- Đang online: 2
- Hôm qua: 995
- Tuần nay: 18340
- Tổng truy cập: 3,370,409
Thơ dự thi “HƯỚNG VỀ NGUỒN CỘI” (23/9/2012)
- 385 lượt xem
Chùm thơ dự thi thứ 2
“HƯỚNG VỀ NGUỒN CỘI”
Nguyễn Ngọc Hưng
VỜI VỢI CỐ HƯƠNG XANH
Như cánh thiên di luôn nhớ rừng xưa
Người trăm ngã mãi thương về chốn cũ
Một làn khói khẽ nồng qua giấc ngủ
Chiếc lá rơi cũng thon thót giật mình
Phải rời xa nơi thấm nghĩa đẫm tình
Sao không xót không buồn không day dứt
Một đỉnh núi mơ sương mờ đáy vực
Đôi tiếng chim ngờ gió lặng trăng lên
Có thể cố tình cất kỹ rồi quên
Hay vô ý dọc đường rơi rớt lại
Hạt kỷ niệm qua mưa dầu nắng dãi
Xanh mọc lên từ những phía không ngờ
Đâu đó em vểnh tai nấm ngóng chờ
Đâu đó mẹ chong mắt cây mong đợi
Hương hàng xóm vẫn phập phồng lui tới
Mỗi hôm mai tìm hơi gió láng giềng
Ơi loài mây lang bạt khắp trăm miền
Có qua đường xưa ghé làng quê cũ
Nhắn giùm ta không bao giờ vong phụ
Dẫu bao mặt người lắp lẫn họ tên
Dẫu tỏ mờ sương ký ức nhớ quên
Vẫn nguyên vẹn bóng đồng xanh cố cựu
Lá mục phân hoai ủ mùi lưu cửu
Cứ dậy hương nê địa vẫy ta về
Nhiễm tận xương từ quê thói đất lề
Khác mắt khác môi khóc cười không khác
Rớt ngang trời một đơn côi tiếng vạc
Nghe sóng lòng cuộn trăm thiết nghìn tha…
ĐỊNH NAM THANH LONG ĐAO
Rước Đại Long đao của Thái tổ về
Khu tưởng niệm Vương triều Mạc
Bốn nghìn năm đất nước ta
Bao phen chinh chiến bấy là gươm đao
Như mây danh tướng anh hào
Hỏi còn được mấy tăm hao lưu truyền?
Nhớ ơn Thất Tổ Cửu Huyền
Cha gìn con giữ vẹn nguyên dáng thần
Cho dù hao hớt đôi cân
Định Nam Đao(*) vẫn muôn phần oai phong
Bức từ cán thẳng lưỡi cong
Rồng thiêng há miệng cuộn vòng nuốt đao
Tưởng không một đối thủ nào
Không chờn sức mạnh tài cao đức Ngài
Long đao đã nặng lại dài
Mỗi lần vung khẽ rụng hai ba đầu
Chẳng vì khát máu tanh đâu
Muốn yên thiên hạ phải cầu khí hung
Bừng bừng tả đột hữu xung
Xông pha trăm trận bi hùng cả trăm
Vui chi chém sả chặt bằm
Dụ người không đặng mới băm bổ người
Bao phen đắc thắng cả cười
Bấy lần ngân ngấn con ngươi lệ nhòa
Mong ngày tan cuộc can qua
Đao chui vào vỏ thái hòa tâm an
Lập nhiều công tích vẻ vang
Nhận không ít những phũ phàng trước sau
Nhìn đao gỉ sét trở màu
Trong ngoài sứt mẻ mà đau đớn lòng
Chẳng nhường Yển Nguyệt Thanh Long(**)
Vượt xa Ngô, Triệu thép ròng tâm can
Định Nam chói lọi sử vàng
Ngày đao nhập điện xênh xang rồng chầu(***)
Năm trăm năm nước qua cầu
Lở bồi dâu bể biết đâu cội nguồn
Đao thần Thái Tổ quy hương
Cháu con sum tụ khép buồn mở vui…
_______________
(*) Định Nam Đao là tên gọi thanh long đao “bách chiến bách thắng” của Thái Tổ Mạc Đăng Dung được lớp lớp cháu con ho Mạc bảo vệ giữ gìn đến ngày nay.
(**) Yển Nguyệt thanh long đao của Quan Vũ cùng với thanh long đao của Ngô Tam Quế và Triệu Khuông Dẫn là những thanh đao nặng nhất còn lại của các quân vương, danh tướng Trung Quốc.
(***) Ngày đưa thanh long đao của Mạc Thái tổ về đất Cổ Trai sau 418 năm, như một sự linh ứng kỳ diệu, đúng thời khắc đưa thanh long đao vào hộp kính đặt phía trước tượng Mạc Thái Tổ, trên bầu trời xuất hiện 5 áng mây vàng hình rồng chầu về phía nhà chính điện. Hiện tại nhà chính điện có bức ảnh lớn ghi lại thời khắc huy hoàng này với tên “ ngũ long chầu triều”.
TIẾT PHU MẠC ĐỈNH CHI
Giờ ngày Thân tháng năm Thân
Hầu tinh giáng hạ cõi trần(*)
Ẩn trong vẻ ngoài xấu xí
Tinh thần sáng đẹp tuyệt luân
Thôi nôi đã mất phụ thân
Lâm cảnh cút côi nghèo ngặt
Nhờ Chiêu Quốc Công để mắt
Mẹ con tạm chút an lành
Gắng công đèn sách học hành
Nghe một biết nghìn biết vạn
Bảng vàng suýt trượt phương danh
Phú “Ngọc tỉnh liên” bừng sáng
Tâm trí như sao tỏa rạng
Vua tôi lân quốc phục tài
Ứng khẩu thành văn bốn “nhất”
Để đời có một không hai(**)
Đỉnh đỉnh Hàn lâm, Ngự sử
Khiêm khiêm giữ việc đê điều
Một lòng thẳng ngay liêm khiết
Ngời ngời trên trọng dưới yêu
Cả khi thọ hàm cực phẩm
Thượng quan vẫn nếp thanh bần
Hành khiển, Đại Liêu Bộc xạ
Trọng thần cởi áo là dân
Tận tình yêu quý phu nhân
Không quản xông vào địa ngục
Chùa trăm gian cầu chín nhịp
Còn in dấu vết Thuận Thành(***)
Công tư phân định rõ rành
Chẳng lạm tiền kho, nha thuộc
Sạch lòng cơm hẩm áo manh
Hơn dính sang giàu nhơ nhuốc
Kính thay “Trạng nguyên lưỡng quốc”
Trọng thay “Tể tướng tam trào”
Về quê dựng am cỏ nhỏ
Vui cùng thơ rượu trăng sao
Tài cao tột đỉnh non cao
Đức cả tuyệt vời nước cả
Mong lớp hậu nhân thượng hạ
Noi theo chút đỉnh gương Ngài!
______________
(*) Tương truyền Trần Thị đã ngoài 40 tuổi mà chưa có con trai nên thường cầu tự ở đền Chử Đồng Tử. Một đêm bà cụ nằm mộng thấy một vật sáng ngời từ trên không rơi xuống giữa nhà, rồi hóa ra một con hầu chạy tọt vào lòng. Khi mãn tháng đủ ngày bà cụ sinh được đứa con trai (tức là Trạng Mạc Đĩnh Chi) vào đúng giờ Thân, ngày Thân, tháng Thân, năm Thân.
(**) Tương truyền vào dịp Mạc Đỉnh Chi đi sứ sang Tàu có một công chúa nhà Nguyên từ trần, quan Tàu muốn thử tài Ngài, viết bốn chữ “Nhất” nhờ Ngài làm bài văn tế Công chúa, Ngài ứng khẩu đọc ngay:
Thanh thiên nhất đóa vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết,
Thượng Uyển nhất chi hoa,
Dao Trì nhất phiến nguyệt.
Y! Vân tán, tuyết tiêu,
Hoa tàn, nguyệt khuyết!
(Dịch nghĩa: Một đám mây trên trời xanh, một giọt tuyết trên lò lửa hồng, một cành hoa ở vườn Thượng Uyển, một vầng trăng ở dưới ao Tiên. Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết).
(***) Tương truyền vì thương vợ bị hành hình nơi âm phủ Mạc Đỉnh Chi đã vào địa ngục xem sao. Theo lời Giám Ngục Ngài đã cho “xây tháp 9 tầng, dựng cầu 9 dịp, xây chùa 100 gian, mỗi gian tạc 3 pho tượng bầy ở đó và mỗi tầng tháp đúc một quả chuông treo lên trời rồi làm chay tụng Kinh sám hối đủ 49 ngày đêm” để chuộc tội cho Tổ tiên và giải thóat cho vong hồn vợ. Chùa tháp và cầu ấy bây giờ vẫn còn dấu tích ở làng Dâu huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Tục ngữ nói: “Cầu chín dịp, chùa trăm gian” chính là tích đó.
BỐN PHƯƠNG SUM TỤ MỘT NHÀ
Tiếc thay, không thuận thiên thời
Bấp bênh địa lợi chơi vơi nhân hòa
Thoắt từ tột đỉnh vinh hoa
Suy vong một cội chia ba bảy nhành
Bão giông quăng quật tan tành
Lá vàng vụn vỡ lá xanh giập bầm
Muốn tồn tại phải lặng câm
Ngày đêm lẩn lút âm thầm sống chui
Ngậm buồn đổi họ cầu vui(*)
Lê Đăng, Phạm, Nguyễn, Thạch, Bùi, Bế, Hoa
Hoàng, Phan, Thái, Vũ, Khương, Hà
Lều, Đoàn cho đến Mạc, Ma, Tô, Đào…
Nhai u uất nuốt nghẹn ngào
Lên rừng xuống biển lao đao trăm bề
Cho dù bụi phố rác quê
Cháu con một dạ hướng về tổ tông
Đã cùng một dải non sông
Lại chung một gốc Lạc Hồng thiêng liêng
Bốn trăm năm lẻ tiếp liền
Một dòng họ Mạc kết liên trăm dòng
Máu trên máu dưới rặt ròng
Cả mười ba lớp tươi dong một mầu
Cảnh tình nghiệt ngã đến đâu
“Bỏ chân” có thể “bỏ đầu” quyết không(**)
Đêm trường đã hé rạng đông
Bừng soi oan khuất cộng đồng Mạc gia
Bốn phương sum tụ một nhà
Đông đầy tôn tử vinh ca cội nguồn
Sau lưng vừa khép cung buồn
Rộn ràng trước mặt mở khuôn nhạc đời
Tiếng kèn vang khắp nơi nơi
Đồng tâm hiệp lực nâng trời đất lên
Tìm về quá khứ không quên
Phát huy truyền thống xây nền tương lai
Mạc gia rèn đức luyện tài
Nguyện cùng trăm họ ghé vai sơn hà!
_________________
(*) Từ những năm cuối thế kỷ 16, con cháu nhà Mạc phải đổi sang rất nhiều họ khác để tồn tại và phát triển.
(**) Con cháu họ hàng nhà Mạc phải li tán, mai danh ẩn tích, ở nhiều vùng, nhiều miền đất lạ, đổi thành nhiều họ, hoặc theo họ mẹ, hoặc theo họ của bố nuôi, hoặc theo họ của địa phương cư trú, hoặc theo điều kiện sinh hoạt… nhưng đều giữ một quy ước chung để sau này tìm nhau. Quy ước đó có nơi ghi rõ trong gia phả, có nơi chỉ truyền miệng. Đó là “khử túc bất khử thủ” (bỏ chân không bỏ đầu). Ví như chữ Mạc bỏ nét ngang ở chữ Đại dưới chân, đưa lên thành chữ Hoàng, tức là bộ thảo đầu vẫn giữ. Đó là dùng chữ Đăng làm tên đệm, ví như: Hoàng Đăng…, Thạch Đăng… Quy ước thứ hai này về sau cũng không bắt buộc giữ vì lẽ đó.
TIẾNG SÓNG VANG BIỂN TRỜI TỔ QUỐC
Ngoài bão tố không năm nào không có
Sóng cả gió to quăng quật tơi bời
Đến hàng trăm hiểm họa lên từ biển
Quái- mặt- người phun cái chết như chơi
Vì Tổ quốc cùng mẹ Tiên lên núi
Nhai lá rừng thao thức với Trường Sơn
Theo cha Rồng cũng vì yêu Tổ quốc
Xuống biển Đông canh sóng dữ chập chờn
Ơi Tổ quốc, trên ba ngàn mắt đảo
Quyết không cho quân giặc thoát tầm nhìn
Ngay cả lúc mịt mù sương che khuất
Bấc cạn dầu lấy máu thắp niềm tin
Hoàng Sa, Trường Sa tươi ròng xương thịt
Nước non này quyết không thể nhường ai
Đã thề giữ từng ngọn cây tấc đất
Không lẽ ngồi suông nghe gió thở dài
Vâng lệnh vua đội hùng binh thuở trước
Chẳng nề một đi mãi mãi không về
Một sắc chỉ trăm năm tươi màu mực
Đâu phải là chuyện ngủ mớ nói mê
Con mực con chuồn Lý Sơn còn đó
Cua đá tôm càng Cồn Cỏ vẫn đây
Dải- cát- dài ngấm mồ hôi ngấm máu
Lính đảo xa căng ngực trẻ mặn đầy
Biển vẫn thế chưa bao giờ ngưng lặng
Trăm ngàn nguy cơ tiềm ẩn rập rình
Ơi những cánh buồm mỏng manh cánh én
Yêu Tổ quốc mình chẳng ngại hy sinh
Cột mốc chủ quyền bê- tông trên đảo
Đã khắc vào chuyện cổ tích nắng mưa
Những ngư dân – cột mốc người chân thật
Cưỡi sóng to chém kình ngạc dối lừa
Trời Tổ quốc đâu cũng mây Yên Tử
Biển quê hương đâu cũng sóng Bạch Đằng
Vì bốn bể thanh bình ta nhỏ nhẹ
Đâu phải vì khiếp nhược trước hung hăng
Ơi những hóa thân Thiên Vương Phù Đổng
Hậu duệ vàng của Bà Triệu Bà Trưng
Vì độc lập tự do vì an nguy đất nước
Ngọn đuốc thiêng rừng rực cháy không ngừng
Tiếng sóng âm vang biển trời cao rộng
Lửa phaken giăng mắc điện Nhà Giàn
Thềm lục địa neo chủ quyền Tổ quốc
Không thế lực nào có thể lấn sang
Từ mất mát đến huy hoàng chiến thắng
Quá khứ oai hùng hiện tại vinh quang
Một dân tộc thẳng đường ra tận biển
Còn sợ chi lũ yêu quái cắn càn
88 triệu trái tim cùng nhịp đập
88 triệu vòng tay kết lại một vòng
Cung- chính- nghĩa nỏ- quật- cường đã giương căng hết cỡ
Gian giảo thế nào trăn tinh đại bàng sớm muộn cũng tiêu vong!
NGUYỄN NGỌC HƯNG
Đội 10, thị trấn Chợ Chùa
huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi
ĐT: 055.3861.312
Email: nguyenngochung204@yahoo.com
Số tài khoản: 0271000707808 – Chi nhánh Vietcombank Quảng Ngãi.
Viết bình luận
Tin liên quan
- Thơ dự thi: “Hướng về nguồn cội”
- Thơ dự thi “Hướng về nguồn cội” (17/12/2013)
- Thơ dự thi “Hướng về Nguồn cội”
- Chùm thơ dự thi “Hướng về nguồn cội”
- Thơ dự thi “Hướng về nguồn cội”
- Chùm thơ dự thi Hướng về nguồn cội” (10/12/2013)
- Thơ dự thi “Hướng về nguồn cội” (09/12/2013)
- THƠ DỰ THI “HƯỚNG VỀ NGUỒN CỘI” (06/12/2013)
- Chùm Thơ dự Thi “Hướng về nguồn cội”
- Chùm thơ dự thi “Hướng về nguồn cội”(03/12/2013)
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.