong việc di dời các ngôi mộ tạo mặt bằng thi công. Đặc biệt là có phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn về người, tài sản, phương tiện trong quá trình thi công, không để xảy ra mất mát, hư hại các hiện vật, di vật của nhà chùa, ngôi đình, các ngôi mộ cổ Mạc Tộc. Mặt khác, bảo đảm việc thu, chi, quyết toán kinh phí phải được thực hiện đúng quy định của nhà nước, dân chủ, công khai, minh bạch.
Là một sự án với mức đầu tư lớn, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, lại triển khai giữa lúc nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nhân buổi lễ khởi công, thay mặt UBND huyện Vĩnh Tường, tôi tha thiết kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, doanh nhân, bà con phật tử cùng nhân dân trong và ngoài huyện nhiệt tâm ủng hộ tiền của để dự án được triển khai thuận lợi, kịp tiến độ đề ra.
Với tất cả niềm tin vui, chúng ta có thể hình dung về hình ảnh của ngôi chùa, ngôi đình, ngôi đền và các công trình phụ trợ trong Cụm di tích Diệm Xuân trong nay mai. Đó là hình ảnh về một cụm công trình văn hóa tâm linh vừa bề thế, uy nghi, vừa nhẹ nhàng, thanh thoát, trầm mặc mà bay bổng, mang đậm phong cách kiến trúc phương đông truyền thống, tôn cảnh sắc cửa thiền, cửa thánh thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân nói riêng, huyện Vĩnh Tường nói chung thêm huy hoàng, thanh nhã.
Nhân dịp Xuân mới Giáp Ngọ – 2014, mừng Xuân An Lạc – 2558, thay mặt Huyện uỷ, UBND, Uỷ ban MTTQ huyện Vĩnh Tường và nhân danh cá nhân, một lần nữa tôi xin có lời kính mừng năm mới đến toàn thể các quý vị đại biểu, Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni, phật tử cùng toàn thể nhân dân: một năm mới dồi dào sức khoẻ, an lạc và thành tựu viên mãn.
Xin trân trọng cảm ơn!
(Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Vĩnh Tường có lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Lễ khởi công. Xin kính mời đại diện cho địa phương lên nhận hoa).
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.