- Đang online: 2
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 19761
- Tổng truy cập: 3,370,253
VIỆC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG PHỐ: CÔNG LAO CỦA MẠC THÁI TỔ, MẠC THÁI TÔNG VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA NHÀ MẠC TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC, GS 631
- 293 lượt xem
VIỆC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG PHỐ: CÔNG LAO CỦA MẠC THÁI TỔ, MẠC THÁI TÔNG VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA NHÀ MẠC TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC
GS-TSKH. Phan Đăng Nhật (21/6/2015)
Trên báo Tuổi trẻ ngày 9-6-2015 có đăng bài “Giải mã nhà Mạc quanh chuyện đặt tên đường” và ý kiến của ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở V-TT&DL T/P Hà Nội, muốn “lắng nghe ý kiến rộng rãi” của nhân dân. Tôi xin phát biểu ý kiến về vấn dề trên.
Để đặt tên đường phố, cần phải nắm chắc toàn diện công lao của nhân vật lịch sử, nếu là người lập nên một triều đại, cần đối chiếu công lao của cá nhân với triêu đại mà họ lập nên. Chỉ chú mục vào một sự kiện và tách rời sự kiện đó ra khỏi hoàn cảnh lịch sử để khen hoặc chê là thái độ thiếu khách quan. Vì vậy, đầu bài của chúng tôi có các nội dung như trên và trình tự của bài viết gồm có các phần chính:
– Tóm tắt đặc điểm của nhà Mạc trong lịch sử dân tộc.
– Công lao của Mạc Thái tông và Mạc Thái tổ.
I. TÓM TẮT ĐẶC ĐIỂM NHÀ MẠC TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC
1. Nhà Mạc tồn tại tương đối lâu dài
+ Tổng số thời gian tồn tại là 242 năm, với ba thời kỳ lịch sử:
– Thời kỳ Thăng Long-Dương Kinh: 65 năm (1527-1592)
– Thời kỳ Cao Bằng, 91 năm (1592-1683)
– Thời kỳ Hậu Cao Bằng, 86 năm (1683-1769)
Xin đối chiếu với một số triều đại khác:
+ Các triều đại được coi là chính thống: Lý: 215 năm, Trần: 175 năm, Lê sơ: 99 năm, Lê Trung hưng: 245, Nguyễn: 143
+ Các triều đại bị quy là không chính thống: Hồ : 7 năm, Tây Sơn: 24 năm.
+ Nhà Mạc bao gồm 12 đời vua và một đời chúa ( chúa lớn chẩu luông-Hoàng Công Chất).
Chúng tôi nghĩ rằng các con số trên đây, chứa đựng rất nhiều thông tin. Trước hết, chứng tỏ, nhà Mạc là một vương tộc được nhân dân rất ủng hộ, mà nhân dân đã đem xương máu bảo vệ, trong hai thế kỷ rưỡi, bất kỳ ở đâu; ở Thăng Long-Đông Đô, 65 năm; ở hành tại Hải Dương, 7 vạn người lập tức đi theo dưới cờ vua Mạc Kính Chỉ; ở miền núi Cao Băng; ở miền núi Tây Băc, dưới cờ chúa lớn Hoàng Công Chất . Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Tường đã nhận định đúng: “Nhiều nhà nghiên cứu đã nói tới vị trí hiểm trở của vùng cát cứ Cao Bằng và sự che chở của nhà Minh, nhà Thanh đối với họ Mạc. Nói như vậy là hoàn toàn đúng, song có lẽ chưa thật đầy đủ. Vì lẽ, nếu như con cháu họ Mạc không nhận được sự ủng hộ của nhân dân ở hầu khắp miền Bắc thì dù địa bàn hoạt động thuận lợi mấy đi nữa hay kể cả được phong kiến Trung Quốc gây áp lực với triều đình Lê – Trịnh, họ cũng không thể trụ lại ở Cao Bằng lâu như vậy (91 năm)”[1].
Đến đây có vấn đề được đặt ra, tại sao được như vậy, lại trong hoàn cảnh bị Lê-Trịnh truy sát, tiêu diệt một cách man rợ, vấn đề này xin được bàn vào dịp khác.
Thông tin thứ hai là, tính kiên định, kiên cường của nhà Mạc trong sự nghiệp chiến đấu chống phong kiến Lê-Trịnh (điểm 2)
2. Tuyệt đối kiên định, bất di bất dịch là đánh đổ phong kiến Lê-Trịnh , lập nên và lập lại vương triều Mạc (phục Mạc).
3. Quyết tâm bảo vệ đất nước, dầu hoàn cảnh nào “cũng không mời người Minh/ ngoại xâm đặt chân lên đất nước ta, coi đó là một tội lớn” (Mạc Ngọc Liễn)
– Năm 1540 Thái tổ Mạc Đăng Dung đã đẩy lùi 22 vạn quân Minh đã kéo sang biên giới nước ta. (sẽ trình bày kỹ ở phần sau-công lao của Mạc Thái Tổ)
– Chúa lớn (chẩu luông) Hoàng Mạc Công Chất, đánh đuổi giặc Phẻ, từ Vân Nam sang, thu hồi đất đai toàn Tây Băc, lấy lại Thập Châu bị phong kiến Trung Quốc chiếm: Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Châu La, Luân Châu, Quảng Lãnh, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Toàn, Tuy Phụ, Khiếm Châu.
4. Hết sức chăm lo đời sống cho nhân dân
Nhà Mạc chăm lo đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân, đã từng xây dựng một xã hội no ấm, ổn định, kỷ cương.
Chính sách kinh tế của nhà Mạc đã đem lại đời sống ấm no, an lạc cho nhân dân. Mặc dù quan điểm đối nghịch nhưng các sử gia nhà Lê vẫn phải thừa nhận về cảnh thái bình thời Mạc “Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đó, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn”[2].
Về nội dung này, sách Toàn thư ghi như trên và thêm một số chi tiết: “Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên”[3].
Phan Huy Chú nhân nói về vua Mạc Đăng Doanh, cũng ca ngợi tình hình xã hội và đời sống của nhân dân đương thời: “Mạc Đăng Doanh tính tình khoan hậu. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khoá. Bấy giờ được mùa, nhà no người đủ, trong nước gọi thời ấy là trị bình”[4].
Một sự kiện lịch sử được các nhà sử học đồng thanh nhắc lại nhiều lần, chứng tỏ rằng đó là một sự thật hiển nhiên.
5. Chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân:
– Nhà Mạc sùng Nho, sùng Phật, Lão, Mẫu, văn hóa dân gian,… (Thăng Long – Dương Kinh)
– Khi ở Mường Thanh, thủ lĩnh Hoàng Công Chất lại tiếp tục chăm lo đến đời sống nhân dân như các tiên đế của mình, điều này đã được ghi trong câu ca mà nhân dân đời đời truyền tụng:
“Người Thái với người Lào, người Xá.
Vui vẻ cùng nhau tay làm miêng hát” (Hậu Cao Bằng).
6. Nhà Mạc phát triển kinh tế toàn diện, “trọng nông” mà không “ức thương”, phát triển mạnh thủ công nghiệp, đặc biệt là đồ gốm; phát triển nội, ngoại thương (không “bế quan tỏa cảng”).
7. Nhà Mạc rất quan tâm đào tạo nhân tài, tổ chức đều mỗi ba năm một kỳ thi hội, kể cả lúc quân Trịnh sắp đánh đến Thăng Long. Đào tạo được 13 trạng nguyên và 458 tiến sỹ, trong đó có những nhân tài kiệt xuất như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, trạng nguyên Giáp Hải.
Nhà Mạc là triều đại duy nhất, trong “ngót nghìn năm của lịch sử khoa cử Việt Nam phong kiến” (Ngô Đức Thọ), đã lấy đỗ một nữ tiến sỹ độc nhất, bà Nguyễn Thị Duệ. Sau khi phát hiện bà Duệ giả trang con trai để đi thi, vua Mạc Kính Cung, không tru di về tội khi quân, mà mời bà vào triều. Điều này , thêm một lần nữa, trong muôn vàn sự kiện chứng minh tính chất dân chủ , nhân văn của nhà Mạc.
8. “Mạc thị sùng Nho” nhưng không độc tôn Nho giáo, khuyến khích cả Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng thờ thần làng, văn hóa dân gian, đạo Mẫu, và không bài xích tôn giáo ngoại nhập.
9. Mở rộng sở hữu tư nhân, coi trọng vai trò sáng tạo cá nhân. Lần đầu tiên trong lịch sử , tên nghệ nhân và người cung tiến được khắc trên đồ gốm.
10. Triều Mạc, thông thoáng, cởi mở về tư tường và ngôn luận
11. Vào thời Mạc, chúng ta đã xây dựng được một nền mỹ thuật riêng phát triển rực rỡ và độc đáo. GS Trần Lâm Biền đã viết: “Chúng tôi tạm có thể yên tâm mà nói rằng, thực sự đã có một nền mỹ thuật Mạc riêng. Nền mỹ thuật này đậm tính nhân bản, biểu hiện nhiều yếu tố tự do và phản ánh được một số vấn đề của lịch sử….Cuối cùng có thể nói rằng, nghệ thuật tạo hình dân dã trong thế kỷ XVI đã diễn ra dưới mắt ta như một sự “bùng nổ” tất yếu. Dưới bàn tay điêu luyện của nghệ sỹ đương thời, dòng nghệ thuật dân tộc đã được kế thừa và phát triển như mở đầu cho một thời kỳ “phục hưng” .[5]
12. Văn học Mạc tiếp cận sâu sắc đa dạng về đời sống thực tiễn. Điều này được coi là phát hiện lớn “được coi là phát hiện lớn” , là “mở đầu cho một dòng văn học chạm chân vào hiện thực, đã mô tả xã hội dưới góc nhìn đời tư và đời thường”, “là một cống hiến đáng kể của văn học thời Mạc” (Huệ Chi). coi trọng hiện thực trong sáng tác văn chương, mở ra một nền văn chương có tính thực tế và tính nhân văn
13. Nhà Mạc rất trọng chữ nôm. Thơ văn nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hàng, Hoàng Sỹ Khải, Lê Bá Ly,… đã tạo ra một thời kỳ văn học nôm rực rỡ trong lịch sử văn học dân tộc.
Nhận định chung về nhà Mạc, Trần Khuê, đã viết cách đây 24 năm (1991), lúc bấy giờ tư liệu mới về nhà Mạc chưa nhiều như ngày nay : “Tóm lại, có thể nói không quá đáng rằng: nhà Mạc là một vương triều chẳng có gì xấu hơn các vương triều khác và nó cũng tốt chẳng kém vương triều chính thống nào trong lịch sử dân tộc. Riêng về những nét độc đáo, mang bản sắc dân tộc thì hầu như ít có vương triều sau này sánh nổi”[6]
II. CÔNG LAO CỦA MẠC THÁI TỔ VÀ MẠC THÁI TÔNG
Thái tổ chỉ làm vua ba năm, sau đó giữ vai trò Thái thượng hoàng lui về Dương Kinh, làm “ngoại viện” cho Mạc Thái tông, thời gian 10 năm, tận cho đến khi Thái tông băng hà . Cho nên trong công lao của Thái Tông có sự đóng góp của Thái tổ.
II.1. Mạc Thái Tông
PGS-TS. Trần Thị Vinh nhận định về vua Mạc Đăng Doanh như sau: “Nắm giữ triều chính trong bối cảnh đất nước còn nhiều loạn lạc và lắm mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến thù địch, Mạc Đăng Doanh đã khéo biết chèo lái, vừa giữ vững pháp độ, vừa cấm làm những việc hà khắc, giảm nhẹ sưu thuế và tạp dịch, tạo dựng cho dân lành một cuộc sống bình yên, no đủ “ban đêm ngủ cửa không cần phải khoá”, “khi ra đường không phải mang theo khí giới để phòng vệ”, “nhiều năm liền phong đăng, dân cả bốn trấn đều yên ổn”[7].
…“Về mặt Văn hoá giáo dục thì triều vua Mạc Đăng Doanh đã làm được những việc vô cùng quan trọng và vô cùng có ý nghĩa, không chỉ đặt nền móng cho các triều vua sau mà còn cho cả vương triều Mạc, đó là việc đào tạo được một đội ngũ trí thức nho học có nhiều tài năng và tâm huyết phụng sự vương triều Mạc với những gương mặt vô cùng sáng giá đại diện cho lớp trí thức mới của thời Mạc nói riêng và trí thức của Đại Việt trong thế kỷ XVI nói chung, như: Nguyễn Thiến, Bùi Vịnh, Nguyễn Lương Bật, Nguyễn Bỉnh Kiêm, Giáp Hải v.v.. họ đều là những bậc trí thức có tài đỗ đạt dưới triều vua Mạc Đăng Doanh. Vào đầu thời Mạc, dưới triều Mạc Đăng Dung mới chỉ tổ chức được một khoa thi Tiến sĩ (năm 1529) tuyển chọn người tài vào giúp việc triều đình thì dưới triều vua thứ hai – Mạc Đăng Doanh, cứ đều kỳ, 3 năm mở một khoa thi chọn Tiến sĩ, mặc cho chiến sự xảy ra triền miên. Dưới triều Mạc Đăng Doanh đã tổ chức được 3 khoa thi vào các năm: Nhâm Thìn(1532), lấy đỗ được 27 Tiến sĩ, người đỗ đầu là Trạng Nguyên Nguyễn Thiến (đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh); năm Ất Mùi (1535) lấy đỗ 32 Tiến Sĩ, người đỗ đầu là Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh) và khoa thi năm Mậu Tuất(1538) lấy đỗ 36 Tiến sĩ, người đỗ đầu là Trạng nguyên Giáp Hải (đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh)[8]”.[9]
II.2. Mạc Thái Tổ: Cách ứng xử của Mạc Thái tổ-một kinh nghiệm lịch sử về đấu tranh “hoãn xung”
II.2.1. Duyên cớ của chủ trương “xuất quân chinh phạt” của nhà Minh, hành động bán nước của nhóm Trịnh Duy Liêu.
Phong kiến nhà Lê đã nhiều lần liên tục cho người đi cầu cứu nhà Minh đem quân sang đánh ta. Với danh nghĩa là đánh Mạc, nhà Minh sẽ thừa cơ tàn sát tiêu diệt luôn cả nước Việt. Đây là một mục đích truyền đời của phong kiến phương Bắc. Nhà Lê thừa biết điều này, nhưng vì quyền lợi ích kỷ của vương quyền, vẫn cứ ra sức van nài nhà Minh. “Nhà Mạc muốn tránh nguy hiểm trong cuộc đụng độ với nhà Minh. Tuy nhiên, nguy cơ chiến tranh ngày càng thúc bách, một phần bởi những mưu đồ thù địch của một số bề tôi trung thành với nhà Lê”[10].
Rất nhiều lần phái đoàn vua Lê hoặc bề tôi cũ của nhà Lê đi sang Trung Quốc để tố cáo nhà Mạc, kích động chiến tranh của nhà Minh. Riêng năm 1537 liên tiếp có 3 lần (kể cả trường hợp Vũ Văn Uyên):
– “Năm 1529, Trịnh Ngung, bề tôi cũ của nhà Lê đã sang Trung Quốc để tố cáo việc cướp ngôi của Mạc Đăng Dung”[11].
– “Ngay sau khi trung hưng triều Lê, năm 1533, Trịnh Duy Liêu liền được cử đi Trung Quốc để tiếp tục tố cáo việc cướp ngôi của Mạc Đăng Dung”[12].
– “Ngày 3 tháng 2 năm Gia Tĩnh thứ 16 (13 – 3 – 1537), cháu dòng đích của vua An Nam tên là Lê Ninh (Trang Tông) sai người trong nước là bọn Trịnh Duy Liêu gồm 10 người đến kinh đô xin hưng binh hỏi tội để cứu nguy nạn nước”[13].
– “Tháng 6 năm 1537, phái bộ của Trịnh Duy Liêu do triều đình Lê phái sang Yên Kinh”[14].
– “Ngày 6 tháng 9 năm Gia Tĩnh thứ 16 (9 – 10 – 1537). Trước đó người Giao chỉ Vũ Văn Uyên mang đồng đảng đến hàng… Văn Uyên có 10.000 quân, đợi thiên binh xuống phía Nam, sai cháu là Vũ Tử Lăng đóng tại cửa ải Thạch Lang để nhập theo”[15].
Tóm lại, âm mưu của phong kiến nhà Lê “cõng rắn”, “rước voi” rất dai dẳng, quyết liệt. Hơn nữa, không những chỉ van xin, mà còn ra sức tạo điều kiện vật chất, cụ thể để quân Minh nhanh chóng và thuận lợi kéo sang đánh ta.
Như thế rõ ràng là phong kiến Lê-Trịnh đã dẫm vào vũng bùn cũ, đi theo vết xe đổ của Trần Ích Tắc, mà những kẻ thực thi là Trịnh Duy Liêu, Trịnh Ngung, Trịnh Ngang, Vũ Văn Uyên. Họ đã nhiều lần quyết liệt, khẩn khoản van lạy nhà Minh kéo quân sang An Nam để “hưng binh hỏi tội”.Họ lại còn tạo điều kiện cụ thể để quân Minh giết hại dân ta có hiệu lực. Kết quả là Minh Thế Tông đã giao cho Mao Bá Ôn chỉ huy 22 vạn quân kéo sang biên giới, Vũ Văn Uyên và cháu là Vũ Tử Lăng đóng 1 vạn quân ở cửa ải để làm nội ứng.
Lịch sử cần ghi thêm danh sách những kẻ “cõng rắn”, “rước voi”, bên cạnh Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Gia Long; còn có Trịnh Duy Liêu, Trịnh Ngung, Trịnh Ngang, Vũ Văn Uyên.
Đây thực sự là bán nước, không hiểu tại sao nhiều người che đậy?
Có hành động bán nước trên , Mạc Đăng Dung mới buộc phải cứu nước theo phương hướng hoãn xung.
II.2.3.Chiến lược của Mạc Đăng Dung
Mạc Đăng Dung thực hiện một chiến lược vừa đánh vừa hoà.
– Chuẩn bị đánh: “Lê triều thông sử cũng cho biết Mạc Đăng Doanh đã tu sửa trại, sách, luyện tập thuỷ quân; trưng cầu hết thảy những cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước”[16]. Phục chức cho Thái bảo tĩnh quốc công Vũ Hộ, cử làm tả đô đốc Đông quân Chưởng phụ sự.
“Thù vực chu tư lục cho biết triều đình nhà Minh còn tranh cãi khá gay gắt về việc đánh hay không đánh. Khi Mao Bá Ôn đến Nam Ninh đã thấy quân dân Việt chuẩn bị chống lại quyết liệt, lấy thuốc độc, bã đậu bỏ vào suối nước, đào hố chôn cọc tre để ngựa sa hố, lại phao ngôn sẽ theo đường biển tập kích Quảng Đông. Như vậy, chứng tỏ khi ấy nhà Mạc chuẩn bị sẵn sàng hai kế sách chiến và hoà”[17].
– Lập nhiều đồn luỹ ở biên giới mà trong “Vãng giao chỉ đồ”, in ở An Nam đồ chí, nhà Minh gọi là “tặc doanh”.
– Cho người làm nhiệm vụ tình báo “dò la bám sát các hoạt động quân sự của nhà Minh, như trường hợp tri châu Nguyễn Cảnh, năm 1537, được nhà Mạc bí mật phái sang đất Minh để thu thập tin tức bị thổ quan của Vân Nam giữ lại”[18].
II.2.4. Thực chất việc thần phục, “dâng đất”
Một số người buộc Mạc Đăng Dung về “tội” đầu hàng và dâng đất. Hãy căn cứ vào tư liệu lịch sử chính xác để xem xét hai sự kiện này.
Ngô Đăng Lợi viết: “Qua ghi chép của Nghiêm Tông Giản, thì Mạc Đăng Dung cùng đoàn tuỳ tùng không được mặc phẩm phục, cổ đeo dây lụa tượng trưng cho sự đầu hàng đến lậy và cúi đầu (ngũ bái, tam khấu đầu) trước long đình che lọng vàng, tượng trưng cho hoàng đế nhà Minh, chứ không phải quỳ lạy viên tướng nhà Minh”[19], cũng không phải cởi trần tự trói.[20]
– Trả lại đất:
* “Bốn động biên giới đã bị nhà Minh lấy lại từ trước, thành chuyện đã rồi đối với nhà Mạc. Mạc Đăng Dung thực sự không hề mắc tội phản quốc, mà trái lại đã góp một phần quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị – xã hội trong nước, cũng như tái lập quan hệ bang giao với nhà Minh”[21]. Còn Lê – Trịnh mãi đến 1597 mới được nhà Minh xét công nhận (xem thêm ở phần sau).
* Trong biểu tâu vua Minh, Mạc Đăng Dung cũng viết đúng là bốn động vốn thuộc nhà Minh, mà họ đã lấy lại từ trước và ông đã nêu cụ thể lời của tri châu châu Khâm, Lâm Hy Nguyên, làm nhân chứng, chắc chắn đó là sự thật: “Mới đây thần nghe tri châu châu Khâm tỉnh Quảng Đông, Lâm Hy Nguyên, xưng rằng, các động Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích, Chiêm Lãng là đất cũ của châu Khâm; nếu đúng như vậy, thần xin vâng lời”[22].
* “Quả là Mạc Đăng Dung chưa hề cắt đất cho nhà Minh, nhưng ông đã bó tay và buộc phải chấp nhận sự kiện các động trưởng của bốn động sát biên giới Đông Bắc trở lại với nhà Minh… Làm sao nhà Mạc có thể giữ lại được bốn động trên khi mà các động trưởng đã bỏ về với nhà Minh? Thực tế chỉ có bốn động thuộc hai đô như vừa trình bày ở trên trả lại đất châu Khâm”[23].
* Cùng với các tư liệu trên, Minh Thực Lục ghi rất rõ , lệnh của Minh Thế Tông: “Sau khi bàn bạc rồi phúc tấu, Hoàng thượng mệnh: …… Ty phiên Quảng Tây mỗi năm cấp lịch Đại thống để thờ phụng theo chính sóc, hoàn lại bốn động đã xâm chiếm, cho châu Khâm,…” [24]
Xin nói rõ: “hoàn lại bốn động đã xâm chiếm, trả cho châu Khâm,” (Minh Thực lục) khác hẳn với : “những đất Trung Quốc chiếm được chưa phải là lãnh thổ của Trung Quốc, bây giờ Mạc Đăng Dung đem dâng….” (Trần Thị Băng Thanh)[25]
Nếu đối chiếu các điều kiện thần phục, trong tình hình đối nội, đối ngoại quá gay gắt và phức tạp như vậy, thì việc thần phục của vua Mạc đã mất một số hư danh mà được nhiều thắng lợi thực tế. Trong đó, quan trọng là tránh được một cuộc chiến tranh thảm khốc, bao gồm lực lượng của quân Minh bên ngoài ép vào và quân Lê – Trịnh từ trong đánh ra.
Xét trong lịch sử ngoại giao của chúng ta với phong kiến Trung Quốc có nhiều trường hợp phải hết sức lựa chiều, khéo léo.
“Bình Định vương Lê Lợi đại thắng quân đô hộ Minh nhưng vẫn phải cấp tàu xe, lương thảo cho Vương Thông rút quân, phải trả lừa, ngựa, binh khí, tù binh cho y; lại phải thực hiện danh nghĩa phù Trần diệt Hồ của nhà Minh mà dựng Trần Cảo làm vua, phải cống người vàng…”[26].
Về việc này, Phan Huy Chú nhận định: “Xét: Buổi đầu Lê, sau khi đã bình giặc Ngô, chưa tiện nói rõ cầu phong, bấy giờ phải quyền nghi cho xong việc, cho nên trước hết giả lập con cháu họ Trần; dùng lời nói dịu dàng, mềm dẻo để nhà Minh thôi việc binh mà nhận việc hoà hiếu. Đến khi Trần Cảo chết mới lại một phen bày tỏ, nói rõ cầu phong, thế mà vua Minh hãy còn lần lữa chưa cho, trải 3 năm mà mới cho tạm quyền việc nước, chưa chính thức phong vương vị. Thế cũng đủ thấy sự thế bây giờ là khó”[27].
Hoàn cảnh lịch sử của Vua Lê thuận lợi hơn hẳn Vua Mạc, thế mà phải hết sức mềm dẻo. Vì vậy, “Mạc Đăng Dung thần phục giả vờ để giữ độc lập thực sự” (Trần Quốc Vượng) là kế sách tuyệt diệu.
Vua Mạc Đăng Dung nhận các điều kiện thần phục, nhưng các vua Mạc vẫn xưng đế hiệu, dùng ấn vàng, phong tước vương cho các con, toàn quyền điều hành đất nước về mọi mặt, nhà Minh không can thiệp và đặc biệt là không có bóng quan quân Minh trên đất nước Việt.
“Thế là nhà Mạc được nhà Minh công nhận, nhà Lê – Trịnh thì không, mãi đến 1597 mới được nhà Thanh xét và phải theo lệ cũ thời Lê sơ, cống người vàng đền mạng Liễu Thăng”[28].
Đến năm này, Lê Duy Đàm thi hành việc cống người vàng, đồng thời xin nhà Minh phong Đô thống sứ và đúc ấn ban cấp:
“ Ngày 5 tháng 2 năm Vạn Lịch thứ 34 (13-3-1606)
…Con Huệ là Ninh kế tục nghiệp nhà Lê tại vùng sông Tất Mã, truyền được 4 đời. Đến Duy Đàm cùng bề tôi là Trịnh Tùng hợp mưu khởi binh diệt họ Mạc, lấy hết đất đai cũ. Nhân tiến người vàng thay thân, xin triều đình chiếu mệnh, được phong Đô thống sứ và đúc ấn ban cấp. Lúc này vào năm Vạn Lịch thứ 25…”14
Ở đây có hai việc tương tự:
Việc thứ nhất: nhà Mạc nhận chức Đô thống sứ, thì bà Băng Thanh lớn tiếng phê phán : “ xóa bỏ cả một đất nước đã có truyền thống mấy nghìn năm văn hóa , tổ tiên đã đỏ bao xương máu tâm trí để khai thác giữ gìn thì đó là một sai lầm không thể bỏ qua” . Xin nói thêm, nhận Đô thống sứ, nhà Mạc không hề xóa bỏ đất nước, họ vẫn xây dựng đất nước, đem lại cảnh ấm no, mở mang công thương nghiệp, tổ chức thi cử, đúng ba năm một kỳ. Về mặt thể chế ,các vua Mạc vẫn xưng đế hiệu, toàn quyền điều hành đất nước (vừa nêu ở trên) . Minh thực lục ghi đúng điều này, bà Băng Thanh một lần nữa, lại nói ngược với Thiên triều. : “Từ họ Mạc đến nay, tuy xưng Đô thống sứ, nhưng chế độ trong nước vẫn theo đế chế; triều đình tuy cấp ấn bạc nhưng không (sai sứ) đưa sách mệnh, lệnh đến gõ cửa quan ải để lĩnh” ,[29] nghĩa là nhà Mạc lờ đi , không nhận, nhà Minh cũng ỉm luôn.
Lịch sử thực tế diễn ra như thế nào, nói như thế ấy, đừng vu khoát, tưởng tượng.
Việc thứ hai: nhà Lê xin được phong chức Đô thống sứ, còn cống người vàng nữa. Thế thì nhà Lê có “xóa bỏ đất nước” không? Sự kiện rành rành như vậy, sao bà Băng Thanh lại dấu kín ?
II.2. 5. Nguyên nhân thắng lợi của chiến lược nhà Mạc
Nhờ đâu mà đập tan được âm mưu nhà Lê cầu xin Minh, đấy lùi được quyết tâm xâm lược sắt đá của nhà Minh?
– Trước hết là ý chí của nhà Mạc, bằng mọi giá không cho giặc đặt chân vào đất nước ta, như Mạc Ngọc Liễn là Đô uý thái phó Đà Quốc công, đồng thời là phò mã, khi lâm chung có di chúc lại: “… Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”[30]. Mạc Ngọc Liễn không phát ngôn ý kiến cá nhân mà tuyên bố tư tưởng lớn của nhà Mạc. Đinh Khắc Thuân nhận định đúng như vậy: “Lời trối trăng cuối cùng này của Mạc Ngọc Liễn cũng chính là ý nguyện của nhà Mạc nhằm tránh một cuộc chiến tranh ngoại bang”[31].
Thứ hai, là chủ trương vô cùng sáng suốt của Thái tổ Mạc Đăng Dung, chiến hoà kết hợp, hoà nhưng sẵn sàng chiến đấu. “Đầu hàng giả, chiến đấu thật”. Trong hoà không hại gì cho đất nước, chỉ dâng đất khống.
Thứ ba, Mạc Thái Tổ cũng dùng cả đấu tranh chính trị, đưa trạng [32]nguyên Giáp Hải đi, để biểu lộ ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước qua việc hoạ thơ. Có người nói bài thơ đã đuổi được giặc. Không thật đúng. Bài thơ là một bộ phận của cuộc đấu tranh toàn diện, có vai trò nhất định trong cuộc đấu tranh này.
Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã lựa chọn một phương thức đấu tranh tổng hợp rất thông minh, vừa làm cho địch đủ ngại ngần, lo sợ, vừa đủ cho Thiên triều đỡ mất mặt. Ông lại đặt quyền lợi tối cao của đất nước lên trên sỹ diện cá nhân. Nhờ vậy mà đẩy lùi đươc 22 vạn quân ngoại xâm và ít nhất một vạn nội phản; mà không tốn một mũi tên, không mất một giọt máu.
Nếu không có Mạc Đăng Dung và nhà Mạc thì đất nước ta lại trải qua một cuộc tàn sát dã man dưới lưỡi gươm của giặc Minh, được sự hỗ trợ hiệu lực của Lê-Trịnh. Nếu không có Mạc Thái Tổ, lại một lần nữa :
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ ….
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
(Bình Ngô đại cáo)
Có thể nói, vua Mạc Đăng Dung và nhà Mạc đã đấu tranh rất thông minh, đặc biệt năng động, nhờ vậy cứu đất nước khỏi một thảm hoạ chiến tranh đã liền kề. Lịch sử nước nhà và nhân ta cần biết ơn, ghi đậm công lao to lớn này.
Nguyễn Hải Kế nhận định rằng, những khu xử của nhà Mạc, tránh được cuộc chiến tranh mà trên thực tế vẫn bảo đảm chủ quyền quốc gia:“Với nhà Minh thì bên cạnh việc tăng cường phòng bị, bằng hàng loạt các biện pháp chính tri- ngoại giao mà triều đình nhà Mạc đã triển khai để tránh được một cuộc chiến tranh , mà trên thực tế vẫn bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Đặt trong bối cảnh thế kỷ XVI, những khu xử mà nhà Mạc đạt được là kết quả thực tiễn của tình cảm và trí tuệ đương thời”[33]
Quân dân và vua quan nhà Mạc đã nêu một bài học đấu tranh hoãn xung trong tình trạng thế và lực ta quá yếu so với đối phương, bao gồm cả ngoại xâm và nội phản hợp lại.
III. TÓM TẮT NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI CỦA NHÀ MẠC
Trên đây, chúng tôi đã nói nhiều đến những đặc điểm của nhà Mạc, nhưng cuối cùng vương tộc này đã thất bại nặng nề, nguyên nhân tại đâu?
Sự thất bại của nhà Mạc do một hệ nguyên nhân tổng hợp kéo dài nhiều thập kỷ. Có thể nêu ra 4 nguyên nhân chính:
1. Có những hiện tượng mất đoàn kết trong triều đình nhà Mạc, tiêu biểu là vụ Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi và Khiêm vương Mạc Kính Điển. Hai Ngài đều là đại trung thần của nhà Mạc , đều có tài nghiêng trời lệch đất . Chỉ tiếc là quan niệm về chọn người kế vị ngai vàng khác hẳn nhau nên dẫn đến việc đem quân đánh lại nhau gây tổn hại về thực thể và tinh thần rất lớn.
2.Cũng giống như bao triều đại phong kiến khác trong lịch sử, các vị vua nối ngôi về sau không giữ được những phẩm chất tốt đẹp của các bậc tiên đế , cũng góp phần khiến cho cơ nghiệp tổ tông không giữ được. Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng để khỏi nghe theo kẻ xấu đổ tội oan cho tiền nhân.
3. Có thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng về thủ lĩnh:
.1540, vua Mạc Đăng Doanh mất
.1541, vua Mạc Đăng Dung mất
.1546, vua Mạc Phúc Hải mất
4.Nguyên nhân quan trọng nhất là trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI có 2 xu hướng:
. Xu hướng tư hữu hoá ruộng đất, hình thành tầng lớp hữu sản , tư tưởng cởi mở phóng khoáng, trọng cả Nho, Phật , Lão và văn hoá dân gian; tôn trọng cá nhân; phát triển kinh tế nhiều mặt, nông công thượng nội ngoại thương.
. Xu hướng quan liêu bảo thủ Tống nho, trọng nông ức thương, bế quan toả cảng, độc quyền Nho giáo.
Cả hai xu hướng này đấu tranh loại trừ lẫn nhau. Sự thất bại của nhà Mạc là sự thất bại của xu hướng thứ nhất. Trong hoàn cảnh lịch sử đương thời, nhà Mạc chưa đủ điều kiện để chiến thắng xu hướng thứ hai. Xu hướng này còn tồn tại dai dẳng qua nhà Nguyễn và đến Cách mạng tháng Tám 1945 mới được giải quyết về cơ bản.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
1.Phương pháp tiếp cận mà chúng tôi thực hiện trong bài gồm mấy điểm liên kết với nhau:
– Chỉ tìm hiểu một sự kiện, một nhân vật lịch sử cũng rất cần đặt trong mối liên quan gần và xa của sự kiện và nhân vật đối tượng.
– Kết luận và nhận định phải thiết kế trên tư liệu, không thể trên sự phỏng đoán thiếu tư liệu, không nên phỏng đoán -giả sử, kiểu “Chẳng lẽ người Minh dễ lừa đến thế” (Trần Thị Băng Thanh). Phải tìm cho ra “dễ lừa hay không”.
Theo xu hướng của sủ học hiện nay được gọi là tân sử học (new history) hay xã hội sử học (social history), hoặc truyền khẩu sử học (oral history).
– Đã tìm được tư liệu rồi không nên coi “như đinh đóng cột” ngay.
Phải thẩm định đối chiếu thận trọng. Ví dụ: về “trả lại đất” chúng tôi đã dựa trên bốn tư liệu (xin xem trong bài) .
GS. Trần Quốc Vượng nói : sử gia Lê-Trịnh bôi đen lịch sử nhà Mạc , điều này rất đúng, mãi mãi đúng. Chúng ta rất biết ơn công lao các sử gia, không “phủ định sạch trơn” , như vậy là sai lầm nghiêm trọng, nhưng phải sử dụng thận trọng.
2. Trên cơ sở các phương pháp trên đây, chúng ta có thể rút ra nhận định:
– Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông đã có công lập nên môt triều đại tồn tại 242 năm, với ba thời kỳ lịch sử, 12 đời vua, một đời chúa; có những đặc điểm nổi trội (13 đặc điểm) mà không phải triều đại phong kiến nào cũng có được.
– Ngoài ra, riêng Mạc Thái Tổ đã làm tròn hai sứ mệnh lớn lao và nặng nề:
+ Lật đổ triều đại nhà Lê suy đồi để xây dựng một xã hội tiến bộ hơn,
+ Bằng các phương thức hoãn xung, phi chiến tranh, đẩy lùi cuộc chiến tranh nội ngoại xâm, của liên minh 23 vạn quân Minh-Lê-Trịnh.
Trên những thực tế lịch sử đtrên đây, chúng tôi đồng ý với GS Văn Tạo:
“Tôi tán thành việc Hà Nội đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông. Vì triều đại nhà Mạc tồn tại trong 65 năm nhưng đã cống hiến cho lịch sử, xã hội Việt Nam những thành tựu đặc sắc, mang lại phồn vinh, thịnh trị cho đất nước.”[34]
3. Cho đến nay, nhiều tỉnh thành đã đặt tên Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông như: Quảng Ngãi, An Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Gia Lai, Thanh Hóa, T/P Hồ Chí Minh.
Vậy Hà Nội, nơi nhà Mạc đóng đô 65 năm, việc đặt tên các vị là đúng đắn và cần thiết ./.
[1] Nguyễn Minh Tường: Nhà Mạc sau năm 1592 (trong sách Vương triều Mạc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1996, tr.304).
[2] Lê Quý Đôn: Lê triều thông sử, tiếp dẫn theo Đinh Công Vỹ, sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng, H, 1996, tr.363.
[3] Đại việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, 1998, tr.115.
[4] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Sử học, 1961, tr.180.
[5] Trần Lâm Biền . Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc, Kỷ yếu hội thảo Vĩnh Phúc, 2013, tr. 636-637.
Một số người buộc Mạc Đăng Dung về “tội” đầu hàng và dâng đất. Hãy căn cứ vào tư liệu lịch sử chính xác để xem xét hai sự kiện này
[6] Trần Khuê: Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và vương triều Mạc, , Trung tâm nghiên cứu Hán nôm, 1991, tr. 40.
[7] Lê Quý Đôn: Đaị Vieetjthoong sử, sdd , tr 270.
[8] Đai Việt sử ký toàn thư, sdd, tr. 272, 277, 278.
[9] Trần Thị Vinh: Mạc Đăng Doanh- người kế tục vẻ vang sự nghiệp của vương triều Mạc – đăng trên mactoc.com, 5/2012).
[10] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… Nxb Khoa học Xã hội H, 2001, tr. 73.
[11] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… Nxb Khoa học Xã hội H, 2001, tr. 73.
[12] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… Nxb Khoa học Xã hội H, 2001, tr. 74.
[13] Minh thực luc, v.80, t.4156 – 4157; Thế Tông q.197; t.1b-2a. Tư liệu Minh Thực Lục trong bài này được dẫn theo hai tài liệu:
– Minh thực lục, quan hệ Trung Quốc – Viêt Nam thế kỷ XIV – XVII, tập 3, Dịch và chú thích: Hồ Bạch thảo; hiệu đính và bổ chú: Phạm Hoàng Quân; PGS. TS. Nguyễn Minh Tường biên tập nội dung, Nxb Hà Nội, 2010.
– Việt sử: tư liệu cùng lời bàn, quyển hạ, Hồ Bạch Thảo, Thư ấn quán, 2009. (Tư liệu do Chu Xuân Giao cung cấp).
[14] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… Sđd tr.76.
[15] Minh Thực Lục, v.80, t.4262; Thế Tông q.204, trang1b (Tiếp dẫn).
[16] Đại Việt thông sử, bản dịch, 1968, t.4, tr.139 – 141.
[17] Ngô Đăng Lợi:Việc nhà Mạc giao thiệp với nhà Minh… Trong sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng xuất bản, H,1996, tr. 134.
[18] Đinh Khắc Thuân: Vương triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Sđd, tr78, 79.
[19] Ngô Đăng Lợi: Việc nhà Mạc giao thiệp với nhà Minh… Sđd, tr.135.
[20] Trong khi tôi viết bài này, có một người bạn rất quan tâm, nhiệt tình, gửi e-mail đến cho rằng Mạc Thải tổ đã cho người đóng giả mình đến Nam Quan. Đây là một sự việc rất lớn, xin nêu lên để tham khảo, tra cứu.
[21] Đinh Khắc Thuân: Vương triều Mạc qua…, Sđd, tr.88.
[22] Minh Thực Lục, V.82, t.4966 – 4973, Thế Tông, q.248, t.1b-5a (chuyển dẫn).
[23] Phạm Xuân Hằng (chủ biên): Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội, chương trình khoa học cấp nhà nước KX.09, Nxb Hà Nội, 2010, tr.150.
[24] Minh Thưc Lục,v. 82, tr.4966-4973;Thế Tông, q.248, tr. 1b-5a
[25] Trần Thị Băng Thanh: Không nên đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc thái Tông
(www.Tienphong.vn/van-nghe/khongnendattenduờnmacthaitomacthaitong) Tất cả dẫn chứng vê Trần Thi Băng Thanh đều lấy ở bài này.
[26] Ngô Đăng Lợi: Chính sách ngoại giao nhà Mạc, bài học lịch sử giá trị, trong sách Kỷ yếu Hội thảo khoa học Vương triều Mạc trong Lịch sử Việt Nam, H, 9 – 2010, tr.218.
[27] Phan Huy Chú: Bang giao chí, (bản dịch), Nxb Sử học, 1961. dẫn theo Ngô Đăng Lợi, Sđd, tr.218.
[28] Ngô Đăng Lợi: Chính sách ngoại giao nhà Mạc…, trong sách Kỷ yếu Hội thảo… Sđd, tr217.
[29] Minh thực lục v.115, tr.8142-8143;Thần Tông q.431, tr.5b-6a
[30] Đại việt sử ký toàn thư, tr.189.
[31] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… Sđd, tr81.
[32] Minh thực lục v.114, tr.7889-7890;Thần Tông q.418, tr.3a-3b
[33] Phan Huy Lê chủ biên, Nguyễn Hải Kế,…: Lịch sử Việt Nam, tâp II, Giáo dục Việt Nam, 2012, tr. 238.
[34] GS. Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học: Vấn đề lịch sử sau chuyện đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, Hồ sơ tư liệu, đăng ngày Thư Sáu, 19 tháng 6 năm 2015, Reds VN.
Ảnh: GS-TSKH. Phan Đăng Nhật
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.