- Đang online: 2
- Hôm qua: 599
- Tuần nay: 15205
- Tổng truy cập: 3,411,811
TÌNH HÌNH DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ HỌ MẠC (GỐC MẠC) Ở NGHỆ AN
- 300 lượt xem
TÌNH HÌNH DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ
HỌ MẠC (GỐC MẠC) Ở NGHỆ AN
TS. Phan Đăng Long
Phó ban TT – Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
Nhà Mạc tồn tại hơn 155 năm và đã để lại nhiều những đóng góp lớn trong lịch sử dân tộc. Tiếc thay, một trong những vấn đề khó khăn nhất cho các nhà nghiên cứu về nhà Mạc và họ Mạc chính là các thư tịch lịch sử của nhà Mạc đều không còn. Nguồn thư tịch chung trong nước chỉ có trước hết là Đại Việt sử ký toàn thư, sau có Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí…nhưng các cuốn sử này đều do các sử gia nhà Lê Trịnh, nhà Nguyễn biên soạn, phần nói về nhà Mạc thường không đầy đủ và thiếu tính khách quan.
Bù lại cho sự nghèo nàn về sử liệu, nhà Mạc và dòng họ Mạc đã để lại một khối di sản vật chất văn hóa đồ sộ. Các di sản, di tích này phản ánh nhiều mặt thành tựu của nhà Mạc đối với đất nước. Qua việc nhân dân bảo quản, giữ gìn các di tích nhà Mạc, nhất là trong điều kiện đã diễn ra cuộc trả thù, tàn phá vô cùng tàn bạo của nhà Lê Trịnh kéo dài hàng mấy trăm năm có thể thấy rằng nhà Mạc đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tình cảm của nhân dân.
Vùng Nghệ An ngày nay với trung tâm là trục đường 7 với các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc là gốc định cư của các chi phái lớn của họ Mạc trấn thủ Nghệ An ở lại hoặc di cư sau khi Thăng Long, Cao Bằng thất thủ. Đặc biệt có nhiều di tích, từ đường, lăng mộ họ Mạc đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Đền Tán Sơn, từ đường họ Phan Đăng, nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu, từ đường họ Phạm sinh ra Phạm Hồng Thái, Đền thờ Phó vương Mạc Đăng Lượng, Đài kỷ niệm nhà Cách mạng tiền bối của Đảng Lê Hồng Sơn, đền thờ chí sĩ – nhà thơ Phạm Nguyễn Du, đền thờ Tán Quốc công Mạc Đăng Bình, đền thờ Tiến sĩ Thái Doãn Nguyên, Từ đường họ Hoàng Trần, Từ đường họ Nguyễn Trọng, nhà thờ họ Phan Mạc…
Cùng với các di tích văn hóa, lịch sử thời nhà Mạc, dòng họ Mạc, còn có nhiều từ đường các chi họ Mạc, gốc Mạc được chọn làm địa điểm hội họp, liên lạc trong thời kỳ Cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhiều từ đường họ Mạc gốc Mạc đã được xếp hạng di tích Cách mạng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy rằng các thế hệ con cháu họ Mạc nói chung và Nghệ An nói riêng luôn phát huy truyền thống yêu nước và chống ngoại xâm của cha ông.
Một trong những di tích cổ nhất của nhà Mạc ở Nghệ An còn lưu giữ được đến ngày nay chính là đền Tán Sơn. Đền Tán Sơn được xây dựng từ giữa thế kỷ XVI trên đỉnh núi Tán Sơn thuộc xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đền thờ Phó quốc vương Mạc Đăng Lượng. Đến nay, đền đã được hơn 400 năm. Diện tích khuôn viên của đền trên 4 hec-ta. Dưới chân núi có dòng sông Mai Hồ và hai cánh đồng phì nhiêu hư đồng khúc, đồng Mui, vây quanh 5 ngọn núi: núi Anh, núi Tấn, núi Nhuệ, núi Khúc và núi Thiệt Diệt tạo thành một khu vực linh địa phong cảnh hữu tình.
Đền Tán Sơn là một trung tâm văn hoá tâm linh. Nơi đây, năm 1788, người nông dân áo vải Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) trên đường tiến quân ra Bắc dừng chân để tuyển thêm lực lượng và luyện tập quân sĩ. Năm Giáp Tuất 1874, Trần Tấn và Đặng Như Mai tổ chức lễ tế cờ phát động phong trào Văn Thân chống Pháp. Đền Tán Sơn là nơi tuyên truyền giác ngộ thanh niên yêu nước chuẩn bị lực lượng cách mạng cho Đảng từ buổi ban đầu. Đền là nơi hội họp, in ấn, cất giấu tài liệu của Đảng trong thời kì Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Do đó, trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đền Tán Sơn là trung tâm hoạt động của chính quyền Xô viết ở Nam Đàn. Đền còn là nơi học chữ quốc ngữ của nhân dân và là nơi tập trung nhân dân đi giành chính quyền.
Cũng liên quan đến Mạc Đăng Lượng và hậu duệ của ông, nhà thờ họ Hoàng Trần đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nhờ thờ họ Hoàng Trần được khởi công xây dựng vào năm Giáp Thân 1884. Nhà thờ được xây dựng là do tấm lòng thành kính của gia đình cụ Hoàng Trần Quýnh và bà con dòng họ xa gần đối với vị thần tổ Mạc Đăng Lượng. Nhà thờ họ Hoàng Trần gắn liền với phong trào đấu tranh của nhân dân Đặng Sơn từ ngày đầu theo Đảng. Thông qua di tích và hiện vật còn lưu giữ được, là cơ sở cho chúng ta tìm hiểu về quá trình hoạt động của các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta trong đó có hai liệt sĩ (Hoàng Trần Thâm, Trần Tố Chấn) và Nguyễn Phong Sắc, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Sĩ Sách…. và nhiều đồng chí khác đã lăn lộn trong phong trào cách mạng từ ngày mới hình thành các tổ chức tiền thân của Đảng. Đi xa hơn nữa là sự đóng góp nhân dân Đặng Sơn trong phong trào Văn Thân, phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu.
Nhà thờ Hoàng Trần còn góp phần trong nghiên cứu lịch sử cách mạng Lào cùng hiểu thêm mối tình son sắt gắn bó hữu nghị giữa hai nước Việt – Lào, thông qua phong trào đấu tranh chống kẻ thù chung để giữ gìn và bảo vệ nền độc lập của mỗi nước.
Nhà thờ họ Phan Mạc, thuộc phái hệ Mạc Phúc Thanh cũng đã được công nhận là Dích lịch sử cấp Quốc gia. Nhà thờ họ Phan Mạc ở Hoa Thành được xây dựng từ năm 1738, đời Vĩnh Hựu – Lê Ý Tông (1735-1740), là nơi thờ tự của một dòng họ lớn, có truyền thống tốt đẹp nhiều đời. Phần lớn những người trong họ đều có tinh thần hiếu học, có lòng yêu nước thương dân. Dưới các triều đại phong kiến, con cháu dòng họ Phan Mạc đã làm nên sự nghiệp lớn. Nhà thờ họ Phan Mạc gồm có bốn tòa nhà: nhà Bái đường, nhà Hạ điện, nhà Trung điện, nhà Thượng điện và một số hạng mục khác.
Cũng như các Nhà thờ khác trên địa bàn huyện Yên Thành, nhà thờ họ Phan Mạc không chỉ là nơi thờ tự của dòng họ mà nơi đây còn ghi dấu biết bao sự kiện lịch sử của xã Hoa Thành nói riêng huyện Yên Thành nói chung.
Trong kháng chiến chống Pháp, nhà thờ họ Phan Mạc cũng được chọn là nơi tổ chức các cuộc họp của giới văn thân, sỹ phu thuộc tổng Quan Hóa để bàn về phương án rào làng kháng chiến hòng chặn đứng bước tiến xâm lăng của kẻ thù, bảo vệ nghĩa quân của Trần Tấn và Đặng Như Mai.
Năm 1925, Phan Đăng Lưu được kết nạp vào tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng. Ông được giao nhiệm vụ về quê hương xây dựng đại tổ Tân Việt ở Yên Thành và Diễn Châu. Chính trong thời gian này, ông đã biến nhà thờ họ Phan Mạc trở thành trụ sở chính của Chi bộ Tân Việt lúc bấy giờ và là địa điểm tập hợp các tổ chức thanh niên yêu nước dưới hình thức lớp học để truyền bá chủ trương của Đảng. Các tài liệu, sách báo được cất giấu trong các hộp sắc và dưới bàn tọa trên long ngai. Nhà thờ đã trở thành địa chỉ tin cậy để Phan Đăng Lưu tuyên truyền ý thức yêu nước, tinh thần cách mạng cho các tầng lớp nhân dân. Cuối năm 1928 đầu năm 1929, ở Yên Thành, 2 tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng Chí hội và Tân Việt Cách mạng Đảng cùng hoạt động. Tại Tràng Thành, Tiểu tổ Tân Việt đã vận động quần chúng đấu tranh đòi cải cách hương thôn theo khẩu hiệu “trước khi làm Cách mạng Quốc gia, phải làm Cách mạng hương thôn”.
Trong phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, nhà thờ họ Phan Mạc trở thành nơi tập trung và là trung tâm cổ vũ đoàn biểu tình phía Tây Bắc huyện Yên Thành.
Từ năm 1936 đến Cách mạng Tháng Tám, nhà thờ trở thành nơi sinh hoạt, hội họp của Chi bộ đảng Tràng Thành.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà thờ từng là nơi tập hợp và đặt trụ sở chỉ huy của Đại đội Cù Chính Lan thuộc Sư đoàn 304. Đồng thời, nơi đây cũng được chính quyền địa phương chọn làm nơi truyền bá chữ Quốc ngữ.
Nhà thờ họ Phan Mạc không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn có giá trị cả về văn hóa. Nhà thờ có quy mô khá đồ sộ với lối kiến trúc truyền thống, mang dáng nét cổ xưa như vẽ ra những nét đặc trưng sinh hoạt văn hóa của một vùng quê.
Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu: Khu di tích nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu vốn là vùng đất cổ ở thôn Đông, xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành huyện Yên Thành. Đây còn là nơi đồng chí Phan Đăng Lưu được sinh ra và lớn lên dưới sự chăm sóc, dưỡng dục của hai cụ thân sinh là ông Phan Đăng Dư và bà Trần Thị Liễu.
Những năm 1927, 1928, sau khi về Nghệ An tham gia Đảng Tân Việt, Phan Đăng Lưu về quê tụ họp những thanh niên yêu nước nhen nhóm thành lập cơ sở Tân Việt ở Tràng Thành, chuyển các tài liệu cách mạng về các cơ sở Tân Việt và Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Yên Thành, Diễn Châu, là người gieo những hạt giống Cách mạng đầu tiên ở vùng đất này.
Cũng từ nơi này, những năm 1936-1938, sau khi ra tù, Phan Đăng Lưu với tư cách là Uỷ viên Xứ uỷ Trung Kỳ, rồi Uỷ viên Trung ương phụ trách phong trào đấu tranh công khai hợp pháp của Đảng ở Trung Kỳ đã về quê, tham gia khôi phục lại các cơ sở đảng ở Yên Thành, tổ chức các hoạt động đòi dân sinh, dân chủ. Tại đây, những người thân trong gia đình Phan Đăng Lưu nhận được 2 bức thư của ông viết từ khám tử hình, “cha xem sự ra đi của cha như một giấc ngủ dài”.
Những năm 1954-1955, gia đình Phan Đăng Lưu bị quy sai, ngôi nhà này bị tịch thu chia cho các hộ nông dân. Sau năm 1975, Đảng và Nhà nước ta đã chuộc lại ngôi nhà, chuộc lại khu vườn và từng bước trùng tu, phục chế lại ngôi nhà gần như nguyên trạng. Năm 1990, Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Từ đó, con cháu trong dòng họ, Đảng bộ và nhân dân Hoa Thành cũng như Đảng bộ và nhân dân Yên Thành xem đây là một địa chỉ đỏ, nơi gìn giữ những kỷ vật, kỷ niệm về Phan Đăng Lưu – “Người Cộng sản lỗi lạc” (chữ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), người con ưu tú của quê hương Yên Thành anh hùng.
Nơi đây đã đón tiếp nhiều vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như đồng chí Phan Văn Khải (nguyên Thủ tướng Chính phủ), đồng chí Phan Diễn (nguyên Thường trực Ban Bí thư) và hàng trăm đoàn khách trong nước, quốc tế và nhất là thế hệ trẻ đến thăm. Ngôi nhà này trở thành kỷ vật vô giá, thành niềm tự hào, nơi giáo dục truyền thống về một con người, một nhân cách đã làm rạng danh cho quê hương xứ Nghệ.
Có thể nói rằng hệ thống các di tích văn hóa – lịch sử – Cách mạng của nhà Mạc và dòng họ Mạc ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung đã bổ sung thêm một nguồn tư liệu quý về thời đại nhà Mạc và họ Mạc cũng như những đóng góp của nhà Mạc, dòng họ Mạc trong lịch sử dân tộc.
Qua đây tôi cũng xin phép đưa ra hai đề xuất với nhóm thực hiện đề tài như sau:
1. Cần quan tâm và trình kiến nghị với tỉnh Nghệ An về việc xây Đài kỷ niệm cho liệt sỹ Phạm Hồng Thái tại quê hương ông. Theo tôi được biết hiện chỉ có ảnh của ông trong bia của nghĩa trang liệt sỹ Hưng Nhân.
2. Cần quan tâm đến việc khôi phục Tiên Đô miếu (nơi thờ Phó vương Mạc Đăng Lượng) ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Di tích này trải qua những biến cố lịch sử đã bị phá hủy và trên nền đất của di tích ngày nay là trạm y tế xã Đặng Sơn.
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ CỦA HĐMT HẢI PHÒNG NĂM GIÁP THÌN 2024
- HẢI PHÒNG HỌP BÁO HỘI THI VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC 2025
- HỘI THI TRUYỀN THỐNG VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC, XUÂN ẤT TỴ 2025
- HẢI PHÒNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HỘI THI TRUYỀN THỐNG VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC 2025
- LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ LẦN THỨ 351 THỦY TỔ HỌ MẠC CỔ TRAI
- HỘI ĐỒNG DI SẢN VĂN HÓA QUỐC GIA THÔNG QUA ĐỀ ÁN VINH DANH CỤM DI TÍCH NHÀ MẠC TẠI HẢI PHÒNG
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- HỘI KIẾN SONG PHƯƠNG HĐMT HẢI PHÒNG – CÁC DOANH NHÂN TRONG ĐOÀN KHÁCH DL TRUNG QUỐC VỀ THĂM ĐỀN THỜ CÁC VUA TRIỀU MẠC (TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC) TẠI NGŨ ĐOAN, KIẾN THỤY, HP 29.12.2023.
- ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ ĐỨC MẠC THÁI TỔ QUÝ MÃO 2023
- ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ THÁNH MẪU MẠC TRIỀU
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC