- Đang online: 4
- Hôm qua: 781
- Tuần nay: 12696
- Tổng truy cập: 3,388,976
Những khám phá bất ngờ ở thành cổ Hoà Bình
- 746 lượt xem
Những khám phá bất ngờ ở thành cổ Hoà Bình
Trong thành cổ có nền lát đá và chôn nhiều hũ mật… Bảo tàng tỉnh Hòa Bình sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật nhằm làm rõ nguồn gốc lịch sử về ngôi thành cổ này.
Nền lát đá xanh và những hũ mật mía tồn tại đến giờ
Ngoài tên gọi là “thành nhà Mạc”, ngôi thành cổ bí ẩn ở thôn Bá Lam 2, xã Cao Thắng (Lương Sơn, Hòa Bình) còn được người dân gọi bằng những tên khác như: Tỉnh đạo, thành quan đạo.
Hiện nay, thành cổ chỉ còn lại cổng phía Tây là khá nguyên vẹn, xây trên gạch dày. Cổng phía Nam còn sót lại dấu tích rộng khoảng 3m, phần tường thành bị đổ còn sót lại cao khoảng hơn 2m. Hai cổng phía Đông và Bắc đã bị phá bỏ, chỉ còn lại dấu tích là nền đá tổ ong.
Theo anh Lương Đình Thái, người đang nhận thầu lại diện tích đất trong thành cổ để canh tác, thì vị trí cổng thành phía Bắc của ngôi thành cổ nằm ngay ở phía sau vườn nhà mình. Trong khi đào móng làm nhà, anh đã phát hiện bên dưới là nền đá ong được lát khá bằng phẳng.
Ông Trần Văn Sản (75 tuổi, cán bộ coi kho xăng dầu T8 của quân đội) cho biết: “Năm 1987, kho xăng dầu T8 của quân đội đóng trong thành cổ bắt đầu chuyển đi. Năm 1990 thì chuyển hoàn toàn và bàn giao lại cho chính quyền xã quản lý. Xã đã cho các hộ dân đấu thầu diện tích đất trong thành để canh tác. Nhiều hộ dân khi làm nhà và đào ao đã đào được rất nhiều các chum, vò, hũ và các hiện vật gốm sứ như bát, đĩa”.
“Đặc biệt là trong số những chum, vò và hũ đào được nói trên có nhiều hũ lớn đựng đầy mật mía. Mật trong hũ vẫn còn nguyên và chỉ bị khô lại. Khi nếm thử vẫn còn vị ngọt như mật bình thường”, ông Sản cho biết.
Trong khi đó, cụ Nguyễn Thị Líu (83 tuổi, trú tại thôn Bá Lam 2, xã Cao Thắng) cho biết: “Trước năm 1960 trong thành cổ còn có 10 nền nhà, mỗi nền rộng khoảng 100m2. Ngoài ra còn có khoảng 10 chân cột bằng đá, có cái còn có hoa văn. Dưới nền nhà được lát bằng những khối đá xanh có kích thước khoảng 0,5×0,6m. Những nền nhà này được phân bố ở giữa thành và sát bốn bên cổng thành”.
“Năm 1965, khi kho xăng dầu T8 của quân đội chuyển về đóng trong thành thì các nền đá nói trên mới bị dỡ bỏ. Người dân xung quanh đã lấy những khối đá lát nền về sử dụng như làm cầu ao, xây tường nhà,… Đến nay thì dấu tích các nền đá nói trên không còn nữa”, cụ Líu cho biết thêm.
Phát hiện chân cột đá
Theo Tiến sĩ Vũ Thế Long, nguyên Trưởng ban nghiên cứu Con người và Môi trường (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam) thì những hũ mật chôn dưới đất mà người dân phát hiện nói trên rất có thể được người xưa sử dụng để pha trộn làm vữa khi xây dựng công trình kiến trúc trong ngôi thành này.
Căn cứ vào lời kể của cụ Líu và một số cụ cao niên ở địa phương, chúng tôi đã tiến hành tìm kiếm tại các vị trí được cho là nền nhà bằng đá trước kia nhưng hầu hết tất cả đã bị người dân san lấp để làm đất canh tác.
Tuy nhiên, tại vị trí phía Bắc của thành, cách dấu vết tường thành khoảng 20m, chúng tôi đã phát hiện ra một khối đá hình vuông, khi lật mặt kia lên thì đó là một chân cột bằng đá. Chân cột đá được phát hiện có kích thước khoảng 50×50, giữa có hình tròn nhô cao được mài nhẵn để đặt trụ.
Căn cứ vào kích thước và hình dáng cũng như vị trí được phát hiện, Tiến sĩ Vũ Thế Long cho rằng: “Đây có thể là chân cột đá còn sót lại từ nền nhà lát đá xưa mà cụ Líu đã nói đến. Chân cột đá không có hoa văn nên việc xác định thuộc triều đại nào gặp một số khó khăn nhất định”.
“Tuy nhiên qua đó cũng chứng minh được rằng trước kia trong thành cổ này đã từng tồn tại công trình kiến trúc như nhà cửa, sân tường,… Vì lý do nào đấy mà công trình kiến trúc nói trên đã bị phá hủy. Nếu tiến hành khai quật thì có thể vẫn tìm ra dấu tích còn sót lại bên dưới lòng đất”, TS Vũ Thế Long cho biết thêm.
Sẽ tiến hành khai quật để làm rõ
Đối với nguồn gốc lịch sử ngôi thành cổ ở Lương Sơn (Hòa Bình), Tiến sĩ Lại Văn Tới, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành Việt Nam (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết: Do chưa trực tiếp khảo sát về ngôi thành cổ này nên chưa thể đưa ra nhận xét ngôi thành nói trên thuộc thời nào.
Về ý kiến có người cho rằng có thể dựa vào những dấu hiệu đặc trưng của thành nhà Mạc để so sánh, đối chiếu, với thành cổ ở Lương Sơn (Hòa Bình), Tiến sĩ Lại Văn Tới khẳng định: “Không thể làm được điều đó. Rất khó có thể đưa ra những đặc trưng cơ bản theo kiểu “dấu hiệu nhận biết” cho thành nhà Mạc”.
“Việc xây thành khi ấy chủ yếu dựa vào điều kiện địa hình, kinh tế – xã hội của từng vùng. Ví dụ thành nhà Mạc xây ở miền xuôi thì khác với miền núi, thành xây ở Hải Phòng thì khác với thành xây ở Tuyên Quang,… Nói chung, kích thước, kiểu dáng, quy mô thành xây dựng phụ thuộc vào đặc điểm của mỗi vùng…”, TS Lại Văn Tới cho biết thêm.
Qua tìm hiểu được biết, năm 1995, ngôi thành cổ này đã được Bảo tàng tỉnh Hòa Bình tiến hành kiểm kê và đưa vào danh mục di tích của tỉnh với tên gọi là thành nhà Mạc.
Năm 1998, UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định bảo vệ di tích số 17/198/QĐ–UB về việc bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có ngôi thành cổ này. Đến năm 2000, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đã đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia, nhưng chưa được chấp nhận vì thiếu các tài liệu sử sách liên quan đến ngôi thành.
Ông Lê Quốc Khanh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hòa Bình cho biết: “Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đã từng tiến hành nghiên cứu khảo sát di tích thành cổ ở xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn. Tuy nhiên, qua những lần khảo sát nói trên chúng tôi vẫn chưa xác định được thành được xây dựng vào thời gian nào, thuộc triều đại nào vì thiếu các tư liệu lịch sử”.
Về tên gọi là thành nhà Mạc, ông Khanh khẳng định: “Đó chỉ là tên gọi theo kiểu truyền miệng trong người dân mà thôi, không có cơ sở khoa học. Đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm ra tư liệu sử sách nào có liên quan đến ngôi thành cổ nói trên. Vì vậy chúng tôi cũng chưa thể khẳng định đó là thành nhà Mạc”.
Ngoài ra, cũng theo ông Khanh, năm 2013, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật nhằm làm rõ nguồn gốc lịch sử về ngôi thành cổ này.
Về ngôi nhà hoang ở trong ngôi thành cổ, đại diện UBND xã Cao Thắng cho biết đó là của chủ dự án kinh doanh du lịch sinh thái kiểu nhà vườn. Do hết hạn hợp đồng thuê đất nên chủ nhà đã chuyển đi. Hiện nay toàn bộ đồ đạc cũng đã được chuyển hết.
baodatviet.vn
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.