- Đang online: 3
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15411
- Tổng truy cập: 3,368,904
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 284 lượt xem
Phần 22
Còn mươi ngày nữa thì mới Tết nhưng không khí vui đón xuân mới đã tràn ngập khắp các phố phường kinh đô, nhất là vùng ven sông Hồng và sông Tô Lịch.
Sông Tô chỗ cửa Hà Khẩu thông ra sông Hồng và trên bến sông gần cửa Đông và cửa Đại Khánh lúc nào cũng nườm nượp thuyền bè. Trong khi đó từng đoàn xe ngựa cũng hướng về cửa Đại Hưng của hoàng thành để đưa các quan đại thần vào chầu. Xe dừng ở ngoài cửa Đại Hưng, từ đây họ đi bộ tới điện Thị Triều. Mọi lần, dọc đường tới cửa Đoan Môn và trước sân điện bao giờ cũng diễn ra cảnh tay bắt mặt mừng rồi từng đám từng đám chuyện trò, thường là chuyện vui và những câu nói đùa, tất nhiên cũng cả chuyện buồn, chuyện gia đình, thế sự. Riêng hôm nay không khí khác hẳn, không thấy đám quan võ cười nói ầm ã như mọi khi và cũng chẳng thấy đám quan văn ăn nói đi đứng khẽ khàng đầy vẻ phong lưu nho nhã như trước, thay vào đó là cảnh người này thầm thì với người kia, nét mặt lộ rõ vẻ lo lắng. Nghe nói hôm nay nhà vua sẽ chính thức trình bày việc truyền ngôi cho Thái tử. Trong khi đó tin từ biên cương cho hay một số cựu thần nhà Lê sang cầu cứu nhà Minh đang ra sức xúi bẩy họ mang quân sang giúp khôi phục triều Lê. Cùng lúc ấy Nguyễn Kim ở Ai Lao được vua nước họ cho mượn đất Sầm Châu và cấp cho voi ngựa, hiện cũng đang ráo riết chiêu binh mãi mã để kéo quân về nước. Những chuyện trên không phải mới nghe lần đầu nhưng giờ thì hai năm đã rõ mười và đã thành chuyện nước sôi lửa bỏng nên việc nhà vua truyền ngôi cho Thái tử đúng vào lúc này quả là điều đáng lo.
Với những băn khoăn, lo lắng đó nên khi khai chầu, nhà vua vừa bày tỏ xong ý định ấy, nhiều đại thần đã nhất loạt tâu bày, mong vua hẵng khoan việc chuyển ngôi. Mạc Quốc Trinh nói:
– Lúc này là lúc không những cần người vững tay trị nước mà cần cả người mạnh tay giữ nước. Bệ hạ tuân theo mệnh trời mấy năm nay đảm đương cả hai việc ấy, trước sau đều trọn vẹn, nay mới ở ngôi được có ba năm, bỗng dưng truyền cho Đông cung, thần e dân chúng lại hoang mang.
Vũ Hộ tâu:
– Chúng thần vẫn biết mấy năm nay bệ hạ phải cầm lòng mà bất đắc dĩ vâng mệnh trời thế thiên hành đạo cho hợp với sở nguyện của dân chúng chứ thực bụng là muốn nghỉ ngơi. Nhưng nay dẫu không muốn ở trên muôn người cũng không được. Thần cũng có ý nghĩ như Thái sư rằng giờ bệ hạ định rời ngôi báu, liệu có làm cho dân chúng thất vọng không?
Mạc Quyết nói:
– Hoàng thượng nhường ngôi cho Thái tử chắc đã có chủ trương sâu sắc, nay xin Hoàng thượng cho biết để chúng thần được thấu tỏ.
Nhà vua gật đầu và bảo:
– Hiện nay, có mấy xứ chưa yên. Con công chúa An Thái là Lê ý lấy cớ phục Lê khởi binh tại Châu Gia, Thanh Hoa đồng thời cho người liên lạc với Nguyễn Kim bên Ai Lao. Hai anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật là người Ba Đông dưới Hải Dương, do phạm tội giết người nên trốn lên Tuyên Quang làm cướp. Anh em Trịnh Ngung, Trịnh Ngang ở Thái Nguyên chống lại triều đình không được đã chạy sang Bắc quốc tâu với triều Minh rằng chúng ta chống lại sắc phong của thượng quốc, lấy mất ngôi của nhà Lê và xin họ mang quân sang nước ta. Chính do tình hình như vậy nên các khanh đều cho rằng lúc này là lúc không nên truyền ngôi, trẫm lại nghĩ khác, lúc này là lúc truyền ngôi thích hợp nhất. Thích hợp ở hai điều, thứ nhất cho thiên hạ biết trẫm không phải là người ham muốn ngôi báu, mà chẳng qua thể theo lòng dân, nay dân đã thoả nguyện thì trẫm cũng nên rời chỗ; thứ hai, trẫm muốn Thái tử lo việc nội trị còn trẫm được rảnh tay mà lo việc đối xử với Bắc quốc đồng thời trừ tận gốc những kẻ không muốn cho dân chúng được yên ổn làm ăn. Đấy, chủ trương của trẫm là như vậy. Trẫm sẽ làm Thượng hoàng ngồi bên cạnh để giúp Hoàng đế.
Mọi người xem ra đã vơi rất nhiều lo lắng. Vũ Hộ nói tiếp:
– Ý Hoàng thượng như vậy là đã rõ và rất sâu sắc, có lẽ chúng thần cũng không bàn bạc gì thêm nữa, chỉ nguyện trước sau như một ráng hết sức. Nay thần xin tiến cử các quan Mạc Văn Minh, Phạm Chính Nghị, Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tỉnh là những người cứng cỏi và khôn khéo mang theo đồ lễ vật lên biên giới lo lót với đám quan lại nhà Minh trấn thủ Lưỡng Quảng và Vân Nam. Bọn này nhận đồ lễ ắt trễ nải việc hai tên Ngung, Ngang sàm tấu. Vua Minh ở xa không rõ thực hư thế nào, có cho người dò xét thì cũng còn lâu vì riêng việc đi lại cũng mất hàng năm trời. Bản thân thần do biết chút ít địa dư Tuyên Quang, nay xin nguyện cầm quân dánh dẹp bọn Văn Uyên, Văn Mật. Riêng xứ Thanh có lẽ chúng thần… không một ai có đủ năng lực để cáng đáng…
Nhà vua bảo:
– Năm xưa khi vào Thanh Hoa dâng hương các vua Lê ở Lam Kinh trẫm đã nói, sau này nếu thiên hạ có loạn lạc thì ắt từ xứ Thanh mà ra. Trẫm vốn cũng đã có chủ trương sau khi Thái tử đăng quang yên ổn, sẽ đích thân mang quân vào Thanh Hoa lần nữa; nay giao cho Bộ Hình chuẩn bị mọi mặt để khi nào cần thì đáp ứng ngay. Dương Kinh cũng cần củng cố hơn nữa nên trẫm đã sai Phạm Gia Mô lo việc kiến thiết, sau này con trẫm ngự ở Đông Kinh, trẫm thì lui về Cổ Trai giữ nơi căn bản, hai nơi hỗ trợ cho nhau, lo gì thiên hạ không vững cơ chứ.
Các quan đều cho là phải. Đúng vào ngày mồng 1 Tháng Giêng năm mới, tức là năm Canh dần (1530), là ngày Đinh hợi may mắn, vua Minh Đức nhà Mạc ban chiếu truyền ngôi cho Đông cung Thái tử Mạc Đăng Doanh. Vua mới lên ngôi Hoàng đế, ban lệnh đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là năm Đại Chính thứ nhất, tôn cha làm Thái thượng hoàng, dựng điện riêng để cha ở, mỗi tháng cứ vào các ngày mồng 8 và 22 lại dẫn quần thần tới đó để triều yết.
Sau khi xem 59 điều Cáo đã được Nguyễn Quốc Hiến chỉnh sửa, thấy đúng theo ý mình, Thượng hoàng Mạc Đăng Dung truyền cho Hoàng đế ban hành rồi cùng Thái hậu về Cổ Trai.
Lúc qua bến đò An Sáp, Thái hậu bảo Thượng hoàng:
– Xem ra chợ Minh Thị ở Đông Minh vẫn còn sơ sài lắm, nay thiếp định bỏ tiền ra xây hàng quán, nhất là làm bến nước cho khách dưới thuyền lên bờ được dễ dàng, ông thấy thế nào?
– Được vậy thì tốt. Lại nữa, Khánh Diệm và Kim Thoa một đằng là em gái một đằng là con nuôi, cả hai đều vì việc nước mà chịu thiệt thòi, nay cả hai suốt ngày quanh quẩn ở nhà xem ra cũng buồn, chi bằng ta cho hai đứa ra làm tuần ty ở Minh Thị. Công việc khiến chúng nguôi đi phiền muộn, biết đâu gặp được ai mà tái giá cũng tốt.
– Ông lo bao nhiêu việc mà vẫn còn có lúc nghĩ đến chúng nó ư?
– Anh không lo cho em, cha mẹ không lo cho con cái thì lo cho ai.
Thái thượng hoàng không nói gì nữa, mắt đăm đắm nhìn về phía xa, nơi biển chiều đang chìm dần trong sương. Cuối tháng Hai, trời vẫn còn khá lạnh.
*
Trước đây thấy Lê ý đã mấy lần toan khởi binh khôi phục triều Lê, Hữu vệ Điện tiền tướng quân An Thanh hầu Nguyễn Kim nói:
– Xưa vua Thánh Tông có đến 14 hoàng tử nhưng hầu hết không qua được tứ tuần! Đã thế, các vị con cái không nhiều, thậm chí có người không con, chỉ Hiến Tông được 6 hoàng tử, trong đó Túc Tông, Uy Mục đế thay nhau nối ngôi. Nhưng hai vị này đều không có con hoặc chỉ có con gái. Kiến vương Tân được 5 hoàng tử, trong đó con là Tương Dực đế và cháu là Chiêu Tông, Cung Hoàng thay nhau nối ngôi. Nhưng hai vị Tương Dực và Cung Hoàng cũng chẳng có con hoặc cũng chỉ toàn con gái. Đã thế, Uy Mục, Tương Dực lại giết rất nhiều người trong hoàng gia; Hoàng tử của Chiêu tông thì hiện nay vẫn chưa tìm ra tung tích. Nên hiện giờ Điện hạ chính là vốn quý của nhà Lê. Nay tôi đã hoà giải được với họ Trịnh ở Thuỷ Chú, cùng Lỵ Quốc công Trịnh Duy Thuân, Phúc hưng hầu Trịnh Duy Duyệt, Tả đô đốc Võ Huệ hầu Trịnh Duy Liệu sang bên Ai Lao nhờ vua nước ấy giúp sức, đồng thời cho anh em Trịnh Ngung, Trịnh Ngang liên hệ với anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật ở Tuyên Quang rồi sang cầu viện nhà Minh. Vậy nên dẫu Điện hạ có nóng lòng diệt Mạc thì cũng không nên manh động, cần biết giấu mình chờ thời và chờ tôi đi Ai Lao về.
– Thế thì ngươi cho ta cùng sang Ai Lao với có phải tiện không?
– Điện hạ cần phải ở lại để còn có chỗ cho thiên hạ hướng về.
Từ đó Lê ý ẩn náu ở Châu Gia. Các tướng cũ của triều Lê như Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Tường nghe tin tìm tới. Lê ý tung tin nhà Lê sắp trung hưng và sai người nghĩ ra sấm khiến những người từng hưởng nhiều ân huệ của nhà Lê thì náo nức, còn người đang hào hứng với sự thay đổi triều chính thì lo lắng. Câu sấm như sau: “Bây giờ thuyền nổi đá chìm/ Mai kia đá nổi thuyền chìm mới hay/ Mặt trời mà mọc non Tây/ Trái Lê mà chín thì rày sang canh”. ý tứ câu sấm rõ đến nỗi ngay những người ít chữ nghĩa cũng suy ra được: Mạc Đăng Dung vốn là người đánh cá nên được ví như thuyền, Lê Lợi vốn ở Lam Sơn nên được ví như đá, non Tây tức là Tây Kinh, trái Lê thì rõ ràng ám chỉ nhà Lê…
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, nhà Mạc cũng cho người đặt ra sấm: “Thiên số vận mệnh rành rành/ Quang dần núi đỏ rừng xanh mới tài/ Tây tàn Đông đã ban mai/ Sá chi những chuyện dông dài đâu đâu”. Sau đấy lại tung tin Nguyễn Kim đã chết bên Ai Lao, người bảo do bị rắn độc cắn, người nói do bị ngã xuống vực, có người còn kể trước khi chết Nguyễn Kim còn kịp hướng về phía Đông gọi tên vua Thái Tổ nhà Lê ba lần và ứa nước mắt rồi mới nhắm mắt! Lê ý bảo bộ hạ: “An Thanh hầu mất rồi, tự ta phải lo thôi.” và bàn việc khởi nghĩa. Văn Thông bá Nguyễn Ngã can:
– Trước khi sang bên Ai Lao, An Thanh hầu đã dặn dò rất kỹ, nay chuyện An Thanh hầu còn hay mất chưa rõ thế nào, Điện hạ vội vàng khởi sự, tôi e vì manh động mà hỏng mất việc.
Thái Sơn bá Nguyễn Thọ Tường nói:
– An Thanh hầu đi sang đấy từ năm Thống Nguyên thứ 6 cho đến giờ tính đã hơn 4 năm, có về nước một lần rồi lại đi, đi trắng tay về hoàn trắng tay nên tôi đồ rằng việc bên ấy không xong. Vả lại Ai Lao có giúp thì cũng chẳng được bao nhiêu, vậy nên ta tự lực là hơn vì càng để lâu lòng người lại càng sinh ra chán nản. Ví như hòn than hồng vậy, bây giờ chỉ cần thổi một cái là bùng thành lửa ngay, để lâu hơn nữa than thành tro, lúc đó dẫu chỉ muốn lamg cho nóng lên cũng còn khó.
Lê ý nói:
– Thái Sơn bá nói rất đúng. Xưa đức Thái Tổ cho tôn thất nhà Trần làm vua vậy là chiêu tập được ngay hào kiệt bốn phương, bởi vì lòng dân khi ấy vẫn còn nhớ đến nhà Trần. Sau này Trần Cảo học đòi theo cách ấy nhưng chả ai theo vì lòng dân chỉ biết đến nhà Lê mà quên nhà Trần từ lâu. Nay ta không những dựng cờ phục Lê mà còn lấy lại niên hiệu của vua Chiêu Tông vì thấy lòng dân nhất là dân Thanh Hoa vẫn còn nhớ Chiêu Tông lắm.
Lê ý lấy lại niên hiệu Quang Thiệu của vua Chiêu Tông trước đây mà đặt cho mình và kêu gọi dân chúng hai xứ Thanh Hoa, Nghệ An chống lại nhà Mạc.
Tháng Tư năm ấy, tức là năm Canh dần, Thái thượng hoàng nhà Mạc đích thân đốc mấy vạn quân thuỷ bộ chia làm hai đường tiến đánh Thanh Hoa. Thái thượng hoàng thân cầm cánh quân thuỷ. Thuỷ quân của nhà Mạc lúc này rất mạnh nhờ thu được toàn bộ chiến thuyền của Nguyễn Kim bỏ lại khi chạy sang Ai Lao, không kịp tiêu huỷ. Chiến thuyền nhà Mạc đi đến đâu, thấy chỗ nào có địch thì đổ quân lên bờ đánh. Chống cự được ít lâu, Lê ý rút lên Châu Gia cố thủ. Đoàn chiến thuyền ngược sông Mã, lên tới ngang Lang Chánh thì dừng và đổ quân lên bộ vì từ đây thuyền không thể đi được nữa do sông cạn và lắm ghềnh thác. Từ cửa sông đến đây mới được già nửa đường!
Châu Gia là nơi xa xôi hiểm trở nhất của đất Thanh Hoa, còn gọi là châu Quan Gia, giáp với Ai Lao. Sông Mã bắt nguồn từ bên kia biên thuỳ chảy đến đây dòng vẫn không rộng được bao nhiêu do đôi bờ núi đá dựng đứng, đã vậy lại nhận thêm nước của không biết bao nhiêu sông suối đổ về, nên dòng sông đêm ngày lồng lộn như vó ngựa bất kham. Đường lên Châu Gia chỉ có một lối duy nhất men theo sông Mã. Quân cố thủ chỉ cần mấy trăm người chẹn ở những nơi hiểm yếu là đủ chặn đối phương đông gấp nhiều lần, bị mất chỗ này họ lại ngược lên mạn trên giữ chỗ khác. Biết vậy nên Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung tạm dừng tiến quân, đồng thời để chờ cánh quân bộ của Mạc Quyết.
Nhân chuyện này, thiên hạ cho rằng sự kiện ứng với câu sấm “Quang dần núi đỏ rừng xanh”, nghĩa là hết dần những thế lực chống lại nhà Mạc, hai chữ “quang dần” là chỉ năm Canh dần! Cũng vì vậy quân của Lê ý nhiều kẻ hoang mang, không ít người bỏ trốn về nhà.
Tín vương Mạc Quyết cùng Nguyễn Như Quế dẫn quân bộ đi theo đường Thượng đạo, chỉ khác lần mang quân đánh Chiêu Tông là giữa đường thì bỏ Thượng đạo để theo lối Mai Châu. Đường xuyên rừng băng qua núi non hiểm trở, ngay đoạn đường được quan quân nhà Mạc khai thông cách đây tám năm nay lại đã um tùm cây cối nên đội quân mở đường dường như phải khai phá từ đầu rất vất vả. Cánh quân này nhằm từ phía Bắc đánh xuống sau lưng Lê ý, tuy nhiên chỉ được vài trận thì Lê ý đã rút toàn bộ quân đội lên cố thủ ở Châu Gia nên không tiêu hao được mấy sinh lực địch.
Đường bộ phía trước tuy ngắn nhưng gian nan gấp mấy lần con đường đã qua. Lê ý đóng 3 trại, trại lớn ở Bá Thước nằm giữa, hai trại nhỏ – một cách trại lớn 5 dặm về phía Bắc, một cách 5 về phía Nam, cả ba đều ngay bên sông Mã, trấn giữ hoàn toàn đường lên Châu Gia, giữ mặt cho Châu Gia ở cách đó bốn mươi dặm. Ngoài ra còn một trại nhỏ nữa cách Bá Thước hơn 10 dặm về phía Tây.
Thượng hoàng Mạc Đăng Dung cho đóng quân ở ngã ba cách Bá Thước hai mươi dặm để chờ tin cánh quân của Mạc Quyết. Núi Chí Linh ở phía Nam và núi Pha Phong ở phía Bắc cũng như muôn ngàn ngọn núi trùng điệp xung quanh đêm ngày mây phủ, nhiều khi không còn trông thấy ngọn. Đang tháng Tư nên trời vẫn rét, khoảng đầu giờ ngọ nắng lên, có ấm áp hơn một chút nhưng chỉ được hơn hai canh giờ thì nắng tắt, từ đó trở đi trời tối rất nhanh và buốt giá đến xương cho tới tận giờ ngọ hôm sau. Nhìn trời, Thái sư Mạc Quốc Trinh nói:
– Cứ bảo đường Thục bên Bắc quốc khó đi như đường lên trời, thần đồ rằng cũng không khó hơn đường lên châu Quan Gia bao nhiêu.
Thượng hoàng nhà Mạc nói:
– Đường Thục khó hơn nhiều, ở những nơi vách núi dựng đứng người ta phải làm đường sàn bằng gỗ treo lưng chừng vách đá, gọi là sạn đạo. Nên nếu hai Xuyên làm phản, họ thường đốt sạn đạo để quân triều đình có muốn tới đánh cũng phải bỏ ra hàng năm trời chỉ để làm lại đường. Nay ta chưa phải làm một tấc đường nào thì sao bảo khó như đường Thục được. Có điều cách đóng 4 trại như thế kia của Lê ý thực là khéo. Chẳng hiểu ai bày cho hắn hay hắn tự nghĩ ra.
– Thần nghe nói trước khi sang Ai Lao, Nguyễn Kim đã bày vẽ mọi điều cho Lê ý.
– Nguyễn Kim là tướng giỏi, không thể xem thường. Cánh quân của Tín vương không kịp đến phối hợp thì ta ở đây khó mà vượt qua mấy cái trại này để đánh lên Châu Gia được. Trẫm rất lo cho Tín vương. Đành rằng có dựa một phần vào Thượng đạo nhưng đường đâu có còn được như trước, từ Mai Châu trở xuống lại hoàn toàn chưa có đường.
Mạc Quốc Trinh nín lặng, từ khi theo Mạc Đăng Dung đến nay, chưa khi nào lại thấy Thái thượng hoàng có vẻ lo lắng như bây giờ.
Một đêm, khoảng canh ba, lưng chừng núi bỗng xuất hiện những đuốc lửa chạy vòng quanh và nối nhau uốn lượn như rồng như rắn, lúc đầu còn ở xa sau dần dần quây tròn lấy trại. Tả đô đốc Mạc Đĩnh Khoa vừa định tới ngự doanh để tâu với Thượng hoàng thì những đuốc lửa bỗng tiến lại rất nhanh và biến thành những mũi tên lửa thi nhau bay về phía vào trại Mạc. Đang mùa hanh khô nên lều trại bén lửa rất nhanh, chỉ một lúc sau cả một vùng lửa đã rừng rực, ngun ngút tận trời. Đến sáng lửa mới tắt. Quân Mạc thương vong không đáng kể nhưng lều trại và lương thực bị cháy rất nhiều, làm tướng sĩ hoang mang. Các tướng người bàn tiến quân, không cần chờ cánh quân của Mạc Quyết; người bàn lui xuống mạn dưới, hạ trại cách xa giặc thêm mấy dặm nữa cho an toàn.
Đúng lúc đó có người mang thư của Mạc Quyết tới, thư viết vì đường đất gian nan nên bây giờ quân mới tới được chỗ sông Luông đổ vào sông Mã, hẹn mờ sáng ngày 28 thì hai ngả cùng đánh. Thượng hoàng Mạc Đăng Dung mừng lắm, liền sai Mạc Quốc Trinh và Mạc Đĩnh Khoa chuẩn bị tiến quân. Thực ra, lá thư là thật nhưng người đưa thư thì giả, do Lê ý vô tình bắt được người đưa thư của Mạc Quyết, đã thay người của mình vào sau khi tra hỏi cặn kẽ mọi điều, đồng thời theo nội dung của thư mà tìm cách đối phó.
Đúng ngày hẹn, Mạc Quốc Trinh tiến đánh trại phía Nam, Mạc Đĩnh Khoa đánh trại phía Tây Bá Thước. Mạc Đăng Dung chờ đánh xong hai trại sẽ cùng hai tướng hội quân tiến đánh trại lớn ở Bá Thước. Bỗng có tên kỵ mã từ phía Bắc chạy đến báo: Trại không một bóng tên địch nào, biết là mắc mưu nên Quốc Trinh vội rút quân thì bị phục binh đổ ra đánh, xin tiếp ứng ngay cho. Ngay đó tên kỵ mã khác từ phía Tây phóng ngựa đến cũng xin được tiếp ứng. Đang lúc ấy, phía núi Đen sau lưng có tiếng hò reo, kỵ mã đến nói quân Lê ý đang bất ngờ đánh sau lưng. Quân Mạc bị vây chặt ở giữa! Thượng hoàng Đăng Dung vội cho người phi báo tới hai cánh quân phía trước hãy cố chống cự còn mình thì quay lại đánh quân giặc phía sau.
Hai bên đánh nhau đến trưa thì cùng lui binh. Quân Mạc phải lui đến hơn mười dặm.
Mạc Đăng Dung cho người bí mật lên Châu Gia dò xét, người ấy về nói cánh quân của Mạc Quyết quả có tới được chỗ cửa sông Luông nhưng đã bị quân Lê ý chặn đánh và phải rút về Mai Châu từ hai hôm trước, người đưa thư hôm nọ bị bắt, Lê ý đã dựa vào nội dung trong thư để đối phó.
Sau đấy hai bên còn đánh nhau mấy trận nữa trên sông Mã. Địa thế hiểm yếu nên quân Mạc không thể tiến lên được. Thấy quân đội thiệt hại, lương thực lại cạn kiệt, Thượng hoàng Đăng Dung quyết định không tiến quân nữa và sai người về Đông Kinh điều viện binh.
Tháng 8, vua Đại Chính nhà Mạc là Mạc Đăng Doanh đích thân dẫn quân vào Thanh Hoa tiếp ứng, cùng Thượng hoàng Mạc Đăng Dung hội quân ở sông Hoằng Hoá rồi chia làm hai đạo, sai Mạc Quốc Trinh lĩnh đạo chiến thuyền tiến đánh Lê ý ở Động Bàng. Đang mùa lũ, các sông suối ở Thanh Hoa ngập nước, ngày đêm cuồn cuộn dồn vào sông Mã để đổ ra biển. Chiến thuyền nhà Mạc ngược sông rất khó khăn. Lê ý cho hạ cây, vót nhọn cả hai đầu rồi thả xuôi dòng, chiến thuyền nhà Mạc bị cây đâm thủng đắm rất nhiều. Lúc bấy giờ Lê ý mới xuất quân. Quân Mạc thua to.
Đang khi ấy người từ Đông Kinh vào báo Tín vương Mạc Quyết bị bệnh ngã nước từ khi đi đánh Thanh Hoa trở về, tưởng nghỉ ngơi thuốc thang bệnh sẽ khỏi, ai ngờ mỗi lúc một nặng thêm. Thượng hoàng và Hoàng đế nhà Mạc thấy vậy lưu Thái sư Mạc Quốc Trinh và Đô đốc Mạc Đĩnh Khoa ở lại cự nhau với Lê ý, còn thì ra Bắc. Trước khi đi Thượng hoàng giao cho hai người một phong thư đựng trong túi gấm, dặn khi nào thấy không thể thắng nổi Lê ý thì hãy mở cẩm nang đó ra xem.
Hai tướng nhà Mạc tiến quân đánh nhau với Lê ý ba trận liền, trận nào cũng thua, phải lui dần xuống tận ngã ba sông Chu sông Mã. Quân Mạc chia quân đóng làm 3 trại, ở ngã ba sông, ở núi Đọ và ở Đông Sơn định cố thủ lâu dài. Mấy lần quân Lê ý khiêu chiến, quân Mạc nhất quyết đóng kín cổng trại không ra đánh.
Mạc Quốc Trinh bảo:
– Quân ta thua hết trận này đến trận khác, thế của giặc thì mỗi ngày một mạnh vì người Tam phủ cũ của nhà Lê nhiều kẻ theo chúng. Chỉ mấy trận nữa là chúng ta mất hết Thanh Hoa, Nghệ An, vậy hãy mở cẩm nang ra xem Thượng hoàng viết gì.
Hai người mở cẩm nang, xem thư, thấy là phải, tối ấy liền cho thổi cơm dư ra, khoảng nửa đêm cho quân sĩ ăn rồi gần sáng bất ngờ từ ba ngả đồng loạt đánh úp trại giặc. Lê ý cậy thắng luôn, không phòng bị nên thua to, chạy được mấy dặm thì bị bắt, Nguyễn Thọ Tường bị giết. Thừa thắng, quân Mạc tiến đánh chiếm được Châu Gia. Mạc Quốc Trinh bảo Mạc Đĩnh Khoa:
– Hoàng thượng ở xa nghìn dặm mà như đi guốc vào bụng quân giặc, biết khi nào đánh thì thắng. Phép dụng binh quả là khó lường, chúng ta cứ như quân Hán của Lưu Bang ngày xưa, đánh quân Sở của Hạng Vũ trăm trận thua cả trăm, chỉ cần trận cuối cùng thắng mà được cả thiên hạ!
Lê ý bị đóng cũi giải về kinh sư hỏi tội, sau đó bị giết trong ngục, kể từ lúc khởi binh đến lúc bị bắt, tồn tại đượng khoảng hơn một năm.
Lúc này, ở Sầm Châu bên Ai Lao, An Thanh hầu Nguyễn Kim đã chiêu tập được mấy nghìn người, hầu hết là các cựu thần nhà Lê và con em họ cùng quân Tam phủ cũ. Nước Ai Lao hồi Lê Lợi khởi nghĩa đã giúp đỡ rất nhiều nên quan hệ với nhà Lê rất thân thiết, giờ đây không những cho Nguyễn Kim mượn đất mà còn cấp cho lương thực, khí giới rất nhiều, nhất là voi vì Ai Lao là đất nước vạn tượng. Một hôm vua Sạ Đẩu cho người đem đến tặng Nguyễn Kim một con voi trắng, đứng ở chỗ tối thì xung quanh sáng ra. Nguyễn Kim nói:
– Xưa vua Chiêm Thành tặng vua Lý Nhân Tông con voi lạ, nó đứng ở đâu chỗ ấy ánh sáng hiện ra. Giống voi trắng cũng rất hiếm, vua Lý Cao Tông đi săn bắt được con voi trắng nên đã đặt tên cho nó là Thiên Tư, có nghĩa là “của trời”. Con voi này vừa là giống voi trắng, vừa toả ánh sáng, đúng là quí gấp đôi hai con ta vừa kể! Ta đặt tên cho nó là Thiên Tư Bạch Tượng.
Suốt ba năm Nguyễn Kim đêm ngày luyện quân chờ ngày về nước, trong rừng già Sầm Thượng, Sầm Hạ hay trên Cánh Đồng Chum miền Trấn Ninh dường như không ngày nào ngớt tiếng voi gầm, ngựa hí, tiếng quân lính hò hét.
Tàn quân của Lê ý nhiều người chạy được sang Ai Lao, tìm đến Nguyễn Kim báo tin dữ, các tướng thấy vậy nóng lòng muốn báo thù và tha thiết thỉnh cầu Nguyễn Kim dẫn quân về nước. Nguyễn Kim thấy binh lực của mình cũng đã đủ mạnh bèn đem hơn 4000 quân, 30 voi chiến và 300 ngựa chiến về nước.
Nguyễn Ngã cùng mấy trăm tàn quân đóng ở núi Hóc liền tới ra mắt Nguyễn Kim. Lúc đó đang là tháng Chạp, trời rất lạnh, đám tàn quân của Nguyễn Ngã lại ăn đói mặc rét lâu ngày nên ai cũng trông không còn ra người. Nguyễn Ngã khóc lóc kể Lê ý, Nguyễn Thọ Tường tin vào tin đồn, mắc mưu địch, lại cậy thắng luôn không phòng bị nên bị giết. Nguyễn Kim thở dài nói:
– Cũng tại ta quá chậm trễ khiến điện hạ không còn cách nào khác!
Nguyễn Kim lệnh cho tướng sĩ xé vải trắng làm khăn để tang Lê ý và hạ lệnh men theo bờ sông Mã tiến gấp xuống Lôi Dương, tiếng voi gầm ngựa hí rung chuyển cả một góc rừng, tiến đến đâu quân Mạc lui tới đó. Đến Lôi Dương, Nguyễn Kim cho dừng lại để chuẩn bị đánh trận lớn với quân Mạc, sai Đinh Công Lương đóng trại bên tả, Đinh Công Đống đóng trại bên hữu, Nguyễn Ngã đóng trại phía trước, mình cùng Trịnh Duy Thuân, Trịnh Duy Liệu đóng trại giữa. Nguyễn Ngã nói:
– Quân ta từ xa tới vô cùng mệt mỏi nên đêm nay cần đề phòng quân giặc tập kích.
Nguyễn Kim bảo:
– Ta đã lo liệu đâu vào đấy cả rồi.
Trong khi đó, phía quân Mạc, Mạc Quốc Trinh bàn với các tướng:
– Binh pháp dạy “lấy người nghỉ ngơi đánh kẻ mệt mỏi”. Nguyễn Kim bấy nay liên tục hành quân không được nghỉ ngơi lấy một ngày, lại thấy tiến đến đâu quân ta lui đến đấy ắt hẳn sinh ra lơi lỏng, đêm nay ta nên chia quân cướp trại.
Quốc Trinh chia quân làm bốn hướng. Ngọc Trục hầu Phạm Đỗ Quảng được sai bí mật vòng ra sau trại chính của giặc để làm một hướng, hẹn đầu canh tư thì Quốc Trinh sẽ cho nổ ba tiếng pháo làm hiệu lệnh và tất cả cùng đánh.
Những cánh quân phải đi xa thì vào chập tối, gần thì khoảng canh hai, quân Mạc người ngậm tăm ngựa tháo nhạc theo các hướng lặng lẽ tiến về phía trại giặc. Thấy phía trại giặc im lìm, Mạc Quốc Trinh yên trí rằng sau bao nhiêu ngày hành quân ròng rã, quân Nguyễn Kim chắc ai cũng ngủ say như chết, đang lúc ấy, bất đồ một tiếng pháo nổ vang rồi bốn phía lửa đuốc sáng trưng, tên bắn tới như mưa. Lúc đó mới khoảng canh ba. Biết mưu kế đã hỏng vì các cánh quân khác còn chưa tới được trại giặc, Mạc Quốc Trinh vội cho lui quân. Quả nhiên, sáng ra thì hay tin hai cánh quân tả, hữu đêm ấy đều bị đánh bại. Riêng cánh quân của Phạm Đỗ Quảng thì không rõ thế nào.
Phạm Đỗ Quảng phải hành quân xa nhất nên mới đi được già nửa đường thì nghe thấy tiếng pháo. Không phải ba tiếng pháo như giao ước và cũng còn lâu mới đến canh tư. Đỗ Quảng sinh nghi, liền cho người quay lại nghe ngóng. Người ấy trở về cho hay ba cánh quân kia đã rơi vào trận địa phục kích của giặc. Đỗ Quảng vội biến hậu quân thành tiền quân để quay về cứu Mạc Quốc Trinh, nhờ vậy quân Mạc mới tránh được trận thua lớn.
Mạc Quốc Trinh bàn với các tướng:
– Nguyễn Kim quả là một tướng giỏi, thảo nào Thượng hoàng luôn dặn chúng ta khi đối địch với hắn phải thận trọng. Nhưng ta đã có cách thắng được hắn. Cách đây bốn dặm có một con đèo gọi là đèo Mã Phục vì xưa có con ngựa lên được tới đỉnh đèo thì mệt quá gục xuống chết. Nay Ngọc Trục hầu cho ngay quân phục ở đấy, giặc tới đỉnh đèo thì đổ xuống đánh, chắc sẽ thắng.
Lúc đó đã gần trưa, từ trên cao Nguyễn Kim trông thấy quân Mạc rối rít bỏ chạy liền thúc quân đuổi theo. Tượng binh đi đầu, sau đó tới kỵ binh, cuối cùng là quân bộ. Mạc Quốc Trinh quay lại đánh nhưng gặp đám tượng binh hùng hổ liền quay đầy chạy. Nguyễn Kim truyền dọc hàng quân: “Người mặc áo vóc đại hồng là Thái sư Quốc công nhà Mạc, ai bắt hay giết được thì thưởng nghìn lạng bạc!” nên các tướng sĩ ai cũng hăng hái.
Quân Mạc sang bên kia đèo. Đoàn voi chiến nhà Lê đuổi rát sau lưng. Voi khoẻ nên qua được đỉnh đèo thì đoàn ngựa chiến mới lên được lưng chừng dốc, con nào con ấy gục đầu bước. Tới khi ngựa lên tới đỉnh đèo thì đám quân bộ còn đang ì ạch leo dốc. Đúng lúc đó một tiếng pháo nổ vang rồi đá từ trên đỉnh núi lở xuống ầm ầm, tên bắn như mưa. Quân Nguyễn Kim phía trước thì voi đang xuống dốc bị hoảng loạn nên nhiều con trượt chân, con nọ ngã dúi dụi vào con kia, trên đỉnh đèo thì ngựa rũ bờm, chồn vó, nhiều con chẳng bị tên đạn gì cũng gục xuống chết, lưng chừng đèo quân sĩ quay đầu chạy, nhiều người trúng tên lăn lông lốc như những súc gỗ, cuốn theo không biết bao nhiêu người lăn theo.
Mạc Quốc Trinh cho quân đánh quật lại.
Nguyễn Kim cưỡi con Thiên Tư Bạch Tượng chạy, được một đoạn thì người quản tượng trúng tên chết, tì tướng thay làm quản tượng chỉ được một lúc rồi cũng bị bắn chết. Nguyễn Kim phải tự làm quản tượng, thúc voi chạy vào rừng. Khốn nỗi, vì con voi trắng nên không thể trà trộn lẫn với lá rừng, đã vậy trốn vào chỗ tối nó cứ sáng lên thành thử quân Mạc nhận ra, cứ thế mà đuổi. Cuối cùng Nguyễn Kim phải xuống đất chạy bộ, mũ vướng cành cây rơi mất. Ngọc Trục hầu Phạm Đỗ Quảng thấy phía trước có mái đầu bạc, đoán là Nguyễn Kim, liền thúc ngựa đuổi theo. Nguyễn Ngã vội nhường ngựa cho Nguyễn Kim, còn mình lếch thếch chạy bộ theo. Thấy Phạm Đỗ Quang đuổi đã quá gần, Nguyễn Ngã nói:
– Tiền đồ trung hưng nhà Lê trông cậy cả vào tướng quân, vậy tướng quân mau trở lại Ai Lao để sớm quay về phục quốc. Còn tôi, xin được liều chết cản giặc.
Nguyễn Ngã quay lại ngăn Phạm Đỗ Quảng, bị Đỗ Quảng chém chết. Đỗ Quảng thúc quân tiếp tục đuổi Nguyễn Kim. Bỗng phía trước có một toán chừng một chục kỵ sĩ, phía sau đám kỵ sĩ, qua lớp bụi mù mịt và lấp ló trong rừng có rất nhiều cờ xí. Viên tướng đi đầu mở lối cho Nguyễn Kim chạy thoát rồi ngăn Phạm Đỗ Quảng lại.
– Kẻ kia, không được hỗn với nhạc phụ ta! – Viên tướng quát to.
Đó là con rể của Nguyễn Kim, tên là Trịnh Kiểm.
Phạm Đỗ Quảng thấy mình chỉ có hơn ba chục kỵ sĩ, không đủ đánh địch nên đành phải lui. Trịnh Kiểm cũng không đuổi theo. Thực ra Kiểm chỉ có đúng 15 tên lính, định đi đón đoàn xe lương thì thấy có đánh nhau, đoán rằng quân Mạc đang tới, bèn có bao nhiêu cờ đều đem cắm hết ở mé rừng và chặt cành cây cho mấy con ngựa kéo lê trên đường cho mù lên. Đỗ Quảng tưởng quân Trịnh Kiểm nhiều nên lui binh.
Trịnh Kiểm người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, trấn Thanh Hoa, mồ côi cha từ thuở nhỏ. Nhà nghèo nhưng mẹ Kiểm lại có sở thích oái oăm và rất nghịch cảnh: chỉ thích ăn thịt gà mà lại chỉ ăn hai cái đùi và lườn gà. Kiểm rất có hiếu với mẹ nhưng không biết làm thế nào để có gà cho mẹ ăn, đành phải đi ăn trộm. Làng bị mất rất nhiều gà nên quyết tìm ra kẻ ăn trộm và phục bắt được Kiểm, liền bắt giải lên huyện. Tại cửa quan, Trịnh Kiểm trần tình bằng một bài thơ rất thống thiết khiến quan huyện thương tình mà tha cho. Nhưng làng thì không thể thương cho kẻ bao nhiêu năm nay đi ăn trộm gà của họ. Họ nghĩ chỉ tại mẹ Kiểm nên nhân một hôm y vắng nhà, liền cùng nhau bắt bà ta vứt xuống cái vực gần nhà cho chết. Kiểm về không thấy mẹ đâu, bổ đi tìm thì thấy chỗ vực mối đã đùn lên thành gò đống. Kiểm buồn quá, bỏ làng đi, vào làm gia nhân nhà Nguyễn Kim. Chuyện xảy ra đã lâu, từ năm Chiêu Tông còn trị vì và Nguyễn Kim còn là quan đương triều. Sau này chạy sang Ai Lao, Nguyễn Kim cho Trịnh Kiểm đi theo. Năm ấy Kiểm 26 tuổi và thể hiện rõ là một người thông minh, can đảm và mưu lược nên được Nguyễn Kim cho con gái là Ngọc Bảo làm vợ lẽ.
Nguyễn Kim muộn con và chỉ có hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng, đều là em Ngọc Bảo. Khi Nguyễn Kim chạy sang Ai Lao, Nguyễn Hoàng mới lên 2 tuổi, Nguyễn Uông cũng còn nhỏ nên từ việc nhà đến việc quân đều qua tay Trịnh Kiểm.
Nguyễn Kim thua to, mười phần chết tới ba, bốn, tướng sĩ tan tác mỗi người một ngả rồi tự tìm đường về Sầm Châu. Voi, ngựa bị chết và bị lạc rất nhiều, voi trở thành voi rừng, ngựa bị hổ ăn thịt, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Nguyễn Kim rút khỏi Lôi Dương nhưng vẫn giữ Châu Gia và những vùng rừng núi dọc theo biên giới giáp với Sầm Châu để dễ bề tiến thoái. Biết Nguyễn Kim vẫn còn ở Châu Gia, bao nhiêu tướng sĩ bên Ai Lao lại trở về đấy quy tụ. Nguyễn Kim sai Trịnh Duy Liệu là người giỏi văn Nôm đặt ra sấm, đồng thời tung tin rằng vì Châu ái (Thanh Hoa) không khuất phục nhà Mạc nên nhà Mạc cũng quyết không dung người Châu ái và chẳng bao lâu nữa sẽ cho đại quân vào giết hết họ, trước nhất là triệt hạ ba huyện Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia để không còn người Tam phủ nào chống lại họ. Bằng chứng là có câu sấm rằng: “Bao giờ Mã Phục đá lăn/ Tượng Sơn đất lở, mười phần còn ba/ Muốn không chết hết cả nhà/Hướng Tây tìm đến để mà lê la”. Câu sấm ấy tiên tri hai việc thì cả hai đã nghiệm thấy đúng, đó là quân Mạc phục kích đánh Nguyễn Kim đại bại ở đèo Mã Phục, là trận động đất sau đó ít lâu làm sạt một góc núi Voi ở Tĩnh Gia. “Chết hết cả nhà” hẳn ám chỉ việc nhà Mạc sẽ đàn áp dân chúng xứ Thanh. Hướng Tây thì chắc chắn là Châu Gia và Sầm Châu, còn “lê la” chỉ nhà Lê trung hưng ở đấy… Do vậy, khắp Thanh Hoa, Nghệ An nam giới không biết bao nhiêu người bỏ nhà bỏ cửa, vượt rừng vượt núi tìm đến Châu Gia; người Tống Sơn thì cả đàn bà trẻ con cũng bồng bế nhau lên Châu Gia chỉ vì Tống Sơn là quê Nguyễn Kim! Lúc đó đang mùa đông tháng giá, nhiều người không chịu được đói rét đã bỏ xác dọc đường. Tuy vậy, cũng hàng vạn người tới được Châu Gia. Nguyễn Kim đặt ra câu sấm để dân chúng thù ghét nhà Mạc đồng thời thu hút thanh niên trai tráng nhưng chẳng ngờ lại đông đến như vậy, nhà cửa không có cho họ ở, cơm không có cho họ ăn, trộm cắp cướp bóc xảy ra, khắp Châu Gia đâu đâu cũng thấy cảnh ăn xin nên từ chỗ háo hức lên miền Tây nhiều người đâm ra ai oán, không ít người lại bỏ Châu Gia tìm đường trở về quê. Nguyễn Kim bảo Trịnh Duy Liệu:
– Ông đặt sấm đặt vè hay thật đấy! Dân chúng bảo vua Lê chả thấy đâu chỉ thấy ăn mày ăn xin “lê la” khắp chốn!
Duy Liệu xấu hổ đỏ mặt, chữa thẹn:
– Người ta bảo thơ có những chữ những câu không phải người làm thơ làm ra mà do trời cho vì vậy chúng mới được gọi là nhãn tự, là thần cú. Câu chữ của trời nên bây giờ cái chữ “lê la” mới thấy nghiệm!
– Thôi, ông đừng có khéo nói nữa! – Nguyễn Kim đang buồn bực cũng phải bật cười – Nhãn tự với thần cú gì cái chữ “lê la”! Tôi cũng chỉ muốn cùng ông than thở vậy thôi chứ không có ý trách. Từ khi họ Nguyễn, họ Trịnh hai nhà trở lại hoà hợp, cùng gánh vác công việc trung hưng xã tắc, tôi rất mừng, lại càng mừng khi có được Lê ý điện hạ. Không ngờ lòng giời chưa thuận nên chúng ta chỉ làm được đến thế này mà thôi. Việc dân chúng thất vọng vì không thấy vua Lê đâu và nhiều người đến lại đi làm tôi suy nghĩ mãi. Có lẽ, không có vua Lê không được! Chúng ta phải cố tìm con cháu nhà Lê mà đưa lên ngôi mới xong.
Mặc dù nhiều người bỏ Châu Gia, trở về quê cũ nhưng những người ở lại vẫn còn đông vì Nguyễn Kim tìm hết cách giữ họ lại, nhất là những thanh niên trai tráng. Vua Ai Lao thương nỗi vất vả của Nguyễn Kim, lại cấp cho voi, ngựa và lương thực. Lực lượng phục Lê ở Thanh Hoa chẳng mấy chốc lại mạnh lên. Từ Châu Gia, Nguyễn Kim tiến xuống xuôi chiếm được gần hết Thanh Hoa. Mạc Quốc Trinh chỉ còn giữ được vùng ven biển.
*
Trong lúc đó khắp các nơi nhà nông vào vụ cấy. Nhân một sáng cùng Mạc Đăng Doanh tới Đông cung xem xét việc học của Thái tử là Mạc Phúc Hải, thấy Phúc Hải đang ra rả đọc: “Cửu nguyệt trúc trường phố/ Thập nguyệt nạp hoà giá/ Thử tắc trùng mục/ Hoà ma thúc mạch/ Ta ngã nông phu/ Ngã giá ký đồng/ Thượng nhập chấp cung công…” (*), Thượng hoàng Mạc Đăng Dung nói với nhà vua:
– Các vua ngày trước bao giờ cũng xuống ruộng mỗi khi vào vụ mới để làm gương cho dân chúng. Nhà Lê từ năm Đoan Khánh về sau do lười nhác và ỷ vào loạn lạc mà bỏ mất tục lệ ấy. Nay ta nên làm lại cách của người xưa, xuống ruộng ở Tảo Xá là Hoàng điền của triều đình.
Mạc Phúc Hải ngẩng cổ bảo:
– Eo ôi, rét thế này mà lội ruộng thì chết cóng!
Thượng hoàng nghiêm mặt:
– Ta và cha ngươi không những trước đây biết bao khó nhọc gây dựng cơ nghiệp mà bây giờ vẫn còn phải nhọc công gìn giữ, ngươi chưa ý thức được gì lại còn tỏ ra sớm lười nhác, liệu có xứng ngôi Đông cung hay không?
Liền phạt bắt Mạc Phúc Hải phải viết 100 lần đoạn thơ đó. Phúc Hải oà khóc. Nhà vua xin lỗi Thượng hoàng vì không biết bảo con. Quan vương phó sụp lậy:
– Thái tử không hiểu lễ nghĩa là tại thầy dạy, nay thần xin chịu phạt thay Thái tử.
Thượng hoàng Mạc Đăng Dung dứt khoát bắt Mạc Phúc Hải phải viết đủ 100 lần đoạn thơ, hẹn đến cuối giờ ngọ đem bài đến điện Kim Quang. Quan vương phó sau đấy bị thay bằng người khác vì tội không biết cách dạy bảo Thái tử.
Mấy hôm sau vua Mạc Đăng Doanh dắt trâu xuống ruộng còn Thượng hoàng Mạc Đăng Dung lên thuyền ở bến Thái Cực quăng lưới đánh cá. Dân chúng nghe tin đến xem rất đông và nhắc nhau chăm chỉ công việc đồng áng, chài lưới.
Đầu xuân, khi tiết trời bắt đầu trở nên ấm, vua Mạc sai Đại tướng quân Tây Quốc công Nguyễn Kính và Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất mang quân vào Thanh Hoa để cùng Mạc Quốc Trinh quyết diệt tàn quân Nguyễn Kim. Các con Nguyễn Kính là Nguyễn Nguyên, Nguyễn Liễn cũng theo quân vào Thanh Hoa. Lúc này Nguyễn Kim đã chiếm được Đông Sơn và bày sẵn trận ở đây nên Nguyễn Kính vừa tới nơi đã bị đánh bại. Thừa thắng, Nguyễn Kim vượt qua Tam Điệp chiếm Gia Viễn, Điềm Dụ tới gần sát sôngĐáy làm xôn xao cả trấn Sơn Nam. Nguyễn Kính bàn với Dương Chấp Nhất:
– Nay ta vâng mệnh triều đình mang quân vào đây, không những không thắng được giặc mà còn để mất nhiều đất, nếu không cố gắng thì không còn mặt mũi nào trở về nữa. Tôi có kế này mong ông cố gắng.
Hôm sau Nguyễn Kính tiến quân nhằm chiếm lại Gia Viễn, Điềm Dụ. Nguyễn Kim thấy quân Mạc thua luôn liền thúc quân tiến đánh. Quân Mạc bỏ chạy sang bên kia sông Đáy. Quân Nguyễn Kim thấy mấy chiếc thuyền trên sông liền xuống thuyền đuổi theo. Đang khi ấy hậu quân phi báo: Quân Mạc của Dương Chấp Nhất thừa cơ đã theo đường biển vòng xuống chiếm lại đèo Tam Điệp và chuẩn bị đánh xuống Tống Sơn. Nguyễn Kim hoảng sợ vì Tống Sơn là quê mình còn mất đèo Tam Điệp thì mất lối về, liền gọi quân quay lại. Nguyễn Kính tiến lên không những giành lại được những vùng đất đã mất ở Sơn Nam và suốt miền duyên hải Thanh Hoa.
Từ đó hai bên đánh nhau hàng chục trận, bên nào cũng khi thắng khi thua, cho tới tận tháng 9. Lúc này đã vào mùa mưa, các dòng sông đầy nước, quân Mạc dùng thuyền tiến đánh khắp nơi, ngược sông Mã sông Chu lên tận trung lưu và thượng nguồn. Các cánh quân của Nguyễn Kim bị các sông lớn chia
cắt, không liên hệ được với nhau nên hết chỗ này chỗ khác thua to. Thấy bất lợi, Nguyễn Kim lại rút quân sang Ai Lao. Quân nhà Mạc không dám tiến sâu vào vùng đất lạ nên dừng cả lại trên đất mình.
Thanh Hoa mấy năm liền binh đao không ngớt, dân chúng nhiều nơi lại nghe theo lời đồn bỏ ruộng vườn đi theo Nguyễn Kim nên năm ấy đói to. Một đấu gạo phải mua với giá 60 đồng tiền kẽm. Nhiều người chết đói, chết bệnh, trộm cướp nhiều vô kể, giết người xảy ra khắp nơi. Nhiều người lần ra ngoài Bắc ăn xin vì từ Sơn Nam trở ra lại được mùa lớn! Thế nên các trấn phía Bắc đang yên cũng sinh ra trộm cướp, giết người! Vua Mạc vừa sai người đem thóc lúa vào mạn trong phát chẩn cho dân, vừa ra lệnh cấm nhân dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và các đồ binh khí đi ngoài đường; nếu kẻ nào trái lệnh cho pháp ty bắt trị tội. Nhờ vậy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem theo khí giới tự vệ, dần dần trộm cướp biệt tăm, ngay của rơi cũng không ai nhặt, đêm ngủ các nhà không phải đóng cổng. Kể cả súc vật chăn nuôi tối đến cũng không phải dồn vào chuồng, chỉ cần mỗi tháng kiểm lại một lần xem chúng có sinh đẻ thêm gì không. Dân chúng yên ổn làm ăn nên mấy năm liền không cứ gì bốn trấn quanh kinh đô là Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc trở nên thịnh vượng mà ngay cả Thanh Hoa, Nghệ An cũng khấm khá dần lên nhờ dân phiêu tán lại trở về với ruộng đất của mình.
Tháng 10 năm ấy, thấy mạn Nam đã yên, nhà vua cho gọi Mạc Quốc Trinh và cha con Nguyễn Kính về kinh, cử Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất làm đại tướng, toàn quyền tổng trấn xứ Thanh. Tây An bá là Lê Phi Thừa tâu: Châu ái đất rộng người đông, núi sông hiểm trở, giáp với Sầm Châu bên Ai Lao vì vậy không nên cho một người nắm giữ, vừa khó cai quản vừa dễ sinh ra chuyên quyền, dẫn tới hoạ hoạn. Vua Mạc Đăng Doanh thấy có lý nên chia trấn đó ra làm đôi, cắt lấy một nửa, gồm 7 huyện giao cho Lê Phi Thừa quản thống.
————————————————
(*) Dịch nghĩa: Tháng chín dọn sân đập lúa, tháng mười nộp lúa. Tất cả lúa mì, lúa mạch, lúa sớm, lúa muộn, đậu, vừng. Bọn nông phu chúng ta gặt hái nộp lúa xong còn phải làm việc công. (Thất nguyệt – Kinh thi).
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.