- Đang online: 1
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 16314
- Tổng truy cập: 3,369,107
CẦN BAO NHIÊU NĂM ĐỂ MỘT XÃ HỘI SUY ĐỒI THÀNH MỘT XÃ HỘI THỊNH TRỊ?
- 225 lượt xem
CẦN BAO NHIÊU NĂM ĐỂ MỘT XÃ HỘI SUY ĐỒI
THÀNH MỘT XÃ HỘI THỊNH TRỊ?
Mạc Văn Trang
Đọc ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (trọn bộ – NXB Thời Đại, 2011)) từ trang 761 đến trang 830, mô tả từ khi vua UY MỤC lên ngôi (1505) và tiếp sau 5 đời vua Lê nữa, tình hình nước Đại Việt vô cùng rối ren. Từ khi MẠC ĐĂNG DUNG lên ngôi (1527), được ba năm “trong cõi tạm yên”, và mấy năm sau dưới thời Mạc Đăng Doanh, đất nước đã “thái bình, thịnh trị”. Thật khó tưởng tượng. Vậy ta hãy xem sự thật lịch sử được ghi lại thế nào?
Vua UY MỤC vừa lên ngôi (1505-1509) đã giết bà nội là Thái Hoàng Thái Hậu và 2 quan đại thần là Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật vì những người này không chịu lập mình làm vua.
“Vua từ sau khi lên ngôi, đêm vào cung với cung nhân uống rượu vô độ, ai say thì giết. Bấy giờ quyền về họ ngoại, (…) cậy quyền thế dìm hãm thần liêu, có khi vì tư ý mà giết hại sinh dân, có khi dùng ngón kín mà yêu sách tiền của; phàm súc vật, hoa màu của dân gian đều cướp cả, cùng nhà dân ai có đồ lạ vật quý thì đánh dấu chữ vào để lấy. Nhân dân ta oán mà vua vẫn không chừa. Lại mang lòng ngờ ghét. Phàm các quan người nào khi trước không muốn lập mình thì thường giết đi. (…). Từ đấy mọi người tự lấy làm nguy, càng muốn phản loạn” (sđd trang 766).
Những người thân thích của vua thì …“Bọn Thừa Giáo, Thừa Nghiệp đi đường, quan viên và nhân dân trông thấy từ xa một dặm đã trốn ẩn vào nhà người ở phố xá, đợi họ đi qua mới ra. Nguyễn Đình Khoa mật sai người đi đến thừa hiến phủ huyện các xứ trong nước, cho đến dân gian, lấy hiếp những con gái chưa chồng, làm khổ nhân dân, trong nước đều thất vọng”. (sđd, tr. 768). “Bấy giờ vua giết hại người tôn thất”. “Thậm chí thuốc độc bà nội, sát hại các thân vương. Lấy lòng riêng mà giết nhân dân, không biết cùng cực; lấy thân thiết mà đòi tiền của, mặc sức tham lam. Bốn biển khốn cùng, muôn dân sầu oán” (sđd, tr. 769). Dân gọi là vua quỷ. Lương Đắc Bằng có hịch kể tội: “Tước đã hết, mà lạm thưởng không hết. Dân đã cùng, mà lạm thu không cùng. Thu thuế đến tơ tóc, mà dùng của như bùn đất. Bạo ngược như Tần Chính, đãi công thần như chó ngựa, coi dân chúng như cỏ rác…” (sđd, tr. 769).
Năm 1510 vua TƯƠNG DỰC giết vua Uy Mục và hoàng hậu Trần Thị, tự lập làm vua (1510-1516). Lương Đắc Bằng được phục chức và thăng chức, nhưng ông khước từ. Tuy nhiên ông rất hy vọng vào vị vua mới, nên đã dốc lòng hiến kế. “Thần mỗi khi nghĩ đến thời sự, suốt đêm không ngủ, đến bữa không ăn, lòng trung thành của chó ngựa không thể tự bỏ qua được. Kính xin bày tỏ ra 14 kế sách về việc trị bình tâu lên như sau: 1. Chăm răn ngừa để dẹp tai biến; 2. Dốc đạo hiếu để khuyên trung hậu; 3. Xa thanh sắc để gốc lòng chuyên nhất chính đính; 4. Đuổi bỏ kẻ tà nịnh để trong nguồn muôn việc; 5. Sẻn tiếc quan tước để cẩn thận việc khuyên răn; 6. Công bằng tuyển bổ để trong sạch đường làm quan; 7. Dè dặt của dùng để khuyên thói kiệm phác; 8. Nêu khen tiết nghĩa để trọng đạo cương thường; 9. Cấm hối lộ để bỏ thói tham ô; 10. Sửa võ bị để mạnh thế chống giữ; 11. Chọn người làm gián quan để phấn khởi người dám nói; 12. Nới nhẹ sức dân để thỏa tình mong đợi; 13. Ra hiệu lệnh cho tin để thống nhất tâm chí bốn phương; 14. Cẩn thận pháp độ để mở thịnh trị đời thái bình”…
Không những nghe theo, vua còn “cụ thể hóa” thành 50 điều và ban bố “TRỊ BÌNH BẢO PHẠM” cho cả nước. … “Trẫm nghĩ tổ tông gây dựng khó nhọc, thương làng xóm đau khổ lầm than, vì mưu cho xã tắc và nhân dân, cả dấy nghĩa quân, dẹp yên bốn biển” (…) “Những muốn cho điển chương chế độ, đổi mới hết thảy, bèn chọn lấy những việc có quan hệ đến chính trị phong tục, chép làm tập TRỊ BÌNH BẢO PHẠM để ban hành trong nước. Thần thứ các ngươi đều phải thể theo lòng trẫm, học lấy mà làm, để cùng đến thịnh trị, để hưởng phúc thái bình muôn đời, để bền cơ đồ lâu dài ức năm”… Lời vàng, ý ngọc của vua náo nức lòng người. Toàn quan, toàn dân “ra sức học tập, làm theo”. Vua còn “cày ruộng tịch điền, cán cày bị gãy”. Vua còn trực tiếp hỏi thi, tuyển người hiền tài “Mùa hạ tháng 4 ngày 27, vua thân ngự thi Điện, đầu đề văn sách hỏi về nhân tài” (sđd, tr. 790). Vua còn nhiều lần xướng họa thơ phú với các quan, chứng tỏ vua có học hành đàng hoàng…
Vậy mà chỉ ở ngôi mới 3 năm với “quyền lực tuyệt đối”, vua đã “tha hóa tuyệt đối”! “Lại làm thuyền chiến, sai thợ vẽ kiểu, sai bọn nữ sử cở truồng chèo ở hồ Tây, vua cùng chơi, lấy làm vui thích lắm” (…). Sai người thợ Vũ Như Tô làm điện to hơn trăm nóc, hết tiền của và sức dân trong nước. Lại làm đài chín đợt (Cửu trùng đài), trước điện đào hồ thông với sông Tô Lịch, để dẫn nước vào, thả thuyền Thiên Quang đi chơi”… “Dân gian đau khổ, quân lính nhọc mệt (…). Vua mỗi ngày bất thần ngự chơi các nơi, chỗ nào vừa ý thì thưởng bài vàng bạc. Có chỗ đã làm xong, lại đổi lại, đổi lại lấp lại, mấy năm không cùng. Quân lính đắp thành bị bệnh dịch đến một phần mười”. (sđd, tr. 792). Lời bàn của sử quan: “Linh ẩn (vua) gian dâm với vợ lẽ của cha, để tang cha mẹ ít ngày, mượn tên của anh để cướp nước, xa hoa dâm dục quá độ; hình phạt thuế khóa nặng nề, giết hết các thân vương, giặc cướp nổi dậy khắp nơi, đương thì gọi là vua lợn, điềm nguy vong đã hiện ra vậy” (sđd, tr. 794). Triều chính rối loạn. Trên bảo dưới không nghe. Quan quân nổi loạn, đua nhau cướp phá.
Trinh Duy Sản đem quân vào điện giết vua Tương Dực. Nghĩa quân Trần Cảo đánh vào Thăng Long. “Kinh thành thất thủ, xã tắc bỏ phế, nhân dân các thành tranh nhau lấy vàng bạc của báu; bạch đàn xạ hương, lụa là tơ gai, đầy cả các nhà dân gian; sách vở, hồ tiêu, hương liệu các thứ vứt bỏ ở đường cái cao đến 1,2 tấc, không thể kể xiết”… (sđd, tr. 794).
Trịnh Duy Sản giết vua Tương Dực, lập Mục Ý VƯƠNG mới 8 tuổi lên làm vua (Quang Trị). Nhưng Quang Trị lại bị Trịnh Duy Nhạc là anh của Trịnh Duy Sản bắt vào Tây đô (Thanh Hoá) rồi mấy ngày sau giết đi, lập Cẩm Giang Vương tên là Ý, tức vua CHIÊU TÔN (1516-1522). “Bấy giờ buổi loạn lạc, quyền bính không ở trong tay mình, trong nghe siểm nịnh gian trá, ngoài say mê săn bắn chim muông, ngu tối không biết gì, ương ngạnh tự phụ, đến nỗi nguy vong là đáng lắm” (sđd, tr. 798). (…)
Vua như vậy nên các quan ở dưới “Chỉ gấp việc tìm ruộng tìm nhà; chỉ chăm việc bán quan, bán ngục. Trong thì phủ vệ các chức, ở đấy mà ra; ngoài thì thừa hiến các quan, tự tay tuyển bổ. Dạ tham lam như hố khe chứa chất; bọn chân tay thì trọng vọng đón mời,. đục khoét hương thôn, dân đã cùng mà không thương đến; rối loạn cương kỷ, chính đã hỏng mà chẳng nghĩ chi”..(sđd, tr. 802)… “Năm ấy trong nước đói to, nhân dân chết đói năm gối lên nhau” (sđ d, tr. 803). Các tướng lĩnh chia bè phái, đánh lẫn nhau. Tướng Trần Chân và nhiều tướng có công dẹp loạn thì bị dèm pha, bị giết. Bọn gian thần thì lộng quyền, phè phỡn. Loạn kinh thành, vua phải bỏ chạy sang Bồ Đề (Gia Lâm). .. “quân Sơn Tây cướp phá bừa bãi trong thành không còn gì cả. Kinh sư thành ra nơi đánh cá và săn bắn”. (sđd, tr.806). Trinh Tuy và thủ lĩnh nhóm Sơn Tây lập vua mới là Bàng, được mấy tháng lại giết đi, lập Lê Do lên.
“Tháng 9 ngày 20 vua (Chiêu tông) về Kinh (…) phong Mạc Đăng Dung làm Minh Quận Công”… Sai đi dẹp loạn…
“Tân Tị năm thứ 6 (1521). Mùa Xuân phong Mạc Đăng Dung làm Nhân Quốc công, tiết chế thập tam đạo thủy bộ chư dinh” (sđ d, tr. 810). Tiếp tục sai đi dẹp loạn…
“Tháng 7, vua ngự đến phủ đệ của Mạc Đăng Dung, gia phong Thái phó”. Tháng 8, vua ngự điện Quỳnh Lâm, úy lạo Mạc Đăng Dung và các tướng sĩ đi các địa phương Kinh Bắc, Lạng Nguyên lùng bắt Trần Cung” (sđ d, tr. 811).
“Tháng 9, sắc dụ cho Mạc Đăng Dung và các tướng sĩ các dinh rằng: “Trẫm nghe vì nước trừ hung, tới nguy đạp hiểm là trách nhiệm của tướng quân (…) “đã từng trèo núi vượt sông, xông pha mưa gió, phá giặc ở các huyện Phượng Nhãn, Bảo Lộc, đốt cháy quân dinh của giặc, chém cắt được tại của giặc, bắt sống được quân của giặc, quân đi đến đâu không xâm phạm mảy may của dân, cư dân các xã đều đã thú phục, tin báo thắng trận nhiều lần tâu lên, trẫm rất khen ngợi. Vậy sai Đông các Đại học sĩ Nguyễn Quýnh mang sắc dụ đến úy lạo khanh và tướng sĩ các dinh, lại có 100 lạng bạc giao cho khanh tùy tiện thưởng cho những người có công.” (sđd, tr.812). Vua giao tiếp nhiệm vụ phải quét sạch các sào huyệt lâu năm của giặc, để “dân một phương lầm than, yên ở như xưa, cho thông đường xứ đi, cho hết việc lo nghĩ; thì công lao danh tiếng của khanh để mãi trong vũ trụ, lời thề sông cạn đá mòn hưởng mãi đến con cháu, không bao giờ cùng”. ( sđd , tr., 812).
Trong khi Mạc Đăng Dung đem quân dẹp loạn các nơi thì “Mùa hạ, tháng 4 ngày 20, ở kinh thành giặc nổi, đốt cháy phố xá ở kinh kỳ”… (812). Giặc trước, giặc sau, bốn bề; giặc lại chính là các quan quân triều đình bất mãn và các thủ lĩnh nông dân nổi lên. Có một sự kiện đáng chú ý: thủ lĩnh Bá Hiếu bị bắt nộp về Kinh sư. “Trước kia Bá Hiếu ở làng , người làng ai cũng cho là người tốt, đến khi bị bắt, người làng già trẻ đến hơn 50 người đến cửa khuyến xin chuộc tội cho Bà Hiếu. Vua không cho, đem giết chết ở chợ Đông, bêu đầu 5 ngày”. (sđ d, tr.813). Chắc hẳn, sau nhiều năm dẹp loạn, Mạc Đăng Dung đã nhận ra, không thể làm công cụ cho một triều đình thối nát, đi đàn áp nhân dân; dẹp loạn thực chất là cảnh nồi da nấu thiện, huynh đệ tương tàn, không biết sẽ chém giết nhau đến bao giờ! Ông đã ngừng dẹp loạn bên ngoài, tỏ ý dung hòa, thu phục nhân tâm… nên “Khi ấy Mạc Đăng Dung uy quyền một ngày một to, lòng người đều hướng về” (813). Thấy Mạc Đăng Dung như vậy, vua nghi kị, lo sợ. “Vua mưu ngầm với bọn Phạm Hiến, Phạm Thứ, sai người đem mật chiếu về Tây Kinh bảo Trinh Tuy đón tiếp giúp đỡ. Đến canh 2 đêm 17, bọn Hiến Thứ vào hầu yến, rồi đón vua ra ngoài, hoàng thái hậu và em là Xuân không được biết” (sđ d, tr. 813)…
“Tháng 8 ngày mồng 1 Đăng Dung cùng bọn Lê Phụ đem các quan cùng tôn hoàng đệ Xuân lên ngôi hoàng đế” (sđ d, tr. 814) (tức CUNG HOÀNG ĐẾ)
Lúc này nước có 2 vua. Vua Quang Thiệu tập hợp lực lượng bên ngoài lên đến hàng vạn người, liên tục tiến đánh các vùng phụ cận, bao vây Thăng long… “Tháng 9 ngày 20 Quang Thiệu Đế lại đem quân về kinh sư, đóng ở phía tây kinh thành” (sđ d, tr. 815). Tuy nhiên, nội bộ tướng lĩnh lại lục đục, đánh lẫn nhau. Rồi “Bọn Tuy bắt hiếp Quang Thiệu về Thanh Hóa” (…). “Từ đấy trong nước đều thất vọng” (sđ d, tr. 816). Ít lâu sau vua Quang Thiệu bị giết.
CUNG HOÀNG ĐẾ ( 1522 -1527) lên ngôi ở Thăng Long được 5 năm, tình hình vẫn rối ren.
Tháng 6, (1527) Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào Thăng Long. “Bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đều đón vào kinh sư. Ngày 15, các quan đã đứng vào hàng chầu, chưa có tờ chiếu nhường ngôi, các quan bảo Lại bộ Thượng thư Trương Phu Duyệt thảo ra. Trương Phu Duyệt trợn mắt mắng rằng: “Thế là nghĩa gì?”. Lại bảo Đông các đại học sĩ Đạo Nguyễn Bá Nguyễn Văn Thái thảo”… Chiếu nhường ngôi có đoạn: … “Ta không có đức, gánh vác không nổi. Mệnh trời lòng người theo về người có đức. Xét ngươi là Thái sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung có tư chất duệ khí, tài lược văn võ, ngoài đánh bốn mặt, các phương phục tòng, trong coi trăm quan, mọi việc đều tốt, công to đức lớn, trời cho người theo, nay theo lẽ phải, nên nhường ngôi cho. Nên cố sửa đức, lâu giữ mệnh trời, để yên dân chúng. Mong kính theo đó” (sđ d, tr. 822).
“Ngày hôm ấy, ĐĂNG DUNG xưng hoàng đế, đại xá, đổi niên hiệu là MINH ĐỨC. Giáng phong vua làm Cung vương, cùng với hoàng thái hậu đều giam ở cung Tậy nội. Sau vài tháng bắt tự tử”. (sđ d, tr. 822)
MẠC Đăng Dung lên ngôi được 3 năm (1527 -1530) “trong cõi tạm yên”… “tự thấy mình tuổi già, bèn đem ngôi truyền cho con trưởng là Đăng Doanh (…) lấy nghề đánh cá mà rong chơi làm vui” (sđ d, tr. 826). (Một võ tướng sử dụng thanh Đại long đao hơn 20kg mà 47 tuổi đã tự kêu già “cáo vua”, về rong chơi đánh cá với dân chài làm vui. Chứng tỏ Mạc Đăng Dung chẳng hám làm vua?)
MẠC ĐĂNG DOANH lên ngôi ( 1530 – 1540), tiến hành hàng loạt các chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến thương; an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, phát hiện, trọng dụng hiền tài… Chỉ chưa đầy 10 năm mà triều chính ký cương, xã hội thái bình, mọi mặt đều phát triển khó tưởng tượng! “Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt giữ. Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên” (sđ d, tr. 829)
Về nội dung này, Lê Quý Đôn trong Lê triều thông sử, ghi như trên và thêm một số chi tiết: “Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đó, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn”[1].
Phan Huy Chú nhân nói về vua Mạc Đăng Doanh, cũng ca ngợi tình hình xã hội và đời sống của nhân dân đương thời: “Mạc Đăng Doanh tính tình khoan hậu. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khoá. Bấy giờ được mùa, nhà no người đủ, trong nước gọi thời ấy là trị bình”[2].
Một sự kiện lịch sử được các nhà sử học đồng tình nhắc lại nhiều lần, chứng tỏ rằng đó là một sự thật hiển nhiên.
Như vậy chỉ cần khoảng 10 năm, dưới sự trị vì của Vua Mạc Đăng Dung ba năm, sau nhường ngôi cho con Mạc Đăng Doanh mà nước Đại Việt từ tình hình triều chính rối ren, xã hội loạn lạc, suy đồi trở thành đất nước ổn định, xã hội thái bình, thịnh trị. Đánh giá Vương triều Mạc nói chung và Mạc Thái tổ, Mạc Thái tông nói riêng, cần phải nhìn toàn bộ sự ổn định canh tân và phát triển của nước Đại Việt về chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa , xã hội … đem lại đời sống hòa bình, hạnh phúc cho muôn dân trăm họ, mới thấu hiểu được những đống góp của nhà Mạc cho đất nước.
Ngày 30/6/2015
Mạc Văn Trang
[1] Lê Quý Đôn: Lê triều thông sử, tiếp dẫn theo Đinh Công Vỹ, sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng, H, 1996, tr.363.
[2] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Sử học, 1961, tr.180.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.