- Đang online: 1
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21961
- Tổng truy cập: 3,371,487
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 281 lượt xem
Phần 28
Mùa xuân năm Tân sửu (1541), khoa thi cử nhân diễn ra, về bề ngoài vẻ như vẫn yên ổn như mọi khoa, thực ra sĩ tử xôn xao về việc dự thi Hội, thi Đình năm nay rất ít người Thanh Hoa, Nghệ An!
Chuyện của Lương Hữu Khánh khoa trước tưởng nhỏ hoá thành lớn, khiến sĩ tử mạn trong kẻ thì bất bình người thì sợ hãi nên những người đang theo học ngoài Bắc là còn đi thi chứ theo học trong đó thì không ai ra dự thi! Vả lại, ai dẫu muốn ra thi cũng không được vì nhà Lê trung hưng đã chiếm được Diễn Châu và một phần ái Châu, chặn mất đường Hạ đạo, con đường bộ duy nhất còn thuận tiện để thông thương Bắc – Nam.
Lương Hữu Khánh sau khi trốn thoát vào Thanh Hoa đã tìm đường theo nhà Lê trung hưng. Được Nguyễn Kim hỏi về việc nhà Mạc, Hữu Khánh nói:
– Tuy hiện chỉ để mất có Diễn Châu và một phần ái Châu nhưng trước sau họ Mạc cũng sẽ mất hết cả một nửa đất nước từ ái Châu trở vào vì đất đai của họ không còn đoạn giữa khiến rất khó khăn trong việc giữ phần đất mạn trong là hai châu Thuận, Hoá và đạo Quảng Nam (*). Mọi việc, từ di chuyển quân đội, cung ứng lương thảo cho tới tấu, biểu, chiếu, chỉ đều phải theo đường biển, dễ gặp phải sóng gió bất thường. Nhưng cũng không có nghĩa phần đất mạn trong ấy sẽ dễ dàng thuộc về triều Lê vì họ Mạc đã cho hai thân vương là Mạc Nhân Phủ và Mạc Quang Khải toàn quyền. May sao hai người này đều bất tài nên khó mà giữ được đất lâu dài. Nếu như họ Mạc cho Mạc Kính Điển vào đấy thì thật khó cho ta. Xem ra đất ấy còn dễ bị người Chiêm Thành chiếm lại. Nhưng Chiêm Thành giờ không còn mạnh như trước nên chẳng có gì phải lo xa. Đất Thuận Hoá và Quảng Nam tuy phần nhiều là rừng núi, dân cư thưa thớt, hiện tại dẫu được hay mất cũng không quan trọng lắm nhưng vì nó trải dài tới tận đèo Cù Mông và là nơi từ đó để
mở mang đất nước sau này nên cần phải mau chóng chiếm lấy.
Nguyễn Kim mừng lắm:
– Nhà Mạc để mất một người như tướng quân, nhà Lê thì được một người như tướng quân, thật là lòng trời đã ngả về Nam triều. Đăng Dung lâu nay đau ốm luôn, vậy ta còn lo gì nữa.
– Nhưng Bắc triều có một người nếu vua Mạc nghe theo thì sự nghiệp trung hưng của Nam triều khó có thể thành.
– Ai vậy?
– Thưa, đó là Trình Tuyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy dạy của hạ dân. Hạ dân bỏ thi Đình đã là trọng tội, lại theo Nam triều tội càng nặng nữa, làm sao mà thầy dạy lại không liên đới cơ chứ, thế mà Trình Tuyền hầu chỉ bị trách móc, qua đó đủ biết được nhà Mạc kính nể đến chừng nào.
– Ta cũng có nghe nói đến Trình Tuyền hầu. Chỉ là một hầu tước mà được kính nể như vậy thì thật lạ. Ngươi có thể ra Bắc mời ông ấy về với Nam triều được không?
– Quốc công bảo thì tôi phải đi nhưng không chắc mời được vì dẫu sao Trình Tuyền hầu vẫn nặng hai chữ “trung quân”. Tuy thế vẫn có thể khéo léo hỏi những việc lớn được.
Nhân hai con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cùng con rể là Trịnh Kiểm ở đấy, Nguyễn Kim nói với họ:
– Các con nhớ đấy, sau này có việc gì lớn thì phải tìm hỏi Trình Tuyền hầu.
Nguyễn Kim thưởng cho Lương Hữu Khánh rất hậu và phong ngay cho tước bá.
*
Vốn đã không bằng lòng với việc các giám khảo khoa thi Hội cách đây ba năm đánh tụt Lương Hữu Khánh xuống một bậc chỉ vì Hữu Khánh là người Thanh Hoa, nay lại nghe đồn Hữu Khánh được Nam triều trọng dụng, Thượng hoàng Mạc Đăng Dung bực đến mức sai ngay người mang chỉ về kinh trách mắng nhà vua không biết dùng người. Nhận chỉ rồi, vua Mạc sai người viết biểu tạ lỗi, nhân tiện hỏi thăm sức khoẻ của Thái thượng hoàng. Sứ giả nói Thái thượng hoàng lâu nay thường buồn rầu và đau ốm luôn nên hay tức giận.
Vua Mạc liền sai Thái bảo Bàn Quốc công Đặng Văn Trị, Thái bảo Dương Quốc công Đặng Đôn Cẩn và Thiếu bảo Liêm Quận công Nguyễn Bỉnh Đức mang biểu tạ lỗi về Cổ Trai đồng thời hầu bệnh Thái thượng hoàng. Tới nơi, thấy sức khoẻ Thái thượng hoàng trở nên nguy ngập, họ liền cho người về kinh tâu với nhà vua. Vua Mạc vội xa giá cùng hoàng gia tôn thất và các đại thần về Cổ Trai.
Đang thiêm thiếp, nghe quần thần nói nhà vua đã từ kinh đô về hầu bệnh, Thái thượng hoàng bực quá mắng ngay nhà vua:
– Ta có gọi đâu mà nhà ngươi lại về đây? Ta dù có chết thì cũng quan trọng gì! Phải biết lấy xã tắc làm trọng chứ! Ngươi phải lập tức quay lại kinh sư ngay, không được chậm trễ!
Thái hoàng thái hậu nói:
– Dẫu sao Hoàng tôn cũng đã về đây, Thượng hoàng có dặn gì thì dặn, nhỡ mai đây trăm tuổi có muốn cũng không được. Nghe rồi, Hoàng tôn có trở về kinh đô cũng không muộn.
Thượng hoàng Mạc Đăng Dung nghe ra và nói:
– Ta xuất thân chỉ là kẻ áo vải mà làm nên nghiệp lớn. Xưa đức Thái Tổ nhà Lê cũng chỉ làm phụ đạo ở Khả Lam. Đó là bởi lòng giời. Cùng với lòng giời là lòng người. Nên điều ta muốn nói là phải lấy dân làm trọng. Cổ nhân có nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Dân quý nhất vì là gốc rễ, bởi có dân mới có xã tắc; có xã tắc nên mới sinh ra vua và cần có vua; thế nên vua là thứ yếu. Vả lại không vua này thì có vua khác, còn dân thì vạn đại. Nên phải nghĩ đến dân đến nước chứ đừng chăm chắm nghĩ đến cái ngôi của mình. Muốn vậy không những thương lấy dân mà phải có kế sách hay. Lại nữa, Y Doãn có dạy vua Thái Giáp: “Vô an quyết vị duy nguy” nên đừng coi ngôi vua là yên, cần phải nghĩ đến sự nguy mà lo trước. Đã lo thì phải chăm sửa mình, muốn sửa mình thì phải chân chính, thưởng phạt công bằng, chăm lo pháp trị, xa thanh sắc, tránh phường gian nịnh, anh em ruột thịt thương yêu nhau, lấy cái chuyện tệ hại ngày trước của thời Đoan Khánh, Hồng Thuận mà soi mình, lấy cái ngu dốt của Quang Thiệu, Thống Nguyên mà răn mình.
Mạc Đăng Dung nói với các quan:
– Các ngươi theo ta đã lâu ngày, chẳng may Đại Chính mất sớm, Quảng Hoà đây kế vị vẫn còn trẻ tuổi, chưa quen việc nước, lại không may rơi vào thời buổi khó khăn, Bắc thì nhà Minh quấy nhiễu, Nam thì nhà Lê ra sức trung hưng. Vậy các ngươi hãy vì ta và Đại Chính mà hết lòng giúp đỡ Quảng Hoà.
Thượng hoàng vời Lê Bá Ly lại, hỏi:
– Ngươi năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
– Tâu Thượng hoàng, hạ thần năm nay 68.
– Ngươi hơn ta những 9 tuổi mà vẫn còn khoẻ thế này. Đúng là con người ta chẳng biết thế nào, ngày trước, cái hồi ta đi thi võ và trúng đô lực sĩ, ngươi chỉ là anh thư sinh sức không mang nổi thanh đao của ta! Ngươi là bậc đệ nhất lão thần nên khoẻ là rất mừng cho xã tắc. Con trai ngươi lấy trưởng công chúa Cẩm Hương, con gái ngươi thì lấy Nguyễn Quyện, con trai Nguyễn Thiến, con thứ thì quản đội Cấm binh nên cả nhà ngươi đều là chỗ dựa của triều đình, vì vậy cần làm sao cho xứng đáng.
Mạc Đăng Dung lại vời Nguyễn Bỉnh Đức tới bên:
– Ngươi thì ta không cần phải hỏi tuổi vì hồi xưa cùng học với ta, tuổi cũng trạc như ta. Ngày trước không có ngươi và Vũ Hộ thì ta làm sao thắng nổi Chiêu Tông.
Lê Bá Ly và Nguyễn Bỉnh Đức cùng lậy tạ. Mạc Đăng Dung nói với tất cả:
– Ta không thể nói riêng với từng người được, chỉ có hai câu dặn chung như thế này: Thứ nhất, hãy cẩn trọng trong mỗi việc làm, dẫu là việc quốc gia đại sự hay là việc của riêng mình; thứ hai, các ngươi đều là rường cột quốc gia, vậy nên cố gắng làm chỗ dựa vững chắc cho triều đình. Bây giờ bách quan hãy lui, ta có điều muốn nói riêng trong nhà.
Mọi người lục tục ra ngoài, chỉ còn mươi người trong họ ở lại. Mạc Đăng Dung nói:
– Việc ngoại giao ta đã tìm hết cách để giữ cho đất nước khỏi nạn binh đao. Ta không để mất một tấc đất nào cho nhà Minh, còn như 4 động thuộc đô Như Tích và Chiêm Lãng là tự thủ lĩnh của họ đem đến nước ta, được 13 năm, lại quay về với nhà Minh, đó là chuyện của họ. Lúc lên Nam Quan ta có cúi chào lá cờ có chữ “Minh”, đấy là chào sự quang minh chính đại chứ không phải chào triều kỳ nhà Minh. Ta cũng mới hứa suông với đám quan biên trấn nhà Minh là sẽ xưng thần và nhận lịch của họ nhưng tất cả đều chưa thành sự thật. Vả lại hai thứ đó suy cho cùng chỉ là điều hư nghĩa. Mai sau con cháu liệu tình thế mà khu xử, cốt sao cho quốc thái dân an nhưng cũng chớ để mất thể diện quốc gia, nhất là quyết không để mất tấc đất nào. Còn nhà Lê trung hưng, trước đây ta cũng xem thường vì nghĩ kẻ cố cùng là Nguyễn Kim cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa. Ta nhớ, hình như hắn hơn ta những 15, 16 tuổi. Nhưng nay đã bắt đầu thấy sợ vì xuất hiện Trịnh Kiểm! Không ngờ cái gã chuyên ăn trộm gà hàng xóm ấy lại giỏi giang đến thế. Y lại còn trẻ!
Thượng hoàng đăn chiêu một lúc rồi bảo:
– Vả lại, nhà Mạc ta nay đứng trên thiên hạ, nhưng đừng nghĩ sẽ tồn tại vĩnh viễn. Từ trước đến nay trời cũng chỉ cho các họ khác trăm năm, vài trăm năm là cùng. Hiến thành hoàng thái hậu ngày trước có thuật lại với ta lời của kỳ lão nói về phần mộ ở bãi Sao Sa rằng đó là chỗ đất tốt, có thể để phúc được cho 10 đời con cháu. Ta không mê tín nhưng cứ cho rằng được như thế đi thì đã là quá tốt. Thế nên hãy dặn con cháu sau này nếu gặp họa thì phải tránh những nơi nguy hiểm, thay tên đổi họ để giữ lấy giòng giống. Nhưng phải thay đổi thế nào để về sau anh em con cháu còn nhận ra nhau. Ta thoáng nghĩ như thế này: Chữ Mạc trên đầu có bộ “thảo”, dưới chân có chữ “đại”, vậy hãy “khử túc bất khử thủ”, chỉ bỏ chân chứ không bỏ đầu, vì thế hãy đổi sang những họ nào cũng có “thảo đầu”, như Hoàng, Phạm, Phan, Hoa… Kể cả là họ Lê nữa, nhưng thêm chữ “Đăng” làm tên đệm, thành Lê Đăng để phân biệt với nhà Lê. Ngay như dùng họ Hoàng, họ Phan cũng có thể là Hoàng Đăng, Phan Đăng để khỏi lẫn với những họ khác. Cũng có thể đổi sang họ mẹ nhưng hãy giữ lấy chữ Đăng. Việc này tuyệt mật nên ta chỉ nói riêng trong nhà là vì vậy. Ngay các đại thần được ban quốc tính ta cũng không nói với. Thế thôi, ta không thể dặn hết mọi điều được. Ta sẽ không viết di chúc để lại. Khi ta mất không được làm đàn chay cúng Phật tốn kém và mỏi sức những kẻ hầu hạ. Bây giờ thì các ngươi hãy kíp về kinh sư để trấn an nhân tâm, lấy xã tắc làm trọng vì ta chưa đi ngay đâu.
Ngay đó vua Mạc Phúc Hải trở về Đông Kinh, lưu một số cận thần ở lại hầu bệnh. Hôm đó là tháng 8, ngày Nhâm tuất. Nửa tháng sau, ngày 22, tức ngày ất hợi, Thái Thượng hoàng đòi kẻ hầu cho ra ngoài sân. Thượng hoàng ngắm trời đất khá lâu, đặc biệt, hướng về phía biển và dãy Đồ Sơn như muốn nhìn không chán mắt, sau đó vào nhà và qua đời!
Thái thượng hoàng nhà Mạc thọ 59 tuổi, ở ngôi 3 năm rồi truyền ngôi, ra ở ngoài cung 12 năm. Ba ngày sau, kinh sư nhận được tin báo tang, vua Mạc dẫn quần thần về Cổ Trai, sai Sùng An vương Mạc Nhân Trí, Kỳ Quận công Mạc Ninh Nghệ, Lương Quận công Phạm Kim Bảng, Tổng thái giám Vũ Cảnh Hành lo việc tang lễ.
Một tháng sau, Đông các đại học sĩ Thiếu bảo Liêm Quận công Mạc Ninh Bang (Nguyễn Bỉnh Đức) dâng tờ sách lên vua, xin đặt tên thuỵ Mạc Đăng Dung là Nhân minh Cao hoàng đế, miếu hiệu là Thái Tổ. Thi hài được an táng tại Long Sơn, đặt mộ hiệu là An Lăng. Thượng thư Bộ Hình là Ngô Miễn Thiệu và Thị thư Giáp Hải được giao soạn văn bia.
Thời thế tạo anh hùng và anh hùng tạo thời thế. Vậy là kết thúc sự nghiệp lẫy lừng của một người chỉ xuất thân từ bình dân ở một làng chài miền Cổ Trai, huyện Nghi Dương, xứ Hải Đông, mở đầu cho một triều đại trong lịch sử của một dân tộc.
——————————————-
(*) Các châu phía Nam thời Lê – Mạc đại thể tương ứng với các địa phương ngày nay: ái: Thanh Hoá; Diễn: Nghệ An, Hà Tĩnh; Hoan: Quảng Bình; Ô, Lý (tức Thuận, Hoá): Quảng Trị, Thừa Thiên; đạo Quảng Nam: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.