- Đang online: 3
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 19126
- Tổng truy cập: 3,370,075
HIỂU ĐÚNG VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ MẠC ĐĂNG DUNG Đăng thứ năm, 18/6/2015. Trang Reds.Vn (Hoàng trần Hòa, trích Tạp chí Khoa học công nghệ, Nghệ An) 630
- 202 lượt xem
HIỂU ĐÚNG VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ MẠC ĐĂNG DUNG
Đăng thứ năm, 18/6/2015. Trang Reds.Vn (Hoàng trần Hòa, trích Tạp chí Khoa học công nghệ, Nghệ An)
Nhằm xóa bỏ tận gốc mọi ảnh hưởng của nhà Mạc đối với đương thời cũng như hậu thế, các sử gia “vua Lê-chúa Trịnh” tuân theo ý đồ của những kẻ cầm quyền đã không ngần ngại xuyên tạc sự thật để bôi nhọ và hạ nhục cha con Mạc Đăng Dung đến thậm tệ.
Theo sử sách về Mạc Đăng Dung (1483-1541):
Thái tổ nhà Mạc (1527-1592), vốn xuất thân từ một gia đình ngư dân nghèo ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng). Về dòng dõi huyết thống, theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn thì Mạc Đăng Dung là hậu duệ đời thứ 7 của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1280-1350) ở Lũng Động, Hải Dương, đến đời tổ phụ là Mạc Đăng Bình lại từ Thanh Hà chuyển cư xuống Cổ Trai. Do hoàn cảnh bẩn bách, nên vừa lớn lên, Đăng Dung đã phải dở dang nghiệp thi thư để lo kế sinh nhai bằng nghề đánh cá và chèo đò thuê. Nhưng sức khỏe và chí lớn hơn người đã giúp ông về sau làm nên nghiệp đế vương. Từ một chàng trai nổi tiếng khắp vùng về môn đánh vật giật giải, ông đã thi đỗ Đệ nhất Đô lực sĩ (Trạng nguyên võ) dưới triều vua Lê Uy Mục (1505-1509) và được sung vào đội quân túc vệ, giữ việc cầm tán đi theo xe vua.
Ít lâu sau, Mạc Đăng Dung được đặc cách thăng bổ Đô chỉ huy sứ Vệ Thiên Vũ là chức quan đứng đầu quân Cấm Vệ. Năm Hồng Thuận thứ 3 (1511), ông được tấn phong tước Vũ Xuyên Bá và đến năm Quang Thiệu nguyên niên (1516) triều Lê Chiêu Tông, ông được cử làm Trấn thủ Sơn Nam và gia phong chức Phó tướng Tả đô đốc. Niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518), Mạc Đăng Dung được thăng chức Vũ Xuyên hầu và chuyển ra trấn thủ Hải Dương. Tiếp theo qua năm sau (1519) do có công lớn dẹp yên bọn phản loạn Lê Do và dụ hàng được phe đảng chống lại triều đình là bọn Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc… lấy được Kinh đô nên Mạc Đăng Dung được thăng thưởng tước phong Minh quận công. Và đầu năm Quang Thiệu thứ 5 (1520), theo đề nghị của Thượng thư bộ Lễ Phạm Gia Mô (1476-?) và nhiều trọng thần khác, Lê Chiêu Tông đã ưng thuận giao chức Tiết chế các doanh Thủy lục quân 13 đạo (tức Tổng tư lệnh quân đội) cho Mạc Đăng Dung.
Liền năm sau (1521), ông được thăng Thái phó, tước Nhân quốc công. Sang thời vua Lê Cung Hoàng (1522-1527), vào năm Thống Nguyên thứ 3 (1524), ông được thăng tước Bình chương quân quốc trọng sự Thái phó Nhân quốc công. Đầu năm Thống Nguyên thứ 6 (1527), bằng sự ân sủng đặc biệt, vua Cung Hoàng đã thăng cho Mạc Đăng Dung tước Thái sư An Hưng Vương, gia Cửu tích- mặc dù lúc này ông đã lui về quê Cổ Trai nhằm tránh tai tiếng quyền hành. Vậy là từ một người lính túc vệ vác tán theo hầu xe vua, sau hơn 20 năm tham chiến và tham chính giữa thời tao loạn, Mạc Đăng Dung đã lên tới đỉnh điểm của danh vọng.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn lịch sử này, cục diện tình hình đất nước đang lâm vào bối cảnh khủng hoảng chính trị vốn đã kéo dài hàng chục năm lại càng bi đát hơn. Nhà Lê-do Lê Lợi khai sáng, qua thời thịnh trị dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) thì tiếp đến các đời vua sau ngày một trượt dài vào con đường suy vi không sao cưỡng nổi. Hết “Vua lợn” (Lê Uy Mục) đến “Vua quỷ” (Lê Tương Dực) chỉ biết ăn chơi trác táng đã đấy muôn dân bách tính vào cảnh lầm than khốn cùng thì sang thời Lê Chiêu Tông (1516-1522) tình hình đất nước càng rối loạn hơn do sự xâu xé quyền lực giữa các phe phái quý tộc gây nên.
Lê Chiêu Tông bị phế truất, Lê Cung Hoàng mới 15 tuổi lên thay chẳng khác gì “sào gậy chống bè lim” lại càng không thể xoay chuyển được tình thế. Trước bối cảnh đó, lịch sử không còn sự lựa chọn nào khác là phó thác quyền trị vì đất nước vào tay Mạc Đăng Dung để khởi dựng lên triều đại mới- nhà Mạc- vào đúng ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) mà như Lê Quý Đôn đã viết trong Đại Việt thông sử rằng: “Lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Mạc Đăng Dung”.
Tiếng rằng tiếp nhận ngôi báu từ nhà Lê chuyển sang nhưng thực chất là tiếp nhận một cơ đồ trống không và vì thế Mạc Thái tổ Đăng Dung đã phải gây dựng lại tất cả. Nhưng nhờ biết tập hợp xung quanh mình nhiều người tài trí, lại được đồng thuận nhân tâm của thần dân nên chỉ vài năm sau đó, nhà Mạc dần dần từng bước đưa đất nước vào thế ổn định vững vàng. Trên đà khởi sắc đó, tháng 3 năm Minh Đức thứ 3 (1529), vương triều Mạc non trẻ đã mở khoa thi Hội đầu tiên và lấy đỗ 27 tiến sĩ (kể từ đó, đều đặn 3 năm một khoa, nhà Mạc đã tổ chức được 22 khoa thi lấy đỗ 499 tiến sĩ và 13 Trạng nguyên-số lượng khoa thi và số nhân tài được đào tạo này có thể so sánh tương đương với thời Lê Thánh Tông).
Cũng cuối năm đó, xét thấy công việc triều chính đã vận hành nhịp nhàng, quy củ đúng theo sở nguyện nên Mạc Đăng Dung quyết định truyền ngôi cho con trưởng là Mạc Đăng Doanh rồi lui về Cổ Trai với chức trách Thái Thượng Hoàng. Ở cương vị Thái Thượng Hoàng, suốt mười năm trời, Mạc Đăng Dung làm cố vấn cho con điều hành công việc triều chính và đã đưa đất nước vào thời thịnh trị với những thành tựu phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, tư tưởng, văn hóa… Chính sử thần Lê-Trịnh là Lê Quý Đôn tuy vẫn gọi Mạc Đăng Dung và các vua Mạc kế tiếp là “nghịch thần” nhưng cũng phải thừa nhận trong Đại Việt thông sử rằng: “Đăng Doanh thấy trong nước còn nhiều trộm cướp, bèn ra lệnh cấm nhân dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và các đồ binh khí đi ngoài đường. Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi.
Mấy năm liên tiếp được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn” (Sđd, NXB KHXH-Hà Nội, 1978-Tập I, trang 276). Có thể nói từ cơ đồ hoang tàn do những “vua lợn”, “vua quỷ” để lại mà đã nhanh chóng khôi phục và lập được nền an ninh trên toàn cõi như thế thì thử hỏi đã có triều đại kim cổ nào làm được như nhà Mạc dưới thời cha con Mạc Đăng Dung? Một học giả người Mỹ là John Whit More- tác giả cuốn “The Birth of Viet Nam” (sự hình thành của Việt Nam) rất nổi tiếng, đã nêu một luận điểm mà ngay giáo sư sử học Trần Quốc Vượng cũng cho là thú vị rằng: Cái gì cải cách Hồ Quý Ly thất bại thì Mạc Đăng Dung và con cháu đã làm được. Nhưng rồi phải chăng vì quá lo nghĩ đến việc nước, việc dân mà một người có sức khỏe phi thường- từng sử dụng một thanh long đao dài 2,5m, nặng hơn 25,5kg (hiện còn lưu giữ tại từ đường họ Phạm gốc Mạc ở thôn Ngọc Tỉnh, Xuân Hùng, Xuân Thủy, Nam Định) như Mạc Đăng Dung lại sớm băng hà khi chưa đầy 60 tuổi. Ấy là ngày 22 thánh 8 năm Quảng Hòa thứ nhất đời vua Mạc Phúc Hải (1541).
Tương truyền, khi lâm bệnh, vua cháu là Phúc Hải từ Thăng Long về thăm, biết khó qua khỏi nên Mạc Đăng Dung đã căn dặn mọi việc và dục cháu nhanh chóng hồi kinh “để trấn an nhân tâm và coi xã tắc là trọng”. Vốn sinh thời rất ghét những chuyện mê tín dị đoan, nên trong di chúc ông nhắc nhở: không làm chay đàn cúng Phật. Sau khi Mạc Đăng Dung qua đời, nhà Mạc với 3 đời vua kế tiếp còn làm chủ đất nước được hơn nửa thế kỷ thì mới bị thất thế vào năm 1592 và sau đó tại vùng non nước Cao Bằng còn tồn tại kéo dài thêm 4 đời vua nữa, cho đến năm 1677, tính ra vừa tròn 150 năm mới mất hẳn.
Nhà Mạc mất bởi ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc” do Nguyễn Kim (1467-1545) khởi dựng trên đất Lào (Sầm Châu) từ năm 1530. Sau khi Nguyễn Kim bị một tướng nhà Mạc giết chết thì người kế thừa là Trịnh Kiểm (?-1570) vốn là con rể của Nguyễn Kim mới tạo được cục diện Nam-Bắc triều chống đối quyết liệt với nhà Mạc để giành quyền bính về tay họ Trịnh. Nhưng cục diện phân tranh này kéo dài cho đến đời con Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng (?- 1623) thì họ Trịnh mới thắng thế. Bước ngoặt lịch sử “đoạt bá đồ vương” này không chỉ đẩy thân tộc họ Mạc vào thảm tru di khốc liệt kéo dài mà công tích và sự nghiệp suốt 65 năm tồn tại của Vương triều Mạc cũng bị phủ nhận sạch trơn trước chính sách thù hận của tập đoàn Lê-Trịnh.
Nhằm xóa bỏ tận gốc mọi ảnh hưởng của nhà Mạc đối với đương thời cũng như hậu thế, các sử gia “vua Lê-chúa Trịnh” tuân theo ý đồ của những kẻ cầm quyền đã không ngần ngại xuyên tạc sự thật để bôi nhọ và hạ nhục cha con Mạc Đăng Dung đến thậm tệ.
Ngoài tội “thoán nghịch”, Đại Viết Sử ký toàn thư do Phạm Công Trứ (1600-1675) chủ biên phần kỷ nhà Lê còn gán cho cha con Mạc Đăng Dung thêm cái tội tày đình là “dâng đất đầu hàng nhà Minh” Sự thật thì thế nào? Do khuôn khổ bài viết không cho phép dẫn giải cặn kẽ, nên ở đây, trong việc nhà Mạc bị coi là ngụy triều, chỉ xin được trích dẫn ý kiến của giáo sư Trần Quốc Vượng tại cuộc hội thảo khoa học về vương triều Mạc ngày 18/7/1994 ở Hải Phòng rằng: “Không nên chỉ nhìn nhận và đánh giá công nghiệp nhà Mạc qua những gì sử thần nhà Lê viết. Triều đình Lê-Trịnh đối nghịch với nhà Mạc từ đầu đến cuối thế kỷ XVI và còn tiếp tục đối nghịch với triều Mạc thu nhỏ ở Cao Bằng ba đời nữa cho đến hết nửa đầu thế kỷ XVII; do vậy sử thần Lê-Trịnh bôi xấu triều Mạc là chuyện tất nhiên, “yêu nên tốt, ghét nên xấu” là chuyện thường tình. Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Lê không phải từ tay một vua Lê anh hùng như Lê Lợi, một vua Lê có học vấn và tài năng như Lê Thánh tông, mà là những vua lợn, vua quỷ. Sự thay thế dó là hợp lẽ Đời và Đạo”.
Còn việc “dâng đất đầu hàng nhà Minh”? Vấn đề này, sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn (1802-1945) và Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) đều khẳng định rằng nhà Mạc trả đất chứ không phải là dâng đất. Nhưng thế nào gọi là trả đất? Trong bài “Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh hay không?” của tác giả Huệ Thiên đăng trên Bán nguyệt san Kiến thức ngày nay- số ra ngày 15/10/1991 đã lý giải hết sức cụ thể về việc này vốn có căn nguyên từ thời Lý ở thế kỷ XI. Gần đây hơn, trên tạp chí Cửa biển (Hải Phòng) số 75/2004, trong bài “Sách lược ngoại giao của nhà Mạc” của tác giả Ngô Đăng Lợi đã trích dẫn sách Khâm Châu chí của Trung Quốc rằng: “Bảy động Chiêm Lăng, Thi La, Tư Lặc, Liêu Cát, Cổ Lâm, Tư Sẫm, La Phù (tức là những xứ đất dọc biên giới Việt –Trung mà nhà Minh đòi nhà Mạc phải trả lại-NPT) nguyên là đất quận Thi La, Chiêm Lãng, Như Tích đời Tuyên Đức nhà Minh, bọn Hoàng Kim Quảng, trưởng động Tư Lẫm làm phản chiếm cứ Tư Lẫm, La Phù, Cổ Sâm, Liêu Cát, nhân đó uy hiếp cả động Tư Lặc cùng tuần ty kênh Phật Đào gồm 9 thôn, đăng dài hơn 200 dặm phụ về nước An Nam…”
Còn như sự kiện Mạc Đăng Dung cùng vua cháu là Phúc Hải tự trói mình và buộc dây thừng vào cổ rồi đi chân không đến bò rạp trước Mạc Phủ quân Minh ở Nam Quan để dâng biểu đầu hàng vào tháng 11 năm Canh Tý (1540) như sử nhà Lê chép và về sau là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thêu dệt thêm nhiều chi tiết thì lại càng khó tin.
Một con người dũng lược như Mạc Đăng Dung, lại có những bề tôi trung thành nổi tiếng hiền tài như các Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Ngô Miễn Thiệu… chẳng lẽ lại chịu nhục đến thế sao? Việc này theo sách Thù vực chu tư lục của Nghiêm Tòng Giản đời Minh mà tác giả Ngô Đăng Lợi trong bài viết đã nêu trên có dẫn lại là: Mạc Đăng Dung cùng đoàn tùy tùng chỉ không mặc phẩm phục, cổ buộc dây lụa tượng trưng cho sự đầu hàng, đến lạy và cúi đầu trước long đình che lọng vàng-tượng trưng cho Hoàng đế nhà Minh. Phải hiểu được cái thế của nhà Mạc trong bối cảnh “thù trong giặc ngoài” o ép lúc bấy giờ mới thấy rằng “khổ nhục kế” buộc vương triều Mạc phải chấp nhận như nêu trên là không có sự lựa chọn nào hơn nhằm tránh cho đất nước một cuộc chiến tranh xâm lược khi mà nhà Minh đã đưa đại quân áp sát biên giới. Mặc dù vậy nhà Mạc vẫn không ngừng cảnh giác và chủ động đối phó ngay từ thời kỳ đầu lập quốc.
Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn cũng đã viết: “Năm Giáp Ngọ niên hiệu Nguyên Hòa thứ 2 (1534) vua Minh sai Hàm Ninh hầu Cửu Loan và Binh bộ thượng thư Mao Bá Ôn dẫn quân đến biên giới nước ta, tuyên bố là sang đánh họ Mạc. Đăng Doanh lo sợ, liền tu sửa trại sách, luyện tập thủy quân; trưng cầu hết thảy các cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước…” (Sđd-Tập I, trang 277). Sách Thù vực chu tư lục của Nghiêm Tòng Giản còn cho biết rõ thêm: Triều đình nhà Minh bàn luận khá căng thẳng về việc có nên đánh nhà Mạc hay không. Khi bọn Mao Bá Ôn đến Nam Ninh thì hay tin quân dân nhà Mạc đã ráo riết chuẩn bị đề kháng quyết liệt (nguyên văn: giao nhân đại cảnh bị), lấy thuốc độc, bả đậu bỏ vào suối nước, đào hố, cắm chông cản vó ngựa, lại phao tin sẽ theo đường biển tấn công vào Quảng Đông…(Ngô Đăng Lợi- Bđd). Như vậy là nhà Mạc chỉ cầu hòa với nhà Minh chứ không đầu hàng- đúng như nhận định của giáo sư Trần Quốc Vượng là “thần phục giả, độc lập thực”.
Thay lời kết: Trong bài “Một chút cơ duyên với họ Mạc” (Hợp biên thế phả họ Mạc-NXB Văn hóa dân tộc, 2001) giáo sư Trần Quốc Vượng đã nêu một nhận xét rất đáng suy ngẫm trong việc nhìn nhận, đánh giá nhà Mạc: “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (đỗ Trạng đầu thời Mạc 1533, thời cuối Lê không chịu đi thi) cũng như người bạn vong niên thân thiết của ông Trạng nguyên Giáp Hải-với bài thơ “Vịnh bèo” nổi tiếng của ông đối đáp với tướng Mao Bá Ôn nhà Minh-là hai vị Trạng nguyên sáng giá nhất của triều Mạc và của mọi thời đại Việt Nam. Không lẽ một ngụy triều tồi tệ lại sản sinh ra những hiền tài-nguyên khí quốc gia? Không lẽ thời Mạc “tồi tệ” ấy lại để lại cho đến nay những cái đình (Tây Đằng, Thụy Phiêu, Thanh Lũng, Thổ Hà, Tường Phiêu, Đinh Là…), các chùa quán (Hội Linh, Bối Khê, Trăm Gian…) với các điêu khắc gỗ tinh tế đầy bản sắc dân tộc-dân gian, các tượng chân dung hiện thực vào loại đầu tiên của nền mĩ thuật dân gian, không lẽ dưới một vương triều, đế triều “bán đất”, “đầu hàng” mà lại phát triển công thương dường ấy?..”
Thiết nghĩ, tên tuổi và hành trạng của Mạc Thái tổ Đăng Dung không thể tách rời những thành tựu mà nhà Mạc đã đạt được xuyên suốt 65 năm tồn Tại trong Lịch Sử Đất nước.
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.