- Đang online: 3
- Hôm qua: 958
- Tuần nay: 20708
- Tổng truy cập: 3,371,592
NGUYỄN THIÊU SẮC
- 326 lượt xem
NGUYỄN THIÊU SẮC
Truyện ngắn của Nguyễn Quang Tình
Tôi và Thiếu cùng sinh một năm ( nghe mẹ tôi và mẹ nó bảo là đẻ vào cái năm cải cách) hai đứa lớn lên và cùng đi học một thầy giáo gọi là ông Hương Sư, quê tôi tránh tên tục nhà Thánh nên không gọi là Hương mà gọi chệch đi là Nhang Sư. Một vùng quê có cả nông nghiệp lẫn nghề thủ công như mây tre đan. Nghề thợ mộc và nghề thợ ngõa ( nề ), con trai và đàn ông hàng năm vác cưa đục, dao bay đi khắp nơi kiếm tiền về nuôi vợ con. Tôi và nó được gia đình nuôi cho ăn học đầy đủ, mặc dù ngày đó đi học đều bị mọi người trong xóm ngoài làng tẩy chay cho là có đi học về cũng chả để mà làm gì. Chỉ cần học cho biết chữ, cùng lắm là hết lớp bảy là cao rồi đi làm kiếm tiền là hay nhất. Cả tôi và nó cùng học xong và tốt nghiệp lớp mười và đi thi vào đại học, cả hai cùng đỗ, tôi được gọi vào đại học xây dựng, nó đỗ vào đại học bách khoa nhưng khi làm thủ tục nhập học nó lại thiếu cái lý lịch đoàn viên ( vì gia đình nó hồi đó thuộc diện thành phần). Sự thể là như thế này: Gia đình họ tộc nhà nó nghe nói ngày xưa có một vài người làm quan lại thời phong kiến, đến đời ông nội nó thì cũng đã nghèo và thanh bạch lắm, nhưng đến đời bố mẹ nó thì cái máu làm giầu lại phát sinh, mẹ nó buôn ngược bán xuôi, được đồng tiền lãi nào lại đưa cho bố nó cộng với tiền làm thợ mộc có tiếng dồn lại. Tất cả không dám ăn tiêu chỉ tiết kiệm đến mức kham khổ để dành tiền tậu ruộng vì nghe người ta bảo” Làm ruộng thì ra…” Vậy nên cứ cố, cố mãi khi nhà nó đã có trên hai mẫu ruộng Bắc bộ thì cải cách ruộng đất bị quy thành phần, đáng lẽ chỉ thuộc thành phần phú nông hoặc trung nông lớp trên là cùng, nhưng vì quê tôi lúc ấy ở trên họ phân bổ phải có đủ mấy phần trăm địa chủ. Thế là nhà nó bị bù vào cái chỉ tiêu thiếu hụt ấy cho đủ theo yêu cầu của trên. Sau đó ở làng người ta gọi bố nó là tên địa chủ thiếu chỉ tiêu. Lão Thiếu, còn nó từ lúc sinh ra cùng năm với tôi cho đến lúc vào đại học cái từ thiếu ấy bây giờ lại ứng đúng vào nó. Thiếu lý lịch trong sạch thế là nó lại phải trở về đúng vào cái điểm xuất phát, học chả hay cầy chả biết. Nó buồn, buồn lắm dân làng dè bửu, bạn bè thì nhiều đứa chê bai, có đứa thì thông cảm rủ nó đi làm thợ mộc vừa dễ kiếm tiền mà không cần lý lịch bần cố nông hay địa chủ gì, đứa nào cũng học và làm là được tất. Vốn được học hành tử tế từ nhỏ lại có tính cẩn thận văn thì hay chữ thì đẹp, lại ít lao động chân tay nên da trắng người dáng thư sinh, sống ở quê mà cứ đẹp như người thành phố gốc.Theo bạn bè nó đi làm thuê được một thời gian, sau đó nó xin đi làm công nhân thời đó không cần phải là đoàn viên. Sau một thời gian học nghề, nó được chuyển về một tổ sản xuất vừa xây dựng vừa lắp máy điện nước. Ở một tập thể công nhân hầu hết họ chỉ có trình độ văn hóa cấp một hoặc cấp hai là cùng, thế là các bản vẽ đều phải do nó đọc dịch và hướng dẫn mọi người. Ngày thì như vậy buổi tối nó lại được huy động đi dạy bổ túc văn hóa cho công nhân trong đó có cả người chưa biết chữ. Công việc thì nhiều, nó cứ lao vào công tác, nhưng đến khi xem xét để kết nạp vào Đoàn thì người ta lại nhận xét là nó thiếu tính khiêm tốn, thiếu tính quần chúng ( chết ở chỗ ít tuổi lại đi dạy cả người lớn tuổi, ăn mặc sạch sẽ và đẹp hơn người khác cũng là một tội).Sau ba năm nhờ có một số công nhân lớp mới ra trường về công tác vận động mãi nó mới được kết nạp vào Đoàn. Do có nhiều năng khiếu, đàn hát hay, thể thao thì không giỏi nhưng bộ môn nào cũng biết, nó được cử đi học các lớp bồi dưỡng ngắn ngày rồi được điều về làm công tác tuyên truyền của đơn vị. Mười năm tiếp theo nó bốn lần đi thi đại học đều trúng tuyển nhưng nhiều người ghen ghét đố kỵ cứ viện nhiều lý do, đỗ vào đại học cơ điện thì ông Tổ chức bảo là công nhân ngành xây lắp thì phải học xây dựng. Lúc thi được vào đại học xây dựng thì ông Thủ trưởng lại bảo không cần kỹ sư xây dựng, thi vào đại học công đoàn thì ông Thư ký công đoàn lại bảo nó thiếu tính tiên phong cách mạng của giai cấp công nhân, vẫn còn mang tư tưởng tiểu tư sản. Lý lịch thiếu trong sạch, lúc thì thiếu thực tiễn, đến cả việc xin chuyển đi nơi khác công tác cho phù hợp cũng không được xét đến vì nó thiếu nhiều điều kiện quá. Nhưng cũng may cho hắn đến thời kỳ đổi mới, ông Thủ trưởng cũ nghỉ hưu, ông Thủ trưởng mới lên thay mới bố trí cho nó đi học mà không thấy nhắc đến thiếu cái gì.Cuộc sống cứ theo quy luật của trời đất mà vận hành mà chuyển xoay, tôi và nó cứ như là hai nửa của nhau, vẫn cứ đi trên một con đường lại cùng công tác được ở gần nhau sau bao năm cách xa nhưng sự hiểu về nhau thì không ai có thể hơn được. Nó bảo ” Bố mẹ tao sinh ra tao, nhưng hiểu tao nhất chỉ có một mình mày”. Đời sống riêng, mỗi đứa đều có gia đình, vợ con đủ cả, chỉ có điều gia đình tôi thành phần bần nông nên điều kiện để học hành và phấn đấu thuận lợi hơn nó rất nhiều. Nhưng cuộc đời với mỗi một con người một số phận, theo tôi thì nó có hậu vận tốt đẹp nhưng hơi muộn bởi cho đến khi bước vào độ tuổi u năm mươi nó mới được an nhàn một chút. Chức vụ thì không cao nhưng được cái nó thừa hưởng của gia đình nó cái tính biết làm ăn nên cuộc sống về vật chất vẫn dư giả. Ngày xưa bố nó còn sống chỉ muốn nó có tý chút học hành và làm cán bộ để cho rạng danh dòng tộc nhưng số phận không mỉm cười với nó, nên đường công danh cứ lận đận.
Trong một lần gặp nhau mới gần đây thấy nó cười buồn, tôi động viên nó: Mỗi người một số phận mày không nên cố gắng làm gì nữa. Nó bảo ” Ừ ! cuộc đời của tao nó là như vậy, cố gắng đến mức ấy và đến bây giờ thì các cái thiếu ngày trước đã được bù vào đầy đủ cả, đủ đến mức thừa”?
Tôi không hiểu! Nó giải thích ” Này nhé! Cả đời tao làm việc để bù cho đủ những cái còn thiếu, cho đến dạo năm ngoái nghe tin sắp được đề bạt thì lại có thông tin nói cấp trên bảo tao quá tuổi làm lãnh đạo nên không vào diện được cơ cấu nữa, mày bảo thế thì nên vui hay nên buồn? Vì vậy cho nên có lẽ tại cái bút danh của tao ngày còn trẻ, tao định đặt như vậy để cuộc đời may ra nó vận hành ngược lại thì có cơ mà thăng tiến, thiếu nhiều chắc là đủ nhưng không ngờ đến lúc đã đủ thì lại thừa, may mà trời vẫn cho được cái có sức khỏe để mà làm việc, mỗi một con người đều có một số mệnh riêng không có ai giống ai cả. Không nên vật vã, bon chen kèn cựa dù có đi đâu, làm gì và ở vị trí nào thì cũng phải biết bằng lòng với mình, chỉ có điều là phải cố gắng thật nhiều để cho giỏi về chuyên môn, đặc biệt là phải bồi đắp nhiều về kiến thức để không bị nghèo nàn về trí tuệ, cái thiếu ấy mới nguy hiểm và dễ bị coi thường”.
Một ngày đầu xuân ngồi lại với nhau để tâm sự và chiêm nghiệm, tôi viết câu chuyện này để bạn đọc cùng tham khảo, bởi cuộc sống ngày nay và cả ngày xưa thì chuyện thiếu và đủ muôn đời vẫn thế!
Hà Nội, tháng 4 năm 2007
(Tác giả gửi cho mactoc.com ngày 27.11.2012)
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.