- Đang online: 3
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15253
- Tổng truy cập: 3,368,854
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 270 lượt xem
Phần 7
Từng tốp quan văn tướng võ qua cửa Đại Hưng rồi cửa Đoan Môn để tới điện Thị Triều, chờ ở đấy trước khi có lệnh thiết triều.
Không khí khác hẳn mọi lần, không còn cảnh tay bắt mặt mừng, thăm hỏi xởi lởi như trước. Những người có công giúp Giản Tu công vẻ mặt dương dương tự đắc, những người đứng ngoài cuộc chính biến không giấu nổi vẻ lo âu, những người từng hết lòng trung thành với vua cũ càng chẳng thể yên tâm. Những hy vọng cùng những lo lắng. Sự thành thật và điều giả tạo. Vờ vĩnh hoặc bâng quơ nhìn đi đâu đó thật là bất tiện nhưng nhìn vào mắt nhau lại càng bất tiện hơn. Người ta đề phòng, giữ ý lẫn nhau. Có những điều nói ra thì hay nhưng không nói ra còn hay hơn. Tất cả trong sự hồi hộp và chờ đợi. Khi Quảng Vụ Thái giám Nguyễn Nhữ Vi tới điện ban lệnh thiết triều, những tiếng rì rầm bấy giờ mới nổi lên, ít nhiều xua đi sự căng thẳng, lạnh lùng. Mọi người nối nhau, quan võ một bên quan văn một bên, qua điện Vạn Thọ, điện Chí Kính để tới điện Kính Thiên. Có những viên quan mọi khi đi ở hàng đầu, nay tự xét mình không có công trạng gì trong cuộc chính biến nên tự nguyện lui lại đi sau.
Giản Tu công lên ngôi, ban niên hiệu là Hồng Thuận, đó là Tương Dực đế.
Tương Dực nói:
– Các khanh biết rồi đấy, cha trẫm mất khi trẫm mới lên 7, khi đó trẫm còn chưa biết báo đáp ơn sinh thành, cho nên về sau bao nhiêu tình cảm trẫm đều dành cho mẹ. Vậy mà giờ đây trở về mẹ đã không còn, anh em cũng không còn, tất cả đều bị bạo chúa Đoan Khánh giết hại. Trẫm trách mình trong lúc vội vã rời kinh thành đã không kịp đưa mẹ đi, không kịp báo cho anh em biết. Cùng với mẹ và anh em của trẫm, thân nhân và nhiều vị cùng trẫm ứng nghĩa cũng bị hại. Bạo chúa và đồng đảng ngoại thích đã bị đền tội đích đáng. Bạo chúa cũng đã bị giáng xuống tước công. Nay xét tới các vị tiết liệt đã vì trẫm mà hy sinh, trẫm có chỉ dụ ban tước cho các vị ấy.
Thượng thư Bộ Lại đọc chỉ dụ, truy tôn cha của vua làm Kiến Hoàng đế, miếu hiệu là Đức Tông; mẹ làm Huy Từ Trang Huệ Kiến hoàng thái hậu; truy phong anh là Cẩm Giang vương Lê Sùng làm Trang Định đại vương, các em Lê Vinh làm Mục ý vương, Lê Quyên làm Dực Cung vương. Sai Trịnh Hựu, Trịnh Duy Đại, Lê Mậu Chiêu, Nguyễn Bá Thuyên, Đàm Thận Huy lo việc xây lăng, dựng bia, Lương Đắc Bằng soạn bài ký.
Tiếp đấy, Thượng thư Bộ Lại đọc tiếp chỉ dụ của Tương Dực, xét công lao những người ứng nghĩa để phong tước, ban thưởng và đề bạt chức vụ. Trọng thưởng, phong Nguyễn Văn Lang làm Thái sư Nghĩa Quốc công, hàm Chánh nhất phẩm; Phò mã đô uý Lê Mậu Chiêu làm Điện Quận công; Lê Quảng Độ làm Thiệu Quốc công – cả ba đều ban cho áo tía. Con Văn Lang là Nguyễn Văn Lự làm Phú Bình hầu; Nguyễn Hoằng Dụ làm An Hoà hầu; Trịnh Duy Sản làm Mỹ Huệ hầu; Trịnh Duy Đại làm Văn Huệ hầu, Thượng thư Bộ Hộ; Trịnh Hựu làm Thuỵ Dương hầu, Trịnh Duy Liệu làm Võ Huệ hầu – tất cả đều được ban áo đại hồng. Truy phong tước Quận công cho Nguyễn Bảo Khuê, tước Thượng hầu cho Đào Cứ…
Cho người mang chỉ dụ phong Mạc Đăng Dung làm Vũ Xuyên bá do có công giúp quân vào Đông Kinh dễ dàng. Lê Bá Ly, Nguyễn Bỉnh Đức, Vũ Hộ đều được ban thưởng, không cho Bá Ly nay đánh cờ mai tự do rong chơi nữa mà phải ra giúp triều đình.
Các quan lại cũ dưới triều Mẫn Lệ những ai không cùng Mẫn Lệ chống lại
quân Thanh Hoa chức nào vẫn chức ấy.
Trịnh Duy Sản tâu:
– Đăng Dung không ứng nghĩa từ đầu, khi quân ta tới sát kinh đô tuy không cản trở nhưng cũng không hưởng ứng, chỉ đến khi hôn quân bị diệt mới tỏ thái độ thuần phục. Qua các sự việc xét thấy người này gió chiều nào xoay chiều ấy, bệ hạ ban chức tước như vậy là đã độ lượng, nhưng không nên cho y ở gần kinh đô, cũng không nên cho đi đâu xa, vừa khi cần thì gọi vừa để dễ bề kiểm soát.
Nguyễn Văn Lang tâu:
– Túc vệ và Cấm quân nay đã tan tác cả, số còn lại cũng không đáng tin dùng. Bốn vệ Thiên Vũ, Thiên Bồng, Vũ Lâm, Cẩm Y quanh kinh đô cũng cần củng cố. Thần xin tiến cử mấy người sau đây để bệ hạ lựa chọn các Đô Chỉ huy sứ.
Nhà vua nhận biểu của Văn Lang. Hoằng Dụ tâu:
– Mẫn Lệ công tuy không còn nhưng đám ngoại thích của y vẫn chưa diệt được. Nay nên cho người đi Đông Ngàn, Thuỷ Đường bắt những kẻ đầu sỏ đem về kinh trị tội cho bọn tay chân biết đường mà sợ.
Trịnh Duy Sản thưa:
– Hạ thần thiết nghĩ không có gì phải lo đến đám Phù Chẩn ở Đông Ngàn hay đám Hoa Lăng ở Thuỷ Đường. Chúng được Mẫn Lệ nuông chiều thả lỏng nên mới dám làm càn. Bây giờ Mẫn Lệ không còn, đám ấy khác gì rắn mất đầu, biết thân biết phận nên chắc đã xẹp như dán. Nay chỉ nên cho người đi hai nơi ấy, bắt chúng trả lại những gì đã cướp của dân chúng, ban đầu hẵng thế, xem phản ứng của chúng ra sao rồi sau sẽ liệu.
Hoằng Dụ nói:
– Như vậy không được. Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc mới tránh được hậu hoạ.
Nguyễn Văn Lang tâu:
– Từ mọi việc, mọi vật cho đến con người đều có phần ngọn và phần gốc. Tuỳ lúc này lúc khác mà lo phần ngọn hay phần gốc nhưng bao giờ phần gốc cũng là căn bản. Nói như các quan vừa rồi là chỉ lo phần ngọn. Thời Mẫn Lệ đất nước rối ren mục nát đó là do kỷ cương lụn bại, hình phạt bừa bãi, ngoại thích lộng hành, vua thì dâm loạn, quan thì đục khoét, dân chúng khốn khổ. Giải quyết tình trạng trên mới là giải quyết phần gốc. Khi đất nước yên bình, kỷ cương được củng cố, giáo hoá được đầy đủ, hình phạt đúng đắn, vua sáng tôi hiền, dân chúng an cư lạc nghiệp, đến lúc đó cỏ cũng chẳng còn, lo gì đến chuyện phải nhổ. Cũng vì thế đám ngoại thích cũ của Mẫn Lệ, nay nên trị tội vì chính bọn này lộng hành làm cho kỷ cương rối loạn, diệt chúng còn là để trừ hậu hoạ.
Tương Dực khen:
– Nghĩa Quốc công nói có lý lắm. Việc bọn ngoại thích của Mẫn Lệ, đám họ hàng của Chiêu phi và Kính phi trẫm giao cho Bộ Hình xử lý. Nay trẫm giao cho Nghĩa Quốc công căn cứ vào những điều khanh vừa tấu, cùng với Bộ Lễ, Bộ Hình và Hàn lâm học sĩ Lương Đắc Bằng soạn Trị bình bảo phạm định thành những điều luật bổ sung cho bộ Lê triều hình luật có từ thời Hồng Đức để từ quan lại đến thứ dân cứ thế mà theo, tránh cho đất nước lặp lại cái hoạ thời Đoan Khánh.
Nguyễn Văn Lang lại tâu:
– Chế định ra luật là để mọi người tuân theo. Nhưng trước hết con người cần được giáo hoá. Giáo hoá tốt nhất không gì bằng sử sách. Nay nên giao cho Vũ Quỳnh làm Tổng tài Quốc sử quán để biên soạn thông sử mà phổ biến rộng khắp. Để giúp Vũ Quỳnh thần xin tiến cử các sử thần Lê Hy, Phạm Công Trứ, Nguyễn Quý Đức.
Lê Hy cố nén tiếng thở dài khi thấy không được đứng đầu Quốc sử quán.
Tương Dực nói:
– Nghĩa Quốc công nói đúng lắm, trẫm đang soạn cuốn Trung hưng thực lục để cùng với hình luật và sử sách giáo hoá thiên hạ.
Hoằng Dụ nói:
– Từ cái hoạ ngoại thích của Mẫn Lệ, thần thấy cũng cần phải định chế lại nữ quan.
– Định chế thế nào?- Vua hỏi.
Hoằng Dụ nói:
– Ai cũng biết Mẫn Lệ hoang dâm, cung nữ nhiều vô kể, người đức độ như Trần hậu thì bỏ rơi, kẻ dâm đãng như Lê phi, Trần Tu dung, cung nữ Thanh Nhạn thì lại xoắn xuýt. Hoạn quan là Khắc Hài chiều vua nhưng thực ra là hại vua. Chưa kể nhân được gần vua y lại dèm pha những điều tai hại. Vậy nên, việc gọi nữ quan vào hầu phải căn cứ vào thứ bậc, ai nhiều ai ít. Ví như, một tháng 30 ngày thì 4 ngày thuộc về Hoàng hậu; 6 ngày thuộc về Quý phi, Minh phi, Kính phi; 3 ngày thuộc về Tu nghi, Tu dung, Tu viên; 6 ngày thuộc về cửu tần, nhưng vì cửu tần những 9 người, từ Quý tần tới Hoà tần địa vị cao thấp khác nhau nên cũng cần chế định rạch ròi; 3 ngày thuộc về 12 mỹ nhân, từ Chiêu nghi cho tới Tiệp dư, Dung hoa; 3 ngày dành 18 cho tài nhân, bọn này vốn chỉ được phép hầu vua tắm và thay quần áo nhưng bệ hạ cũng cần thương cho họ. Đấy là các nữ quan. 6 ngày còn lại thì 3 ngày dành cho các cung nữ, bọn này đông lắm bệ hạ nên giao cho hoạn quan quyền định liệu, nêu không thì 6 ngày ấy dành cho các tài nhân; 3 ngày vua nghỉ. Các hoạn quan căn cứ vào đấy để được minh bạch, công bằng. Tránh như vua Hiến Tông ưu ái quá đáng cung nữ Bạch Yến, Mẫn Lệ yêu chiều quá mức cung nữ Thanh Nhạn. Mà số cung nữ cũng cần giảm bớt, cho lấy chồng, ai muốn về quê thì cho về quê, ai muốn ở lại thì cho dệt lụa may vá trong cung.
Trịnh Duy Sản cười:
– Ngài tính toán sắp xếp cứ như Thái giám! Sao ngày trước ngài không làm Thái giám?
Tương Dực cũng cười và hỏi Thái giám Nguyễn Nhữ Vi:
– Quảng Vụ, ông nghĩ sao? Số cung nữ cần bao nhiêu cho vừa?
Nhữ Vi tâu:
– Bẩm Hoàng thượng, ý An Hoà hầu cũng đúng như ý của thần. Nhà Đường bên Bắc quốc mỗi vua có tới 3000 cung tần mỹ nữ nên nhiều người cả đời còn không biết mặt vua, khi cho ra khỏi cung hầu hết khó bề sinh nở, thậm chí có người chết già trong cung. Vừa rồi thần cộng theo tính toán của Trừng Quốc công thấy các nữ quan là 46 người cả thảy, chiếm tất cả là 24 ngày. Nay chỉ còn 3 ngày dành cho các cung nữ mà cứ cho là cả 3 ngày dành cho họ đi thì với 500 cung nữ như đời Mẫn Lệ, thử hỏi trong số họ ai dám hy vọng được hưởng ân huệ mưa móc của thiên tử? Hoàng thượng thương người nhưng liệu có thương cho hết được không? Vì vậy thần nghĩ nên giảm xuống còn khoảng ba trăm rưỡi cung nữ là vừa, cùng với hơn bốn chục nữ quan, Hoàng thượng cũng đã có bốn trăm người hầu hạ.
Nguyễn Văn Lang tiến ra ngắt lời viên hoạn quan:
– Quốc gia đại sự nhiều việc lớn, không nên bàn mãi chuyện nạp cung… Muôn tâu bệ hạ, được bệ hạ giao cho cùng với Bộ Lễ, Bộ Hình và Hàn Lâm học sĩ soạn Trị bình bảo phạm, thần xin cố gắng hoàn thành. Thần xin tâu tiếp: Qua việc diệt trừ Mẫn Lệ, thần nhận thấy Hoàng thành hiện giờ quá hẹp, nên mở rộng, làm sao bao bọc được cả điện Tường Quang và Trấn Vũ quán. Thần lại thấy sông Tô Lịch tuy trở ngại cho quân giặc nhưng cũng gây khó khăn cho ta trong việc tiến quân mà mạn Sơn Tây, Hưng Hoá, Đà Giang bây giờ cần được coi trọng hơn, vậy nên xây mấy cái cầu chắn ngang sông, trêm cầu là thành để tiến thoái được dễ dàng. Nước ta ngày trước có quan hoạn Nguyễn An sang giúp nhà Minh việc tu tạo, xây dựng Yên Kinh. Trải qua năm đời vua bên ấy, bao nhiêu cung điện, phủ đường, nha môn cho đến trường xưởng, nhà trạm đều qua tay Nguyễn An, các bộ cứ theo kế hoạch, bản vẽ của ông mà làm. Nay thần biết có người tài năng chẳng kém gì Nguyễn An, đó là Vũ Như Tô. Có thể sai y việc mở rộng kinh thành, xây dựng cung điện được.
Hồi trước, khi còn chưa lên ngôi đã mấy lần Tương Dực đến chơi nhà Nguyễn Văn Lang, cứ đến là muốn ở mãi không muốn về để được thăm thú, nhìn ngắm các kiến trúc, cách bài trí vườn tược, nhà cửa của Văn Lang nên Văn Lang đề xuất việc xây dựng cung điện, mở rộng thành trì là nhà vua khen hay và chuẩn y ngay, lập tức sai Bộ Hộ lo việc tiền nong, Bộ Công lo nguyên vật liệu chuẩn bị cho việc xây dựng, đồng thời sắc vào Thanh Hoá để xứ ấy lo cung cấp gỗ lạt, bên Bát Tràng, Kinh Bắc lo cung cấp gạch ngói. Phen này sẽ xây trăm nóc điện, điện nào cũng tầng trên tầng dưới, chính giữa xây đài Cửu Trùng thật cao thật đẹp.
Thượng thư Bộ Lễ định tấu trình song nhà vua bảo đã muộn, để hôm khác nên cho bãi triều, bảo riêng Thái giám Nguyễn Nhữ Vi ở lại.
Ai về đường nấy, về nhà Nguyễn Hoằng Dụ bực tức nói với con trưởng là Nguyễn Kim:
– Hôm nay ta nói nhổ cỏ phải nhổ tận gốc và định chế về nữ quan là có ý nhìn xa, có gì không phải mà anh em Duy Đại, Duy Sản họ cười nhạo ta? Hiến Tông chết bởi quá ham nữ sắc, ai cũng biết. Chuyện của Túc Tông gần đây mới rõ, hoá ra cũng do gần đàn bà quá sớm mà suy kiệt. Mẫn Lệ lại càng rõ, vừa dâm loạn, vừa bạo ngược. Bọn nhà họ Trịnh muốn nhà vua lặp lại chuyện của hôn quân sao? May sao Quảng Vụ Thái giám đồng tình với ta và Nghĩa Quốc công lái sang chuyện khác, không có thì ta cũng đến mất mặt.
Trong khi đó hai anh em Trịnh Duy Đại. Trịnh Duy Sản cũng nói với nhau, nhằm vào đám họ Nguyễn. Duy Sản bảo, giọng có phần hả hê:
– Em tưởng Hoằng Dụ thế nào, việc lớn không nghĩ đến, chỉ nhăm nhăm lo diệt mấy kẻ ngoại thích của Mẫn Lệ và bàn chuyện định chế cung nữ! Cái nhúm người ở Phù Chẩn, Hoa Lăng bây giờ ta cho sống thì được sống, đập chết thì chết lúc ấy, việc gì mà phải lo nghĩ. Lại chuyện phi tần cung nữ, đó có phải là việc chính của ông ta đâu. Lúc nãy em đã làm cho Hoằng Dụ bẽ mặt!
Duy Đại bảo:
– Chú tự khen mình nhưng anh lại thấy chú không được kín đáo. Chú biết tuý quyền rồi đấy, chẳng qua là võ của những anh say rượu. Đã say thì không làm chủ được mình, định nhằm đánh đối phương vào chỗ này nhưng lại trúng chỗ khác. Song chính vì vậy lại khiến đối phương không biết thế nào mà phòng thủ. Anh thích tuý quyền. Chú thấy đấy, trong lúc thiết triều anh chẳng nói gì cả nhưng trong bụng đã tính toán hết. Nay trong thiên hạ, ngoài họ nhà vua ra, chỉ họ Trịnh Thuỷ Chú và họ Nguyễn Tống Sơn là có thực lực. Nguyễn Văn Lang tuy là đại công thần nhưng tuổi đã cao, chả còn sống được mấy. Con Văn Lang là Văn Lự vốn bất tài, Hoằng Dụ thì dựa vào thế Văn Lang, nên sau này Văn Lang chết đi, họ Nguyễn chẳng còn đáng ngại. Chẳng bao lâu nữa, phò giúp nhà Lê chả họ Thuỷ Chú ta thì còn họ nào vào đây nữa? Nhưng điều này anh em ta biết vậy, chớ có để lộ kẻo đám Tống Sơn lại tìm cách ngăn trở.
Được vua bảo ở lại gặp riêng, Quảng Vụ Thái giám Nguyễn Nhữ Vi rất lấy làm lo lắng bởi chính ông ngày trước đã cùng Kính phi quyết lập Uy Mục lên ngôi. Nên trông Nhữ Vi đứng lom khom mà hầu chuyện Tương Dực, thấy thật thảm thương.
– Khanh là người họ Nguyễn Hoa Lăng phải không? – Tương Dực hỏi.
Nhữ Vi toát mồ hôi, sụp lạy:
– Tâu bệ hạ, quả thế. Chuyện cũ bệ hạ đã biết hết! Thần đáng tội chết!
– Thế mà trẫm không những tha mạng cho khanh, lại còn để khanh giữ chức cũ, khanh thấy thế nào?
– Thần vô cùng cảm kích và đội ơn trời bể của Hoàng thượng.
– Nhưng trẫm vẫn phải nói cho khanh biết: Khanh có hai tội. Tội thứ nhất là cùng Kính phi đưa Mẫn Lệ lên ngôi. Tội này chưa qua lại chuốc lấy tội thứ hai là lúc nãy hùa theo Hoằng Dụ, muốn hạn chế số cung tần của trẫm! Khanh lại có hai cái dại. Thứ nhất là sau khi trẫm bắt được Mẫn Lệ, khanh vẫn không chạy trốn. Hai là khi nãy thấy quần thần đòi trừ diệt đám ngoại thích của Mẫn Lệ mà khanh chẳng lo lấy thân, cứ làm như không ai biết mình họ hàng với đám ấy! Nhưng khanh có biết vì sao trẫm vẫn dùng khanh không? Vì khanh có ba cái được, thứ nhất là quán xuyến các việc trong cung giỏi, thứ hai là thật thà, thẳng thắn, việc nào ra việc ấy, thứ ba là chỉ lo cho việc chung chứ không lo cho bản thân mình. Chính vì thế nên khanh mới phò Mẫn Lệ, lại cũng vì thế nên khanh vẫn ở lại với trẫm chứ không bỏ trốn như Khắc Hài, khanh hùa theo Hoằng Dụ cũng là do cái tính ấy. Bây giờ khanh nghe trẫm nói đây: Số cung nữ của trẫm không được phép ít hơn của Mẫn Lệ, trẫm không thể thua kém hắn. Còn bây giờ, khanh hãy đem ngay cung nữ Thanh Nhạn vào hầu trẫm.
Nhữ Vi đang gục đầu nghe, vội ngẩng lên:
– Tâu bệ hạ, Thanh Nhạn đã nhiều lần hầu hạ Mẫn Lệ…
– Khanh lại vẫn khư khư cái tính cũ rồi! Trẫm thích thế thì sao? Không phải trẫm thích vợ Mẫn Lệ, mà muốn hắn chết rồi hồn vía vẫn còn nhục nhã.
– … Thần tuân chỉ!
Nhữ Vi lui ra, bất giác thở dài.
Thanh Nhạn đang lo mất ăn mất ngủ vì đã có mang khoảng một tháng. May là nàng khéo giấu chuyện nên các cung nữ chưa ai biết. Họ mà biết cái thai ấy là của Mẫn Lệ công thì nàng không thể nào tránh khỏi số phận như chính Mẫn Lệ. Việc Trần Hoàng hậu tự vẫn càng khiến nàng sợ hãi. Nàng trách mình ngu dại, cái đêm kinh thành lộn xộn nàng lại không bỏ trốn. Theo lệ thì các cung nữ của vua trước nếu không được về quê, phải ở lại cung thì chỉ làm nữ tì, lo việc tắm giặt, cơm nước hoặc đến làng Trúc dệt vải, không bao giờ được vua mới nhòm ngó đến. ở nước Chiêm Thành nghe nói vua chết, vợ vua còn phải chết theo! Nên giờ đây Thanh Nhạn chỉ mong được cho về quê. Vì vậy, khi được gọi vào hầu vua, nàng vừa ngạc nhiên vừa kinh hãi. Nhữ Vi giải thích rằng bởi nhà vua thích nàng, lúc bấy giờ nàng mới yên tâm tắm rửa, trang điểm và chỉ mặc một chiếc áo mỏng rồi cho gã hoạn quan thừa lệnh Quảng vụ Thái giám dẫn đi, thỉnh thoảng lại lén nhìn xuống cái bụng đã bắt đầu lùm lùm, trong lòng không khỏi lo lắng cho dù đã khôn ngoan biếu gã hoạn quan đưa nàng đi đôi ngọc trai ngày trước Mẫn Lệ ban cho nàng để nếu hắn có biết thì cũng lờ đi. May mà Nhữ Vi không trực tiếp đưa nàng vào hầu vua vì ông ta thì chả có gì mua chuộc được. Mặc dù vậy, Thanh Nhạn vẫn khéo xoay người cho gã hoạn quan không nhìn thấy bụng mình. Nàng chỉ e không che được mắt hoạn quan chứ vua nàng lại không lo. Nhà vua còn trẻ, không sành chuyện này, hơn nữa cứ suy từ Mẫn Lệ thì biết, cung phi vào một cái là nhà vua đã chầm bập ngay nên có thể sẽ không nhận ra.
Đúng như Thanh Nhạn suy đoán, tấm chăn trên người nàng vừa tuột xuống đất, vua đã bế thốc nàng vào giường, vội đến mức tí nữa thì đè lên cả tên hoạn quan còn đang mải vuốt trải chăn đệm.
– Sao người khanh thơm thế? – Tương Dực hỏi.
– Thiếp tắm bằng nước hoa hồng.
– Bao nhiêu bông?
– Thiếp chả biết. Nhiều lắm, đầy cả mặt nước bể tắm. Thế Hoàng thượng tắm bằng nước gì?
– Ta tắm bằng nước bồ hóng pha với củ thục, lại hoà thêm mực vào!
Thanh Nhạn cười khúc khích:
– Hoàng thượng dí dỏm thật đấy. Hoàng thượng trắng, đẹp quá chừng!
– So với Mẫn Lệ thì thế nào?
Hoàng thượng đã thương thiếp thì đừng nhắc đến Mẫn Lệ làm thiếp lo sợ. Mẫn Lệ người đã đen, mặt lại to, khi cười trông càng khiếp. Nghe bảo sứ phương Bắc làm thơ gọi Mẫn Lệ là vua quỷ!…
– Hắn là quỷ thật đấy.
– ối đau! Hoàng thượng đừng cắn thiếp! Ai lại đi cắn vào đấy!
– Cắn yêu đấy! Nàng có nốt ruồi ở chỗ này, kể cũng lạ. Chân nàng đẹp quá chừng. Ta chê nàng mỗi cái bụng thôi, cứ như người có mang!
Thanh Nhạn bỗng sởn hết cả gai ốc, mồ hôi vã ra, mặt tái đi. Trong bụng
cái gì đó cứ cuộn lên, buồn nôn vô cùng. Nàng vội chuồi khỏi tay vua, nhoài ra thành giường, cứ thế oẹ, không thể nào kìm lại nổi. Tên hoạn quan đứng ngoài vội chạy lại đỡ lấy đầu nàng. Hắn hốt hoảng đến mức cứ líu cả lưỡi, muốn nói mà không nói nổi, mồm cứ ngáp ngáp như cá mắc cạn.
– Con này đã có mang với Mẫn Lệ!- Tương Dực sực hiểu- Vậy mà chúng bay không ai nói với ta cả!
Tên hoạn quan sợ hãi sụp lậy:
– Hạ thần đáng tội chết. Hạ thần xin đem ngay nó đi ạ!
– Không!- Uy Mục quát lên.
Tên hoạn quan run cầm cập:
– Thần xin chờ ý chỉ!
– Nó đã có mang với Mẫn Lệ thì phải làm cho nó truỵ thai!
– Tâu bệ hạ, cách nào ạ? Cho uống thuốc hay… lấy vồ đập ạ? Có cho gọi Bộ Hình để định hình phạt không ạ?
– Không! Chính ta! Ta phải làm cho nó truỵ thai.
Hoạn quan ớ ra rồi gọi người dọn đám nôn oẹ, hắn xốc Thanh Nhạn trở lại giường. Thanh Nhạn rũ như tàu lá, phần vì mệt phần vì khiếp sợ. Cuộc hành lạc và hành xác diễn ra trong tiếng kêu van, khóc lóc, rên rẩm của người cung nữ và tiếng thở, tiếng gào thét man rợ, tiếng đánh đấm của nhà vua. Đến nửa đêm thì Thanh Nhạn truỵ thai. Nàng cố nhỏm người nhìn cái thai đỏ hỏn còn chưa ra hình hài, máu me nhoe nhoét giữa háng, nước mắt trào ra và ngất đi. Hai tên hoạn quan cuốn nàng vào chăn mang ra khỏi cung. Nàng vẫn thoi thóp thở.
Lúc đó mới đang giờ tuất. Hoạn quan dọn dẹp giường chiếu, tẩy rửa mùi máu, họ chưa bao giờ gặp chuyện tương tự. Nhữ Vi và mấy hoạn quan mời vua ra vườn Thượng Lâm đi dạo cho bớt căng thẳng. Hơn chục cung nữ đi theo, ai nấy đều cố đi cho thật đàng hoàng, cố làm ra vẻ yểu điệu, thướt tha, kỳ thực họ sợ không thể nào tả xiết, họ chưa bao giờ nghe chuyện tương tự như chuyện Thanh Nhạn vừa rồi.
Đèn lấp lánh đây đó khắp vườn cùng với trăng sao làm phong cảnh trở nên huyền ảo, thanh tịnh, điều đó quả nhiên có làm Tương Dực nguôi đi chuyện lúc nãy. Nhà vua ngồi xuống một ghế đá, kéo cung nữ gần nhất vào lòng. Vua nói với tất cả:
– ả Nhạn đáng tội chết. Các khanh không có tội, không việc gì phải sợ. Từng người một xưng tên ta nghe nào.
Các cung nữ lần lượt xưng tên, ríu rít như oanh hót. Thực ra nhà vua đâu có để ý. Dẫu sao thì chuyện Thanh Nhạn vẫn chưa thể nguôi được. Nhà vua hỏi đám hoạn quan và cung nữ:
– Các ngươi có biết còn ai có mang với Mẫn Lệ nữa không?
Cung sự Thái giám Ngô Khoái tâu:
– Chuyện này Quảng vụ Thái giám Nhữ Vi không nắm rõ bằng thần. Vì thần là Điển sự nên bao nhiêu phi tần vào hầu Mẫn Lệ thần đều phải ghi chép hết. Bằng chứng là thần có ghi những lần Thanh Nhạn vào hầu Mẫn Lệ đây. Ngày này là ngày ả đến tháng mà không thấy gì, chứng tỏ cho tới nay ả có thai đã được khoảng một tháng. Còn lại, tất cả những người khác đến ngày đến tháng vẫn bình thường.
Tương Dực cầm lấy cuốn sổ mà lúc nào, đi đâu Ngô Khoái cũng đem theo. Mấy trăm cung tần mỹ nữ mà tên ai hầu như cũng được đánh dấu, chứng tỏ Uy Mục ít bỏ sót ai. Năm năm làm vua, hiếm ngày Uy Mục nghỉ ngơi, không kể trước đó theo lệ đến năm 13, 14 tuổi y đã được lâm hạnh để tập tành chuyện chăn gối. Cái tên Thanh Nhạn được đánh dấu 25 lần, nhưng chưa phải đã là nhiều nhất. Tương Dực để ý đến những người được đánh dấu nhiều, hỏi gã hoạn quan:
– Tu dung Trần Thị Xuân Trúc là người thế nào mà những 43 cái dấu?
– Tâu Hoàng thượng, nàng là em gái Hoàng hậu, người đẹp, hầu hạ chăn gối giỏi nhưng phải cái tính hay ghen và đành hanh đanh đá nên Mẫn Lệ ghét, chứ không nàng còn được đánh dấu nhiều hơn.
– Chà, Quý phi Lê Thị Thanh là người thế nào mà những mấy chục cái dấu thế này? Nàng đẹp lắm phải không?
– Tâu bệ hạ, nàng đẹp thì quả là đẹp thật, đến chim sa cá lặn hoa nhường nguyệt thẹn nhưng chưa phải là đẹp nhất trong các cung tần mỹ nữ. Đàn bà con gái ăn nhau là cái duyên. Đẹp mà không có duyên thì chỉ ba bảy hai mươi mốt ngày, ham hố đến như Hán Thành đế, si tình đến như Đường Huyền Tông cũng phát chán. Hán Thành đế không rời nổi Triệu Phi Yến, Đường Huyền Tông cướp Dương Quý phi của con trai mình chẳng qua là vì những người đàn bà ấy có duyên. Nhưng duyên là gì? Duyên suy cho cùng cũng là dâm. Triệu Phi Yến nếu không có tính phóng đãng thì sao cuốn hút được Hán Thành đế mê muội đến như thế. Còn Dương Quý phi tính tình phải như thế nào thì Lý Thái Bạch mới so sánh với Triệu Phi Yến chứ. Khi Mẫn Lệ còn ở tiềm để (*), có theo học quan vương phó, Lê phi cũng đến để mài mực và học chữ, Lê phi đầu mày cuối mắt với Mẫn Lệ làm Mẫn Lệ đem lòng yêu nên khi lên ngôi có sai ông Vũ Tá hầu tìm để đưa vào cung. Từ đó Lê phi hầu như độc chiếm tình yêu của Mẫn Lệ. Y có thể quên Hoàng hậu chứ không thể quên Lê phi. Nhưng Lê phi lại không có thai được với Mẫn Lệ!
– Khanh tìm Lê phi cho ta.
– Thần tuân chỉ.
Cung nữ đang trong lòng nhà vua bỗng ngúng nguẩy:
– Bệ hạ cứ tìm kiếm đâu đâu! Thần thiếp đang trong lòng bệ hạ thì bệ hạ chẳng đoái hoài đến!
Lúc này Tương Dực đã phần nào nguôi ngoai chuyện với Thanh Nhạn. Đang sức thanh niên nên nhà vua mau hưng phấn, liền ghì lấy người cung nữ. Cung nữ nhắm nghiền mắt lại, như mê đi, như chết lả, khiến các cung nữ khác không thể chịu nổi, một người, hai người rồi tất cả uà đến bâu quanh nhà vua, chen lấn xô đẩy, chí choé, ai cũng cố sà được vào lòng vua. Đám hoạn quan ra sức quạt, chúng biết nhà vua đang hết sức ngột ngạt. Cứ thế gần sáng nhà vua mới trở về cung. Tất cả đều mệt mỏi nhưng tinh thần thực sảng khoái.
Biết ngày trước Vũ Tá hầu Phùng Mại là người đưa Lê phi vào cung, Thái giám Ngô Khoái liền tìm đến đấy. Nghe đầu đuôi, Phùng Mại phản đối:
– Dù có thế nào thì vua Đoan Khánh vẫn là anh vua Hồng Thuận. Đã là vợ anh rồi thì không thể là vợ của em được! Nhữ Vi đưa Thanh Nhạn vào hầu Hồng Thuận là trái với luân thường
đạo lý, nay ông lại bày cho vua việc này, khác nào đưa vua sâu vào vòng loạn luân, tôi quyết không nghe!
– Thế tôi hỏi ông: Đời Đường, vua Huyền Tông với Thọ vương có phải là cha con không, vậy mà thấy vợ Thọ vương là nàng Dương Ngọc Hoàn đẹp, Huyền Tông liền lấy làm vợ mình, ngay làm Quý phi! Dẫu có kẻ nói thế này thế khác nhưng ai cũng phải thấy mối tình giữa Huyền Tông và Dương Quý phi đẹp hiếm thấy trên đời này. Đấy là chuyện Bắc quốc. Còn ở ta, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là tướng của Đinh Tiên Hoàng, Thái hậu Dương Vân Nga là vợ của vua Đinh vậy mà khi nhà vua bị ám hại, đứng trước nguy cơ ngoại xâm Thái hậu đã không ngại ngần lấy long bào của chồng khoác cho Lê Hoàn. Đời có người nói thế này thế khác, chỉ biết nhờ Lê Đại Hành hoàng đế mà quân Tống phải một phen tan tác trên sông Bạch Đằng, lịch sử đời đời ca ngợi. Đấy là nhân ông nói tới đạo lý, tôi cũng nói về đạo lý. Còn nếu ông cốt che chở cho Lê phi thì tôi khuyên ông chẳng phải bận tâm đến vậy. Lê phi suy cho cùng cũng chỉ là đàn bà, cái ham muốn của đàn bà nàng không thể không có. Ông mà cố tình, vua Hồng Thuận là người sắt đá chắc sẽ chẳng tha thứ cho ông đâu.
Phùng Mại thở dài:
– Thôi thì đành, ông cứ về, mai tôi sẽ đưa nàng vào hầu vua. Tôi đành để cho thiên hạ chê cười vậy
Vũ Tá hầu Phùng Mại đi Minh Linh quê Lê phi ngay hôm ấy. Gặp Lê phi, ông trình
bày đầu đuôi sự việc đồng thời cũng nói hết nỗi băn khoăn của mình, một điều tâu
Thái phi, hai điều tâu Thái phi rất kính cẩn. Ông ta nói khá dài, tới mức Lê phi phải
ngắt lời:
– Ông không có lỗi gì cả. Ta sẽ theo ông vào hầu vua Hồng Thuận. Mọi chuyện có sao ấy là tại ta. Ông yên tâm, ta không thể chết như Thanh Nhạn đâu!
Phùng Mại rơm rớm nước mắt xúc động. Lê phi khuyên giải rồi đến trước gương hỏi:
– Ông xem ta bây giờ so với hồi vào hầu vua Đoan Khánh, thế nào? Trước mười phần giờ liệu còn mấy phần? Ta sẽ làm cho Hồng Thuận phải đối xử với ta như Đường Huyền Tông đối xử với Dương Quý phi cho mà xem! Nói thật với ông nhé, nếu không trở lại cung thì ta cũng sẽ tái giá chứ chẳng chịu chết già xó cửa đâu. Hoàng hậu thật là dại, lại đi tuẫn tiết. Ta thương cho bà ấy!
Phùng Mại không nói sao, từ nãy đến giờ ông châng lâng như người mất hồn. Hoá ra gã hoạn quan chẳng phải đàn ông cũng chẳng phải đàn bà lại hiểu lòng dạ đàn bà hơn ông! Từ lúc đó ông như súc gỗ, người ta lăn đi đâu thì đi đấy. Ông đưa Lê phi lên xe, bảo người đánh xe về kinh thành, tới cửa Đại Hưng, báo với các Thái giám để họ nói với Ngô Khoái. Ngay tối hôm ấy Lê phi đã nằm trong bồn tắm rải đầy hoa hồng, tắm xong nàng đứng dậy, đám cung nữ già hà hít người nàng, thấy đã đủ thơm liền bảo Ngô Khoái dẫn đi.
Tương Dực ngây ngất trước vẻ đẹp của Lê phi, nhất là cái nhìn rừng rực của nàng. Nhà vua bảo:
– Ngô Khoái nói nàng có vẻ đẹp chim sa cá lặn hoa nhường nguyệt thẹn, nàng có biết sự tích câu ấy không?
Lê phi thừa biết ngay từ hồi học quan vương phó nhưng vẫn nói chưa biết. Tương Dực liền giải thích:
– Vẻ đẹp của Tây Thi là vẻ đẹp “trầm ngư”, tức cá lặn. Nàng đẹp nổi tiếng nước Việt, đời Xuân Thu, sau Việt vương dùng nàng làm kế mỹ nhân, đem dâng cho Ngô vương Phù Sai. Hồi còn ở quê, một hôm nàng giặt lụa trên sông, nước sông trong vắt khiến đàn cá mải ngắm nàng mà quên cả bơi lội, cứ thế từ từ chìm xuống đáy sông. Vương Chiêu Quân đời Hán thì đẹp “nhạn sa”. Nàng được Hán Nguyên đế đem gả cho vua Hung Nô là Thuyền Vu. Trên đường theo chồng sang Hung Nô, thấy đàn chim nhạn, nàng bồi hồi nhớ về quê cũ bèn cầm đàn dạo một khúc, đàn chim mải nghe tiếng đàn và ngắm nàng mà quên bay nên rơi cả xuống đất. Điêu Thuyền đời Đông Hán lại đẹp “bế nguyệt”. Nàng vừa là ca kỹ vừa là con nuôi của Vương Doãn. Ông này dùng nàng để làm kế ly gián cha con Đổng Trác, Lã Bố. Một hôm nàng ngắm trăng ở vườn hoa, đang lúc ấy một đám mây bay qua che mất vầng trăng, Vương Doãn bảo: “Vầng trăng không sánh nổi với con gái ta nên xấu hổ mà nấp vào đám mây”. Dương Quý phi đời Đường có vẻ đệp “tu hoa”. Một hôm nàng tới vườn hoa, vô tình chạm vào cây trinh nữ, Đường Huyền Tông liền bảo: “ái phi đẹp đến mức làm hoa phải thẹn thùng cụp cả cánh lại!”. Những người ấy mỗi người đẹp một vẻ, vậy mà khanh lại đẹp đến chim sa cá lặn hoa nhường nguyệt thẹn, bằng cả bốn người ấy!
– Quan Cung sự Thái giám chỉ ví von vậy thôi, đến gót chân những người ấy thiếp cũng không dám sánh.
– Bao giờ trẫm phải bắt chước Đông Hôn hầu nước Tề cho người làm những bông hoa sen bằng vàng rải trong phòng nàng để mỗi bước nàng đi lại nở ra một bông hoa sen. Gọi gót sen là vì vậy. Mà đôi mắt nàng, khó tả lắm, nó như có lửa, tại sao vậy?
– Thiếp cũng không biết tại sao. Người ta bảo đời người chẳng qua như giấc chiêm bao, thiếp lại nghĩ nó như ngọn đuốc, vì thế sống ngày nào thì phải cháy cho thật sáng ngày ấy kẻo rồi sau chỉ là tàn tro, lúc đó dẫu có muốn hoan lạc ái ân cũng không thể được nữa. Đôi mắt thiếp do vậy mà bệ hạ nhìn thấy như có lửa chăng?
– Người trẫm cũng như đang có lửa đây này.
Tương Dực ghì chặt Lê phi. Lê phi khẽ đẩy vua ra, gượng cười và thở dài bảo:
– Bệ hạ yêu thiếp như thế này làm thiếp chợt nghĩ đến chuyện chàng Tư Mã Tương Như với nàng Trác Văn Quân mà buồn.
– Chuyện của họ quá đẹp, như ta với nàng vậy, sao nàng lại buồn?
– Đúng là chuyện của họ như chuyện của bệ hạ với thiếp. Văn Quân goá chồng sớm cũng như thiếp vậy. Bệ hạ sai ông Vũ Tá hầu tìm thiếp, cũng như chàng Tương Như gảy đàn khúc “Phượng cầu hoàng” khiến Văn Quân cảm tiếng đàn mà trốn cha mẹ theo Tương Như về Thành Đô vậy. Chuyện đến đây là đẹp, sách vở hết lời ca ngợi khiến người ta ít nhắc tới cuộc sống của họ về sau khi Văn Quân già đi. Lúc đó Tương Như muốn cưới vợ thiếp, Văn Quân phải lấy đàn gảy khúc “Bạch đầu ngâm”, Tương Như cảm động, bấy giờ mới thôi. Bây giờ thế này, thiếp không thể không nghĩ đến sau này khi chẳng còn trẻ trung nữa.
– Thì nàng đã chẳng nói đời người như ngọn đuốc, sống ngày nào thì phải cháy cho thật sáng ngàng ấy đấy thôi.
Lê phi cười:
– Bệ hạ khéo lái câu chuyện lắm! Vậy thì xin bệ hạ hãy quạt hơi dương vào ngọn lửa
âm ỉ cho nó cháy sáng, được thế đời thiếp sẽ không còn phàn nàn gì nữa. Vậy thôi chứ thiếp đâu dám mong bệ hạ so sánh với ai hay mong được rải sen vàng mỗi bước thiếp đi.
Tương Dực bảo:
– Nàng nói hay lắm, thật hợp với ý trẫm.
Sáng hôm sau, Tương Dực ban cho Ngô Khoái 10 ném bạc và nói:
– Mẫn Lệ thực tinh đời. Lê phi tuyệt lắm!
—————————————-
(*) Tiềm để: Nơi ở của Thái tử khi chưa lên ngôi vua.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.