- Đang online: 3
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15465
- Tổng truy cập: 3,368,917
TRUYỀN THUYẾT VỀ MẠC ĐĂNG DUNG (tiếp theo)
- 535 lượt xem
CHƯƠNG HAI: TRUYỀN THUYẾT VỀ MẠC ĐĂNG DUNG – DI SẢN VĂN HÓA DÂN GIAN QUÝ GIÁ CỦA VÙNG KIẾN THỤY, HẢI PHÒNG.
1. Khảo sát các truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ở vùng Kiến Thụy, Hải Phòng.
1.1. Số lượng.
Cho đến nay, tổng số truyền thuyết về nhân vật Mạc Đăng Dung mà chúng tôi thu thập được là mười một truyền thuyết. Trong đó chỉ có hai truyền thuyết đã được văn bản hóa, còn lại là các truyền thuyết chúng tôi thu được trong quá trình điền dã. Hai truyền thuyết được văn bản hóa mà chúng tôi thu được nằm trong cuốn Hợp biên thế phả họ Mạc – đây là cuốn gia phả được biên soạn công phu, tập hợp tất cả gia phả của các chi họ Mạc ở nước ta. Đó là các truyền thuyết:
– Vợ chồng lão lái đò sinh quý tử.
– Truyện nhà họ Mạc được đất.
Trong đó, truyện Vợ chồng lão chở đò sinh quý tử được dẫn lại từ cuốn Dõi tìm tông tích người xưa – cuốn sách chuyên khảo về việc viết gia phả của tác giả Dã Lan Nguyễn Đức Dụ.
Đối với vị vua khởi lập một vương triều phong kiến tồn tại 65 năm trong lịch sử Việt Nam thì số lượng truyền thuyết được văn bản hóa như vậy là quá ít. Theo chúng tôi, đó là do các nguyên nhân khách quan:
Thứ nhất, sau khi họ Mạc chạy khỏi Thăng Long, hai họ Lê – Trịnh đã san phẳng Dương Kinh, tàn sát những người mang họ Mạc và ban lệnh cấm nhân dân chứa chấp những gì liên quan đến họ này. Người họ Mạc vì sợ hãi phải thay tên đổi họ, lưu lạc khắp nơi. Vì vậy, phần lớn những tài liệu, di tích liên quan tới họ Mạc nói chung và Mạc Đăng Dung nói riêng đều bị phá hủy hoặc thất lạc.
Thứ hai, các sử gia và các triều đại sau này liên tiếp lên án, coi Mạc Đăng Dung là nghịch thần cướp ngôi, bán nước và nhà Mạc là ngụy triều. Tư tưởng đó kéo dài đến tận những năm 70 của thế kỉ XX. Bởi vậy, ít có nhà nghiên cứu nào đi ngược lại quan điểm chung của xã hội để tìm hiểu, nghiên cứu thêm về Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc.
Vì những lí do trên, ngay cả các tư liệu lịch sử về Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc đến nay cũng còn rất hạn chế. Vậy nên, tất yếu số lượng các truyền thuyết về Mạc Đăng Dung được văn bản hóa dưới thời phong kiến hầu như không có. Số lượng ít ỏi các truyền thuyết được văn bản hóa mà chúng tôi thu thập được đều do các nhà nhiên cứu sưu tầm trong thời gian gần đây.
So với số lượng các truyền thuyết được văn bản hóa, các truyền thuyết truyền miệng về Mạc Đăng Dung lớn hơn nhiều. Trên cơ sở gặp gỡ, trao đổi với ông trưởng họ Mạc tại Cổ Trai – nơi phát tích của nhà Mạc và những người làm công tác văn hóa, công tác bảo tồn các di tích của nhà Mạc tại Kiến Thụy, Hải Phòng, chúng tôi thu được chín truyền thuyết. Đó là các truyền thuyết:
– Truyền thuyết về sức khỏe của Mạc Đăng Dung.
– Truyền thuyết về Mạc Đăng Dung khi mới lên ngôi.
– Mạc Đăng Dung được “mệnh trời”.
– Mạc Thái Tổ và thầy địa lý người Tàu
– Truyền thuyết về Thái Tổ Mạc Đăng Dung và Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản.
– Truyền thuyết về Mạc Đăng Dung và bà Nhữ Thị Thục.
– Nguồn gốc câu truyền ngôn: “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa”.
– Sự tích Thiên Phúc tự.
– Sự tích đê nhà Mạc.
Trong qua trình chúng tôi tiến hành sưu tầm những truyền thuyết này, một vấn đề tương đối phức tạp nảy sinh: trong số những truyền thuyết chúng tôi thu thập được có thể có những truyền thuyết do người hiện đại ngày nay hư cấu, sáng tạo nên. Theo chúng tôi, đây là hiện tượng thường gặp vì “Văn học dân gian luôn có xu hướng “hiện đại hóa” tác phẩm” [23; 34]. Việc sưu tầm những bản kể ấy là cần thiết vì nó phần nào phản ánh sức sống của những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung trong thời hiện tại. Sau khi khảo sát kĩ nguồn tư liệu, kiểm chứng bởi những đối tượng đáng tin cậy, chúng tôi đã chọn được chín truyền thuyết trên.
Số lượng mười một truyền thuyết về Mạc Đăng Dung mà chúng tôi thu thập được là con số tương đối lớn. Số lượng này gần như ngang bằng với truyền thuyết về các vị vua khởi đầu một số vương triều ở Việt Nam như Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ… Điều đó đã cho thấy trong tâm thức người dân, nhất là nhân dân vùng Dương kinh xưa, tầm ảnh hưởng mà Mạc Đăng Dung để lại là vô cùng mạnh mẽ. Họ yêu mến và kính phục vị vua này không kém gì so với các bậc minh quân khác trong lịch sử Việt Nam.
Số lượng mười một truyền thuyết trên đã cho chúng tôi cơ sở bước đầu để tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về Mạc Đăng Dung – nhân vật lịch sử mà đến nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi.
1.2. Đặc điểm.
Khảo sát 11 truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ở vùng Kiến Thụy – Hải Phòng chúng tôi nhận thấy chuỗi truyền thuyết này có đặc điểm chung như sau:
1.2.1. Số lượng truyền thuyết về Mạc Đăng Dung còn lại đến ngày nay ở Kiến Thụy, Hải Phòng tương đối phong phú bao gồm nhiều truyền thuyết tồn tại dưới dạng những mẩu kể ngắn và cả những truyện kể tương đối sinh động, cụ thể. Những mẩu kể ngắn phản ánh đúng nhất đặc điểm của truyền thuyết dân gian: ngắn gọn, súc tích, chủ yếu nêu sự kiện chính. Nhờ đặc điểm này mà truyền thuyết dân dễ dàng được phổ biến, lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Đặc điểm này có thể thấy rõ trong các truyện: Truyền thuyết về Mạc Đăng Dung khi mới lên ngôi, Mạc Đăng Dung được mệnh trời, Truyền thuyết về Mạc Đăng Dung và bà Nhữ Thị Thục, Sự tích chùa Trà Phương, Sự tích đê nhà Mạc. Song song cùng những mẩu kể ngắn gọn, súc tích kể trên là những truyền thuyết giàu tính nghệ thuật với lối kể sinh động, chi tiết mà tiêu biểu là các truyền thuyết: Mạc Đăng Dung và thầy địa lý người Tàu, Truyền thuyết về Mạc Đăng dung và Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản, Nhà họ Mạc “được đất”… Trong những truyền thuyết này, tác giả dân gian không chỉ chú ý tới các sự kiện cốt lõi mà còn miêu tả lời nói, thái độ, suy nghĩ, hành động của nhân vật một cách hết sức chi tiết. Truyền thuyết dân gian qua lời kể ấy đã trở thành những câu truyện đậm chất hiện thực, đem lại cho người đọc, người nghe cảm giác thú vị như đang được chứng kiến tận mắt các sự việc và đôi khi họ còn thấy như mình cũng là một phần của câu chuyện. Nhân vật Mạc Đăng Dung được đặc tả trong những hoàn cảnh hết sức đời thường. Tác giả dân gian đặc biệt chú ý tới việc thuật lại những lời đối đáp, những thái độ, hành động, suy nghĩ của nhân vật đối với những người xung quanh … Tất cả những điều đó làm khắc họa chân thật một Mạc Đăng Dung đời thường luôn lễ độ, nhân nghĩa với mọi người – một Mạc Đăng Dung giữa lòng dân, luôn được nhân dân tin yêu, cảm mến. Đây là thủ pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong truyền thuyết nhằm làm cho nhân vật trong truyền thuyết trở nên gần gũi hơn với hiện thực, làm tăng lòng tin của người nghe đối với truyện được kể. Từ đó, truyền thuyết lay động được nhận thức và tình cảm của người con người. Việc miêu tả nhân vật Mạc Đăng Dung một cách cụ thể, chi tiết như vậy cho thấy người dân Dương Kinh xưa đã hiểu rõ, hiểu sâu về Mạc Đăng Dung đến mức nào. Và chính từ chỗ hiểu rõ về phẩm chất của nhân vật mà hình thành nên tình cảm yêu kính, ngưỡng mộ. Vậy là, trong truyền thuyết về Mạc Đăng Dung việc tái hiện cụ thể hình ảnh một Mạc Đăng Dung với những hành động, suy nghĩ, ứng xử đời thường vừa là cách để nhân dân “lôi kéo’ ông vua Mạc Đăng Dung về gần hơn với nhân dân vừa là cách để nhân dân tôn vinh những điều tốt đẹp của nhân vật. Đây là điểm làm nên nét độc đáo của chuỗi truyền thuyết về Mạc Đăng Dung.
1.2.2. Trong mười một truyền thuyết mà chúng tôi thu được, truyền thuyết về thời niên thiếu của Mạc Đăng Dung chiếm số lượng lớn nhất (8/11 truyền thuyết). Đây cũng là điều phổ biến trong chuỗi truyền thuyết về những vị vua khởi đầu của các triều đại phong kiến Việt Nam như Lí Công Uẩn, Lê Lợi. Chuỗi truyền thuyết về Lý Công Uẩn phần lớn kể về quãng thời gian từ khi ông được sinh ra cho đến khi được nhà sư Từ Đạo Hạnh nhận nuôi, dạy dỗ và tiến cử vào cung. Trong chuỗi truyền thuyết về Lê Lợi, những truyền thuyết về thời kì ông còn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong hoàn cảnh đầy khó khăn cũng chiếm số lượng nhiều nhất. Đây là cách nhìn nhận về lịch sử rất riêng của nhân dân. Họ cũng tôn kính đấng quân vương nhưng không ngưỡng vọng tới mức tuyệt đối hóa vị vua ấy, tuyệt đối hóa khoảng cách vua tôi như những nhà Nho phong kiến. Trái lại, nhân dân luôn có xu hướng dân gian hóa những nhân vật như vậy nhằm lôi kéo họ về gần gũi hơn với mình. Những truyền thuyết thuật lại cuộc sống của các bậc quân vương trước khi làm nên đế nghiệp chính là một cách để nhân dân thể hiện tình cảm của mình đối với nhân vật.
Trong tất cả những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung trước khi lên ngôi, Nhân dân đều khắc họa hình tượng một Mạc Đăng Dung chất phác, gần gũi, có xuất thân bình dân nhưng đã sớm bộc lộ tài năng và nhân phẩm hơn người. Tất cả những điều đó là để khẳng định tình cảm yêu mến, gần gũi, sự bao bọc của nhân dân vùng Dương Kinh xưa với một người cũng xuất thân bần hàn như họ nhưng nhờ tài năng và phẩm chất hơn người đã bước lên ngôi vị chí tôn, làm rạng danh cho quê hương, dòng họ. Số lượng lớn những truyền thuyết về thuở thiếu thời của Mạc Đăng Dung đã góp phần khẳng định quan điểm của người dân Dương kinh xưa: với tài nằng và phẩm chất như vậy Mạc Đăng Dung cũng xứng đáng lên ngôi như nhiều vị vua khác trong lịch sử.
1.2.3. Bên cạnh những yếu tố làm tăng tính hiện thực của truyền thuyết, các truyền thuyết về Mạc Dăng Dung có rất nhiều chi tiết hoang đường, kì ảo. Đây là hiện tượng tương đối đặc biệt bởi tuy việc sử dụng những chi tiết hoang đường, kì ảo là đặc trưng của truyền thuyết nhưng càng xa thời kì thần thoại những yếu tố hoang đường, kì ảo càng bị lấn át bởi yếu tố hiện thực. Thế kỉ XVI – thời nhà Mạc đã là giai đoạn khá muộn của lịch sử và những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung hẳn phải ra đời sau đó ít lâu. Ở thời kì này, nhận thức của con người đã phát triển hơn hẳn so với những giai đoạn trước đó, họ nhận thức rõ về những yếu tố tưởng tượng và hư cấu của thời kì thần thoại. Tuy nhiên, trong chuỗi truyền thuyết về Mạc Đăng Dung những yếu tố hoang đường xuất hiện với mật độ dày đặc theo suốt chặng đường sự nghiệp của Mạc Đăng Dung và tập trung vào hai vấn đề lớn: sự ra đời của Mạc Đăng Dung và sự phù trợ của lực lượng siêu nhiên đối với nhân vật này. Sự xuất hiện của các yếu tố hoang đường, kì ảo đó không chỉ mang lại không khí thiêng thường thấy trong truyền thuyết mà còn góp phần làm nổi bật mối quan hệ gần gũi giữa Mạc Đăng Dung và các lực lượng siêu nhiên. Từ đó, nhân dân muốn thể hiện thái độ ủng hộ, tôn kính đối với nhân vật.
Theo chúng tôi, sở dĩ có điều này bởi nhân dân vì yêu mến Mạc Đăng Dung nên muốn góp thêm một tiếng nói để chữa lại lịch sử, để phản bác lại quan điểm của các sử gia và của các triều đại sau. Trong khi các sử gia coi Mạc Đăng Dung là kẻ nghịch thần bán nước thì nhân dân Dương Kinh xưa lại coi Mạc Đăng Dung là một vị vua ưu tú, một người xứng đáng với ngôi báu. Do đó, thêm vào với những câu chuyện khẳng định tài năng, đức độ của Mạc Đăng Dung, nhân dân Dương Kinh xưa đã đưa ra những câu chuyện, những chi tiết đầy tính hoang đường nhằm mượn sức mạnh của các lực lượng siêu nhiên để khẳng định một lần nữa: Mạc Đăng Dung lên ngôi là một sự kiện hợp lý bởi ông không chỉ có những phẩm chất tốt đẹp hơn người mà còn vì thiên mệnh đã sắp đặt từ trước. Như vậy, nhân dân đã sử dụng những yếu tố hoang đường trong truyền thuyết về Mạc Đăng Dung như một phương tiện hiệu quả để thể hiện thái độ của mình.
1.2.4. Kết cấu của những truyền thuyết trên đều là kết cấu giản lược. Thông thường, kết cấu của truyền thuyết về nhân vật lịch sử thường gồm ba phần: phần đầu kể về lai lịch nhân vật, phần trung tâm thuật lại cuộc đời, chiến công của nhân vật; phần cuối kể về chung cục của nhân vật. Đối với truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ta chỉ gặp những kết cấu giản lược nói về sự ra đời hoặc nói về một số sự kiện trong cuộc đời nhân vật. Đây cũng là tình hình chung của các truyền thuyết về những nhân vật lịch sử đời sau. Đối với dạng truyền thuyết về những nhân vật lịch sử như Mạc Đăng Dung, kết cấu giản lược lại là lợi thế bởi nó cho phép xây dựng rất nhiều mẩu kể về những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời nhân vật. Chính nhờ thế cuộc đời nhân vật hiện lên đầy đủ, phong phú hơn. Mỗi mẩu kể cho ta biết thêm một mặt nào đó về nhân vật Mạc Đăng Dung. Chẳng hạn: có mẩu kể ca ngợi sức khỏe phi thường của nhân vật, có mẩu kể cho thấy tướng mạo phi phàm của nhân vật, có mẩu kể thuật lại đức tính nhân hậu, tín nghĩa của nhân vật… Tổng hợp tất cả những mẩu kể ấy sẽ cho ta cái nhìn tương đối đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp của nhân vật qua lăng kính của nhân dân.
1.2.5. Trong số mười một truyền thuyết về Mạc Đăng Dung không có truyền thuyết nào nói về cái chết hoặc sự hiển linh âm phù của nhân vật này. Đây là hiện tượng rất đáng quan tâm bởi lẽ: nhân dân ta luôn quan niệm sinh vi tướng, tử vi thần, những nhân vật tài năng, đức độ hơn người thì dù thác đi anh linh của họ vẫn còn mãi và luôn trở về trợ giúp con cháu đời sau. Trong truyền thuyết thường xảy ra hiện tượng nhân dân vì quá yêu mến nhân vật nên không muốn thừa nhận và nhắc tới cái chết tự nhiên của họ. Tuy nhiên trong những trường hợp ấy nhân dân vẫn không quên ghi lại cụ thể sự hiển linh của nhân vật sau khi hóa và việc nhân dân thờ cúng nhân vật như thế nào, các triều đại sau ban sắc phong ra sao.
Riêng đối với nhân vật Mạc Đăng Dung, qua quá trình điền dã chúng tôi được biết nhân vật này từng được thờ làm thành hoàng tại đình làng Cổ Trai (tiếc là ngôi đình đã bị dỡ bỏ vào những năm 70 trong đợt vận động đổi mới tư tưởng, bài trừ mê tín dị đoan của chính quyền) và đã được các vua triều Nguyễn nhiều lần phong làm phúc thần (hiện nhà họ Mạc còn giữ được mười bốn bản sắc phong), nhân dân địa phương hiện vẫn thờ cúng Mạc Đăng Dung tại một số chùa trong vùng. Tuy vậy, không có truyền thuyết nào tồn tại cho đến ngày nay nói về chung cục của nhân vật. Chúng tôi lý giải hiện tượng này như sau: Đối với nhân dân vùng Dương Kinh xưa – tức Kiến Thụy ngày nay, Mạc Đăng Dung là một anh hùng văn hóa – người có công xây dựng Dương Kinh thành một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng dưới thời Mạc và mang lại cho nhân dân Dương Kinh cuộc sống ổn định, thịnh vượng. Song, triều đại nhà Mạc kéo dài không lâu. Sau khi Mạc Đăng Dung qua đời chừng vài chục năm, Dương Kinh đã bị san phẳng, con cháu họ Mạc phải thay tên đổi họ, ly tán khắp nơi, Mạc Đăng Dung bị coi là kẻ nghịch thần phản quốc, nhà Mạc bị gọi là “ngụy triều”. Tâm lý kì thị đó bắt đầu từ khi nhà Mạc bị diệt và kéo dài cho đến tận những năm 70 của thế kỉ XX. Trong suốt quãng thời gian dài như vậy, trước áp lực của dư luận chung, thái độ của những người dân Dương Kinh thế hệ sau cũng phần nào bị ảnh hưởng. Điều đó dẫn đến việc: một mặt họ tiếp tục khắc ghi và truyền lại cho đời sau những truyền thuyết về thời niên thiếu của Mạc Đăng Dung với niềm tự hào của những người đồng hương với bậc đế vương; mặt khác họ không muốn nhắc tới sự hiển linh, sự phù hộ của một nghịch thần đang bị xã hội lên án. Do đó, người dân Dương Kinh xưa không tiếp tục sáng tạo hoặc lưu truyền những truyền thuyết về chung cục hoặc sự hiển linh của Mạc Đăng Dung. Vì nguyên nhân ấy, truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ngày nay vẫn tồn tại ở Kiến Thụy – Dương Kinh xưa với số lượng phong phú nhưng không có truyền thuyết nào nói về sự hiển linh âm phù của nhân vật này.
2. Mạc Đăng Dung – một nhân vật lịch sử, hai quan điểm đánh giá.
Mạc Đăng Dung là người khởi lập một vương triều phong kiến tồn tại 65 năm trong lịch sử Việt Nam. Do đó, dù ít hay nhiều Mạc Đăng Dung vẫn để lại những dấu ấn nhất định trong lịch sử và trong tâm thức người dân. Vẫn biết, tìm hiểu truyền thuyết về Mạc Đăng Dung là tìm hiểu hình ảnh của Mạc Đăng Dung trong lòng nhân dân, tìm hiểu thái độ của nhân dân đối với nhân vật lịch sử ấy. Song không vì thế mà ta bỏ qua hình tượng Mạc Đăng Dung trong con mắt các sử gia, bởi lẽ truyền thuyết dân gian bao giờ cũng có cái lõi là sự thực lịch sử, một nhân vật lịch sử như Mạc Đăng Dung tất yếu sẽ được sử sách ghi chép cụ thể. Đôi khi cách đánh giá của các sử gia đối với nhân vật lịch sử cũng có ảnh hưởng tới tâm lý chung của nhân dân. Tìm hiểu quan điểm của các sử gia đối với Mạc Đăng Dung không chỉ giúp ta hiểu rõ hơn về hình tượng Mạc Đăng Dung trong lòng dân mà còn cho ta cơ sở để nêu bật sự khác biệt giữa hai quan điểm ấy.
Cho đến nay, những ý kiến đánh giá về Mạc Đăng Dung của các sử gia, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất. Nhìn chung, quan điểm của các nhà sử học đối với Mạc Đăng Dung có thể chia thành hai nhóm với sự đối lập rõ rệt.
2.1. Mạc Đăng Dung – nghịch thần cướp ngôi, bán nước.
Nhóm quan điểm thứ nhất tập trung lên án Mạc Đăng Dung với những tội danh nặng nề: cướp ngôi, bán nước, làm nhục quốc thể…
Quan điểm này bắt nguồn từ những ghi chép của các sử gia trong Đại Việt sử kí toàn thư. Trong bộ sử này, triều Mạc bị gọi là “Ngụy Mạc” và chi được chép ở phần “Phụ” mà không được chép ngang hàng với các vương triều phong kiến khác. Giải thích điều này, Đặng Bính nói rõ: “Thế nên tôi bảo là vì theo lẽ nghịch mà lấy được nước cho nên không được chép làm chính thống” [43; 545]. Đối với vị vua đầu tiên của triều Mạc, các sử thần dựng nên hình tượng một Mạc Đăng Dung gian hùng, xảo trá qua việc thuật lại hành động của nhân vật lịch sử này: “… bức hiếp lòng người, dời vua đến chỗ gò hoang, cướp lấy thiên hạ của triều Lê, tiếm xưng vị hiệu, ở nơi nhà vàng, gian trá nhiều cách, lấy chỗ đất một xó ở Hải Dương gọi là Dương Kinh, tự tiện bỏ lăng tẩm của triều Lê, giết hại con cháu công thần các đời trước, xét các việc làm không khác gì Tào Tháo” [43; 535]. Các sử gia còn miêu tả chi tiết hành động của Mạc Đăng Dung: “Mùa đông, tháng 11, Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi…qua trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây vào cổ, đi chân không đến bò rạp ở Mạc phủ nước Minh, dập đầu quỳ dâng tờ biểu xin hàng.” [43; 350]. Đồng thời, các sử gia cũng nêu rõ tội danh “bán nước” của Mạc Đăng Dung khi liệt kê rõ các động mà ông đã cắt cho nhà Minh. Có thể thấy, trong con mắt của các tác giả bộ Đại Việt sử kí toàn thư, người dựng nên vương triều Mạc là kẻ nghịch thần không những mắc tội soán ngôi mà còn là kẻ phản quốc đáng khinh. Những nhận xét của các sử gia đã cho thấy sự mâu thuẫn trong tư tưởng của họ. Một mặt, họ nhận thức rõ những vua Lê bấy giờ đều là vua Quỷ, vua Lợn, chính họ cũng bàn về vua Lê Chiêu Tông: “Trong nghe lời xiểm nịnh gian trá, ngoài say mê săn bắn chim muông, ngu tối không biết gì, ương ngạnh tự phụ, đến nỗi nguy vong là đáng lắm” [43; 346]. Mặt khác, họ lại kịch liệt lên án hành động của Mạc Đăng Dung, coi đó là việc làm của kẻ nghịch thần vô đạo.
Các sử gia đời sau tiếp tục lấy những điều ghi chép trong Đại Việt sử kí toàn thư làm căn cứ để phê phán Mạc Đăng Dung mà không có sự kiểm định lại tư liệu một cách khoa học.
Trong Đại Việt thông sử Lê Quý Đôn tuy có tham khảo tư liệu từ Đại Việt sử kí toàn thư nhưng đã có cái nhìn khách quan hơn đối với Mạc Đăng Dung và Mạc triều. Sử gia Lê Quý Đôn không những thừa nhận một số điểm tích cực của tiều Mạc mà còn dành hẳn một phần để chép về thân thế, sự nghiệp của Mạc Đăng Dung và những vị vua khác của triều Mạc. Tuy nhiên, với quan điểm Tống Nho truyền thống Lê quý Đôn vẫn coi Mạc Đăng Dung là kẻ cướp ngôi “bụng chứa mưu gian nhưng bề ngoài làm ra vẻ thực thà, ngay thẳng để mua danh” [20; 154] và chép truyện của Mạc Đăng Dung vào mục “Nghịch thần truyện”.
Trong bộ Cương Mục được biên soạn dưới triều Nguyễn, kế thừa quan điểm của các nhà sử học tiền triều, các sử thần vẫn tiếp tục lên án kẻ nghịch thần Mạc Đăng Dung. Họ đã đưa thêm vào bộ sử này nhiều chi tiết để chứng minh Mạc Đăng Dung là kẻ nghịch thần tàn ác đáng khinh: “Bấy giờ Hàn lâm hiệu lý Nguyễn Thái Bạt bị Đăng Dung cưỡng ép vời đến, ông giả vờ thong manh, được đến gần, nhân đó ông nhổ vào mặt Đăng Dung và mắng chửi ầm ỹ. Lễ bộ thượng thư Lê Tuấn Mậu bị Đăng Dung cưỡng ép vào chầu, ông xu xu hòn đá trong ống tay áo, ném Đăng Dung, không trúng. Cả hai đều bị Đăng Dung giết chết.” [57; 248].
Đến thế kỉ XX, Mạc Đăng Dung vẫn là nhân vật hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề từ những người viết sử. Phan Bội Châu – bậc sĩ phu yêu nước vang danh đầu thế kỉ XX, xuất phát từ lợi ích và lòng tự hào dân tộc đã kết tội Mạc Đăng Dung trong cuốn sử viết bằng chữ Hán Việt Nam quốc sử khảo: “Lấy đất đai của nước, nhân dân nước tặng người nước ngoài, tội đáng chém. Chúng nó lấy gì để biện bạch được” [61; 34].
Tiếp đó, nhà sử học miền Nam Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam sử lược cũng không tiếc lời phê phán Mạc Đăng Dung: “Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục” [39; 295].
Quan điểm phê phán Mạc Đăng Dung còn tiếp tục được bàn tới trong các cuốn sách lịch sử của nước ta như cuốn Lịch sử Việt Nam (tập 1) do Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam biên soạn năm 1971: “Trước sự đe dọa của nhà Minh, Mạc Đăng Dung đã đầu hàng và đem dâng một phần đất đai của Tổ quốc cho kẻ thù để mong được rảnh tay đàn áp nhân dân và đối phó với phe phái đối lập trong nước” [61; 35].
Như vậy, Mạc Đăng Dung trong quan điểm phê phán của các sử gia là một nhân vật lịch sử đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng:
– Mạc Đăng Dung là nghịch thần đã lợi dụng sự suy yếu của nhà Lê để cướp ngôi một cách không chính đáng.
– Mạc Đăng Dung đã có hành động làm nhục quốc thể khi tự trói mình ra biên giới để dâng biểu đầu hàng.
– Mạc Đăng Dung đã cắt đất cho nhà Minh và chấp nhận chức tước do nhà Minh ban – đây là hành động bán nước .
Tất cả các quan điểm phê phán Mạc Đăng Dung của các sử gia đời sau đều lấy những điều ghi chép trong Đại Việt sử kí toàn thư làm căn cứ và coi đó là sự kiện lịch sử chính thức. Từ những căn cứ ấy, các sử gia lại đưa ra những nhận xét quá mức gay gắt mà không hề có sự kiểm định lại thông tin. Điều đó khiến những đánh giá đối với Mạc Đăng Dung phần lớn mang tính một chiều, áp đặt.
2.2. Mạc Đăng Dung – “Người anh hùng lập thân trong thời loạn”.
Nhóm quan điểm thứ hai có cách đánh giá hoàn toàn trái ngược với nhóm thứ nhất. Dựa trên những lời kết tội mà các sử gia phong kiến đưa ra, các tác giả thuộc nhóm thứ hai cũng xem xét để minh oan cho Mạc Đăng Dung trên các phương diện:
– Việc đoạt ngôi của Mạc Đăng Dung.
– Việc Mạc Đăng Dung ra biên giới đầu hàng nhà Minh.
– Việc Mạc Đăng Dung cắt đất cho nhà Minh.
Người khởi đầu quan điểm minh oan và ca ngợi Mạc Đăng Dung là Nhượng Tống Mạc Báo Thần vào thập kỉ 40 của thế kỉ XX. Song do không đưa ra được cơ sở khoa học vững chắc nên quan điểm của tác giả này chưa được chú ý nhiều.
Đến thập ki 50 của thế kỉ XX, Lê Văn Hòe và Phạm Văn Sơn – hai nhà sử học Nam bộ đã đồng loạt lên tiếng phản bác lại quan điểm của Trần Trọng Kim và lên tiếng thân oan cho Mạc Đăng Dung. Tác giả Lê Văn Hòe trên cơ sở phân tích tình hình chính trị, xã hội thời kỳ Mạc Đăng Dung sống đã chứng minh rằng: “Đó là một thời đại loạn” [31; 87] và trong hoàn cảnh “đại loạn” ấy, Mạc Đăng Dung “là người anh hùng trong thời loạn” [31; 86], là “người yêu nước thương dân” [31; 91], là “người có tài ngoại giao” [31; 93]. Tác giả Phạm Văn Sơn trong cuốn Việt sử tân biên do nhà xuất bản Sài Gòn ấn hành đã nối tiếp ý kiến của Lê văn Hòe. Ông cho rằng Trần Trọng Kim đã “hạ những nhát búa quá nặng đối với nhà Mạc, một triều đại mà ta không thể phủ nhận tinh thần phục vụ quốc gia của nó” [31; 70]. Và từ đây, Phạm Văn Sơn đề xuất việc xóa bỏ những định kiến trước đây đối với Mạc Đăng Dung: “Cái án Mạc Đăng Dung cần phải xóa bỏ trên bộ quốc sử của nước ta để tránh một sự vu hãm và thóa mạ tiền nhân một cách bất công và vô lý” [31; 84].
Tiếp đó, trong Hội thảo kỉ niệm 400 năm ngày mất của Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức tại Hải Phòng, GS Trần Quấc Vượng đã đưa ra những đánh giá tích cực đối với Mạc Đăng Dung và Mạc triều. Ông khẳng định hành động đầu hàng của Mạc Đăng Dung là một hành động tượng trưng và kết luận:“Tất cả những ứng xử của nhà Mạc với nhà Minh cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao hằng xuyên của nước Việt nhỏ với nước Hoa lớn” [74; 123] và vì thế mà không nên mạt sát Mạc Đăng Dung một cách thái quá.
Năm 1991, tác giả Trần Khuê với bài Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhà Mạc in trong cuốn kỷ yếu thông báo kết quả cuộc hội thảo kỷ niệm 500 năm ngày sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm một lần nữa khẳng định nhà Mạc không mắc tội phản quốc và lên đánh giá cao một số việc làm của Mạc Đăng Dung “Việc giành lấy ngôi vua từ tay một triều đại, một dòng họ đã suy tàn là hợp quy luật, việc trá hàng nhẫn nhục để giữ yên cõi bờ và bảo toàn chủ quyển là khôn khéo. Còn tội “cắt đất” dâng cho kẻ thù rõ ràng là không có chứng cứ chính xác” [61; 34].
Năm 1994, tại hội thảo Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử tổ chức ở Kiến Thụy, Hải Phòng, căn cứ vào những chứng cứ cụ thể, khoa học các học giả đã đánh giá lại nhân vật Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc trên nhiều khía cạnh khác nhau. Nhiều nhà khoa học không những đã lên tiếng minh oan mà còn đánh giá cao những đóng góp của Mạc Đăng Dung trong lịch sử. Tiêu biểu trong số đó là ý kiến của giáo sư Trần Quốc Vượng: “Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Lê không phải từ tay một vua Lê anh hùng như Lê Lợi , một vua Lê có học vấn và tài năng lớn như Lê Thánh Tông mà là từ tay những vua Lợn, vua Qủy … sự thay thế đó là hợp lẽ Đời và Đạo” [28; 26] . PGS Nguyễn Danh Phiệt cũng có những đánh giá rất dứt khoát đối với Mạc Đăng Dung: “Lịch sử đã lựa chọn Mạc Đăng Dung hay nói cách khác qua thực tiễn hoạt động Mạc Đăng Dung đã tỏ ra vượt trội hơn hẳn những người khác về uy tín và tài năng. Ông được lòng người ủng hộ và đáp ứng của yêu cầu của lịch sử” [28; 60]. Cũng như GS Trần Quốc Vượng, phó giáo sư Nguyễn Danh Phiệt kết luận: “Từ bối cảnh xã hội cụ thể đương thời, sự xuất hiện của ông (Mạc Đăng Dung) trên chính trường Đại Việt vào đầu thế kỉ XVI là một tất yếu đáp ứng đòi hỏi của lịch sử ” [28; 60].
Tiếp theo quan điểm ấy, tác giả Đinh Khắc Thuân trong cuốn Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia được phát triển từ luận án tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm tại Pháp đã xem xét vai trò của Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc trong lịch sử một cách khoa học căn cứ vào những thư tịch, văn bia của nhà Mạc còn sót lại cho tới ngày nay và nguồn sử liệu phong phú trong và ngoài nước. Trong cuốn sách này, dựa trên những chứng cứ khoa học thuyết phục, tác giả Đinh Khắc Thuân đã khẳng định những đóng góp của Mạc Đăng Dung trong lịch sử nước ta: “Mạc Đăng Dung thực sự không hề mắc tội phản quốc mà trái lại đã góp một phần quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị xã hội trong nước, cũng như tái lập quan hệ bang giao với nhà Minh” [61; 88] .
Quan điểm bênh vực minh oan cho Mạc Đăng Dung xuất hiện muộn hơn rất nhiều so với những ý kiến phê phán nhân vật này. Tuy nhiên, những quan điểm ủng hộ Mạc Đăng Dung đều dựa trên những căn cứ lịch sử cụ thể và khoa học nên chúng có sức thuyết phục đáng kể đối với các nhà nghiên cứu cũng như đối với dư luận công chúng. Điều đó đã đặt ra một yêu cầu khoa học cấp bách: đánh giá một nhân vật, một sự kiện lịch sử không thể chỉ đơn thuần dựa vào quan điểm của người đi trước mà phải dựa vào những dẫn chứng cụ thể, khoa học.
3. Hình tượng Mạc Đăng Dung trong truyền thuyết.
Truyền thuyết là một cách để nhân dân dựng tượng đài những nhân vật lịch sử mà họ yêu mến kính phục. Trong truyền thuyết dân gian, những nhân vật có thực trong lịch sử đều đã được xây dựng lại, nhào nặn lại bằng trí tưởng tượng phong phú và sức sáng tạo phi thường của nhân dân. Vì thế, nhân vật của truyền thuyết thực mà hư, hư mà thực, vừa có cái đáng tin, vừa có cái đáng ngờ. Đó chính là điều tạo nên sức cuốn hút của truyền thuyết dân gian. Nhân vật lịch sử trong truyền thuyết đã trở thành nhân vật của nhân dân, cho nên tìm hiểu về hình tượng của nhân vật trong truyền thuyết cũng chính là việc tìm hiểu quan niệm của nhân dân về nhân vật đó. Dưới đây, chúng tôi sẽ đi vào tìm hiểu về hình tượng nhân vật Mạc Đăng Dung trong truyền thuyết để thấy sự khác biệt trong cách đánh giá về nhân vật lịch sử này giữa nhân dân Dương Kinh xưa và các sử gia.
3.1. Mạc Đăng Dung – người con phi thường của vùng quê Nghi Dương bình dị.
“Truyền thuyết là lịch sử của nhân dân” [53; 19]. Vì thế, trong truyền thuyết nhân dân luôn “có ý thức sâu sắc về việc đề cao vai trò của những người bình dân trong lịch sử ” [77; 47]. Đó là lí do khiến những nhân vật có xuất thân bình dân hoặc gần gũi với nhân dân thường được nói tới nhiều hơn trong truyền thuyết lịch sử.
Trong những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung mà chúng tôi sưu tầm được, hoàn cảnh xuất thân bình dân và thời niên thiếu cơ hàn của nhân vật liên tục được nhắc tới. Có tới bảy trong tổng số mười một truyền thuyết đề cập đến chi tiết Mạc Đăng Dung được sinh ra trong gia đình nghèo khổ, thời niên thiếu ông phải vừa đánh cá vừa chở đò để kiếm sống. Việc các tác giả dân gian nhấn mạnh đến hoàn cảnh xuất thân của Mạc Đăng Dung trong các truyền thuyết thực chất là một cách để khẳng định mối quan hệ gần gũi, gắn bó của Mạc Thái Tổ đối với nhân dân. Mạc Thái Tổ là người khởi đầu vương triều Mạc nhưng cũng có xuất thân bình dân như bất cứ một thường dân áo vải nào, Mạc Thái Tổ cũng nếm trải mọi khổ cực của người bình dân và cũng nhận được sự giúp đỡ, đùm bọc từ những người dân nghèo bình dị. Một nhân vật trưởng thành từ sự đùm bọc của nhân dân sẽ hiểu, sẽ cảm thông với nhân dân. Một vị vua như vậy dù ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo đến đâu cũng sẽ luôn nghĩ suy và hành động vì nhân dân và không bao giờ phản bội lại những người dân chân lấm tay bùn đã cưu mang, đùm bọc mình. Đó là điều mà nhân dân đã chứng minh qua hàng loạt những truyền thuyết về Đinh Bộ Lĩnh, Lí Công Uẩn, Lê Lợi và nhiều vị anh hùng khác. Thông qua việc nhấn mạnh hình tượng Mạc Đăng Dung với xuất thân bình dân, nhân dân không chỉ thể hiện tình cảm yêu quý, niềm tin tưởng, sự ủng hộ đối với nhân vật này mà họ còn gián tiếp thể hiện niềm tự hào của những người có cùng quê hương, cùng xuất thân với vị vua khởi đầu triều Mạc.
Bên cạnh đặc điểm về hoàn cảnh xuất thân, sức khỏe phi thường chính là điểm tạo nên nét riêng biệt của hình tượng Mạc Đăng Dung trong truyền thuyết. Sử sách cũng đã ghi nhận về sức khỏe của Mạc Đăng Dung: “Đăng Dung người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dươn , lúc bé làm nghề đánh cá, đến khi lớn có sức khỏe, thi đỗ lực sĩ xuất thân ”[43; 534]; “…Tuổi còn trẻ đã có sức khỏe, nhà nghèo, làm nghề đánh cá” [20; 235]. Trong lịch sử, Mạc Đăng Dung là một võ tướng chủ yếu tiến thân bằng con đường binh nghiệp với nhiều chức vụ quan trọng như: Đô chỉ huy sứ vệ Thiên Vũ, phó tướng Tả đô đốc, Đề thống các doanh thủy quân và bộ binh, Tiết chế các doanh thủy lục quân .
Xuất phát từ sự thực lịch sử ấy, nhân dân đã hư cấu thêm nhiều chi tiết để tạo nên hình ảnh Mạc Đăng Dung với sức khỏe phi thường: nâng bổng đối thủ bằng một tay, rút cột quán làm đòn gánh, nâng bổng cột cờ to bằng vòng tay hai người ôm. Sự kết hợp giữa những chi tiết mang tính kì ảo với những hoàn cảnh đời thường đã góp phần làm tăng tính thuyết phục của câu chuyện. Đó vừa là niềm tin hết sức thành kính vừa là sự ca ngợi của nhân dân đối với Mạc Đăng Dung.
Để xứng đáng với một sức mạnh phi thường, nhân dân cũng xây dựng hình tượng một Mạc Đăng Dung của riêng họ với những đặc điểm riêng biệt về ngoại hình: mắt to, mày rậm, tướng mạo đường đường, khí độ hơn người, xương vai liền thẳng. Ngoài những đặc điểm đặc trưng của một võ tướng thường được miêu tả bằng những đặc điểm có tính chất công thức trong dân gian như mắt to, mày rậm, tướng mạo đường đường… nhân dân đã tạo cho hình tượng Mạc Đăng Dung một đặc điểm mang tính chất cá biệt hóa cao về ngoại hình: xương vai liền thẳng. Đây là đặc điểm tạo nên sự khác biệt của nhân vật Mạc Đăng Dung với các nhân vật khác cũng có sức khỏe hơn người thường thấy trong truyền thuyết dân gian người Việt. Chính sự khác biệt quan trọng về ngoại hình này là yếu tố chủ đạo báo trước về những tài năng và chiến công phi thường của nhân vật trong những giai đoạn sau. Đặc điểm dị biệt về ngoại hình của Mạc Đăng Dung là một dấu hiệu mang tính chất biểu tượng rõ rệt với những tầng lớp ý nghĩa phong phú mà chúng tôi sẽ phân tích kĩ hơn ở phần tiếp theo.
Hình tượng nhân vật Mạc Đăng Dung trong truyền thuyết là sự kết hợp hài hòa giữa cái phi thường với cái bình dị. Nếu như đặc điểm xuất thân khiến nhân vật Mạc Đăng Dung gần gũi với nhân dân lao động thì những đặc điểm về tướng mạo, về sức khỏe khiến Mạc Đăng Dung trở thành một nhân vật phi thường xứng đáng để nhân dân ngưỡng mộ, kì vọng. Xây dựng một nhân vật như thế tác giả dân gian hẳn đã gửi gắm vào đó tất cả tình cảm trừu mến, kính phục của mình.
3.2. Mạc Đăng Dung- con người nhân từ, tín nghĩa.
Song song với những đặc điểm phi thường về ngoại hình, sức mạnh, nhân vật Mạc Đăng Dung đối với người dân Dương Kinh xưa còn là một con người có phẩm chất phi thường, một người đạt đến chuẩn mực về chữ Nhân và chữ Tín.
Là người sinh ra và lớn lên giữa nhân dân lao động bình dị, Mạc Đăng Dung đã tiếp thu từ họ những phẩm chất vô cùng quí báu: nhân từ và tín nghĩa. Hình tượng một Mạc Đăng Dung nhân nghĩa, độ lượng hiện lên trong truyền thuyết qua rất nhiều chi tiết: tuy gia cảnh nghèo khó nhưng Mạc Đăng Dung có tính khảng khái, hay giúp đỡ mọi người; tuy nghèo khó nhưng hai cha con Mạc Đăng Dung vẫn thường xuyên giúp đỡ mọi người, gặp người nghèo qua đò đều không lấy tiền.
Trong truyền thuyết Mạc Đăng Dung và thầy địa lí người Tàu, phẩm chất nhân từ của Mạc Đăng Dung được tác giả dân gian khắc họa rõ nét nhất. Trong một câu chuyện tương đối ngắn gọn, tác giả dân gian đã liên tiếp xây dựng hai lần thử thách để Mạc Đăng Dung bộc lộ lòng Nhân của mình.
Thử thách đầu tiên đối với Mạc Đăng Dung là việc giúp một lão ăn mày khắp người ghẻ lở tanh hôi – kẻ mà mọi người đều muốn tránh xa – qua đò vào lúc đêm khuya. Hành động đưa ông lão qua đò và thưa gửi lễ phép đã chứng tỏ Mạc Đăng Dung có lòng Nhân hơn người. Chính nhờ điều đó mà Mạc Đăng Dung đã nhận được một phần thưởng xứng đáng: được thầy địa lí chỉ cho huyệt đất tốt phát mạch đế vương. Ở lần thử thách thứ nhất, Mạc Đăng Dung đã chiến thắng được thử thách khó khăn do yếu tố khách quan đặt ra.
Ở lần thử thách thứ hai, Mạc Đăng Dung phải vượt qua một trở ngại lớn hơn: phải đấu tranh với tham vọng của chính mình để giữ được lòng Nhân. Mạc Đăng Dung – khi ấy chỉ là một người chở đò bình thường – được đặt trước một hoàn cảnh khác thường: không những có cơ hội là vua, ông còn có thể kéo dài thêm sự nghiệp của cả dòng họ; đổi lại, ông phải hi sinh tính mạng của một người thân. Mạc Đăng Dung đã không ngần ngại từ bỏ tham vọng cá nhân để bảo vệ tính mạng cho người thân của mình. Khi được đặt giữa một bên là sự nghiệp lâu dài của cả dòng họ Mạc và một bên là tính mạng của người thân, Mạc Đăng Dung đã lựa chọn tình cảm ruột thịt. Trong lần thử thách này Mạc Đăng Dung đã mất đi cơ hội quí giá là kéo dài thêm lịch sử của Mạc triều nhưng ông lại được một thứ còn quí hơn: giữ được lòng Nhân của mình trước mọi thử thách và cám dỗ. Mạc Đăng Dung không thể chiến thắng mệnh trời nhưng ông đã có được vị trí tuyệt đối trong lòng nhân dân với sự nhân từ độ lượng của mình. Trong truyền thuyết, nhân dân thường đặt nhân vật vào hoàn cảnh khó khăn để bày tỏ thái độ của mình với nhân vật. Việc hai lần tác giả dân gian đặt nhân vật Mạc Đăng Dung vào hoàn cảnh khó khăn chính là một cách để họ đưa ra sự đánh giá, tôn vinh của mình đối với nhân vật: Mạc Đăng Dung có được ngôi vua là nhờ tấm lòng nhân từ, độ lượng của ông. Đồng thời, trong truyền thuyết này nhân dân cũng thể hiện quan điểm về số phận của vương triều Mạc: Mạc triều có thời gian tồn tại ngắn ngủi là tại thiên mệnh. Bằng việc mượn yếu tố thần bí để lí giải về số phận ngắn ngủi của Mạc triều, nhân dân Dương Kinh xưa một lần nữa khẳng định sự ủng hộ của mình đối với triều đại này. Đây là quan điểm trái ngược hoàn toàn với quan điểm của các sử gia phong kiến đương thời cũng như của các triều đại sau.
Trong truyền thuyết này, nhân vật Mạc Đăng Dung có dấu hiệu cổ tích hóa rõ nét. Tuyến hành động của nhân vật diễn ra trình tự theo công thức: gặp thử thách – vượt qua thử thách – được phần thưởng. Ở đây, tác giả dân gian đã mang cái kì ảo, phi thực tế của truyện cổ tích kết hợp với chất thiêng của truyền thuyết để tô đậm phẩm chất tốt đẹp của nhân vật và đồng thời tạo nên nét hấp dẫn riêng của truyện kể.
Ngoài phẩm chất nhân từ, độ lượng, những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ở Kiến Thụy cũng cho thấy phẩm chất tín nghĩa của nhân vật này. Phẩm chất ấy được khắc họa chi tiết qua những truyền thuyết thuật lại việc Mạc Đăng Dung khi đã hiển đạt vẫn không quên lời ước hẹn từ thuở hàn vi với người con gái làng Trà Phương như: Truyền thuyết về Mạc Đăng Dung và Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản, Sự tích chùa Trà Phương, Nguồn gốc câu truyền ngôn: “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa”. Là người con tín nghĩa của vùng đất Nghi Dương, ngay cả khi trở thành người những đứng đầu quốc gia, Thái Tổ Mạc Đăng Dung vẫn không quên những sự trợ giúp mà ông nhận được từ thuở cơ hàn. Thiên Phúc Tự được dựng nên trên nền chùa Bà Đanh đổ nát chính là lời tri ân của Mạc Thái Tổ với vùng đất xưa kia đã che chở ông khỏi tai họa (Sự tích Thiên Phúc Tự). Đối với nhân dân, Thiên Phúc Tự là biểu hiện rõ nhất cho phẩm chất tín nghĩa của vị vua mà họ kính trọng.
Mạc Đăng Dung trong tâm thức của người dân Dương Kinh xưa không chỉ có tài năng hơn người mà còn có những phẩm chất tốt đẹp. Ông là đại diện tiêu biểu cho sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của người dân nơi đây. Chính bởi thế, bất chấp những ý kiến trái ngược từ phía các sử gia phong kiến, nhân dân Dương Kinh xưa cũng như nhân dân Kiến Thụy ngày nay luôn dành cho nhân vật này sự ủng hộ đặc biệt.
3.3. Mạc Đăng Dung – vị phúc thần giúp dân trị thủy.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, Mạc Đăng Dung là người có công lớn với nhân dân Dương Kinh xưa. Ông là người đã xây dựng vùng Dương Kinh nghèo khó thành một đô thị cảng quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng. Nhờ công lao của Mạc Đăng Dung, Dương Kinh đã trở thành một trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa sánh ngang với Thăng Long và thậm chí còn có phần ổn định hơn kinh đô Thăng Long dưới thời Mạc. Công đức ấy nhân dân hẳn không thể nào quên. Tuy nhiên, truyền thuyết còn lại đến ngày nay dường như không nhắc gì đến những công đức ấy mà chỉ nhắc đến duy nhất một công lao của Mạc Đăng Dung: công lao trị thủy. Trong truyện Sự tích đê nhà Mạc hình tượng người anh hùng trị thủy của Mạc Đăng Dung hiện ra vô cùng uy nghi rực rỡ, mang đậm màu sắc tưởng tượng, liên tưởng với hình ảnh thuồng luồng bay đến phục dưới chân Mạc Đăng Dung. Đây là một chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng rõ rệt. Nó thể hiện sự quy phục tuyệt đối của sức nước đối với Mạc Thái Tổ. Bằng cách xây dựng nên chi tiết này, nhân dân đã kì vĩ hóa hình ảnh Mạc Đăng Dung và nâng tầm nhân vật này lên thành một anh hùng có công giúp dân chế ngự sức mạnh của nước, một anh hùng có tầm vóc sánh với vũ trụ, chế ngự thiên nhiên.
Việt Nam vốn là một đất nước thuần nông, cư dân sống chủ yếu bằng việc canh tác lúa nước. Điều đó khiến cho con người phải sống lệ thuộc vào tự nhiên. Chỉ cần thời tiết thuận hòa thì mùa màng bội thu, cuộc sống nhân dân no ấm, thời tiết thất thường thì mất mùa, đói kém, dịch bệnh. Trong ba nỗi lo sợ thường trực của con người (thủy, hỏa, đạo tặc) thì nỗi sợ lớn nhất của con người chính là lũ lụt, mưa bão.
Với nhân dân Dương Kinh xưa, điều đó không ngoại lệ. Nhân dân Dương Kinh xưa chủ yếu sống bằng nghề nông và buôn bán. Đối với người nông dân, sự lệ thuộc vào yếu tố thời tiết, nhất là yếu tố nước là điều tất yếu. Đối với những thương nhân tại Dương Kinh – những người chủ yếu tiến hành việc buôn bán ở cảng Minh Thị và Bến An Qúy – thì bão gió, lũ lụt cũng là mối họa khôn lường. Cho nên, mặt trái của yếu tố nước trong tự nhiên vẫn là nỗi lo sợ thường trực và lớn nhất đối với người dân Dương Kinh xưa. Bằng việc đắp đê, Mạc Đăng Dung đã làm được một việc có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân Dương Kinh: ngăn cản bão gió, lũ lụt tàn hại đến nhân dân Dương Kinh, giải mối lo canh cánh bao đời cho họ.
Sự thực lịch sử chứng minh, dưới đời Mạc Đăng Dung, đê cổ Chân Kim đã được xây dựng – đây là con đê vững chắc bao quanh vùng biển Kiến Thụy – Đồ Sơn mà ngày nay vẫn còn dấu tích. Có lẽ vì cảm ơn công đức ấy của Mạc Đăng Dung nhân dân Dương Kinh xưa đã xây dựng nên câu chuyện này.
* Nhận xét chung:
Trong truyền thuyết, hình tượng Mạc Đăng Dung hiện lên với những nét đẹp toàn diện của một người anh hùng, một phúc thần có công giúp nhân dân trị thủy. Trong lòng nhân dân, Mạc Đăng Dung thực sự là người anh hùng không chỉ hơn người về tướng mạo, sức khỏe mà còn hơn người ở tấm lòng nhân hậu, tín nghĩa. Một con người toàn tài toàn đức sinh ra từ cảnh lầm than, chính vì thế Mạc Đăng Dung sẽ là một vị minh quân thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Trong xã hội đại loạn cuối thời Lê, đây chính là nhân vật có đủ năng lực để tiếp quản ngai vàng, ổn định lòng dân. Bất chấp sự bài xích miệt thị của họ Lê Trịnh và các sử gia sau này, những truyền thuyết trên đã xây dựng được một hình tượng vô cùng tốt đẹp về Mạc Đăng Dung trong lòng dân chúng. Đó thực sự là tấm bia miệng muôn đời để nhân dân Dương Kinh xưa ghi công vị Thái tổ của Mạc triều.
4. Các môtip nổi bật.
4.1. Môtip “sự ra đời thần kì”.
Môtip sự ra đời thần kì là môtip khá phổ biến trong truyện dân gian Việt Nam từ thần thoại, truyền thuyết cho tới truyện cổ tích. Khảo sát môtip này PGS.TS Nguyễn Bích Hà đã chỉ ra tới mười dạng khác nhau của nó. Điều đó cho thấy đây không chỉ là môtip phổ biến mà còn có sự biểu hiện phong phú trong các tác phẩm cụ thể. Đặc biệt, đối với truyền thuyết, môtip này được sử dụng phổ biến trong truyền thuyết về các anh hùng, các danh nhân văn hóa. Nếu như trong thần thoại hoặc truyền thuyết người Việt ở thời kì đầu, môtip sự ra đời thần kì xuất hiện một cách ngẫu nhiên, phản ánh sự ấu trĩ, thiếu hiểu biết của nhân dân về những điều thường thức trong cuộc sống thì ở các truyền thuyết thời kì sau, khi nhận thức của nhân dân phát triển hơn rất nhiều, môtip này vẫn được sử dụng với dụng ý nghệ thuật rõ ràng nhằm “báo hiệu những hành trạng phi thường, những thành tích bất ngờ hoặc những khả năng kì diệu của nhân vật” [22; 46]. Hai Bà Trưng ra đời do người mẹ nằm mộng thấy được Phật ban hai đóa mẫu đơn. Sau này, hai nàng Trưng Trắc, Trưng Nhị quả thực trở thành những nữ tướng anh hùng khiến quân giặc phương Bắc khiếp sợ. Đinh Bộ Lĩnh tương truyền là con của rái cá thần nên có sức khỏe hơn người, lại có tài bơi lặn, nhờ thế mà dựng nghiệp đế vương. Mạc Đĩnh Chi là do Hầu tinh giáng thế nên có tài khác người, sau này được phong Lưỡng quốc trạng nguyên, là một anh hùng văn hóa của dân tộc.
Môtip sự ra đời thần kì được sử dụng trong truyền thuyết về Mạc Đăng Dung cũng không ngoài mục đích ấy. Môtip này chỉ được sử dụng ở duy nhất một truyện trong số mười một truyền thuyết về Mạc Đăng Dung, đó là truyền thuyết Chuyện vợ chồng lão lái đò sinh quý tử. Theo truyền thuyết trên, sự ra đời của Mạc Đăng Dung có nhiều điểm kì lạ:
– Mạc Đăng Dung ra đời do người mẹ nằm mộng thấy được thần tiên đến báo có Tứ quý hoàng đế xuống đầu thai.
– Mẹ Mạc Đăng Dung có mang mười bốn tháng mới sinh ra ông.
Môtip Sự ra đời thần kì trong truyền thuyết về Mạc Đăng Dung là sự kết hợp của hai dạng: Đứa trẻ ra đời do được một lực lượng siêu nhiên đầu thai và Đứa trẻ ra đời do người mẹ nằm mộng. Trong truyền thuyết người Việt thường xuyên có sự kết hợp giữa hai dạng trên khi nói về sự ra đời của nhân vật: Vua Lê Thánh Tông ra đời do người mẹ nằm mộng thấy Ngọc Hoàng sai tiên đồng xuống đầu thai. Mẫu Liễu Hạnh ra đời do Lê Thái Công nằm mộng thấy đệ nhị tiên chúa Quỳnh Hoa vì làm vỡ chén ngọc nên bị phạt đầu thai xuống trần gian…
Theo chúng tôi, khi sử dụng môtip Sự ra đời thần kì với sự kết hợp của hai dạng nói trên, tác giả dân gian không chỉ muốn báo hiệu những hành trạng phi thường của nhân vật ở giai đoạn tiếp sau mà còn muốn nhấn mạnh tình cảm, thái độ của mình đối với nhân vật. Trong quan niệm của nhân dân ta từ xa xưa, lực lượng siêu nhiên là lực lượng quyền năng luôn che chở và bảo vệ cho con người. Vì thế, đó là đối tượng để con người sùng kính, tôn thờ. Một nhân vật ra đời do lực lượng siêu nhiên đầu thai hoặc thần thánh mượn cửa để xuống trần gian tất yếu sẽ là người nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ, giúp đỡ, đem lại lợi ích cho nhân dân khi trưởng thành. Với những ý nghĩa ấy, có thể nói, môtip Sự ra đời thần kì dưới dạng Đứa trẻ ra đời do lực lượng siêu nhiên đầu thai đã thể hiện rõ nhất thái độ tôn kính, khâm phục của nhân dân đối với nhân vật truyền thuyết. Điều này hoàn toàn phù hợp với âm hưởng ngợi ca vốn là đặc trưng của truyền thuyết.
Bên cạnh đó, tác giả dân gian sử dụng một dạng môtip hỗ trợ khác: dạng môtip Đứa trẻ ra đời do người mẹ nằm mộng mà cụ thể hơn là Người mẹ được báo mộng về sự đầu thai của lực lượng siêu nhiên. Từ xa xưa, giấc mộng đã được xem là một hiện tượng vô cùng kì bí. Người thời xưa tin rằng giấc mơ là một cách để con người liên lạc và nhận thông điệp từ lực lượng siêu nhiên. Giấc mộng đối với người xưa quan trọng đến mức có hẳn những người chuyên việc chú giải chuyện mộng mị và đoán định tương lai từ những giấc mộng ấy. Bởi thế, dạng môtip này được sử dụng để thông báo về đầu thai của lực lượng siêu nhiên là điều hợp lí và có tác dụng nhấn mạnh tính chất cao quý, phi phàm của nhân vật.
Tuy môtip Sự ra đời thần kì chỉ xuất hiện ở một truyền thuyết trong tổng số mười một truyền thuyết về nhân vật Mạc Đăng Dung nhưng môtip này lại có một dạng biểu hiện độc đáo, khác lạ so với các truyền thuyết cùng thời. Môtip này được biểu hiện dưới công thức: Hai vợ chồng nhà kia đã nhiều tuổi mà chưa có con – họ chăm chỉ cầu cúng và làm việc thiện – cảm động trước tấm lòng của họ, các đấng tối cao báo mộng sẽ có người Trời xuống đầu thai – người mẹ sinh ra đứa trẻ sau một thời gian mang thai bất thường. Đây vốn là công thức rất phổ biến trong các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương nhưng lại ít được sử dụng trong các truyền thuyết đời sau. Các tác giả dân gian sử dụng công thức này để nói về sự ra đời kì lạ của Mạc Đăng Dung nhằm đạt tới những hiệu quả nghệ thuật khác lạ. Thứ nhất, việc sử dụng công thức có từ xa xưa đem lại cho truyền thuyết về Mạc Đăng Dung yếu tố cổ kính, làm gia tăng chất thiêng của truyền thuyết. Thứ hai, công thức trên thường được sử dụng trong truyền thuyết về những vị vương, vị tướng có công giúp đỡ các vua Hùng, có công với nhân dân. Do đó, việc sử dụng công thức này là một cách để nhân dân dự báo về tương lai với những chiến công phi thường để giúp dân, giúp nước của nhân vật.
4.2. Môtip “tướng lạ – tài lạ”.
Nhân vật lịch sử được tái hiện trong truyền thuyết luôn được nhân dân lựa chọn “xuất phát từ quyền lợi, nguyện vọng, tư tưởng và tình cảm của mình” [53; 21]. Do đó, truyền thuyết người Việt thường tập trung vào các nhân vật lịch sử có xuất thân bình dân hoặc nếu nhân vật ấy có xuất thân quý tộc thì nhân dân cũng xây dựng hình tượng của họ với những đặc điểm rất dân gian và đặt họ trong mối quan hệ mật thiết với nhân dân: Đinh Bộ Lĩnh – vị vua lẫy lừng một thời có thời thơ ấu gian khổ, phải đi chăn trâu cho chú. Thái Tổ Lí Công Uẩn thuở nhỏ ở nhờ nhà chùa cũng phải chịu nhiều nỗi đắng cay và lớn lên trong sự đùm bọc của những người dân nghèo. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn xuất thân từ dòng dõi quý tộc hiển hách nhưng mọi thắng lợi của ông trên chiến trường, nhất là trận Bạch Đằng lịch sử đều là nhờ có những người dân gan dạ luôn sẵn sàng giúp đỡ.
Sống giữa lòng dân, chan hòa với nhân dân nhưng người anh hùng của nhân dân vẫn luôn mang những đặc điểm phi thường nhất định – đó là dấu hiệu để người anh hùng không bị lẫn vào đám đông quần chúng, là điểm báo hiệu về sự phi thường của nhân vật. Sự khác biệt của nhân vật truyền thuyết so với người thường bao giờ cũng nằm ở hai điểm: ngoại hình và hành trạng. Môtip Tướng lạ – tài lạ vì thế được nhân dân sử dụng để “cá biệt hóa” nhân vật truyền thuyết, tạo nên những hình tượng anh hùng vừa phi thường so với đám đông quần chúng vừa mang tính độc đáo so với hình tượng người anh hùng trong các truyền thuyết khác. Cùng là tướng lạ nhưng Lí Thái Tổ có bốn chữ sơn hà xã tắc trong lòng bàn tay; Lê Lợi có bảy nốt ruồi ở lưng trong khi Lê hoàn có mắt phượng, miệng rồng, dáng đi như beo cọp. Cùng là tài lạ nhưng tài lạ của Yết Kiêu là bơi lặn, tài lạ của Mạc Đĩnh Chi là trí thông minh hơn người… Trong môtip này, hai yếu tố tướng lạ và tài lạ luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tướng lạ là nguồn gốc lí giải và là yếu tố có tính chất dự báo cho tài lạ và ngược lại tài lạ là minh chứng cho tướng lạ. Lí Thái Tổ có bốn chữ sơn hà xã tắc trong lòng bàn tay nên có tài kinh bang tế thế, dựng nên đế nghiệp. Lê Hoàn có tướng mắt phượng miệng rồng, dáng đi như beo cọp nên có tài trận mạc, sau này là một võ tướng tài ba, được Đinh hậu truyền ngôi báu. Có thể nói, môtip Tướng lạ – tài lạ phổ biến trong truyền thuyết người Việt không thua kém gì so với môtip Sinh nở thần kì. Hơn nữa, do tính địa phương và quy luật tái sáng tạo của văn học dân gian, môtip này có muôn vàn những dạng biểu hiện khác nhau mà cho đến nay chưa có nhà nghiên cứu nào thống kê được toàn bộ.
Trong số mười một truyền thuyết về Mạc Đăng Dung có năm truyền thuyết sử dụng môtip Tướng lạ – tài lạ, đó là các truyền thuyết: Truyền thuyết về sức kkhỏe của Mạc Đăng Dung; Truyền thuyết về Mạc Đăng Dung và Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản; Truyền thuyết về Mạc Đăng Dung và bà Nhữ Thị Thục; Truyền thuyết về thời niên thiếu của Mạc Đăng Dung; Truyền thuyết nhà họ Mạc được đất. Trong năm truyền thuyết trên, nhân vật Mạc Đăng Dung hiện lên với tướng lạ: mắt to mày rậm; tướng mạo tuấn tú, chí khí hiên ngang… Đây đều là những yếu tố miêu tả theo công thức có tính chất ước lệ của tác giả dân gian nhằm khẳng định yếu tố phi phàm trong tướng mạo của nhân vật. Trong số các đặc điểm tạo nên “tướng lạ” của Mạc Đăng Dung, có một chi tiết nổi bật đóng vai trò trung tâm, khiến nhân vật Mạc Đăng Dung được “cá biệt hóa”, đó là chi tiết “xương vai liền thẳng”. Từ điển biểu tượng giải thích: “Đôi vai có nghĩa là uy lực, là sức mạnh thực hiện” [11; 976], đôi vai “biểu thị cho khả năng làm, hành động, tác động” [11; 976], đôi vai còn là “trung khu của sức mạnh thể chất và cả bạo lực” [11; 976]. Đối với người phương Đông, quan niệm về đôi vai cũng tương tự. Đo đó, đôi vai vững chắc với xương vai liền thẳng của Mạc Thái Tổ chính là một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng rõ nét. Trước hết, nó báo hiệu cho một sức mạnh vật chất phi thường đồng thời cũng là tài lạ của ông: Mạc Đăng Dung có thể nhổ cột quán làm đòn gánh; gánh cả cong nước to đổ được 7, 8 gánh nước; dựng cột cờ to bằng vòng tay hai người ôm, nâng bổng đối thủ lên không trung. Tướng lạ của Mạc Đăng Dung còn là biểu tượng cho uy lực của vị vua tương lai: người có đôi vai rộng, vững chắc là người có thể làm chỗ dựa cho người khác, có khả năng gánh vác giang sơn. Trong hoàn cảnh xã hội loạn lạc cuối đời Lê, đây quả thực là người anh hùng mà nhân dân ta đang trông đợi.
Vẫn biết truyền thuyết được xây dựng dựa trên tình cảm, thái độ cũng như trí tưởng tượng phong phú của nhân dân nhưng nó vẫn có cái lõi lịch sử nhất định. Trong trường hợp này, môtip Tướng lạ – tài lạ tuy là sự hư cấu của tác giả dân gian nhưng nó vẫn phải dựa trên một đặc điểm lịch sử cụ thể của nhân vật. Mạc Thái Tổ trong lịch sử quả thực là người có sức khỏe hơn người. Năm 23 tuổi ông đỗ chức Đô lực sĩ (Trạng nguyên võ) và được giao việc che dù cho vua (chức vụ quan trọng luôn cận kề Hoàng đế). Vậy là, từ một cái lõi lịch sử có thực, tác giả dân gian đã dùng trí tưởng tượng phong phú của mình để tạo nên môtip tướng lạ – tài lạ với dạng biểu hiện hết sức độc đáo. Ở đây môtip tướng lạ – tài lạ là một cách để nhân dân phi thường hóa, thần thánh hóa nhân vật. Bằng việc phi thường hóa nhân vật, nhân dân ta đã thể hiện thái độ ngợi ca, sùng kính và niềm ngưỡng vọng lớn lao đối với Thái Tổ Mạc Đăng Dung.
Trong chuỗi truyền thuyết về Mạc Đăng Dung, môtip Tướng lạ – tài lạ tuy có mặt ở năm truyện nhưng không phải trong truyện nào cũng xuất hiện cả hai yếu tố tướng lạ và tài lạ. Đa phần trong mỗi truyền thuyết chỉ xuất hiện một yếu tố hoặc tướng lạ hoặc tài lạ. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chúng tôi xem mười một truyền thuyết về Mạc Đăng Dung là một chuỗi, mỗi truyền thuyết đóng góp một phần giúp người đọc biết được một mặt nào đó về cuộc đời, về tính cách nhân vật. Chúng tôi xem mười một truyền thuyết ấy là một hệ thống có mối quan hệ nội tại với nhau. Vì vậy, trường hợp nhiều mẩu kể chứa đựng những yếu tố khác nhau của một môtip là hoàn toàn có thể lí giải được.
4.3. Môtip “được lực lượng siêu nhiên phù trợ”.
Xưa nay, trong quan niệm của người dân Việt Nam luôn luôn có một thế giới siêu nhiên tồn tại song song với thế giới trần tục – đó là thế giới của các vị thần, vị thánh, ông Tiên, ông Bụt – một lực lượng có quyền năng vô biên, có khả năng thấu tường mọi việc nơi cõi trần, luôn luôn giúp con người tránh khỏi tai ương và trừng phạt kẻ ác. Quan niệm ấy xuất phát từ tín ngưỡng vật linh và Tôtem giáo của con người từ thời kì nguyên thủy.
Trong thần thoại, lực lượng siêu nhiên đó là những vị thần khổng lồ vừa kiến tạo vũ trụ, vừa chế ngự tự nhiên để mang đến cuộc sống an lành cho con người: “Ông đếm cát/ Ông tát bể/ Ông kể sao/ Ông đào sông/ Ông xây rú/ Ông Trụ Trời”. Trong truyện cổ tích, lực lượng siêu nhiên là những ông Bụt, ông Tiên chuyên cứu giúp người nghèo khổ, bất hạnh; là Thiên Lôi, thần Sấm, thần Sét trừng phạt kẻ ác. Còn trong truyền thuyết, lực lượng siêu nhiên cũng được biểu hiện ở muôn hình vạn trạng độc đáo. Có khi đó là anh linh của các bậc tiền nhân hiện ra giúp con cháu đời sau như anh linh Thánh Gióng giúp vua Lê Thánh Tông trừ Tinh chuột, anh linh Thánh Trần giúp từ vong hồn Phạm Nhan hại dân. Có khi, lực lượng siêu nhiên hóa thân vào những con vật linh để che chở cho con người: con rồng đưa Đinh Bộ Lĩnh qua sông khi bị chú đuổi đánh; hai con hạc nhảy múa thu hút sự chú ý của những kẻ đuổi đánh giúp Lí Công Uẩn chạy thoát. Có khi, lực lượng siêu nhiên không biểu hiện thành nhân vật cụ thể mà chỉ là những dấu hiệu hoặc những hiện tượng tự nhiên như đám mây mù, đám mây ngũ sắc, làn hương thơm, cơn gió lạnh… Dù dạng thức biểu hiện như thế nào, lực lượng siêu nhiên với sức mạnh vô biên và khả năng thấu tường mọi việc bao giờ cũng đứng về phía nhân dân, là chỗ dựa tinh thần vững chắc của nhân dân. Môtip Được lực lượng siêu nhiên phù trợ trong truyền thuyết là một cách để tác giả dân gian tăng thêm không khí linh thiêng cũng như âm hưởng ngợi ca đặc trưng của truyền thuyết. Cho nên, những nhân vật được thần linh phù trợ tất yếu phải là những nhân vật đức độ hơn người, vì dân vì nước hoặc là những nhân vật có mối liên hệ gần gũi nhất định đối với thần thánh. Có thể nói, trong truyền thuyết, nhân vật anh hùng đã trở thành đối tượng trung gian để lực lượng siêu nhiên có thể gián tiếp giúp đỡ, che chở cho con người. Chẳng hạn, bằng việc giúp Lê Lợi, Lí Công Uẩn thoát nạn, lực lượng siêu nhiên đã che chở cho những người sau này sẽ là những vị minh quân luôn biết thương dân như con.
Trong các truyền thuyết về Mạc Đăng Dung, có ba truyền thuyết sử dụng môtip này, đó là các truyền thuyết: Sự tích Thiên Phúc Tự, Truyền thuyết về Mạc Đăng Dung khi mới lên ngôi, Sự tích đê nhà Mạc. Truyền thuyết Sự tích Thiên Phúc tự thuật lại truyện Mạc Đăng Dung được lực lượng siêu nhiên phù trợ, che chở cho thoát khỏi sự truy đuổi của bọn người xấu. Hình thức biểu hiện của môtip này giống với các truyền thuyết tương tự về thuở thiếu thời gian khó của các vị vua: Đinh Bộ Lĩnh lúc bị đuổi đến đường cùng thì có rồng vàng hiện ra đón, Lê Lợi bị giặc Minh đuổi gấp thì có Hồ Ly phu nhân cứu. Việc đặt nhân vật vào hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong sự truy đuổi nguy hiểm cần sự giúp đỡ là thủ pháp nghệ thuật khá phổ biến trong truyền thuyết. Một mặt, nó bình dân hóa nhân vật, khiến nhân vật trở nên gần gũi hơn, thực hơn. Mặt khác, nó cũng là cách khéo léo để nhân dân bày tỏ nguyện vọng, tình cảm của mình. Lực lượng siêu nhiên ở đây vừa có chức năng minh chứng cho mối liên hệ của nhân vật với thần linh vừa đóng vai trò là lực lượng đại diện cho tấm lòng nhân dân luôn hướng về nhân vật, hết lòng chở che cho nhân vật.
Trong Truyền thuyết về Mạc Đăng Dung khi mới lên ngôi tuy nhân vật không bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn thương thấy là bị truy đuổi hay gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng mức độ khó khăn của hoàn cảnh mới cũng không kém gì hoàn cảnh trước: Mạc Đăng Dung lên ngôi nhưng các triều thần đều không phục và không chịu quỳ lạy. Trong hoàn cành này, sự trợ giúp của lực lượng siêu nhiên có ý nghĩa vô cùng to lớn: giúp Mạc Đăng Dung thu phục được triều đình mặc dù lực lượng siêu nhiên chỉ biểu hiện dưới dạng một cơn gió lốc. Theo chúng tôi, môtip Được lực lượng siêu nhiên phù trợ trong hoàn cảnh này đã bộc lộ rõ nét nhất sự ủng hộ của lòng dân đối với Mạc Đăng Dung. Đối với các sử gia và các triều đại sau, Mạc Đăng Dung bị coi là nghịch thần cướp ngôi, bán nước. Nhưng nhân dân – bằng việc công nhiên nói đến sự kiện Mạc Đăng Dung được lực lượng siêu nhiên giúp thu phục quần thần – đã bày tỏ quan điểm của mình một cách thẳng thắn: việc Mạc Đăng Dung lên ngôi vua là chính đáng, là thiên mệnh và được thần linh chấp nhận; tất cả những người phản đối Mạc Đăng Dung là đi ngược với ý trời. Chi tiết gió lốc xoáy làm rơi mũ của vị quan đầu triều chống lại Mạc Đăng Dung đã thể hiện rõ sự ủng hộ của thiên ý đối với ông và đồng thời có ý nghĩa như một lời cảnh báo đối với những người manh tâm chống đối Mạc Thái Tổ.
Trong truyền thuyết Sự tích đê nhà Mạc lực lượng siêu nhiên đã giúp Mạc Đăng Dung xây con đê kiên cố chỉ trong một đêm. Lực lượng siêu nhiên ở đây không trực tiếp xuất hiện dưới hình dạng cụ thể nào mà chỉ có một chi tiết mang tính chất điềm báo: Mạc Đăng Dung nằm mộng thấy thuồng luồng bay đến phục dưới chân mình. Đây là chi tiết đậm chất huyền ảo và có ý nghĩa biểu tượng rõ rệt. Đối với những cư dân nông nghiệp đã quen với nghề trồng lúa nước thì rồng, rắn, thuồng luồng, giải, giao long… chính là những con vật biểu hiện cho nước và sức mạnh của nước. Hình tượng thuồng luồng bay tới phục dưới chân Mạc Đăng Dung tượng trưng cho sự quy phục của sức nước đối với nhân vật này. Điều đó góp phần lí giải cho hiện tượng đặc biệt: chỉ trong một đêm đê đã xây xong. Ở truyền thuyết này, Mạc Đăng Dung không gặp phải khó khăn nào nhưng vẫn được lực lượng siêu nhiên giúp đỡ vì ông đã làm việc nghĩa, việc có ích cho dân: đắp đê ngăn lũ lụt, giúp cho nhân dân thoát khỏi nỗi lo sợ thường trực trong lòng. Ở đây, lực lượng siêu nhiên đóng vai trò đại diện cho ý nguyện, cho sự ủng hộ của nhân dân đối với Mạc Đăng Dung.
Xem xét chuỗi truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ta thấy môtip Được lực lượng siêu nhiên phù trợ xuất hiện khá nhiều và xuất hiện cả trong giai đoạn thiếu thời lẫn giai đoạn sau khi Mạc Đăng Dung đã đăng quang. Điều đó khẳng định tình cảm và sự ủng hộ của nhân dân đối với nhân vật này. Trong truyền thuyết, ta thấy Mạc Đăng Dung thực sự là vị vua của nhân dân. Nhân dân đã mượn hình ảnh lực lượng siêu nhiên để dõi theo và ủng hộ nhân vật ở mọi giai đoạn trong cuộc đời nhân vật này. Sử dụng môtip Được lực lượng siêu nhiên phù trợ trong truyền thuyết về Mạc Đăng Dung, tác giả dân gian muốn mượn uy lực của lực lượng siêu nhiên để trấn áp luồng tư tưởng phản đối lại nhân vật lịch sử này vốn rất phổ biến trong giới sử gia và một bộ phận dân chúng. Đây chính là một cách độc đáo để biểu hiện sự đồng tình đối với nhân vật.
4.4. Môtip “được huyệt đất phát mạch đế vương”.
So với các môtip khác, môtip Được huyệt đất phát mạch đế vương có mức độ xuất hiện tương đối ít hơn trong truyền thuyết người Việt và lịch sử hình thành của có cũng phức tạp hơn. Môtip này khởi nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh vốn có từ thời nguyên thủy. Nhân dân ta quan niệm, mọi vật trong vũ trụ đều có linh hồn như con người từ những con vật sống quanh ta cho đến cái cây, ngọn cỏ, hòn đá, con suối… Con người sống giữa vũ trụ ấy nên cũng có mối liên hệ sâu sắc với những sự vật này. Nhân dân ta cũng quan niệm con người gồm có hai phần: phần thể xác và phần linh hồn; phần thể xác là cái hữu hạn, phần linh hồn là cái vĩnh viễn, vô hạn. Bởi vậy, cái chết đối với con mgười chỉ là sự di chuyển từ thế giới thế tục sang thế giới vĩnh hằng. Con người mất đi, được chôn trong lòng đất mẹ chính là một cách hòa nhập vào thế giới tự nhiên cả về mặt thể xác và linh hồn. Khi ấy, con người chính thức gia nhập vào thế giới kì bí của tự nhiên, của những điều linh thiêng, màu nhiệm. Tại thế giới ấy, linh hồn của họ vẫn dõi theo người thân và trong một số trường hợp, họ có đủ quyền năng để phù trợ cho những người đang sống.
Với niềm tin mãnh liệt ấy, nhân dân ta cho rằng tìm được một nơi đẹp đẽ, phong cảnh hữu tình để chôn cất người chết không đơn thuần là một cách bày tỏ tình cảm đối với họ mà còn là biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người chết hòa nhập vào cùng thế giới tự nhiên. Lâu dần, cùng với cùng với niềm tin vào những thuật bùa chú và phép phù thủy, đặc biệt là sự du nhập của Đạo giáo vào Việt Nam, nhân dân ta tin rằng nếu chôn người chết ở những huyệt đất tốt – tức là những nơi có linh khí – thì người chết sẽ có được năng lực siêu nhiên hơn bình thường để trở về phù hộ cho con cháu. Đây cũng là một cách yểm bùa, phù chú để tạo sự may mắn, hưng vượng cho những người ở lại. Từ quan niệm và niềm tin ấy của nhân dân, môtip Được huyệt đất phát mạch đế vương được sử dụng trong truyền thuyết về các vị vua, các vị công hầu khanh tướng như là yếu tố bổ trợ giải thích thêm cho nguyên nhân mà nhân vật có được thành công, có được sức mạnh hay được các lực lượng siêu nhiên phù trợ. Đặc biệt, môtip này thường được sử dụng trong truyền thuyết về những vị vua khởi đầu các triều đại trong lịch sử Việt Nam: Đinh Tiên Hoàng nhờ táng mộ cha vào huyệt xoáy ngầm dưới nước mà được ngôi vua; nhà Trần thay nhà Lí và được vững bền như vậy là do tổ tiên họ được ông thầy địa lí người Tàu chỉ cho chỗ có huyệt đất tốt để táng một tổ, giúp con cháu phát mạch đế vương.
Trong các truyền thuyết về Mạc Đăng Dung, môtip này được sử dụng trong hai truyền thuyết: Mạc Đăng Dung và thầy địa lí người Tàu, Nhà họ Mạc “được đất”. Về cơ bản, môtip Được huyệt đất phát mạch đế vương trong truyền thuyết về Mạc Đăng Dung cũng có dạng biểu hiện tương tự như trong các truyền thuyết khác: nhân vật (hoặc người thân của nhân vật) biết về vị trí của huyệt tốt (thường nhờ thầy địa lí người Tàu thông báo) – nhân vật (hoặc người thân của nhân vật) đem tàng mộ tổ tiên vào huyệt – nhân vật và cả con cháu đời sau được phù trợ trở thành vua hoặc các bậc công hầu khanh tướng. Trong các truyền thuyết về Mạc Đăng Dung, nhân vật thầy địa lí người Tàu cũng xuất hiện giống như trong các truyền thuyết về Đinh Bộ Lĩnh, truyền thuyết về ngôi mộ tổ nhà Trần… làm tăng thêm không khí kì bí, tính chất thiêng của câu truyện. Đồng thời, nó cũng làm tăng tính thuyết phục của truyền thuyết, bởi đối với nhân dân ta xưa kia, thầy địa lí được xem là một nhân vật đặc biệt có mối liên hệ nhất định với các lực lượng siêu nhiên nên có thể tìm được những chỗ đất có linh khí.
Môtip Được huyệt đất phát mạch đế vương trong các truyền thuyết về Mạc Đăng Dung có dạng biểu hiện đặc biệt hơn so với các truyền thuyết khác. Khi sử dụng môtip này, các truyền thuyết khác thường chỉ tập trung nói đến việc được đất mà ít nói đến nguyên nhân của việc ấy. Trong khi đó, ở cả hai truyền thuyết về Mạc Đăng Dung, nguyên nhân được đất được lí giải hết sức rõ ràng. Tronh truyền thuyết Mạc Đăng Dung và thầy địa lí người Tàu, Mạc Đăng Dung được thầy địa lí cho huyệt đất sau khi đã vượt qua được thử thách của nhân vật này, chứng minh được lòng nhân hậu của mình. Ở truyền thuyết Nhà họ Mạc “được đất”, Mạc Đăng Dung được thầy địa lí cho huyệt tốt ở giếng Rồng khi thấy ông có khí độ hơn người. Trong cả hai truyền thuyết, Mạc Đăng Dung đều được thầy địa lí tự nguyện cho đất. Thậm chí, trong truyền thuyết Mạc Đăng Dung và thầy địa lí người Tàu, nhân vật thầy địa lí còn cảm thông và yêu mến Mạc Đăng Dung tới mức tự nguyện giúp ông tới hai lần.
Với sự biểu hiện môtip Được huyệt đất phát mạch đế vương một cách đặc biệt như trên, nhân dân đã gửi vào đó quan niệm rất riêng của mình. Họ giải thích nguyên nhân để nhà Mạc dựng lên nghiệp lớn không hẳn vì một mạch đất đế vương được chọn sẵn mà trước hết là do đức độ, lòng nhân từ của Mạc Đăng Dung, vì khí độ hơn người của ông. Nhờ đức độ ấy mà nhân vật Mạc Đăng Dung mới được lực lượng siêu nhiên phù trợ. Cách lí giải ấy đã cho thấy thái độ hướng về Mạc Đăng Dung môt cách tuyệt đối của người dân Dương Kinh xưa.
Đặc biệt, trong truyền thuyết Nhà họ Mạc “được đất”, tác giả dân gian đã xen ngang một chi tiết rất thú vị vào môtip được huyệt đất phát mạch đế vương: trước khi Mạc Đăng Dung được thầy địa lí cho đất, Lê tiên sinh – thầy của Mạc Đăng Dung đã hỏi xin huyệt đất ấy cho họ mình nhưng không được vì “họ Lê không có phúc mấy”. Chi tiết này là một cách để tác giả dân gian thể hiện quan điểm và cách đánh giá đối với việc nhà Mạc lên thay nhà Lê. Theo quan điểm của nhân dân, nhà Lê đã “không có phúc mấy” thì nên để nhà Mạc thay thế, đấy là điều hợp lẽ trời, thuận lòng dân.
Trong truyền thuyết về Mạc Đăng Dung, môtip Được huyệt đất phát mạch đế vương được sử dụng kết hợp với môtip thiên táng. Ở truyền thuyết Nhà họ Mạc “được đất”, tác giả dân gian có thuật lại chi tiết việc Mạc Đăng Dung vừa táng mộ cha vào giếng Rồng thì chỗ ấy “đột thành một cái gò thật lớn, cỏ cây mọc um tùm, rườm rà xanh tốt, chim chóc kéo đến đậu đầy, không bao lâu thành một khu miếu lớn”. Đối với nhân dân ta xưa kia, những hiện tượng thiên táng như trên chính là minh chứng cho sự tiếp nhận của tự nhiên đối với con người, khẳng định sự hòa nhập của linh hồn con người đối với thế giới mới – thế giới siêu nhiên vĩnh hằng. Môtip thiên táng chỉ được sử dụng trong các truyền thuyết về các bậc vua chúa, công thần, danh tướng và những bậc sinh thành ra các nhân vật ấy. Chẳng hạn, truyền thuyết về Lí Công Uẩn có kể lại rằng khi mẹ ngài mất ở khu rừng Báng thì chỉ một chốc sau mối đã đùn lên thành mộ. Nó cũng có tác dụng chứng minh nơi đó thực sự là huyệt đất tốt, là mảnh đất có linh khí. Trong trường hợp này, môtip thiên táng chỉ được sử dụng như yếu tố bổ trợ nhằm làm rõ hơn cho tính chất kì bí và tăng sức thuyết phục của môtip Được huyệt đất phát mạch đế vương.
* Tiểu kết:
Những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung còn lại cho đến ngày nay là di sản văn hóa dân gian quý giá của người dân Kiến Thụy, Hải Phòng- vùng đất xưa kia là Dương Kinh của nhà Mạc. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, số lượng mười một truyền thuyết còn tồn tại được cho đến ngày nay đã cho thấy dấu ấn sâu đậm của Mạc Đăng Dung trong lòng người dân Dương Kinh qua nhiều thế hệ. Nhìn chung, những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung đều có kết cấu giản lược và tồn tại dưới dạng nhiều mẩu kể khác nhau, mỗi mẩu kể cho ta biết một giai đoạn nhất định trong cuộc đời nhân vật hoặc một nét tính cách, phẩm chất của nhân vật. Đa phần các truyền thuyết về Mạc Đăng Dung đều xoay quanh thời niên thiếu mà không đề cập tới chung cục của nhân vật. Đây là điểm đặc biệt của chuỗi truyền thuyết này.
Trong truyền thuyết, hình tượng Mạc Đăng Dung hiện lên với những đặc điểm phi thường, xuất chúng cả về tướng mạo, tài năng, phẩm chất .Trong quan niệm của nhân dân, Mạc Đăng Dung không chỉ có đầy đủ những yếu tố cần thiết để xứng đáng kế vị ngai vàng mà còn là vị phúc thần có công giúp nhân dân trị thủy. Vì thế, nhân dân Dương Kinh xưa vô cùng kính trọng và yêu mến nhân vật này. Để xây dựng được hình tượng uy nghi, đẹp đẽ mà vẫn bình dị của nhân vật, nhân dân ta đã sử dụng rất nhiều môtip : môtip Sự ra đời thần kì, môtip Tướng lạ tài lạ, môtip Được lực lượng siêu nhiên phù trợ, môtip Được huyệt đất tốt phát mạch đế vương. Tất cả những môtip này đều có mối liên hệ hữu cơ với nhau,bổ sung giải thích cho nhau để đạt tới hiệu quả nghệ thuật đặc biệt là xây dựng hình ảnh một Mạc Thái Tổ vừa uy nghiêm vừa bình dị, gần gũi. Điều đó làm cho hình ảnh Mạc Thái Tổ luôn luôn tồn tại sâu đậm trong tâm thức người dân.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.