- Đang online: 2
- Hôm qua: 781
- Tuần nay: 12271
- Tổng truy cập: 3,388,787
Thực hư chuyện mộ vua Mạc Toàn tại huyện Kinh Môn, Hải Dương
- 466 lượt xem
Thực hư chuyện mộ vua Mạc Toàn
tại huyện Kinh Môn, Hải Dương
(Viết bài: Trần Ngọc Hùng – Báo Hải Dương)
______________________
Được tin có ngôi mộ Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn do Chi họ Hoàng gốc Mạc ở xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, Hải Dương trông nom và thờ làm Thủy tổ, chúng tôi đã tìm về xã Hiệp An tìm hiểu.
Ông Hoàng Văn Chòi – 85 tuổi, bậc cao niên của Chi họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An cho biết “Việc chi họ chúng tôi trông coi mộ cụ Mạc Toàn và thờ cụ làm Thủy tổ là thật, đã được truyền qua nhiều đời. Hiện nay, mộ Cụ đang đặt trên triền núi Cao, sau chùa Lưu Thượng, thôn Tây Sơn, xã Hiệp An. Chúng tôi còn lưu giữ 02 cuốn gia phả cổ ghi lại việc này”. Để minh chứng, ông Chòi lấy từ trong tủ ra cho chúng tôi xem 2 cuốn gia phả bằng giấy dó đã cũ nát, một cuốn bìa màu nâu, một cuốn bìa màu vàng, viết bằng chữ Hán. Ông cho biết, đây là hai cuốn gia phả được cụ đồ Tam và cụ khóa Ngư (cụ khóa Ngư là con của cụ đồ Tam), là người của chi họ chép lại vào khoảng thế kỷ 19. Trong đó ghi Thủy tổ của Chi họ Hoàng xã Hiệp An là Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn. Tính từ Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn đến nay đã có khoảng 15 đời. Cũng theo lời ông Chòi, xã Hiệp An hiện có khoảng 6.000 dân thì có đến 5.000 người là gốc Mạc, trong đó có 2 chi họ Mạc, 1 chi họ Nguyễn và 3 chi họ Hoàng (trong đó Chi họ Hoàng do ông Hoàng Minh Hiệp làm Chủ tịch HĐGT là chi phái trực hệ của Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn). Cũng theo ông Chòi, trước kia ngôi mộ của Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn nằm ở khu đống Dẹt, đó là một gò lớn ở thôn Lưu Thượng. Năm 1968, thực chính sách cải cách ruộng đất, các mồ mả được di chuyển để quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp, Chi họ Hoàng đã di chuyển mộ Cụ lên núi bây giờ. Ông Chòi và ông Lãng là 2 người tham gia di chuyển ngôi mộ duy nhất còn sống. Ông cho biết, khi đào lên mới biết ngôi mộ được chôn cất rất bề thế, xung quanh có những khối đá lớn có khắc chữ Nho.
Dẫn chúng tôi đi thăm đống Dẹt, dừng trước một khoảng ruộng hành, giáp sông Cầu Ba, ông Hoàng Minh Hiệp – Chủ tịch Hội đồng Gia tộc Chi họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An cho biết: Vị trí này chính là nơi đặt ngôi mộ của Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn xưa. Ngày trước, nơi đây là gò đất cao nay đã bị san phẳng. Theo các cụ trong họ truyền lại, khi cụ Mạc Toàn thua trận, bị bắt và bị xử tử tại bến Thảo Tân cùng các tôn thất nhà Mạc, con cháu trong Chi họ đã đưa thi thể Cụ bằng đường sông về chôn cất tại đây. Để tránh bị truy sát, những người mang họ Mạc đã đổi sang họ Hoàng, họ Nguyễn,…
Mộ Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn – Thủy tổ Chi họ Hoàng, nằm trên triền núi Cao. Đường lên mộ tuy dốc nhưng được xây bậc và trải bê- tông cho dễ đi. Ông Hiệp cho biết, ngày trước đường lên vô cùng khó đi, những người già trong họ phải có con cháu cõng lên. Sau này, Chi họ đã đóng góp tiền làm đường bê-tông như bây giờ. Mộ Hoàng đế Mạc Toàn được xây bằng gạch, rộng khoảng 40m2 , nhằm hướng Nam, nhìn về Cổ Trai, nơi có Từ đường thờ Nhân Minh Cao Hoàng đế Thái tổ Mạc Đăng Dung ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Mộ Hoàng đế Mạc Toàn được đặt ở chính giữa, bên trái là mộ của cụ Phúc Ninh, đời thứ 4 tính từ cụ Mạc Toàn; bên phải là mộ cụ Nguyễn Công Xuân, thầy dạy học của cụ Phúc Ninh. Trên mộ cụ Nguyễn Công Xuân còn có một tấm bia đá.
Theo Hợp biên thế phả họ Mạc: Hoàng đế Mạc Toàn là con trai trưởng của Mục tông Hồng Ninh Hoàng đế Mạc Mậu Hợp; là vị vua thứ 6 của nhà Mạc ở Thăng Long. Ông được truyền ngôi ngày 26 tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592), ở Kim Thành, để vua cha cầm quân ra trận. Cuối năm 1592, nghe tin vua cha bị thua trận ở Bắc Giang, ngài vội đem quân để tiếp ứng. Đi đến núi Đồ Sơn gặp quân Trịnh Tùng, chiến đấu dũng cảm nhưng bị thua, Ngài chạy vào vùng núi Đông Triều, qua My Thử (tức làng Mè, Hải Dương), sau đó đi đường tắt 10 ngày đến Lạng Sơn. Ở Lạng Sơn ngài mộ được 6 -7 vạn quân, văn võ bá quan được 200 người, bàn tính khôi phục lại Vương triều. Trịnh Tùng lo sợ, cho đem 5 vạn quân lên đánh nhưng lần nào cũng thua. Đầu năm 1953, Trịnh Tùng đích thân đem quân lên đánh Lạng Sơn, bắt được Đường An Vương Mạc Kính Chỉ và quan quân hơn 60 người. Còn theo Lê Quý Đôn, Cảnh Tông Thành Hoàng đế Mạc Toàn bị bắt và bị chém đầu ở bến Thảo Tân vào ngày 27 tháng Giêng năm Quý Tỵ (1593). Như vậy, Ông lên ngôi được 3 tháng, từ tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592) đến tháng Giêng năm Quý Tỵ (1593).
Vậy bến Thảo Tân ở đâu? Theo ông Hiệp, bến Thảo Tân thuộc làng Cổ Tân xã An Phụ, huyện Kinh Môn ngày nay. Đó là khu vực giáp ranh giữa hai xã An Phụ (Kinh Môn) và Phúc Thành (Kim Thành). Dấu tích bến Thảo Tân xưa không còn, nay chỉ là bến cát do người dân mở ra để kinh doanh. Trên địa bàn xã Hiệp An còn có bến Chùa Hang, một bến nhỏ của sông Cầu Ba, là nơi diễn ra những trận chiến ác liệt giữa quân của Mạc Mậu Hợp với quân Trịnh Tùng đầu năm Nhâm Thìn 1592.
Với những cứ liệu lịch sử, ngày 13 tháng 10 năm 2011, tại huyện Kinh Môn, Trung tâm Bảo trợ Văn hóa kỹ thuật truyền thống và Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Hải Dương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Những di sản văn hóa về Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn tại huyện Kinh Môn, Hải Dương”. Ngoài kỷ yếu với 12 chuyên đề được phát hành, tại hội thảo đã có ý kiến tham luận của Giáo sư Văn Tạo – Nguyên viện trưởng Viện Sử học Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Đăng Nhật – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Văn hóa kỹ thuật truyền thống; nhà nghiên cứu Tiềm năng con người Nguyễn Phúc Giáp Hải; nhà sử học Tăng Bá Hoành – Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Hải Dương, Ngô Đăng Lợi – Chủ tịch Hội KHLS thành phố Hải Phòng và một số tham luận của các bậc cao niên trong Chi họ. Hội thảo đi đến thống nhất: Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn chính là Thủy tổ của Chi họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An. Hiện nay, Chi họ đang quản lý ngôi mộ Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn và cuốn gia phả cổ viết bằng chữ Hán rất có giá trị. Các ý kiến tham luận cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của tỉnh tiếp tục nghiên cứu, thẩm định và công nhận mộ Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn và cuốn gia phả cổ là di sản văn hóa. Đồng thời có kế hoạch trùng tu, tôn tạo, xây mới khu tưởng niệm Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn cho xứng đáng với công lao của Vũ An Hoàng đế Mạc toàn nói riêng, của Vương triều Mạc nói chung. Được biết, để chuẩn bị tổ chức hội thảo này, từ năm 2008 đến nay, Trung tâm Bảo trợ Văn hóa kỹ thuật truyền thống và Hội KHLS tỉnh đã tập trung sưu tầm, khảo cứu trên nhiều văn bia, tài liệu, thực địa về thân thế, sự nghiệp Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn, mối quan hệ giữa Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn với Thủy tổ của Chi họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An, địa danh bến Thảo Tân, các di chỉ, cổ vật, sự kiện liên quan cuốn gia phả cổ của Chi họ Hoàng….
Ông Tăng Bá Hoành – Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Hải Dương cho biết: Có rất nhiều cứ liệu minh chứng ngôi mộ Thủy tổ của Chi họ Hoàng ở xã Hiệp An là mộ của Hoàng đế Mạc Toàn, bởi vì:
Thứ nhất, trong “Lê triều thông sử”, Lê Quý Đôn khẳng định có việc Cảnh Tông Thành Hoàng đế bị bắt và bị chém đầu ở bến Thảo Tân năm Quý Tỵ (1953);
Thứ hai, hiện dòng họ Mạc và các họ gốc Mạc vẫn cư trú tại Hiệp An (Kinh Môn);
Thứ ba, chi họ Hoàng còn giữ được cuốn gia phả cổ, ghi Thủy tổ đang được dòng họ thờ là Hoàng đế Mạc Toàn và hiện trong cả nước chỉ có duy nhất Chi họ Hoàng này thờ Hoàng đế Mạc Toàn;
Thứ tư, theo mô tả của các cụ cao tuổi của Chi họ, khi di chuyển mộ Thủy tổ thấy có rất nhiều di vật được táng theo, mộ được kè đá có khắc chữ Nho, chứng tỏ đây không phải là mộ của người bình thường, mà phải là mộ của người ở hàng đế vương.
Tuy nhiên, vẫn cần có sự khẳng định thêm về mặt khoa học. Tới đây, Hội KHLS và Bảo tàng tỉnh Hải Dương sẽ phối hợp với UBND huyện Kinh Môn, UBND xã Hiệp An và Chi họ Hoàng tiến hành khai quật lại nơi ngôi mộ Thủy tổ được chôn cất trước kia, để nghiên cứu cũng như tìm thêm các di vật liên quan đến giai đoạn lịch sử đó. Những cứ liệu có được sẽ khẳng định mộ Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn và cuốn gia phả cổ là di sản văn hóa, là một di tích lịch sử quan trọng trên địa bàn tỉnh cần được xếp hạng.
___________________________________________________
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.