- Đang online: 1
- Hôm qua: 474
- Tuần nay: 13510
- Tổng truy cập: 3,377,052
Viễn Tổ Kiến thuỷ khâm minh văn Hoàng đế – Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
- 1772 lượt xem
Viễn Tổ Kiến Thuỷ Khâm Minh Văn Hoàng Đế
Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
Trạng Mạc Đĩnh Chi tên chữ là Tiết Phu, cha là Lũng Động Tiên sinh, mẹ là Trần Thị(1), ông bà đều ngoài bốn mươi mà chưa có con trai, thường cầu tự ở đền Chử Đồng Tử (thuộc tỉnh Hưng Yên).
Một đêm bà cụ nằm mộng thấy một vật sáng ngời từ trên không rơi xuống giữa nhà, rồi hóa ra một con hầu chạy tọt vào lòng, bà cụ giật mình tỉnh dậy thuật cho ông cụ nghe. Ông cụ mừng rỡ mà rằng: “Cứ như mộng triệu này thì tất có tin mừng sẽ sinh quý tử”. Khi mãn tháng đủ ngày bà cụ sinh được đứa con trai (tức là Trạng Mạc Đĩnh Chi).
Trạng Mạc Đĩnh Chi sinh mùng 6 tháng 7 năm Nhâm Thân, niên hiệu Bảo Phù triều vua Trần Thánh Tôn (1272)(2), tướng người giống con hầu, thân thể lách chách, diện mạo xấu xí, lại nhân năm, tháng, ngày, giờ đều thuộc Thân nên càng tin là hầu tinh giáng thế.
Ngài được đầy năm thì ông cụ mất, bà cụ ở góa nuôi con, nghèo đói túng bấn. Ngài lại hay đau yếu thuốc thang luôn, may nhờ được môn sinh của ông cụ hết lòng với thầy đi lại trông nom tư cấp luôn nên mẹ con cũng được no đủ.
Ngài tư chất thông minh, năm lên 6 tuổi tính đã ham học. Bấy giờ có Chiêu Quốc công Thái tử nhà Trần mở trường dạy học ở làng bên cạnh. Ngài xin mẹ cho đến nhập môn. Thấy con ít tuổi mà có chí, bà cụ mừng rỡ sắm sửa cho đi. Học trò thấy đứa bé ít tuổi mà xấu xí đều chê, duy Chiêu Quốc công biết là đứa trẻ phi thường. Không bao lâu, Ngài học vượt cả trường, nghe một biết mười, học đâu nhớ đấy, cả vùng đều cho là thần đồng, Chiêu Quốc công càng yêu quý muốn nuôi cho ăn học ở luôn trong nhà để làm bạn đèn sách với các con của Công, nhưng Ngài là người con rất có hiếu, xong buổi học lại về nhà giúp đỡ mẹ không chịu ở lại trường.
Nhà Ngài rất nghèo, bà mẹ thường đi lượm củi bán lấy tiền đong gạo nuôi con. Thấy mẹ vất vả vì mình, Ngài thường lo nghĩ buồn phiền, mặt không mấy lúc tươi tỉnh. Chiêu Quốc công lấy làm lạ một hôm cho gọi vào nhà trong hỏi chuyện. Ngài thưa rõ chân tình, Công động lòng thương cảm liền bàn với phu nhân cho đón cả 2 mẹ con về nuôi.
Từ đó Ngài ăn học ở nhà Chiêu Quốc công, văn chương lừng lẫy khắp vùng Hải Dương, được Công coi như là con đẻ, từ quần áo, giấy bút cho chí mọi việc nhất nhất Công đều đỡ đần. Ngài hết đạo thờ thầy sớm khuya hầu hạ chẳng khác gì cha ruột. Thấm thoắt Ngài đã 15 tuổi, học hành mỗi ngày một tăng tiến, năm sau bắt đầu ứng thí khảo hạch lúc nào cũng đỗ đầu, tài khoa cử của Ngài ngay từ lúc thiếu thời đã phát đạt tấn tới như thế.
Năm Giáp Thìn niên hiệu thứ hai đời nhà Trần (1293)(3), Ngài thi đậu Hội nguyên. Khi vào Đình đối, vua thấy Ngài tướng mạo xấu xí không muốn cho đậu Trạng nguyên. Ngài biết ý, nhân đầu bài “Ngọc tỉnh liên phú“, Ngài bèn làm bài phú tự ví mình như cây sen trong giếng ngọc. Vua Anh Tông xem xong khen là thiên tài mới cho đậu Trạng nguyên, ban cờ biển vinh quy, năm ấy Ngài đúng 20 tuổi(4).
Chiêu Quốc công ở nhà được tin sai người dọn dẹp cửa nhà và sửa sang riêng một nơi làm tư đệ cho Trạng. Mạc Đĩnh Chi làm lễ bái Tổ và bái môn xong Chiêu Quốc công sai mở tiệc mừng, cho Trạng kết duyên với Lý Quận chúa là con gái nuôi của Quận công.
Hơn một tháng sau có Thánh chỉ triệu Trạng lai kinh cung chức, Trạng bái từ ông bà Chiêu Quốc công rồi đem mẹ và vợ vô Kinh. Vua Anh Tông vời vào bệ kiến hỏi việc chính trị Trạng nói đâu ra đấy, vua rất đẹp lòng ban cho Trạng chức Hàn lâm đại học sĩ. Vua Anh Tông thường gọi tên hiệu Tiết Phu, tỏ ý kính trọng không gọi tên tục.
Vua Trần Anh Tông say mê đạo Phật, thường tụ tập các nhà sư ở chùa Yên Tử để đọc kinh, phó mặc triều chính cho ban đại thần. Trạng Mạc Đĩnh Chi hết sức can ngăn nhà vua nhưng không được. Gặp năm lũ lụt, dân đói kém, phiêu bạt đầy đường, Trạng tâu vua xin chăm lo đến thần dân, tìm cách hạn chế lũ lụt, cứu mùa màng. Nhà vua mếch lòng liền sai Trạng làm chức quan trông nom việc đê điều. Trạng vui vẻ nhận nhiệm vụ, lập tức về vùng Chương Mỹ, lộ Sơn Nam (nay là Hà Tây), là miền đang bị lũ lụt nặng nhất, huy động quân và dân địa phương khẩn cấp hàn đê, úy lạo, cứu giúp người bị nạn và khôi phục mùa màng. Nơi nào đê vỡ là nơi ấy có Ngài, nơi nào bọn quan lại lơ là để xảy ra tai nạn, Ngài đều lấy danh nghĩa triều đình xử phạt nghiêm minh. Vì vậy, nhân dân khắp nơi đều cảm phục, coi Ngài như vị ân nhân cải tử hoàn sinh. Ngược lại, bọn tham quan nhũng lại thì xem Ngài như sức cản đối với những hành động vinh thân phì gia của chúng.
Trong lúc Ngài đang lao vào công việc hộ đê, cứu lụt, cứu dân thì ở triều đình bọn Tư đồ Trần Trung Hoài được vua trao cho quyền lớn, mặc sức lộng hành. Trần Trung Hoài vốn không ưa Ngài, xúc xiểm tâu vua:
– Mạc Đĩnh Chi lâu nay cậy có công, sinh ra kiêu ngạo, tự ý xử lý mọi việc, gia ân báo oán, không coi ai ra gì, xin Vương thượng cho triệu hắn về.
Vua tin lời, xuống chiếu triệu Ngài về triều. Lúc này vua Trần Anh Tông đề ra việc xây am Ngọc Vân, làm nhọc sức dân, hao tốn công quỹ. Bọn Trần Trung Hoài chẳng những không can vua còn một mực tâng bốc.
Mặc dù biết việc làm có thể nguy đến tính mạng, Ngài đã dâng sớ can vua và tố cáo bọn Trần Trung Hoài lũng đoạn triều chính, nhưng vua không nghe. Bọn Hoài lại càng tìm cách hãm hại Ngài. Hoài tâu với vua là Mạc Đĩnh Chi vơ vét của dân, xây dinh cơ ở Lũng Động, thường ngày người ra vào trong dinh nườm nượp, không biết bàn luận việc gì. Vua còn nửa tin nửa ngờ, chưa kịp tra xét thì vua mất. Đó là năm 1314.
Nối ngôi vua Anh Tông là vua Minh Tông. Vua Minh Tông là người có tài đức, biết chăm lo chính sự, biết cất nhắc hiền tài. Nhân lúc vua Minh Tông mới lên ngôi, Trần Trung Hoài lại ton hót, tìm cách hại Ngài. Nhà vua không tỏ thái độ của mình trước những lời xúc xiểm đó. Vua mật giao cho một viên quan tin cẩn về tận nơi điều tra sự thực. Viên quan vi hành đi thanh tra nửa tháng vê tâu vua:
– Thần đã về Lũng Động thăm dò dân tình, ở đó không có dinh cơ nào của Mạc Đĩnh Chi mà chỉ có một ngôi nhà mồ quan Ngự sử xây cho mẹ. Chẳng có gì đáng gọi là phung phí. Dân địa phương ai cũng ca ngợi quan Ngự sử hiếu thảo và biết thương dân. Ngay ở Kinh đô quan Ngự sử cũng sống thanh đạm như một viên quan nhỏ, không làm gì có người ra vào nườm nượp như lời tâu của quan Tư đồ. Thần sợ trong lời tâu có gì ám muội chăng?
Nghe lời tâu vua Minh Tông lấy làm hài lòng. Theo chủ định trước, vua lại gọi viên quan dặn dò công việc tiếp tục điều tra.
Một buổi sáng, Ngài vào chầu vua, nét mặt lộ vẻ bàng hoàng. Thấy vậy vua Minh Tông hỏi:
– Quan Ngự sử thấy trong người không được khoẻ hay sao mà xem ra không được thanh thản làm vậy?
Ngài tâu:
– Muôn tâu Vương thượng, thật là lạ, đêm qua có kẻ nào đã bỏ vào nhà thần 10 quan tiền và nhiều đồ vật quý. Thần ngờ rằng của ấy là do một người nào muốn đút lót mà thần chưa nghĩ ra. Vậy thần mang tới đây để trình Vương thượng.
Vua bảo:
– Khanh có khó nhọc giúp người ta thì người ta mới cho như thế. Vậy khanh cứ coi những vật ấy là của mình cũng được chứ sao?
Ngài khảng khái tâu:
– Phàm của cải không do tay mình làm ra thì không được tơ hào đến.
.Vua cho người thu lại tiền và các đồ vật rồi cho Ngài lui. Vua lại cho triệu quan Tư đồ Trần Trung Hoài vào hỏi:
– Khanh có việc gì cần tâu trình không?
Y được dịp tìm cách vu cáo Mạc Đĩnh Chi:
– Muôn tâu Vương thượng, mọi việc đều trôi chảy cả. Có điều dân tình còn kêu ca nhiều về quan Ngự sử. Đêm qua tại tư gia quan Ngự sử lại thấy tụ tập đông người, không biết để làm gì?
Thấy đã rõ đầy đủ tang chứng về việc vu cáo, nhà vua nổi giận hầm hầm bảo Trần Trung Hoài:
– Đã bao năm ngươi giữ trọng trách, nhưng lại không nghĩ đến việc thờ vua giúp nước, mà chỉ lo bòn vét cho nhiều. Chẳng những thế lại còn mưu hại người chính trực, gây bè phái, làm rối triều đình. Ta đã vì ích nước lợi dân để mắt xem xét lời tố cáo của ngươi. Té ra quan Ngự sử là người thẳng thắn, liêm khiết, ngược lại bọn văn dốt võ dát, chuyên dối trên lừa dưới, ăn của đút, lo làm giàu lại chính là lũ ngươi. Đêm qua ta đã cho người bỏ vào nhà ngươi và nhà quan Ngự sử một số tiền và đồ vật quý. Quan Ngự sử thì tâu trả lại, còn ngươi thì lờ đi. Thế là nghĩa làm sao?
Trần Trung Hoài không ngờ sự thể lại như thế, nhưng hối hận thì đã muộn. Lập tức vua Minh Tông cách chức Trần Trung Hoài, giao cho hình quan xử tội y và đồng bọn. Cũng ngày hôm ấy vua thăng cho Ngài (Mạc Đĩnh Chi) chức Nhập nội Hành khiển. Về sau, Ngài được thăng đến Đại Liêu ban Tả Bộc xạ, tương đương chức Tể tướng.
Năm Đại khánh triều vua Trần Minh Tông (1314 – 1323), vua Tàu sai sứ sang phong Vương cho nhà vua, Trạng được cử làm Chánh sứ sang Tàu đáp lễ đi mất cả thảy ba tháng.
Yên Kinh, Trạng ứng đối giao thiệp các quan Tàu đều phục tài. Trạng cùng vua nhà Nguyên xướng hoạ rất tương đắc, vua Nguyên hết sức ngợi khen cho là bậc kỳ tài, lúc về thưởng tứ rất hậu nhưng Trạng nhất mực từ chối không nhận một thứ gì, chỉ xin lấy lá cờ thêu bốn chữ “Lưỡng Quốc Trạng nguyên“.
Tương truyền vào dịp này có một công chúa Nguyên từ trần, quan Tàu muốn thử tài Ngài, viết bốn chữ “Nhất” nhờ Ngài làm bài văn tế Công chúa, Ngài ứng khẩu đọc ngay:
Thanh thiên nhất đóa vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết,
Thượng Uyển nhất chi hoa,
Dao Trì nhất phiến nguyệt.
Y! Vân tán, tuyết tiêu,
Hoa tàn, nguyệt khuyết!
(Nghĩa là: Một đám mây trên trời xanh, một giọt tuyết trên lò lửa hồng, một cành hoa ở vườn Thượng Uyển, một vầng trăng ở dưới ao Tiên. Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết).
Ngài rất thanh liêm, dẫu làm đến cực phẩm mà trong nhà vẫn thanh bần, tết nhất ai cho gì đều từ chối, tự phụng rất kiệm ước, phu nhân và các công tử đều mặc quần áo vải, thằng Chanh con Nụ chỉ có vài ba đứa. Vua Minh Tông có ý muốn tư cấp, thường hỏi, song Ngài đều một mực từ chối. Trong tướng phủ dẫu có nha thuộc của vua cắt ra để hầu hạ nhưng công việc gì không phải việc quan thì Ngài không hề sai phái đến.
Trong nhà nuôi hai đứa nữ tỳ tuổi độ 13, 14, con Đượm hầu Trạng, con Trạch hầu Lý phu nhân. Một hôm Lý phu nhân và con Trạch vô bệnh mà chết. Truyền thuyết chép:
(…) Được nửa năm con Đượm đi chợ Hoài Dương. Tương truyền chợ ấy người âm người dương mua bán lẫn lộn. Chợ ấy tức là chợ Dâu bây giờ, thuộc huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành), tỉnh Bắc Ninh. Người bán người mua phải để chậu nước, hễ bán được tiền thì thả vào chậu, tiền chìm mới lấy. Bữa đó hai đứa nô tỳ gặp nhau, con Trạch cho biết Lý phu nhân đang bị giam trong ngục ở dưới âm bị khảo đánh rất khổ. Con Đượm liền về cho Trạng hay.
Trạng đi gặp con Trạch. Nó dẫn đến một nơi lâu đài cung điện, lính tráng ngựa xe y hệt chốn Kinh kỳ nơi trần thế. Đến nơi ngục thất Trạng thấy có cái gông sơn son treo trước cửa ngục bèn hỏi. Ngục tốt bảo gông đó đợi 100 ngày nữa sẽ lên bắt Trạng Đĩnh Chi về trị tội, Trạng muốn biết thì đi hỏi ngục quan, nói rồi mở ngục cho Trạng vào thì thấy Lý phu nhân cổ đeo gông, chân tay mang xiềng xích, mặt mũi âu sầu, thân thể rất là thê thảm. Trạng đến chỗ Giám ngục hỏi thì Giám ngục đáp: Trạng không làm nên tội gì, nhưng ông Tổ 9 đời của Trạng ngày trước ăn trộm quả chuông chùa, bây giờ con cháu mỗi đời phải một người chịu tội bắt bỏ vào vạc dầu, đến Trạng mới được 9 đời, còn 91 đời nữa là 100 đời thì mới hết tội. Muốn chuộc tội thì Trạng phải xây tháp 9 tầng, dựng cầu 9 dịp, xây chùa 100 gian, mỗi gian phải tạc 3 pho tượng bầy ở đó và mỗi tầng tháp phải đúc một quả chuông treo lên trời rồi làm chay tụng Kinh sám hối đủ 49 ngày đêm mới chuộc được tội ấy.
Trạng y theo lời, nhưng kỳ hạn 100 ngày gần đến, Trạng vội làm gấp toàn đồ minh khí (đồ mã) để thay thế. Đền kỳ quả có quỷ sứ lên bắt Trạng Đĩnh Chi. Khi thấy Trạng đang ngồi tụng kinh, xung quanh bầy biện ngổn ngang chùa tháp cầu quán, quỷ sứ sợ không dám bắt, về tâu với Diêm Vương. Diêm Vương hỏi Giám ngục mới hay con Trạch lộ chuyện cho Trạng biết. Bèn truyền phán tha Lý phu nhân và con Trạch ra khỏi địa ngục rồi sai âm binh lấp đường đi chợ, không cho âm dương giao tiếp buôn bán để khỏi tiết lộ Thiên cơ…
Sau Trạng khởi công mua gỗ đá gạch ngói dựng chùa xây tháp bắc cầu, tô tượng đúc chuông theo y lời Giám ngục mách bảo, hơn một năm mọi việc mới xong. Chùa tháp và cầu ấy bây giờ vẫn còn dấu tích ở làng Dâu huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Tục ngữ nói: “Cầu chín dịp, chùa trăm gian” chính là tích ấy.(5)
Ngài xây dựng xong chùa thấm thoát tuổi đã bảy mươi. Khoảng năm Khai Hựu thứ mười triều vua Trần Hiến Tông (1339), Ngài dâng sớ xin về. Vua nghĩ Ngài là bậc quốc lão nguyên huân, lại là thầy học nên không muốn xa Ngài, nhưng Ngài cố xin nhà vua phải chuẩn tấu, tặng phong hầu tước và ban thưởng cho Ngài rất nhiều, lại sai sứ tiễn Ngài về đến tận làng, các quan văn võ trong triều đều đến đưa tiễn ai cũng tỏ tình ái mộ.
Ngài về làng dựng am ở dưới núi Phượng Hoàng (huyện Chí Linh), ngày ngày uống rượu ngâm thơ. Thơ của Ngài truyền lại rất nhiều, nay chỉ còn ít bài chép trong bộ “Hoàng Việt Văn tuyển“. Về hưu được ba năm, đến năm Thiệu Phong thứ sáu (1347) Ngài vô bệnh mà mất, thọ bảy mươi tư tuổi.(6)
Vua Dụ Tông (1341 – 1369) hay tin Ngài tạ thế vô cùng thương tiếc, sai các quan về dự tế, phong Ngài làm Phúc Thần, cấp 500 quan tiền cho dân sở tại dựng đền thờ, đền ấy bây giờ hãy còn ở làng Lũng Động tỉnh Hải Dương, tục gọi đền Quan Trạng, sắc phong Ngài làm Thành hoàng.
Ngài giữ ngôi Tể tướng trải ba triều vua: Anh Tông (1293 – 1314), Minh Tông (1314 – 1329), Hiển Tông (1329 – 1341), làm quan bao nhiêu năm công trạng rất nhiều. Ngài làm đến chức Đại Liêu ban Tả bộc sạ, đứng đầu triều mà đến lúc về già thôi làm quan chỉ có nếp từ đường (nay hãy còn). Lúc thong dong Ngài thường ra ngồi nơi quán lá ngoài đồng uống bát nước vối, chuyện trò thân mật với dân làng. Ngài là một vị Tể tướng vào hàng cực phẩm mà vẫn sống thanh bạch giản dị không khác gì người dân quê…
Trạng Mạc Đĩnh Chi sinh được con giai là Mạc Dao(7), thi đậu Hương Cống, làm quan đến chức Viên ngoại lang, đời vua Trần Dụ Tông.
Sau này, khi Mạc Thái Tổ lên ngôi Hoàng đế có truy tôn ngài (là tổ bảy đời) là KIẾN THỦY KHÂM MINH VĂN HOÀNG ĐẾ.(8)
Chú thích:
1. Theo Tộc phả họ Mạc ở Long Động – Nam Sách – Hải Dương thì mẹ của Mạc Đĩnh Chi là Lý Thị Khuyếch.
2. Về năm sinh: Vũ Phương Đề trong CDTK ghi là Giáp Thân (1284), Nguyễn Đổng Chi trong VNCVHS ghi là Nhâm Thân (1272) cách nhau một giáp. Chúng tôi cho rằng năm 1272 đúng hơn vì sách ĐVSKTT chép năm 1285 Chiêu Quốc công Trần ích Tắc (lúc này được phong là tước vương) đầu hàng nhà Nguyên mà năm 1284 mới sinh được một năm thì học với Chiêu Quốc Công năm nào? Phải sớm hơn mới đúng. Theo gia phả Nguyễn Trường Tộc ở Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam thì thân phụ Mạc Đĩnh Chi là Mạc Đô Giai.
3. Năm Hưng Long thứ 2 đời Vua Trần Anh Tôn (1293 – 1354) là vào năm Giáp Ngọ (1294). Năm Giáp Thìn phải là năm 1304.
4. Với tư liệu này thì Trạng sinh năm 1284 – Vậy thì người đỡ đầu có phải là Chiêu Quốc công hay Hoàng tử khác.
5. Như ta đã biết, người dân Việt Nam rất sùng đạo, nhất là đạo Phật, cho nên ngay từ đời nhà Lý (tức Lý Thái Tổ 1010 – 1028) nhà Vua đã cho dựng chùa, chùa chiền được xây khắp nơi trong nước. Nhà Lý còn cho người sang Tàu thỉnh Kinh Phật, do đó đạo Phật rất thịnh hành ở nước ta (cho tới ngày nay). Vậy thì việc Mạc Đĩnh Chi cho xây chùa tháp là việc có thật.
Còn chuyện người âm dương đi chợ mua bán với nhau, hoặc Trạng Đĩnh Chi đi gặp vợ ở dưới âm… là chuyện hoang đường. Có thể người đời bấy giờ dựa vào việc Trạng Đĩnh Chi dựng chùa tạc tượng rồi thêm thắt thêu dệt ra cho câu chuyện trở nên ly kỳ huyền bí để mê hoặc quần chúng mà thôi, nhất là đối với kẻ mộ đạo. (Chú thích của Dã Lan).
6. Sách Đại Nam kỳ nhân liệt truyện ghi Mạc Đĩnh Chi thọ 75 tuổi. Sách Công dư tiệp ký ghi thọ 78 tuổi. Ngài có rất nhiều giai thoại, chúng tôi lược đi để khỏi dài. Xin xem thêm Những truyện kể về Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi – Nxb VHTT 1996.
7. Theo Dã Lan Nguyễn Đức Dụ thì Ngài (Mạc Đĩnh Chi) sinh được hai giai là Mạc Khản và Mạc Trực. Phả họ Mạc ở Nghệ An ghi: vợ Mạc Đĩnh Chi là Kỳ Thị Mông. Sinh hạ 3 giai: Mạc Đăng Nhân, Mạc Đăng Vì, Mạc Đăng Ôn. Phả họ Mạc ở Vũng Tàu – Bà Rịa ghi: sinh Mạc Thản, Mạc Giai. Theo Mạc thị thế phả biên soạn năm Tự Đức (1876) thì là Công Huống, Công Trực. Theo Sơn Xa Lê Khắc Hòe, Mạc Đĩnh Chi có một vợ bé ở Cao Ly (Hàn Quốc) sinh thêm 2 giai, một người là võ quan, một người đỗ Cử nhân chuyên làm thuốc và dạy học, có tài về thi phú, không chịu ra làm quan. Con cháu đã tìm về Việt Nam năm 1926. Theo Vũ Hiệp thì một lần nữa đã về Việt Nam năm 1965.
8. Theo ĐVTS của Lê Quý Đôn.
Viết bình luận
Tin liên quan
- Phụ chép: Ngọc tỉnh liên phú
- THỦY TỔ HỒNG PHÚC ĐẠI VƯƠNG MẠC HIỂN TÍCH
- VIỄN TỔ HOẰNG CƠ ĐỐC THIỆN TUYÊN HƯU HOÀNG ĐẾ MẠC DAO
- VIỄN TỔ TRIỆU PHÚC HOẰNG ĐẠO TÍCH ĐỨC HOÀNG ĐẾ MẠC THÚY
- VIỄN TỔ HỒNG KHÁNH UYÊN TRIẾT ANH DUỆ HOÀNG ĐẾ MẠC TUNG
- VIỄN TỔ THUẦN HIẾN TUY HƯU ĐỐC CUNG HOÀNG ĐẾ MẠC BÌNH (hay MẠC ĐĨNH QUÝ)
- VIỄN TỔ QUANG LIỆT CƠ MỆNH HOÀNG ĐẾ MẠC HỊCH (hay MẠC ĐĨNH PHÚ)
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.