- Đang online: 2
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 19661
- Tổng truy cập: 3,370,220
Phạm Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII
- 3518 lượt xem
1. Phạm Nguyễn Du vốn tên là Phạm Vĩ Khiêm, hiệu là Thạch Động, Dưỡng Hiên. Ông sinh năm 1739 trong một gia đình nhà nho tại làng Thạch Động, tổng Đặng Điền, huyện Chân Lộc, nay là xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An
Phạm Nguyễn Du cất tiếng khóc chào đời giữa lúc phong trào nông dần Đàng Ngoài đang diễn ra quyết liệt tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa.
1738 – 1770: Khởi nghĩa Lê Duy Mật.
1738 – 1770: Khởi nghĩa Hoàng Công Chất.
1738 – 1770: Khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương.
1738 – 1770: Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu.
Xứ Nghệ quê hương ông từng là đại bàn hoạt động của các thủ lĩnh Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Diên và Lê Duy Mật.
Tổ tiên ông vốn họ Mạc, gốc ở Hải Dương, chạy loạn vào Nghệ An thay tên đổi họ sau khi nhà Mạc bị lật đổ. Gia đình ông vốn là một gia đình gia giáo. Văn bia nhà thờ họ Phạm do chính Phạm Nguyễn Du soạn cho biết đôi nét về cha mẹ ông (bản dịch): “Năm Nhâm Tý (1732), cha ta đi thi Hương không đậu, thế là ông trở về sống thanh bần, hiền lành, trung hậu, hoà thuận với mọi người ở quê nhà. Sáng dạy học trò, chiều vác cuốc thăm đồng. mẹ ta người họ Nguyễn rất cần cù, tiết kiệm, mến khách. người Diễn Châu thường đi lánh nạn qua thôn ta. Đối với những người có học thức, mẹ ta thường mời về ở. Đối với những người nông dân già yếu, mẹ ta lo lắng việc ăn uống chu đáo, chưa bao giờ kể công. Mẹ ta là người con dâu hiếu thảo cúng tế tổ tiên, thờ phụng cha mẹ thành tâm. Mẹ thường nói với ta rằng: Công đức của ông bà tổ tiên rất to. Sau này con lớn lên phải lo cúng tế chu đáo và phải truyền cho con cháu đời sau biết điều đó” (1, 290-291).
Lớn lên trong bầu không khí gia đình ấm cúng và nền nếp đó, Phạm Nguyễn Du sớm phát triển đầy đủ tài năng và tính cách của mình.
Năm 1772, giữa lúc phong trào nông dân Đàng Ngoài tạm thời lắng xuống, Phạm Nguyễn Du đậu giải nguyên. Năm 1775, “do thế gia vọng tộc, ông được tiến triều làm thiên sai tri hình thiên” (5,136) rồi được chúa Trịnh Sâm tin dùng, sau cùng với Ngô Thì Sĩ, Ninh Tốn, Nguyễn Sá soạn bộ Quốc sử tục biên chép việc từ năm đầu Vĩnh Trị (1676) đến cuối năm Vĩnh Hựu (1740). Ông bước vào hoạn lộ lúc tập đoàn Lê – Trịnh Đàng Ngoài đã đàn áp xong các cuộc khởi nghĩa nông dân, nhưng ở Đàng Trong phong trào Tây Sơn bùng nổ từ năm 1771 đã kiểm soát được một vùng rộng lớn từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.
Thời đại Phạm Nguyễn Du là một thời đại hết sức sôi động trong lịch sử dân tộc. các tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh Đàng Ngoài và Nguyễn ở Đàng Trong đang lên cơn sốt trầm trọng, ý thức hệ Nho giáo khủng hoảng sâu sắc. Đội ngũ tri thức nho sĩ đứng trước một thực tế đất nước năm bè bảy mối. Mỗi người có một cách lựa chọn riêng, một cách định hướng cuộc đời riêng do điều kiện lịch sử quy định. Tất nhiên, có những nét chung làm nên sự lựa chọn ấy. Nằm trong số đông theo sự an bài của số phận, Phạm Nguyễn Du không mấy băn khoăn về sự khác biệt giữa vua Lê và chúa Trịnh, ông chỉ một lòng đèn sách, hăm hở lập công danh. Hoạn lộ của ông khá thông hanh: sau khi đậu Hội nguyên Hoàng gia 1779, ông được bổ làm giám sát ngự sử đạo Hải Dương sau đổi làm đốc đồng Nghệ An (chức quan cấp trấn bậc phó thuộc văn ban, lo việc xét xử, án kiện giúp việc trấn thủ).
Khi quân Tây Sơn kéo ra Bắc, ông lẩn tránh ở vùng rừng núi Thanh Chương. Cũng có tài liệu nói ông mộ quân chống Tây Sơn nhưng không thành rồi mất (5,316). Dẫu sao cái chết cũng biểu hiện tấm lòng ngu trung của ông không thể được hậu thế tán thưởng, mặc dù có sắc phong thần của ông rước voi giầy mả tổ Lê Chiêu Thống ngày 20-3-1787 (dịch) “Sắc phong cho Tiến sĩ Phạm Nguyễn Du, hiệu là Đạm Hiên, quê ở núi Tiên, chức vụ hàn lâm thị độc – Phạm Nguyễn Du là người liêm khiết trong trắng, trung thực, hiền lành được dân làng thờ cúng ngưỡng mộ, tiếng thơm lưu truyền muôn thưở. Nay phong Thần lượng Đại vương” (7, 291).
Nhưng hậu thế rất ngưỡng mộ Phạm Nguyễn Du với tư cách một ông quan thương dân, một nhà thơ hiện thực sâu sắc.
2. Lúc giúp việc cho Hoàng Ngũ Phúc ở Thuận Hoá (1775), Phạm Nguyễn Du sáng tác “Nam hành ký đắc tập”, tập thơ thể hiện nỗi bất hạnh của nhân dân. Trong bài Đồ gian ngẫu ký (Ngẫu nhiên ghi lại cảnh đi đường), ông viết:
Cổ đạo phong cao hoàn cát thiểu
Hoang đình nhật một khốc thanh đa
Hướng thuỳ đặc đạo Ô châu địa
Khước ngoạ cơ dân bất hoạ tha
(Đường cũ gió lộng thấy ít người mặc áo lành,
Nơi đình hoang xế chiều nghe nhiều tiếng khóc
Vẽ cảnh đất Ô châu thì nhằm vào ai
Nếu bỏ đám dân đối ra không vẽ đến họ) (3, 164)
Nhìn cảnh dân cư tan tác sau những cơn binh hoả, nhà thơ ngậm ngùi
Tiên niên thành thị dạ hà như
Thặng kiến tiêu điều đoạn lạc lư
Môn tích hàn trần gieo cách thảo
Nhân hi bảo sắc bán mi sơ
(Năm xưa quanh cảnh thành thị này là thế nào
Nay chỉ thấy mấy túp lều lẻ loi xơ xác
Cửa đầy bụi lạnh trùm cỏ xanh lẫn xương khô
người ít vẻ no vì ăn nửa cháo, nửa rau…)
(Bài Cám cư dân tán lạc).
Đứng trên lập trường của một vị quan triều Lê – Trịnh, Phạm Nguyễn Du lên án gắt gao các chúa Nguyễn.
Nguyễn gia sáng tạo thử dài lâu
Bình cách chu dư thượng hoán tai
Nhĩ đống nhĩ lương thù khả quý
Dân cao dân cốt tối kham ai
(Họ Nguyễn là người sáng tạo ra lâu đài này,
Sau cơn binh lửa hãy còn lộng lẫy thay
Cột của người, rường của người, kể cũng đáng quý đấy
Nhưng mỡ của dân, xương của dân lại rất đáng thương)
(Bài Kiến nguyễn thị đi cung)
Tức Thấy cung nữ của họ Nguyễn) (3, 166)
Những dòng thơ như thế để lại dấu ấn khó phai mờ góp phần xác định vị trí của Phạm Nguyễn Du trong khuynh hướng thơ văn hiện thực nhân đạo Việt Nam thế kỷ XVIII. Nhưng đóng góp của ông không chỉ có thế, Phạm Nguyễn Du còn là nhà thơ tài tử độc đáo, góp “một tiếng khóc lạ trên thi đàn Việt Nam trung đại (10, 177).
3. Thời đại Phạm Nguyễn Du sống là thời đại xuất hiện những yếu tố kinh tế đô thị và đời sống văn hoá tinh thần đô thị. Kinh tế hàng hoá phát triển tác động sâu sức đến tâm tư tình cảm các tầng lớp dân cư “Tư tưởng thị dân đòi hưởng lạc, đòi hỏi hạnh phúc, chống lại thói an bần lạc đạo xuất hiện, và trở thành xu thế chính. Các tài tử ra đời để thay thế các quân tử, các trượng phu, là những người độc chiếm văn đàn trước đây… Con người quân tử bị chế giễu, đạo đức sống khắc kỷ phục lễ bị mạt sát. Một trào lưu tư tưởng mới manh nha trong lòng những chàng trai tài giỏi nhất của thời đại (6, 45).
Khác với các nhà thơ tài tử cùng thời và cùng quê hương xứ nghệ với ông như Nguyễn Hữu Chỉnh (1741-1787), Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Phạm Nguyễn Du chỉ sáng tác bằng chữ Hán. Chỉ có một bài thơ Nôm được truyền tụng ở dạng thoại ông làm lúc còn là cậu học trò nghịch ngợm ở Quốc Tử giám.
Chạy lại xem ta thử chút nào
Bõ công rày ước với mai ao
Nghiêng con mắt phượng trông vành nguyệt
Uốn cánh tay lên nắn nhị đào
Bài này khá phù hợp với tính tình phóng khoáng của ông bộc lộ trong văn chương. Danh sĩ Bắc Hà Ngô Thì Nhậm (1746-1802) từng nhận xét về văn chương ông : “Như thuyền không lái, như ngựa bất kham, khí phách sắc sảo, lời lẽ hùng hồn nhưng không có cốt cách vững chắc – bản chất và tâm tính ông cũng thế. Vì vậy gọi là kẻ sĩ giỏi văn thì được chứ gọi là kẻ sĩ “bác văn ước lễ (học rộng và tóm tắt lại bằng lễ) thì không được” (9, 70). Còn nhà văn Phạm Đình Hổ (1768-7839) thì cho biết thêm “Khi Trịnh Sâm tổng thống quốc chính, có ông Phạm Vĩnh Khiệm (một tên khác của Phạm Nguyễn Du – HSH chú) có tiếng là người học giỏi được chúa biết đến. Nhưng ông ấy khi nhỏ hay khí khái trái ngược với đời, các quan chủ khảo ở lễ vi hễ thấy quyển thì đánh hỏng…” (1, 77)
Văn chương và tính cách Phạm Nguyễn Du cũng là văn chương và tính cách chung của nho sĩ xứ Nghệ thời ấy. Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828) đã từng nhận xét: “Văn chương người Nghệ An phần nhiều mạnh mẽ mà cứng cỏi, ít bóng bẩy. Vì rằng văn chương là tiếng nói của lòng, khí chất con người như thế phát ra lời văn cũng thế” (5, 215). Có thể lấy hai câu thơ khẩu chiếm của Phạm Nguyễn Du lúc ông sắp mất để minh chứng cho nhận xét này.
Dĩ hĩ anh hùng vô dụng võ
Quả nhiên thiên ý táng tư văn
(thôi rồi anh hùng không còn đất dụng võ
Quả là ý trời làm mất “tự văn”)
Nhưng cống hiến lớn nhất của nhà thơ tài tử Phạm Nguyễn Du lại bộc lộ ở tập Đoạn trường lục, được ông sáng tác trong khoảng thời gian 3 tháng kể từ ngày đưa linh cữu người vợ trẻ xuống thuyền về quê cho đến khi trở lại kinh đô. Vợ ông là chị ruột danh sĩ Nguyễn Hữu Chỉnh và là một phụ nữ tài sắc. Cái chết quá trẻ của bà đã gây đau thương lớn cho bao người thân. Nguyễn Hữu Chỉnh đã viết bài văn tế chị bằng chữ Nôm xiết bao cảm động:
“…Thương thay chị, mới hai mươi chín tuổi, cũng là kiếp hoá sinh. Gửi mình vào tài tử 13 năm, đã sống 1 lời nguyền cay đắng có nhau, mà vinh hiển bao giờ chưa được thấy. Rơi máu ở nhân gian năm bảy bận, chỉ còn 2 chút gái, vả sữa măng đường ấy dù trưởng thành ngày được cũng bằng không” (3, 236)
Còn Phạm Nguyễn Du thì cay đắng nghĩ đến những ngày còn lại một thân một mình thui thủi:
Ta ngã hoà nương thị nhất phân
Như là tương hợp cự tương phân
Nương huề nhất bán thanh hương khứ
Lưu ngã si cuồng nhất bán thân
(Đề minh tinh hậu diện nhất tuyệt)
Nghĩa là:
Ôi, tôi với nàng chỉ là một người
Sao đang sum họp cùng nha lại chia lìa như thế?
Nàng đem một nửa là hương thơm thanh sạch đi rồi,
Còn một nửa là thân tôi như điên như dại ở nơi này
(Một bài tuyệt đề trên cái minh tinh, tức miếng lụa ghi tên họ người chết để trên bàn thờ)
Mối tình giai nhân tài tử ngắn ngủi giữa ông và vợ ông day dứt cả đời thực cả trong cõi mộng. Nửa đêm gối bên quan tài nửa thức, nửa ngủ ngẫu nhiên thành thơ (Dạ bán châm quan thuỵ bán ngẫu đắc)
Hình hài vị viễn, duy vân tử
Mộng mị tương phùng cộng thị tiên
Tự cổ giai nhân, tài tử sự
Thuỳ tương nhất nhất vấn thương thiên
Nghĩa là:
Hình hài chưa hề xa, ai bảo là đã chết
Mơ mộng gặp nhau điều ấy cũng là tiên cả
Từ xưa, nhân duyên của người giai nhân với người tài tử
Nào có ai hỏi trời xanh rõ ràng được (10, 177-178)
Tình cảm chân thành, nỗi đau đứt ruột trước cái chết của người vợ trẻ đẹp đã giúp ông viết được những bài thơ khóc vợ đặc sắc hiếm có trong thơ chữ Hán trung đại.Xin dẫn nguyên văn bài thứ 3 trong “Sơ ngũ nhật trực Đoan ngọ tiết, tế sinh vi lễ, nhân thành tam biệt” (ngày mùng 5 gặp tết Đoan ngọ, giết súc vật làm lễ, nhân đó làm 3 bài luật)
Hương hồn kim nhật định thuỳ ngô
Tỉnh bất tương phùng, mộng hữu vô
Sử ngã tất sinh, khanh tất tử
Hạp dư vi phụ, nễ vi phu
Giang sơn bất khả mai sầu hận
Thiên địa hà như kiệm lạc ngu
Tâm sự độc tri hoàn độc tiếu
Thăng thương bôi tửu phụ ô hô
Nghĩa là:
Hương hồn hôm nay nhất định là theo ta
Tính đã không gặp gỡ mà mộng cũng lại không
Khiến ta tất phải sống, nàng tất phải chết
Sao chẳng để ta làm vợ, nàng làm chống
Núi sông không thể chôn nỗi sầu hận
Nỗi lòng một mình mình biết rồi lại một mình mình cười
Ngoài ra, đành đem chén rượu để cho tiếng than (10, 179)
Đôi câu đối của ông treo trước bàn thờ vợ cũng cùng tình cảm cảm động ấy
Hốt tầm Đông xá, Tây lân, hoặc hữu nương hề, giai viết bất
Thí vấn Nam tào, Bắc đẩu, kỳ vi Khiêm dã, đinh hà như?
(Chợt tìm Đông xá, Tây lân, hoặc có nàng chăng, đều nói chẳng
Ví hỏi Nam tào, Bắc đẩu, hay còn Khiêm đó, định làm sao?)
Có thể hậu thế hoàn toàn không tán thành cách ứng xử của Phạm Nguyễn Du, nhất là kết cục bi kịch của đời ông nhưng những gì mà Phạm Nguyễn Du để lại trong các tác phẩm nhất là “Nam hành ký đắc tập” và “Đoạn trường lục” mãi nhận được sự đồng cảm của bạn đọc. Tên tuổi của Phạm Nguyễn Du sống mãi trong lòng nhân dân xứ Nghệ quê hương, sống mãi trong lòng đất nước. Ông mãi mãi có vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học Việt Nam, lịch sử văn hoá Việt Nam.
ThS.GVC.Hồ Sĩ Huỳ
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ
- FOSBER TÔN VINH 50 PHỤ NỮ ẢNH HƯỞNG NHẤT VIỆT NAM
- HỌ CÙ GỐC MẠC HUYỆN THỦY NGUYÊN, HẢI PHÒNG
- Cụ HOÀNG TRẦN TRỰC VÌ SỰ NGHIỆP CHUNG TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN
- Gương sáng dòng họ Hoàng Giáp – Tiến sỹ Nguyễn Đặng Huân
- Mãi mãi ngợi ca “Sự nghiệp trồng người”
- Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất (1739-1769)
- Mạc Thiên Tứ – Người đặt tên cho mười cảnh đẹp ở Hà Tiên
- Dấu ấn tao đàn Chiêu Anh Các
- Gương sáng họ Bùi Đăng
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.