- Đang online: 2
- Hôm qua: 985
- Tuần nay: 18266
- Tổng truy cập: 3,370,399
MỘT PHẦN TƯ THẾ KỶ NHẬN THỨC VỀ “NHÀ MẠC VÀ THỜI ĐẠI NHÀ MẠC” – PGS 674
- 201 lượt xem
MỘT PHẦN TƯ THẾ KỶ NHẬN THỨC VỀ “NHÀ MẠC VÀ THỜI ĐẠI NHÀ MẠC”
PGS-TS. Sử học Trần Thị Vinh
(Bài được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 5 (433) năm 2012)
Nhà Mạc kéo dài 150 năm (1527-1677), có 65 năm tồn tại với tư cách là một vương triều (1527-1592), so với các triều đại Lý (1009-1225), Trần (1225-1400) và Lê Sơ (1428-1527), triều Mạc tồn tại ngắn hơn, nhưng hơn nửa thế kỷ chính thức đóng đô ở Thăng Long, triều Mạc đã để lại dấu ấn khá đậm nét trong lịch sử Trung đại Việt Nam. Nhưng trước kia, các sử gia phong kiến cũng như một số nhà nghiên cứu lịch sử ở thập kỷ 70 của thế kỷ XX trở về trước đã viết, đã nhìn nhận và đánh giá về nhà Mạc cũng như vương triều Mạc chưa thật đầy đủ và chưa thật công bằng so với những triều đại khác, thậm chí còn hạ thấp nhà Mạc, không coi nhà Mạc là vương triều chính thức. Kể từ một phần tư thế kỷ nay (1985-2010), nhà Mạc nói chung và vương triều Mạc nói riêng đã dần dần được giới nghiên cứu nhìn nhận và đánh giá lại theo tinh thần mới, khách quan hơn, khoa học hơn, do đó việc nhận thức về nhà Mạc đã có những tiến triển tốt đẹp và nhà Mạc dần dần được trở về đúng với vị trí của mình.
1. Nhận thức về “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc” trước thập kỷ 80 của thế kỷ XX.
Quá trình nhận thức về nhà Mạc diễn ra trong một thời gian dài, lúc đầu không mấy khả quan do những định kiến có sẵn được ghi trong những bộ sử cũ. Dưới ngòi bút của các sử gia phong kiến thì nhà Mạc bị coi là “nhuận triều” nên nhà Mạc đã bị xếp ở phần phụ chương và các vua nhà Mạc bị coi là những kẻ “nghịch thần” hoặc những kẻ “thoán đoạt” vv… nên nhà Mạc nhìn chung bị coi là có tội và bị lịch sử lên án. Chính từ những thiên kiến như vậy nên nhà Mạc khó lòng có được những nhận xét tốt đẹp từ các sử gia xưa.
Bắt đầu từ những thập kỷ 40-50 của thế kỷ XX, đã có một số tác giả(1) đề cập đến thời đại nhà Mạc trong nghiên cứu về lịch sử dân tộc và xuất hiện những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau khi nhìn nhận về triều đại này. Cụ thể có hai khuynh hướng: bênh vực và lên án nhà Mạc.
Khuynh hướng bênh vực, thân oan cho nhà Mạc, cụ thể thân oan cho Mạc Đăng Dung, đồng thời đề cao tính tích cực nhất định của vương triều Mạc trong bối cảnh xã hội Việt Nam ở thế kỷ XVI đại diện là các tác giả Lê Văn Hoè và Phạm Văn Sơn trong hai tác phẩm “Hồ Quí Ly – Mạc Đăng Dung” và “Việt sử tân biên”.
Khuynh hướng lên án nhà Mạc và phỉ báng cá nhân Mạc Đăng Dung, đại biểu là Trần Trọng Kim(2) và Phan Xuân Hoà(3). Các tác giả này nhìn nhận nhà Mạc hoàn toàn dựa theo quan điểm của các sử thần thời Lê-Trịnh và thời Nguyễn trong cuốn “Đại việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt thông sử” và “Việt sử thông giám cương mục”.
Nhưng, bên cạnh những dòng chủ lưu lên án nhà Mạc trong những bộ sử cũ do chính các sử thần thời phong kiến biên soạn trên đây, người đọc vẫn tìm thấy những dòng viết đáng lưu ý thừa nhận về diện mạo của một thời kỳ thịnh trị về một triều đại đã từng bị coi là “nguỵ triều” như triều Mạc mà khi nhắc tới xã hội Việt Nam thời Mạc không ai là không bỏ qua chi tiết này. Đó là sự kiện được ghi vào niên hiệu Đại Chính ( thời Mạc Đăng Doanh): “ người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không thể biết là vật của nhà mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”(4) (Đại việt sử ký toàn thư). Hoặc trong sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quí Đôn, sử thần thời Lê-Trịnh và bộ “Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng đã ghi lại một thực tế về Mạc Đăng Dung trước khi lên ngôi là “ lòng người đều hướng về Đăng Dung”.
Chính từ thực tế này cùng với những thành tựu không thể phủ nhận mà nhà Mạc đã để lại trong sự nghiệp Giáo dục Khoa cử Việt Nam thời phong kiến là tổ chức thành công 22 khoa thi Tiến sĩ chọn người tài với nhiều gương mặt sáng giá như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải vv… trong đó có cả gương mặt của phụ nữ, đã khiến cho hậu thế phải suy ngẫm khi đọc về một thời “nguỵ Mạc” và hậu thế không thể không xem xét lại và nhìn nhận lại cái gọi là “nguỵ triều”mà những sử gia phong kiến xưa kia đã gán ghép cho nhà Mạc.
Đó là lý do từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cùng với công cuộc đổi mới đất nước, nền sử học Việt Nam cũng có những đổi mới về tư duy trong việc nhìn nhận lại, đánh giá lại lịch sử, trong đó lưu ý nhiều tới những triều đại và những nhân vật lịch sử mà trước kia chưa được nhìn nhận và đánh giá một cách thoả đáng. Trong bối cảnh chung đó, nhà Mạc và người khai sáng vương triều Mạc là Mạc Đăng Dung lần lượt được nhận thức theo tinh thần mới, cởi mở hơn và khách quan hơn.
2. Nhận thức về “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc” từ 1985 đến 2000:
Mốc mở đầu cho sự đổi mới nhận thức về nhà Mạc là từ cuối tháng 12 năm 1985 bằng cuộc Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 400 năm ngày mất của danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm, tổ chức tại Hải Phòng- quê hương của nhà Mạc. Tại diễn đàn này, các nhà khoa học đã đánh giá, khẳng định về tầm vóc của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và ghi nhận những đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm với thời đại ông đang sống và triều đại mà ông gắn bó là thời đại nhà Mạc và triều đại nhà Mạc. Từ việc đánh giá về những đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm với thời đại ông đang sống và triều đại ông gắn bó, Hội thảo cũng ghi nhận những đóng góp tích cực của thời đại nhà Mạc và Vương triều Mạc trong lịch sử dân tộc giai đoạn thế kỷ XVI(5).
Như vậy, bắt đầu từ cuộc Hội thảo khoa học năm 1985, giới khoa học đã có cái nhìn cởi mở hơn, khách quan hơn khi xem xét vấn đề nhà Mạc. Họ đã gạt bỏ được những ấn tượng không tốt đối với nhà Mạc do bị chi phối bởi quan điểm của những người nghiên cứu lớp trước và đã tỏ ra công bằng hơn khi đánh giá về nhà Mạc. Và bắt đầu từ cuộc Hội thảo khoa học này, vai trò của nhà Mạc dần dần được khơi dậy đúng vị trí đích thực của nó. Từ đây, mối quan tâm về nhà Mạc mang tính rộng rãi hơn, toàn diện hơn và sâu sắc hơn.
Năm 1989, tác giả Nguyễn Duy Hinh cũng đã phát biểu trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử rằng: “Chúng ta đã không coi nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, nhưng đánh giá cho đúng về nhà Mạc thì chưa đủ”(6).
Vì vậy, tiếp theo hướng nghiên cứu tích cực về nhà Mạc, vào năm 1991 tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội và Sở văn hoá thông tin thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học kỷ niệm 500 năm sinh danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm. Kết quả cuộc Hội thảo được in trên một cuốn kỷ yếu(7), trong đó có một loạt bài viết của các nhà nghiên cứu cũng nhìn nhận nhà Mạc theo hướng tích cực giống như tinh thần của cuộc Hội thảo khoa học cuối năm 1985 tại Hải Phòng.
Cùng thời điểm này, Ban Lịch sử Cổ Trung đại Việt Nam thuộc Viện Sử học cũng triển khai chương trình nghiên cứu riêng về nhà Mạc. Kết quả nghiên cứu bước đầu được công bố trên một số Chuyên san của Tạp chí nghiên cứu lịch sử(8) vào năm 1991, bao gồm những luận văn về : Thể chế chính trị, Bang giao, Làng xã, Kinh tế nông nghiệp và ruộng đất, Văn hoá giáo dục vv…trong đó một số đóng góp về kinh tế cũng như một số thành tựu về văn hoá nghệ thuật thời Mạc bước đầu đã được đề cập tới.
Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm, việc nghiên cứu, tìm hiểu, kết luận và đánh giá về “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc” đã đạt được những thành tựu mới trong quá trình phát hiện và tiếp cận với chân lý lịch sử. Lúc này “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc” được đánh dấu như một sự chuyển tiếp quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của đất nước ta ở thế kỷ XVI.
Trong hai năm tiếp theo (1991-1992) vấn đề “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc” vẫn đặt trong chương trình nghiên cứu của Ban Lịch sử Cổ Trung đại Việt Nam-Viện Sử học. Kết quả của chương trình nghiên cứu về “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc” đã được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội cho ấn hành cuốn sách “Vương triều Mạc (1527-1592)”(9). Với cuốn sách này, ngoài những đóng góp về kinh tế, văn hoá – xã hội của nhà Mạc vừa được thừa nhận thì Vương triều Mạc cũng đã được thừa nhận là một vương triều chính thức tồn tại 65 năm (1527-1592) trong lịch sử Trung đại Việt Nam. Và sự kiện Mạc Đăng Dung phế bỏ triều Lê-một triều đại mà Mạc Đăng Dung từng gửi gắm ba phần tư quãng đời để lập ra triều đại mới của dòng họ Mạc không phải là một điều sỉ nhục như nhiều sử thần thời phong kiến gán cho Mạc Đăng Dung. Đến đây, cuốn sách khẳng định thêm về Mạc Đăng Dung (đồng ý kiến với những quan điểm của giới sử học tại hai cuộc Hội thảo khoa học năm 1985 và 1991) là nhìn nhận Mạc Đăng Dung không phải như một kẻ “nghịch thần”, đã đến lúc Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc phải được trả về đúng vị trí của mình. Nếu coi Mạc Đăng Dung là kẻ “thoán đoạt”, là “nghịch thần” và coi nhà Mạc là “nguỵ triều” tức là đã phủ nhận những đóng góp chung của nhà Mạc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục và nghệ thuật mà nhà Mạc đã làm được cho đất nước vào thế kỷ XVI(10).
Tiếp theo chương trình nghiên cứu của Viện Sử học, Hội khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với Viện Sử học và Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng đã tiến hành thêm một cuộc Hội thảo khoa học nữa về nhà Mạc tại huyện Kiến Thuỵ (Hải Phòng) vào tháng 7 năm 1994. Kết quả của cuộc Hội thảo được công bố trong cuốn sách “ Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử” xuất bản vào tháng 6 năm 1996 (sau cuốn Vương triều Mạc (1527-1592) của Viện Sử học nửa năm). Những vấn đề đặt ra và giải quyết của cuộc Hội thảo khoa học về nhà Mạc lần này vẫn là sự tiếp tục của dòng mạch đã và đang thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu về nhà Mạc lúc đó. Đặc biệt cuộc Hội thảo này đã tập hợp được khá đông đảo và khá rộng rãi nhiều đối tượng các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan và các trường Đại học khác nhau(11) nhưng lại có chung một tiếng nói trong việc đánh giá và nhìn nhận về “Nhà Mạc và vương triều Mạc”. Cuộc Hội thảo đã thu được kết quả là đi tới nhận thức một cách đầy đủ hơn và đánh giá một cách xác đáng hơn về một giai đoạn lịch sử trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XVI với những kết luận hết sức khách quan(12) là:
– Nên xoá bỏ thành kiến và định kiến về nhà Mạc. Nên đối xử với nhà Mạc một cách công bằng như các triều đại khác. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi về cách đánh giá các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Mạc. Không nên đánh giá nặng nề về nhà Mạc như trước đây do nhận thức của một số người nghiên cứu còn hạn chế.
– Nhà Mạc là vương triều ra đời và tồn tại sau nhà Lê. Việc nhà Lê sụp đổ, thay nhà Mạc là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ, được nhiều người ủng hộ. Không nên coi sự việc này là cướp ngôi. Sau khi ra đời và tồn tại, nhà Mạc đã có đóng góp nhất định về mặt văn hoá, về mặt tư tưởng và một phần nào đó về kinh tế. Hãy trả lại cho nhà Mạc những đóng góp khách quan ấy.
– Về chính sách đối ngoại, ở góc độ nào đó có hạn chế. Nhưng không nên đánh giá nhà Mạc là phản quốc. Dù sao đó cũng chỉ là sự tính toán trong sách lược ứng phó mà thôi. Phải đặt nhà Mạc trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Nhà Mạc phải đối phó với nhiều thế lực phong kiến, đòi hỏi phải có sách lược mềm mỏng để tránh chiến tranh và để bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Ngoài các cuộc Hội thảo, các chương trình nghiên cứu trong một thập kỷ (1985-1994) đã giúp cho nhận thức về nhà Mạc tiến gần tới chân lý khách quan của lịch sử thì việc nghiên cứu về nhà Mạc còn được sự hỗ trợ thêm bởi hàng loạt những chứng tích về vật chất của thời đại mà trước kia ít người quan tâm tới. Đó là những kiến trúc đặc sắc về ngôi đình Tây Đằng cổ nhất Việt Nam được xây dựng dưới thời Mạc(13), rồi hệ thống thành quách của nhà Mạc hãy còn hiện hữu tại nhiều địa phương cũng như những đồ gốm sứ hoa lam tuyệt đẹp sản xuất vào thời Mạc đã vượt ra cả bên ngoài biên giới(14) được tìm thấy trên vùng đất Dương Kinh thời Mạc tại di chỉ Chu Đậu và đặc biệt hơn là với hàng hơn trăm tấm bia Mạc(15) được tìm thấy trên khắp đất nước trong đó có nhiều tấm còn hiện hữu tại vùng Dương Kinh đã thông tin cho chúng ta vô số những điều cần thiết để nhận thức lại về “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc”.
Nhận thức lại, nhận thức mới, nhận thức khách quan về “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc” đến đây tuy chưa kết thúc, nhưng tạm thời lắng xuống do chưa có thêm nguồn sử liệu mới. Mặc dù vậy, những con cháu hậu duệ của dòng họ Mạc đã rất tích cực tìm kiếm hướng về cội nguồn, thu thập được khá nhiều phả hệ về các chi họ Mạc ở nhiều nơi kể cả những chi họ đã “cải tính” sau khi nhà Mạc bị nhà Trịnh đánh bại. Để cung cấp cho người đọc có thêm hiểu biết về “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc”, năm 2000, Hội khoa học lịch sử Việt Nam cùng Hội sử học Hải Phòng đã ấn hành thêm cuốn “ Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc”(16). Ngoài những bài viết bàn về Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc của một số nhà nghiên cứu thuộc các thế hệ khác nhau và ngoài những tư liệu về hợp phả họ Mạc do con cháu hậu duệ nhà Mạc cung cấp thì cuốn sách đã tuyển chọn các nguồn sử liệu trong chính sử và những ý kiến của thế hệ nghiên cứu lớp đầu tiên đánh giá, nhận thức khách quan về nhà Mạc để có ý nhấn mạnh thêm việc nhìn nhận đúng đắn về nhà Mạc.
3. Nhận thức về “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc” từ năm 2000 đến nay:
Mười lăm năm trôi qua, tuy không có thêm những đợt nghiên cứu lớn và những cuộc hội thảo riêng về nhà Mạc như ở giai đoạn trước, nhưng rải rác cũng có những bài viết, những cuốn sách(17) về nhà Mạc, những luận văn Cao học(18) về nhà Mạc, đặc biệt từ sau khi khu Hoàng thành Thăng Long được phát lộ (năm 2002), những đóng góp của nhà Mạc với Kinh đô Thăng Long cũng được nhiều nhà Nghiên cứu để tâm tới. Dấu ấn của vương triều Mạc đã để lại trong những tầng văn hoá được Khảo cổ học tìm thấy dưới lòng đất, chứng tỏ nhà Mạc cũng là một trong những vương triều đã góp nhiều công sức xây dựng Kinh đô Thăng Long thời kỳ 65 năm trị vì.
Xuất phát từ tinh thần đó và cũng để khẳng định thêm một lần nữa về vị trí, vai trò của “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc” trong lịch sử dân tộc, vào tháng 9 năm 2010, trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành cổ Hà Nội và Hội Sử học Hà Nội đã phối hợp tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học tầm cỡ Quốc gia về “Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam” ngay trên thềm điện Kính Thiên xưa, để tỏ lòng tri ân một Vương triều có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc và cho Thăng Long – Hà Nội. Chính tiêu đề của cuộc Hội thảo đã khẳng định một lần nữa sự tồn tại chính thức của Vương triều Mạc trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một giai đoạn quan trọng trong tiến trình Lịch sử dân tộc. Giới khoa học từ mọi miền đất nước tề tựu về đây đã cùng đem tới một tiếng nói chung xác đáng hơn, công bằng hơn khi nhìn nhận, đánh giá về Vương triều Mạc. Đó là một nghĩa cử cao đẹp của giới sử học ngày nay, thể hiện cách ứng xử công bằng với nhà Mạc, coi triều Mạc giống như các vương triều khác trong lịch sử đất nước(19).
Sau đó, vào tháng 6 năm 2011 tại Cao Bằng một cuộc Hội thảo khoa học nữa về “Vương triều Mạc thời kỳ ở Cao Bằng” đã được tiến hành do Trung tâm Bảo trợ văn hoá, kỹ thuật truyền thống và Hội khoa học Lịch sử Việt nam kết hợp với Uỷ ban nhân dân và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Cao Bằng tổ chức. Với gần 30 bản tham luận, cuộc Hội thảo đã tập trung đánh giá một cách khách quan về vai trò lịch sử và những đóng góp của nhà Mạc trong công cuộc bảo vệ đất nước, mở mang bờ cõi thời kỳ nhà Mạc đóng ở Cao Bằng từ năm 1592 đến năm 1677.
Tiếp nối những nhận thức đúng đắn khách quan của cuộc Hội thảo khoa học về “Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam” (tháng 9 năm 2010) và cuộc Hội thảo “Vương triều Mạc thời kỳ ở Cao Bằng” (tháng 6 năm 2011), trong năm 2011 đã có thêm những xuất bản phẩm mới về nhà Mạc, góp phần vào những nhận thức mới vừa được giới Sử học khẳng định tại hai cuộc Hội thảo. Đó là cuốn “Nhà Mạc và họ Mạc, ý chí và mục tiêu chiến lược”(20) của nhà xuất bản Dân trí (năm 2011). Đặc biệt trên Tạp chí “Xưa và Nay”, cơ quan ngon luận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 385 (tháng 8 năm 2011) đã dành riêng một phụ trương viết về “Nhà Mạc và tiếp cận Sử học” nhân dịp kỷ niệm 470 năm ngày Thái tổ Mạc Đăng Dung băng hà (1541-2011). Phụ trương đã đăng tải 15 luận văn của những tác giả đã nhiều năm quan tâm nghiên cứu về nhà Mạc, được tập trung đáng giá về những đóng góp của Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội theo những nhận thức mới. Tiếp theo, vào số 392 (tháng 11 năm 2011), Tạp chí “Xưa và Nay” lại công bố thêm một bài nghiên cứu nữa về “Hoạt động sách phong và triều cống thời Mạc, hệ quả và thực chất”. Với bài nghiên cứu này vấn đề ngoại giao của nhà mạc cũng đã được nhìn nhận theo tinh thần mới, cởi mở hơn(21).
Cũng trong năm 2011, đã có thêm nhiều luận văn thạc sĩ lịch sử nghiên cứu về “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc” được bảo vệ thành công. Đó là những luận văn nghiên cứu về Thành luỹ, Giáo dục khoa cử và Kinh té thời Mạc, như: “Thành Bầu và thành nhà Mạc ở Tuyên Quang thời phong kiến”, “Giáo dục, khoa cử thời mạc từ 1527 đến năm 1592” và “Kinh tế Đại Việt thời Mạc”(22). Chắc chắn trong thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm những luận văn Thạc sĩ và Tiến sĩ lịch sử được bảo vệ về thời đại nhà Mạc.
** *
Nhìn lại chặng đường hơn một phần tư thế kỷ qua (1985-2011), việc nghiên cứu, nhận thức về “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc” đã có những bước tiến triển tốt đẹp, vương triều Mạc đã được trở về đúng với vị trí đích thực của mình, một vương triều tồn tại chính thức và có nhiều đóng góp trong tiến trình lịch sử dân tộc. Chính vì thế, cho đến ngày hôm nay, việc nghiên cứu vẫn còn nhiều điều chưa khám phá hết về triều đại lịch sử này. Hy vọng, trong tương lại “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc” sẽ tiếp tục được nghiên cứu, được nhận thức và được đánh giá sâu sắc hơn, xác đáng hơn của giới khoa học khi có thêm những nguồn sử liệu mới.
Chú thích:
1. Trần Trọng Kim với tác phẩm Việt Nam sử lược ( năm 1949); Phan Xuân Hoà với tác phẩm Lịch sử Việt nam; Lê Văn Hoè với tác phẩm Hồ Quí Ly-Mạc Đăng Dung ( năm 1952 ), Phạm Văn Sơn với tác phẩm Việt sử tân biên ( năm 1959) vv…
2. Xem Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, 1949.
3. Xem: Phan Xuân Hoà: Lịch sử Việt Nam, Nxb Vĩnh Thịnh, 1952.
4. Xem: Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV, Bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, tr 126.
5. Xem Phan Huy Lê “Nguyễn Bỉnh Khiêm và thời đại của ông” và Trần Quốc Vương “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bối cảnh văn hoá Việt Nam thế kỷ XVI”, trong sách “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm”, Hội đồng lịch sử Hải Phòng, Viện Văn học( Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 400 mất), Hải Phòng.
6. Nguyễn Duy Hinh” Suy nghĩ về nhà Tây Sơn”, Nghiên cứu lịch sử, số1( 244), năm 1989.
7. Tên cuốn Kỷ yếu là “Hội thảo khoa học kỷ niệm 500 năm sinh danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm”, Tp Hồ Chí Minh, 1991.
8. Nghiên cứu lịch sử, số 6 (259), 1991.
9. Trung tâm khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Sử học “Vương triều Mạc(1527-1592), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
10. Xem “Vương triều Mạc(1527-1592)”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr.26-27,48.
11. Các tác giả đến từ Viện Sử học,Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn hoá dân gian, Viện Mỹ thuật, Khoa sử của Trường ĐHTH, ĐHSPHN, các nhà nghiên cứu của thành phố Hải Phòng vv…
12. Phan Huy Lê “Tổng kết Hội thảo”, trong sách “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Hà Nội, 1996.
13. Xem: Mỹ thuật thời Mạc” của Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Văn, Viện Mỹ thuật xuất bản, Hà Nội, 1993.
14. Đồ gốm sứ thời Mạc đã được trưng bày tại Bảo tàng Istambus (Thổ Nhĩ Kì)
15. Xem “Văn bia thời Mạc”( Đinh Khắc Thuân sưu tập, khảo cứu và dịch chú), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
16. Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hội sử học Hải Phòng “Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc”, Hà Nội, 2000.
17. Xem: Mạc Đường. “Góp phần đổi mới quan điểm đánh giá Vương triều Mạc”, Nxb Trẻ, Tp.Hồ Chí Minh, 2005.
18. Xem: Tống Thanh Bình. “Nhà Mạc với công cuộc ổn định xã hội Đại Việt từ năm 1527 đến 1546”, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, bảo vệ tại Khoa Lịch sử, Trường ĐH Vinh năm 2009.
19. Xem Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam”, Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành cổ Hà Nội, Văn phòng BCĐ quốc gia 1000 năm Thăng Long, Hội Sử học Hà Nội, Hà Nội 9-2010.
Một số kết quả của Hội thảo đã được đăng trên Tạp chí Khoa học chuyên ngành, như bài: “Kinh tế công thương thời Mạc” của Nguyễn Văn Kim, số 12 (416) năm 2010, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử.
20. Xem: Phan Đăng Nhật: “Nhà Mạc và họ Mạc, ý chí và mục tiêu chiến lược”, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2011.
21. Xem: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. “Hoạt động sách phong và triều cống thời Mạc, hệ quả và thực chất”, Tạp chí “Xưa và Nay” số 392 (tháng 11, 2011).
22. Đó là: Luận văn về “Thành Bầu và thành nhà Mạc ở Tuyên Quang thời phong kiến” của Hoàng Mai Lan, bảo vệ tại Khoa Lịch sử Trường Đại học sư phạm Hà Nội, tháng 11 năm 2011; ““Nhà Mạc với công cuộc ổn định xã hội Đại Việt từ năm 1527 đến 1546”, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, bảo vệ tại Khoa Lịch sử, Trường ĐH Vinh năm 2009; “Giáo dục, khoa cử thời mạc từ năm 1527 đến năm 1592” của Tô Ngọc Hằng, bảo vệ tại Khoa Lịch sử, Trường ĐH Vinh, tháng 12 năm 2011. Luận văn về “Kinh tế Đại Việt thời Mạc” của Phan Đăng Thuận, bảo vệ tại Khoa Lịch sử, Trường ĐH Vinh, tháng 12 năm 2011.
Ảnh: PGS-TS. Sử học Trần Thị Vinh
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.