- Đang online: 1
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15316
- Tổng truy cập: 3,368,875
GIÁO DỤC NHO HỌC VÀ THI CỬ Ở ĐÔNG KINH DƯỚI THỜI MẠC
- 629 lượt xem
PGS.TS. ĐINH KHẮC THUÂN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Nhà Mạc thay thế nhà Lê vào năm 1527, đến năm 1592 thì phải lánh nạn lên Cao Bằng, tồn tại đến năm 1677 thì chấm dứt hoàn toàn. Nói đến thời Mạc là nói đến thời kỳ nhà Mạc trị vì ở Thăng Long (1527-1592). Cũng khoảng thời gian này, nhà Lê Trung hưng (từ năm 1533), hoạt động chủ yếu từ Thanh Hóa trở vào. Vì vậy Thăng Long dưới thời Mạc thường được gọi là Đông Kinh để phân biệt với Tây Kinh của nhà Lê Trung hưng ở Thanh Hóa. Tuy trị vì trong khoảng thời gian không dài như vậy, nhưng nhà Mạc đặc biệt có nhiều thành tựu trong việc giáo dục Nho học và thi cử.
1. Tôn sùng Nho giáo
Nho giáo là một học thuyết chính trị, mà nhờ đó có thể thể chế hóa chính sách cai trị nhằm củng cố quyền lực của Nhà nước phong kiến. Tuy nhiên, người sáng lập ra đạo Nho là Khổng Tử được tín đồ của ông tôn thờ như vị Thánh và nghi thức cúng lễ cũng diễn ra như các tôn giáo khác. Việc thờ cúng Khổng Tử và các bậc Tiên hiền ở Văn miếu được dựng ở Kinh đô, còn các địa phương thì lập Văn chỉ.
Văn miếu Hà Nội, được xây dựng dưới thời Lí Thái Tông (1028-1054) sau khi Kinh đô được dời về Thăng Long, tiếp đó được tu bổ và mở rộng quy mô vào năm 1070, dưới đời vua Lí Thánh Tông. Trong lần tu bổ này, người ta cho tạc tượng Khổng Tử cùng các vị Tứ phối, vẽ 72 vị Tiên hiền để thờ, cùng cho dựng nhà Quốc tử giám để làm nơi giảng dạy Nho học. Từ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442), niên hiệu Đại Bảo, triều đình nhà Lê cho dựng bia khắc tên người đỗ các kì thi Hội, gọi là bia Tiến sĩ. Dưới thời Lê sơ, kiến trúc ở đây phân thành hai cụm chính là Văn miếu và Quốc tử giám, sau đó được mở rộng quy mô vào thời Mạc và thời Lê Trung hưng. Khi nhà Nguyễn xây dựng Kinh đô ở Huế năm 1802, thì một Văn miếu khác cũng được xây dựng ở Huế. Từ đó Quốc tử giám ở Thăng Long không còn là trường quốc học nữa và người ta cho dựng ở đây nhà Khải Thánh để thờ cha mẹ Khổng Tử(1).
Trong thời kì trị vì ở Thăng Long, nhà Mạc nhiều lần cho tu sửa Văn miếu, Quốc tử giám như năm 1536: “Họ Mạc sai Đông quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Khiêm Quận công Mạc Đình Khoa trùng tu Quốc tử giám”(2). Quốc tử giám dưới thời Mạc được xây dựng và bổ sung nhiều hạng mục công trình khác làm thành quần thể kiến trúc quy mô, như xây thêm điện Sùng Nho, nhà Thái học, nhà Minh Luân và hành lang; đồng thời còn có nơi cư trú cho học sinh, dưới tên gọi là Xá sinh, Thượng xá sinh và Trung xá sinh mà học sinh ở đây đã mang theo tên gọi này, như Xá sinh Nguyễn Bá Thuật, Trung xá sinh Nguyễn Trí Hòa, Thượng xá sinh Phạm Chuyết phu(3). Cũng vào thời Mạc, trong Văn miếu Quốc tử giám này có tòa thượng điện, gọi là cung Đại Thành, nơi thờ cúng Khổng Tử và các bậc tiên hiền mà vua Mạc từng đến tế lễ, như đoạn chép của Lê Quý Đôn sau đây: “Mùa đông năm Đinh Dậu (1537), Đăng Doanh đến trường Thái học sinh làm lễ tế tiên thánh tiên sư”(4).
Việc thờ cúng Khổng Tử và các Tiên hiền ở Việt Nam trong các thời kì lịch sử chủ yếu mô phỏng theo nghi thức thờ cúng ở Trung Quốc. Tuy vậy Văn miếu ở Việt Nam có quy mô nhỏ bé hơn nhiều so với Văn miếu ở Trung Quốc. Trong Văn miếu ở Thăng Long, ngoài thờ Khổng Tử và các hiền triết Trung Hoa ra, người Việt Nam còn tôn thờ Chu Văn An, một vị Nho học có tiếng ở thời Trần, từng giữ chức Tư nghiệp Quốc tử giám và biên soạn sách Tứ thư thuyết ước, sách quảng bá đạo Nho. Việc thờ cúng ở Văn miếu không hẳn giống hoạt động của một tôn giáo, nhưng được xem như một trong những nghi thức tế lễ quốc gia.
Đến nay ở đây, ngoài hai bia Tiến sĩ được dựng dưới thời Mạc ra, hầu như không còn một đoạn văn khắc nào trong các lần tu bổ Văn miếu dưới thời Mạc, nhưng dấu tích kiến trúc và tượng thờ được mô phỏng theo các đời trước, trong đó có thời Mạc thì còn lại khá rõ. Kiến trúc chủ yếu là tòa bái đường để làm nơi tế lễ và toà thượng điện để đặt tượng thờ.
Ở địa phương, các Hội Tư văn gồm những Nho sinh tập hợp trong từng địa phương, cho dựng Văn chỉ hay Văn từ để làm nơi tôn thờ tiên hiền và khuyến khích việc học. Các bậc tiên hiền ở đây bao gồm cả những Nho học tiền bối ở địa phương. Hội Tư văn hàng huyện khá phổ biến vào thời Lê Trịnh và đã bắt đầu xuất hiện ở thời Mạc. Văn bia tiên hiền huyện Tân Minh (nay thuộc huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) khắc năm 1574, cho biết rằng “Hộ bộ Thượng thư giao cho huyện quan, cấp 3 sào ruộng ở xứ Đống Gà để dựng đền Tiên Hiền cho tiện thờ cúng”(5). Như vậy là nếu việc xây dựng chùa, quán do dân làng và tín thí lo liệu, thì việc xây dựng đền Tiên Hiền có sự bảo hộ của Nhà nước. Vào thời điểm này, Hội Tư văn huyện Tân Minh bao gồm các vị Nho học của 11 tổng, cả thảy là 185 vị, trong đó có cả những quan lại đương chức, người đỗ đạt và Nho sinh sống ở làng. Hội Tư văn này cũng đã định lệ tế lễ hàng năm vào ngày 25 tháng 2. Hội Tư văn dần dần trở thành phổ biến ở các thời kì sau thuộc các cấp hành chính từ xã, tổng, huyện và thậm chí cả ở tỉnh. Các hoạt động này thường gắn với từng địa phương và được pha trộn bởi các tín ngưỡng khác.
2. Chú trọng giáo dục và khoa cử
Nhà Mạc ngay sau khi ổn định chính quyền, liền tổ chức kì thi Hội đầu tiên vào năm 1529, tại Văn miếu và định lệ duy trì đều đặn ba năm một kì thi Hội. Trong thời gian trị vì ở Thăng Long (1527-1592), nhà Mạc đã tổ chức đều đặn được 22 khoa thi Hội, lấy đỗ 485 Tiến sĩ và 13 Trạng nguyên.
Để khuyến khích người học và đề cao khoa cử, ngay sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã theo thể lệ khoa cử thời Lê, cho dựng bia đá, ban thưởng cho người trúng tuyển. Tuy vậy, số bia Tiến sĩ thời Mạc hiện còn ở Văn miếu chỉ có 2 bia. Văn bia đầu tiên dựng ngay khoa thi đầu của nhà Mạc tổ chức vào năm Minh Đức thứ 3 (1529), như tuyên ngôn của nhà Mạc về chính sách trọng dụng nhân tài và coi trọng giáo dục khoa cử. Bài văn bia có đoạn viết:
“Những kẻ sĩ hào kiệt đều do khoa cử mà ra. Ngày xưa nhà Ngu hỏi các quan mà dùng người thì cái nghĩa tốt của khoa mục đã bắt đầu, nhà Thành Chu tìm tài mà cất nhắc thì phép tắc hay của khoa mục đã hình thành. Về sau đến các đời Hán, Đường, Tống cùng nước Đại Việt ta vua hiền đức kế tiếp nhau trị vì đều lấy khoa mục làm bậc thang cho hào kiệt tiến lên.
Kính nghĩ:
Thánh triều ta, thánh thiên tử là người thông minh hơn đời, mở mang việc tốt cho nước. Dùng võ công mà định đoạt thiên hạ, dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học để mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái. Nhân văn được trau dồi, thi cử được đổi mới. Phàm những điều lệ về thi cử, ban ấn vinh theo cấp bậc, so với thời xưa đều rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều.
Kẻ sĩ gặp gỡ thánh triều, được hấp thụ nền giáo hóa tốt đẹp mới, được thi đậu, tiến lên con đường vẻ vang, lại khắc tên vào bia đá, há không phải là vinh hạnh lắm ru ! Vậy nên cảm phục đức lớn, gắng gỏi tiến lên, lấy trung thành làm nếp, lấy lễ nghĩa làm khuôn; tâm thuật phải ngay thẳng, làm nên sự nghiệp to lớn và lâu dài như Lã Văn Mục biết theo chính đạo mà giữ mình để giúp ích cho sự thịnh vượng thái bình, như Hàn Ngụy công biết dùng khoa mục mà giúp nước để giữ gìn nền trị an cho thiên hạ. Được như vậy thì người đời mới khen là bậc trạng nguyên chân chính, là vị tiến sĩ nổi danh, trên không phụ sự cất nhắc của thánh thiên tử, dưới không phụ điều học hỏi của mình, công nghiệp to lớn rực rỡ của mình sẽ sáng chói trên tấm bia đá vậy…”(6).
Sau lần dựng bia này, nhà Mạc năm Đại Chính thứ 7 (1536) còn cho dựng bia ghi lại khoa thi năm Mậu Dần niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518) của nhà Lê, nhằm đề cao khoa cử và thu phục lòng người, nhất là trung thần nhà Lê. Bài văn bia có đoạn viết:
“Kính nghĩ: Thánh triều ta, ơn trời mở vận, thánh đế nối nhau. Trước ngày, Thái Thượng hoàng nhận mệnh trời, mở khoa thi để thu dùng kẻ sĩ. Nay Thánh Thiên tôn sùng đạo Nho, mở tiếp trường học để gây dựng nhân tài. Chế độ hoàn toàn đổi mới, quy mô rất mực lớn lao. Đặc biệt sai kiểm tra các bia đề tên tiến sĩ của triều Lê trước, khoa nào đã có bia mà bị vỡ lở thì lập lại bia khác, khoa nào đáng ghi mà chưa có bia thì dựng bia mới. Lại sai bọn hiền thần chia nhau soạn các bài ký. Như thế là coi trọng những điều mà nền văn đáng trọng, làm đủ những việc mà đời trước chưa làm. Ý nghĩa thật là to lớn (…). Duy có khoa Mậu Dần năm Quang Thiệu 3 (1518) thì lẽ ra là khoa thi thường lệ của năm Đinh Sửu, Quang Thiệu 2 (1517). Nhưng vì năm ấy nhiều việc mà lùi sang năm sau. Trong bảng hổ có 17 người (…). Những người này hiện vẫn giữ chức tước, nhiều người dần dần được dùng vào việc lớn: người thì tham dự việc lễ, nhạc, binh, hình trong nước; người thì gìn giữ kỷ cương tai mắt cho nhà vua; người kiêm các chức ở quán, các, giúp việc tiến cử hiền tài; người ở ngôi công, khanh, giữ các bộ, viện; người tham gia việc lớn ở địa phương, trông nom pháp lệnh ở đó. Các tiến sĩ trong khoa này, sau khi được đề tên vào bảng hổ, nay đã gần 20 năm mới được khắc lên bia đá. Nhờ ơn vua tô điểm, khích lệ, được vẻ vang long trọng như thế, vậy định báo đáp ra sao? Tất phải cùng nhau cố gắng, hết lòng trung trinh, cạo cho hết nhơ, mài cho thực sáng, danh tiết cho bền, đức hạnh cho tốt, khí khái cho lỗi lạc, tiếng tăm cho vang lừng. Làm viên ngọc quý, làm nén vàng mười, làm thuốc đan sa, làm của quý giá, làm cho đức vua thêm tôn quý, ngôi vua thêm vững vàng, thiên hạ được vững bền như Thái sơn, bàn thạch. Như vậy thì bia ấy, tên ấy khắc vào vật nặng vạn cân, càng lâu càng không mòn được. Nếu không thì ngoài là ngọc, trong là đá; danh với thực không xứng nhau, người đời sau sẽ chỉ tận tên mà chê trách – Tại sao vậy? Vì danh là khách của thực, thực là chủ của danh. Có danh, lại có thực thì danh vì thế được coi trọng. Có danh mà không có thực thì danh vì thế bị coi khinh. Thần xin đem những điều ấy mà khuyên nhủ những người được đề tên và cũng tự khuyên nhủ mình. Còn như họ tên, chức tước của các quan Đề điệu, Độc quyển, Giám thí đã kê đầy đủ. Thần xin làm bài ký”(7).
Thực ra không phải khoa thi nào cũng được dựng bia, nên nhà Mạc ngay sau khi lập vương triều, đã chủ trương khôi phục những khoa thi chưa được dựng bia.
Vì nhiều lí do, nhất là bởi chiến tranh, nên sau đó nhà Mạc không duy trì lệ dựng bia đá. Năm 1582, Đề điệu Thiếu bảo Trần Thì Thầm dâng sớ tâu bày việc dựng bia đá và ghi vào sổ vàng người thi đỗ, nhưng không được thực hiện. Bài sớ này được chép lại khá đầy đủ trong chính sử, có đoạn sau:
“… Từ niên hiệu Đại Chính, Quảng Hòa, cho tới Vĩnh Định, Cảnh Lịch tuy là thời kỳ lắm việc, mà vẫn thường mở khoa thi tuyển nhân tài, nhưng hai thịnh điển kể trên, cũng đều chưa tính tới. Hiện nay, chính là thời kỳ đáng nên khôi phục thịnh điển ấy, và sửa sang cho tốt đẹp thêm. Vậy xin bệ hạ, ra lệnh cho các vị triều thần bàn định, bắt đầu tự năm nay trở đi, mỗi khi mở khoa thi xong, liền sai bộ Công tạo bia đá, khắc tên các vị trúng tuyển; các vị văn thần thì soạn bài ký ca tụng, khắc luôn vào bia đó. Chiếu xét những khoa thi trước, khoa nào chưa có bia thì lập bia, hoặc còn thiếu sót thì điền bổ cho đầy đủ. Lại sai các vị văn thần biên chép tất cả tên các vị trúng tuyển vào quế tịch. Như vậy không những mỹ quan một thời, mà còn để đời sau xem xét, tên các vị khoa mục sẽ lưu thơm tới ức nghìn vạn năm! Không phải chỉ là thịnh sự của các vị tiến thân, mà thực là một sự hiển vinh của quốc gia vậy…”(8).
Hoàng đế Mạc Mậu Hợp cho là hiện lúc này trong nước đang thời kỳ lắm việc, nên chưa thi hành.
Như vậy, nhà Mạc hết sức coi trọng việc giáo dục khoa cử. Tuy nhiên dựng bia tiến sĩ mới chỉ được đề xướng và chỉ thực hiện được một hai trường hợp ở giai đoạn đầu. Việc tổ chức thi cử thì trái lại khá đều đặn, ngay cả khi chiến tranh ác nghiệt áp sát kinh thành Thăng Long năm 1592, thì nhà Mạc cũng đã tổ chức được khoa thi cuối cùng tại hành dinh Bồ Đề.
3. Thể lệ thi cử và tổ chức trường lớp
Như khảo sát của Phạm Đình Hổ người sống sau thời Mạc chừng hai thế kỷ, thì thể lệ thi cử dưới thời Mạc được duy trì theo quy định năm Hồng Đức thứ 6 (1475) như sau:
Thi Hương: học sinh muốn được dự kỳ thi Hương phải qua lệ bảo kết và 1 kỳ thi khảo hạch. Lệ Bảo kết và thi khảo hạch do xã quan, huyện quan khảo xét người đủ tiêu chuẩn về đạo đức, và trình độ kiến thức. Mỗi huyện được chọn từ 150 học sinh đến 200 học sinh ứng thí. Thi Hương thường được tổ chức ở các trấn, lộ, đạo. Phép thi Hương gồm 4 kỳ thi (tứ trường), thí sinh đỗ kỳ một mới được vào thi kỳ 2 và kỳ 3, kỳ 4.
Đề thi từng kỳ quy định như sau: Kỳ 1: bài thi gồm 4 hoặc 5 đề về Tứ thư, Ngũ kinh. Kỳ 2 : gồm chiếu, chế, biểu mỗi loại 1 bài viết theo lối cổ thể, thường được gọi là văn tứ lục hay văn biền ngẫu, văn xuôi có 2 vế, vế 6 chữ và vế 4 chữ đối nhau. Kỳ 3 : làm một bài thơ và 1 bài phú, thơ làm theo thể Đường luật, phú cũng làm theo lối cổ thể gồm từ 300 chữ trở lên. Kỳ 4: làm 1 bài văn sách, đề tài rút ra từ các kinh, sử, tử, tập hỏi về thời vụ (ý thức về việc giúp nước, cứu đời) gồm từ 1000 từ trở lên. Thi đỗ bốn kỳ mới được thi Hội.
Thi Hội và thi Đình: thi Hội cũng có 4 kỳ, người đỗ thi Hội gọi là Tiến sĩ. Người đỗ thi Hội được vào dự điện thí do vua đích thân hỏi bài để phân định cao thấp. Thi Hội và thi Đình cứ 3 năm tổ chức 1 lần, xen kẽ là các kỳ thi Hương, cụ thể là các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Hương, còn các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì thi Hội. Kỳ thi Hội và thi Đình cách nhau 8 tháng, như mùa xuân thi Hội thì tháng 8 mùa thu thi Đình.
Miêu tả về trường thi, theo Lê Quý Đôn thì chung quanh trường trồng rào tre dày, trong trường chia làm 4 tầng: tầng trong nhất là nơi ở của quan đồng khảo, phúc khảo và giám khảo, tầng giữa là nơi ở của quan đề điệu, giám thí và các người chấp sự đều trồng rào dày. Hai tầng bên ngoài thì sĩ tử theo từng nhật kỳ vào làm bài thi, trong 2 tầng này chỉ trồng rào thưa, nơi thập đạo dựng 1 nhà tranh để tiện việc thu quyển của sĩ tử. Trường thi trước ngày không phải là nhà làm sẵn mà sĩ tử ngồi trong các lều phục xuống đất mà viết.
Quan trường trông coi thi gồm 1 viên chánh chủ khảo, 1 viên phó chủ khảo, 1 viên tri cống cử, 6 viên khảo quan, 2 viên chánh phó đề điệu, 2 viên giám đằng lục. Đối với kỳ thi Hội, không chấm trên bài viết thí sinh mà do quan đằng lục ở lại sao chép rõ ràng, rồi mới đưa bản sao đi chấm. Trước khi đưa bài sao đi chấm, 2 viên giám đằng, 1 người đọc, 1 người soát xem có sai sót gì không. Công việc này gọi là đối độc.
Việc thi cử thì do Nhà nước đảm nhận hoàn toàn, còn việc tổ chức trường lớp thì nhà nước chỉ đứng ra tổ chức một phần, chủ yếu ở triều đình, khu vực kinh thành từ năm 1070. Phải đến năm 1253, vua Trần Thái Tông lập Quốc học viện, xuống chiếu cho các Nho sĩ trong nước đến Quốc học viện để giảng học Tứ thư, Ngũ kinh. Ngoài ra ở các địa phương cũng có trường lớp của các cấp chính quyền địa phương và tư nhân.
Trường công, ngay từ thời Lê sơ, nhà nước đã lập Quốc tử giám – trường công ở kinh đô và các trường công ở phủ, lộ. Ngoài ra là hệ thống trường tư, có thể là hương học (trường của làng), có thể là của từng thày học.
Thời Mạc, ngoài kinh đô Thăng Long ra, còn có Dương Kinh được xem là kinh đô thứ hai của vương triều này. Trung tâm của Dương Kinh là làng Cổ Trai, cố hương của Mạc Đăng Dung. Nhiều văn bia ở đây cho biết vị trí và phạm vi của Dương Kinh, như văn bia chùa Dương Tân huyện Thủy Đường dựng năm 1589 ghi rằng: “Chùa này phía Bắc giáp nội thị, phía nam kề với Dương Kinh, đường thông muôn ngả…”. Nơi đây cũng lập trường học như ở Thăng Long, nên có các chức quan về giáo dục gắn với đất Dương Kinh như chức Hiệu sinh Dương Kinh được khá nhiều văn bia ghi lại. Cũng chính trong khu vực Dương Kinh này, có không ít trường học của các đại gia mở, trong đó tiêu biểu là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đào tạo ra biết bao nhân tài như Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan…
Những bài thi Hội ở thời Mạc hầu hết bị thất lạc, tuy vậy vẫn còn lưu giữ được một số văn bản, như bài đình đối của Trạng nguyên Dương Phúc Tư người xã Lạc Đạo (nay thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh khoa Đinh Mùi niên hiệu Vĩnh Định thứ 1 (1547) đời vua Mạc Tuyên Tông. Văn bản được lưu giữ tại dòng họ. Bài văn sách này được vua phê là: “Trả lời mọi câu hỏi đều thiết thực, thực là một cây bút lớn. Đúng là khi bậc chân nho ra đời thì đạo sẽ hanh thông từ trên xuống dưới”.
Tóm lại nhà Mạc đã làm được nhiều việc, trong đó nổi bật là tổ chức giáo dục khoa cử Nho học. Chính sự cố gắng ấy đã đào tạo được một lớp trí thức phục vụ cho vương triều này và cho cả thời kỳ kế nối sau đó. Điều đó hoàn toàn đúng như nhận xét của học giả Phan Huy Chú là: “Nhà Mạc dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử, vì thế được nhiều người tài giỏi giúp việc chống với nhà Lê, kéo dài hơn 60 năm. Ấy cũng là công hiệu của khoa cử đó”(9).
Chú thích:
(1) Đinh Khắc Thuân, Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb. KHXH, H. 2001, tr.283-285.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, KHXH, H. 1998, T3, tr.120.
(3) Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, Nxb. KHXH, H. 1996, tr.56, 162 và 318.
(4) Đại Việt thông sử, Bản dịch Lê Mạnh Liêu, Sài Gòn, 1973, tr.154.
(5)(6)(7) Văn bia thời Mạc, tr.167, 32, 46.
(8) Đại Việt thông sử, tr.276.
(9) Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. KHXH, H. 1992, T3, tr.18.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Các nhà khoa bảng Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb. Văn học, H.1993.
– Chế độ đào tào và tuyển dụng quan chức thời Lê sơ, Luận án PGS. khoa học Lịch sử của Đặng Kim Ngọc, Viện Sử học, 1997.
– Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, Nxb. KHXH, H. 1998.
– Đại Việt thông sử, Bản dịch Lê Mạnh Liêu, Sài Gòn, 1973.
– Khoa cử chế dữ khoa cử học (Lưu Hải Phong) Quý Châu giáo dục xuất bản, 2004.
– Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn (Phạm Đức Thành Dũng chủ biên), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000.
– Khoa cử sử thoại, Vương Đạo Thành, Trung Hoa thư cục xuất bản 1988.
– Khoa cử và giáo dục Việt Nam, Nguyễn Quang Thắng, Nxb. VH-TT, H. 1993.
– Lược khảo khoa cử Việt Nam, từ khởi thủy đến khoa Mậu Ngọ, in trong Nhà sử học Trần Văn Giáp, Nxb. KHXH, H. 1996.
– Nho giáo Việt Nam giáo dục và thi cử, Nguyễn Thế Long, Nxb. Giáo dục, H. 1995./.
(Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (79) 2006; Tr.51-57)
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.