- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21355
- Tổng truy cập: 3,371,351
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 370 lượt xem
Phần 6
Tư dinh của Nguyễn Bảo Khuê ở phía Nam thành, gần Văn Miếu. Một chiều, Tả Đô đốc Trịnh Duy Liệu đến chơi, mời tới nhà mình mừng vừa sinh con trai. Bảo Khuê nhận lời.
Ba bà vợ trước của Duy Liệu bà nào cũng sinh con gái, may sao đến bà thứ tư do chính Bảo Khuê tác thành lại sinh quý tử, không mừng cho bạn sao được. Bảo Khuê ra đến cửa, người vợ hỏi với độ bao giờ thì về? Duy Liệu trả lời thay: – Chị cứ đi nghỉ trước, khoảng giờ hợi anh ấy mới về được. Khách toàn những vị đại thần. Có mừng Duy Liệu sinh con trai thật nhưng chuyện đó diễn ra chóng vánh. Giữa chừng Duy Liệu mời khách ra vườn hoa sau nhà. Sau khi bảo gia nhân lui, Duy Liệu rước một người từ nãy đến giờ ẩn trong bóng tối ra chiếc bàn đá dưới gốc liễu. Đó là Giản Tu công Lê Oánh. Lê Oánh rút gươm đặt trước mặt, nói:
– Hôm nay tôi mời các ông đến đây, toàn những người trọng nghĩa để bàn việc hệ trọng của đất nước. Nhà Lê ta từ đấng Thái Tổ tới giờ chưa khi ảm đạm như lúc này. Vua Đoan Khánh chẳng khác nào bạo chúa, quần thần bị giết hại vô cớ, dân chúng lầm than khổ sở, máu chảy làm cả nước hồ Hoàn Kiếm cũng nhuộm đỏ. Đã thế lại hoang dâm vô độ, khuyến khích ngoại thích lộng quyền, Đông thì Hoa Lăng, Tây thì Phù Chẩn, cái điềm gà mái ở Tây Hồ biết gáy bây giờ mới nghiệm ra. Tôi nói có gì không đúng thì thanh gươm đây, các ông cứ cầm lấy chặt ngay đầu tôi đem nộp cho Đoan Khánh, còn như thấy đúng thì phải cùng nhau không để bạo chúa hoành hành mãi được.
Mọi người xôn xao. Bây giờ Nguyễn Bảo Khuê mới để ý thấy khách khứa quây quần thành ba nhóm: Nhóm Nguyễn Tống Sơn, quê ở trang Gia Miêu ngoại, huyện Tống Sơn, trấn Thanh Hoa; mẹ vua Hiến Tông, tức là bà Huy Gia Trường Lạc Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Hằng là người họ này. Bây giờ ngồi đây có cha con Quốc cữu Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Văn Lự và người cháu là Nguyễn Hoằng Dụ. Nhóm Trịnh Thuỷ Chú, quê ở xã Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương, trấn Thanh Hoa. Bà thứ phi Trịnh Thị Tuyên, mẹ Giản Tu công chính là người họ này. Lôi Dương là đất rồng cuộn hổ ngồi, ngày trước bà Tuyên tổ Trịnh Hoàng thái hậu, mẹ vua Lê Thái Tổ cũng là người làng này. Về sau, Phạm Hoàng thái hậu, mẹ vua Thái Tông; Trịnh Thần phi, mẹ Hoàng tử trưởng Tư Tề; Nguyễn Kính phi, vợ vua Thánh Tông; bây giờ đến Trịnh Minh phi mẹ Giản Tu Công; tất cả đều là người Lôi Dương. Chẳng trách những người bà con với Trịnh Thị Tuyên ngồi đây khá đông: Trịnh Duy Sản, Trịnh Duy Đại, Trịnh Duy Liệu, Trịnh Hựu, Trịnh Tuy.
Nhóm thứ ba có Lê Quảng Độ, Lương Đắc Bằng và mấy người nữa. Nguyễn Bảo Khuê thấy mình không phải người Tống Sơn cũng không phải người Lôi Dương nên đến ngồi với đám Lê Quảng Độ. Nguyễn Văn Lang giọng nghẹn ngào:
– Trường Lạc Thái hoàng thái hậu vì ngăn cản bạo chúa lên ngôi mà bị y sai người ám hại. Thử nghĩ xem, đến như bà nội mình hôn quân còn giết chẳng ghê tay, chẳng sợ người đời nguyền rủa, thì y còn tha cho ai nữa. Vậy y phỏng có còn là giống người? Tôi nói điều này thiên hạ có khi lại nghĩ tôi vì bênh chị thương chị mình mà nói vậy. Thế thử hỏi Đặng Hoạch Thượng thư tội gì? Chỉ vì không uống được rượu mà bị giết ư? Bảng nhãn võ Đào Cứ tội gì mà chưa kịp vinh quy đã bị đem chém? Mấy cung nữ tội gì mà y vừa vui thú với người ta xong đã giết người ta ngay? Giản Tu công nói rất phải. Tôi xin hiến toàn bộ gia tài và huy động dân chúng Tống Sơn ứng nghĩa để trừ bạo chúa.
Ai cũng biết trong tay họ Nguyễn có hàng nghìn quân bản bộ, mấy chục thuyền chiến, mấy trăm voi ngựa, nếu cần, trong vài ngày có thể chiêu mộ thêm hàng vạn tráng sĩ, lại vốn quen với vua nước Ai Lao, cần nữa có thể sang đấy mượn thêm voi chiến.
Trịnh Duy Sản đấm tay xuống chiếc bàn đá, mạnh đến nỗi làm thanh gương trên đó cũng nẩy bật lên: – Anh em chúng tôi cũng chỉ cần hô một tiếng là người Lôi Dương đi theo nườm nượp. Cánh họ Trịnh còn mạnh hơn cả họ Nguyễn, từ khi Thái uý Trịnh Khả theo vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa đến nay con cháu mấy chục người nối đời thụ ấn công hầu làm tướng võ, như những trụ cột không thể thiếu của triều đình.
– Chúng ta đã đồng lòng nhưng cần phải có minh chủ. – Duy Liệu nói. Trịnh Duy Đại nói ngay: – Còn ai hơn Giản Tu công nữa? – Duy Đại bảo. Lê Oánh đứng dậy bái tạ và nói:
– Tôi tài hèn sức mọn không dám đảm đương việc lớn, nay huynh trưởng tôi là Cẩm Giang vương vốn người hiền đức, nghĩa hiệp, nói một tiếng hào kiệt bốn phương đều nghe, ta mời ông ấy làm minh chủ. Mỗi người một ý:
– Nhưng Cẩm Giang vương không có đây, biết ý ông ấy thế nào? – Hay mời An vương? Ngày trước ngôi vua đáng lẽ là của An vương vì ông ấy là trưởng, chứ không phải của Thái Trinh, sau đó đáng lẽ càng không phải của Đoan Khánh. – An vương thoái thác ngôi báu, an phận từ lâu không nên mời.
Cuối cùng mọi người cùng tôn Giản Tu công làm minh chủ. Bấy giờ anh em họ Trịnh mới đưa ra tờ tuyên thệ cùng đọc cho mọi người nghe, sau đó tất cả cùng ký tên và chích máu vào bát rượu lớn, chia nhau uống ăn thề, sau đó bàn ngày khởi sự.
Nguyễn Bảo Khuê nhắc lại hồi đi sứ, thấy con khỉ nọ kêu năm tiếng rồi lao đầu xuông đá chết, ứng với Uy Mục tuổi thân, suy ra hôn quân chỉ ở ngôi được năm năm, nay đã năm thứ tư, tháng Mười. Hôn quân lên ngôi tháng Chạp, ắt tháng Chạp sang năm là hết số, từ nay đến đấy còn hơn một năm, người về Thanh Hoa chiêu tập lực lượng, người ở lại kinh đô lo nội ứng, thời gian là vừa. Nhưng cả Lê Oánh lẫn hai bên họ Nguyễn họ Trịnh đều cho rằng chờ một năm thì lâu quá. Ngay tháng Chạp năm nay đúng vào ngày mồng 8, sau giỗ đầu Túc Tông ba hôm thì khởi sự.
Lúc mọi người ra về đã giữa giờ hợi.
Nguyễn Bảo Khuê vừa đi cũng là lúc người vợ đưa tình nhân của ả vào buồng. Đời lắm chuyện lạ lùng nhiều khi không thể hiểu nổi. Tình nhân của vợ Bảo Khuê là giám mã trong nhà, đấy chỉ là gọi cho đẹp, công việc của y là cho ngựa ăn, tắm rửa cho chúng, có lúc còn phải dọn chuồng ngựa. Hồi Bảo Khuê đi sứ, người vợ chịu cảnh phòng không mãi không nổi mới xa gần gợi ý gã giám mã, được một lần rồi từ đó quen thói, cứ có cơ hội là hai người lại gần nhau. Đêm nay chính là cơ hội. Vì sợ Bảo Khuê có thể về đột ngột, vả lại muốn được thật nhiều thời gian âu yếm nhau nên thậm chí gã giám mã còn chưa kịp tắm rửa, thay quần áo, thành thử người toàn mùi hôi của ngựa; hú hí thoả thuê rồi mới giật mình vì thấy khắp giường chiếu, chăn màn cho đến cả người ả đàn bà cũng toàn mùi ngựa! ả nọ buộc phải xua gã giám mã đi để cho kẻ hầu thay chăn màn còn mình thì tắm rửa. Đang lúc ấy, Bảo Khuê về. Thấy chồng vẻ mặt đăm chiêu như ẩn giấu điều gì, ả đàn bà đã hoảng nhưng rồi không thấy chồng tỏ ra ngờ vực gì, trên tay lại có vết dao cứa, ả mới hỏi vì sao. Bảo Khuê quanh co giải thích khiến người vợ sinh nghi.
Mọi khi Bảo Khuê thường đặt mình là ngủ, lần này cứ trằn trọc khiến ả đàn bà lại lo, chỉ sợ chồng phát hiện ra mùi ngựa. Nhưng rồi ả nhận ra Bảo Khuê dường như mải nghĩ điều gì khác vì mọi khi nếu khó ngủ Bảo Khuê liền gần vợ, sau đó ngủ được ngay, có khi đến sáng cũng không buồn dậy. Lần này Bảo Khuê chẳng thiết chuyện ấy. Người vợ vừa no xôi chán chè với gã giám mã nên cũng chẳng cần, nhưng tính tò mò nên ả choàng tay qua ngực chồng, ỏn thót gợi chuyện, hỏi cả chuyện tại sao cổ tay lại có vết cứa. Bảo Khuê nói:
– Chuyện hệ trọng, nàng là đàn bà hỏi làm gì? Hôm sau vợ Bảo Khuê liền kể với tình nhân. Gã giám mã nghĩ: Được mời đi ăn mừng, về lại không ngủ được, chẳng thiết chuyện nọ kia, cổ tay có vết dao cứa, hỏi lại bảo chuyện hệ trọng… Gã vốn quen Lê Kỳ liền thắc mắc với gã Đô lực sĩ này. Lê Kỳ tâu với Uy Mục. Bảo Khuê bị gọi ngay sau đấy. Duy Liệu cũng bị gọi. Cả hai chỉ nói chuyện mừng sinh con trai. Nhưng trong đám gia nhân có người kể ra tối ấy có những người nọ người kia, có cả Lê Oánh. Uy Mục sinh nghi, lập tức sai bắt tất cả những người có mặt tối hôm ấy. Nhưng chỉ bắt được một số, những người này ai cũng chỉ một mực nói đến nhà chia vui với Duy Liệu. Nhưng những vết cứa trên cổ tay ai cũng giống ai và mỗi người giải thích một cách khiến Uy Mục không thể tha cho một ai. Tất cả đều bị tống ngục. Cha con Nguyễn Văn Lang vì vào Thanh Hoa lo chuyện khởi nghĩa mà thoát nạn. Bảo Khuê nghĩ tất cả tại mình liền cắn lưỡi chết, cái chết lại khiến Uy Mục càng nghi.
Gã giám mã và người vợ Bảo Khuê dắt nhau tới chỗ Uy Mục, xin được lấy nhau. Vợ Bảo Khuê nói: – Tâu bệ hạ, chồng cũ của tiện dân chết rồi, tiện dân xin được thành gia thất với chồng mới nhưng vì nhà anh ấy nghèo nên xin được mang theo một nửa gia sản, còn nửa thì để lại cho con cái Bảo Khuê ạ. Uy Mục cười, hỏi:
– Hai ngươi có biết chuyện một người cũng tên là Khuê thời Tam quốc bên Bắc quốc không? Gã giám mã thưa: – Chúng thần học hành ít nên không biết ạ.
Uy Mục bảo một quan đại thần hãy nói cho chúng biết. Ông này kể: – Người ấy là quan Thị lang Hoàng Khuê. Ông ta bàn với Mã Đằng mưu hại Tào Tháo. Về nhà, người vợ lẽ dò hỏi, vì đang say nên Hoàng Khuê nói ra hết. Ai ngờ người vợ này vốn có tư tình với em trai người vợ cả của Hoàng Khuê nên đem chuyện nói với hắn ta; tên này bèn báo cho Tào Tháo nên cả Hoàng Khuê lẫn Mã Đằng đều bị giết. Hai đứa nọ sau đó xin với Tào Tháo không muốn lấy thưởng gì cả, chỉ xin được lấy nhau. Tào Tháo cười nói: “Mày vì một con đàn bà mà làm hại mất cả nhà chồng chị, để quân bất nghĩa như mày sống làm gì!”. Vậy nên không những cả nhà Hoàng Khuê mà hai đứa ấy cũng bị chém đầu giữa chợ.
Gã giám mã và vợ Bảo Khuê nghe mà hoảng hồn, mồ hôi toát ra như tắm. Uy Mục nói: – Xét ra hai ngươi còn bất nghĩa hơn cả đứa ấy vì còn muốn chiếm đoạt gia sản của người ta. Để cho hai ngươi sống thì thành gương xấu cho thiên hạ nhưng bởi hai ngươi có công với ta, giết các ngươi rồi ta sẽ cấp tiền cho cha mẹ các ngươi an dưỡng tuổi già để các ngươi được tròn đạo hiếu! Đôi gian phu dâm phụ van lậy khóc lóc thảm thiết. Uy Mục mặc. Võ sĩ xềnh xệch lôi chúng đi chém, đầu bêu giữa chợ, cáo thị dán bên cạnh để làm gương cho người đời. Đọc, người thương, người nguyền rủa chúng.
Trong ngục, Giản Tu công Lê Oánh càng nghĩ càng giận cha ông đặt ra luật lệ chỉ nhằm bảo vệ người trên ngai vàng còn các thân vương thì bị tước hết quyền hành. Các hoàng tử nếu ai không kế tục ngôi báu đều được giữ tước vương đã phong, con trưởng được nối tước ấy của cha, các con thứ thì tước công. Họ được ăn lộc, được ban cho ruộng đất để con cháu về sau thế nghiệp nhưng tất cả phải tới sống ở kinh đô, không được cai trị phủ lộ nào để có thể gần gũi dân chúng, cốt đề phòng việc dụ dỗ dân chúng nổi loạn; thậm chí trong nhà chỉ có một số ít kẻ hầu người hạ chứ không được phép có quân hầu, đi đâu không có giáp binh hộ vệ. Chính vì vậy Uy Mục bắt giam một loạt thân vương mà con cháu họ chỉ biết gạt nước mắt chứ không làm gì nổi, còn như muốn chống lại thì phải dựa vào thế lực của các đại thần.
Lê Oánh vẫn một mực cắn răng và cầu trời khấn phật mong sao đồng đảng bền gan. Uy Mục thì nghĩ giết bọn họ dễ nhưng muốn họ khai ra đồng đảng còn chưa bị bắt để trừ tận gốc mới khó nên lần lữa. Quan Bộ Hình tâu:
– Để bắt ai phải mở miệng tra hỏi không được thì chỉ còn cách dùng nhục hình, dùng nhục hình cũng không được nữa thì còn mỗi nước là đem giết. Về nhục hình, đánh bằng roi vọt là tội nhẹ, còn dùng dùi sắt nung đỏ là tội nặng. Xử chết là tội nặng nữa, lại thêm tru di tam tộc là nặng nhất. Những thứ ấy định ra để phân định tội nặng nhẹ chứ đánh bằng roi vọt có khi còn gây đau đớn hơn cả giết chết. Bên Bắc quốc có thời thấy xử trảm nặng quá nên thay bằng đánh 50 trượng, nghĩ là nhẹ không ngờ khi thi hành, có kẻ chưa chịu đến 50 trượng đã chết, thành thử nhẹ mà hoá nặng vì người bị hình phạt phải chịu đau đớn kéo dài rồi mới chết! Xử chết nhẹ thì cho tự xử, nặng thì đem hành xử. Cho uống rượu độc hay thắt cổ tại gia nhẹ hơn trong tù ngục, còn như xử ngoài pháp trường bằng treo cổ hoặc chém đầu là nặng hơn cả, đem bêu đầu cửa chợ là nặng nữa. Lăng trì cũng là xử chết nhưng nặng hơn cả, ta gọi là tùng xẻo vì cứ một tiếng trống lại xẻo một miếng. Nhẹ thì xẻo ít lần ít miếng, nặng thì xẻo nhiều lần nhiều miếng. Bên Bắc quốc lệ đặt ra xẻo 3357 miếng là tội nặng, vì xẻo nhiều nên phải có người ghi chép cụ thể số lần số miếng không có thì lẫn. Nhưng không xẻo một mạch cho đủ thì thôi, ngày đầu chỉ xẻo 357 miếng, mỗi miếng to bằng móng tay cái, rồi tha cho phạm nhân, hôm sau xẻo tiếp. Ngoài ra có thể cho voi dày, ngựa xé. Uy Mục gật gù:
– Nghe chuyện hình phạt kể ra cũng thú vị. Nhưng khanh chưa nói cho biết nên tra khảo bọn Oánh thế nào đâu đấy! – Tâu bệ hạ, Giản Tu và đồng đảng đều là những kẻ dám làm dám chịu nên bắt chúng khai không dễ, theo thần, cứ phải dùng đến dùi sắt nung đỏ, chứ roi vọt không ăn thua. Sau đó dựa vào lời khai mà tuỳ mức độ xử trí, nếu là mưu phản thì không khỏi tội chết!
Uy Mục nghe theo, Trịnh Duy Liệu bị xử đầu tiên. Duy Liệu vẫn khăng khăng nói mời mọi người đến mừng mình sinh con trai. – Ngươi là thứ hạng gì mà đến như Giản Tu công cũng tới mừng cho ngươi? – Mẹ Giản Tu công là cô của thần! Cứ sau mỗi câu trả lời Duy Liệu lại bị dùi sắt nung đỏ dí vào người. Sau lần thứ năm thì Duy Liệu ngất đi, khắp phòng khét lẹt mùi da thịt cháy.
Thấy vậy, Khắc Hài thưa với nhà vua: – Thần nghĩ chắc chắn bọn ấy mưu phản. Bước đầu chỉ cần giết Lê Oánh là đủ, không cần bằng cớ gì hết. Bọn còn lại cũng như rắn mất đầu, cần thì xử trí sau. – … Khanh nói đúng. Truyền gọi Bộ Hình vào đây. – Uy Mục nói.
Nguyễn Khắc Hài chưa ra đến cửa thì gặp Thừa lệnh Bộ Hình và giám ngục từ ngoài hớt hải vào, sụp lậy, thở không ra hơi, thưa: Đêm qua, Lê Oánh và đồng đảng đã được mấy kẻ không rõ tung tích thông đồng với gác ngục cứu thoát. Giám ngục và Túc vệ đã đến nhà Lê Oánh và bọn kia, người nhà bảo không thấy chúng qua nhà, chắc trong lúc vội vàng chỉ mong chạy thoát thân nên không còn kịp nghĩ đến người nhà có thể bị liên luỵ. Uy Mục quát tháo ầm ỹ, thề phen này bắt được bọn Oánh, cho tùng xẻo mỗi đứa 5000 miếng!
Suốt mấy ngày liền lính Túc vệ được lệnh lùng sục khắp kinh thành và toả đi các vùng lân cận, yết thị truy nã dán khắp nơi. Không bắt được Lê Oánh và đồng đảng, Uy Mục lệnh bắt hết người nhà của họ, kẻ hầu người hạ, khách vô tình đến chơi, thầy lang đến thăm bệnh, kẻ chợ búa đến bán rau cỏ tất cả đều bị bắt, đến mấy trăm người, tiếng kêu khóc rinh trời. Mẹ Lê Oánh cũng bị bắt.
Trong khi đó, Lê Oánh chạy ngày chạy đêm cùng với những người trung thành thoát được vào Thanh Hoa, rồi về Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương là quê bà Trịnh Thị Tuyên. Anh em Trịnh Duy Đại, Trịnh Duy Sản cũng về đây. Họ cho người đi Tống Sơn, huyện Hà Trung ngay hôm ấy để liên hệ với Nguyễn Văn Lang.
Vốn đã chuẩn bị trước nên Nguyễn Văn Lang huy động được ngay vài nghìn quân, một nửa giao cho cha con Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Kim chặn đèo Tam Điệp, một nửa giao cho Nguyễn Văn Lự dàn suốt dọc bờ biển ngừa thuỷ quân của Uy Mục. Tiếp đó, bàn đến việc tiến quân ra Bắc. Bấy giờ ai cũng thấy tiên đoán của Nguyễn Bảo Khuê rằng phải đến tháng Chạp sang năm mới tới ngày tận số của hôn quân là có lý. Bây giờ chuyện đã lộ càng không thể manh động. Tiễu trừ hôn quân thì phải có lý do mới được quan quân mọi nơi hưởng ứng nên cần có hịch dụ các đại thần và tướng sĩ. Việc này giao cho quan Hàn lâm Lương Đắc Bằng.
Giản Tu Công thấy cần phải giấu tung tích nên giả xưng là Cẩm Giang vương, kêu gọi ứng nghĩa. Trong khi ấy quân triều đình chia làm hai đường tiến đánh Thanh Hoa. Nguyễn Văn Lang đã phòng bị nên cả hai đường đều bị chặn lại.
Quân triều đình về tâu với Uy Mục rằng cầm đầu đám làm phản là Cẩm Giang vương Lê Sùng. Uy Mục liền cho quân bắt Lê Sùng và hai người em là Lê Vinh, Lê Quyên. Vợ Cẩm Giang vương vô tình dẫn các con về quê ngoại ăn giỗ nên thoát nạn.
… Vua Thánh Tông sinh được mười con trai thì Hiến Tông là trưởng, Kiến vương Lê Tân là thứ năm. Tuy nhiên họ chỉ cùng cha chứ khác mẹ. Mặc dù vậy, hai anh em thương yêu nhau như cùng một mẹ. Họ lại cùng sở thích văn chương, ngày còn Thánh Tông, mỗi khi vua cha làm thơ đều sai Hiến Tông và Kiến vương hoạ lại và bài hoạ của Kiến vương thường hay hơn vì vậy Hiến Tông nói với mọi người: “Tân giỏi hơn ta, đáng lẽ phải làm Đông cung Thái tử mới phải”. Kiến vương thì lại nói: “Thơ Thái tử phong cách thật đế vương, về sau đứng đầu thiên hạ là phải lắm”. Năm Cảnh Thống thứ 5 (1502) Kiến vương bị bệnh mất, vua Hiến Tông vô cùng thương xót nên nghỉ chầu ba ngày, hôm nào cũng túc trực bên linh cữu em. Kiến vương có 4 con trai là Cẩm Giang vương Sùng, Giản Tu công Oánh, Tĩnh Lượng công Vinh, con út là Lê Quyên còn nhỏ chưa được phong tước. Như vậy, Uy Mục đế và anh em nhà Cẩm Giang vương là con bác con chú.
Cẩm Giang vương là người sâu sắc, tế nhị và khiêm nhường, được thiên hạ ngưỡng mộ nên ai cũng ngạc nhiên khi nghe tin Cẩm Giang vương bị bắt vì tội mưu phản. Mười người thì đến chín người nghĩ ông bị oan.
Sau khi tra xét kỹ những kẻ bị bắt, quan Bộ Hình tâu Uy Mục tha cho đám chợ búa, thầy lang không liên quan, tất cả gần trăm người; còn lại khép tội 27 người. Bộ Hình thưa vì họ phần lớn trong hoàng gia vì vậy nên ban ngự tửu pha độc dược cho tự xử để đỡ mang tiếng, vả lại chưa có căn cứ xác đáng rằng Cẩm Giang vương làm phản, có thể Lê Oánh trí trá dùng anh làm bình phong nên bày ra thế. Uy Mục nổi giận:
– Ta đã không phanh thây chúng thành trăm mảnh thì thôi sao lại phải cho tự xử! Truyền chém đầu bêu cửa chợ!
Bọn đao phủ nghe nói phải chém Cẩm Giang vương kẻ kiếm cớ ốm, người đột ngột đi thăm họ hàng, chỉ còn mấy tên phụ trảm, đào huyệt và khiêng vác quan tài. Bộ Hình phải cho gọi lão đao phủ đã nghỉ việc quay lại pháp trường. Lão này khét tiếng hạ thủ không ghê tay nhưng vì đã cao tuổi, sau đó lại bị thọt, mất tư thế nên phải về vườn. Lão không vợ vì không ai dám lấy lão, do thế lão sống bất cần, chỉ cần cơm no rượu say là được. Thấy người của Bộ Hình đến nói việc xử trảm, lão hỏi phải chém bao nhiêu người, Bộ Hình bảo tất cả 27 người. Lão rung đùi khoái chí và nói vì không còn là đao phủ của triều đình nên cứ mỗi cái đầu lão “xin” 5 quan. Lão sẽ không dùng đao của triều đình mà dùng đao ông cha truyền lại, lưỡi nó sắc đến mức chém người không dính máu. Nhưng chém những 27 người thì lão phải mài đao cho thật bén, riêng việc mài phải mất nửa ngày. Tuy vậy, đề phòng giữa chừng đao cùn đao mẻ nên vẫn cứ phải mang phòng xa cho lão mấy thanh đao thật sắc.
Người của Bộ Hình về tâu. Uy Mục bảo: “Đầu bọn phản thần ấy quạ cũng không thèm rỉa mà đáng giá thế ư? Trả cho lão mỗi cái 1 quan. Song tiền thuê đao và việc mài đao kỳ công trả 110 quan. Tất cả là 137 quan, như vậy lão lời 2 quan. Nhưng bảo với lão, nếu phải dùng đao của triều đình thì mỗi cái đầu trừ đi của lão 10 quan, còn như không chém tới kẻ cuối cùng thì trừ hẳn 100 quan.”. Người của Bộ Hình nghĩ bụng: Hoàng thượng tính toán thật khéo, Trạng Lường mà tái sinh cũng phải bái phục. Việc mặc cả xong xuôi, đến ngày xử trảm. Pháp trường phía Tây Nam thành, đó là một bãi rộng, cỏ mọc nham nhở. Xung quanh chỗ có tường xây chỗ không, tường cũng lở lói loang lổ. Một bụi chuối có lẽ đến gần trăm cây, vì không ai dám hái buồng ở đấy, cũng không ai chặt thân chuối về nuôi lợn nên nó mới rậm như thế. Cái bãi ấy không ai muốn đến gần nên mỗi lúc có việc hành hình, lính tráng phải lùng bắt những người ở gần đấy đến xem, sao khoảng dăm chục người là được. Tận xa là mô đất cao, kê ghế dành cho các quan Bộ Hình chứng giám việc hành tội. Hôm nay đích thân Uy Mục đến chứng kiến nên nghi lễ có khác mọi bận, nhà vua ngồi dưới lọng vàng, Lê Kỳ, Nguyễn Khắc Hài đứng sau, thị vệ gươm giáo sáng quắc.
Các tội nhân bị dẫn ra, đi đầu là Cẩm Giang vương, đi cuối là mẹ Giản Tu công. Đàn bà trẻ con khóc như ri, Cẩm Giang vương ngẩng cao đầu không một chút sợ hãi, lúc bị tra hỏi, ông có nói với chính Uy Mục: “Thần không có tội nhưng bệ hạ muốn thần phải chết thần cũng cam lòng, chỉ mong bệ hạ chăm lo sửa đức thì cơ ngơi tổ tông mới hy vọng lâu bền được”.
Quan Bộ Hình nêu tội trạng đám phản thần cho bàn dân thiên hạ đều hay.
Lão đao phủ thọt nhổ một sợi tóc, thổi vào lưỡi đao, sợi tóc đứt làm đôi. Lão hất hàm ra hiệu cho đám trống chiêng. Một tiếng trống, ba tiếng chiêng nổi lên. Trăm họ quanh pháp trường nín thở theo dõi không sót một cử chỉ của đao phủ. Lão nhìn lướt qua những cái đầu, nói: “Ta với các ngươi sống không thù nhau, chết xin đừng oán nhau, ta chỉ hành nghề kiếm miếng cơm hớp rượu mà thôi!”. Lão vung đao. Người xem nhiều người lại nhắm mắt lại. Lão nọ hạ thanh đao xuống thật nhanh. Cái đầu thứ nhất rụng, máu từ cổ phun như vòi rồng. Tiếp đến những cái đầu khác. Nhanh gọn đến ngạc nhiên. Vua Uy Mục quay ra sau hỏi Lê Kỳ:
– Tài quá! Ngươi có làm được như thế không? – Tâu bệ hạ, thần chịu!
– Các vàng trẫm cũng chịu. Thật đáng đồng tiền bát gạo trả cho lão ta!
Thực ra lão thọt mỗi lúc một thấm mệt nên có lúc đã phải ngưng giây lát để thở. Đôi lúc lão còn phải hét lên hoặc văng tục trợ lực cho nhát chém. Trước đây 27 người chứ nhiều hơn nữa vẫn không bõ sức lão nhưng lâu nay không được hành nghề, lại tuổi tác cùng với rượu chè vô độ khiến sức lực lão không còn được như trước. Xong 15 cái đầu lão rã cả hai cánh tay. Bị dẫn ra pháp trường đầu tiên nhưng theo lệ, Cẩm Giang vương lại bị chém sau cùng, cốt để kẻ chủ mưu thấy rõ do hắn mà người thân liên luỵ. Người xem, kể cả Uy Mục như nín thở khi đao phủ xách đao đến bên Cẩm Giang vương. Không ai biết lão ta tưởng không thể xong việc, lão đã quá mệt, cái nhìn của Cẩm Giang vương lại khiến lão lạnh toát xương sống, cảm giác chưa bao giờ có ở lão, mắt lão hoa lên, cái đao như nặng đến nghìn cân. Nhưng nghĩ đến bao nhiêu tiền có thể mất trắng, lão gằn hết sức, miệng: “đ. mẹ” và bổ lưỡi đao xuống. Xong! Nhạc bát âm lập tức nổi lên tống tiễn những những hồn ma. Lão đao phủ nằm vật ra đất, mắt trợn ngược, mặt xám lại, bàn tay cầm đao dần dần duỗi ra. Lưỡi đao vẫn không dính dù một chút máu, trong khi mấy thanh đao dự phòng của triều đình những chỗ máu bắn vào đã thâm tím lại. Đám phụ trảm ra đỡ lão đao phủ dậy nhưng họ đều thất thần: Lão đã tắt thở! Người xem ra về, có người vừa cắm đầu cắm cổ chạy vừa nôn tung toé. Ngoài nghĩa địa người ta đã đào sẵn 27 cái huyệt, gần đấy là 27 chiếc quan tài, bây giờ thêm cái xác lão đao phủ, nên lại phải thêm quan tài, thêm huyệt. Nhà vua nói: – Bảo chúng giữ thanh đao của lão nọ lại, dùng cho việc đại hình rất tốt.
Đó là ngày 13/11 năm Đoan Khánh thứ 5 (1509).
*
Trong khi ấy ở Thanh Hoa Lê Oánh bàn việc tiến quân. Không ít người lo không địch nổi các vệ binh Thiên Vũ, Thiên Bồng, Vũ Lâm, Cẩm Y và quân Túc vệ của Uy Mục. Mạc Đăng Dung là Chỉ huy sứ vệ Thiên Vũ, quyền lớn, quân nhiều, cả xứ Thanh Hoa giờ đây không một ai đáng mặt địch nổi Đăng Dung. Lại còn Đàm Cử, Lê Kỳ nữa. Đang lúc không khí trầm xuống vì lo âu, một viên tuỳ tướng đứng sau Giản Tu công bước ra:
– Bẩm Đại vương, tiểu tướng có quen Mạc Đăng Dung, xin đi chiêu thuyết người này. Được Đăng Dung thì bọn còn lại không đáng kể gì. Viên tiểu tướng đó là Vũ Hộ. Lê Oánh hỏi để chiêu thuyết được Mạc Đăng Dung, cần bao nhiêu vải vóc, tiền bạc. Vũ Hộ thưa:
– Năm Đoan Khánh thứ 3, tiểu tướng được làm lính Túc vệ nên có gần Đăng Dung vì Đăng Dung hồi đó cũng trong Túc vệ nhưng được vác dù cho Đoan Khánh. Đăng Dung trí dũng hơn người, chân thành, ngay thẳng, bề ngoài thì mềm mỏng mà bên trong thì cứng rắn; nói đúng thì nghe theo, nói không đúng quyết không nghe, dẫu có nghìn vàng cũng không lay chuyển được. Ngày trước tiểu tướng cùng với Đào Cứ có nhận lệnh Đại vương đi các nơi chiêu mộ hiền tài, dũng sĩ, Đăng Dung vật thắng Đào Cứ nên được năm tấm lụa và mười quan tiền. Tiểu tướng và Đào Cứ kéo Đăng Dung vào quán rượu để chuyện trò. Thấy Đăng Dung bỗng nhiên có tiền có lụa, người ăn xin kéo đến đầy cửa quán, người nào cũng còm cõi rách rưới thảm hại. Vậy là Đăng Dung đổi cả mười quan tiền ra tiền lẻ, cho ăn mày tất. Năm tấm lụa cũng cho họ ráo mang đi mà chia nhau! Nên tiểu tướng nghĩ để thuyết phục Đăng Dung chỉ cần lẽ phải và ba tấc lưỡi. Lẽ phải chúng ta có nhưng để có ba tấc lưỡi lại cần một trong hai người nữa. Hai người này chơi thân với nhau và đều qua lại thân thiết với Đăng Dung. Một người là Nguyễn Bỉnh Đức, hồi nhỏ học cùng Đăng Dung, nay làm thư lại ở Tứ Kỳ; người thứ hai là Lê Bá Ly nổi tiếng tài dũng, xem tướng giỏi, thích bàn chuyện quân cơ nhưng không ra làm quan, chỉ ham đi đây đó và đánh cờ, cứ cách vài tháng lại từ quê nhà Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì đi bộ tới Tứ Kỳ đánh cờ ít ngày với Bỉnh Đức rồi về, nếu Bỉnh Đức được nghỉ việc quan thì hai người rủ nhau thăm thú các nơi hoặc cùng tới chỗ Đăng Dung. Với hai người này cũng không cần đến tiền bạc nhưng riêng với Lê Bá Ly thì cần một con ngựa tốt.
– Để làm gì? – Ai đó buột miệng hỏi. – Thưa, để hắn ta cưỡi đi chơi khắp nơi và tìm người đánh cờ!
Mọi người cùng cười. Giản Tu công bảo một ngựa chứ mười ngựa cũng có vì ông có trại ngựa vô vàn con ở Ba Vì. Nhưng liệu có nên tin vào một kẻ chỉ ham rong chơi và đánh cờ như Bá Ly không. Nguyễn Hoằng Dụ nói xưa Gia Cát Lượng trước khi theo Lưu Bị cũng là một người như thế, quanh năm trong lều tranh mà biết thiên hạ tất yếu chia ba. Nghe có lý, Giản Tu công sai người đem đến con ngựa đen như gỗ mun. Ngay đó, Vũ Hộ cải trang rồi lên đường. Đường từ Thanh Hoa ra Thanh Trì không phải là gần, nếu không gặp được Bá Ly, phải đi Tứ Kỳ tìm Bỉnh Đức thì còn xa hơn. Sau đó lại phải cùng tới chỗ Đăng Dung.
Dọc đường Vũ Hộ nghe ngóng tình hình, thấy nơi nào cũng bàn tán. Tất cả các binh trấn đều đã nhận được chỉ dụ của triều đình truy lùng Lê Oánh và đám phản loạn. Cũng những nơi ấy chẳng bao lâu sau lại nhận được hịch dụ kêu gọi diệt trừ bạo chúa Lê Tuấn. Lúc này Vũ Hộ mới biết Cẩm Giang vương và hơn chục người trong gia đình đều bị Uy Mục giết, mẹ Giản Tu công cũng đã bị giết.
Mạc Đăng Dung và binh lính vệ Thiên Vũ nhận được cả chỉ dụ của nhà vua lẫn hịch dụ của Cẩm Giang vương và nghe đồn hịch ấy thực ra là của Giản Tu công Lê Oánh. Đăng Dung không dám khẳng định về Giản Tu công vì ông ta chưa bộc lộ chân tướng nhưng về vua Đoan Khánh thì quả như hịch viết: “Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ kém hèn, làm nhơ bẩn nghiệp lớn. Lần lữa gần được năm năm, tội ác đã đến muôn vẻ, giết hại người thân thuộc, dìm hãm các thần liêu, tiêu tiền như bùn đất, bạo ngược ngang Tần Chính, tà dâm như Hán Thành…”(*). Có điều, từ trước đến nay riêng với Đăng Dung, chưa bao giờ Đoan Khánh đối xử tệ, vì vậy Đăng Dung không thể không nghĩ ngợi. Mạc Đốc đang ở Nghi Dương, Mạc Quyết thì ở Đông Kinh, không có ai tâm huyết bên cạnh để bàn bạc, Đăng Dung chỉ còn biết nhắc mình phải thận trọng trong mọi hành động.
Đang lúc ấy, hầu cận thưa có khách là Lê Bá Ly và một người nữa đến chơi. Thật là cầu người, người lại có ngay. Nhưng người đi cùng Bá Ly là ai? Khách bước vào, bỏ nón xuống, hoá ra đi cùng Bá Ly là Vũ Hộ. Biết Vũ Hộ là người của Lê Oánh nên Đăng Dung xua hết hầu cận ra ngoài. Họ ăn trầu uống nước, chuyện trò rôm rả những chuyện trên trời dưới đất, chuyện nhà cửa vợ con cho lính tráng khỏi nghi ngờ rồi bày cờ, thì thầm bàn việc trong tiếng quân cờ lách cách, tiếng đập ăn quân chan chát. Bá Ly nói rằng thời thế đã đến lúc thay đổi, đây chính là cơ hội cho người anh hùng. Đăng Dung nghĩ: Tay này khôn đến lõi đời, chỉ đi khuyên người ta còn mình bao nhiêu năm nay cứ đứng ngoài cuộc. Sợ ngồi lâu không tiện, Bá Ly và Vũ Hộ đứng dậy, chờ đợi câu trả lời của Đăng Dung để rồi cáo từ. Đăng Dung bảo: “Thanh Hoa đến đây, tôi sẽ làm ngơ”, có nghĩa Đăng Dung sẽ không ứng nghĩa nhưng nếu quân Thanh Hoa đến sẽ án binh bất động rồi tuân theo kết cục.
Vũ Hộ về Thanh Hoa, nghe tin mẹ và anh em ở kinh bị Uy Mục giết hại, Giản Tu công lặng đi hồi lâu. Lê Oánh và Nguyễn Văn Lang đều không bằng lòng với thái độ lấp lửng của Đăng Dung song đành phải chấp nhận.
Tháng Một năm ấy (Kỷ tị, 1509), chọn ngày tốt, Lê Oánh hạ lệnh xuất quân để kịp tháng Chạp ứng với điềm Lê Tuấn tới ngày tận số. Hai tướng trẻ là Nguyễn Văn Lự và Nguyễn Kim đi tiên phong, Lê Oánh và Nguyễn Văn Lang, Lê Quảng Độ đi trung quân, Nguyễn Hoằng Dụ đi tiếp ứng, đám họ Trịnh lo hậu cần, quân lương. Quân Thanh Hoa ra đến Sơn Nam không gặp một trở ngại nào, quân triều đình số đầu hàng, số tan tác chạy về kinh đô. Chẳng mấy chốc quân Thanh Hoa đã áp sát doanh trại vệ Thiên Vũ. Thấy trại vệ Thiên Vũ im ắng, không hiểu ý tứ Đăng Dung thế nào, Lê Oánh cho quân dừng lại, hạ trại cách năm dặm.
Trong khi ấy, Phó chỉ huy sứ vệ Thiên Vũ Nguyễn Thọ giục Đăng Dung xuất quân. Đăng Dung hỏi: – Hoàng thượng với Giản Tu công là người thế nào? – Tất nhiên là anh em trong hoàng tộc.- Nguyễn Thọ đáp. – Tôi và ông là như thế nào với hoàng tộc?
– Chúng ta chỉ là người ngoài. – Là người ngoài, chúng ta không nên can dự vào việc riêng của hoàng tộc. Nguyễn Thọ hỏi lại: – Nguyễn Văn Lang, Trịnh Duy Sản là người thế nào mà họ cũng can thiệp vào chuyện hoàng tộc? – Cả hai đều là ngoại thích của hoàng gia. Nguyễn Thọ nổi giận:
– Ta và ông đều ăn lộc của triều đình, nay triều đình gặp nguy sao lại đứng ngoài được? Khác gì cháy nhà hàng xóm bình chân như vại? – Triều đình không có nghĩa là nhà vua. Nay vua Đoan Khánh gặp nguy chứ không phải triều đình gặp nguy. Thanh Hoa là đất căn bản của triều đình chứ không phải của riêng vua Đoan Khánh. Tôi và ông đều mang ơn nhà vua, nhưng quân Thanh Hoa nổi can qua chắc phải có lý, lại truyền hịch khắp nơi khiến binh trấn các nơi đều xao xuyến, chưa đánh đã ngả giáo qui hàng. Chúng ta thân cô thế cô liệu có chữa cháy được không, hay là lại khiến Giản Tu công nổi giận, chẳng khác nào thêm dầu vào lửa và khiến sinh linh khốn khổ?
– Ta thà chết chứ không phụ Hoàng thượng! – Nguyễn Thọ nói và ra khỏi trại, giơ cao thanh đao hô lớn: Ai theo ta xông vào trại địch lấy đầu tên phản thần Lê Oánh? Mấy trăm người theo Nguyễn Thọ nhưng quay lại thấy hầu hết vẫn đứng im, liền trở giáo gần hết, chỉ còn mấy người nên tất cả bàn nhau quay ngựa chạy về kinh thành.
Thấy Đăng Dung không động tĩnh, quân Thanh Hoa vòng qua trại binh vệ Thiên Vũ để tới Đông Kinh. Mạc Quyết trong quân Túc vệ đã được anh thông báo cách ứng xử nên cáo ốm nằm nhà. Quân Túc vệ giữ kinh thành phần theo Lê Kỳ, phần theo Trần Công Vụ, có kẻ nhân cơ hội trốn về quê, người nào lo thân người ấy, không còn ai bảo được ai, rất là hỗn loạn. Đang đêm Phò mã Đô uý là Lê Mậu Chiêu mở cổng thành cho quân Thanh Hoa ùa vào. Quân Túc vệ càng hoảng loạn. Quay đi quay lại quanh Uy Mục chỉ còn chưa đầy một trăm quân của Lê Kỳ nhưng cung nữ và hoạn quan thì tới vài trăm. Riêng việc chúng kêu la khóc lóc đã khiến nhà vua rối cả ruột gan. Lê Quý phi và Trần Tu dung không rời nhà vua nửa bước, chỉ không thấy Hoàng hậu đâu!
Nguyễn Khắc Hài sai Lê Kỳ cùng quân Túc vệ và các hoạn quan ngăn đám cung nữ lại nên đưa được Uy Mục theo lối Cửa Bắc thoát lên phường Nhật Chiêu. Quân Thanh Hoa phá được cửa hoàng thành, giáp chiến quyết liệt với quân Túc vệ. Quân Túc vệ ít nên quẳng gươm giáo, vứt nón, cởi áo táo tác mỗi người một ngả, Lê Kỳ thét đứng lại không nổi cũng bỏ chạy. Quân Thanh Hoa đuổi theo, Lê Kỳ quay lại giết được dăm người rồi bị chúng băm thành trăm mảnh.
Khắc Hài đưa Uy Mục vào nhà một người quen bên Tây Hồ. Chủ nhà đưa nhà vua và Khắc Hài trốn lên gác rồi xin phép được xuống nhà dưới canh phòng. Uy Mục bảo Khắc Hài: – May có khanh, không thì trẫm chết mất. Nhưng Hoàng hậu đâu? Lê Quý phi đâu? Các hoạn quan đâu cả? Không có họ trẫm sống làm sao nổi? – Xin bệ hạ hãy yên tâm, rồi thần sẽ tìm được họ. – Giờ khanh định thế nào? Khắc Hài khóc:
– Thần chỉ là một kẻ quê mùa, được bệ hạ yêu hết mực, thật ơn như trời bể, nay thần nguyện đem sức khuyển mã báo đáp, dẫu gan óc lầy đất cũng cam lòng. Chờ đến tối thần sẽ đưa bệ hạ qua sông sang Đông Ngàn với vệ Thiên Bồng bên ấy. Bệ hạ phát hịch cần vương quy tụ vệ Vũ Lâm, Cẩm Y và hiệu triệu trấn binh các xứ Kinh Bắc, Hải Dương, thể nào cũng được vài vạn, dư sức đòi lại Đông Kinh. – Tên chủ nhà có đủ tin không? Trẫm sợ…
Dưới đường bỗng sáng rực lên và có tiếng ồn ào. Uy Mục run như cầy sấy. Khắc Hài ghé mắt qua cửa sổ nhìn xuống và hoảng hồn khi thấy chính chủ nhà đang chỉ trỏ dẫn đường cho quân Thanh Hoa. “Hỏng rồi bệ hạ ơi!” – Khắc Hài mới kịp kêu lên thì quân Thanh Hoa đã rầm rập lên gác. Uy Mục chui tụt vào gầm giường nhưng áo quần lại quên kéo vào theo nên vẫn loà xoà một đám bên ngoài, bị giặc túm lấy lôi ra.
– Khắc Hài đâu, cứu ta! – Uy Mục kêu lên, tay giữ cổ áo cho khỏi nghẹn vì bị quân Thanh Hoa lôi xềnh xệch như lôi cổ chó. Không thấy Khắc Hài đâu. Uy Mục bị dẫn tới chỗ Giản Tu công.
– Tên hôn quân kia, ngươi biết tội của ngươi chưa? – Lê Oánh chỉ mặt Uy Mục – Bạo ngược vô đạo, hoang dâm vô độ, giết hại công thần, tin dùng ngoại thích, tàn sát nhân dân, chỉ mới mấy năm mà tội ngươi đã chất cao như núi, nay giáng ngươi xuống làm Mẫn Lệ công… Hôn quân dập đầu lấy dập đầu để:
– Thần chỉ mong được sống, nay còn ban cho chức tước, thật vô cùng… Giản Tu công ngửa cổ cười ha hả: – Ta đã nói hết đâu! Cho chức tước là một chuyện còn để ngươi sống hay chết lại là chuyện khác. Hàn lâm học sĩ đâu?
Lương Đắc Bằng bước ra đọc tờ chiếu đã thảo sẵn, giáng Uy Mục xuống làm Mẫn Lệ công, truyền Bộ Hình xử lý. Đao phủ xốc Uy Mục dậy, lôi đi. Uy Mục giãy giụa và gầm lên: – Ta tiếc trước đây còn nghĩ đến tình anh em mà để cho ngươi sống! ác giả ác báo, rồi ngươi cũng không ra gì đâu!
Uy Mục bị đao phủ đập sống đao vào mồm cho không nói được. Đám phản loạn treo lên xà nhà chiếc thòng lọng rồi bỏ ra ngoài, để Uy Mục tự xử. Sáng hôm sau chúng vào gỡ xác, cứt đái một đám trong quần và bê bết trên mặt đất. Uy Mục chết khi mới 22 tuổi, làm vua được 5 năm.
Sử quan là Lê Hy viết: “ Giết rồi, vua sai cho xác Mẫn Lệ công vào họng súng thần công, súng nổ tan xác, tro tàn đem về chôn ở quê mẹ là làng Phù Chẩn chứ không được chôn cùng các tiên đế ở Lam Kinh vì sinh thời Mẫn Lệ công chỉ tín nhiệm ngoại thích. Tín nhiệm ngoại thích, bạo ngược vô đạo, giết hại tôn thất, tàn hại nhân dân, tự chuốc lấy diệt vong, chẳng cũng đáng sao!”. Sau đấy mấy hôm, sử quan Vũ Quỳnh tới chơi nhà Lê Hy, bảo: “Ông viết trắng ra cái chết của Mẫn Lệ công như thế, không sợ sao?”. Lê Hy nói: “Vua Thánh Tông nhà Lê ta là bậc thánh ở đời, vậy mà sử quan Lê Nghĩa quyết giữ lòng ngay dạ thẳng, khí tiết như cổ nhân, không cho Thánh Tông xem quốc sử đang soạn để biên chép được tự do, Thánh Tông cũng phải chịu. Nay tôi viết vậy cũng là học theo người xưa, làm tròn trách nhiệm của người chép sử.”.
Lê Quý phi và Trần Tu dung với mấy phi tần nữa trốn trong vườn Thượng uyển. Đến sáng, biết nhà vua đã bị bắt, tất cả cùng khóc lóc thảm thiết. Họ hỏi nhau liệu mình có bị giết không. Trần Tu dung bảo Lê Quý phi: – Chỉ mày bị giết thôi vì mày mang giọt máu của Hoàng thượng! – Đâu, làm gì có! – Sao bảo mày mơ được thần nhân dâng ngọc tỉ với hai cái ấn nên các quan bói toán và bảo thể nào mày cũng sinh con thánh? Hoá ra chưa có thai à? Bịa chuyện giỏi thật, dơ chưa!
Lê Quý phi xấu hổ đỏ cả mặt. – Xem đây này,- Trần Tu dung vén áo cho xem bụng – Tao lại mang thai đây này! Lê Quý phi chợt cười: – Khốn nạn cho cái thân mày rồi! Vua Đoan Khánh bị Oánh giết thì liệu Oánh có để yên cho mày giữ đứa con của Đoan Khánh không? Trần Tu dung biết mình lỡ dại, cũng cười:
– Đùa thế thôi, làm gì có chuyện ấy. Tại tao dạo này béo ra thôi. Mày biết đấy, nhà vua như bát canh chỉ rặt nước mà không có cái, chúng mình thụ thai sao được! Bây giờ nhà vua mất rồi, chúng mình đều là phận đàn bà, chả thương nhau thì còn ai thương cho, vậy nên phải nghĩ cách cứu lấy cái thân mình. Theo tao, chúng ta chia tay nhau ở đây, ai về quê người ấy, sau này yên ổn, có rỗi thì đến thăm nhau, coi những ngày vừa qua như thể phù hoa vậy.
Lê Quý phi cảm thấy mủi lòng, xiết chặt tay Trần Tu dung rồi hai người chia tay nhau. Trần Hoàng hậu không theo được nhà vua. Nàng và hai người hầu chạy theo lối cửa Đông, tới bờ sông những mong có đò để sang bên kia, chưa thấy đò đâu thì quân Thanh Hoa đuổi tới, Hoàng hậu liền chạy xuống phường Hồng Mai trốn vào một ngôi đền. Được mấy ngày, nghe tin Uy Mục chết quá thảm thương, nàng bảo hai người hầu:
– Ta sinh ra đã có cái nốt ruồi “thương phu trích lệ” này, trước đây cứ nghĩ cái điềm báo trước nỗi thương khóc Trần huynh, bây giờ mới biết là không phải vì nhà vua mới chính là chồng ta. Các ngươi theo hầu ta đến tận đây đã là tận tâm. Nay các ngươi ai quê đâu hãy về đấy, ta có mang theo ít trang sức, nay cho các ngươi làm chút gia tài. Ta đã một lần sinh con chẳng lành, sau đó tưởng lại mang trong mình giọt máu của Hoàng thượng thì quyết sống để giữ lấy ruột rà cho Hoàng thượng nhưng hoá ra không phải. Trời bất công với ta đến thế! Ta còn thiết sống làm gì nữa! Thôi thì những ngày đã qua coi như giấc mơ. Hoàng thượng dẫu có thế nào thì cũng là nơi ta trót gửi thân xác, nay Hoàng thượng đã đi ta không thể không đi theo. Sau khi ta đi, xác ta thế nào để nguyên thế ấy cho mọi người đều biết. Hai người hầu khóc lóc, khuyên can không nổi. Họ nức nở giúp Hoàng hậu treo cổ tự vẫn, sau đó kiếm hương thắp cho Hoàng hậu, ngồi chờ tàn hương mới đi.
—————————————– (*) Tần Thuỷ hoàng và Hán Thành đế. |
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.