- Đang online: 1
- Hôm qua: 401
- Tuần nay: 12011
- Tổng truy cập: 3,388,254
NGƯỜI THÁI BÌNH, ĐẤT THÁI BÌNH. Kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 – 21/3/2020).
- 1497 lượt xem
Con người miền quê lúa lớn nhất miền Bắc Việt Nam, trong đó có những anh hùng là người họ gốc Mạc đã viết nên bài ca tô thắm trang sử chói lọi, vinh quang của vùng đất Thái Bình thân thương và vô cùng yêu dấu. Đúng như lời cụ Giang Đức Tuệ, nguyên Chủ tịch UBHC tỉnh Thái Bình “Thái Bình đất cần lao khí tiết, Đảng mở đường rạng nghiệp cha ông. Kiên trung sau trước một lòng, Trải qua năm tháng chỉ hồng xuyên qua”.
Ngay từ những ngày đầu của các năm 40 sau công nguyên, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa chống lại kẻ thù phương Bắc là quân Đông Hán, những người dân vùng đất Đa Cương, tức một phần đất Thái Bình ngày nay đã cùng Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục nương khởi nghĩa từ vùng Tiên La, Hưng Hà, góp công khôi phục lại cơ đồ Hồng Lạc. Nếu như tại quê cha ở đất Phượng Lâu, bên đền thờ Thục Nương đã đào được một bia đá cổ khắc đôi câu đối ca tụng chiến công của Nàng: “Bạt kiếm khai đao trừ Bắc tặc, Phất kỳ tấn hịch dựng Nam bang” thì nhân dân quê lúa, không ai quên được câu nói của Người khi phất cờ khởi nghĩa tại Thái Bình: “Làm con mà không rửa thù được cho cha, làm vợ không rửa hận được cho chồng, làm dân không đền được nợ nước thì làm sao có thể sống mà không hổ thẹn”.
Rồi những dấu tích xưa của hệ thống ấp đồn và các di tích lịch sử khác liên quan tới cuộc khởi nghĩa Lý Bí (Lý Bôn) vẫn còn in đậm trên đất Thái Bình như Làng Rọc, Quỳnh Phụ; Làng Nhiễm, Hoà Tiến, Hưng Hà; Miếu Hai thôn xã Xuân Hoà, Vũ Thư; Đình làng Thần Hậu, xã Bạch Đằng; Miếu Chàng xã Đông Dương, Đông Hưng; đình Tống Thỏ xã Đông Mỹ và Tử Đường xã Thái Hoà, Thái Thuỵ là những chứng tích hùng hồn về một thời kỳ chống giặc Lương ở thế kỷ VI mà Lý Bôn cùng tướng quân Lê Ngọ đã làm chúng ta rất đỗi tự hào “Đẹp dòng giống tinh hoa trác Việt, Rạng sơn hà sự nghiệp Lý Bôn, Lê Ngọ cùng với các con, Đất Trang Bài Cát sắt son diệt thù “.
Đây là niềm tự hào đặc biệt của người dân Thái Bình, vì như nhà sử học Nguyễn Quang Ấn, Giám đốc Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu Lịch sử Văn hoá Việt Nam đã khẳng định trong tập sách “Di tích Lịch sử Văn hoá miếu Chàng và hệ thống ấp đồn tại Bài Cát trang”, tác giả Vũ Tiến Thắng mà Nhà xuất bản VHTT phát hành năm 2013 rằng: “Thái Bình là tỉnh duy nhất trong số các tỉnh vùng ven biển Chu Diên xưa đến nay đã phát hiện được Hệ thống Cửu ấp cửu đồn” chống lại quân xâm lược Lương ở Thế kỷ VI của Nhà nước Vạn Xuân độc lập. “Đây là niền tự hào không chỉ đối với người dân Trang Bài Cát mà còn là niềm tự hào chung của toàn thể nhân dân Thái Bình và của các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử Thái Bình”.
Tiếp đến là Trần Lãm, một sứ quân đức độ trấn giữ vùng Bố Hải khẩu của đất Thái Bình đã chung tay cùng các tướng lĩnh họ Bùi giúp Đinh Bộ Lĩnh bước lên ngôi báu. Và nhà Trần từ vùng đất Long Hưng, Thái Bình dấy nghiệp ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông, kẻ thù hung bạo vào bậc nhất thời đó đã đưa Việt Nam lên tầm cao thế giới. Đến thời nhà Lê, người dân Thần Khê, Ngự Thiên (Đông Hưng, Vũ Thư, Thái Bình ngày nay) và người dân vùng đất duyên hải Thái Ninh xưa cũng đã cùng nhân dân cả nước đứng lên chống giặc Minh tàn bạo.
Sau đó Nguyễn Huệ Quang Trung, người anh hùng áo vải lại đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược Đại Việt. Tại vùng đất Thái Bình ngày ấy, nghĩa quân của vua Quang Trung đã từng “Tả xung hữu đột” chống giặc thù mà đến nay câu vè do các cụ cao niên xưa truyền lại vẫn còn in đậm trong ký ức của bao người dân Thái Bình: “Quang Trung đánh tung An Tập, Đánh sập Kỳ Bá, Đánh xoá Đồng Lôi, Đánh trôi cầu Kìm, Đánh chìm Kiến Xương và còn dài dài nữa”. Vâng, tên tuổi của Người đã được tạc ghi. Tại Thái Bình, nơi chúng tôi hiện đang sinh sống lại vinh dự được mang tên: Phường Quang Trung, thành phố Thái Bình. Tại đây cũng có các con phố được mang tên những vị tướng lĩnh dưới trướng của Người như Đại tư mã Ngô Văn Sở, quan Thị lang Ngô Thì Nhậm v.v… .
Đến thời Pháp thuộc, Phan Bá Vành, Đinh Khắc Nhưỡng, Đốc Đen v.v. đã cùng nông dân và các tầng lớp văn thân, sĩ phu Thái Bình đứng lên khởi nghĩa chống lại quân xâm lược Pháp. Khi “Đường Cách mệnh” đến với Thái Bình thì “Thanh niên hội”, hạt mầm Cách mạng đầu tiên đã được gieo tại nơi đất lành với “Đốm lửa Minh Thành”, “Nông hội đỏ” và đặc biệt là cuộc biểu dương lực lượng ngày 01 tháng 5 năm 1930 từ Liên Chi bộ Thần Duyên đã làm quân thù vô cùng khiếp sợ. Chúng tung hết lực lượng đàn áp dã man nhưng “Lửa Cách mạng” càng dập thì lại càng bốc cao.
Nguyễn Đức Cảnh người con ưu tú của Thái Bình, người xây dựng nền móng Đảng bộ Cộng sản Đông Dương trước giờ phút ra pháp trường nhưng vần ung dung, thanh thản vì ông biết: Những người đồng chí, đồng đội sẽ “Trùng trùng điệp điệp” thay ông hoàn thành sứ mệnh Cách mạng Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02 tháng 9 năm 1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Trên khắp đất nước Việt Nam và Thái Bình: “Trăm năm nô lệ, đổi đời từ đây”. Vâng, toàn dân một lòng vững bước đi theo Đảng tiên phong xây dựng lại đất nước trước biết bao khó khăn trong những ngày trứng nước. Và niềm vui bất ngờ, Bác Hồ về thăm Thái Bình lần đầu tiên: Ngày 10 tháng 01 năm 1946. Bác đã căn dặn “Chúng ta phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết các thân hào, thân sỹ và trước hết phải lo giải quyết nạn đói cho nhân dân, nhanh chóng khắc phục các đoạn đê bị vỡ”. Sau đó Bác đến thăm đê Đìa Minh ở Hưng Nhân, động viên nhắc nhở nhân dân: “Nhiệm vụ trước mắt là phải đắp lại đê và cứu đói”. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, thực hiện lời chỉ đạo của Bác, cán bộ nhân dân tỉnh Thái Bình đã phục hồi, đắp lại hai đoạn đê bị vỡ, đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Ngày 28 tháng 4 năm 1946, Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh quyết định tổ chức Lễ mít tinh lớn, mừng công khánh thành đê Đìa (Hưng Nhân) và đê Mỹ Lộc (Thư Trì), mời Hồ Chủ tịch và Chính phủ về dự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thái Bình lần thứ hai. Bác khen ngợi thành tích đắp đê của Thái Bình, hoan nghênh tinh thần đoàn kết trong lao động, trong sản xuất cứu đói của đồng bào. Bác kêu gọi phải ra sức diệt “Ba kẻ thù trước mắt là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Buổi chiều hôm đó, Bác và phái đoàn Chính phủ đã lên Hưng Nhân dự lễ mít tinh khánh thành đoạn đê Đìa Minh, nay thuộc xã Hồng An, huyện Hưng Hà. Nhân dân các huyện Tiên Hưng, Duyên Hà đã đứng chật hai bên đường quốc lộ số 39 và trên đê sông Hồng đón Bác.
Ngày 22 tháng Chạp năm Kỷ Sửu, một ngày trước khi ông Công, ông Táo chuẩn bị lên cáo yết Thiên Hoàng, tức 08 tháng 02 năm 1950, Pháp tái chiếm Thái Bình. Lệnh chiến đấu hỏa tốc được ban hành, chúng ta đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, từ xã Tân Thịnh bên bờ sông Hồng đến đất Lương Mỹ và cầu Tây ở phía Quỳnh Côi Phụ Dực, rồi đường 10 làng Nguyễn, rồi Hậu Trung Tiên Hưng, rồi Tán Thuật, Thanh Nê, rồi Kiến Xương, Thuỵ Anh, Tiền Hải, nơi nào giặc Pháp cũng bị chúng ta tiến đánh, trong khi “Hàng vạn tấn đồng chì sắt thép, Hơn trăm nghìn lính Pháp nguỵ binh, Những toan đè bẹp Thái Bình, Thái Bình vẫn đứng thẳng mình chống Tây”.
Sau khi Pháp đại bại ở Điện Biên phủ thì quân Pháp tại Thái Bình trăm bề bối rối. Những ngày cuối tháng 6 năm 1954 chúng chỉ còn cách là tìm lối thoát rút về Thị xã Thái Bình nhưng đã bị chúng ta chặn đánh tơi bời. Đêm 30/6/1954, địch phải lặng lẽ rút ra bến Thái Hạc tập kết và sau đó theo đường thủy chạy về Hải Phòng. Sáng 01/7/1954, cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay trên tầng cao dinh Tỉnh trưởng ngụy.
Cũng trong những ngày tháng chiến đấu chống Pháp và sau là chống Mỹ đầy gian lao vất vả, Thái Bình đã sản sinh ra những anh hùng như Nguyễn Thị Chiên tay không bắt giặc hay Tiểu đội trưởng Tạ Quốc Luật, người bắt sống tướng Đờ Cát và bốn nhà tình báo quê lúa Thái Bình được coi là ‘Tứ hổ” của làng tình báo đất nước gồm Vũ Ngọc Nhạ (xã Vũ Hội, Vũ Thư); Phạm Quốc Sắc (Phương Công, Tiền Hải); Trần Văn Lai (xã Vũ Đông, Tp Thái Bình); Vũ Hữu Duật (Minh Châu, Đông Hưng). Rồi Vũ Tiến Trác: Chính trị viên tiểu đoàn được Bác Hồ đặt bí danh là Lê Bình đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Tu Vũ, Hoà Bình vào ngày 11 tháng 12 năm 1951.
Chúng tôi xin lưu lại hình ảnh Nhà Cách mạng Nguyễn Đức Cảnh qua bức chân dung tượng đài của ông được đặt trang trọng tại Quảng trường trung tâm thành phố Thái Bình và bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ chỉ huy các đơn vị tham gia Chiến dịch Biên giới về dự Hội nghị tổng kết Chiến dịch vào tháng 11 năm 1950. Chính trị viên tiểu đoàn Vũ Tiến Trác, tức Lê Bình là người thôn Phương Đài, xã Đông Dương, huyện Đông Hưng, Thái Bình ngồi ở phía bên trái ngay cạnh Bác Hồ. “Bí danh Lê Bình” là do Bác Hồ đặt với ý tứ sâu xa: “Vũ Tiến Trác là người Thái Bình, đi theo gương sáng của Lê Lợi, chiến đấu vì nền độc lập, tự do cho dân tộc”.
Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký, hoà bình lập lại tại Đông Dương, người dân Thái Bình đồng lòng đoàn kết dựng xây lại quê hương.
Thái Bình lại vinh dự đón Bác Hồ về thăm lần thứ ba vào 26/10/1958. Sau đó Bác còn thăm Thái Bình lần thứ tư vào 26/3/1962 và lần thứ năm từ 31/12/1966 đến 1/1/1967. Bác khen Thái Bình lập nhiều thành tích và cố gắng làm cho tỉnh nhà trở thành một tỉnh gương mẫu.
Đất nước vẫn còn bị chia cắt. Tại miền Nam, đế quốc Mỹ và chế độ nguỵ Sài Gòn đã gây ra biết bao tội ác đối với nhân dân, nhưng chúng đã bị chúng ta đánh cho tơi tả. Giặc hoảng sợ liều lĩnh cho máy bay ném bom bừa bãi oanh tàn trên khắp miền Bắc Việt Nam. Nhưng rồi “Máy bay Mỹ bao chiếc xác tan, “Thần sấm” rụng, “Con ma” hóa ra ma điêu đứng. Bao phi công anh tài Mỹ run rẩy bị quân dân ta bắt sống, Tầu Mỹ chìm, leo thang: Thang đổ méo mặt Giôn”.
Và chúng tôi, những học sinh đang ngồi trong ghế nhà trường “Tổ Quốc gọi đi bất cứ nơi nào là ta có mặt luôn, Đi bất cứ nơi đâu Đảng cần và sẵn sàng chiến đấu”. Tất cả đều vì Quê hương và Tổ Quốc thiêng liêng. Trong những ngày học tập công tác ở nước ngoài, chúng tôi càng nhớ về quê hương hơn bao gìơ hết. Nhớ quê hương bao nhiêu thì ta lại càng căm thù giặc Mỹ bấy nhiêu, vì chúng đã gây biết bao tội ác tày trời với dân tộc Việt Nam và ở cả Thái Bình.
Không! Người dân Thái Bình không hề nao núng, càng quyết tâm hy sinh, chiến đấu bảo vệ đất nước, bảo vệ xóm thôn. Biết bao chiến sĩ cũng như người dân Thái Bình đã “Gỡ những quả bom, khi bom còn đang bỏng, Bật đèn trong đêm, đánh lạc địch về mình” để cho đoàn xe ta tiến ra phía trước. Các em thiếu nhi cũng: “Mang lá ngụy trang cài trên súng, Cởi áo mình, lau đạn trút căm hờn”. Tất cả, tất cả chỉ có một ý chí duy nhất: Đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa để: “Miền Nam sớm được đến ngày vui”.
Tôi cũng được biết thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô: Tính tới năm 1971, Thái Bình có trên 6000 gia đình có 2 anh em tại ngũ, hơn 1000 gia đình có 3, hơn 220 gia đình có 4, gần 40 gia đình có 5. Đặc biệt 6 gia đình có con là Anh hùng Quân đội. Nhiều gia đình con rồi đến cháu, tiếp bước cha ông đi chiến đấu khi đất nước còn bóng giặc ngoại xâm như gia đình cụ Giang Thị Huệ ở xã Thái Lộc, huyện Thái Thuỵ 3 đời tổng cộng 14 người tham gia quân đội.
Diễu hành tại Moskva (1967). Bạn bè quốc tế luôn sát cánh cùng Việt Nam.
Trong những ngày, tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cuộc chiến đấu tại biên giới phía Nam, rồi cuộc chiến chống lại bọn bành trướng phương Bắc, Thái Bình lại sản sinh ra những người anh hùng mới như Anh hùng Lực lượng vũ trang Vũ Tiến Đề, Anh hùng Phạm Tuân, Anh hùng Bùi Quang Thận, Anh Trần Ngọc Chung v.v…
Anh hùng Vũ Tiến Đề là người họ Vũ Tiến gốc Mạc, luôn kiên cường bám trụ, nơi nào máy bay địch đánh phá dữ dội nhất thì nơi ấy có anh và trong bất kỳ hoàn cảnh nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với câu nói nổi tiếng trên dãy Trường Sơn “Thân tôi dù nát, đường này phải thông”, còn Anh hùng Phạm Tuân không chỉ là người đầu tiên hạ máy bay B52 tiên tiến nhất của Mỹ mà ông cũng là người đầu tiên của Việt Nam bay vào vũ trụ, mở ra chương mới, nâng tầm con người và khoa học Việt Nam trên trường Quôc tế. Anh Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng xe tăng Đại đội 4, Binh đoàn Hương Giang, cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập kết thúc 30 năm chiến tranh, giành toàn vẹn non sông. Còn Thượng tá Trần Ngọc Chung, người xã Đoan Hùng, Hưng Hà, hy sinh ngày 12/02/1979 tại Tà Keo, Campuchia. Thượng tá Trần Ngọc Chung từng kinh qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ Quốc và giúp nước bạn Campuchia, từ người chiến sĩ và qua nhiều cương vị chỉ huy, ông đã lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.
Thái Bình ngày nay là điểm sáng trong cả nước về xây dựng mô hình cấp huyện đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn. Ngày nay Thái Bình không chỉ còn độc canh cây lúa mà đã phát triển toàn diện như công nghiệp, thủ công nghiệp, thuỷ sản, dịch vụ, may mặc, xuất khẩu, giao thông, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, văn hoá thể thao, an ninh chính trị, quốc phòng và vươn ra biển khơi, đặc biệt Thái Bình có những Khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Tiền Hải, Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, Khu công nghiệp Phúc Khánh v.v… Thái Bình lại có thêm những Anh hùng thời kỳ đổi mới như Anh hùng Đỗ Kim Tuyến, hiện công tác tại Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, quê ở xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương, rồi Anh hùng Lều Vũ Điều, xã Thái Công, huyện Kiến Xương là người họ Lều gốc Mạc, Anh hùng Nguyễn Kim Quy, xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng hay Anh hùng Đào Viết Thoàn xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ v.v…
Có thể nói: Mảnh đất và con người Thái Bình đã có một bề dày về lịch sử, một chiều dài thành công và một chiều cao về truyền thống bảo vệ Tổ quốc. Tất cả mảnh đất và những con người ấy, những tấm gương điển hình trong tỉnh, đã, đang viết tiếp trang sử truyền thống tốt đẹp của cha ông và trực tiếp là chính quê hương Thái Bình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UVBCT và các đ/c lãnh đạo Thái Bình dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đền thờ Bác Hồ và ảnh Nhà máy nhiệt điện Tiền Hải cùng mặt trước Khu công nghiệp Ng. Đức Cảnh, Tp Thái Bình.
Dưới sự lãnh đạo của tỉnh uỷ và lãnh đạo các cấp, Thái Bình còn vươn xa và tiến bước không ngừng, thực hiện đúng lời dạy của Bác: Thái Bình phải là tỉnh gương mẫu về mọi mặt. Tính đến nay, Thái Bình đã được tặng các danh hiệu cao quý như: Huân chương độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động v.v… Tất cả thành tích, danh hiệu và những nhân vật lịch sử là minh chứng hùng hồn về trang sử truyền thống, mãi mãi là niềm tự hào và vinh dự lớn của toàn thể Đảng bộ và nhân dân Thái Bình, trong đó có những anh hùng kiệt xuất là người họ gốc Mạc chúng ta.
Nguồn: Vũ Tiến Thắng (vutienthangtb@gmail.com).
Đăng tải: Mạc Công Quân- Trưởng ban Thông tin truyền thông HĐMT Hải Dương.
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.