- Đang online: 1
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15439
- Tổng truy cập: 3,368,911
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 276 lượt xem
Phần 21
Đêm cuối tháng Hai. Gió bấc hun hút. Rét đến mức thấy tiếng động chó cũng chỉ úng oắng sủa chứ không rời khỏi chỗ nằm. Vậy mà vẫn có một đám người lặng lẽ dò dẫm trong đêm.
Gần sáng họ tới được bờ hồ gần cửa Chu Tước, một người trong bọn đến sát cửa giả làm tiếng cú kêu, bên trong có tiếng cú đáp lại và cánh cửa được mở toang. Đám người lạ tiến vào, đi đầu là Nguyễn Ngã.
Đúng như tin đồn, Lê Công Uyên, Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Tường sau nhiều ngày đã tập hợp được mấy trăm người trung thành với nhà Lê. Vì quân ít nên họ quyết định liên hệ với nội gián, bí mật đột nhập kinh thành vào ban đêm để giết vua Minh Đức. Nguyễn Ngã nhận lệnh đi đầu, Lê Công Uyên đi giữa, Nguyễn Thọ Tường đi sau cùng.
Nguyễn Ngã định kéo quân thẳng tới điện Kim Quang thì một tiếng pháo nổ vang rồi ba bề bốn bên đèn đuốc sáng rực, Tả đô đốc Mạc Đĩnh Khoa nói lớn:
– Bọn Công Uyên, Nguyễn Ngã kia! Gian tế của các ngươi đã bị ta bắt cả rồi, sao các ngươi không hàng đi?
Lê Công Uyên từ phía sau tiến lên chưa kịp hỏi tại sao thì bốn phía đèn đuốc bỗng sáng rực, tên bắn tới như châu chấu. Lê Công Uyên vội quay ngựa chạy. Nguyễn Ngã chạy theo. Phía hậu quân, Nguyễn Thọ Tường còn đang ngơ ngác thì từ các ngả phố phường quân triều đình đổ ra chia cắt đám phản loạn ra làm hai. Hai bên đánh nhau đến sáng. Do đã tính đến chuyện tháo lui nên quân phản loạn chia làm ba toán chạy theo ba hướng thoát được khá nhiều. Nửa tháng sau những kẻ sống sót tập hợp nhau lại ở Lôi Dương, trấn Thanh Hoa.
Lê Công Uyên nói:
– Lòng dân Thanh Hoa, Nghệ An vẫn chưa quên nhà Lê nên muốn dựng cờ nghĩa chiêu tập họ không khó. Được hai nơi này thì lo gì không chống nổi quân Đông Kinh. Tuy vậy, phải có người đủ danh nghĩa để hiệu triệu thiên hạ và lập niên hiệu. Ngày xưa ngay Bình Định vương khởi nghĩa cũng phải tìm Trần Cao là con cháu nhà Trần tôn làm vua. Nhưng trước đây, do vua Uy Mục giết mấy chục người nhà Cẩm Giang vương rồi ít năm sau vua Tương Dực lại giết một lúc 15 người trong hoàng gia khiến Trịnh Duy Sản rồi Trịnh Tuy muốn làm chuyện phế lập toàn phải đưa vua nhỏ lên ngôi. Bây giờ còn tệ hơn vì muốn kiếm vua nhỏ cũng khó! Tôi nghĩ mãi mà không nhớ ra ai thuộc dòng chính thống! Hay là chúng ta không cần tìm kiếm con cái các vương gia nữa mà nhìn xuống các công hầu thử xem? Xưa vua Tương Dực vốn cũng chỉ là Giản Tu công. Trịnh Tuy lúc đầu cũng dựng Lê Bảng là con Tĩnh Tu công, sau tìm ra Lê Do là con Kinh vương mới thôi không chọn Lê Bảng nữa. Có điều giờ đây ngay cả kiếm được con cái các vị tựa như Giản Tu công hay Tĩnh Tu công cũng không dễ vì dẫu sao Giản Tu công, Tĩnh Tu công cũng đều là cháu ruột của vua Thánh Tông.
– Việc này không nên vội vàng. – Văn Thông bá Nguyễn Ngã nói.
Sau đấy Nguyễn Ngã nói với Nguyễn Thọ Tường:
– Bích Khê hầu lấy cớ không tìm ra ai trong hoàng tộc để cuối cùng chúng ta phải chọn ông ta chăng? Ông ta chỉ là người trong họ chứ đâu phải trong hoàng gia! Ông ta xưng niên hiệu thì làm sao có thể chiêu tập được dân chúng cơ chứ.
Văn Sơn bá Nguyễn Thọ Tường bảo:
– Nói đến người trong họ vua thì còn có Dực Nghĩa hầu Lê Thiệu, người châu Thuý Thuần, hiện cũng đang ở Lôi Dương. Xét về gia tộc thì Dực Nghĩa hầu còn có địa vị gần gũi dòng nhà vua hơn Bích Khê hầu. Ta thử đem Dực Nghĩa hầu gợi ý với Bích Khê hầu xem sao.
Lê Khoáng sinh được ba con trai, con cả là Lê Học, thứ hai là Lê Trừ, thứ ba chính là Lê Lợi. Hành động của Uy Mục và Tương Dực quả là tai hại cho nhà Lê khiến sau khi vua Cung Hoàng bị mất ngôi, con cháu Lê Lợi hiện không tìm ra ai. Tuy nhiên, nhìn sang con cháu hai người anh của Lê Lợi thì vẫn có. Lê Thiệu, còn gọi là Lê Duy Thiệu chính là cháu 5 đời của Lê Trừ.
Hai người đem việc Lê Thiệu nói với Lê Công Uyên. Công Uyên xua tay:
– Ta không lạ gì Lê Thiệu. Người ấy lắm tham vọng nhưng không thực tài, bụng dạ thì hẹp hòi, bấy lâu nay lại như người ngoài cuộc trong khi chúng ta vất vả vào Nam ra Bắc bao nhiêu năm để khôi phục lại sự nghiệp nhà Lê. Ai chứ Thiệu thì quyết không được. Văn Thông bá, ông nói đúng, việc này không nên vội vàng.
Vậy nên Lê Công Uyên và đồng đảng khởi nghĩa mà không có niên hiệu. Trong khi đó chẳng hiểu do đâu Lê Thiệu lại biết Lê Công Uyên nhận xét rất tệ về mình. Thiệu gọi mấy kẻ thân tín đến nói:
– Công Uyên bảo không lạ gì ta ư? Ta cũng chẳng lạ gì hắn! Hắn chỉ nhờ tên tuổi cha ông mà trở nên danh giá chứ đâu tài ba gì. Bấy lâu nay hỏi hắn đã làm được gì? Kẻ như vậy mà dám đứng đầu thiên hạ ư? Để hắn còn trên đời này thì ta dẫu có muốn làm gì cũng không được!
Lê Thiệu bèn ngầm sai thủ hạ giết chết Lê Công Uyên. Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Tường bấy giờ mới hối hận vì không ngờ Lê Thiệu lại hành động như vậy và xét kỹ thì dẫu sao Công Uyên cũng khá hơn Lê Thiệu. Đúng lúc đó quân nhà Mạc đánh lên Lôi Dương. Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Tường chán nản, bỏ mặc quân sĩ, rủ nhau trốn sang Ai Lao. Thấy không thể chống nổi quân nhà Mạc, Lê Thiệu bỏ trốn. Quân Mạc toả đi các nơi và tràn xuống phía Nam, bình định hai xứ Thanh Hoa, Nghệ An.
*
Lúc đó cũng là lúc khắp nơi các sĩ tử nô nức dự kỳ thi Hương. Cứ theo danh sách các nơi tâu lên thì tất cả mấy vạn người, trong đó hơn 4000 người đỗ, được dự thi Hội. Vì chiến tranh loạn lạc nên không tổ chức được trường thi cho sĩ tử hai xứ Thanh Hoa và Nghệ An. Nhà vua bảo các quần thần:
– Trong nước nhiều nơi còn chưa yên, có nơi còn trong tay phe đảng của triều cũ hoặc bị chúng khống chế, vậy mà sĩ tử đi thi vẫn nhiều đến như vậy. Đặc biệt sĩ tử bốn trấn Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây rất đông đủ, thật xứng đáng là tứ chính trong thiên hạ. Trước đây trẫm đoán Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn còn cân nhắc, chưa chịu đi thi, quả nhiên đúng như vậy. Từ nay đến kỳ thi Hội, các khanh cần lưu tâm đến việc học của sĩ tử hơn nữa để sang năm cả 4000 người đều có mặt ở kinh đô dự thi Hội, không thiếu một ai. Bây giờ thì Bộ Công lo ngay việc đường sá để kịp tiết thanh minh này trẫm vào Tây Kinh dâng hương vua Thái Tổ như đã nói.
Văn Đẩu hầu Nguyễn Chuyên Mỹ can:
– Việc Hoàng thượng một lòng nhớ đến vua khai quốc của triều cũ thật hiếm có trên đời. Nhưng hạ thần thiết nghĩ đất Thanh Hoa, Nghệ An chưa yên, vừa rồi bọn Lê Công Uyên, Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Tường lại xúi bẩy dân chúng làm loạn. Vậy nên để làm việc dâng hương ở Lam Sơn, chỉ cần đến Thượng thư Bộ Lễ là đủ.
Một số đại thần cũng có ý can. Nhà vua nói:
– Chính vì lòng dân chưa thuận nên trẫm càng phải tới Lam Sơn để cầu vua Thái Tổ giúp đỡ.
Sang tháng Ba dịp tiết thanh minh, như đã hứa, vua Mạc để Thái tử Mạc Đăng Doanh thay mình coi việc triều chính rồi cùng một số vị đại thần vào Thanh Hoa để dâng hương, sai Thượng thư Bộ Công là Nguyễn Đốc Tín và Thượng thư Bộ Binh là Mạc Ninh Bang dẫn quân đi trước mở đường.
Đường từ Tam Điệp đến Đông Sơn dễ đi nhưng từ đấy lên Lam Sơn toàn đường núi, lâu nay lại không được tu sửa. Quang cảnh xứ Thanh không khác mấy năm trước là bao. Duy có dân chúng thì có vẻ khác, cứ nhìn ánh mắt họ là biết: Người ngơ ngác, lo sợ, kẻ hằn học, thâm thù. Thấy vậy, vua Mạc không thể không lo lắng mà nói với những người đi theo:
– Thanh Hoa là đất căn bản của nhà Lê. Ta đánh bại Chiêu Tông cũng chính ở Thanh Hoa này, vừa rồi lại truy kích tàn dư bày đảng của Lê Công Uyên tại đây khiến dân chúng không tránh khỏi nạn binh đao, nhiều người lưu tán, ruộng vườn bỏ hoang. Dân chúng ở đây có oán hận cũng là điều dễ hiểu. Sau này thiên hạ nếu có loạn lạc lần nữa thì khởi sự chính là từ Thanh Hoa này. Các khanh nên lưu tâm.
Vua Minh Đức trầm thắp hương tất cả các lăng vua Lê ở Thái Miếu, đặc biệt đứng rất lâu, trầm ngâm trước Vĩnh Lăng, Chiêu Lăng và đọc rất kỹ các văn bia. Vua nói với các quần thần:
– Lê Thái Tổ có công đánh đuổi giặc Ngô, lập quốc; Lê Thánh Tông mở mang văn hiến, đưa đất nước trở nên hùng mạnh xưa nay chưa từng thấy. Ta dẫu muốn noi theo hai vị ấy làm cho xã tắc ngày một vững bền nhưng vị tất đã được vì tài năng trời phú cho ta không thể sánh được với các vị ấy. Chỉ tiếc, con cháu hai vị đã phá sạch công lao cha ông. Còn ta, sau này ta nằm xuống các ngươi chớ có lập đàn chay cúng Phật làm gì, cũng chớ có xây lăng tẩm gì to tát làm gì, kẻo gặp hai vị đây ở tuyền đài lại bị hai vị cười chê, trách móc! Ta cũng có ý định ở ngôi ít lâu nữa rồi nhường cho Thái tử, để được lui về vui với trời nước, sông biển của ta như ngày nào. Những ngày ấy mới thật là của ta.
Các quan lo lắng đưa mắt nhìn nhau, không ai dám nói câu gì, lặng lẽ theo sau vua thắp hương tiếp ở tượng hổ phục long chầu, tượng voi, tê giác và tượng các quan hầu.
Nhà vua hướng về phía châu Lang Chánh, nơi ngày trước đã bắt vua Chiêu Tông trên núi Cao Trĩ, bất giác thở dài nói với mọi người:
– Đà Dương vương nếu không nghe theo kẻ xấu âm mưu diệt ta, có thể đã là một ông vua tốt; sau đấy nếu chịu làm kẻ bày tôi cho Cung đế, anh em biết bảo nhau thì cũng có thể trở thành ông quan giỏi. Thật tiếc!
Nhà vua ban cho người dân quanh Lam Sơn rất nhiều tiền bạc để phủ dụ và họ sớm ổn định nơi ăn chốn ở.
Tháng 10 năm đó, năm Mậu Tí (1528), Phò mã đô uý, Thái bảo Lân Quốc công Mạc Quốc Hiến và các đại thần được giao soạn tân chính sách đã hoàn chỉnh những điều Cáo dâng lên vua Minh Đức. Sau khi xem xong, nhà vua yêu cầu sửa một số điều, sao cho thể hiện được pháp trị, vẫn lấy Nho giáo làm nền tảng nhưng không quá lệ thuộc. Hình luật thời Hồng Đức nhà Lê rất sâu sắc, cần phải kế thừa. Cáo và tân chính sách phải có những điều ràng buộc hào mục các làng xã thường xuyên thu thập ý dân tâu lên triều đình, nông vi bản nhưng cũng cho mở mang chợ búa, công nghệ và thương mại… Tuy Cáo chưa được ban hành nhưng trước mắt vẫn cho đổi định phép binh, phép điền, phép lộc; đặt bốn vệ Hưng Quốc, Chiêu Vũ, Cẩm Y, Kim Ngô; các vệ, sở nội ngoại trong năm phủ; đặt tên các ty, sở; tên các quan chức và định số lượng người trong các nha môn, cốt đủ chứ không được phép nhiều.
Lấy trấn binh xứ Hải Dương thuộc vào vệ Hưng Quốc, trấn binh xứ Sơn Nam thuộc vào vệ Chiêu Vũ, trấn binh xứ Sơn Tây thuộc vào vệ Cẩm Y, trấn binh xứ Kinh Bắc thuộc vào vệ Kim Ngô. Các vệ đứng đầu là Đô chỉ huy sứ, Phó chỉ huy sứ, đòng thời vệ đặt một viên Thư ký giúp việc, dùng hạng ký lục xuất thân, như bổ các chức thủ lĩnh mục dân.
Mỗi ty đặt một viên Chỉ huy sứ, một viên Chỉ huy đồng tri, một viên Chỉ huy thiêm sự, 10 viên Trung hiệu, 1100 Trung sĩ. Lính Trung sĩ chiếu theo lệ chia thành phiên, mỗi phiên chia làm 5 giáp, mỗi giáp đặt một viên Giáp trưởng. Số lính này chia làm 22 phiên, thay nhau túc trực. Trung sĩ nào có công lao thì được thăng bổ các chức: Thiên hộ, Thống chế, Quản lĩnh và Trung uý. Quan đầu ty chọn trong hàng Trung hiệu.
*
Một năm trôi qua nhanh, thấm thoát đã đến kỳ thi Hội. Lúc này đã qua Tết Nguyên đán được hơn tháng nhưng làng nào có người lên kinh thi Hội thì không khí cứ như những ngày giáp Tết. Cả làng đến chúc mừng, nhắc nhở. Những ai nghèo còn được hàng xóm láng giềng góp tiền góp gạo. Một người đi thi nhưng đến dăm ba người đi theo, ít ra là tiễn đến đầu làng hoặc đầu huyện rồi mới về; từ đấy đến kinh đô cũng thường có người đi theo để gánh đồ đạc, lo cơm nước, đến kinh đô thì lo chỗ ăn chỗ ở để sĩ tử chỉ chuyên tâm vào việc thi cử.
Đường phố kinh đô trước ngày thi đâu đâu cũng thấy các sĩ tử. Đây cũng là dịp làm ăn của các hàng quán, nhà trọ, của thầy bói thầy cúng và của cả các ca nữ. Người hàng phố từ đứa trẻ con trở đi cũng nhận ra các sĩ tử bởi vẻ ngơ ngác, lạ lẫm, đầy cao ngạo nhưng cũng đầy lo lắng. Họ tụ tập đến kín cả cổng trường thi. Danh sách sĩ tử dài dằng dặc, bảng nọ tiếp bảng kia, tuy nhiều nhưng danh sách xếp theo từng huyện nên việc tìm ra tên trong bảng cũng không đến nỗi vất vả lắm. Chỗ niêm yết các chữ cần phải kiêng tránh trong bài thi cũng ở ngay bên cổng trường thi còn đông hơn nữa vì sĩ tử còn phải ghi chép để nhớ: Mục “Trọng huý dĩ hạ” dặn nho sinh không được dùng một số chữ trong bài thi, mục “Kính khuyết nhất bút” dặn họ vì kính trọng mà khi viết chữ phải bớt đi một nét, rồi mục “Khiếm trang”, “Khiếm tị”… Vì triều đaị mới nên hàng loạt điều căn dặn ấy đều mới khiến bao nhiêu điều đã được ghi nhớ từ trước đến giờ đều không còn có ích. May sao những chữ cần phải kiêng tránh không nhiều, chỉ bằng một phần mười các khoa trước.
Hôm trước kỳ thi, Binh bộ Thượng thư là Khánh Khê hầu Mạc Ninh Bang (Nguyễn Bỉnh Đức) vào tâu, có hai sĩ tử họ Lê, một tên là Thực ở huyện Văn Giang và một tên là Tảo ở huyện Từ Liêm biết đâu chả lại là con cháu nhà Lê. Vua Mạc nói:
– Nếu đúng như vậy thì cũng là điều mừng chứ sao!
Nguyễn Bỉnh Đức lại tâu sĩ tử tên là Phạm Thọ vốn không phải tên họ như thế nhưng vì là con của một đại thần triều Lê cũ, ông này quyết không ra làm quan cho triều Mạc và ngăn cản cả con ra làm quan; người con lại quyết đi thi nên người cha uất quá mà chết năm ngoái. Người con đổi tên là Phạm Thọ cho khỏi liên luỵ.
Vua Mạc bảo:
– Người con có một cái đúng và hai cái sai: Quyết đi thi là đúng. Nhưng không nghe lời cha tới mức làm cha uất quá mà chết, đã vậy cha mất mới có một năm, chưa đoạn tang mà đã đi thi là cái sai thứ nhất; dám thay tên đổi họ là cái sai thứ hai. Sai nhiều hơn đúng, đáng lẽ phải cấm thi cử suốt đời nhưng xét cái tâm với triều ta nên cho giữ lại kết quả thi Hương, phạt đến khoa sau mới được thi Hội. Việc ra đề trẫm đã giao cho quan Đề điệu là Thái bảo Diễm Quốc công Mạc Kim Tiêu, việc giữ quy củ trường thi thì giao cho khanh.
– Có người phàn nàn với hạ thần chuyện khoa này Nguyễn Giản Thanh và Đinh Trinh đọc quyển.
– Nguyễn Giản Thanh không những đang là Lễ Bộ Thượng thư Đông các Đại học sĩ mà từng đỗ Trạng nguyên; Đinh Trinh thì là Lại Bộ Thượng thư, Quốc tử giám Tế tửu. Hai người ấy đọc quyển thì còn phàn nàn gì?
– Thần muốn nói đến Nguyễn Giản Thanh. Ông ta đúng là có năng lực mặc dù khoa thi năm Mậu thìn đáng lẽ ngôi Trạng nguyên phải thuộc về Hứa Tam Tỉnh. Tâu bệ hạ, người ta phàn nàn về điều khác.
Khoa thi năm Mậu thìn (1508) niên hiệu Đoan Khánh đời vua Lê Uy Mục, các giám khảo chấm Hứa Tam Tỉnh, người làng Vọng Nguyệt, tên Nôm là làng Ngọt, đỗ Trạng nguyên; Nguyễn Giản Thanh, người làng Ông Mặc, tên Nôm là làng Me, đỗ Bảng nhãn. Đến khi các tiến sĩ tân khoa ra mắt nhà vua và bà Kính phi, mẹ nuôi vua, thấy Giản Thanh trông cốt cách phong lưu, mặt mũi đẹp đẽ nên Kính phi bảo: “Trạng nguyên đấy có phải không, xứng đáng quá còn gì!”. Uy Mục không muốn thay đổi kết quả thi Đình, cũng không muốn làm mếch lòng Thái phi, bèn ra đề cho các tiến sĩ tân khoa thi ứng chế. Đầu đề là Phụng thành xuân sắc (cảnh sắc mùa xuân ở kinh thành), làm theo thể phú. Giản Thanh khôn ngoan nghĩ Thái phi hẳn ít chữ nghĩa nên làm phú Nôm, Tam Tỉnh cứ theo lệ làm phú chữ Hán. Kết quả, bài của Giản Thanh đọc lên bà Thái phi nghe đến đâu hiểu ngay đến đấy và nức nở khen hay còn bài của Tam Tỉnh, Thái phi thấy trúc trắc khó hiểu! Uy Mục đành phải lấy Nguyễn Giản Thanh lên đỗ Trạng nguyên để chiều lòng Thái phi, còn Hứa Tam Tỉnh bị đánh tụt xuống Bảng nhãn. Chính vì vậy nho sĩ bất bình và đặt ra câu “Trạng Me đè Trạng Ngọt” để nói về chuyện ấy và gọi giễu Giản Thanh là “Mạo Trạng nguyên”. Thi cử thì như vậy nhưng sau này trên đường quan lộ càng ngày Nguyễn Giản Thanh càng tỏ ra xuất chúng hơn Hứa Tam Tỉnh.
– Tâu Hoàng thượng, – Nguyễn Bỉnh Đức nói tiếp – người ta bảo Nguyễn Giản Thanh vốn là học trò của Đàm Thận Huy!
– Trẫm biết, nhưng điều ấy có sao đâu. Bởi chính Đàm Thận Huy cũng được trẫm sắc phong và ban tiền bạc cho con cháu lập đền thờ đó thôi. Thuở nhỏ khanh học với trẫm, sau này trong các khai quốc công thần thì Vũ Hộ, Nguyễn Thế An và khanh có công lớn nhất. Vũ Hộ mang 3000 quân theo trẫm, giữ vững Sơn Tây, khi tiến khi lui khiến quân nhà Lê không thể rảnh tay mà đánh Hải Dương nên có người nói nhà Lê mất ngôi chính là do Vũ Hộ. Khanh thì giúp trẫm lấy đất Hải Dương làm nơi căn bản, chăm lo dân chúng khiến lòng dân ngay từ đầu đã quy thuận, cùng đứng dưới cờ nghĩa. Nay triều đại mới cần phải quy tụ mọi người trong nước, mong khanh hiểu sâu sắc ý chỉ đó của trẫm mà hành động cho thuận. Vũ Hộ và khanh lại như chiếc gương của đương triều cho mọi người soi vào mà thấy hết vẻ đẹp của nó.
Bên cạnh đạo vua tôi giữa vua Mạc và Mạc Ninh Bang – Nguyễn Bỉnh Đức còn có tình bạn và tình đồng môn nên để không khí đỡ nặng nề, nhà vua hỏi:
– Trẫm nghe nói ngày trước theo học Đàm Thận Huy, Nguyễn Giản Thanh có đáp lại câu ra đối của thầy hay lắm phải không?
– Tâu Hoàng thượng, Đàm Thận Huy có dạo mở trường dạy học. Hôm ấy tan học thì trời đổ mưa, học trò không về được, Thận Huy mới đọc vế ra đối “Vũ vô kiềm toả năng lưu khách” và bảo học trò đối. Nguyễn Giản Thanh đối như sau: “Sắc bất ba đào dị tịnh nhân”, thầy khen hay, văn có thể đỗ trạng được nhưng sau này tất vì sắc dục mà hại đến sự nghiệp. Nguyễn Chiêu Huấn thì đối là: “Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân”, thầy bảo câu này kém sắc sảo, không hay bằng câu của Giản Thanh nhưng tỏ rõ khí chất hiền hoà, sau này cuộc sống sẽ chu toàn nhưng không nổi danh lắm. Người thứ ba xin lỗi thầy và các bạn rồi mới đọc câu của mình: “ Phân bất uy quyền dị sử nhân” (*), thầy Huy chê là thô nhưng sau này có thể dùng cái bỉ lậu mà sai khiến được người. Tâu bệ hạ, những điều bình phẩm của Đàm Thận Huy chưa thấy ứng với Nguyễn Giản Thanh nhưng đến nay quả đã đúng với Nguyễn Chiêu Huấn và người thứ ba, người này giờ đây giàu sang phú quý nên nhiều người phải quỵ luỵ nhưng cũng bị chê là thô lỗ!
Nhà vua bảo:
– Càng nói trẫm càng thấy tiếc Đàm Thận Huy! Nhưng hai học trò Nguyễn Giản Thanh và Nguyễn Chiêu Huấn của ông ấy đều đang phục vụ đương triều nên trẫm thấy vẫn mang ơn tri ngộ của Thận Huy.
– Tâu Hoàng thượng, đang vui thần cũng xin kể về Hứa Tam Tỉnh. Chuyện do chính ông ta nói với thần, chuyện cũng vui lắm. Học giỏi, chữ nghĩa bề bề mà Tam Tỉnh lại chịu cứng họng trước vế ra đối của một cô gái.
Nhà Tam Tỉnh vốn nghèo, cha lại mất sớm. Một hôm ra đường gặp võng quan Tổng trấn Kinh Bắc, sau võng quan là võng tiểu thư nhà quan, thấy tiểu thư nhan sắc chim sa cá lặn, Tam Tỉnh liền xin với người khiêng võng cho mình được thế chân cốt để tha hồ mà ngắm mỹ nhân. Về nhà, Tam Tỉnh xin mẹ hỏi tiểu thư nọ làm vợ. Bà mẹ can con không nổi đành phải chiều ý. Quan Tổng trấn không chê người nghèo khó, cốt sao giỏi giang nên đòi Tam Tỉnh đến để thử tài học. Vừa thấy Tam Tỉnh, quan đã thất vọng vì anh này người vừa đen vừa nhỏ, may sao hỏi đến sách vở thì đối đáp trôi chảy. Quan mới lưu Tam Tỉnh lại nhà để dạy bảo thêm, sau Tam Tỉnh đỗ thủ khoa thi Hương, lúc bấy giờ quan mới cho thành hôn với con gái mình. Nhưng thật oái oăm, tiểu thư ra vế đối, bảo Tam Tỉnh đối được thì mới cho động phòng! Biết Tam Tỉnh ngày trước nhà nghèo, mái nhà rách nát nhìn thấy cả trời, tiểu thư mới ra vế đối: “ốc lậu nguyệt xuyên, hình như kê noãn tam tam tứ tứ”. Cái khó của câu này là bốn chữ “tam tam tứ tứ”. Tam Tỉnh không nghĩ ra, buồn và xấu hổ đến mức định ra sông trẫm mình thì thấy bóng trăng trên mặt nước làm long lanh muôn nghìn lớp sóng từ đó mà nghĩ ra vế đối sau: “Giang trường phong lộng, thế tự long lân điệp điệp trùng trùng” (**). Tiểu thư nghe xong vô cùng cảm phục, lại thấy qua vế đối chứng tỏ chồng tỏ ra khác thường, liền cho vào động phòng.
– Thế mới biết tài năng có khi còn nhờ gặp may nữa. – Nhà vua nói và bỗng cười – Giả dụ Hứa Tam Tỉnh không đối được câu của tiểu thư thì chả nhẽ một người thà chết, một người tiếng là đã có chồng mà không được một ngày làm vợ sao?
– Thần cũng đã hỏi Hứa Tam Tỉnh câu đó, ông ta chỉ cười.
Vua tôi cùng vui vẻ.
Hôm mấy chục sĩ tử trúng thi Hội bước vào thi Đình, ngày 18 tháng Hai, vua Mạc tới điện ra “ngự đề”. Đề bài như sau: “Khi chân nguyên hoà hợp thì hào kiệt trong thiên hạ xuất hiện. Kẻ sĩ như các khanh chính là hào kiệt do khoa mục tiến thân. Nay trời giao cho trẫm nắm vận mệnh lớn, các khanh học rộng biết nhiều, có phương thức gì giúp trẫm trị nước thì trình bày để trên không phụ với lòng trời, dưới không phụ với sở học thường ngày”.
Nhìn sĩ tử cặm cụi làm bài, có người thỉnh thoảng còn cao hứng rung đùi, nhà vua vô cùng hài lòng.
Mấy hôm sau chấm xong, Nguyễn Giản Thanh, Đinh Trinh chọn được 27 người xuất sắc, dâng quyển để vua xem xét, định thứ tự trên dưới. Hai vị giám khảo nói:
– Trong những người này, bài của Đỗ Tông là hơn cả nhưng chúng thần rất băn khoăn. Tông là người làng Lại ốc, trấn Hải Dương, cha Tông là Đô ngự sử Đỗ Nhạc vì ngăn cản việc quân nên bị bệ hạ giết. Chúng thần đã định không tấu trình Đỗ Tông lên bệ hạ nhưng sợ tội nên bảo nhau hãy cứ tường trình đầy đủ để bệ hạ xem xét. Nếu lấy đỗ, lại cho đỗ đầu, chúng thần e sau này có chuyện.
– Việc nào ra việc ấy, đừng có nghĩ quýt làm thì cam cũng phải chịu. Chớ có định kiến. Hãy cứ lấy đỗ. Trẫm trọng hiền tài, chắc hiền tài cũng sẽ không phụ trẫm.
Nhà vua xem hết các bài rồi ban cho Đỗ Tông, Nguyễn Hàng, Nguyễn Văn Huy, 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ, 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân, 16 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Ngày 24 nhà vua tới điện Kính Thiên truyền loa xướng tên người đỗ, sau đó Bộ Lại ban ân mạng cho các tiến sĩ, Bộ Lễ bưng bảng vàng tới yết trước cử nhà Thái học. Ngày hôm sau căn cứ vào cấp bậc vua ban tiền bạc cho các tién sĩ tân khoa, ngày 27 ban cho họ cân đai áo mũ, ngày 28 cho dự tiệc tại Bộ Lễ, sau đó cho thăm vườn Ngự Uyển và đi chơi phố kinh đô mấy ngày liền. Sang ngày 7 tháng Ba cho họ vinh quy, cử lính đi cùng để mang biển, đồ đạc và võng lọng. Các thứ bát đĩa, cốc chén họ dùng trong lúc làm bài đều được đem về.
Sau đấy Nguyễn Thì Ung, Nguyễn Cư Nhân được giao soạn văn bia; Nguyễn Ngạn Chiêu viết những chữ chân, Nguyễn Tấn viết chữ triện cho thợ dựa vào đó mà chạm vào bia; thợ đá do Bộ Công tuyển chọn. Bảy tháng sau bia được dựng ở Quốc Tử Giám, đúng vào ngày đông chí, tháng 11 năm Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529). Hôm ấy các vị đại thần và các tiến sĩ tân khoa đều có mặt đông đủ.
—————————————-
(*) Nghĩa bốn câu lần lượt là: 1. Mưa không có then khoá mà giữ được khách. 2. Sắc đẹp không phải là sóng gió mà làm đắm được người. 3. Mặt trăng giống như cái cung nhưng không bắn người ta. 4. Phân cứt không có uy quyền gì mà sai khiến được người.
(**) Nghĩa đôi câu đối: Nhà thủng trăng dọi xuống, bóng như trứng gà lốm đa lốm đốm/ Sông dài gió lộng, sóng tựa vẩy rồng điệp điệp trùng trùng.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.