- Đang online: 1
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15338
- Tổng truy cập: 3,368,884
PHẬT GIÁO THỜI MẠC QUA TƯ LIỆU VĂN BIA
- 701 lượt xem
PHẬT GIÁO THỜI MẠC QUA TƯ LIỆU VĂN BIA
HUỲNH CÔNG BÁ
Trường Đại học Sư phạm Huế
Theo nhà nghiên cứu Hán – Nôm Đinh Khắc Thuân, tác giả công trình “Văn bia thời Mạc (Sưu tập, khảo cứu và dịch chú)”(1), “sưu tập bia Mạc là một nguồn tư liệu không thể thiếu được khi nghiên cứu về nhà Mạc và xã hội thời Mạc”(2). “Tư liệu trên bia Mạc có giá trị nhiều mặt trong việc tìm hiểu triều Mạc và xã hội đương thời”(3). “Vì vậy nghiên cứu thời Mạc nói riêng, thế kỷ XVI nói chung, không thể không chú ý mảng tư liệu này”(4). Ở đây, chúng tôi trình bày một số hiểu biết về Phật giáo thời Mạc thông qua nguồn tư liệu nói trên.
1. Tổng hợp từ 147 văn bia thời Mạc đã được tập hợp, có 102 trường hợp chùa (không kể quán mà thực chất cũng thờ Phật) được trùng tu, xây dựng hoặc đúc chuông, tô tượng, cúng ruộng, tiền dưới triều Mạc. Trong đó, thời Mạc Đăng Dung (ở ngôi 3 năm từ 1527 đến 1529) có 3 trường hợp (chiếm tỉ lệ số trường hợp trên đơn vị năm là 1/1 = 1), thời Mạc Đăng Doanh (ở ngôi 11 năm từ 1530 đến 1540) có 8 trường hợp (đạt tỉ lệ như đã nếu là 0,73), thời Mạc Phúc Hải (ở ngôi 6 năm từ 1541 đến 1546) có 4 trường hợp (đạt tỉ lệ như đã nêu là 0,67), thời Mạc Phúc Nguyên (ở ngôi 15 năm từ 1547 đến 1561) có 8 trường hợp (đạt tỉ lệ như đã nêu là 0,53) và thời Mạc Mậu Hợp (ở ngôi 31 năm từ 1562 đến 1592) có 79 trường hợp (đạt tỉ lệ như đã nêu là 2,55). Cũng trong 102 trường hợp các chùa có hoạt động Phật sự trên đây, có 31 trường hợp chính do quý tộc nhà Mạc đứng ra xây dựng, trùng tu hoặc cung tiến để trùng tu, xây dựng (trong đó có 15 trường hợp ghi cụ thể số ruộng đất và tiền bạc cung tiến), có 10 trường hợp do quan lại nhà Mạc đứng ra chủ trương, tổ chức việc trùng tu, xây dựng hoặc cung tiến gia tư, tiền bạc. Có thể kể ra đây những trường hợp quý tộc nhà Mạc đã đóng góp tu tạo và cung tiến cho các chùa sở như: Thái chiêu nghi Nguyễn Ngọc Phương với chùa Thiên Phúc (1538); Thánh Thiên Tử (Mạc Phúc Nguyên) và Hoàng
Thái Hậu (vợ Mạc Phúc Hải) với chùa Bảo Lâm (1554); Thái hoàng thái hậu họ Vũ, Hoàng thái hậu họ Phan, Khiêm Thái Vương học Mạc (Mạc Kính Điển), Thuận Vương họ Mạc, Vi Vương họ Mạc, Thọ Phương Thái trưởng công chúa họ Mạc, Phúc Thành Thái trưởng công chúa họ Mạc, Bảo Gia Thái trưởng công chúa họ Mạc, Bảo Gia Thái trưởng công chúa họ Mạc với Chùa Thiên Phúc (1561); Thái hoàng thái hậu, Khiêm Thái Vương (Mạc Kính Điển) với chùa Bà Đanh (1562); Vinh Quốc Thái phu nhân Vương Ngọc Diên, người nuôi dưỡng Hoàng tổ thúc Khiêm Thái Vương, với chùa Thiên Hựu (1562); Vinh Quốc thái phu nhân Vương Ngọc Diên, người nuôi dưỡng Hoàng tổ thúc Khiêm Thái Vương, với chùa Thiên Hựu (1562). Hoàng thái hậu họ Vũ với chùa Minh Phúc (1572); Hoàng thái hậu họ Vũ với chùa Bảo Phúc (1572); Thái hoàng thái hậu và Thuận Vương với chùa Sùng Ân và Sùng Phúc (1574); Khiêm Thái Vương Mạc Kính Điển, Thái hoàng thái hậu họ Vũ (Vũ Thị Ngọc Toản), An Thường Quận chúa mạc Ngọc Tỉ, Chính phi Mạc Ngọc Thanh, Nguyễn Ngọc Hiền, Hoàng Ngọc Hào, Đường An Vương Mạc Phúc Chỉ, phi Nguyễn Thị Tùng với chùa Sùng Quang (1578); Phụ chính Ưng Vương Mạc Đôn Nhượng với chùa Viên Quang (1579); Thái hoàng thái hậu Vũ, Hoàng Thái hậu họ Bùi với chùa Trúc Am (1582). Thái Chiêu nghi Nguyễn Ngọc Tán (vợ Mạc Đăng Dung), Thái hoàng thái hậu họ Vũ, Thái bảo Đà Quốc công họ Mạc (Mạc Ngọc Liễn) với chùa Quốc Sư Báo Ân (1584); Vương phủ thị nội cung tần Vương Ngọc Du với chùa Linh Quắc (1588); Thái bảo Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn, Phúc Thành Thái trưởng công chúa họ Mạc, Quê Dương quận chúa họ Mạc với chùa Ngô Sơn (1589). Ở một số chùa khác, các quý tộc nhà Mạc đã cúng tiền và ruộng đất để làm của Tam bảo như: Thái hoàng thái hậu cúng cho chùa Thiên Phúc 23 mẫu 2 sào 2 thước ruộng đất, cho chùa Bà Đanh 1 mẫu 9 sào, cho chùa Minh Phúc 5 mẫu, cho chùa Bảo Phúc 6 nghìn lá vàng, cho chùa Phổ Chiếu 1 mẫu 5 thước 2 tấc, cho chùa Thánh Thọ 1 mẫu 1 sào 11 thước 5 tấc, cho chùa Hoa Tân 30 mẫu, cho chùa Linh Sơn 3 mẫu, cho chùa Báo Ân 10 quan tiền… Vinh Quốc thái phu nhân Vương Ngọc Diên cúng cho chùa Thiên Thượng trụ quốc là Mạc Ngọc Ỷ cúng cho chùa Tiên ở động Bối Am núi Phật Tích 3 mẫu ruộng, đầm. Thọ Phương Thái trưởng công chúa họ Mạc cúng cho chùa Hoa Tân 20 mẫu. Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng cúng cho chùa Hưng Phúc 7 mẫu 2 sào. Thượng hoàng Mạc Đăng Dung cúng cho chùa Hoa Tân 20 lạng bạc. Thái bảo Đà Quốc Công Mạc Ngọc Liễn cúng cho chùa Báo Ân 10 quan tiền. Vương phủ thị nội cung tần Vương Ngọc Du cúng cho chùa Linh Quắc 1 dật bạc. Hoàng thái hậu (Vợ Mạc Đăng Doanh cung tiến cho chùa Hoa Tân 10 lượng bạc v.v.. Về quan lại nhà Mạc có Hiến sát sứ Ngô Nghiêm Khê và Hiến sát phó sứ Vũ Trạch Xuyên dựng chùa Hương Nham (1537). Tiền Hiệu lực Nha chỉ huy đồng tri Thang Lặc và Huyện thừa huyện Ý Yên Vương Trực trùng tu chùa Đặng (1543). Đông Khê hầu họ Vũ và Tham tri hoàng thành tri sự họ Bùi bỏ tiền trùng tu chùa Linh Cảm (1556). Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Phạm Khắc Giao và Đô chỉ huy Bùi Bạt Tuy bỏ gia tài trùng tu chùa Thanh Quan (1561). Ty quan xã Đại Hoàng Đào Khắc Đại và Đặng Khâm cúng gia tài trùng tu chùa Kỳ Lân (1562). Quang tiến trấn quốc đại tướng quân Hữu đô đốc Lê Tòng Chu cúng tiền trùng tu chùa Hương Phúc (1570). Tham nghị đạo Hải Dương Nguyễn Khẳng cúng tiền trùng tu chùa Quảng Phúc (1571-1578). Chỉ huy Thiêm sự Ty bảo đạo kiêm cung công thần tước Cẩm Phê bá Nguyễn Đô, Hộ bộ Hữu thị lang Tùng Lãnh bá Đặng Hiển, Hộ bộ Hữu thị lang Mai Khê bá Vũ Sư Tích và Huấn đạo phủ Hạ Hồng Vũ Doãn Hào tín thí trùng tu chùa Linh Quắc (1588). Huyện tá huyện Cẩm Giàng đốc thúc trùng tu chùa Phúc Lâm (1589). Xuân Dương bá Nguyễn Nhân Nghĩa bỏ tiền dựng lại chùa Linh Quang (1591). Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Đô tổng binh sứ ty Tổng binh hội sư đạo Ninh Sóc tước Thuần Lương hầu Nguyễn Văn Trạch và Hiển cung đại phu vệ uý Nguyễn Phúc đóng góp trùng tu chùa Đại từ (1592) v.v..
2. Như vậy là không những không khắt khe, mà còn bằng những con đường chính thức và phi chính thức, nhà Mạc đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho Phật giáo hết sức hưng thịnh. Có tác giả văn bia thời Mạc đã nhận định: “Từ thuở khai sáng đến nay, đạo Phật mới được hưng thịnh ở Đại Việt” (Bia chùa Ứng Xá – tr.158). Cũng có người dè dặt hơn: “Ngước về thời Lý, Trần xưa, đại loại cũng thấy khác thường” (Bia chùa Bảo Lâm – tr.90). Những nhận định đó chính xác đến đầu còn cần phải bàn, song có một thực tế đúng như văn bia chùa Phúc Lâm Hoằng Thệ cho biết: “May được thấy Hoàng triều chấn hưng Phật giáo” (tr.307). Hay như văn bia chùa Viên Quang là: “Vương phủ phát lòng lành, mở rộng đường thiện” (tr.195). Hoặc như văn bia chùa Ứng Xá: “Cúi trông Thành thiên tử của thánh triều lên ngôi, thuở đầu trị nước, mọi phép tắc cai trị đều được chỉnh đốn, mọi nơi tàn phế đều được khôi phục” (tr.158). Và theo bia chùa Hưng Phúc: “Nay quốc triều, nhất tổ khai sáng bằng võ công, tam công duy trì bằng văn đức. Thánh thiên tử thừa truyền công dày, đức tích… Trên có vua chuộng bình trị, hành thiện chẳng sa đọa. Phàm việc thâu tóm nhân tâm của tông miếu xã tắc, không việc gì không đề cao. Dưới có dân mộ trị, biết là điều thiện ắt phải làm. Phàm việc bố thí công đức cho cầu cống, chùa quán, không một nơi nào không cho tu bổ” (tr.146). Bia chùa Sùng Ninh cho biết: “Đương thời, trên từ danh gia vọng tộc vun trồng quả phúc, dưới đến các bậc văn võ cùng gieo thiện căn, thứ nữa là thái ông, lão bà, thiện nam, tín nữ, ai nhìn thấy, nghe thấy đều tuỳ hỉ công đức” (tr.134). Càng về cuối triều Mạc, ở thời Mạc Mậu Hợp, số chùa chiền càng được trùng tu, tân tạo, tín thí ruộng tiền. Sở dĩ như vậy là vì, ngoài lí do cởi mở tôn giáo của nhà Mạc, sự phát triển của Phật giáo thời này còn có cơ sở hiện thực là chiến tranh diễn ra liên miên suốt thế kỷ XVI, trừ hai thập kỷ sau ngày nhà Mạc thành lập. Trước nỗi khổ đau vì nội chiến triền miên, người ta càng dễ dàng cảm nhận cái cao cả của đạo Phật là lòng từ bi, bác ái, cứu khổ cứu nạn, mà hiện thân từ ái của đạo Phật chính là hình ảnh của Quan Âm Diệu Thiện Bồ Tát. Bia chùa Sùng Ninh viết: “Ôi! Phật là bậc thánh ở Tây phương, sở dĩ nhất thiết phụng thờ là bởi Phật cứu chúng sinh vậy. Trong Tam giáo thì đạo Phật đứng hàng đầu, thật quảng đại, to lớn, từ bi” (tr.134). Bia chùa Linh Phúc cũng viết: “Ôi! Trong các giáo lý ở cõi đời, cao cả nhất, đó chẳng phải là giáo lý nhà Phật sao?” (tr.60). Bia chùa Ngô Sơn giải thích thêm: “Đạo Phật bao la, u uẩn tịch mịch, cứu vớt muôn loài, chế ngự mười phương. Xét sự uy linh thì không đạo nào hơn, nghĩ sự thần lực thì không đạo nào bằng. Trải muôn kiếp mà không nát, qua trăm phúc mà vẫn còn” (tr.304). “Bà Thái chiêu nghi Nguyễn Ngọc Tán ở điện Chiêu Đức của Thái tổ Cao hoàng đế (Mạc Đăng Dung) nghĩ rằng: Phật là bậc Thánh cao nhất. Gieo trồng quả phúc là bỏ tiền của xây chùa. Bà bèn xướng xuất việc thiện, say mê Phật giáo, cung kính Thiền tôn mà nguyện rằng: Lấy lòng vô thượng gieo quả phúc cho kiếp sau, quyên góp gia tư để sửa chữa lại chùa trở thành nơi thắng cản. Từ vô thanh hữu, từ không thanh sắc, công việc dần dà vang dội. Tượng Phật nguy nga, lâu đài sừng sững giữa trời, huy hoàng rực rỡ ở cõi thượng phương. Không chỉ là nơi tăng ni sớm tối lễ Thánh mà còn là chốn để mọi người năm tháng đến cầu phúc”. Bia chùa Quốc Sư Báo Ân – (tr.239). Bia chùa Đại Đồng viết: “Ôi! Gọi là Phật bởi vốn hư vô; tồn tại trong cõi người, rất được kính ngưỡng. Vì thế hoặc có người bỏ tiền của để tô tạo tượng Phật. Thấy biết bao người đem lòng kính trọng như vậy thì đó biết là công đức thật lớn lao xiết bao!” (tr.290). “Thường nghe: Đất phúc có tám thì đất chùa có một” (Bia chùa Phúc Long – tr.229). Trong “bát phúc điền” việc dựng chùa Phật đứng ở hàng đầu “Thường nghe cổ nhân nói: Giác ngộ được cái tâm gọi là Phật. Việc hàng đầu trong Tam giáo là tu sửa chùa quan để phụng thờ” (Bia chùa Đông Phao – tr.247). Cũng do đó đã dẫn đến sự lấn sân” của Phật đối với Thánh, sự “chùa chiền hóa” các đạo quán: Đạo quán nhưng thờ Phật và có ruộng Tam bảo. Văn bia quán Chân Thánh (1567) cho biết: Năm Sùng Khang 1 (1566) tiến hành sửa quản, công việc hoàn thành: “Quán gồm 1 gian 2 chái, cảnh tượng mới mẻ, tượng Phật 3 pho thếp vàng uy nghiêm” (tr.130). Văn bia quán Viên Dương (1589) mở đầu: “Nghĩ rằng Phật ở cõi Tịnh đọo là để ban phúc cho người” (tr.313). Năm Đoan Thái 1 (1586) quán Viên Dương dựng lại cung điện, tô lại tượng Phật (điện gia hữu Phật tướng). Văn bia quán Linh Tiên (1584) ghi việc tín thí “10 mẫu ruộng cúng làm vật Tam bảo” (tr.253). Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng – 3 ngôi báu của đạo Phật lại có mặt trong một quán Đạo. Song song với xu hướng “chùa chiền hóa” Đạo quán lại có xu hướng “Tiến Thánh hóa” Phật và Bồ tát: Chùa thờ Phật nhưng lại gọi là thờ Thánh và người đến với của chùa là để “cơ hồ bước lên cõi Tiên” (tr.316). Nơi cảnh chùa mà “người đổ về thắp hương chúc Thánh, cúng hoa hiến Phật, nên chùa đã thành danh tích khẩn cầu chứ đâu chỉ là cảnh quan?” (tr.135). Sở dĩ như vậy là vì sự phát triền của Phật giáo dưới thời Mạc có phần do nguyên nhân nội chiến ác liệt kéo dài gây đau khổ, chết chóc. Người đến với Phật giáo phần nhiều khai thác khía cạnh quyền năng cú nó. Bia chùa Phúc Lâm Hoằng Thệ (1589) đã nói rõ lý do: “Ôi! Nơi vốn hư vô tự nhiên nên gọi là Phật. Phật được tôn kính phụng thờ ở tại người. Bởi chưng có sự cầu khẩn linh ứng mà có thể chấn hưng giáo lý nhà Phật vậy” (tr.306).
Càng linh ứng thì càng được tín ngưỡng. Bia chùa Huệ Vân viết: “Huệ Vân là một cổ tích, còn Đông Sơn là danh hiệu của Phật vậy. Vị Phật ấy ngự ở đây nên chùa có tên gọi như vậy. Ngài đã lắng lòng tu theo giáo lý nhà Phật, luyện tính ở Đông Sơn, một sớm hoá thân nghiễm nhiên thành Phật. từ đó đâu cần trừ tai, giáng phúc đều được linh nghiệm. Cho nên, chùa quán các nơi đều dựng am để phụng thờ ngài… Ai cầu sinh con trai thì được con trai, ai mong khỏi bệnh thì bệnh giảm. Mọi người đều chen nhau lên cõi thọ vực” (tr.65-66). Với quan niệm đó, Phật và Bồ tát (nhất là Bồ tát Quan Âm Diệu Thiện) được đồng hóa với Tiên Thánh của Đạo giáo. Theo họ, Phật, Tiên, Thánh tuy khác nhau ở tên gọi nhưng đều là những “phúc thần” có khả năng trừ tai, ban phúc cho người đời. Việc thờ Phật là để cầu phúc. Bia chùa Hưng Phúc viết: “Điều phúc của Phật có một là thọ, hai là phú, ba là khang ninh. Phật độ cho bản thân mình, cho con cháu và hậu duệ của mình, chiếu âm gia đình, rạng ngời cửa nhà, trải dài muôn đời, càng xa càng lâu, lại càng sáng rạng vậy” (tr.147). Với quý tộc nhà Mạc, việc tín thí trùng tu chùa sở cũng không ra ngoài mục đích trên. Bia chùa Viên Quang chép: “Giáo lý nhà Phật khiến người đời tính kính để được báo phúc. Nay Thái hoàng thái hậu là mẹ Thiên tử, là vị Phật sống trên trần, gieo trồng tám ruộng phúc, dựng chùa Phật để cầu đời đời con thánh, cháu hiền, xứng bậc đế vương. Nay Phụ chính Ứng Vương dựng chùa Viên Quang cũng là để phát lòng từ bi, vui làm điều thiện. Sở dĩ làm như vậy bởi chưng muốn nhờ chùa Phật nước Nam, để quốc mạch dài lâu. Trên thì vương công, dưới thì sĩ thứ dốc lòng thờ Phật, bố thí nhiều không tư lợi” (tr.195). Trước sự tấn công và chiến thắng của Nam triều đối với Bắc triều các ông hoàng bà chúa Mạc càng ra sức trùng tu, xây dựng chùa quán, tô tượng, đúc chuông, cúng ruộng một cách rôm rả để ơn nhờ đức Phật “cứu nạn”, diên trì triều đại, “cầu phúc cho cơ đồ bền vững, thiên hạ thái bình” (Bia chùa Phúc Lâm Hoằng Thệ, 1589).
Với quan niệm thờ Phật để cầu lợi, Phật giáo thời Mạc tuy được chấn hưng nhưng thiếu chiều sâu tư duy triết lý. Cũng có thể vì hầu hết các bia chùa thời Mạc do các nhà Nho “vui với việc thiện mà gắng làm (tr.195)” nên không phản ánh hết suy nghĩ của giới Phật tử chăng?
3. Cũng qua tư liệu văn bia chúng ta được biệt phần nào được cấu trúc ngôi chùa thời Mạc gồm tường vây ở bên ngoài. Vào chùa phải đi qua lần cổng Tam quan. Trên Tam quan chùa có nơi có lầu cửa chính. Bước lên các bậc bằng đá bên trái hoặc phải là đến sân chùa. Trên sân chùa có nơi dựng toà thiết đăng để thắp đèn. Ở chùa Bảo Sơ thuộc xã Tây Ưng huyện Từ Liêm (Hà Nội) còn đúc cây bảo thiết hoa đăng bằng đồng để thắp đèn ban đêm trong các ngày rằm, mồng một. Bước lên các thềm bậc là nhà Tiền đường. Tiền đường là một ngôi nhà 3 gian 2 chái hoặc cũng có nơi gồm 2 gian không chái. Tại nhà Tiền đường có đặt hương án. Kế đến là nhà Thiêu hương gồm 3 gian, có nơi làm 4 gian. Tiếp đến là Thượng điện có đặt các bệ thờ. Cũng có chùa, Thượng điện chỉ có 1 gian 2 chái. Có nơi còn có tòa Trung đường. Hai bên có hành lang, dải vũ, dải lang. Có nơi Tiền đường gắn liền với dải vũ hoặc hành lang dài. Có chùa như chùa Câu Diên dải lang gồm đến 25 gian đặt sân gỗ dùng làm nơi giảng dụ, tụng kinh. Có thể nói, Tam quan, Tiên đường, Thiêu hương, Thượng điện là những thành phần cơ bản mà chùa nào cũng có. Trong chùa, cột xà được tô chạm, có nơi còn sơn phết. Ở một số chùa, trong khuôn viên có điện thờ, lầu chuông, gác trống, am Phật Bà, Từ vũ, lầu Tịnh Am, gác thuỷ các… Có chùa, như chùa Sùng Ân, gác chuông gồm đến 12 lâu đài. Ở một số chùa còn có giếng, cầu, ao sen, vườn kỳ, ruộng Tam bảo… Có nơi, như chùa Nghiêm Khánh, cầu được bắc xà, lợp mái, dưới lát đá làm sàn.
Tượng thờ trong Phật điện thời Mạc đã khá đông đúc, đủ loại Phật, Thần, Tiên, Thánh như: Thích ca sơ sinh, Di Đà độc tôn, Quan Âm Diệu Thiện, Ngọc Hoàng, Hộ pháp, Thổ địa, Ngọc Thanh, Sư tướng, Kim đồng, Ngọc nữ, Nam tào, Bắc đẩu, Phạn Vương, Kim Cương, Bồ tát, La hán, Long thần, Trưởng giả, Cô hồn… Qua văn bia được biết các chùa thường tu tạo một lần 9, 10 tượng Phật trở lên: chùa Phúc Lâu (1559): 9 tượng; chùa Phúc Long (1582): 10 tượng; chùa Đức Thắng (1589): 10 tượng; chùa Nghiêm Khanh (1591): 12 tượng; chùa Đại Đồng (1590): 20 tượng; chùa Phúc Lâm (1578): 38 tượng; thậm chí có nơi như chùa Đại Từ (1591): tu tạo một lúc 55 pho tượng. Như vậy số tượng thờ trong chùa thời Mạc rất nhiều. Chất liệu để làm tượng là đá, gỗ và đất sét. Trang trí trong chùa còn có các loại tác phẩm nghệ thuật tạo hình như các bức tranh vẽ Hải hội, các bức điêu khắc Pháp đồ hoặc các bức họa khắc Đại pháp… Bên cạnh đó, một số chùa còn còn có nghi môn và thặng trần. Có nơi như chùa Đại Từ (1591) một lúc làm đến 10 bức thặng trần. Một số kinh điển thông dụng được nhiều người đọc tụng trong các chùa là kinh Kim Cang, Quân Âm, Bát Nhã, Mục Liên, Thập Chương. Cũng qua các kinh này cho thấy tính chất quyền năng của Phật giáo đã được người ta hướng đến nhiều hơn. Các vật dụng trong chùa còn có chuông, khánh, trống, mõ, thanh la, ghế, bàn, khuôn oản lớn, nhỏ v.v..
4. Ngoài ra, cũng qua tư liệu văn bia, chúng ta còn biết đến sinh hoạt lễ hội ở chùa. Chùa là nơi thường ngày người ta đến “đốt nhang, cầu Phật, sớm chuông, tối khánh” (tr.66), “ngày rằm, mồng một đều dâng hương hoa rất đỗi trang nghiêm” (tr.66), buổi tối sóc, vọng thường đốt đèn sáng (tr.62). Trong những dịp khánh thành chùa thường tổ chức lễ hội lớn (tr.146). Ở lễ khánh thành của chùa An Động (1588), “chư tăng đông đủ, hoa cây phô sắc, người vật tưng bừng, bồng sơn cảnh đẹp, ánh nhật rọi soi, tiên giới siêu phàm. Người vật hòa vui” (tr.316). Còn Bia chùa Huệ Vân kể việc khánh thành am mới ở đây như sau: “Việc xây dựng không quá một tuần mà đã nguy nga một tòa báu nằm bên cạnh chùa Diên Phúc. Sau đó tô tượng Phật, giát vàng lung linh; treo bảo phướn gió bay phấp phới. Mở hội mừng tụ tập bốn phương. Ai cũng muốn được dâng lễ trước. Già trẻ chen chúc nhộn nhịp tưng bừng… Các bậ đại sĩ bèn đến mời nhà sư về tụng kinh từ chú, điểm nhãn khai quang, để cho ngọn đuốc Phật thêm sáng ngời, đức từ bi càng quảng đại, giúp cho dân xã được ơn nhờ nền phúc” (tr.66). Đặc biệt trong bia chùa Phúc Lâm Hoằng Thệ (1589) cho biết lễ hội lớn vào tháng 3 hằng năm của chùa như sau: “Ngày 12 tháng 3 dân trong hương cùng đến chùa Chiêu Minh rước Phật về rồi mở hội vào 3 ngày 13, 14 và 15. Ngày lễ đầu tiên thứ tự hành lễ, xếp lần lượt từng thôn, từng xã, từng khu trong hương. Lễ vật này tuỳ nghi. Những người đi rước, mang cờ đến Vĩnh Thệ cắm hai cây phan lên cao. Còn tán phan thì chọn cắm song song, gió bay ngợp trời. Chúng tăng tụng kinh tế lễ Long thần. Muốn cầu được thông thương chợ búa nên dựng đình ở bên tế lễ. Trước ngày kỵ nhật Thiền sư) sắm lễ đầy đủ, lòng thành lễ mọn gồm: bánh tương đương 4 thăng gạo trắng, xôi 8 đầu cũng là gạo tốt. Rượu ngon tinh khiết, hương quả tuỳ sắm” (tr.306-307). Đó là lệ định, năm nào cũng vậy, để nhằm “dốc lòng tôn phù giáo lý Phật tổ, ngợi ca công lao của Pháp sư. Như vậy sẽ thấy sự cầu khẩn được ứng nghiệm, lòng ước nguyện được báo đáp. Phật lực che chở, phúc lớn như cát sông Hằng. Phúc truyền cho cháu con đông đúc” (tr.307).
Tóm lại, tư liệu văn bia chỉ là một trong những nguồn sử liệu dùng để nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc, nhưng với triều Mạc, vốn bị xem là “ngụy triều” nên nguồn tư liệu chính rất hạn chế, do đó số văn bia còn lại là nguồn tư liệu thành văn hết sức quý báu trong việc nghiên cứu tình hình văn hóa dưới triều đại này, trong đó có Phật giáo.
Chú thích:
(1) Đinh Khắc Thân – Văn bia thời Mạc, Nxb KHXH, Hà Nội, 1996. Từ đây cho đến cuối bài chúng tôi chú thích số bia và số trang theo sách này và đặt trong ngoặc đơn.
(2) Đinh Khắc Thuân – Bia Mạc. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 6 (259)/1991, tr.59.
(3) Đinh Khắc Thuân – Đặc điểm và giá trị văn bia thời Mạc. Trong sách Vương triều Mạc (1527-1592). Nxb KHXH, Hà Nội, 1996, tr.254.
(4) Đinh Khắc Thuân – Vài nét về bia thời Mạc. Trong sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử. Hội KHLS Việt Nam… xb, Hà Nội, 1996, tr.201.
Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.17-29
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.