- Đang online: 1
- Hôm qua: 434
- Tuần nay: 13590
- Tổng truy cập: 3,368,002
NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- 16484 lượt xem
Tống Trung Tín
Gần suốt thế kỷ XVI và nửa đầu thế kỷ XVII, các di tích, di vật mỹ thuật ở nước ta tồn tại dưới hai loại niên hiệu: niên hiệu triều Mạc và niện hiệu triều Lê Trung hưng.
Trong bài này, xin đề cập tới các di tích, di vật mang niên hiệu Mạc và phong cách nghệ thuật thời Mạc.
A-KIẾN TRÚC
Gần đây, các tác giả đề cập đến vấn đề này đều thống nhất cho ta thấy thời Mạc có các loại kiến trúc như; chùa, đình, quán, đền miếu, cầu giếng…(1)
Trong thực tế, vào thời Mạc còn có các loại hình kiến trúc khác nữa: kiến trúc cung điện và thành quách. Bên cạnh đó, cung thất ở vùng đất quê hương Hải dương cũ. Những công trình, kiến trúc này bị tàn phá trong những ngày giao tranh với quân Lê-Trịnh, đặc biệt là vào năm 1592.
Đây là một số loại hình kiến trúc có niên đại Mạc hoặc được xác định là của thời Mạc.
1.Chùa: Các tài liệu ghi chép việc xây dựng chùa ở thời Mạc rất hiếm. Sử không hề chép việc triều đình Mạc đứng ra tổ chức xây dựng một ngôi chùa nào. Nó khác hẳn với các thời Lý-Trần trước đó, việc xây dựng chùa, tháp là công việc thường xuyên của nhà nước.
Tuy nhiên căn cứ vào bia ký có thể thấy được đôi nét việc xây dựng chùa ở thời Mạc. Bước đầu tiên tìm hiểu 91 tấm bia chùa có ghi niên đại Mạc, có thể nêu ra ba đặc điểm về việc xây chùa ở thời Mạc như sau:
– Chùa thời Mạc chủ yếu là các chùa được trùng tu trên cơ sở các ngôi chùa cũ ở thời trước, việc xây dựng các chùa mới rất ít. Trong số 91 bia chùa được khảo sát, có 54 bia ghi việc trùng tu chùa. Chỉ có 5 bia ghi việc xây dựng chùa mới. Chùa ở thời Mạc căn bản được kế thừa thành quả xây dựng từ thời Trần, thời kỳ mà mạng lưới chùa làng dày đặc trên phạm vi cả nước (2). Văn bia ở nhiều chùa còn ghi rõ việc sửa chữa từng bộ phận của chùa như: năm 1542 xây thêm thềm gạch chùa Cao Linh, năm 1545 xây nền gạch chùa Cổ Linh, năm 1562 chạm trổ cột chùa Côi Sơn, năm 1571 sửa thượng điện chùa Thiên Hựu, năm 1580 sửa tiền đường chùa Đại Từ, năm 1582 dựng gác chuông chùa Viên Gác, năm 1586 sửa tam quan chùa Phúc Khánh, năm 1589 sửa lầu điện,cột thiên hương, dậu đường chùa Phúc Lâm Hoằng Thệ…
Vết tích nghệ thuật Mạc ở một chùa hiện nay cũng chứng tỏ điều này. Ví dụ ở chùa Bối Khê (Hà Sơn Bình) còn gạch xây có trang trí ở thềm nhà, ở chùa Phổ Minh (Hà Nam Ninh) có tháp mộ bà chúa Mạc, ở chùa Viên Giác (Hải Hưng) còn nhiều gạch xây trang trí thời Mạc…
-Việc tùng tu, xây dựng chùa ở thời Mạc căn bản là công sức của nhân dân các địa phương. Hầu hết các văn bia đều chỉ ghi lại tên tuổi của những người công đức góp công sức, tiền của để sửa chữa, làm chùa.
– Tầng lớp trên tham gia đóng góp xây dựng và sửa chữa khá rộng rãi. Rất nhiều bia ghi lại sự việc này của các ông hoàng, bà chúa nhà Mạc như: năm 1558 vua và hoàng hậu ban cấp sửa chữa chùa Linh cảm, năm 1562 Thái hoàng, Thái hậu, hoàng tử, công chúa, quốc công cúng tiền, ruộng cho chùa Thiên Phúc, năm 1563 Thái hoàng, Thái hậu, các tước vương, quốc công, quận công sửa chùa Bà Đanh, năm 1571 Khiêm Thái vương cúng tiền sửa thượng điện chùa Thiên Hựu, năm 1572 Hoàng thía hậu họ vũ sửa chùa Minh Phúc…
Như vậy, nếu như việc xây dựng chùa, tháp của nhà nước hầu như không có thì trái lại việc tham gia đóng góp xây dựng chùa làng lại phổ biến trong mọi tầng lớp vua quan, quí tộc nhà Mạc. Vì vậy ở chùa Trà Phương (Hải Phòng) còn có tượng chân dung Mạc Đăng Dung và một công chúa Mạc, ở chùa Phổ Minh (Hà Nam Ninh) có phù điêu chân dung bà chúa Mạc…
Hiện nay không tìm thấy một ngôi chùa nào ở thời Mạc còn nguyên vẹn. Qua tài liệu văn bia, có thể tạm hình dung một mặt bằng kiến trúc ngôi chùa thời Mạc như sau:
Tam quan, tiền đường, thiêu hương, thượng điện. Đó là thành phần kiến trúc cơ bản. Chùa nào cũng phải có. Ngoài ra mỗi chùa có thể có một số các kiến trúc khác như: hậu đường, gác chuông, nhà sân, hành lang, cầu cống…
Hiện nay dựa vào ghi chép, đạc họa của Biệt Lam Trần Huy Bá còn để lại, có thể hiểu chùa Mạc qua chùa Cói (Thần tiên tự) ở xã Hội Hợp, huyện Tam Dương, Vĩnh Phú (3). Chùa Cói gồm các thành phần kiến trúc như sau: Tam quan, tháp, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ, nhà kho, chuông, bể nước…
Trong các thành phần nêu trên, chỉ có kiến trúc tòa thượng điện mang đậm nết dấu ấn nghệ thuật Mạc. Nhà thượng điện được dựng trên một nền đất cao, hình vuông gồm 3 gian: một gian chính ở giữa và 2 gian bên (gian chái). Khung nhà được làm bằng gỗ với 2 vì kèo kiểu “chồng giường- giá nghiêng” được liên kết như sau: Mỗi vì có 6 cột (2 cột cái, 2 cột con, 2 cột hiên). Các cột cái (cao hơn 5m, đường kính 0,80m) được nối với nhau bằng một “câu đầu”. Trên “câu đầu” là hệ thống “giá chiêng”. Đỉnh “giá chiêng” có con “đấu” dùng để đặt thượng lương. Các cột cái liên kết với cột con và cột hiên bằng hệ thống xà, kẻ bẩy. Các vì nhà được liên kết với nhau bằng hệ thống xà, thượng lương tạo nên một bộ khung nhà có dáng đậm, khỏe, chắc chắn. Từ 2 vì nhà chính này, các gian bên được tạo bởi thanh xà góc ăn từ cột cái ra các cột con, từ cột con ra cột hiên lại được liên kết như ở các vì chính.
Do kết cấu khung nhà trên cột, toàn bộ mái ngói nặng nề với các góc đao cong dồn sức nặng lên các cột nhà (có chân tường bằng đá). Đó là kết cấu kiến trúc của nhà thượng điện trong một ngôi chùa thời Mạc.
2. Quán đạo.
Quán, cung đều là những kiến trúc của đạo giáo. Ngay từ thời Lý-Trần, tuy không phổ biến lắm, nhưng cũng đã có khá nhiều kiến trúc đạo giáo nổi tiếng như cung Cảnh Linh, quán Ngũ Nhạc, quán Ngọc Thanh…
Thời Mạc, quán cũng được chú trọng, tuy không bằng chùa. Qua tài liệu văn bia cho thấy một số quán được trùng tu và xây dựng, năm 1565 sửa quán Thụy Ứng(Hải Dương), năm 1589 sửa quán Viên Phương (Hà Sơn Bình), năm 1591 sửa quán Chân Thánh (Hải Hưng). Việc dựng mới có quán Tiên Phúc (Hải Hưng) được quận chúa Mạc Thị Ngọc Duyên xây dựng vào năm 1584.
– Về căn bản, quán cũng được trùng tu trên cơ sở một ngôi quán cũ, việc xây dựng quán mới rất ít. Các đạo quán này đều có kết cấu khá giống nhau gồm 3 nếp nhà chính tiền đường, thiên hương và thượng điện, được bố cục theo hình chữ công. Đặc biệt, kết cấu thượng điện, vì kèo, bộ mái, các hình trang trí (thậm chí cả bệ tượng Tam Thanh) đều tương tự như một ngôi chùa. Điều này nói lên rằng Đạo giáo ngay sau khi được phục hồi dưới thời Mạc, đã lại tàn lụi đi, kéo theo ngôi quán cũng bị mất vai trò chính của nó, biến dần thành nơi thờ Phật. Bởi thế ngày nay các đạo quán này dân gian đã quên hẳn tên quán mà gọi đó là những ngôi chùa: Linh Tiên quán là chùa Linh Tiên, Hưng Thánh gọi là chùa Mai, Hội Linh quán gọi là chùa Sở .v.v..
3. Đình.
Trong các di sản văn hóa hiện còn để lại tới nay, loại hình kiến trúc đồ sộ nhất là ngôi đình làng. Hiện nay vấn đề nguồn gốc, thời điểm xuất hiện của ngôi đình vẫn còn cần phải thỏa luận. Nhưng chắc chắn ngôi đình đã xuất hiện vào thời Mạc.
Không có nhiều tài liệu ghi chép về ngôi đình, nhờ vào văn bia mà biết được rằng năm 1585 dựng đình Trùng Hoài (Hà Bắc). Còn hiện nay đã phát hiện được chắc chắn có 2 ngôi đình có phong cách nghệ thuật Mạc. Đó là đình Lỗ Hạnh (Hà Bắc) dựng năm 1576, đình Tây Đằng (Hà Nội).
So với một ngôi chùa, mặt bằng kiến trúc ngôi đình đơn giản hơn. Đình xây dựng vào thời Mạc lại càng đơn giản, chỉ là nếp nhà có mặt bằng hình chữ nhật mà vẫn quen gọi là nhà Đại Đình. Các nếp nhà khác đều được làm thêm vào các thời sau. Qiu mô một ngôi đình ở thời Mạc không lớn bằng các ngôi đình ở thời sau. Mỗi đình làng gồm nhiều gian như đình Tây Đằng có 3 gian 2 chái, đình Lỗ Hạnh: 5 gian 2 chái. Các gian đình được tạo bởi các vì nhà. Mỗi vì nhà gồm có một số thành phần như cột câu đầu, giá chiêng, kẻ, bẩy… liên kết với nhau bằng nhiều loại mộng. Đình Tây Đằng, các vì nhà đều làm theo kiểu “chồng giường giá chiêng”, dình Lỗ Hạnh có kết cấu các vì giữa giống đình Tây Đằng, còn các vì khác làm theo kiểu “kẻ chuyền-giá chiêng”.
Kết cấu của mái đình gồm 4 mái, đều có góc đao uốn cong. Cũng như chùa quán, kiến trúc đều được chạm khắc và trang trí, đặc biệt là các đề tài mang tính dân gian xuất hiện ngày một nhiều phản ánh đời sống sinh hoạt của nhân dân.
B. ĐIÊU KHẮC.
Thời Mạc, điêu khắc rất phát triển. Chất liệu và loại hình khá phong phú. Tài liệu văn bia cho thấy tượng tròn thời Mạc được làm khá nhiều. Theo hiểu biết hiện nay, vào thời Mạc có khoảng 30 chùa được làm tượng. Như vào năm 1566 tạc 5 pho tượng ở chùa Kiến Linh, năm 1578 đục 24 pho tượng ở chùa Phúc Lâm Hoằng Thệ, năm 1582 sửa 12 pho tượng ở chùa An Khang, năm 1586 tạc 3 pho tượng đá ở chùa Tuyết Sơn, năm 1591 tạo tượng “chư phật” ở chùa Thượng Trùng…
Về các loại hình tượng, có các loại như: tượng Quan Âm, tượng Tam thế, tượng Ngọc hoàng, các tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ, Nam Tào, Bắc Đẩu. Dưới đây là một số tượng phật điển hình.
Tượng Tam thế.
Theo quan niệm của nhà phật, tượng Tam thế thể hiện 3 thế: Quá khứ, hiệ tại, vị lai. Loại tượng này có thể đã được xuất hiện vào thời Lý. Và chắc chắn là xuất hiện vào thời Trần ở chùa Sùng Nghiêm (Thái Bình)(4). Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa tìm thấy pho tượng Tam thế nào dưới các thời Lý-Trần-Lê sơ.
Sang thời Mạc, dựa vào sự so sánh điêu khắc trên bệ tượng có thể thấy một số chùa Mạc còn giữ được tượng Tam thế như chùa Nành, chùa Lệ Mật (Hà Nội), chùa Thầy (hà Sơn Bình).
Trong Phật điện, tượng Tam thế được đặt ở vị trí cao nhất. Kích thước tượng xấp xỉ người thực. Nghệ thuật tạo hình ba tượng giống nhau và cùng chung tư thế ngồi “kiểu già”. Các quí tướng của nhà phật được thể hiện đấy đủ.
Tượng Quan Âm.
Tài liệu văn bia cho biết ở thời Mạc, chùa Khôi Khê có tạc tượng Quan Âm. Chùa Tam giáo (Thái Bình) cũng có tạc tượng Quan Âm với tên gọi Diệu Thiện.
Hiện nay đã tìm thấy khá nhiều tượng Quan Âm thời Mạc. Tượng Đông Ngọ (Hải Hưng) được tạc năm 1582, tượng chùa Thượng Chủng (Vĩnh Phú) được tạc năm 1592. So sánh với các tượng trên, còn có thể kể thêm một số nữa như tượng chùa Đa Tốn (Hà Nội), tượng chùa Hội Hạ (Vĩnh Phú), tượng chùa Bối Khê (Hà Sơn Bình)…
Các tượng Quan Âm thời Mạc nổi bật đặc trưng tạo hình là “nghìn mắt nghìn tay” tượng trưng cho pháp lực vô biên, có khả năng cứu khổ cứu nạn chúng sinh khắp thế gian. Tượng Quan Âm có kích thước xấp xỉ bằng người thực.
Tượng Ngọc hoàng.
Ngọc hoàng trong các chùa ở thời Mạc là biểu tượng của tượng “Đế thích” vốn có từ thời Lý dưới ảnh hưởng ngày một đậm của Đạo giáo. Việc xuất hiện chùa Tam giáo và tượng Tam giáo thời Mạc đã góp phần chứng tỏ điều đó.
Tuy nhiên hiện nay mới tìm thấy tượng Ngọc hoàng bằng gỗ ở chùa Ngọ (Hà Nội).
Tượng Tứ Pháp.
Chùa và tượng Tứ Pháp, biểu hiện bản địa hóa Phật giáo Ấn Độ, xuất hiện từ thế kỷ thứ II-III ở Hà Bắc. Nó tồn tại đến ngày nay và lan truyền đi nhiều nơi với chức năng cầu cho mưa thuận gió hòa. Tượng Tứ Pháp sớm nhất được giới nghiên cứu xác nhận là pho tượng Pháp Lôi ở chùa Nhạc Miếu, nay được đưa về chùa Thái Lạc, huyện Mỹ Văn (Hải Hưng).
Tượng các nhân vật thần thoại.
Trong điêu khắc Phật giáo, ngoài các tượng Phật còn có nhiều nhân vật thần thoại khác mà phổ biến nhất là tiên nữ múa (Apsara), nhạc công (Gandhava), nữ thần đầu người mình chim (Kimnari)…
Ở chùa Cói có nhiều bức tượng chạm hình các tiên nữ có khuôn mặt trái xoan, áo quần mềm mại được thể hiện bằng những nếp vải dài lướt về phía sau. Trên các bức chạm ở đình Lỗ Hạnh cũng là hình các tiên nữ . Tiên nữ được nhận ra ở đây bởi cặp cánh gắn ở sau lưng cưỡi rồng.
Riêng ở đình Tây Đằng trên các đấu đỡ đòn tay thường chạm các tiên nữ và nhạc công, phong cách tạo dáng khá giống nhau. Các tượng đều thể hiện rõ nửa phần trên: Thân hình thon, khuôn mặt trái xoan, áo bó sát người. Đầu các nhân vật này đều đội mũ. Ôm sát đầu có dải lụa chảy dài xuống hai bên vai. Trước ngực có dãy yếm hình “khánh” tai đeo hoa dài. Trong các tượng nagy, tượng Nhạc công được phân biệt bởi tay tượng đang cầm nhạc cụ (đàn, sáo) biểu diễn.
Tượng chân dung.
Thời Mạc, trên một số bia chùa còn tạc các tượng chân dung những người có công đức trong việc xây dựng. Tại chùa Trà Phương (Hải Phòng) có tượng Mạc Đăng Dung bằng đá cao 0.75m, dáng dấp gần giống tượng Ngọc hoàng ở chùa Ngọ.
Cũng ở chùa này còn có chân dung một vị công chúa Mạc chạm trên bia cao 0,74 m. Công chúa đang ngồi trên đài sen. Một tay đặt ngửa ở trước mặt, một tay áp lên đầu gối, xiêm áo mền mại xếp nhiều lớp, dăng vẻ ngồi trầm tư, tĩnh tại.
Ở nhà tổ chùa Phổ Minh (Hà Nam Ninh) cũng có chân dung bà chúa Mạc, người từng tu hành và được tạc hình, xây tháp ở đây.
– Điêu khắc đá và gỗ ở thời Mạc còn có nhiều các đề tài chạm khắc khác. Đặc biệt là các đề tài về các sinh hoạt dân gian của con người. Các đề tài được thể hiện trên các bức chạm ở cả đình và chùa. Ví như bức chạm ở chùa Cói miêu tả cảnh săn bắn. Đó là cảnh một người dáng khỏe mạnh, quần áo gọn gàng, mắt nhìn về phía trướcđang cưỡi lưng một con mãnh thú (con hổ?) đang giãy giựa, lưng oằn xuống, mông hất cao, hình dáng dữ tợn.
Cảnh sinh hoạt gặp nhiều nhất là ở đình Tây Đằng. Trên bức cốn ở gian giữa, cũng là cảnh người đánh nhau với hổ, nhưng được thể hiện rất khác nhau: người đàn ông to khỏe, tay cầm con dao lớn hướng về phía hổ. Con hổ dữ tợn lao về phía trước, nhưng đầu ngoảnh nhìn về phái sau. Nét chạm giản đơn, mảng khối mập khỏe.
Ở đây đáng chú ý còn có hai bức chạm cảnh chèo thuyền. Một bức diễn cảnh đi thuyền du ngoạn trên sông với hình 3 người ngồi uống rượu. Bức kia cũng cảnh đi thuyền với 3 người ngồi chơi, một người cầm quạt phe phẩy, nét chạm tạo nên được dáng vẻ nhàn hạ của một cuộc đi chơi.
Bức chạm khác thể hiện một người đàn bà gánh 2 con nhỏ đang bước đi trên con đường gập ghềnh, nét chạm sâu, gân guốc như muốn diễn tả nỗi vất vả của nhân vật.
Đình Tây Đằng còn có khá nhiều bức chạm khắc miêu tả các cảnh khác như cày voi, đẽo cày, làm xiếc, đá ẩu… chứng tỏ sự phát triển khá mạnh của các hình ảnh, các cảnh sinh hoạt của con người.
Ngoài những đề tài trên, điêu khắc Mạc còn rất nhiều những đề tài khác như thú vật (hươu, lân, hổ, voi) hoa lá, sông nước, mây trời. Đặc biệt là các hình rồng, phượng hoa lá. Cũng như các thời khác, rồng luôn là môtíp chủ đạo được chạm nhiều và có mặt trong mọi vị trí, mọi loại hình kiến trúc. Về mặt cấu trúc chung, rồng Mạc vẫn giữ được đầy đủ các bộ phận của rồng truyền thống: thân rắn dài uốn khúc, mắt mũi, mồm, sừng, chân. Rồng Mạc khá đa dạng về dáng.
So với hình rồng, hình phượng xuất hiện không nhiều, nhưng được thể hiện khá đa dạng. Phượng có hình dáng thanh mảnh, kỹ thuật chạm khắc cầu kỳ. Hình phượng trên đình Lỗ Hạnh có dáng dấp như một con gà trống mỏ to, thân đậm chắc, lông cánh rất hiện thực, đuôi gồm nhiều dải dài bay về phía sau. Hình phượng ở đình Tây Đằng lại có dáng thon nhỏ, bộ lông vũ được tỉa công phu, cầu kỳ.
Điêu khắc Mạc còn phổ biến khá nhiều các hình hoa lá như hoa sen, hoa cúc, hoa dây, các hình mặt trời, mây lửa, các hình cá hóa rồng rất phong phú, đa dạng.
C. ĐỒ GỐM HOA LAM
Gốm hoa lam, loại gốm có xương trắng mịn, độ nung cao, phủ men trắng bóng, vẽ hoa văn màu xanh, kiểu dáng đẹp, phong phú, xuất hiện từ cuối thế kỷ XIV, phát triển tới đỉnh cao trong các thế kỷ tiếp theo và được lưu hành khá rộng rãi trong thương trường quốc tế.
Ngoài các kiểu bát đĩa, bình liễn…, do nhu cầu thờ cúng, thế kỷ XV đã phát triển các loại di vật đặc sắc là chân đèn, lư hương. Loại di vật này được tìm thấy ở nhiều nơi như Hà Nội, Hải Hưng, Hà Sơn Bình, Hải Phòng…
Hầu hết các loại di vật này đều có ghi niên hiệu, chủ nhân và nơi sản xuất. Nhờ đó ta biết có hai trung tâm sản xuất gốm hoa lam lớn nhất nước ta được lưu truyền đến tận ngày nay là trung tâm gồm Bát Tràng (Hà Nội) và trung tâm sản xuất ở vùng Nam Sách (Hải Hưng) với những người thợ gốm tài hoa, nổi tiếng như Đặng Huyền Thông, Nguyễn Phong Lai, Hoàng Ngưu…
Mỗi một tác phẩm gốm loại này là sự kết hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật: gốm sứ, điêu khắc, hội họa. Chân đèn ở thời Mạc là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Chúng thường có dáng thon cao, phân thành 3 phần chính, phần giữa (thân đèn), chỗ phình to nhất có trang trí kiểu “lá đề” biến dạng, phần trên (cổ đèn) có dạng hình ống, dáng thon thả, ở giữa hơi thu nhỏ và loe khá đều về 2 phía và có các viền nổi phân chia thành nhiều lớp có nhiều hình trang trí với các kiểu bố cục thay đổi linh hoạt. Phần dưới là một cánh sen ngửa được phân đôi bởi một đường gờ nổi, hai phía trên dưới có các hình khắc vạch, rồng cuộn trong cánh sen đối xứng ngược chiều nhau.
Toàn thân chân đèn phủ men màu lam xám hoặc trắng, các hoa văn được vẽ bằng bút lông màu xanh. Các hoa vành- đại được để mộc hoặc bôi son nâu nhạt.Dáng đẹp, hoa văn phong phú, bố cục thay dổi liên tục, màu men trang nhã. Chân đèn ở thời Mạc quả là sản phẩm tieu biểu của dòng gốm hoa lam thế kỷ XVI.
D. NHẬN XÉT BƯỚC ĐẦU
1. Nhìn chung về nghệ thuật Mạc.
Trên đây đã điểm qua tình hình phát triển về diện mạo sơ lược của nghệ thuật Mạc. Những di tích, di vật Mạc cho thấy nghệ thuật Mạc có đầy dủ các loại hình như kiến trúc, điêu khắc, gốm sứ. Những di tích, di vật này có đặc điểm như sau:
Về kiến trúc có các loại như chùa, quán, cầu, đình, miếu, chủ yếu là chùa. Chùa Mạc có nhiều thành phần kiến trúc phức tạp. Về quy mô tòa thượng điện gần giống chùa thời Trần và bố cục chung theo kiểu “nội công ngoại quốc” mà ta còn gặp khá nhiều dưới thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn sau này.
Nét mới trong chùa Mạc là việc xuất hiện loại chùa Tam giáo. Người ta đã tìm thấy một số ngôi chùa Tam giáo vào thời mạc ở Thái Bình, Hà Nội. Tên ngôi chùa khẳng định nội dung thờ tự khác hẳn ở chùa thông thường là thờ các vị tổ của Tam giáo: Thích Ca, Khổng Tử, Lão Đam.
Tuy đã đưa Lão Đam vào chùa, một hình thức thờ phụng mới của thời Mạc, vẫn phải ghi nhận là vào thời Mạc còn phát triển khá nhiều kiến trúc đạo quán. Hình thức kiến trúc quán Đạo cũng khá gần kiến trúc chùa.
Đặc biệt, việc xuất hiện những ngôi đình Mạc là một bước đi mới trong lịch sử kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Ngôi đình Mạc in đậm tính dân gian và sự khởi đầu đó lưu truyền đến tận các thời sau khiến cho trong sự phức tạp đan xen giữa các luồng nghệ thuật Việt Nam và Trung Hoa, ngôi đình làng lúc nào cũng giữa nguyên bản sắc dân tộc.
Khác với qui mô tốn kém của mọt công trình kiến trúc, điêu khắc Mạc do qui mô vừa phải, do nhu cầu thờ tự và trang trí, đã phát triển khá mạnh trên đủ các loại chất liệu như đá, gỗ, đất nung…
Điều đáng chú ý là ở một số chùa, số lượng các loại tượng đông đúc hơn, trong đó xuất hiện các loại tượng đồng đúc hơn, trong đó xuất hiện các loại tượng mới như các tượng Ngọc hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Kim Đồng, Ngọc nữ…
Trong các loại tượng Phật, phổ biến là loại tượng Quan Âm “nghìn mắt nghìn tay”. Loại tượng này đã xuất hiện từ thời Trần, nhưng còn rất hiếm (5). Nhìn chung, các tượng Quan Âm Mạc có kích thước lớn, đẹp, trang trí cầu kỳ, phong phú.
Điêu khắc Mạc, ngoài những nết mới trong đề tài tôn giáo, bắt đầu có những đột biến lớn lao về nội dung.
Không chỉ có những đề tài tôn giáo hay cun đình quyền quý ở các thế kỷ trước, điêu khắc Mạc đã vươn tới miêu tả những người dân lao dộng và thế giới thiên nhiên gần gũi, thân thiết với con người. Lần đầu tiên hình ảnh con người của thế kỷ XVI với các hoạt động phong phú của họ được thể hiện trong điêu khắc đình chùa: Con rồng vốn trang nghiêm, quyền quý, linh thiêng nay mang dáng vẻ hiền lành, chất phác. Các hình chim phượng, hươu, voi, hổ, khỉ… được thể hiện sinh động, đầy hiện thực gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt của con người.
Ở thời Mạc, kỹ nghệ đồ gốm hoa lam được các nghệ nhân Mạc phát triển lên một bước mới, tạo ra các chân đèn được coi là kiệt tác của đồ gốm ở thế kỷ XVI.
Những nhận xét sơ bộ về các thay đổi lớn lao trên đây khẳng định một phong cách nghệ thuật Mạc trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam.
Về mặt kỹ pháp, nghệ thuật Mạc mang âm hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật Trần, nhưng cũng khá gần gũi với đặc điểm nghệ thuật Lê sơ. Sự đổi mới về nội dung dẫn đến những biến đổi trong phong cách, nhất là điêu khắc đã vươn mạnh tới việc tả thực gần gũi nhân tính. Đặc điểm này không chỉ thể hiện ở đề tài miêu tả các hoạt động của con người mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ sang những đề tài tôn giáo như hình Ngọc hoàng rất gần với chân dung tượng Mạc Đăng Dung. Các hình rồng phượng hướng mạnh tới sự giản đơn, giảm bớt nhiều chi tiết kỳ dị vốn thường thấy từ thời Lý-Trần. Trong điêu khắc, sự thay đổi về nội dung kéo theo cách bố cụ được tự do làm tăng tính tự nhiên cho việc thể hiện đề tài. Lối bố cục này đã cho phép nghệ nhân tận dụng mọi khoảng trống trong kiến trúc, tạo điều kiện mở màn cho sự phát triển của điêu khắc dân gian trong các thế kỷ tiếp theo.
chú thích
(1) Xem Nguyễn Du Chi: “Mỹ thuật thời Mạc, mấy nét khái quát” trong Nghiên cứu Mỹ thuật, số 1, 1987, tr23.
Trịnh Cao Tưởng và Chu Quang Trứ: “Vài nét về văn bia thời Mạc” trong “Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1989 tr 140-141.
(2) Nguyễn Dữ: “Truyền kỳ mạn lục”, Hà Nội-1971, tr 152.
(3) Trần Huy Bá: “Chùa Cói” trong Khảo cổ học, số 3 năm 1979, tr 1-9.
(4) “Thơ văn Lý-Trần” Tập I, Hà Nội năm 1977.
(5) “Tam tổ thực lục”. Tư liệu Viện Khảo cổ học.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.