- Đang online: 1
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21981
- Tổng truy cập: 3,371,493
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 249 lượt xem
Phần 27
Năm vua Thái Tông nhà Mạc qua đời là năm Nguyên Hoà thứ 8 của triều Lê Trang Tông và niên hiệu Gia Tĩnh thứ 19 đời vua Thế Tông nhà Minh bên Trung Quốc.
Lúc này, Dực Nghĩa hầu Trịnh Kiểm đã theo Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc công Nguyễn Kim sang Ai Lao được 13 năm, giúp Nguyễn Kim và sau đó là Lê Trang Tông được rất nhiều việc, càng ngày càng tỏ ra là một người anh dũng, tài lược nên được Trang Tông thăng cho làm Dực Quận công, Đại tướng quân. Cùng lúc, Trang Tông còn phong tước cho các tướng: Trịnh Công Năng làm Tuyên Quận công, Lại Thế Vinh làm Hoà Quận công, Hà Nhân Chính làm Thuỵ Sơn hầu, Đinh Công Lương làm Lôi Phong tử, Đinh Công Đống làm Lôi Vũ nam, Trịnh Duy Thuận làm Quảng Du tử. Ngoài ra còn có Tường Quận công, Từ Quận công, Dương Quận công, Bảo Quận công… Trịnh Duy Duyệt, Trịnh Duy Liệu tuy đã mất cũng được truy phong lên một bậc. Lỵ Quốc công Trịnh Duy Thuân vì tước đã cực phẩm, chỉ sau có Nguyễn Kim nên chỉ được ban tặng bổng lộc chứ không thăng tước.
Trở về Ai Lao, lúc đầu Trịnh Duy Thuận thấy mạng mỡ bên phải ngứa, gãi đến toé máu, bôi đủ các thứ thuốc cũng không khỏi, chẳng những vậy chỗ ngứa còn lở loét và vết loét cứ loang rộng dần. Trang Tông cho quan ngự y đến thăm bệnh, mời cả thầy thuốc người Lão Qua, người Xiêm La tới xem bệnh cắt thuốc. Ai cũng bảo vết loét ấy là do da bị ngấm một thứ thuốc độc, giá như ngay lúc đầu biết mà đắp thuốc thì khỏi nhưng do gãi nên thuốc độc ngấm vào máu, muốn trị được còn phải lâu dài. Rồi họ hỏi Duy Thuận có giắt hay giấu cái gì ở đó lâu ngày không? Như nắm lá ngón chẳng hạn? Mặt Duy Thuận tái dần nhưng lão không dám nói thật, chỉ bảo: “Thường chỉ dúm trà thôi mà”. Những người ở đấy ai đã từng uống trà với lão đều giật mình. Chỗ loét vẫn lan rộng thêm và ăn sâu vào, cuối cùng Duy Thuận thối thịt mà chết. Trước khi chết lão rên rẩm nói với những người xung quanh: “Bây giờ ta mới biết thế nào là ác giả ác báo”. Xác lão trông còn ghê sợ hơn xác người hủi, lại sợ bị lây độc nên không một ai dám động vào xác lão, kể cả những người hủi dù họ được hứa trả với giá rất cao. Cuối cùng lão nằm đâu vẫn nguyên đó, không được khâm liệm và người ta đành phải tưới dầu lên vào nhà, đốt nhà cùng với xác lão.
Được tin vua nhà Mạc mới mất, Trang Tông liền họp các tướng để bàn việc tiến quân về nước.
Trịnh Công Năng can:
– Từ trước đến nay mọi chủ trương lớn nhỏ của nhà Mạc đều do Đăng Dung. Phúc Hải còn trẻ nên Đăng Dung lại càng phải hết lòng vì đứa cháu, do vậy dễ gì chúng ta đánh được.
Lại Thế Vinh tâu:
– Cứ như Quảng Du tử đi dò la về nói thì mấy năm dưới thời Đăng Doanh, năm nào cũng được mùa, thương mại phát triển, nhà đêm ngủ không phải đóng cổng, của rơi giữa đường không ai nhặt, đi đâu không phải mang theo khí giới phòng thân, qua đó đủ biết thuyết pháp trị được áp dụng từ thời Đăng Dung đến lúc này đã thấm nhuần. Thực túc thì binh cường, quân Mạc do vậy cũng rất mạnh, bằng chứng là mười năm nay mấy lần chúng ta chinh Đông, tuy lúc đầu có thu được thắng lợi nhưng rốt cuộc lần nào cũng phải rút trở lại Ai Lao. Nếu không có Ai Lao thì sự nghiệp trung hưng đâu được như ngày nay. Còn như nhà Minh, nhận vàng bạc của ta và hứa giúp ta, tuy có làm cho nhà Mạc khiếp sợ nhưng cũng chưa khiến quân Mạc phải mất một mũi tên hòn đạn nào. Vậy nên chúng ta hãy chờ đợi một thời gian nữa xem sao.
Nguyễn Kim nói:
– Tuy mọi chủ trương của nhà Mạc lâu nay đều do Đăng Dung nhưng mấy năm nay nhà Mạc hưng thịnh được lại nhờ vào tài xoay xở của Đăng Doanh. Vì vậy Đăng Doanh mất đi vẫn làm cho nhà Mạc suy đốn cho dù Đăng Dung vẫn còn. Đăng Dung lâu nay bệnh tật, lại thêm nhiều lo nghĩ nên không còn được như trước. Phúc Hải thì lên ngôi đột ngột nên chưa được chuẩn bị nhiều. Muốn biết thêm nhà Mạc thực hư như thế nào, hãy nghe Tây Quận công nói xem sao.
Tây Quận công Lê Phi Thừa vốn là tướng nhà Mạc. Năm Nhâm thìn (1532), sau khi đánh đuổi được Nguyễn Kim về Ai Lao, vua Mạc cử Trung quan là Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất làm Đại tướng quản thống toàn bộ dân chúng và binh lính 3 phủ và 3 ty trong xứ Thanh Hoa. Lê Phi Thừa khi đó là Tây An bá gièm pha với vua Mạc rằng Thanh Hoa là nơi núi sông hiểm trở, ruộng đất phì nhiêu, binh lương đầy đủ nên quyền hành không nên giao cho một người, tất sẽ dẫn đến hoạ hoạn. Mạc Đăng Doanh nghe theo, liền chia Thanh Hoa ra làm đôi, thăng cho Lê Phi Thừa làm Tây An hầu, cùng với Dương Chấp Nhất mỗi người cai quản một nửa để họ khống chế lẫn nhau. Từ đó Lê Phi Thừa và Dương Chấp Nhất hiềm khích nhau, thỉnh thoảng triều đình lại nhận được biểu của người này tâu bày và nói xấu, kể tội người kia. Khâm sai vào điều tra mới rõ Dương Chấp Nhất tuy cũng có điều nọ tiếng kia nhưng Lê Phi Thừa mới là kẻ đáng tội. Y kiêu căng, phóng túng, tham lam, ăn đút ăn lót đủ thứ. Cùng với điều đó, trong triều nhiều người cho rằng không nên để Chấp Nhất và Phi Thừa cai quản Thanh Hoa vì cả hai đều không phải là đối thủ của Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm. Mạc Đăng Doanh nghe ra, liền cử hoàng đệ là Hoằng vương Mạc Chính Trung vào cai quản suốt từ Thanh Hoa trở vào mạn trong. Mạc Chính Trung chưa kịp đi thì Lê Phi Thừa đột ngột cất quân đánh Dương Chấp Nhất rồi sang Ai Lao quy thuận Lê Trang Tông, được Trang Tông thăng cho tước Tây Quận công. Chuyện xảy ra vào năm Đinh dậu (1537), đến nay đã 3 năm trôi qua.
Lê Phi Thừa tâu:
– Tuy nhà Mạc đang hưng thịnh nhưng lần này nếu chúng ta Đông chinh vẫn có thể thắng được. Trông coi suốt mấy châu ái, Hoan, Diễn, Ô, Quảng bây giờ là Mạc Chính Trung, coi Ô, Quảng là Mạc Nhân Phủ và Mạc Quang Khải. Chính Trung là Hoằng vương, em của Đăng Doanh nên có đủ mọi quyền lực. Nhưng có tài để cai quản nổi hay không thì lại là chuyện khác. Nhà Mạc sau khi Vũ Hộ và Phạm Gia Mô cùng một số kẻ khác mất, chỉ còn bốn người sau đây là đáng kể: Lê Bá Ly, Nguyễn Bỉnh Đức và Nguyễn Kính. Lê Bá Ly lấy Trang Hoà trưởng công chúa là em gái Đăng Dung, Nguyễn Bỉnh Đức là bạn học của Đăng Dung thuở nhỏ, được ban quốc tính nên gọi là Mạc Ninh Bang, con trai Nguyễn Kính thì là Phò mã của Đăng Doanh. Ba người này đều nặng ân nghĩa với Mạc Đăng Dung nên sẽ cố hết sức vì nhà Mạc.
Trịnh Kiểm hỏi:
– Tôi nghe nói sau những khai quốc công thần kể trên của nhà Mạc thì Nguyễn Thiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Phạm Tử Nghi cũng đáng kể lắm phải không?
– Tôi cũng nghĩ vậy nhưng vì họ chưa hoặc là không được nắm quyền lớn nên hiện nay không có gì đáng ngại. Nếu có ngại thì ngại một người vừa có tài vừa nắm quyền lớn, đó là Khiêm vương Mạc Kính Điển là con thứ ba của Đăng Doanh và là em Phúc Hải.
Trịnh Kiểm nói:
– Biết mình biết người thì trăm trận trăm thắng, không biết thì trăm trận đều thua. Tâu bệ hạ và Thượng phụ, ý kiến của các quan đều có cái đúng nhưng đều chưa đủ để nói rằng đã biết mình biết người. Nhà Mạc dẫu có thế nào thì vẫn mạnh hơn ta nên chúng ta còn được đến ngày nay chính là do nhờ được đất Sầm Châu này. Nhưng muốn thắng được chúng thì phải có sức nhà Minh. Nhà Minh không phải không hết lòng giúp nhưng do nhà Mạc khôn ngoan tìm cách ngăn trở nên quân Minh vẫn chưa hành động được gì nhiều. Đăng Doanh mất chính là dịp để ta đánh Mạc, nhưng muốn đánh thắng thì cần tới hai điều, một là lại phải cho người cầu cứu nhà Minh lần nữa. Nhà Minh rất giận nhà Mạc lừa dối họ, bảo đúc người vàng thế thân nhưng không thấy đâu; vậy thì chúng ta sẽ đúc người vàng cống họ để tỏ lòng thành thật, bảo vì lâu nay lưu vong, quốc khố có hạn nên người vàng bé, hứa sau này thắng lợi, hàng năm sẽ đúc người vàng to bằng người thật. Hai là Đông chinh lần này phải đánh vào nơi địch không ngờ, chứ không phải nhằm vào châu ái như mọi lần.
Trang Tông khen:
– Hay lắm, trời đã cho ta Thượng phụ, lai cho ta tướng quân, sao mà không thắng được nhà Mạc cơ chứ!
Quan Khâm thiên giám tâu:
– Đêm qua thần xem thiên văn, thấy mạn Đông thưa sao nên trời không được sáng, Kim tinh lại càng mờ nhạt; mạn Tây thì sao chi chít, Mộc tinh sáng rực. Đó là điềm nhà Lê bắt đầu mạnh mà nhà Mạc thì bắt đầu suy. Đang lúc ấy, có ngôi sao băng từ phía Hoả tinh bay về phía Thuỷ tinh, mà Thuỷ tinh thì khi mờ khi tỏ. Hoả tinh ứng với phương Bắc, Thuỷ tinh ứng với phương Nam, đó là điềm phen này dứt khoát nhà Minh sẽ cứng tay với nhà Mạc. Như vậy, thiên văn cho thấy nhà Mạc đang bất lợi vì thiên văn tức là xem khí âm khí dương giao hoà ở khoảng giữa bầu trời và mặt đất qua đó mà sự thịnh suy. Lại nữa, hồi năm Đinh dậu, vào tháng Tư, Thanh Hoa xảy ra bão lớn và sóng thần, nước biển dâng tràn, nhiều người và súc vật chết đuối; khi đó thần đã đoán thể nào nhà Mạc cũng có chuyện, quả nhiên sau đấy ít lâu thì Tây Quận công đánh phá tam ty nhà Mạc và mang quân sang Ai Lao về với Hoàng thượng. Còn như mùa hè năm ngoái, sau nhiều năm mưa gió thuận hoà, khắp nơi trên đất Mạc đâu đâu cũng hạn hán, tháng 10 thì có động đất; thần nghĩ nhà Mạc ắt có chuyện, y như rằng sang tháng Giêng thì Đăng Doanh chết. Còn như năm nay, tuy thiên nhiên bên nước nhà chưa có hiện tượng gì được nhưng nghe nói hồi đầu năm nước các con sông khắp miền tứ chính (*) đều rất cạn, đó cũng là điềm giời bất lợi cho nhà Mạc vậy.
Lê Trang Tông mừng lắm, liền cho ngay người mang lễ vật sang nhà Minh đồng thời giao cho Nguyễn Kim định ngày xuất quân.
*
Vua Mạc Phúc Hải chưa kịp xử trí khi nhận được tin quân nhà Lê từ Ai Lao tiến về Thanh Hoa, hiện đã tới Lôi Dương, thì lại được tin đại quân nhà Lê do cha con Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm đánh Nghệ An và đã chiếm được thành Tương Dương; Hoằng vương Mạc Chính Trung khẩn thiết xin quân cứu viện.
Lê Bá Ly xin tự mình đem quân thuỷ vào Nghệ An. Nhà vua nghe theo đồng thời sai Nguyễn Kính, Nguyễn Thiến chia làm hai đường thuỷ bộ đem quân vào Thanh Hoa; Mạc Kính Điển tiến đánh Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật ở Tuyên Quang.
Cùng lúc ấy ngựa lưu tinh từ biên cương về phi báo quân Minh lại đem quân áp sát biên giới, khác với lần trước lần này chúng tỏ ra quyết liệt. Tham chính nhà Minh là Vạn Đạt sai Vương Lương Phụ đem tờ sức của Minh Thế Tông kể tội Thượng hoàng nhà Mạc gian trá, dâng những đất đai đã thuộc về Bắc Quốc từ 500 năm nay, người vàng đã không có, các đồ cống nạp khác cũng không đủ, vì thế nay đòi đích thân phải đến Trấn Nam Quan, tự trói mình quy hàng, nộp đất dựng mốc, bỏ đế hiệu đã tiếm xưng, nhận ấn An Nam đô thống sứ và vâng lĩnh lịch theo đúng ngày tháng của Trung Quốc, thì sẽ tha tội chết, bằng không sẽ quyết đánh. Trên thực tế chúng đã gây xung đột ở một số nơi.
Vua Mạc phải thân về Cổ Trai, đem theo nhiều đại thần để tâu bày sự việc với Thái thượng hoàng. Mạc Đăng Dung nói:
– Đây lại do bọn Nguyễn Kim xúi giục thôi. Mấy năm nay chúng cầu cứu nhà Minh không mấy kết quả nên lần này chắc chắn sẽ làm đến nơi đến chốn. Nhà Minh cũng vậy, diễu võ giương oai bao nhiêu năm nay không được gì nên lần này hẳn cũng sẽ quyết tâm. Chúng là nước lớn ta là nước nhỏ, trong lịch sử bao nhiêu lần Đại Việt từng thắng chúng nhưng đánh Đông hay Ba Đông). Tứ chính thường được gọi chệch là tứ chiếng.
thắng rồi vẫn phải cầu hoà, xưng thần và triều cống huống chi bây giờ đất nước lại có nội phản. Các ngươi thử nghĩ xem, trong hai đằng nên chọn đằng
nào: Đưa dân chúng vào cuộc chiến tranh, gây ra cái chết cho muôn ngàn sinh linh; hoặc chỉ riêng một người sẵn sàng chịu tiếng mà cả dân tộc được yên? Điều nào đúng, điều nào không đúng? Điều nào đáng chê trách, điều nào châm chước? Việt vương Câu Tiễn ngày xưa khi mất nước đã phải đem cả vợ con cùng mấy đại thần sang giữ ngựa cho vua Ngô Phù Sai, rồi nếm cả phân đoán bệnh cho Phù Sai để thi hành kế phục quốc, người đời chỉ khen chứ có ai chê đâu. Cho nên, trong những yêu cầu của nhà Minh, cái nào thấy có thể chấp nhận được, ta hứa sẽ chấp nhận. Trước mắt và bề ngoài là thế còn sau đó sẽ hay, cũng như ta từng hứa sẽ đúc người vàng thế thân nhưng có đúc gì đâu, rồi tìm cách chối từ hẳn, họ cũng phải chịu. Họ gọi ta là gian trá cũng vì vậy. Với họ không thể thật thà được. Nếu cứu được đất nước và muôn vàn sinh linh, bớt gánh nặng cho ngân khố quốc gia mà bảo là gian trá trá thì ta nguyện làm kẻ gian trá và đến kiếp sau cũng vẫn cứ làm kẻ gian trá!
Các quan đều lấy làm ái ngại. Có người nói:
– Tâu hoàng thượng, nhưng chúng nói sẽ chỉ ấn phong An Nam đô thống sứ…
Thượng hoàng cười, nói tiếp:
– Đô thống sứ hay Quốc vương suy cho cùng chỉ là tên gọi, ta có coi là gì đâu vì gọi thế nào đi chăng nữa thì ta vẫn là Thượng hoàng, Quảng Hoà vẫn là vua của đất nước này, các khanh vẫn là đại thần, vẫn là công hầu khanh tướng của triều đình và bổng lộc có kém đi đâu. Chuyện nhận lịch của họ càng không đáng phân vân, ta cứ theo niên hiệu của ta mà gọi. Việc ứng biến để thiên hạ được yên và mưu tính nghiệp lớn mai sau, nhiều khi phải nhún mình. Vì vậy nay mai ta sẽ lên Nam Quan mang theo biểu xưng thần, cứ nói là xin bỏ đế hiệu và lĩnh lịch của họ; trong biểu cứ viết là “tự trói mình”, “rập đầu nhận lỗi” theo đúng lời lẽ ước lệ của giấy tờ văn chương cổ phong và cũng tỏ ra chân thành khiêm tốn. Chứ ta đủ khôn để không dại gì mà trói mình, tự đưa mình vào chỗ chết. Xưa năm người con của Sĩ Nhiếp vì cả tin nghe lời Lữ Đại đã cùng gia quyến ra hàng nhà Đông Ngô mà tất cả đều bị giết chết. Nhà Nguyên sau khi bãi chiến với nhà Trần, có đòi Nhân Tông sang chầu, Nhân Tông khôn ngoan kiếm cớ từ chối, nhà Nguyên cũng không làm gì được. Ai dại ai khôn chính là bài học cho ta. Cho nên ta đến Nam Quan sẽ mang theo rất nhiều quân. Đó là những cái chấp nhận được.
Ngừng một lát, Thượng hoàng nói:
– Còn như nộp đất dựng mốc thì quyết không. Chỉ có điều làm sao vừa giữ được nguyên vẹn biên cương lãnh thổ lại vừa tránh được cái hoạ xâm lăng, đấy là điều ta nghĩ mãi không ra. Trước đây ta mạo nhận châu Quy, châu Thuận là của mình, nay dẫu muốn tái diễn chuyện cũ cũng không còn những đất như vậy nữa mà tạo giả! Đấy mới là điều chính yếu làm ta trằn trọc ngày đêm.
Thái bảo Mạc Văn Minh tâu:
– Hiện nay ở biên cương có bốn động chính ra là của Bắc quốc nhưng động trưởng các động ấy vì không thần phục triều Minh nên đã về với Đại Việt, nay ta có thể xem xét đem trả lại họ.
Thượng hoàng ngẫm nghĩ rồi nói:
– Khanh trình bày kỹ nghe xem nào.
Mạc Văn Minh cho hay: Những nơi thuộc Khâm Châu bên Bắc quốc sát biên giới Đại Việt được gọi là “động” vì sinh sống ở đó gồm toàn người “rợ” chứ không phải người Hán. Những động này tập hợp thành những “đô”. Tất cả gồm 3 đô, 7 động. Đô Như Tích gồm 4 động: Tư Lẫm, La Phù (còn gọi là Tê Phù), Liễu Cát, Kim Lặc (còn gọi Tư Lặc); đô Chiêm Lãng gồm 2 động Cổ Sâm, Chiêm Lãng; đô Thời La chỉ có 1 động là Thời La. Năm Chí Nguyên (1285 – 1314), động chủ động Tư Lẫm là Hoàng Thế Hoa vì có công nên được Nguyên Thế Tổ ban ấn tín cai quản cả 7 động. Nhà Minh lập quốc (1368), các tướng Minh là Lưu Vĩnh Trung, Chu Lượng Tổ đến Khâm Châu nhậm chức đã đổi chức động chủ thành động trưởng. Do dân cư các động lúc này đã đông nên phải thành lập các thôn, như 4 động La Phù, Cổ Sâm, Kim Lặc, Liễu Cát vào năm Đinh hợi (1427) có tổng cộng 29 thôn với 292 hộ, cũng có sách nói chỉ có 9 thôn. Sở dĩ biết như vậy vì năm ấy 4 động trưởng của 4 động này là Hoàng Kim Quảng, Hoàng Khoan, Hoàng Tử Kiều, Hoàng Kiến vì bất bình mà phản lại nhà Minh mà về với Đại Việt, nộp sổ sách đất đai 4 động, dăng dài hơn 200 dặm phụ vào Đại Việt. Nhà Lê bèn nhập các động La Phù, Kim Lặc, Liễu Cát vào phủ Vạn Ninh, động Cổ Sâm vào phủ Tân Yên và phong chức tước cho các vị động trưởng, như Hoàng Kim Quảng được phong Kinh lược sứ, 3 người kia làm Kinh lược đồng tri, cấp dưới của họ làm Thiêm sự. Nhà Minh nhiều lần cho người gọi bốn động trưởng quay về nhưng cả bốn đều không nghe. Chính Minh Thế Tông đã phải từng sai quan Ngự sử là Chu Giám đem theo Bố chánh sứ, án sát sứ đến Khâm Châu chiêu dụ nhưng vẫn không thành, Chu Giám phải quay về.
Thái thượng hoàng nói:
– Ngày trước vua nhà Tống có nói: “Những đất mà nhà Tống chiếm đóng thì sẽ trao trả lại cho Giao Chỉ, nhưng những đất mà thủ lĩnh của nó tự theo về thì không thể trả lại được”. Nói vậy nhưng nhà Tống có trả lại Đại Việt hai châu Quy, Thuận đâu. Vậy thì 4 động La Phù, Kim Lặc, Liễu Cát, Cổ Sâm thủ lĩnh của nó tự theo về Đại Việt, Đại Việt cũng không thể trả nhà Minh được. ý kiến của ngươi ta quyết không theo! Các ngươi hãy tấu trình những kế khác.
Nguyễn Văn Thái tâu:
– Thần nghĩ, bấy nay nhà Minh lồng lộn thế, hoá ra chỉ vì không đòi lại được 4 cái động ấy. Nhưng họ thấy mình là nước lớn, nói thẳng ra không tiện, vậy nên nói là “nộp đất dựng mốc” cho đẹp. ý họ đã quyết như vậy, ta có cố giữ cũng không được, cố giữ nhất định sẽ xảy ra can qua.
Thái thượng hoàng không nói sao, rũ áo đứng dậy vào trong nhà. Vua Mạc Phúc Hải và các đại thần rời điện trong không khí nặng nề. Tối ấy nhà vua cùng một số đại thần vào cung thuyết phục Thượng hoàng, Thượng hoàng vẫn không chịu trả lại 4 động cho người Minh, chỉ bảo lên Nam Quan tình thế ra sao thời sẽ liệu. Hôm sau Mạc Đăng Dung và Mạc Phúc Hải cùng về kinh.
ít ngày sau Mạc Đăng Dung cùng Mạc Văn Minh, Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tỉnh, Đỗ Thế Khanh, Đặng Văn Trị, Mạc Đĩnh Khoa, đầu mục bộ hạ tất cả 42 người lên Trấn Nam Quan. Phò mã đô uý Lâm Quốc công Nguyễn Quốc Hiến mang theo 500 quân hổ bôn hộ tống. Thái uý Nguyễn Như Quế lĩnh 1 vạn quân lên đường sau đó hai giờ và sẽ đóng doanh trại cách Trấn Nam Quan 10 dặm đề phòng có biến thì tiếp ứng.
Đến ải Chi Lăng thì gặp quan biên trấn từ biên giới trở về cho hay quân Minh đã tiến đánh 4 động La Phù, Liễu Cát, Kim Lặc, Cổ Sâm, các động trưởng sợ quá đều đã đầu hàng. Tướng Minh là Trương Nhạc đã cho quân tiếp quản 4 động này.
Trước việc đã rồi, Thượng hoàng Mạc Đăng Dung không nói sao, chiều hôm ấy chỉ nuốt được vài miếng cơm rồi kêu khó ở và đi nghỉ ngay lúc đó, đến đêm bỗng lên cơn sốt nên hôm sau đoàn xa giá không thể đi tiếp. Nguyễn Văn Thái được Thượng hoàng gọi tới để viết lại biểu tâu vua nhà Minh, thêm vào đoạn như sau: “Quan thú Khâm Châu tâu rằng bốn động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích và Chiêm Lãng là đất cũ của Khâm Châu, nếu quả thực như lời ấy, thì đó là lỗi mạo nhận của họ Lê ngày trước, nay thần xin giao trả lại các xứ ấy.”. Nguyễn Văn Thái viết xong, định cáo lui thì Mạc Đăng Dung giữ lại. Có cả Mạc Văn Minh ở đấy. Mạc Đăng Dung hỏi:
– Các ngươi có nghe thấy tiếng hú không?
– Tâu Thượng hoàng, đấy là tiếng gió hú khi qua khe núi.
– Ta nghe như tiếng của những âm hồn không biết bao nhiêu binh sĩ đã tử trận ở đây năm ta đánh giặc Trần Thăng. – Quay sang Mạc Văn Minh, Thái thượng hoàng hỏi – Cháu còn nghe thấy gì nữa không?
– … Không ạ.
– Nhưng ta thì nghe thấy tiếng rên của Từ vương!
– Cha cháu! Cháu thật vô tình! Ngày ấy cha cháu đã tử trận ở đây!
– Cách bao nhiêu năm rồi nhỉ?
– Tâu Thượng hoàng, đã 19 năm rồi ạ!
– Nhanh thật đấy, năm ấy ta mới 39 tuổi, còn khoẻ lắm, có thể xông vào giữa trận lấy đầu giặc dễ như vặt quả chanh quả cam trên cành. Khi đó là tháng Chạp chứ không phải tháng Một như bây giờ nên trời lạnh lắm, vậy mà ta không sao cả. Bây giờ mới lạnh một tí đã không chịu nổi!
Nguyễn Văn Thái tâu:
– Thượng hoàng quá nhiều việc phải suy nghĩ. Những mong Thượng hoàng cố gắng bình tâm để trăm dân được nhờ cậy. Còn như việc 4 động trả lại cho nhà Minh bây giờ dẫu Thượng hoàng không muốn cũng chẳng được. Sợ người Minh hỏi tội, động trưởng các động ấy đã đem đất trở về với nhà Minh và Trương Nhạc đã tiếp quản đồng thời dàn quân sẵn sàng giữ đất nếu quân ta tiến đánh.
Tiếng gió hú nhẹ dần rồi im bặt, nhưng tự đâu đó lại rộ lên tiếng hoẵng kêu, tiếng hoẵng nghe còn thảm thiết hơn cả tiếng gào của gió. Đêm cuối đông mỗi lúc một đi vào chiều sâu, cái chiều sâu ảm đạm rợn lạnh của nó.
Hôm sau đoàn xa giá tiếp tục tiến về phía biên giới. Qua không biết bao nhiêu dốc núi, không biết bao nhiêu cánh rừng. Cuối cùng thì Trấn Nam Quan hiện ra trước mặt trong sương giá tù mù. Hoá ra bên kia biên thuỳ cũng ảm đạm và rợn lạnh chứ không hơn: ở phương Bắc, 9 bộ lạc người Nữ Chân đang tìm cách thống nhất lại, uy hiếp mạnh mẽ nhà Minh. Vua Minh Thế Tông càng già càng lú lẫn, đang học theo Tần Thuỷ hoàng ngày xưa, sai người đi các nơi tìm thuốc trường sinh mà không biết rằng chính Thuỷ hoàng hoài công cũng chẳng được.
ít ngày sau những sự kiện ở biên cương, Mao Bá Ôn viết tấu tâu lên Minh Thế Tông: “Nay 4 động đã quay về với Đại Minh. Hàng biểu của Đăng Dung cũng đã thừa nhận trao trả. Các chức hành lệnh ở 4 động ấy nguyên là chức tước của An Nam, lại có chú thêm là Tham chính, Phó sứ. Vậy xin chiếu theo nguyên ngạch biên vào sổ của Khâm Châu và ưu đãi như hiện nay. Chờ ba năm sau cấp lương theo cấp bậc. Còn như việc phân định lãnh thổ hai nước, Đô chỉ huy sứ Vương Tường và thần đã cùng với Đăng Dung chia đặt cương giới, lập bia đá, định lời thề ở Kim Lặc. Mọi việc coi như xong.”.
Trước khi trở về Yên Kinh, Mao Bá Ôn nói với quan trấn thủ Khâm Châu:
– Triều đình bao nhiêu năm nay vất vả vì mấy cái động này, nay do sợ oai thiên tử mà tất cả đã trở về với Đại Minh. Tôi trở về kinh đô có nhanh cũng phải non một năm mới tới nơi, những mong các ông đừng để bốn cái động ấy lại đi theo An Nam lần nữa, vì như vậy chẳng những hoài công bấy nay, mà lại thêm vất vả mai sau. Nếu nhà Lê có cầu cứu gì thì cố gắng giúp họ nhưng chỉ nên “rung cây nhát khỉ”, hết sức tránh việc can qua với nhà Mạc vì xét những chuyện vừa rồi tôi thấy chớ nên coi thường Đăng Dung. Hắn ngoại giao khôn ngoan, miệng sứa gan lim, mềm nắn rắn buông thực khó lường.
Mấy quan trấn thủ Khâm Châu vâng vâng dạ dạ. Bấy lâu nay Mao như thể cái gai trước mắt nên họ cốt cho xong chuyện để y mau chóng rời khỏi Khâm Châu, Lưỡng Quảng.
Mao Bá Ôn về Yên Kinh đem theo sứ thần Đại Việt là Đạo Quận công Nguyễn Văn Thái. Tức tối vì nhiều tham vọng không thực hiện được và không tin vào lời hứa của Mạc Đăng Dung, vua Minh giữ Nguyễn Văn Thái ở lại làm con tin. Thấy không về Đại Việt được, Văn Thái lấy vợ người nước họ, sinh con, người con mang họ mẹ, gọi là Trương Ngạn Xán. Sau Ngạn Xán cũng đỗ tiến sĩ ở Trung Quốc.
——————————————
(*) Bốn trấn quanh kinh đô: Kinh Bắc, Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương (Hải Đông, Ba Đông)
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.