- Đang online: 1
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 20398
- Tổng truy cập: 3,371,043
ĐƯỜNG VÀ PHỐ Ở HẢI PHÒNG MANG TÊN VUA MẠC, THÁI HOÀNG THÁI HẬU VÀ MỘT SỐ TƯỚNG LĨNH NHÀ MẠC
- 462 lượt xem
ĐƯỜNG VÀ PHỐ Ở HẢI PHÒNG MANG TÊN VUA MẠC, THÁI HOÀNG THÁI HẬU VÀ MỘT SỐ TƯỚNG LĨNH NHÀ MẠC
Do biến cố của lịch sử, con cháu dòng họ huyết thống Mạc đã phải chịu bao tủi hận, phải thay tên đổi họ dưới tên họ khác để tồn tại, phát triển. Nhờ công cao đức dày của Tiên tổ, công cuộc đổi mới của Đảng, hơn 400 năm sau, nỗi oan khuất bao đời được gột rửa, công đức được ghi nhận, Thế miếu, nơi phụng thờ các vua triều Mạc đã được Nhà nước đầu tư xây dựng; ngày giỗ của Mạc Thái tổ trở thành ngày hội của nhà nước và nhân dân. Con cháu hậu duệ nội, ngoại tộc Mạc, gốc Mạc cả nước tìm về cội nguồn với niềm vinh dự và tự hào tột độ. Đại hội Mạc tộc Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội, mở trang sử mới cho sự tập hợp, đoàn kết tộc họ Mạc cả nước. Vinh dự và tự hào, nghĩa vụ và trách nhiệm lớn lao của con cháu nơi phát đế của tiên tổ, Mạc tộc Hải Phòng đã kiên trì quy tụ con cháu, kết nối dòng họ…bởi vậy, tộc họ Mạc Hải Phòng đã không ngừng lớn mạnh, bước đầu làm được nhiều việc hiếu nghĩa, nổi bật là việc chăm lo hương đăng cho tiên tổ, cống hiến công sức, trí tuệ, tham gia cùng Nhà nước xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (Đền thờ các vua triều Mạc) ở Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.
Đến nay, một phần vùng đất huyện Kiến Thụy, đã được tách ra, trở thành quận mới của thành phố Hải Phòng, mang tên: Dương Kinh (tên kinh đô thứ 2 của triều Mạc, một đô thị miền biển đầu tiên của Việt Nam), nơi đất thiêng phát đế của tộc họ Mạc Việt Nam, đã có nhiều đường và phố mang tên vua, Thái hoàng Thái hậu, thân vương và khai quốc công thần triều Mạc. Đó là các đường và phố: Đường Mạc Đăng Doanh, Đường Mạc Quyết, Phố Phạm Gia Mô, Đường Nguyễn Như Quế, Phố Vũ Hộ, Phố Mạc Phúc Tư và Đường Vũ Thị Ngọc Toàn. Con cháu hậu duệ tộc Mạc đã có nhiều người sinh sống trên đường phố mang tên tiên tổ mình (Gia đình ông Trần Đăng Uý, Phó Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc tỉnh Hải Dương, ở nhà số 148 đường Mạc Quyết, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng).
Sau đây là phần trích Đề án của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng về đặt tên các đường và phố nói trên:
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢIPHÒNG
Số: 3834/ĐA-UBND |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 25 tháng 6 năm 2012 |
ĐỀ ÁN
Đề nghị đặt tên một số đường, phố trên địa bàn
quận Dương Kinh, Lê Chân và huyện Tiên Lãng
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển, nhiều đường, phố được xây dựng và mở rộng, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan đô thị. Song, nhiều đường, phố hiện nay chưa được đặt tên, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước, các hoạt động kinh tế – xã hội, giao dịch, thông tin liên lạc và đời sống của nhân dân.
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ- CP, ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; căn cứ Thông tư số 36/2006/TT- BVHTT, ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91 của Chính phủ; xét đề nghị của Hội đồng tư vấn đặt tên đổi tên đường, phố và công trình công cộng thành phố, về việc đề nghị đặt tên một số đường, phố trên địa bàn quận Dương Kinh, quận Lê Chân và huyện Tiên Lãng. Uỷ ban nhân dân thành phố xây dựng Đề án đề nghị đặt tên các đường, phố trên địa bàn quận Dương Kinh, quận Lê Chân và huyện Tiên Lãng (gồm 21 đường, 33 phố), cụ thể như sau:
I. QUẬN DƯƠNG KINH
* Phường Anh Dũng
1. Đường Mạc Đăng Doanh:
Điểm đầu từ đường Phạm Văn Đồng theo hướng đi Kiến An, chạy qua địa bàn phường Anh Dũng, Hưng Đạo. Qua các ngã ba giao nhau với đường Hợp Hòa, đường Tiểu Trà, đường Hoàng Văn Độc, ngã tư đường Phúc Lộc và phố Chợ Hương, phố Phạm Gia Mô, đường Vọng Hải, đến ngã ba Đa Phúc. Đường dài 6.000m, rộng 9m, quy hoạch rộng 32m, đường ổn định và phù hợp với quy hoạch phát triển của quận. Hai bên đường có nhiều khu dân cư, các cơ quan, công ty, như: UBND phường Hưng Đạo, Trung tâm Y tế quận, Công ty AROMABAY CANDLE… đặc biệt có khu trụ sở hành chính của quận đang được xây dựng. Hai bên đường có hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, dân cư chưa đông đúc.
Mạc Đăng Doanh là con trai trưởng vua Mạc Đăng Dung, dưới triều vua Lê Chiêu Tông, ông cầm quân túc vệ, có công được ban tước hầu, giúp cha lập vương triều. Năm 1529, được vua cha nhường ngôi, ông thi hành chính sách cai trị rất tốt. Dưới triều ông: “… những người buôn bán chỉ đi tay không (không cần mang binh khí tự vệ), trộm cắp biệt tăm, súc vật chăn nuôi thả ngoài đồng, tối đến không phải dồn về chuồng, mỗi tháng một lần kiểm lại; ban đêm cổng ngoài không phải đóng. Mấy năm liền được mùa, nhân dân 4 trấn đều được yên ổn”. Vốn trọng hiền tài, nên dưới triều ông, nhiều nhân tài như Nguyễn Thiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải… đều ra phục vụ. Dưới chế độ phong kiến nước ta, triều vua Mạc Đăng Doanh được coi là triều đại thịnh trị. Đặt tên Đường Mặc Đăng Doanh để ghi nhớ những đóng góp to lớn của ông, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ của đất nước.
2. Đường Mạc Quyết:
Điểm đầu từ đường Phạm Văn Đồng, đầu cầu Rào (đường 14 cũ) đến cây xăng Sao Đỏ. Đường dài 2.200m, rộng 6m, quy hoạch rộng 32m, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của quận. Đường có nhiều hộ dân cư, đơn vị ở hai bên đường như: Bảo tàng Hải quân, Viện Kỹ thuật Hải quân, trường Cao đẳng Bách nghệ, một bên đường có đoạn đê dài… Trước đây là tuyến đường giao thông chính của thành phố đi Đồ Sơn.
Mạc Quyết (Mạc Đăng Quyết) là em trai thứ Mạc Thái Tổ, anh của Từ vương Mạc Đốc (Mạc Đăng Đốc), hai anh em cùng phục vụ nhà Lê, có nhiều chiến công đánh dẹp miền Thanh Hóa, Sơn Nam thượng, dẹp loạn ở Lạng Sơn…, được Vua Lê ban tước Đông Sơn hầu. Sau về triều giữ chức chỉ huy đội quân túc vệ, bảo vệ cung điện Triều đình. Sau khi Mạc Thái Tổ lên làm vua, phong tước vương là Tín vương. Ông có công bảo vệ vương triều, được mở phủ riêng ở Cổ Trai. Dân quen gọi là Phủ Tín. Phủ này nay thuộc Khu tưởng niệm Vương triều Mạc. Đặt tên Đường Mặc Quyết để ghi nhớ những đóng góp của ông.
3. Phố Phạm Gia Mô:
Điểm đầu từ đường Mạc Đăng Doanh qua Chùa Phương Lung đến giáp kênh Hòa Bình. Phố dài 625m, rộng 4,5m, quy hoạch rộng 7m. Phố ổn định và phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của quận. Hai bên đường có nhiều dân cư sinh sống.
Phạm Gia Mô là người làng Lê Xá, xã Tú Sơn huyện Kiến Thụy. Ông đỗ đồng tiến sĩ khoa Ất Sửu (1505) triều vua Lê Uy Mục, làm quan dưới 4 triều vua Lê: Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng đều là vua hèn kém, vì vậy ông giúp Mạc Đăng Dung lên làm vua, cùng một số quan lại văn võ cao cấp triều Lê giúp nhà Mạc xây vương triều nên ông được phong đến chức tước cao nhất triều đình: Bình chương quân Quốc trọng sự, Thái sư Hải quốc công. Sau khi mất làng Đồng Mô cùng xã thờ làm phúc thần. Tục ngữ địa phương có câu: “Phạm Gia Mô anh hùng cái thế. Nguyễn Như Quế dũng quán tam quân”. Đặt tên phố Phạm Gia Mô nhằm ca ngợi trí thông minh, hiếu học và sự dũng cảm của ông, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
4. Đường Nguyễn Như Quế:
Điểm đầu từ đường Đa Phúc qua ngã ba giao nhau với phố Vân Quan đến phường Nam Sơn, quận Kiến An. Đường dài 1.100m, rộng 6m, quy hoạch rộng 11m, có vỉa hè 2 bên, có hệ thống chiếu sáng công cộng. Đường ổn định, phù hợp quy hoạch phát triển đô thị của quận.
Nguyễn Như Quế người làng Đại Trà, nay thuộc xã Đại Đồng huyện Kiến Thụy, vốn là bạn thân của Mạc Đăng Dung, ông là võ quan lập nhiều công, nên dưới triều Lê Chiêu Tông (1516 – 1522) được ban tước hầu. Nhân thấy các vua Lê thối nát hèn kém, ông cùng nhiều quan văn, võ giúp Mạc Đăng Dung lên làm vua, hết lòng xây dựng triều Mạc, nên được ban họ vua (Mạc Như Quế) và được phong chức Thái úy Trung quốc công. Sau khi qua đời, làng Đại Trà thờ làm Thành hoàng, nhà thờ ông ở Đại Trà đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đặt tên đường Nguyễn Như Quế nhằm giáo dục truyền thống, ghi nhớ những đóng góp của ông đối với quê hương, đất nước.
5. Phố Vũ Hộ:
Điểm đầu từ đường Phạm Văn Đồng đến đê biển I (đường Công Vụ II). Phố dài 429m, rộng 5,5m, quy hoạch rộng 16m. Phố ổn định, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của quận. Hai bên phố có nhiều dân cư sinh sống, nhiều ngõ đi vào trong các tổ dân phố. Một trong các tuyến đường chính cứu hộ đê biển của thành phố (đường Công vụ II).
Vũ Hộ người quê làng Cung Hiệp, sau đổi là Thù Du, nay thuộc xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy. Ông là một võ tướng tài ba triều Lê Uy Mục, Chiêu Tông, làm đến chức Đô đốc. Đời Lê Cung Hoàng được phong chức Tây quân Tả đô đốc, Thượng thư bộ binh. Sau giúp Mạc Đăng Dung, ông rất được trọng dụng vì có tài quân sự, chính trị nên được ban họ Mạc tước Thiếu Bảo Tĩnh quốc công. Đặt tên phố Vũ Hộ để ghi nhận những đóng góp của ông, góp phần giáo dục truyền thống.
6. Phố Mạc Phúc Tư:
Điểm đầu từ đường Phạm Văn Đồng đến đê biển I (đường Công vụ II của phường). Phố dài 1.680m, rộng 5,5m, quy hoạch rộng 13m. Phố ổn định, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của quận. Hai bên phố có nhiều dân cư sinh sống, nhiều ngõ đi vào trong các tổ dân phố. Một trong các tuyến đường chính cứu hộ đê biển của thành phố.
Mạc Phúc Tư là con trai thứ của Mạc Đăng Doanh, ông sinh ra vào lúc triều Mạc thịnh đạt, nên được hưởng sự giáo dục toàn diện. Năm 1540, vua cha qua đời, ông đem hết tài năng phù tá vua, giữ chức Tể tướng. Sau đó, ông nhường chức cho Mạc Kính Điển, rồi ra trấn giữ xứ Hải Đông (khu vực Bắc Thủy Nguyên ngày nay) để bảo vệ bờ cõi phía Bắc. Ông đã xây dựng cả một tuyến thành trì kiên cố liên hoàn bộ – thủy (dấu tích hiện nay còn ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, dân địa phương gọi là Thành Dền, Thành Thạch Bích hay Thành nhà Mạc – đường thủy còn di tích bến Hầm Tầu trên bờ sông Bạch Đằng) và mở mang nghề nông, nghề rừng, nghề cá để dân an cư lạc nghiệp, đồng thời mở rộng nghề buôn bán, trao đổi hàng hóa với các trấn và cả với nước ngoài. Nhờ vậy, miền Hải Đông giàu mạnh nhanh chóng. Khi nhà Lê Trung Hưng chiếm được Thăng Long và Dương Kinh, ông cùng một số thân vương tiếp tục chống cự, sau thế cùng anh em ông tự vẫn chứ không chịu sa vào tay đối phương. Đền thờ ông ở Câu Tử, huyện Thủy Nguyên, đã được tôn tạo và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Đặt tên Phố Mạc Phúc Tư để ghi nhớ công lao của ông và giáo dục tinh thần kiên trung, yêu nước đối với thế hệ tương lai của đất nước.
7. Đường Vũ Thị Ngọc Toàn:
Điểm đầu từ phố Hải Thành qua đường Tân Thành đến đê Cầm Cập, đường dài 3.090m, rộng 5,5m, quy hoạch rộng 13m. Đường ổn định, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của quận. Hai bên đường có nhiều dân cư sinh sống, nhiều đường nhánh vào các tổ dân phố. Một trong các tuyến đường chính của phường.
Vũ Thị Ngọc Toàn, người làng Trà Phương, nay thuộc xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, bà là người đoan trang, diễm lệ, lấy Mạc Đăng Dung từ lúc còn hàn vi, giúp chồng dựng nên cơ nghiệp. Vì vậy, khi Mạc Đăng Dung lên ngôi đã phong bà là Chính cung Hoàng Hậu. Bà bỏ tiền khai khẩn ruộng hoang cho dân nghèo từ Tiên Cầm đến Kỳ Sơn. Bà đứng hưng rất nhiều chùa, như: Trà Phương, Hòa Liễu, Đông Minh, Do Nghi, Văn Hòa… (Hải Phòng); Hoạch Trạch, Trâu Bộ (Hải Dương); Thọ Lão, An Chiểu (Hưng Yên)… Bên cạnh các chùa, bà còn mở chợ, làm cầu, dựng quán… Nhân dân nhiều nơi cảm phục công đức lập am thờ bà, đền thờ bà ở Trà Phương, Hòa Liễu đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Bà có công lớn bảo vệ và xây dựng các công trình văn hóa dân tộc. Đặt tên Đường Vũ Thị Ngọc Toàn để ghi nhận những công đức to lớn của bà đã đóng góp với quê hương, đất nước.
Trên đây là Đề án đặt tên một số đường và phố trên địa bàn các quận Dương Kinh, quận Lê Chân và huyện Tiên Lãng. Trân trọng đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, đặt tên các đường và phố trên ./.
Nơi nhận:– TTr TU; – TTr HĐND TP; – Ban VHXH, HĐND TP; – Lưu TTr HĐTV. |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐCHỦ TỊCH(Đã ký) Dương Anh Điền
|
Ngày 20/7/2012, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã ra Nghị quyết số 07/2012/NQ-HĐND về việc đặt tên, đổi tên và kéo dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Đến cuối năm 2012, việc cắm biển tên đường và phố theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã được hoàn tất.
Tin và ảnh: Hoàng Sơn Hiền
.
Viết bình luận
Tin liên quan
- ĐIỀU LỆ SỐ 01/NQ-HĐMTVN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐMTVN
- NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-HĐMTVN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM KHÓA IV, NHIỆM KỲ 2024 – 2029
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM DIỄN RA THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
- HĐMT HẢI DƯƠNG DỰ LỄ KHÁNH THÀNH HỌ PHẠM GỐC MẠC KIM BẢNG, HÀ NAM
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC TRAO THƯỞNG QUỸ KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI MẠC ĐĨNH CHI CHO CÁC CHÁU CÓ THÀNH TÍCH TRONG HỌC TẬP NĂM HỌC 2023-2024
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- HỘI KIẾN SONG PHƯƠNG HĐMT HẢI PHÒNG – CÁC DOANH NHÂN TRONG ĐOÀN KHÁCH DL TRUNG QUỐC VỀ THĂM ĐỀN THỜ CÁC VUA TRIỀU MẠC (TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC) TẠI NGŨ ĐOAN, KIẾN THỤY, HP 29.12.2023.
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.