- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 22194
- Tổng truy cập: 3,371,539
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 609 lượt xem
Phần 13
Chuyện Đăng Dung tha cho cha con Hoằng Dụ đến tai Trần Chân. Chân muốn triệu Đăng Dung về triều hỏi tội
Nguyễn Kính nói:
– Tiểu tướng vốn quen Vũ Hộ. Hộ có nói Đăng Dung là anh hùng đời nay, diệt không dễ mà thu phục được thì lợi vô cùng. Triệu hồi Đăng Dung về kinh chưa chắc y đã về, vì y đang có tật giật mình nên hẳn đã lường trước mọi tình huống. Y không chịu về, ta chẳng làm gì được y thì mất hết thanh thế, làm mạnh quá lại sợ y làm phản hoặc theo Hoằng Dụ thì nguy. Nay tôi có kế này ta vừa được tiếng khoan dung, hào hiệp vừa khiến Đăng Dung mất đi sức mạnh: Dung ở Sơn Nam mấy năm nay, như con hổ quen rừng, thuộc từ cây cối đến đường đi lối lại, lòng người đều thuận, trong tay binh hùng tướng mạnh hàng nghìn người; Sơn Nam lại là nơi hiểm yếu, mặt bộ chẹn lối Tam Điệp, mặt thuỷ ngăn dòng sông Cái nên mấy lần quân Thanh Hoa ra Bắc đều phải cho người chiêu phục mới dễ dàng qua nổi. Giờ đây để y ở đấy không nên. Chi bằng lấy cớ Hải Dương chưa có Tổng trấn, đổi y về đấy, đất lạ người chưa quen, y khác nào như con hổ bị thả giữa đồng bằng; nếu y quy phục thì tốt, không thì diệt trừ cũng dễ. Không nên sợ Dung chính là người Hải Dương vì chẳng cứ Cổ Trai mà ngay cả Nghi Dương của y cũng chỉ là góc nhỏ của cả trấn.
Nguyễn Áng nói:
– Kế của anh rất hay nhưng dềnh dàng quá, lại có thể khiến Đăng Dung xem thường quân Sơn Tây ta. Dung mấy năm nay ru rú xó Sơn Nam, được sai tự cầm quân đuổi theo Hoằng Dụ, chưa đánh đã quay về thì giỏi ở đâu? Thật đúng là khôn nhà dại chợ. Y là Trạng nguyên võ thật đấy nhưng lâu nay ngồi ghế Tổng trấn chắc chắn võ nghệ đã mai một đi nhiều. Chủ tướng cấp cho tôi một nghìn binh mã, tôi xin lấy đầu Đăng Dung, thâu tóm luôn cả binh mã Sơn Nam đem về đây không quá mười ngày.
Trần Chân bảo:
– Hiểu võ nghệ Đăng Dung ngươi không bằng ta. Vả lại bây giờ Đăng Dung đã khác, hắn cũng như ta, đều không ham thi thố sức lực với một người mà muốn đánh đổ cả thiên hạ! Nghe theo Nguyễn Kính là hay hơn cả rồi lựa gió chiều nào ta xoay chiều ấy mà đối phó với hắn. Vả lại nay chính là lúc chúng ta cần thu phục lòng người, chớ nên vì cái lỗi nhỏ của người ta mà mang quân chinh phạt, thắng thua chưa biết, chỉ e thiên hạ vừa chực đi theo ta thấy tấm gương Đăng Dung đã vội do dự mà quay bước! Nguyễn Hoằng Dụ thắng được anh em nghĩa phụ ta là nhờ lừa lọc, dối trá, vậy thì ta nên thắng Hoàng Dụ bằng thành tâm đối đãi với người.
Trần Chân sai người mang lệnh điều Đăng Dung sang Hải Dương. Đăng Dung đem việc ra bàn với các tướng:
– Trần Chân điều ta sang Hải Dương mà không cần chỉ của nhà vua làm ta không biết có nên theo hay không.
Hiệu uý Vũ Hộ nói:
– Hiện nay mọi chuyện trong triều đều do Trần Chân quyết định, chỉ dụ của vua nếu có cũng là theo ý Trần Chân. Vậy nên không thể không theo.
Đăng Dung gật đầu:
– Ông nói đúng. Nhà vua và Trần Chân bây giờ như cái thực và cái ảo. Dẫu có thế nào thì ta cũng thấy nhẹ người vì đang lo việc tha cho cha con Hoằng Dụ làm trái ý Trần Chân. Nhưng không phải vì thế mà hết mọi lo lắng. Điều ta đi Hải Dương chính là cách điệu hổ ly sơn của Trần Chân, muốn ta phải rời nơi đã quen thuộc. Không phải Chân không biết ta người Hải Dương đâu, mà y cho rằng Nghi Dương chỉ là một góc nhỏ của Hải Dương nên không việc gì phải ngại. Vậy các tướng có cách gì để ta đến chỗ mới mà không phải lo gì cả không?
Vũ Hộ nói:
– Lý ra thì chỉ một mình tướng quân và gia quyến đi Hải Dương thôi còn đám hạ quan chúng tôi phải ở lại Sơn Nam nhưng tướng quân nên tâu với triều đình cho một số đi theo để đến Hải Dương tướng quân đã có ngay những người tâm phúc. Số còn lại có muốn đi theo cũng cần phải ở lại, để Sơn Nam này vắng tướng quân mà tướng quân vẫn như tại vị. Hải Dương với Sơn Nam chỉ cách nhau con sông Hồng, bên tả ngạn bên hữu ngạn dựa vào nhau, như vậy khác gì bỗng dưng lại được cả hai! Trần Chân dùng kế điệu hổ ly sơn thì ta lập kế biến không thành có, biến mất thành còn. Cha con tôi xin nguyện ở lại Sơn Nam để biến cái tưởng mất thành cái vẫn còn.
Mạc Đăng Dung mừng lắm. Con trai Vũ Hộ là Vũ Bang Huấn vừa cưới em gái út Đăng Dung là Ngọc Di nên Vũ Hộ với Đăng Dung bây giờ còn có tình thông gia. Đăng Dung để thêm tướng tâm phúc là Nguyễn Quốc Hiến ở lại cùng Vũ Hộ, hẹn với họ người nếu có chuyện thì bên này sang giúp bên kia, ban ngày đốt cỏ ẩm lấy khói làm hiệu, ban đêm đốt cỏ khô lấy lửa làm hiệu, ứng cứu cho nhau.
Ngày anh em Đăng Dung lên đường, dân chúng và binh lính Sơn Nam theo tiễn hàng mấy dặm đường.
*
Trần Chân lấy cớ nhà vua còn trẻ tuổi nên hối thúc các quan đại thần phong cho mình làm phụ chính. Từ đó Chân nắm mọi quyền hành, đi đâu cũng ngồi xe, lại sai người lên Tam Đảo bảo chủ trại ngựa tìm cho mười con ngựa, năm con phiêu năm con nê để cấp cho thị vệ theo hầu. Thái hậu, nhà vua và các đại thần đều lấy làm bức bối.
Nhân có biểu của Trần Chân về việc điều Đăng Dung đi Hải Dương, Thái hậu khuyên vua mật gọi mấy đại thần tâm phúc đến bàn.
Phó đô ngự sử Nguyễn Dự nói:
– Thần biết biểu tấu đến với nhà vua thì Đăng Dung đã chuẩn bị lên đường đi Hải Dương rồi! Trần Chân lạm quyền, tiền trảm hậu tấu, thực đáng trọng tội nhưng triều đình không thể không nghe theo! Thần lại nói về những việc ngông cuồng của y thời gian gần đây. Các hoàng đế nước ta từ xưa đến nay đi đâu thì ngồi xe che lọng phượng bông vàng, lúc lâm trận thì dùng bạch mã, tướng theo hầu dùng ngựa phiêu. Nay Trần Chân chỉ tước bá mà dám ngồi xe có lính cưỡi ngựa phiêu ngựa nê theo hầu, nghi vệ cứ như Thái sư, Thái uý, thói ngông nghênh đã rõ, ý thoán nghịch bắt đầu lộ, trước sau không trừ không được!
Thái hậu nói:
– Triều đình hiện nay không có thực lực, khó lòng mà làm gì nổi Trần Chân. Ta đã định bắt Chân phải chia sẻ quyền lực bằng cách triệu Trịnh Tuy từ Lôi Dương ra. Trịnh Duy Sản trước là cha nuôi của Trần Chân và Chân đã từng vì Trịnh Tuy mà đánh Hoằng Dụ nên ta nghĩ triệu Trịnh Tuy ra Đông Kinh chắc dễ dàng, không ngờ Chân lại tìm cách ngáng trở. Y bảo phải để Trịnh Tuy ở Thanh Hoa để cản trở Hoằng Dụ! Thực ra y muốn một mình thâu tóm mọi quyền hành!
Thiêm đô ngự sử Lê Đại Độ tâu:
– Thần cho rằng Trần Chân không phải không biết tiền trảm hậu tấu là đắc tội nhưng cố tình thế để thăm dò thái độ nhà vua và các quan đại thần! Lại nữa, việc làm của Trần Chân có thể sẽ tạo cho những kẻ như Đăng Dung học đòi mà khinh nhờn phép nước.
Đô ngự sử Đỗ Nhạc thưa:
– Việc Trần Chân bây giờ là quan trọng và gấp nhất. Giải quyết xong Chân cũng là răn đe những kẻ khác, trong đó có Đăng Dung. Trước còn Trịnh Duy Sản, Trần Chân còn nể sợ, nay không còn Duy Sản, trước sau Trần Chân cũng sẽ làm cái chuyện đại nghịch Trần Tuân, Trần Cảo đã làm. Hiện Trịnh Tuy và Hoằng Dụ đều ở xa, gần gặn chỉ có Đăng Dung. Thần có kế này rất hay, binh thư gọi là kế mượn dao giết người. Nay thăng cho Đăng Dung từ tước bá lên tước hầu. Làm thế, tất nhiên không thể để Trần Chân nguyên tước bá được mà cũng phải thăng cho y song cũng chỉ thăng cho tước hầu, ngang với Đăng Dung. Trần Chân sẽ không chịu, nhân đó ta khích cho chúng hại lẫn nhau, bệ hạ cứ việc toạ sơn quan hổ đấu. Rồi thì sẽ vời Hoằng Dụ và cả Trịnh Duy Liệu, Trịnh Tuy quay trở lại, giảng hoà cho họ, có thế giang sơn này mới vững được.
Nhà vua nghe theo. Hôm sau thiết triều, ban thăng Mạc Đăng Dung làm Vũ Xuyên hầu, Mạc Quyết làm Đông Sơn bá, Mạc Đốc làm Đoán sự; thăng cho Trần Chân làm Thiết Sơn hầu, chức Điển quân Hiệu uý. Chân nhận tước, bực lắm, về nói với các tướng:
– Ta điều đăng Dung đi đâu y phải ngoan ngoãn đi đấy mà nhà vua lại chỉ phong ta tước hầu, xem ta cũng như Đăng Dung, thật không thể chịu được!
Hoàng Duy Nhạc nói:
– Ngày mai tướng quân hãy vào triều trả lại ấn tín xem sao.
– Ta cũng định thế.
– Không nên! – Nguyễn Kính nói – Rút dây động rừng, làm như vậy không những nhà vua phật ý mà Đăng Dung cũng bị chạm tự ái.
– Ngươi nghĩ ta sợ Đăng Dung chăng? – Trần Chân nói.
– Đang lúc thiên hạ ba bè bảy mối, ở Thanh Hoa thì Hoằng Dụ, Trịnh Tuy, ở Tuyên Quang thì Vũ Nghiêm Uy, ở Bắc Giang, Lạng Sơn thì Trần Thăng, ở Hải Dương thì Mạc Đăng Dung, việc thu phục nhân tâm là tối cần thiết. Chúng ta không sợ Đăng Dung nhưng tôi nghĩ diệt được y cũng không phải dễ dàng. Vả lại, tướng quân và Đăng Dung tuy tước ngang nhau nhưng tướng quân là Điển quân hiệu uý, Dung chỉ là Tổng binh một trấn, chịu quyền sai phái của tướng quân nên trên dưới rõ ràng, như nhau sao được. Tôi lại cho rằng đây là âm mưu của mấy tên thân cận với nhà vua nhằm dương đông kích tây khiến ta và Dung diệt lẫn nhau mà có lợi cho chúng.
Trần Chân ngẫm nghĩ rồi bảo:
-Ta muốn cho ai còn hay mất lúc nào mà chẳng được nên nay tạm không trả lại ấn tín nữa, chờ xem sao. Vả lại, ta chợt nghĩ ra kế này rất hay rồi các ngươi sẽ biết.
*
Mạc Đăng Dung đến Hải Dương, đầu tiên mời Nguyễn Bỉnh Đức đang làm Huyện lệnh Tứ Kỳ lên lo việc ở trấn, sau đó cất nhắc người có năng lực trong họ và ở làng đảm đương một số việc cần thiết: Mạc Quốc Trinh làm Tham chính; Nguyễn Bỉnh Đức làm Tham nghị; Mạc Đình Khoa, Mạc Đốc, Mạc Quyết lo việc binh nhung; Mạc ích Trưng lo việc ruộng đất, quản đốc quan xưởng. Con trai lớn là Mạc Đăng Doanh cũng được giao một số việc cho quen dần với chính sự…
Một đêm, khoảng cuối canh hai, tất cả đã chìm vào giấc ngủ thì lính vào đánh thức Đăng Dung, bảo có Vũ Hộ từ bên Sơn Nam sang. Đăng Dung đoán có việc gấp nên cho người mời Vũ Hộ vào ngay.
Vũ Hộ nói: Nhà vua nghe theo mấy Ngự sử, dùng kế mượn dao giết người. Theo họ thì trong nước hiện nay có bốn thế lực hùng mạnh: Thứ nhất là lực lượng Sơn Tây; thứ hai là họ Trịnh ở Thuỷ Chú, Lôi Dương; thứ ba là họ Nguyễn ở Gia Miêu, Tống Sơn; thứ tư là anh em Mạc Đăng Dung ở Hải Dương. Quân Sơn Tây là mối lo lớn nhất. Đăng Dung là thế lực yếu nhất trong bốn nhà nhưng nếu không chóng trừ diệt cũng sẽ nhanh chóng mạnh lên. Bọn Ngự sử chủ trương để quân Sơn Tây và quân Hải Dương diệt lẫn nhau rồi đón họ Trịnh họ Nguyễn quay trở lại kinh đô vì hai họ này và quân Tam phủ ở Thanh Hoa mới chính là chỗ dựa của triều đình. Trần Chân hình như mắc mưu ấy, nên đã lệnh điều Vũ Hộ và Nguyễn Quốc Hiến về kinh đô, giao Sơn Nam cho Hoàng Duy Nhạc là người của Trần Chân. Chân lại xét lại việc trước Đăng Dung tha cho Hoằng Dụ ở cửa sông Đáy, dâng biểu lên triều đình đòi hỏi tội.
Vũ Hộ bỗng hỏi:
– Trưởng tử Đăng Doanh năm nay bao nhiêu tuổi?
– Con tôi năm nay mười bảy. Tướng quân hỏi vậy chắc có ý gì?
– Trần Chân có con gái năm nay cũng mười bảy. Hay anh hỏi cho Đăng Doanh? Đó là cách xưa nay vẫn làm để cầu thân hoặc hoà hoãn.
Đăng Dung nghe theo, cảm động nắm tay Vũ Hộ:
– Con trai tướng quân lấy em gái tôi, tướng quân khác gì cha tôi, lại hơn tuổi tôi, vậy mà tình cảm chân tình, thân mật như anh em, thật tôi không lấy gì báo đáp!
Vũ Hộ xin phép đi ngay để tránh những dị nghị. Lúc đó khoảng canh ba. Tiếng vó ngựa dồn dập vang động đêm thanh vắng. Gần sáng, Vũ Hộ tới bến đò Khoái Châu, bên kia sông đã là đất Sơn Nam.
Mấy hôm sau Đăng Dung mang theo ít sản vật Hải Dương về kinh đô thăm Trần Chân, xa gần gợi chuyện cho hai trẻ đôi bên làm bạn với nhau. Trần Chân thấy liên kết với Đăng Dung cũng là điều hay nên bằng lòng. Chân nói với vợ: “Thông gia với Đăng Dung, hai nhà như một, còn lo gì bọn Hoằng Dụ, Trịnh Tuy nữa!”. Người vợ nói: “Thế thì cho cưới liền tay đi thôi.”.
Hai bên chọn ngày lành tháng tốt cho Đăng Doanh thành thân với con gái Trần Chân.
Năm ấy là năm đại hỷ của gia đình Mạc Đăng Dung vì hồi đầu năm Ngọc Huệ đã được gả làm lẽ cho Tiến Quận công Nguyễn Lĩnh. Hồi vua Uy Mục bị Tương Dực giết, Nguyễn Lĩnh theo Thái giám Nguyễn Khắc Hài định báo thù cho Uy Mục. Nguyễn Lĩnh lập kế rước Tương Dực ra hồ sen vắng vẻ để Khắc Hài dễ hành sự. Nhưng Khắc Hài đã làm hỏng việc, sau bị bắt. Nguyễn Lĩnh phải trốn lên vùng Tam Đảo, tập hợp được mấy trăm người chống lại Tương Dực, chống không nổi, Nguyễn Lĩnh lại trốn lên Đà Giang, từ đấy ngầm liên hệ với Cẩm Giang vương phu nhân vì vậy sau khi lên ngôi, vua Chiêu Tông đã vời Nguyễn Lĩnh ra nắm triều chính. Nguyễn Lĩnh đã có bảy người vợ, lấy thêm Ngọc Huệ nữa là tám, về sau lại lấy thêm hai người thiếp nữa.
Việc Trần Chân và Mạc Đăng Dung hai nhà thông gia với nhau khiến Thái hậu và nhà vua lo mất ăn mất ngủ và bọn Ngự sử rối trí nhưng cũng nhờ vậy tình hình kinh đô yên ắng và hai họ Nguyễn, Trịnh cũng không dám hành động gì.
Một hôm em rể Đăng Dung là Lê Bá Ly đến thăm, thấy trấn sở Hải Dương khang trang, dọc đường lúa má tốt tươi, dân chúng xem chừng no ấm, Bá Ly khen:
– Anh thật là giỏi! Mấy năm nay triều đình lục đục, dân chúng khổ sở vì nạn binh đao nên công việc đồng áng đâu cũng sa sút vậy mà Sơn Nam như không ảnh hưởng gì, bây giờ đến lượt Hải Dương lại khấm khá lên. Ngày trước em đoán anh có tướng chọc trời khuấy nước, nay lại hiểu thêm tài kinh bang tế thế của anh nữa! Anh còn khéo dùng Nguyễn Bỉnh Đức, khéo chọn dâu rể, khéo khiến Trần Chân không còn nghi ngờ. Nhưng theo em, muốn sâu rễ bền gốc, anh cần kết thân với mấy người nữa.
– Tôi từ khi ra khỏi cửa cho đến nay, chỉ mấy năm đầu là được ở kinh đô, còn thì 5 năm ở vệ Thiên Vũ, 3 năm ở Sơn Nam, nay lại ở Hải Dương ít có dịp giao thiệp với người kinh kỳ nên cũng không biết được nhiều.
– Người đầu tiên là Phạm Gia Mô, mới được triều đình bổ làm Hữu thị lang Bộ Lễ, người này có tài bao quát các việc. Người thứ hai là Nguyễn Như Quế hiện đang là Phó đô chỉ huy sứ vệ Cẩm Y, có tài điều binh khiển tướng. Người thứ ba là Nguyễn Thì Ung, hiện đang là Thiêm đô ngự sử, rất am hiểu chính sự và thời thế. Tuy cũng là quan Ngự sử nhưng có khác với đám Nguyễn Dự, Lê Đại Đổ, Đỗ Nhạc. Người thứ tư và thứ năm thì anh đã biết và cũng đã dùng, đó là Vũ Hộ và Nguyễn Quốc Hiến, họ từ Sơn Nam bị Trần Chân kéo lên kinh làm việc ở Phụng Thiên phủ doãn. Người thứ sáu là Nguyễn Thế An, người này không tài năng gì kiệt xuất nhưng là nội quan trong cung nên có biết nhiều điều bì mật, quen được rất có lợi.
– Chú nói thì biết vậy chứ Vũ Hộ, Quốc Hiến không nói làm gì, làm thế nào mà gần gũi được những người kia?
– Chính Trung, Thái An năm nay bao nhiêu tuổi? – Bá Ly hỏi.
Đăng Dung bảo:
– Đều chưa đến tuổi dựng vợ gả chồng! – Đăng Dung cười – Tôi hiện đã bốn trai hai gái nhưng các bà vợ của tôi vẫn còn đẻ nữa! Còn là mệt với chuyện chồng con cho chúng!
– Đăng Doanh coi như tạm yên nhưng chưa phải đã xong. Em biết anh thông gia với Trần Chân cũng là bất đắc dĩ. Kể từ Chính Trung, Ngọc Thọ trở đi anh cần thận trọng. Xem trong những người em vừa kể có thể thông gia với ai được không. Vũ Hộ nói đúng, đó là cách xưa nay vẫn làm để kết thân hoặc hoà hoãn, các quân vương khanh tướng thông gia đa phần là nhằm củng cố quyền lực, liên minh chính trị.
– tôi định gả cháu Ngọc Thọ cho Nguyễn Quốc Hiến, chú thấy thế nào? Mới nghĩ như thế vì phải hai năm nữa cháu mới đến tuổi. Quốc Hiến làm việc bên tôi đã lâu nên tôi biết rõ đạo đức, tài năng.
– Em nghĩ là được. à, giờ mới nhớ ra, Phạm Gia Mô có con gái sắp đến tuổi cập kê, hay anh ướm hỏi cho Chính Trung đi.
Hai người bàn sang chuyện thời thế, chưa được mấy câu thì Đăng Doanh dẫn vợ đến, người vợ kêu khóc thảm thiết:
– Cha ơi! Phụ thân con bị người ta giết! Cha trả thù cho phụ thân con!
Cả Mạc Đăng Dung và Lê Bá Ly cùng giật mình: Kinh đô có biến, Trần Chân bị giết rồi!
Đăng Dung lập tức sai người về kinh thăm dò đầu đuôi sự việc.
*
Cậy nắm quyền bính kinh sư trong tay, Trần Chân mỗi lúc một khinh nhờn phép nước, không những một bước lại một bước xe mà còn cho che dù trên xe, tăng số lính kỵ theo hầu lên 12 người nữa thành tất cả 22 người, đi đâu thì 10 người đi trước, 10 người đi sau, hai người hai bên, nghi vệ chỉ thua có nhà vua, không những thế 22 người ấy không mang đao thương mà toàn mang qua như nghi thức hầu thiên tử bên Bắc quốc. Trần Chân còn xui người dâng biểu đòi vua thăng cho mình từ tước hầu vọt lên Quốc công. Lúc thiết triều, đại thần nào nói năng trái ý là quát nạt ngay trước mặt Thái hậu và nhà vua; có lần còn tỏ rõ thái độ không bằng lòng với chính Thái hậu.
Trong khi ấy thiên hạ xì xầm câu sấm: “Đông hải xuất nhật, Đoài sơn vẫn tinh, Phụ nguyên trì thống, Đế phế vi đinh”. Thái hậu liền gọi đám đại thần tâm phúc vào hỏi ý nghĩa của câu sấm ấy. Bích Khê hầu Lê Công Uyên tâu:
– Sấm vốn bí hiểm, thường khi sự việc xảy ra rồi người ta mới hiểu hết nội dung của sấm. Nhưng câu sấm này ý tứ khá rõ. Thái hậu và bệ hạ có tha tội thần mới dám nói.
– Ngươi cứ nói.
– Đại ý có thể hiểu là: Biển Đông mặt trời mọc, non Đoài sao sa, cha nắm trọn quyền, vua bị phế làm thường dân”. Mặt trời hiển nhiên mọc đằng Đông rồi, câu đầu không có gì đáng bàn, chỉ có tác dụng làm cho thơ biền ngẫu khỏi thất niêm. Câu thứ hai mới thật sự đáng chú ý bởi sao thì chẳng lặn theo phương nào nên suy ra câu này ứng với việc ở Sơn Tây, hạ thần thiết nghĩ ám chỉ Trần Chân. Đến câu thứ ba ý càng rõ, vì Chân không những ép các quan đại thần tâu vua phong làm phụ chính mà còn nắm trọn quyền hành! Câu thứ tư…
Thái hậu phẩy tay, Lê Công Uyên không dám nói tiếp nữa. Bọn Nguyễn Dự, Trịnh Hựu, Lê Đại Đổ, Ngô Bính, Chử Khải, Đỗ Nhạc, Hà Văn Chính cúi gằm mặt, tự thấy mình có lỗi vì dâng kế nào đều hỏng kế ấy. Thái hậu lại trách thêm:
– Nhà vua còn nhỏ chưa tự quyết định được, những mong quan Ngự sử các ngươi bày mưu tính kế, không ngờ Trần Chân, Đăng Dung chẳng những không mắc mưu mà con cái chúng còn cưới nhau, liên kết với nhau, khác nào rắn thêm chân, hổ thêm vuốt, triều đình càng thêm khốn đốn. Bây giờ lại có câu sấm, chả nhẽ Chân định làm chuyện phế lập thật sao?
Đỗ Nhạc tâu:
– Thần nghĩ y dám làm thế lắm. Xin bệ hạ viết mật chiếu sai Bích Khê hầu là người trong hoàng tộc, lại là cháu của khai quốc công thần Lê Văn Linh vào Thanh Hoa, buộc Nguyễn Hoằng Dụ ra Đông Kinh phò vua. Điều Ngô Bính cùng Trịnh Hựu, Chử Khải giữ Cấm quân. Đưa Lê Đại Đổ, Hà Văn Chính sang đóng quân ở Gia Lâm đề phòng Đăng Dung báo thù cho thông gia của mình.
Lê Công Uyên bảo:
– Đỗ ngự sử bàn đưa Hoằng Dụ trở lại, khác nào Hà Tiến đời Hán rước Đổng Trác về kinh đô để trừ mười tên thường thị mà tự chuốc thêm hoạ!
Nguyễn Dự bực:
– Nói vậy hoá ra Hoằng Dụ tướng quân chẳng khác gì Đổng Trác ư?
– Nếu có cơ hội thì cũng một tuồng như vậy!- Lê Công Uyên bảo.
– Không ngờ Bích Khê hầu lại hồ đồ như thế! – Hà Văn Chính nói.
– Nếu định cầu viện bên ngoài thì nên vời cả Trịnh Tuy ra nữa để hai họ Nguyễn, Trịnh kiềm chế lẫn nhau. – Lê Công Uyên bảo.
Chử Khải bỗng cười ngất:
– Tôi không hiểu tại sao các ông cứ thích rườm rà! Để trừ Trần Chân thiết nghĩ chỉ cần chục tên lính là đủ, việc gì phải mời ai gọi ai. Nay cho gọi Trần Chân vào cung, bảo là để ban tước Quốc công rồi bố trí phục binh giết, thế là xong.
Đỗ Nhạc nói:
– Trần Chân mà lại dễ bị lừa như vậy sao?
Một bên Chử Khải, Ngô Bính, Trịnh Hựu, một bên Đỗ Nhạc, Nguyễn Dự, Hà Văn Chính, hai bên tranh luận không dứt, Thái hậu và nhà vua không biết theo ai, phải cho cả hai bên lui để được yên tĩnh mà tính kế.
Đêm ấy, đám Chử Khải, Ngô Bính bí mật vào cung thuyết phục Thái hậu và nhà vua theo kế của họ. Thái hậu nghe theo.
Như thường lệ, khi các quan đại thần vào chầu, lính tráng và kẻ hầu người hạ chỉ được phép đưa đến cửa Đại Hưng rồi thì ở đấy chờ họ đến khi bãi triều. Đã mấy lần Nguyễn Kính khuyên Trần Chân dâng biểu xin vua cho được mang một người vào theo để bảo vệ, Chân không nghe, bảo: “Ta chỉ cần lừ mắt là ai cũng sợ hết vía, việc gì phải mang theo người nào? Nếu có chuyện, ta chỉ cần thanh gươm đây là đủ.”.Hôm ấy không phải buổi thiết triều, nhưng là ngày sinh nhật Trần Chân, nên nhà vua gọi riêng Chân vào để ban cho chiếc đai ngọc. Đêm trước Nguyễn Kính nghe thấy tiếng chim cú kêu ngoài vườn nên nói với Trần Chân trước khi y vào cung:
– Hôm nay tướng quân vào triều phải thận trọng. Tốt nhất cho chúng tôi vào theo.
Trần Chân bảo:
– Ngươi biết một mà không biết hai. Cú kêu ai cũng bảo là điềm xấu, không biết rằng cú là loài kiếm ăn ban đêm, khi no nê rồi nó thường kêu, cũng như các loài chim khác khi cao hứng thì hót vậy. Hôm nay sinh nhật ta, nhà vua gọi ta vào ban thưởng, cũng như chim cú được bữa ăn no vậy, có gì phải lo. Các ngươi đi hầu ta, cứ chờ ngoài cửa Đại Hưng như mọi hôm là được.
Trần Chân ung dung bước vào điện Thị Triều. Nhà vua còn chưa ra, xung quanh chỉ có mấy hoạn quan đứng hầu, thấy trên tay Quảng vụ Thái giám Lê Khoái là chiếc đai ngọc, Chân khẽ gật đầu, tủm tỉm cười với Lê Khoái. Chiếc đai thực đẹp, dát đủ bảy thứ ngọc. Chân định đến gần để xem chiếc đai thì Lê Khoái bỗng vứt đai xuống đất, Chân chưa hiểu sao thì đã bị phục binh từ sau màn xô ra bắt trói. Chân vốn là Đô lực sĩ nên rất khoẻ, mặc dù tay bị giữ chặt không thể rút được gươm nhưng Chân vẫn tay không chống lại một khá lúc lâu mới chịu để bắt. Thái giám Lê Khoái đọc chỉ tuyên cáo tội trạng Trần Chân rồi đưa ngay ra sân rồng chém đầu. Lê Khoái đem đầu Trần Chân lên lầu trên cửa Đại Hưng giơ cao cho bọn Nguyễn Kính trông thấy:
– Trần Chân coi thường phép nước, mưu toan phản nghịch đã bị trị tội. Đồng đảng của hắn đầu hàng thì sống, chống lại thì chết. Nay bố cáo tất cả để biết.
Cái đầu được quăng xuống, dù mặt mũi biến dạng, máu me be bét vẫn nhận ra đúng là đầu Trần Chân. Cùng lúc cửa Đại Hưng mở toang, Đoan quận công Ngô Bính tiến ra. Ngay đó, phía cửa Đông Tràng An là Tưởng Quận công Chử Khải, phía cửa Tây Tràng An là Thọ Quận công Trịnh Hựu. Theo sau họ nhấp nhô quân Cẩm Y gươm giáo tua tủa. Nguyễn Kính ít quân thấy vậy liền hô lính tháo chạy về phủ, gọi thêm Nguyễn áng, chỉnh đốn đội ngũ rồi khua ba hồi chiêng đánh cửa Đại Hưng. Hai hôm sau, thêm Hoàng Duy Nhạc kéo quân từ Sơn Nam lên, các tì tướng Nguyễn Hiêu, Cao Xuân Thái từ Yên Lãng tới. Quân Cẩm Y không chống nổi, Đô lực sĩ Đinh Dự bị Nguyễn Kính giết chết, chặt đầu buộc trước ức ngựa, đi đến đâu quân triều đình khiếp sợ đến đó. Đang đêm vua Chiêu Tông phải trốn ra chùa Bồ Đề rồi qua sông chạy sang Gia Lâm, lấy Xúc ý đường làm cung điện, quân lính và các đại thần xung quanh không còn bao nhiêu.
Quân Sơn Tây tha hồ cướp phá kinh thành.
Không còn cách nào khác nhà vua phải sai Bích Khê hầu Lê Công Uyên vào Thanh Hoa gọi Nguyễn Hoằng Dụ ra cứu giá. Công Uyên cải trang làm người bán ngựa cùng hai người đi theo mang năm con ngựa để cưỡi thay đổi, đi suốt ngày đêm vào Tống Sơn, giữa đường thì gặp Trịnh Tuy. Công Uyên hỏi:
– Vĩnh Hưng bá đem quân đi đâu?
– Ta đem quân ra Đông Kinh.
– Ông đã biết Thiết Sơn hầu Trần Chân bị giết chưa?
– Ta chưa biết, ai giết?
– Hoàng thượng giết chứ ai. Vậy Vĩnh Hưng bá ra kinh để giúp vua hay báo thù cho Thiết Sơn hầu?
Trịnh Tuy không trả lời, hỏi lại:
-Thế còn ông vào Thanh Hoa làm gì?
Nghĩ Trần Chân là con nuôi của Trịnh Duy Sản, lại từng bênh Trịnh Tuy mà đánh cha con Nguyễn Hoằng Dụ phải chạy về Tống Sơn nên Công Uyên nói dối:
– Kinh đô bây giờ loạn lạc nên ta lánh về quê ít ngày, nếu yên thì ta lại ra, không thì quyết dứt bỏ cân đai về vui thú thanh nhàn.
Hai bên chia tay nhau. Trịnh Tuy muốn ra Bắc nhưng tình hình bỗng thay đổi nên buộc Tuy phải nghĩ khác. Đến Sơn Nam, Trịnh Tuy cho quân dừng lại, sai người ra Đông Kinh dò la, người ấy về nói kinh thành đã rơi vào tay anh em Nguyễn Kính, Nguyễn áng, vốn không ưa hai anh em nhà họ nên Trịnh Tuy ra lệnh quay trở lại.
Về phía Nguyễn Hoằng Dụ, nghĩ giận ngày trước Chiêu Tông nghe theo Trần Chân sai Đăng Dung truy đuổi mình đến tận cửa Đáy, nên bảo Công Uyên: “Thiên hạ thiếu gì người, không họ Trịnh thì có Đăng Dung cứu giá, cần gì đến quân Tống Sơn hèn yếu của ta!” và dứt khoát không xuất quân! Công Uyên trở ra Bắc thuật lại lời Hoằng Dụ, Thái hậu thở dài: “Không ngờ An Hoà hầu lại như vậy” và gọi Đô ngự sử Đỗ Nhạc lại trách:
– Nhà ngươi chả bảo vời họ Nguyễn ra phò vua nữa đi!
Đỗ Nhạc ngượng đỏ mặt.
Quân Sơn Tây từ hồi Trần Tuân cho đến nay liên tục sáu bảy năm chinh chiến, trận mạc dạn dày, ngày mấy lần qua sông đánh Gia Lâm khiến triều đình rất nguy ngập. Hà Văn Chính tâu:
– Chỉ có một người có thể cứu được triều đình lúc này!
– Ai? – Thái hậu hỏi.
– Tâu Thái hậu, Hoằng Dụ giận nói năng càn rỡ nhưng vô tình lại giúp triều đình nhớ đến một người, đấy là Tổng trấn Hải Dương, Vũ Xuyên hầu Mạc Đăng Dung. Đăng Dung tuy là thông gia với Trần Chân nhưng đó là chuyện cầu thân bất đắc dĩ vì khi đó Chân khoẻ mà Dung thì yếu. Đăng Dung là người hiểu biết và thận trọng, y không thể vì một đứa con dâu mà báo thù cho cha nó, phản lại triều đình!
Mọi người nhìn nhau không nói gì nhưng ai cũng biết lúc này chỉ còn cách cầu cứu Mạc Đăng Dung. Nhưng liệu Đăng Dung có nghe và sau đấy ai mà biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thái hậu lại trách bọn Ngô Bính, Trịnh Hựu, Chử Khải:
– Các ngươi khuyên mẹ con ta giết Trần Chân, bây giờ đã thấy tác hại chưa?
Hà Văn Chính tâu:
– Bây giờ trách hết người này đến người khác cũng không giải quyết được gì. Xin Thái hậu và bệ hạ cho thần đi Hải Dương.
Thái hậu thở dài:
– Vậy thì ngươi đi ngay đi!
Vua sai Lê Đại Đổ cùng Hà Văn Chính mang chỉ dụ của vua Chiêu Tông lên đường ngay lúc đó, vì trấn phủ Hải Dương ở Gia Phúc cũng gần nên ngay trong ngày hôm ấy hai người đã tới nơi.
Nhận được chỉ của vua, Đăng Dung nói với Hà Văn Chính:
– Tôi dẫu có lưu luyến tình riêng với Thiết Sơn hầu cũng không thể vì cớ đó mà phản lại triều đình, hơn nữa, làm loạn kinh thành bây giờ là đám Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc nên tôi không thể chối từ. Nhưng quân Sơn Tây đang mạnh nên trước tiên tôi sẽ dùng lời lẽ thuyết phục họ lui quân, nếu không được bấy giờ sẽ động binh cũng chưa muộn.
Mạc Đăng Dung lập tức lên đường, mặt bộ tự mình đi tiên phong, Nguyễn Bỉnh Đức làm Tham quân, mặt thuỷ sai Mạc Đốc, Mạc Quyết đưa toàn bộ chiến thuyền từ Phố Hiến ngược sông Hồng lên giữ Bồ Đề. Nhưng vì vội và hành quân thụ động, binh lương mọi thứ so với quân Sơn Tây đều kém nên sau khi làm chủ Gia Lâm, đầu tiên Đăng Dung dời vua đến điện Thuần Mỹ ở Bồ Đề để tiện theo hầu, sau đó xin vua viết thánh chỉ giao cho Mạc Quyết và Nguyễn Bỉnh Đức cùng Lê Công Uyên sang sông dụ anh em Nguyễn Kính đầu hàng triều đình.
Quân Sơn Tây đưa Lê Công Uyên, Mạc Quyết, Nguyễn Bỉnh Đức vào gặp Nguyễn Kính. Kính vẫn điềm nhiên ngồi, ngao mạn đưa tay định đón thánh chỉ. Bỉnh Đức ra hiệu cho Công Uyên khoan trao thánh chỉ, nói với Nguyễn Kính:
– Sao không quỳ đón thánh chỉ?
Nguyễn Kính cười:
– Chỉ nay mai là ta bắt được hết vua tôi các ngươi, sao lại phải quỳ?
Bỉnh Đức nói:
– Tướng quân nhầm! Quân Sơn Tây thắng thế chỉ là tạm thời. Mặt Nam, Trịnh Tuy, Nguyễn Hoằng Dụ đang huy động toàn bộ quân Thanh Hoa kéo ra Bắc. Mặt Đông Mạc Đăng Dung đã đưa được Thái hậu và nhà vua tới chỗ an toàn, hiện đã giăng quân suốt tả ngạn Nhị Hà, sẵn sàng đón quân Sơn Tây. Mặt Bắc vệ Thiên Bồng đang từ Mê Linh tiến về Phù Lãng. Nội đô thì quân Vũ Lâm đang tập hợp lại. Còn tướng quân chỉ len men một dải hữu ngạn Nhị Hà từ Sơn Tây về đây. Ngay Đà Giang, Tuyên Quang gần kề Sơn Tây tướng quân còn chẳng làm chủ được nữa là mong làm được gì hơn! Tốt nhất tướng quân nên nhận thánh chỉ mà quy phụ triều đình. – Bỉnh Đức chỉ vào Mạc Quyết, hỏi Nguyễn Kính: Tướng quân có biết đây là ai không? Là Đông Sơn bá Mạc Quyết, em Vũ Xuyên hầu Mạc Đăng Dung.
– Ta đã gặp ngươi trong đám cưới cháu ngươi là Đăng Doanh với con gái Thiết Sơn hầu, đúng không? Thiết Sơn hầu vô cớ bị triều đình giết hại, ta chỉ là tướng dưới quyền mà còn dám cất quân báo thù; anh em ngươi là thông gia với Thiết Sơn hầu, đã không biết rửa nhục lại đến đây định dụ hàng ta ư? Khôn hồn thì tất cả đi cho khuất mắt ta, đừng để ta quá giận!
Mạc Quyết nói:
– Tướng quân thử nghĩ xem, nếu chỉ để trao thánh chỉ thì chỉ cần ngài Công Uyên đây là đủ, việc gì bận đến hai chúng tôi. Chúng tôi là người của triều đình nhưng xét cho cùng lại là người của Vũ Xuyên hầu. Chúng tôi đến đây chính là vì tướng quân đó. Anh em tôi là thông gia với Thiết Sơn hầu mà còn quy theo lẽ thuận, huống chi tướng quân chỉ là tướng dưới quyền của Thiết Sơn hầu mà lại cố chấp đến thế sao?
Nguyễn Kính ngẫm nghĩ rồi bảo:
– Ta có ba yêu cầu.
– Xin tướng quân cứ nói.
– Thứ nhất, ta biết việc này không phải do vua mà do lời dèm pha của Chử Khải, Trịnh Hựu, Ngô Bính. Nay nếu giết ba người ấy đi thì vua tôi lại như cũ, không dám mưu toan gì khác cả. Hẹn đúng đầu giờ Tị ngày mai, ta sẽ ra sông nhận bọn Khải, Hựu, Bính. Thứ hai, được vậy, ta sẽ rút quân khỏi kinh đô trở về Sơn Tây. Thứ ba, vậy rồi thì triều đình cũng không được tiến đánh Sơn Tây của ta.
Lê Công Uyên nói:
– Trước hết ngươi hãy nghe thánh chỉ rồi ba điều của ngươi chúng ta sẽ về tâu với Hoàng thượng.
Chỉ của Chiêu Tông yêu cầu quân Sơn Tây phải triệt thoái, nhà vua hứa sẽ phong tước cho các thuộc hạ cũ của Trần Chân. Nghe xong Nguyễn Kính bảo:
– Các ngươi hãy về tâu lại yêu cầu của ta. Được như vậy ta mới tuân theo thánh chỉ và nhận phong tước, với yêu cầu được giữ Sơn Tây như cũ.
Ba người về tâu vua ba yêu cầu của Nguyễn Kính. Vua tôi nhìn nhau, cùng bàng hoàng. Vua hỏi ý các đại thần. Đỗ Nhạc, Nguyễn Dự, Hà Văn Chính tức vì nhà vua không nghe theo ý mình mà lại nghe theo bọn Chử Khải nên cùng tâu:
– Tưởng Quận công Chử Khải, Thọ Quận công Trịnh Hựu, Đoan Quận công Ngô Bính đều là tôi trung. Xưa nay tôi trung vì chúa mà xả thân cũng nhiều, chính Lê Lai từng chết thay vua Thái Tổ nên vua Thái Tổ mới có được thiên hạ mà truyền cho con cháu cho tới ngày nay! Mất ba người ấy mà triều đình được yên, dân chúng thoát được cảnh binh đao, cũng tốt lắm thay.
Thái hậu thở dài:
– Ba người đều là đại thần, lâu nay bao nhiêu việc đều bàn với họ, chả nhẽ lại đối xử với họ thế sao!
Nhà vua dùng dằng không dứt khoát.
Đúng hẹn, anh em Nguyễn Kính, Nguyễn áng cho tất cả chiến thuyền giương buồm. Nguyễn Kính ngồi trên soái thuyền chờ đầu bọn Ngô Bính, tên lính đứng sau cầm sẵn dùi trống sẵn sàng phát lệnh tấn công. Bên kia sông chiến thuyền triều đình thấy vậy cũng sẵn sàng nghênh chiến. Bấy giờ nhiều đại thần, tướng sĩ quây quần bên nhà vua. Đô chỉ huy sứ vệ Thiên Bồng là Đàm Cử hỏi Mạc Quyết:
– Ngươi sang bên ấy thấy thực lực giặc thế nào?
– Quân số giặc mười phần ta chỉ sáu phần, thuyền bè giặc mười phần ta năm phần, khí thế giặc mười phần ta một phần!
– Vậy thì không còn cách nào khác là phải nghe bọn chúng! – Đàm Cử nói. Nhà vua bưng mặt khóc, quay nói với bọn Chử Khải:
– Các khanh hãy vì triều đình, vì trẫm. Vợ con các khanh trẫm hứa lo cho chu đáo!
Chử Khải, Trịnh Hựu, Ngô Bính cùng khóc:
– Xin Thái hậu và bệ hạ cứ để bọn thần sang trại giặc, cho chúng thấy khí tiết bọn thần mà khiếp sợ.
Ba người xuống chiếc thuyền nhỏ, sang sông.
Ngay trưa, quân Sơn Tây căng buồm đón gió đông nam, ngược sông Nhị Hà rút lên Sơn Tây, nhưng vẫn liên tiếp lập ba trại quân thuỷ dọc theo sông, trại tiền tiêu đặt ở bến đò Chèm.
Thấy Nguyễn Kính không từ bỏ hẳn ý đồ làm phản và nhòm ngò kinh đô, Chiêu Tông cũng không phong tước cho bọn họ như đã hứa. Mạc Đăng Dung xin vua dời đến Bảo Châu cho xa hẳn giặc. Đô ngự sử Đỗ Nhạc và Phó đô ngự sử Nguyễn Dự can vua đừng theo, nhất quyết không để Đăng Dung lấn dần mà điều khiển. Biết chuyện, Đăng Dung bảo: “Có người nói với ta ngày trước chính hai người này đã bày kế để Thiết Sơn hầu và ta triệt hạ lẫn nhau, nay lại xúi vua không nghe theo ta dời đến Bảo Châu. Ta cũng vì sự an toàn của nhà vua chứ đâu mưu tính gì. Còn để bên vua những kẻ gièm pha như vậy không thể được!”. Đăng Dung liền sai Hộ vệ là Đinh Mông bắt Đỗ Nhạc và Nguyễn Dự đem giết ở vườn dâu cửa bắc hành doanh, sau đó rước Thái hậu và nhà vua tới Bảo Châu. Thái hậu nói với vua: “Mẹ con ta thoát được tai nọ, lại gặp phải vạ kia mất rồi!”.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.