- Đang online: 2
- Hôm qua: 474
- Tuần nay: 13367
- Tổng truy cập: 3,376,977
Sư Nam Thượng – Một nhà sư yêu nước
- 1322 lượt xem
Trong tập thơ văn yêu nước chống thực dân Pháp ở Thái Bình (xuất bản năm 1997), có viết: sư Năm Thượng, Phật hiệu là Thích Thanh Huy, không biết tên thật và quê quán ở đâu, chỉ biết sau đêm 15 tháng 12 năm 1897 cùng nghĩa quân nổi dậy khởi nghĩa, ông không trở về nữa. Nhưng sự kiện đó đến nay đã được xác minh, tên ông là Nguyễn Công Cảo, con ông Nguyễn Trung Chất, người thôn Nam Thọ, xã Cát Hộ, tổng Cát Hộ, huyện Thanh Lan, phủ Thái Ninh (nay là thôn Nam Thọ – xã Đông Thọ- huyện Đông Hưng- tỉnh Thái Bình). Ông vón gốc họ Mạc.
Nguyễn Công Cảo sinh ra trong một gia đình nho giáo có truyền thống yêu nước. Đi tu từ thủa nhỏ, sau đỗ hoà thượng lấy pháp danh là sư Nam Thượng (tên chữ đầu của hai thôn Nam Thọ và Thượng Đạt là quê hương của ông). Ông tu ở chùa Lộ Vị, tổng Cổ Quán, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng (nay là thôn Lộ Vị, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình).
Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, năm 1885 vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, ông tham gia vào phong trào văn thân cùng các ông Tạ Hiện, Lãnh Hoan, Bang Tốn, sư Thiền Quang ở Thái Ninh, sư Neo ở Thanh Miện- Hải Dương. Năm 1885 nghĩa quân vây đánh phủ Bo (lúc đó tỉnh Thái Bình chưa thành lập, phủ lỵ Thái Bình ở làng Bồ Xuyên là làng Bo), ông tích trữ được một ngàn phương thóc để cung cấp lương thực cho nghĩa quân. Trong thời gian này thực dân Pháp đàn áp phong trào Văn thân rất khốc liệt. Cuối năm 1888 vua Hàm nghi bị bắt, chúng đưa đi an tri ở Angiêri, phong trào tạm lắng xuống. Sư Nam Thượng còn tham gia phong trào Kỳ Đồng ở Thái Bình do sư Thụ (tên thật là Nguyễn Thái Phúc) quê ở huyện Bình Lục- tỉnh Hà Nam, tu ở chùa Lãng Đông (nay là xã Trà Giang huyện Kiến Xương) làm thủ lĩnh. Năm 1887 xảy ra sự kiện 100 người giương cờ “thiên binh thần tướng” rước Kỳ Đồng vào thành Nam Định. Để ly gián, Pháp đã đưa Kỳ Đồng đi du học ở Angiêri. Năm 1896 về nước ông không làm việc cho Pháp mà đi khai khẩn đồn điền ở chợ Kỳ, Yên Thế, Bắc Giang, liên lạc với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, đồng thời phát động phong trào khởi nghĩa vũ trang ở các vùng duyên hải Bắc Bộ, với khẩu hiệu Bình Tây diệt Nguyễn. Kỳ Đồng tên thật là Nguyễn Văn Cẩm quê ở xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, được dân chúng ngưỡng mộ tôn xưng là Kỳ Đồng, là “thân nhân cứu thế”. Tên xã ngày nay là tên ông.
Tháng 12 năm 1897 nông dân ở các tỉnh Hải Dương, Kiến An, Hải Phòng đều nổi dậy khởi nghĩa. Đêm 15-12-1897 nghĩa quân Thái Bình có khoảng từ 200-300 người, vũ khí là gươm, giáo, mác, gậy từ các ngả tiến vào thị xã. Cánh quân do sư Thụ chỉ huy đi theo đê sông Trà Lý vào thôn Luật Trung đốt nhà tên Trần Văn Khiêm (nguyên là tri huyện hợp tác với Pháp đàn áp Văn thân), phá kho thóc nhà hắn chia cho dân rồi vào thị xã cùng với Lãnh Chuẩn chỉ huy đánh vào dinh công sứ David (Davít). Nghĩa quân reo hò xông vào phá hàng rào, phá cổng, lính canh nổ súng chống lại, nghĩa quân vẫn hăng hái xông lên giữa tiếng chiêng trống cổ vũ của nhân dân hai bên hàng phố. Một cánh quân khác tiến đánh dinh tuần phủ Vương Hữu Bình, tên này không dám chống cự, chỉ sai lính bắn loạn xạ. Cuộc chiến đấu ở dinh công sứ diễn ra rất ác liệt, nghĩa quân không chiếm được dinh. Quân tiếp viện do viên giám binh Littaye (Littaye) đến giải vây, đánh vào sau lưng nghĩa quân nên hàng ngũ rối loạn phải rút chạy. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt. Sáng ngày 16-12-1897 Pháp đem quân vây thôn Kỳ Bá bắt được sư Thụ và hai nghĩa quân. Ngày 20-12-1897 chúng giải 50 nghĩa quân, trong đó có 21 nhà sư, về chém ở thôn Kỳ Bá. Chúng lấy cọc tre bêu đầu để uy hiếp nhân dân. Đêm hôm đó nhân dân thôn Kỳ Bá bí mật thu nhặt các thi hài nghĩa quân đem chôn cất. Sư Nam Thượng thoát khỏi cuộc vây ráp ở thị xã Thái Bình rút về ẩn ở chùa Nẻ thôn Thượng Đạt (nay thuộc xã Đông Dương huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình). Biết không thể thoát khỏi sự truy lùng của giặc Pháp và bè lũ tay sai, quyết không để rơi vào tay giặc, ông xếp một đống củi, châm lửa đốt rồi nhảy vào tự thiêu. Nhân dân trong vùng cảm phục tấm lòng yêu nước, kiên trung, bất khuất của sư Nam Thượng đã cùng họ Nguyễn Công đem chôn hài cốt của ông ở sau chùa Nẻ, sau đó xây một tháp gạch Bát Tràng lên phần mộ của ông (tháp này hiện nay vẫn còn ở sau chùa). Ông Nguyễn Năng- bạn của sư Nam Thượng đã làm bài thơ ca ngợi sư Nam Thượng; gần đây được đăng trong tập thơ văn yêu nước chống pháp của tỉnh Thái Bình, để mọi người thấy rõ sự nghiệp của một nhà sư yêu nước thế kỷ XIX.
Bùi Đăng Uyển
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ
- FOSBER TÔN VINH 50 PHỤ NỮ ẢNH HƯỞNG NHẤT VIỆT NAM
- HỌ CÙ GỐC MẠC HUYỆN THỦY NGUYÊN, HẢI PHÒNG
- Cụ HOÀNG TRẦN TRỰC VÌ SỰ NGHIỆP CHUNG TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN
- Gương sáng dòng họ Hoàng Giáp – Tiến sỹ Nguyễn Đặng Huân
- Mãi mãi ngợi ca “Sự nghiệp trồng người”
- Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất (1739-1769)
- Phạm Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII
- Mạc Thiên Tứ – Người đặt tên cho mười cảnh đẹp ở Hà Tiên
- Dấu ấn tao đàn Chiêu Anh Các
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.