- Đang online: 1
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 19001
- Tổng truy cập: 3,370,046
TÌNH HÌNH DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DI TÍCH DÒNG HỌ MẠC Ở VIỆT NAM Posted on Tháng Một 6, 2011by truonghung (Thái Kế Toại – Tháng 7/2010) 602
- 307 lượt xem
TÌNH HÌNH DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DI TÍCH DÒNG HỌ MẠC Ở VIỆT NAM
Posted on Tháng Một 6, 2011by truonghung (Thái Kế Toại – Tháng 7/2010)
Phạm vi vấn đề:
Hoạt động của dòng họ Mạc lập nên Vương triều Mạc Việt Nam có phạm vi địa lí rất rộng. Ngoài hoạt động chính diễn ra ở Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội và các địa phương trong nước hiện nay còn có thể kể thêm phạm vi ngoài nước như sau:
– Hoạt động của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi tại Trung Quốc và Cao Ly bao gồm cả Triều Tiên và Hàn Quốc. Có những nguồn sử liệu nói trong thời gian đi sứ ở Trung Quốc ông đã lấy em gái Trạng nguyên Cao Ly bạn ông làm vợ lẽ và để lại đây một chi họ Mạc gốc Việt Nam.Trước 1930 – 1945, trước 1975 chi họ này đã tìm về Hà Nội, Sài Gòn nhận họ nhưng không thành vì điều kiện chiến tranh, hiện nay chưa xuất hiện trở lại, họ Mạc ở Việt Nam cũng có nhắn tin tìm kiếm nhưng chưa có kết quả..
– Hoạt động của các chi họ Mạc chạy sang Trung Quốc như Mạc Chính Trung sau khi làm binh biến giành ngôi với sự phò rập của Phạm Tử Nghi bị thất bại năm 1547 hoặc như cha con Mạc Ngọc Liễn sau khi thất thủ ở vùng Đông Bắc năm 1594. Một số chi họ Mạc sống ở sát biên giới Việt Trung có tham gia giúp đỡ các đồng chí lãnh tụ của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật.
– Theo một nguồn tư liệu mới từ Trung Quốc nhà Mạc còn hai đời vua nữa có sự công nhận của nhà Thanh là vua Mạc Kính Tiêu, Mạc Kính Hỉ khoàng thời gian 1680 – 1685 trên đất biên giới Trung Quốc giáp Việt Nam. Sau khi nhà Mạc chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động vua Mạc Kính Hỷ và tùy tùng chuyển sang sống ở Myanma.
Do phạm vi địa lý của chủ đề quá rộng chúng tôi chỉ bàn về các di tích của nhà Mạc và họ Mạc lập nên vương triều trên lãnh thổ Việt nam.
Tình hình các di tích nhà Mạc và dòng họ Mạc ở Việt Nam
Năm 2009 tôi viết kịch bản và đạo diễn bộ phim tài liệu 5 tập Tiếng kèn nhà Mạc dài 150 phút về Vương triều Mạc và dòng họ Mạc. Phim đã được phát sóng trên Đài Truyền hình Hải Phòng và chiếu phục vụ Lễ Khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tháng 10 năm 2009.
Trong hai tháng quay phim chúng tôi đã thăm và quay phim hầu hết những di tích văn hóa – lịch sử – cách mạng quan trọng liên quan đến nhà Mạc và dòng họ Mạc trên 29 tỉnh thành phố từ Cao Bằng cho tới Bến Tre gồm Hà Nội, Hà Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre.
Trong thời gian viết kịch bản, khi nghiên cứu thư tịch, chúng tôi biết được các thư tịch lịch sử của nhà Mạc đều không còn, kể cả ở Trung Quốc và nước ngoài. Còn có một chút hy vọng là có thể hậu duệ họ Mạc đã cất giấu các thư tịch này ở một nơi nào đó, nhất là ở Cao Bằng, đang bị thất truyền mà chưa tìm ra được.
Thư tịch chung trong nước chỉ có trước hết là Đại việt sử kí toàn thư, sau có Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí. Tiếc rằng các cuốn sử này đều do các sử gia nhà Lê Trịnh, nhà Nguyễn biên soạn, phần nói về nhà Mạc thường không đầy đủ và thiếu tính khách quan khoa học. Về phần giai đoạn nhà Mạc tồn tại hơn 90 năm ở Cao Bằng thì sử liệu quá nghèo nàn và còn nhiều mâu thuẫn. Nhiều sự kiện, nhiều lĩnh vực quản lí xã hội, văn học của nhà Mạc không được chép đầy đủ.
Bù lại cho sự nghèo nàn về sử liệu chúng tôi không thể ngờ được phần di sản vật chất văn hóa của nhà Mạc và dòng họ Mạc lại còn tồn tại rất nhiều. Các di sản, di tích này phản ánh nhiều mặt thành tựu của nhà Mạc đối với đất nước..
Qua việc nhân dân bảo quản gìn giữ các di tích nhà Mạc nhất là trong điều kiện đã diễn ra cuộc trả thù, tàn phá vô cùng tàn bạo của nhà Lê Trịnh kéo dài hàng mấy trăm năm có thể thấy rằng nhà Mạc đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tình cảm của nhân dân.
Việc đánh giá, giữ gìn bảo quản các di vật, di tích của nhà Mạc và dòng họ Mạc hiện nay về cơ bản đã có nhiều kết quả tốt nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Chúng tôi xin nêu một số nhận xét như sau.
Di tích nhà Mạc và dòng họ Mạc có ở nhiều ở các địa phương từ địa đầu phía Bắc đến miền Nam nhưng tập trung chính ở miền Bắc và hình thành các cụm vùng di tích rõ rệt.
Có những cụm nổi bật như sau:
– Vùng Hải Dương ngày nay với trung tâm là Nam Sách nơi họ Mạc cư trú sớm nhất ở Việt Nam và phát tích khoa bảng với các trạng nguyên, tiến sĩ Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan, Mạc Đĩnh Chi, hiện có Lăng mộ và Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, từ đường họ Mạc Lũng Động, tượng đài và nhà kỷ niệm anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi. Hải Dương còn là một trung tâm văn hóa kinh tế thời Mạc với các vùng sản xuất gốm nổi tiếng trong nước và thế giới như Chu Đậu, với Văn miếu Mao Điền nơi nhà Mạc đã tổ chức thi tuyển 4 khóa tiến sĩ trong đó có Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Về phía tả ngạn sông Kinh Thầy ở Kiệt Đặc Chí Linh còn có di tích về bà Nguyễn Thị Duệ Tiến sĩ nho học nữ duy nhất của nước ta. Tại Kinh Môn còn có làng chạm khắc đá Kính Chủ và hang đá Kính Chủ căn cứ của các thân vương nhà Mạc kháng cự quân đội Lê Trịnh..
– Vùng Hải Phòng ngày nay với trung tâm là huyện Kiến Thụy là vùng có mật độ di tích nhà Mạc và họ Mạc nhiều nhất, là nơi phát tích Vương triều Mạc và là kinh đô thứ hai sau Thăng Long, kinh đô ven biển đầu tiên của nước ta. Ngoài vùng kinh đô Dương Kinh hầu hư bị tàn phá hoàn toàn, theo ông Nguyễn Văn Sơn vẫn còn 26 ngôi chùa có giá trị nổi bật về văn hóa thời Mạc. Điển hình là các ngôi chùa Nhân Trai, Hòa Liễu, Trà Phương, Minh Thị, Đằng Lâm, Câu Tử Nội, Trung Hành, Hưng Khánh, Chiêu Tường…còn giữ được dấu ấn văn hóa Mạc như ngựa đá, rồng đá, bệ đá, chân kê cột đá, sấu đá, tượng chân dung đá, tượng phật…. Vùng núi đá Thủy Nguyên giáp ngã ba sông Kinh Thầy vừa là căn cứ kháng cự của nhà Mạc, căn cứ cố thủ của Đốc Tít, một hậu duệ họ Mạc tùy tướng của Nguyễn Thiện Thuật, đồng thời vùng này có nhiều mộ táng hình thuyền thời cổ và có thể cả mộ các vị quân vương nhà Mạc. Vùng Kiến An cũ bao gồm các căn cứ quân sự nhà Mạc ở vùng núi Voi và nhiều cảng thị lớn như An Quý, Minh Thị, Đò Mè. Tại Tiên Lãng có di tích về Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
– Vùng Hà Nội ngày nay là nơi nhà Mạc đặt bộ máy quản lý đất nước tại kinh thành Thăng Long trong 65 năm. Vua Mạc Đăng Doanh đã cho tu bổ Văn Miếu- Quốc Tử Giám, khắc bia năm 1529. Năm 1585 vua Mạc Mậu Hợp có xây lại cung điện và sau cho đắp lại thành Thăng Long kéo dài tới Thanh Trì. Tiếc rằng trong cuộc chiến Lê- Trịnh –Mạc hoàng thành cùng sách vở đã bị đốt cháy, thành bị san phẳng. Nhưng trong hoàng thành còn di tích hoàng cung thời Mạc chưa được khai quật, còn di tích về cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội trong cuộc tấn công của thực dân Pháp của Tổng đốc Hoàng Diệu, một hậu duệ của họ Mạc. Đáng chú ý nhất đối với Hà Nội còn có các di tích văn hóa Mạc tại các đình Thụy Phiêu, Tây Đằng, Đình La Khê, đình Thanh Trì có giá trị nghệ thuật chạm khắc gỗ mang đậm bản sắc dân tộc thời Mạc. Tại các chùa Thầy, Trăm Gian, Chùa Trầm, Bối Khê, Chùa Đậu, chùa Nành… còn giữ được những bộ tượng Quan âm tam thế đẹp nhất Việt Nam, bệ con giống bằng đất nung, khám thờ Từ Đạo Hạnh… Hà Nội cũng còn dấu tích của tự do tín ngưỡng thời Mạc là các đạo quán, bây giờ là chùa Mui, chùa Ngo, chùa Sổ… Tại Hà Đông còn có di tích Bia Bà thờ Hoàng hậu họ Trần vợ vua Mạc Đăng Doanh…Xin nói thêm tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lấy bối cảnh nguyên mẫu của chi họ Mạc vùng Cổ Nhuế- Xuân Đỉnh.
– Vùng Cao Bằng ngày nay nơi nhà Mạc còn cầm giữ được hơn 90 năm sau khi thất thủ ở Thăng Long từ 1593 tới 1685. Ở đây còn khu kinh đô gọi là thành Bản Phủ, các thành có giá trị về quân sự như Nà Lữ, Lũng Hoàng, Phục Hòa, Mục Mã… Vết tích rõ nhất của các thành là các lò gạch chìm, gạch hòm sớ và đạn đá, súng thần công nhỏ. Nhiều di tich điền dã liên qua đến cuộc chiến tranh Lê Mạc. Một số miếu, đền thờ các hoàng hậu, công chúa nhà Mạc, một số chùa, đình. Đặc biệt các dấu tích kinh tế như kênh mương dẫn nước, chợ, bến thuyền buôn bán, làng rèn, làng dệt, làng mộc, chạm đá…và một khối lượng lớn các di sản về văn học dân gian, truyện thơ nôm Tày Nùng. Ở huyện Nguyên Bình còn Di tích nhà cổ, di tích cách mạng của dòng họ Mạc Minh Tâm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã ở một thời gian trong năm 1942 và gắn với các nhân vật có tên tuổi như Xích Thắng tức Dương Mạc Thạch, Nông Văn Quang tức Dương Mạc Úc.
– Vùng Nghệ An ngày nay với trung tâm là trục đường 7 với các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc là gốc định cư của các chi phái lớn của họ Mạc trấn thủ trấn Nghệ An ở lại hoặc di cư sau khi Thăng Long, Cao Bằng thất thủ. Đặc biệt có nhiều từ đường, lăng mộ họ Mạc là di tich lịch sử quốc gia. Từ đường họ Họ Phan Đăng, nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu, từ đường họ Phạm sinh ra Phạm Hồng Thái, Đền thờ Phó vương Mạc Đăng Lượng, Đài kỷ niệm nhà cách mạng tiền bối của ĐCSĐD Lê Hồng Sơn, đền thờ chí sĩ- nhà thơ Phạm Nguyễn Du, đền thờ Tán Quốc công Mạc Đăng Bình, đền thờ Tiến sĩ Thái Doãn Nguyên, Từ đường họ Hoàng Trần, Từ đường họ Nguyễn Trọng…
– Vùng Quảng Trị – Thừa Thiên Huế- Quảng Nam – Đà Nẵng là nơi một bộ phận con cháu họ Mạc có thể vì ý đồ chiến lược lâu dài đã tham gia cùng Nguyễn Hoàng khởi nghiệp cho nhà Nguyễn và một số chi họ Thái, chi họ Ngô là hậu duệ của các hoàng tử Mạc Nhân Phủ và Mạc Quang Khải trấn thủ châu Ô ở lại. Nhân vật đặc biệt cộng tác với Nguyễn Hoàng là Mạc Cảnh Huống thống binh của ba đời chúa Nguyễn được phong là khai quốc công thần. Cháu của ông là hoàng hậu Mạc Thị Giai, vợ chúa Nguyễn Phúc Nguyên mẹ chúa Nguyễn Phúc Lan. Con trai Mạc Cảnh Huống là Mạc Cảnh Vinh được lấy họ Nguyễn Phúc là Phó tướng cai quản Dinh trấn Phú Yên. Dòng tộc Mạc Cảnh Huống ngày nay là chi họ Nguyễn Trường cư trú tại làng Trà Kiệu Tây đang gìn giữ lăng mộ Mạc Cảnh Huống, lăng mộ Hoàng hậu Mạc Thị Giai, nhà thờ Ngũ Xã, nhà thờ Thánh An rê Phú Yên.
Tại Vĩnh Linh Quảng Trị theo tài liệu của linh mục Cac đi e đang còn làng Cổ Trai bé vốn do những con cháu họ Mạc Cổ Trai lớn ở Hải Phòng theo Mạc Cảnh Huống vào lập nên và ngôi chùa Lam Sơn do Mạc Cảnh Huống, Mạc Thị Giai xây dựng sau được nhà Nguyễn cho biến thành nơi thờ tự bà. Các chi họ Huỳnh, họ Hoàng gốc Mạc, họ Mạc ở Quảng Nam Đà Nẵng còn gắn với các di tích từ buổi đầu chống thực dân xâm lược Pháp. Tại Đà Nẵng có lăng mộ Quốc công Huỳnh Đức Dũng. Tại Điện Bàn có di tích của Đô đốc Hoàng Diệu. Tại di tich từ đường họ Hoàng gốc Mạc ở Duy Xuyên còn có một chiếc giếng Chăm cổ. Tại Huế, có nhiều di tich gắn với việc thờ tự Mạc Cảnh Huống, Nguyễn Phúc Vinh, Mạc Thị Giai, lăng mộ Thượng thư Thái Văn Toản, ngôi chùa Quy Thiện do ông lập nên.
– Dọc theo Trung Trung Bộ còn có các di tich của dòng họ Phạm Đăng sinh ra các võ tướng triều Nguyễn, trung tướng Phạm Kiệt, các di tích của dòng họ Phạm Công Mộ Đức sinh ra cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, họ Huỳnh Đăng ở Đức Phổ có lăng mộ Quốc Công Huỳnh Đăng Khoa. Một nhánh của họ Phạm Đăng Quảng Ngãi vào sinh sống ở Gò Công có cả một quần thể di tích lớn là Lăng Hoàng gia ở Gò Tân Quy Tây thờ các công thần nhà Nguyễn trong họ và Quốc công Phạm Đăng Hưng, người sinh ra Hoàng hậu Từ Dũ.
Cùng với các vùng di tích trên còn phải kể đến hệ thống thành lũy nhà Mạc ở một số tỉnh như thành Xích Thổ, thành Quảng Long ở Quảng Ninh, thành Lạng Sơn, thành Tuyên Quang, các thành nhà Mạc ở Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Bình, Ninh Bình …
Ở hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh còn các ngôi đình nổi tiếng thời Mạc như Thổ Hà, Lỗ Hạnh, Hữu Lũng…
Trong vùng đồng bằng Bắc bộ và Thanh Nghệ Tĩnh còn hàng trăm ngôi chùa được nhà Mạc trùng tu, xây mới. Có thể kể những ngôi chùa còn mang đậm văn hóa Mạc như Bổ Đà, Vĩnh Nghiêm, chùa Dâu, chùa Keo, Phổ Minh, Cổ Lễ…
Các chi họ Phạm gốc Mạc ở Xuân Thủy Nam Định còn giữ được một khu lăng mộ các thân vương nhà Mạc chuyển từ Cổ Trai về trước lúc chúa Trịnh Tùng tàn phá Dương Kinh. Khu mộ đã có tuổi hơn 400 năm. Chi họ Phạm Xuân Tỉnh còn bảo quản được nguyên vẹn thanh long đao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung.
Thời đại nhà Mạc còn để lại rất nhiều bia đá. Các văn bia này đã giúp cho các nhà khoa học giải mã, dựng lại một phần chân dung cuộc sống thời đại nhà Mạc bị che khuất. Nhiều di tich kinh tế và hạ tầng cơ sở đã mất nhưng nhân dân còn truyền lại nhiều địa danh phản ánh việc nhà Mạc chú trọng đến xây dựng hạ tầng cơ sở, giao thông, công trình thủy nông cho nhân dân
Trong vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ còn có vết tích nhiều cầu đá, bến đò, chợ… cùng các địa danh điền dã về rừng, ruộng, đê, kênh, đầm, đường nhà Mạc trong lòng nhân dân.
Cùng với các di tich văn hóa, lịch sử thời nhà Mạc, dòng họ Mạc còn có nhiều từ đường các chi họ Mạc gốc Mạc được chọn làm địa điểm hội họp, liên lạc trong thời kì cách mạng , trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhiều từ đường họ Mạc gốc Mạc đã dược xếp hạng di tich cách mạng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy rằng các thế hệ con cháu họ Mạc luôn luôn phát huy truyến thống yêu nước chống ngoại xâm của cha ông.
Có thể nói rằng hệ thống các di tích văn hóa- lịch sử- cách mạng của nhà Mạc và dòng họ Mạc đã bù đắp đáng kể cho tư liệu sử liệu hình ảnh tương đối chân thực cụ thể về cuộc sống con người xã hội thời Mạc, hoạt động quản lý đất nước của triều đình nhà Mạc, những đóng góp của Vương triều Mạc, dòng họ Mạc cho đất nước.
Tôi có mấy nhận xét như sau:
-Quan niệm chính thống về nhà Mạc của nhà Lê Trịnh đã làm ảnh hưởng tiêu cực trong một giai đoạn dài không chỉ tới việc nghiên cứu, viết sử mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo vệ gìn giữ các di sản, di tích nhà Mạc và dòng họ Mạc. Hầu hết các di tích nhà Mạc kể cả nhũng ngôi chùa quan trọng đã bị triệt phá bởi nhà Lê Trịnh. Những di tích còn lại bị bỏ quên trong một thời kỳ dài không được nghiên cứu phân loại, xếp hạng, tu bổ, chăm sóc nên bị hư hại nặng. Có những di tích bị xóa hết dấu vết như chùa Lam Sơn ở làng Cổ Trai Vĩnh Linh. Chùa Phượng Nhỡn ở Lạng Giang nơi vua Mạc Mậu Hợp, Mạc Kính Cung và sau này vua Quang Toản ẩn trốn bị bắt. Thành nhà Mạc ở Cẩm Phả, Thành Phao Sơn bị san bằng xây nhà máy, các làng sản xuất gốm nổi tiếng như Chu Đậu, Hợp Lễ, các cảng thị lớn như An Quý, Minh Thị, Đò Mè…đều bị san bằng, mất tích trong lịch sử mấy trăm nsăm.
Một số di tích chỉ được phục hồi xây dựng lại hoặc tu bổ trong thời kỳ nhà Nguyễn, chủ yếu là đình chùa, từ đường. Còn việc công nhận một số di tích nhà Mạc chỉ thực sự bắt đầu từ sau đổi mới, chính xác là từ sau khi tổ chức hội thảo khoa học về danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm, hội thảo về nhà Mạc. Việc nghiên cứu các di tích nhà Mạc cũng chỉ bắt đầu từ năm 1966 với khởi sự của cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung lúc đó là Viện trưởng Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cho nên trong một thời gian dài giới nghiên cứu mỹ thuật và văn học nước ta coi như không có mỹ thuật thời Mạc, không có văn học thời Mạc mà chỉ tính chung vào thời Lê.
Đó là một nguyên nhân chính làm cho hệ thống các di tích nhà Mạc và dòng họ Mạc chậm dược đặt trong phạm vi nghiên cứu chính thống, chậm được bảo trợ của pháp lý và chính sách của nhà nước dẫn đền tình trạng nhiều di tích bị hủy hoại, hoặc giá trị không được phổ biến.
– Qua quan sát thực địa của chuyến đi quay phim chúng tôi thấy cần có các hành động cụ thể với các di tich, di sản điển hình sau:
Tại Hải Phòng ngoài khu di tích Cổ Trai còn có khu di tích Trà Phương chưa được chú ý đúng mức. Làng Trà Phương là quê vợ của vua Mạc Đăng Dung tức hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã từng có một quần thể di tích thời Mạc rất hoành tráng ví dụ đình làng Trà Phương là nơi thờ Mạc Đăng Dung và hoàng hậu đã bị phá hủy hoàn toàn. Chùa Trà Phương vốn là chùa Bà Đanh có quy mô rất lớn nay còn các đá tảng kê chân cột rất to. Giới nghiên cứu trung ương và Hội sử học Hải Phòng đã triển khai công tác nghiên cứu khá công phu về các ngôi chùa Mạc nhưng cần chú ý bảo tồn các di tích ở Thủy Nguyên, đặc biệt là vùng núi đá vôi ở ngã ba sông Kinh Thầy nơi có di tích Thành Dền, Các di tích về Đề đốc Tít , các ngội mộ cổ đang bị tàn phá san lấp vì các hoạt động kinh tế.
Tại Cao Bằng cần có nghiên cứu mạnh dạn hơn rõ hơn các di sản nhà Mạc mang lên Cao Bằng để có một Cao Bằng là tiền đề cho căn cứ cách mạng, cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc xây dựng biên cương vững mạnh ngày nay. Ở đây có cả một quần thể di tích của nhà Mạc phong phú nhiều mặt nhưng nhiều di tích chưa được chú ý đúng mức. Như Thành Bản Phủ, kinh đô của Vương triều Mạc tồn tại gần 100 năm ở Cao Bằng trên diện tích rộng còn dấu vết vườn thượng uyển, giếng nước, hồ sen, đền Đống Lân. Thành Phục Hòa cách cửa khẩu Tà Lùng 10 km nơi nhà Mạc tiếp tục tồn tại từ năm 1677 đến năm 1685, ngoài di tích tường thành , đạn đá, lò gạch chìm ven sông Bằng, bãi tập, hang đá vua Mạc ở, đình làng còn nhiều giai thoại truyền thuyết về mối tình giữa công chúa Mạc Tuyết Lan với tướng Đinh Văn Tả người được nhà Lê giao đánh thành, công chúa Mạc Tuyết Lan làm ra lượn Slương.
Xóm họ Mạc ở Minh Tâm ngoài di tích hang đá Lê Nin nơi Hồ Chủ Tịch mở các lớp huấn luyện, còn nền nhà đồng chí Dương Mạc Thạch tức Xích Thắng nơi Hồ Chủ Tịch đã ở và làm việc, còn hai ngôi nhà sàn cổ gần hai trăm tuổi. Một ngôi là nhà thờ tổ họ Mạc Minh Tâm nơi Hồ Chủ Tịch đã viếng thăm. Một ngôi là nhà cụ thân sinh các ông Dương Mạc Thạch, Dương Mạc Úc, Dương Mạc Sẩy từng là nơi sinh hoạt của chi bộ đảng đầu tiên ở Nguyên Bình. Hai ngôi nhà đang trong tình trạng hư hỏng nặng mà chưa có kinh phí sửa chữa.
Theo chúng tôi được biết tại Quảng Ninh nhiều thành nhà Mạc đã bị tàn phá, chỉ còn lại hai thành Quảng Long và Xích Thổ. Thành Quảng Long còn tương đối nguyên vẹn. Thành Xích Thổ là một khu di tích lớn có vị trí chiến lược về quân sự, có địa thế du lịch còn là một tiền đồn của nhiều triều đại, là di chỉ khảo cổ thời tiền sử có quy mô hoành tráng nhưng đang bị tàn phá bởi nạn di dân vào thành. Các đền miếu đã bị tàn phá. Các vườn nhãn cổ đã bị chặt trụi. Cổ vật bị lái buôn về thu gom.
Tại Bắc Giang cần khôi phục ngôi chùa Phượng Nhỡn. Đây là một ngôi chùa lớn, chúng tôi còn thấy nền và móng chùa ngoài bãi sông. Dân địa phương cho biết chùa bị phá thời Pháp, dân lập chùa mới trong đồng lấy tên là Xuân Quang kế tự chùa cũ nhưng không được đầu tư, không gắn gì với lịch sử chùa Phượng Nhãn cũ.
Tại Quảng Trị chú ý các di tích mộ cổ, từ đường của các chi họ Thái gốc Mạc, họ Ngô gốc Mạc định cư ngay sau khi nhà Mạc lên ngôi, đổi họ do thất trận. Các di tích ở làng Cổ Trai Vĩnh Linh đã được linh mục Các đi e nghiên cứu viết trong các bài viết về những bà vợ của chúa Nguyễn, các con của chúa Nguyễn.
Tại Quảng Nam di tích lăng mộ Mạc Cảnh Huống chưa được xếp hạng, di tích lăng mộ Hoàng hậu Mạc Thị Giai được xếp hạng cấp tỉnh nhưng bị tàn phá chưa được tu bổ.
Tại Nghệ An cần xây Đài kỷ niệm cho liệt sĩ Phạm Hồng Tháí tại quê hương ông. Hiện chỉ có ảnh của ông trong bia của nghĩa trang liệt sĩ xã Hưng Thắng.
– Đề nghị các tác giả cuốn sách Mỹ thuật thời Mạc tái bản và bổ sung đầy đủ hơn các thông tin mới, tư liệu mới về Mỹ thuật thời Mạc bao gồm các bài viết mới và ảnh mới, bản rập họa tiết mới về các ngôi đình, các ngôi chùa, các pho tượng phật, tượng chân dung vua, ông hoàng bà chúa thời Mạc…
– Đề nghị chuẩn bị cho việc đẩy mạnh sưu tầm, xuất bản Tổng tập văn học thời Mạc, Toàn tập Nguyễn Bỉnh Khiêm và chuyên luận nghiên cứu Văn học thời Mạc. Trong đó có việc khai thác các bản khắc ở chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm có nguồn nói là có một số bài kệ của Mạc Đĩnh Chi.
Tuy tồn tại trong một thời kỳ không phải dài lắm trong lịch sử nước ta nhưng Vương triều Mạc đã thực hiện được sứ mệnh giải Hoa, tạo ra một hệ giá trị văn hóa nghệ thuật bản thể dân tộc làm tiền đề cho các giai đoạn phát triển tiếp theo của văn hóa dân tộc Việt. Do vậy các di sản của nhà Mạc được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá cao.
Đề nghị Hội đồng Mạc tộc Việt Nam cần có kế hoạch chủ động tổng hợp đánh giá toàn bộ các di sản, di tích thời Mạc và của dòng họ Mạc để phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu chuyên môn hoàn thành hệ thống công trình khoa học về chuyên đề này đồng thời đưa ra được những đề xuất với nhà nước và chính quyền các địa phương có biện pháp cấp bách tu bổ gìn giữ các di tích quan trọng đang bị xuống cấp.
Việc tu bổ các di tích thời Mạc cần nhiều công sức và tiền của. Có nơi làm tốt như đình Tây Đằng nhưng có nơi làm biến dạng di tích như đình Thụy Phiêu, các đạo quán như Linh tiên quán, Hưng thánh quán, Hội linh quán…không còn giữ được bản sắc văn hóa thời Mạc. Do đó việc phục hồi các di tích cần thận trọng và được đầu tư thích đáng.
Nếu như được nhà nước và các địa phương đánh giá đầy đủ và đưa vào hệ thống văn hóa du lịch, hệ thống các di tích lịch sử- văn hóa- cách mạng của nhà Mạc và dòng họ Mạc sẽ phát huy được giá trị quý báu, góp phần đóng góp cho việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, quảng bá văn hóa dân tộc và sự phát triển kinh tế, văn hóa , xã hội của quốc gia và các địa phương.
Khu Lăng mộ Mạc Thi Giai
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.