- Đang online: 3
- Hôm qua: 1133
- Tuần nay: 19150
- Tổng truy cập: 3,370,547
THÁI HOÀNG THÁI HẬU HỌ VŨ VÀ CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CỦA NHÀ MẠC 716
- 225 lượt xem
THÁI HOÀNG THÁI HẬU HỌ VŨ
VÀ CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CỦA NHÀ MẠC
(Trình bày nhân lễ húy nhật Thái hoàng Thái hậu
ngày 15-6-Giáp Ngọ)
GS.TSKH Phan Đăng Nhật
Theo chỗ tôi biết, có ít nhất 3 cuốn sử chính thống, ca ngợi đời sống ấm no, an lạc của nhân dân ta dưới thời Mạc:
“Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đó những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn”[1]. (Lê Quý Đôn)
Về nội dung này , sách Toàn thư ghi như trên và thêm một số chi tiết: “Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không , ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng , được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên”[2] (Toàn thư)
Phan Huy Chú nhân viết về vua Mạc Đăng Doanh , cũng ca ngợi tình hình xã hội và đời sống của nhân dân đương thời : “Mạc Đăng Doanh tính tình khoan hậu. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khoá. Bấy giờ được mùa, nhà no người đủ, trong nước gọi thời ấy là trị bình”[3]
Một sự kiện lịch sử được các nhà sử học đồng thanh nhắc lại nhiều lần, chứng tỏ rằng đó là một sự thật hiển nhiên, gây ấn tượng sâu sắc và hiếm có trong xã hội phong kiến nước ta. Đây là công lao của nhà Mạc, là một nét đẹp đặc biệt, không thể không nhấn mạnh.
Vậy nhờ đâu có kết quả rất tốt đẹp đó?
Theo kết luận bước đầu, chúng tôi nhận thấy , chính Thái hoàng Thái hậu họ Vũ đã đóng góp tích cực cho việc thực hiện chính sách xã hội của nhà Mạc
Một số chính sách của nhà Mạc
Tình hình ấm no, an lạc trên đây, là kết quả tổng hợp của chính sách kinh tế, văn hóa tư tưởng của nhà Mạc, ở đây xin nêu rất tóm tắt:
– Về kinh tế trọng nông mà không ức thương, phát triển nông công thương kể cả ngoại thương
– Về văn hóa tư tưởng, rất sùng Nho , đồng thời sùng cả Phật, Lão, tín ngưỡng thần làng và văn hóa dân gian. Không cấm Thiên chúa giáo. Có nhiều biểu hiện về tinh thần nhân văn, tôn trọng con người, tôn trọng cá nhân.
Gắn bó với chính sách kinh tế ,văn hóa trên , nhà Mạc thực thi một số chính sách xã hội như:
1.Vận động một số nhà hữu sản, nhất là hoàng thân quốc thích có hằng tâm đem ruộng sẵn có hoặc mua ruộng cúng vào chùa. Theo thống kê của Vũ Duy Mền thì tổng cộng trong 18 trường hợp có 254 mẫu 8 sào ruộng cúng vào chùa[4]. Thống kê này chưa đầy đủ , tuy nhiên cũng có thể làm căn cứ để chúng ta nhận xét như sau:
– “Việc cúng tiền ruộng vào chùa thịnh hành từ thời Lý- Trần, sang thời Mạc được mở rộng hơn”[5].
– Số người thuộc hoàng thân nhà Mạc có vai trò quan trọng trong việc này. Có thể kể các vị sau đây (10/18 trường hợp):
. Thái hòang Thái hậu họ Vũ;
. Thái hoàng thái hậu (không ghi họ, 4 trường hợp, cộng 31 mẫu) Nếu coi đây cũng là Thái hoàng thái hậu họ Vũ thì tổng cộng là 36 mẫu;
. Con gái thứ 2 Thái uý Tây quốc công Mạc Ngọc Ý;
. Thọ Phương Thái trưởng công chúa;
. Chính phi công chúa, (7 mẫu );
. Phan Trị, tước An Thọ Bá, ( 8 mẫu) ;
. Lê Văn Uyên, tước Trường Thọ Bá.
2. Lập các hội Thiện để tổ chức phong trào làm việc thiện “Các bia dựng trong các chùa , miếu cho biết hội Thiện khá phát triển . Từ các vương hầu tôn thất , quan lại tại vị hoặc hưu quan đến thường dân các làng xã đều đua nhau làm việc thiện… ”[6]
Trường hợp đặc biệt Thái hoàng thái hậu họ Vũ
Nhiều thông tin xác định, Bà là Hoàng hậu, chính cung của Thái tổ Mạc Đăng Dung, Bà đã có công lớn là lấy tiền riêng mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam bảo chùa làng Hoà Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) ; đồng thời vận động hoàng thân quốc thích đóng góp thêm, tổng số ruộng lên tới 47 mẫu 3 sào, goi là ruộng nhà Thánh (Thánh điền). Số ruộng trên được dùng làm ba khoản chính:
– Khoản thứ nhất. Cấp cho việc cúng tế ở đền và chùa làng
– Khoản thứ hai. Cấp cho dân đinh, thượng hạ. Khi dân số ít thì chia đến tuổi 15, khi dân số tăng thì chia đến tuổi 18, mỗi người một sào , cày cấy thu hoạch, không phải nộp thuế. Chia theo cách bốc thăm công khai, già nhận trước, trẻ nhận sau, cứ 3 năm chia lại một lần.
– Khoản thứ ba. Cho đấu thầu cấy lấy thóc lập quỹ hội Thiện/nghĩa thương, khi đói khó cấp đỡ người nghèo, cô nhân , quả phụ, bảo dưỡng lát gạch đường làng. Đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 quỹ làng còn 3 tấn thóc, ủng hộ kháng chiến, số thóc cho người nghèo vay không thu lại nữa.[7]
Cùng với việc cấp ruộng cho dân làng, THTH là người công đức để xây dựng chùa với 6000 lá vàng, cùng không biết bao nhiệu tiền bạc cho trên 15 ngôi chùa ở khu vực Dương Kinh và phụ cận như:
Chùa Linh Cảm (Tiên Sơn, Bắc Ninh) 1557, chùa Bà Đanh (Kiến Thuỵ, Hải Phòng) 1563, chùa Thiên Hựu (Nam Sách, Hải Dương) 1571, chùa Minh Phúc (Tiên Lãng, Hải Phòng) 1572, chùa Sùng Ân (Phù Cừ, Hưng Yên) 1574, chùa Phổ Chiếu (Kiến Thuỵ, Hải Phòng) 1579, chùa Thánh Thọ (Bình giang, Hải Dương) 1579, chùa Minh Quang (Gia Lộc, Hải Dương) 1579, chùa Hoa Tân (An Lão, Hải Phòng) 1582, chùa Linh Sơn ( An Lão, Hải Phòng) 1583, chùa Báo Ân (Phù Cừ, Hưng Yên)1584 , chùa Sùng Quang (Vĩnh Bảo, Hải Phòng)1578, chùa Trúc Am (Kiến thuỵ, Hải Phòng) 1589, chùa Hà Lâu (Tiên Lãng, Hải Phòng )1589….[8] và chùa làng Hoà Liễu , có tên Thiên Phúc Tự xây dựng năm 1562.
Bà cũng là người “truyền cho” dân lễ minh thệ, để chống trộm cắp, tham nhũng.
Nói cách khác Bà đã thực hiện ba chính sách lớn:
– “cải cách ruộng đất”, đem ruộng đến cho người cày một cách êm đềm , nhân từ mà rất có hiệu quả,
– xóa đói giảm nghèo, cho đến cách mạng tháng 8 vẫn còn 3 tấn thóc
– chống tham nhũng, tục “minh thệ” vẫn còn đến ngày nay.
Tóm lại, Thái hoàng Thái hậu là người đứng đầu trong việc thực hiên chính sách lớn của nhà Mạc gồm:
– Vận động các tư gia lấy tiền riêng mua ruộng cấp cho dân đinh cày cấy, thu hoa lợi, không phải nộp thuế,
– Một số ruộng cho cày cấy thu hoa lợi và lập hội Thiện để cứu đói cho những người quan quả cô đơn,
– Xây dựng rất nhiều chùa để hoằng dương Phật pháp, giáo dục lòng nhân từ bác ái, ngay thẳng thật thà .
Có người nói, có phong trào làm điều Thiện, xây dựng chùa là do “chiến tranh tàn khốc kéo dài, thiên tai thường xẩy ra, khiến cho dân cùng khốn, mất niềm tin, đến cửa Phật từ bi mong che chở hoặc cầu xin điều thiện”. Có thể chưa hẳn như vậy. Thực tế ở thời Mạc là những người có quyền hành , uy vọng đương thời thực sự có thiện tâm, có người suốt đời dốc lòng làm điều thiện, trong số đó, Thái hoàng Thái hậu Vũ thị Ngọc Toản là một tấm gương sáng ngời, cho con cháu muôn đời noi theo. Hành vi cao đẹp trên , không phải chỉ một vài người, đã có sức giáo dục mạnh mẽ, lôi cuốn xã hội. Nhờ đó mà cùng với các chính sách khác, đã tạo nên an ninh xã hội cao : “người đi đường không nhặt của rơi, cửa ngoài không đóng, …trâu bò thả chăn không phải đem về,…có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình”
Đúng như PGS Đinh Khắc Thuân đã nhận định: “Bà Thái hoàng thái hậu họ Vũ quả là một người đã dốc toàn tâm toàn ý cho công cuộc trung hưng chùa Phật thời kỳ này. Bà từng được tôn xưng là “mẫu nghi thiên hạ, là vị Phật sống trên trần gian ”[9] … “Bà Thái hoàng thái hậu họ Vũ là một biểu tượng của người phúc thiện, đáng được muôn đời ghi nhớ”[10] ./.
[1] Lê Quý Đôn: Lê triều thông sử, tiếp dẫn theo Đinh công Vỹ, sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng, H, 1996, tr.363
[2] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, 1998, tr.115.
[3] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập1, NXB Sử học,1961, tr.180.
[4] Vũ Duy Mền: Một số vấn đề về làng xã dưới thời Mạc trong sách Vương triều Mạc, NXB Khoa học xã hội, H, 1996, tr. 138-142.
[5] Vũ Duy Mền: sách vừa dẫn, tr.136.
[6] Vũ Duy Mền , sách đã dẫn, tr. 136-137.
[7] Cụ Phạm Đăng Khoa biên soạn: Tóm tắt nội dung di tích đền- chùa Hoà Liễu, Tài liệu không xuất bản, tr.34-35.
[8] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia , NXB Khoa học xã hội, H, 2001, tr.232.
[9] “Kim Thái hoàng thái hậu dĩ thiên mẫu vi phật trung trần”. Văn bia chùa Quang Minh (Gia Lộc, Hải Dương ) năm 1579. Bia 151. Chú thích theo Đinh Khắc Thuân, sách đã dẫn, tr, 233.
[10] Đinh Khắc Thuân, sách đã dẫn, tr.233.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.