- Đang online: 2
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15296
- Tổng truy cập: 3,368,868
HOÀNG HẬU MẠC THỊ GIAI
- 1250 lượt xem
Nguyễn Phước Tương
Cuộc đời của Quận chúa Mạc thị Giai ẩn cư ở chùa Phật Lam Sơn gắn liền với ba nhân vật lịch sử nổi tiếng của thời Nam- Bắc triều và Trịnh –Nguyễn phân tranh: Mạc Kính Điển (?- 1580), Mạc Cảnh Huống (1542-1677) và Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635).
Mạc Kính Điển là con thứ hai của vua Đại Chính Mạc Đăng Doanh (1530-1540) và em ruột của vua Quảng Hòa Mạc Phúc Hải (1541-1546) và là anh ruột của Thống Binh Thái Phó Mạc Cảnh Huống, đồng thời là thân phụ của Quận Chúa Mạc Thị Giai (1578-1630). Ông mất trong khi lãnh đạo quân nhà Mạc chống lại quân Trịnh vào tháng 10 Quang Hưng thứ 3 (1580) (1,2) chứ không phải bị quân Trịnh giết.
Mạc Kính Điển “Tính nhân hậu, minh mẫn, dũng cảm có thừa”. Ông là chú của Mạc Mậu Hợp, giữ chức vị gồm cả tướng văn và tướng võ, giữ binh quyền trong hơn 20 năm…, giữ chức Tổng Soái Trung Doanh, cầm quyền chính trị trong triều ngoài quận, Mậu Hợp tấn phong chức Khiêm Đại Vương. Ông tiếp đãi quan liêu có lễ độ, đối với quân sĩ có ân nghĩa, từng trải biết bao gian hiểm mà vẫn cần lao trung thành, thời bấy giờ tựa vào ông làm trọng. Khiêm (Đại Vương) chết lòng người trong nước đều giao động. Sau khi ông qua đời có chín con trai, chín con gái”(2).
Vào thời kỳ đó, họ Mạc quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, thuộc trấn Hải Dương (3) (nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, tỉnh Hải Phòng) khi thân phụ Mạc Kính Điển mất Quận chúa mới 2 tuổi vì vậy không thể là con gái đầu của Khiêm Đại Vương như trong Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên và Nguyễn Phước tộc thế phả đã nêu lên(5).
Sau khi Khiêm Đại Vương Mạc Kính Điển qua đời, quân Trịnh trở nên thằng thế, chúa Trịnh Tùng đã hạ lệnh cho các tướng thuộc hạ tru lùng khắp nơi để tiểu trừ “dư đảng ngụy Mạc”. Trước cảnh thảm sát trả thù của vua Lê, chúa Trịnh, cộng đồng họ Mạc có một bộ phận lớn phải rời bỏ làng quê di tản đến nơi khác để trốn tránh và sinh sống đồng thời đổi họ Mạc thành họ Ngô; một chi phái họ Mạc ở Hà Tĩnh đã đổi thành họ Hoàng bởi lẽ các chữ đó theo Hán tự viết gần giống với chữ Mạc.
Theo gia phả còn lưu lại của họ Ngô (tức họ Mạc) ở làng Cổ Trai, Hải Dương còn cho biết có một bộ phận họ Mạc đã di tản đến sống và lập làng ở vùng Cửa Tùng, thuộc tổng Minh lương, huyện Minh linh (3) (nay thuộc huyện Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị). Để tưởng nhớ làng quê ở Hải Dương, dân làng vẫn lấy tên làng cú Cổ Trai để đặt cho làng mới ở Minh Lương và gọi làng cũ ở Nghi Dương là làng Cổ Trai Mẹ, làng Cổ Trai lớn hay Cổ Trai Đại Hương hoặc Cổ Trai Đại Hương xã (3)
Từ 1553 dưới thời Mạc Phúc Nguyên (1546-1564), Dương Văn An đã viết “Làng Cổ Trai có lợi hải đồ”, ý muốn nói dân làng Cổ Trai chuyên sống bằng nghề chài lưới đánh bắt hải sản (6) (điều này cho thấy rằng làng Cổ Trai có mặt từ lâu vào thế kỷ 16 tại tổng Minh Lương, huyện Minh linh thuộc phủ Triệu Phong thời bấy giờ sau khi hai Châu Ô và Châu Lý của Chăm Pa trở thành lãnh thổ của ĐạiViệt từ dưới thời nhà Trần vào năm 1307).
Mạc Cảnh Huống là chú ruột của Quận chúa Mạc thị Gia, là người cộng sự dắc lực và trung thành của Đoan Quận công Nguyễn Hoàng. Vào năm 1558, khi Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào Nam lần đầu tiên để làm quan trấn thủ Thuận Hóa thì Mạc Cảnh Huống mới có 16 tuổi và chưa lập gia đình, bởi vậy ông chưa thể đi theo Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa như một số tài liệu và tác giả nêu (7, 4, 3) cũng không phải là vào khi Nguyễn Hoàng lập kế đem quân đi dẹp Phan Ngạn và Bùi Văn Khuê nổi loạn ở cửa Đại An, Nam Định để trở về Thuận Hóa lần thứ hai vào năm 1600.
Theo gia phả của chi phái họ Mạc (đã đổi thành họ Nguyễn Trường dưới thời Tây Sơn) ở làng Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng thì Mạc Cảnh Huống đã đưa gia quyến vào Thuận Hóa năm 1568 (11) để theo nà Nguyễn chống lại chúa Trịnh.
Mạc Cảnh Huống là anh em đồng hao với Nguyễn Hoàng, vợ ông là Nguyễn thị Ngọc dương, em gái của phu nhân Đoan Quận Công. Bà vừa là thím ruột của Quận chúa Mạc Thị Giai vừa là dì ruột của Thế Tử Nguyễn Phúc Nguyên đòng thời là mẹ nuôi của Thế Tử, nên quan hệ giữa họ Mạc với họ Nguyễn rất gắn bó. Bởi vậy mà sau khi Nguyễn Hoàng trở về Thuận Hóa năm 1600, Mạc Cảnh Huống đã trở thành người phụ tá hết lòng và tin cẩn của Đoan Quận Công, góp phần xây dựng cơ đồ Chúa Nguyễn ở Đàng Trong và trở thành một trong ba Khai Quốc Công Thần của triều Nguyễn.
Về Quận chúa Mạc Thị Giai, sau khi thân phụ Mạc Kính Điển qua đời và thời kỳ suy vong của nhà Mạc vào năm 1592, đã quyết định đi vào Thuận Hóa để nương tựa vào người chú ruột là Mạc Cảnh Huống, vào năm 1593, lúc Quận Chúa ở tuổi 15. Khi rời bỏ quê hương phía bắc, Quận Chúa đã “nhìn về phương nam với sự quyến luyến và nỗi buồn”(3).
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dương hết lòng thương yêu người cháu gái bởi lẽ Quận Chúa là người thiếu nữ hiền thục với cử chỉ đoan trang, nếp sống thanh nhã theo đúng khuôn phép của Hoàng tộc. Ban đầu, bà đưa người cháu về sống ở làng Cổ Trai gần Cửa Tùng.
Tại làng cổ Trai, còn gọi là Kinh Dương, cộng đồng họ Mạc đã dựng một ngôi nhà thờ tộc gọi là Tôn Miếu mà ở gian Tôn Diêu, người ta thờ bài vị của các tiên hiền của dòng họ. Tại đây, sau khi Mạc Cảnh Huống làm quan cho Chúa Nguyễn Hoàng và vốn là người sùng đạo Phật, đã giúp cho làng xây dựng một ngôi chùa thờ Phật gọi là lam Sơn Phật Tự.
Quận Chúa Mạc Thị Giai đã sống ẩn mình ở chùa Phật Lam Sơn này trong một thời gian gần hai năm, hàng ngày tụng kinh niệm phật. Ở đây Quận Chúa đã gặp Ông Kiều và Bà Kiều mà cộng đồng họ Mạc ở Cổ Trai xem Ông Kiều như một vị tiên hiền của làng. Trong gia phả họ Ngô (tức họ Mạc) đã nói đến “vị tiên hiền đầu tiên Ngô Đại Lang, thường được gọi là Ông Kiều và phu nhân, Bà Kiều…một bà mẹ không thể chê trách”(3).
Bà Nguyễn Ngọc Dương có vai trò hết sức quan trọng trong việc Quận chúa Mạc Thị Giai trở thành Hoàng Hậu nhà Nguyễn. Như trên đã nói, quan hệ giữa họ Nguyễn và họ Mạc chặt chẽ về nhiều mặt, bản thân bà Nguyễn Ngọc Dương vừa là thím ruột của Quận chúa Mạc Thị Giai vừa là dì ruột và mẹ nuôi của Thế Tử Nguyễn Phúc Nguyên, chính bà đã tiến Quận Chúa vào hầu nơi tiềm để của Thế Tử Nguyễn Phúc Nguyên, dẫn tới hôn nhân giữa hai người cháu nội và cháu ngoại của bà.
Chúng ta khó xác định được niên đại Quận Chúa Mạc Thị Giai trở thành phu nhân của Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên, do năm sinh của Nguyễn Phúc Kỳ, con trai trưởng không được nêu rõ trong phả tộc Nguyễn. Căn cứ vào năm sinh của người con trai thứ hai Nguyễn Phúc Lan, là năm 1601, chúng ta giả định rằng cuộc hôn nhân đó đã tiến hành vào khoảng từ năm 1595 đến 1596 tức là lúc Quận Chúa ở tuổi 17-18 và lúc đó Nguyễn Phúc Nguyên đã ở tuổi 32-33.
Thông thường các Thế Tử nhà Nguyễn lập gia thât sớm, bởi vậy nhà Huế học Léopold Cadière đã nêu ý kiến rằng liệu Quận Chúa Mạc Thị Giai có phải là người vợ đầu tiên của Nguyễn Phúc Nguyên hay không, mặc dù theo gia phả chính thống của họ Nguyễn, bà là chính thất của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và về sau được tấn phong Hoàng Hậu.
Theo Nguyễn Phước Tộc Thế Phả (1995), Chúa Sãi có cả thảy 11 hoàng nam và 4 hoàng nữ, trong khi đó Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên và Gia phả của Quận Chúa Mạc Thị Giai của làng Cổ Trai, thì bà sinh hạ được 5 hoàng nam và 3 hoàng nữ (8). Như vậy, những hoàng nam và hoàng nữ khác đã được sinh ra ít nhất từ một phu nhân khác mà trong các gia phả của Nguyễn Phước tộc viết vào nhiều thời kỳ đã không nêu rõ tên.
Tôn Thất Hân trong “Gia phả họ Nguyễn” viết năm 1920 (9) đã cho biết những hoàng nam và hoàng nữ đó “được sinh ra từ mẹ không rõ” hoặc không nêu tên người mẹ đã sinh ra họ. Những tư liệu đó cho phép khẳng định rằng Hoàng Hậu Mạc Thị Giai không phải là người vợ duy nhất của Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên và có thể không phải là người vợ đầu tiên, bởi vì Chúa Sãi có 15 con trai và con gái, trong khi bà chỉ sinh 8 con trai và con gái (Nguyễn Phúc Kỳ, quan trấn thủ Quảng Nam; Chúa Thượng; Nguyễn Phúc Anh, quan trấn thủ Quảng Nam; Nguyễn Phúc trung, Chưởn dinh; Nguyễn Phúc Anh Phó tướng, quan trấn thủ Trấn Biên; Nguyễn Phúc Ngọc Liên gả cho Phó tướng Nguyễn Hữu Lập, quan trấn thủ Trấn Biên; Nguyễn Phước Ngọc Vạn gả cho vua Chân Lạp Chey Chetta II và Nguyễn Phước Ngọc Khoa gả cho vua Chiêm Thành Pôrômê).
Cần nhấn mạnh rằng: “Hậu tính thông mẫn dịu dàng, lời nói cử chỉ đều có khuôn phép, Chúa rất yêu thương”(4); “nhờ phẩm hạnh và cách ứng xử đáng được ca ngợi”(3) mà về sau bà được phép mang họ của nhà Chúa: Nguyễn Thị Giai hay Nguyễn Thị Ngọc Giai.
Cũng nhờ ân huệ đó mà em gái bà là Mạc Thị Lâu và em họ bà là Mạc Cảnh Vinh, con trai trưởng của Mạc Cảnh Huống, cũng được mang họ nhà Chúa và trở thành Nguyễn Thị Ngọc lâu và Nguyễn Phúc Vinh. Em gái của bà đã tu hành và thường được gọi Vãi Đô, về sau lập gia thất với Quốc sư Võ Qưới Công. Mộ hai ông bà hiện nay còn ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Sau khi trở thành phu nhân của Thế Tử, bà Mạc Thị Giai sống năm 1595 ở Dinh chúa tại Trà Bát, huyện Vũ Xương, tỉnh Quảng Trị. Đến năm Nhâm Dần 1602, Thế Tử Nguyễn Phước Nguyên được Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cử làm quan trấn thủ dinh Quảng Nam và bà theo chồng đến sống ở Dinh trấn Chiêm Thành, phủ Điện Bàn. Nhân dân Quảng Nam thường gọi là bà với cái tên tôn kính là Đức Bà Bá Giai.
Tháng 6 năm Quý Sửu 1613, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng băng hà, Thế Tử Nguyễn Phúc Nguyên lên ngôi Chúa vào tuổi 51, được vua Lê phong tước Quận Công Hàm Thái Bảo và giao cho việc trấn thủ Thuận Quảng. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên được thần dân tín phục, vốn rất sùng đạo Phật, nên được nhân dân Đàng Trong gọi là Chúa Sãi.
Theo truyền khẩu của nhân dân làng Cổ Trai ở Quảng Trị, ông Mạc Cảnh Huống, bà Mạc Thị Giai và một người con gái của bà (chắc chắn là công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Liên là con dâu họ Mạc) dã giữ một vị trí quan trọng trong đời sống, tổ chức nội bộ làn Cổ Trai vào thời kỳ đó (3).
Các tư liệu lưu trữ ở làng Cổ Trai đã cho thấy bà có mối quan hệ gắn bó với làng, với ngôi chùa Phật lam Sơn của làng, với nhà thờ tộc của làng. Đã có lần bà cúng cho làng 100 lạng vàng, đó là một số tiền khá lớn vào thời đó. Dan làng Cổ Trai trước hết đã tự hòa về bà là “người con gái của làng, niềm vinh quang của làng, vị ân nhân của làng và là một trong ba vị thần bảo vệ dòng họ” (3).
Bà qua đời vào ngày mồng 9 tháng 11 năm Mậu Ngọ tức ngày 12-12-1630, hưởng thọ 52 tuổi. Dân làng Cổ Trai đã “cải tự vi từ”, biến chùa Phật lam Sơn thành từ đường thờ bà và những vị đại nhân của làng để tưởng nhớ đến vong linh của bà và các tiền bối họ Mạc. Trong lời tưởng niệm, vị tộc trưởng làng Cổ Trai, Quảng Trị đã khấn: “Từ bốn trăm năm nay làng này vẫn tồn tại và nếu làng được mở mang thêm thì không có gì trái ngược với sự nghiệp của Hoàng hậu”(3). Về sau, tộc mạc ở làng Cổ Trai ở Cửa Tùng, Quảng Trị đã không đủ sức duy trì nhà thờ Hoàng hậu đúng theo nghi lễ tôn nghiêm như trước được nữa, nên năm Giáp Thân, Minh Mạng thứ năm (1824) đã tâu lên vua xin chuyền nhà thờ bà thành chùa Phật như trước và đã được nhà vua chuẩn y. Về vấn đề này, “Đại Nam Thực Lục Chính Biên” đã ghi lại như sau: “Cho xã Cổ Trai (huyện Minh linh, Quảng Trị) 300 quan tiền. Cổ Trai là làng thích lý của Hiếu Văn Hoàng Hậu, trước dân làng cảm ân đức hoàng hậu, lập đền thờ, nay tự nghĩ không dám thở nhảm, tâu xin đổi làm Chùa Phật. Vua theo xin và cho tiền”(12). Qua thời gian, chùa Phật này đã bị hư hại, chỉ còn lại nền móng cũ ở làng Cổ Trai(3).
Theo tài liệu lưu trữ của họ Ngô (tức họ Mạc) ở làng Cổ Trai mẹ ở Kiến Thụy, hàng năm bà con trong họ đã tổ chức hiệp kỵ một cách trọng thể ba vị thần bảo vệ dòng họ là Mạc Cảnh Huống, Mạc Thị Giai và Nguyễn Phúc Ngọc Liên và các đại nhân họ Mạc vào ngày rằm tháng 5 âm lịch hàng năm.
Sau khi bà mất, Chúa sãi Nguyễn Phước Nguyên vô cùng thương tiếc, truy tặng là Doanh Cơ, thụy là “Huy cung Từ Thận Ôn Thục Thuận Trang hiếu Văn Hoàng Hậu”(4,5).
Hiếu Văn Hoàng Hậu được phối thờ với Huy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế (tức Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên) tại Thái Miếu ở gian thứ nhất bên trái trong hoàng cung Huế.
Hoàng Hậu họ Mạc qua đời tại dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng nam khi sống cùng con trai trưởng Nguyễn Phúc Kỳ lúc đó là quan trấn thủ dinh Quảng Nam. Lăng mộ của Hoàng hậu tọa lạc trên một khu đất của Gò Hàm Rồng thuộc làng Chiêm sơn, xã Duy trinh, huyện Duy Xuyên hiện nay mà nhân dân đại phương gọi là Lăng Dưới. Chắc chắn lăng được xây dựng vào cuối năm 1630 trên một diện tích rộng 8 mẫu, 4 sào, 5 tấc, ứng với lô đất số hiệu 1220 theo địa bộ xã Duy Trinh.
Chúa Nguyễn Phước Nguyên đã cấp cho Hoàng hậu Nguyễn Thị Giai sau khi qua đời 4 mẫu, 8 sào, 12 thước đất tư điền thuộc hai làng Trà Kiệu Đông và Trà Kiệu Tây trên đất huyện Duy Xuyên và 2 mẫu thuộc làng Hương Quế trên đất huyện Quế Sơn để con cháu thu hoa lợi hương khói cho bà hằng năm.
Hoàng hậu được thờ ở Chùa Vĩnh An tức Chùa Vua, được xây dựng dưới triều Nguyễn, cùng với Hoàng Hậu Đoàn Thị ngọc trong Vườn Chùa trên đất làng Chiêm Sơn, xã duy Trinh, huyện Duy Xuyên.
Đến năm gia long thứ 5, 1806 Lăng của Hoàng hậu Nguyễn Thị Giai được đặt tên là Lăng Vĩnh Diễn và được tu sửa vào năm 1814 dưới thời vua Gia Long (10).
Chùa Vĩnh An và Vườn chùa còn tồn tại đến sau Cách mạng tháng 8-1945 và bị hư hỏng trong kháng chiến chống Pháp do không có người quản lý chăm sóc.
Đến nay, Lăng Vĩnh Diễn vẫn còn tồn tại ở làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Qua một thời gian dài không được bảo tồn và bị nhân dân địa phương xâm phạm, nên thành bảo vệ bị xói lở, mái ngôi mộ bị sạt lở, đất trong phạm vi bên trong lăng bị đào xới để tìm vàng nham nhở, trồng cây lấy củi, ăn quả…cho đến năm 1998 chính quyền Quảng Nam mới đưa lăng ào diện tích lịch sử- văn hóa địa phương cần được bảo vệ và trùng tu.
Lăng Vĩnh Diên là một di tích cổ xưa nhất của thời Nguyexn còn lại trên đất Quảng nam, đến nay gần 400 năm và có thể trở thành một địa điểm du lịch có giá trị ở địa phương, đã được Ủy ban Nhân dân Tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 436-QĐ-UB ngày 15 tháng 2 năm 2005 xếp hạng là Di tích lịch sử của địa phương./.
Tài liệu dẫn:
- Trần Trọng Kim:Việt nam Sử lược. Quyển II.1971.
- Lê Quý Đôn: Đại Việt Thông sử.
- L.Cadière: As sujet de l’épouse de Sãi Vương BAVH, 1922.N03.
- Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam Liệt Truyệt Tiền Biên.
- Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phước Tộc. Nguyễn Phước Tộc Thế phả 1995
- Dương Văn An (Nhuận Sắc): Ô Châu Cận Lục. 1553
- Nguyễn Đắc Xuân: Chín đời chúa, Mười ba đời vua, 1996.
- L.Cadière: Généalogie de la Princesse Giai, épouse de Sãi Vương. BAVH 1943, N04.
- Tôn Thất Hân Généalogie des Nguyễn avant Gia Long BHA.1943, N04
- Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam Nhất Thống Chí. Quyển V.
- Nguyễn Trường Mười: Gia phả tộc Mạc- Nguyễn Trường, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
- Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Tập III; tr 69.
- Quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng nam số 436-QĐUB ngày 15-2-2006 về việc xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tỉnh Quảng Nam.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.