- Đang online: 1
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 19045
- Tổng truy cập: 3,370,059
BÁO CÁO THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA THÀNH ĐỀN – ĐẤU ĐONG Ở XÃ LIÊN KHÊ, HUYỆN THỦY NGUYÊN, TP. HẢI PHÒNG 573
- 236 lượt xem
BÁO CÁO THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA THÀNH ĐỀN – ĐẤU ĐONG Ở XÃ LIÊN KHÊ, HUYỆN THỦY NGUYÊN, TP. HẢI PHÒNG
(TS. Hoàng Văn Kể, Phó Chủ tịch HĐMT Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng – 3/10/2015)
Nhiều năm qua, một số nhà khoa học, sử học là con cháu họ Mạc, gốc Mạc cả nước và Hải Phòng hết sức quan tâm tới việc nghiên cứu, sưu tầm các nguồn sử liệu, các địa danh, sự kiện lịch sử được ghi chép lại trong sử sách chính thống và lưu truyền trong dân gian về các dấu tích, hiện vật, tư liệu liên quan tới Vương Triều nhà Mạc ở khắp mọi miền đất nước, đặc biệt ở khu vực xứ Đông và vùng đất Hải Phòng. Trên cơ sở đó, cùng với giới sử học, các chuyên gia trong nước, thông qua các Hội thảo khoa học, các diễn đàn, hội nghị, các công trình nghiên cứu, các bài viết, từng bước làm rõ vai trò và những đóng góp to lớn của triều đại phong kiến này trong tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc. Ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ thứ XVI, lịch sử đất nước chìm sâu trong khủng hoảng, các thế lực chính trị ra sức tranh giành quyền lực, đẩy đất nước và người dân vào cảnh khốn cùng, trong bối cảnh đó Nhà Mạc ra đời, Thái tổ Mạc Đăng Dung đăng quang Hoàng đế; nhưng cũng không ổn định được bao lâu, thì đã phải tiếp tục căng sức đối phó với thù trong, giặc ngoài. Vậy mà, nhà Mạc vẫn có nhiều chính sách cách tân, đổi mới, đặc biệt là chính sách “trọng nông – khuyến thương”, phát triển giáo dục, tuyển dụng nhân tài, tổ chức nhiều khoa cử, một thời đất nước thịnh trị, xã hội yên bình. Xin phép được trích đoạn bút tích của các sử gia triều Lê Trung Hưng đã ghi lại như sau: “… Thủa ấy, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài đêm không phải đóng; súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm đếm. Mấy năm liên tiếp được mùa, nhân dân bốn trấn đều yên”.
Cùng với việc làm rõ, sáng tỏ, khẳng định vai trò và sự đóng góp của Nhà Mạc dưới ánh sáng của quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, vai trò và đóng góp của Nhà Mạc được chính thức ghi nhận, các nhân vật lịch sử của Vương Triều được minh oan, các dấu ấn lịch sử, văn hóa của Nhà Mạc từng bước được khôi phục, những ghi chép lệch lạc, thiếu khách quan, dần được cải chính, sửa đổi. Tiêu biểu nhất trong số các sự kiện trong những năm gần đây là Đảng và Nhà nước, thành phố Hải Phòng đã quyết định cho thành lập quận mới Dương Kinh, đặt tên nhiều đường phố ở quận này mang tên các nhân vật lịch sử ở Vương Triều Mạc, đầu tư kinh phí cho huyện Kiến Thụy phục dựng lại Dương Kinh (kinh đô thứ 2 của triều Mạc), giai đoạn I trên diện tích 2,5 ha, với vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Công trình hoàn thành vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, được vinh dự mang tên sự kiện quốc gia này. Mới đây nhất, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Nghị quyết đặt tên 2 đường phố lớn tại thủ đô Hà Nội mang tên Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông và trong tháng 8/2015 vừa qua đã tổ chức trọng thể lễ gắn biển công trình. Đây là những minh chứng sinh động, hùng hồn nhất thể hiện sự sáng suốt, khách quan, công bằng, đúng đắn nhất của Đảng và nhà nước ta nhìn nhận, ghi nhận và đánh giá về các giai đoạn lịch sử nước nhà.
Với quan điểm trân trọng lịch sử, đóng góp hết sức cho việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các di sản về văn hóa, lịch sử do các thế hệ ông cha ta để lại cho dân tộc, phục vụ cho sự phát triển toàn diện, bền vững của các địa phương và cả nước theo các chính sách, pháp luật hiện hành. Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng xin cảm ơn Ban Tổ chức Hội thảo đã mời dự và cho phép tôi được trình bày tham luận tại diễn đàn khoa học quan trọng này.
Sau đây là những ý kiến cơ bản của Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng:
1. Khu vực đồi, núi thuộc thôn Thiểm Khê, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên có bề dày lịch sử, đã, đang và vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa đa dạng, phong phú, vô cùng quý giá, cần phải được bảo tồn, lưu giữ, tôn tạo và phát huy phục vụ các nhu cầu về nghiên cứu, giáo dục truyền thống, các hoạt động văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương, du khách thập phương, phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế, xã hội bền vững của địa phương và thành phố.
Mặc dù rất hạn chế eo hẹp về thời gian, điều kiện đảm bảo (kinh phí) không cho phép quy mô và phương pháp nghiên cứu sưu tầm của các cơ quan chuyên môn có chức năng về chuyên môn cao nhất theo quy định của Pháp luật, các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, bảo tồn, bảo tàng, nhưng trong các báo cáo kết quả nghiên cứu của họ, đã đủ thấy bề dầy lịch sử, văn hóa cũng như con người và mảnh đất ở đây, khu vực đồi núi ở đây đang lưu giữ những gì ? giá trị như thế nào ? Qua các báo cáo tham luận, có thể khẳng định: Với địa hình hiểm trở, thế núi, thế sông hùng vỹ vùng ngã 3 sông, vùng đồi, núi Liên Khê không chỉ là khu vực tiền tiêu, phên dậu, phòng thủ vững chắc, hiệu quả của cha ông chúng ta chống quân xâm lược từ biển vào, mà còn là khu vực thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán, phát triển sản suất kinh doanh. Bởi vậy trong các báo cáo kết quả nghiên cứu, sưu tầm, khảo sát, các nhà khoa học đã đưa ra giả thiết khoa học đầy thuyết phục rằng, tại đây đã hình thành nên một điểm tụ cư từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Hàng trăm hiện vật được phát hiện, lưu giữ, đã được giám định, phân tích bằng công nghệ hiện đại, xác định chính xác được niên đại và giá trị đích thực của nó. Quần thể đậm đặc di dản văn hóa vùng đất Liên Khê, nay được hệ thống lại một cách đầy đủ, tường tận, tỷ mỉ, chi tiết đủ để chúng ta hình dung, cảm nhận được những giá trị đến kinh ngạc mà mảnh đất, con người, cha ông ta để lại cho hậu thế sau này phải quyết tâm gìn giữ. Qủa là không sai qua các báo cáo, nghiên cứu, khảo sát này, chúng ta có thể khẳng định ở đây từng quả núi, viên đá, hang núi, bãi sông, từng con đường mòn, vườn cây, vạt ruộng, từng ngôi chùa, đình làng, ngôi đền, đều mang và lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử vô cùng quý giá. Những giá trị di sản văn hóa to lớn của vùng đất này, mà Hội thảo chúng ta hôm nay cần được làm rõ, khẳng định, chúng tôi cũng xin được khái quát, đánh giá như sau:
– Một là: Khu vực đồi núi thôn Thiểm Khê, xã Liên Khê với vị trí thuận lợi, nằm ở đầu mối giao thông đường thủy, điểm giao thoa của 3 con sông lớn được người xưa sử dụng một loại hình đi lại bằng đường thủy, phổ biến và hiệu quả nhất thời kỳ đó và còn là cửa ngõ giao lưu ra nước ngoài, chắc chắn sẽ là một khu vực trù phú, thuận lợi cho việc thông thương, buôn bán, là nơi hội tụ của tầng lớp thượng lưu, người giàu, có thế lực trong xã hội lúc bấy giờ. Bằng chứng tìm thấy là các ngôi mộ khác thường theo cách thức chôn cất, quy mô quan, quách, các đồ tùng táng chôn cùng hàng trăm đồ vật như: binh khí, đồ sành sứ … đã tìm thấy.
– Hai là: Với địa hình, thế núi, thế sông với đường sông độc đạo theo cửa Bạch Đằng từ biển vào, thì đây là khu vực phòng thủ cực kỳ hiệu quả, nơi đồn trú, cất dấu, rèn quân bí mật, tạo thế bất ngờ. Chắc chắn ông cha ta với con mắt tinh tường, thông thạo binh pháp, không thể không chọn nơi đây làm căn cứ phòng thủ vững chắc chống quân xâm lược. Điều này đã được nhiều học giả, các nhà nghiên cứu đặc biệt là Bảo tàng Hải Phòng, đã mô tả rất cụ thể vị trí, quy mô, kích thước của thành Dền, của Đấu Đong, người chỉ huy xây dựng nó; hiện vật cọc lim tìm thấy, được Viện Khảo cổ học Việt Nam giám định, phân tích bằng công nghệ phóng xạ hiện đại nhất hiện nay, khẳng định tại ngã 3 sông này, cha ông chúng ta đã đóng xuống các dòng sông, vừa ngăn không cho giặc tiến sâu vào nội địa, vừa làm mồi nhử, tạo thế huyệt tử, dồn chúng vào con đường độc đạo, buộc phải tháo chạy xuống cửa sông Bạch Đằng, để rồi phải ngập chìm trong biển máu trong các trận đại chiến ở cửa sông này. Trên đỉnh núi Bụt Mọc có một bãi trống rộng hàng ngàn m2, cha ông ta đã khéo sử dụng điểm cao này làm chòi canh, báo động mỗi khi có giặc. Trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng kháng chiến địa phương còn sử dụng núi, hang Bài Tằm làm nơi đặt sở chỉ huy đầu não của Mặt trận Liên Việt xã Liên Khê, để lãnh đạo cuộc chiến đấu ở địa phương; Tại hang núi Bờ Hồ giặc Pháp đã tàn sát 72 đồng bào ta. Di tích này hiện được bảo tồn, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân Liên Khê;
– Ba là: Trong suốt bề dày lịch sử, nền văn hóa đa dạng, đậm đặc, phong phú kéo dài hàng ngàn năm, vô cùng giá trị của vùng đất, con người ở đây, dấu ấn, vai trò rõ ràng, đậm nét nhất là thời kỳ Lê – Mạc. Hầu như trong tất cả các báo cáo, đặc biệt là tham luận của Nhà sử học Ngô Đăng Lợi, của Bảo tàng Hải Phòng, của học giả PGS.TS. Đinh Khắc Thuân, của Viện Khảo cổ học Việt Nam đều khẳng định điều đó: Di tích Thành Dền – Đấu Đong được phác thảo dựng lại với quy mô khá lớn (chiều dài 4000m, cao hơn 10m, chân thành rộng 8 – 15m); kết cấu cụ thể đất và đá dăm; Đấu Đong khoảng 7000m2; Ninh vương Mạc Phúc Tư là người bồi đắp, xây dựng kiên cố hơn, đồng thời là người được triều đình tin cẩn, đồn trú canh giữ công trình này; nhiều binh khí, đồ đồng, đặc biệt là đồ gốm sứ, dấu tích cọc gỗ, đồ thờ, tượng thờ, tiền cổ được lưu giữ tại nhiều đình, đền, chùa ở đây đều ở thời kỳ Lê – Mạc.
Cho dù lịch sử nước ta đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm theo quy luật vận động của xã hội loài người và sự nhìn nhận lịch sử từ những vị trí, quan điểm và thời điểm khác nhau cũng khác nhau; Song trên hết, các di sản văn hóa cho dù ở thời kỳ nào? Triều đại nào? Nhân vật lịch sử nào, thì cũng vẫn là tài sản, di sản quốc gia mà cha ông chúng ta để lại cho đời sau, đều là di sản chung của dân tộc. Bởi vậy khi đã tìm thấy, đã khẳng định được các giá trị của nó, thì sẽ đều phải được gìn giữ, bảo tồn theo quy định của pháp luật, để phát huy, khai thác phục vụ cho cộng đồng, xã hội, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
2. Những diễn biến đáng quan tâm:
– Thời gian qua, do chưa được quan tâm và ít có điều kiện để nghiên cứu, khảo sát, đánh giá một cách khoa học những giá trị của Di sản văn hóa lịch sử tại đây. Đồng thời phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế trước mắt, cấp có thẩm quyền đã cho phép các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác tài nguyên, khoáng sản, đào bới đất đá làm vật liệu xây dựng thông thường khu vực này. Do buông lỏng quản lý hoặc chừng mực nào đó không quản lý được, đã dẫn tới tình trạng hoạt động khai thác khoáng sản ở đây diễn ra rất sôi động, ồ ạt, bừa bãi với nhiều sai phạm nghiêm trọng như: Khai thác quá thời hạn cho phép, có đơn vị không có chức năng hoạt động khoáng sản cũng được cấp phép khai thác; đào quá độ sâu, quá khối lượng cho phép, không có biện pháp xử lý, bảo vệ môi trường, hoàn trả môi trường, đóng cửa mỏ v.v…
– Việc khai thác sôi động, tấp nập, bừa bãi trong vài năm trở lại đây, đã nhanh chóng làm biến dạng địa hình, địa mạo, cảnh quan, gây tiếng ồn, tàn phá môi trường, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất và đời sống nhân dân địa phương. Đặc biệt làm biến mất nhiều di sản, dấu tích, địa danh, hiện vật lịch sử vô cùng quý giá, mà các thế hệ người xưa xây dựng bằng công sức và cả xương máu để giữ gìn, bảo vệ nó, thì nay không còn nữa. Đây là điều đáng tiếc nhất, sự mất mát to lớn cho xã hội do chính con người gây nên.
– Gần đây, rất nhiều tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, các nhà khoa học trong đó có Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố; Hội Sử học Hải Phòng; Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng đã lên tiếng, nhân dân địa phương rất bức xúc, gửi nhiều đơn thư kiến nghị lên các cấp, báo chí vào cuộc, các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đã chất vấn gay gắt tại diễn đàn kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố vừa qua, xã, huyện các ngành chức năng thành phố đều đã có các văn bản kiến nghị lên UBND thành phố và huyện Thủy Nguyên, đề nghị tăng cường công tác quản lý, không cho hoạt động khoáng sản tại đây, sớm có chủ trương, cho phép nghiên cứu lập quy hoạch, lập dự án lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa ở khu vực này.
– Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này mới chỉ hạn chế một phần nào, hiện tại vẫn đang diễn ra khá sôi động, nguy cơ bùng phát, tàn phá mạnh trở lại.
3. Một số đề xuất, kiến nghị:
– Các báo cáo khoa học tại hội thảo này cùng với các văn bản báo cáo của huyện Thủy Nguyên, của Sở Kế hoạch và Đầu tư; của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước đó, một lần nữa khẳng định vùng đồi núi xã Liên Khê nói chung, thôn Thiểm Khê nói riêng, đã lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý giá liên tục qua nhiều thời kỳ lịch sử của dân tộc. Di sản văn hóa Thành Dền – Đấu Đong là hạt nhân, trung tâm, tiêu biểu, nổi bật nhất. Bởi vậy, theo Luật Di sản văn hóa và Luật Khoáng sản, cần phải được gìn giữ, bảo tồn ngay từ bây giờ;
– Đề nghị thành phố và huyện Thủy Nguyên và các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch toàn bộ khu vực này từ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, sang sử dụng vào mục đích bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch, dịch vụ;
– Đề nghị cho dừng triệt để toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản tại đây; không cấp phép khai thác mới cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời thu hồi các giấy phép vừa mới cấp;
– Cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Thành Dền được tiến hành nghiên cứu, lập quy hoạch và lập Dự án Bảo tồn, tôn tạo, phục dựng Di sản văn hóa tại khu vực này, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống, tham quan du lịch, hoạt động tín ngưỡng, tâm linh cho nhân dân địa phương, du khách thập phương trong và ngoài thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội địa phương ./.
(Thưa BTC Hội thảo, thưa toàn thể quý vị đại biểu, đến đây tôi đã trình bày hoàn tất Báo cáo tham luận của Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng và cũng là tâm nguyện của bà con cô bác dòng họ trên cả nước. Tôi vô cùng vinh dự được BTC Hội thảo và toàn thể quý vị đại biểu đã cho phép trình bày và lắng nghe. Xin trân trọng cảm ơn !)
Ảnh: TS. Hoàng Văn Kể, trình bày tham luận tại Hội thảo.
Tin: Hoàng Sơn Hiền – CVP HĐMT Hải Phòng
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.