- Đang online: 1
- Hôm qua: 922
- Tuần nay: 21580
- Tổng truy cập: 3,373,976
MINH SƯ NÀO TRONG “CHUYỆN NGUYỄN HOÀNG MỞ CÕI”?
- 260 lượt xem
MINH SƯ NÀO TRONG “CHUYỆN NGUYỄN HOÀNG MỞ CÕI”?
Trần Xuân An
Tôi vào Google để tìm thăm hai bài viết gần đây nhất của tôi, ít nhiều có đề cập đến nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng (1525-1613) (1), và tình cờ gặp được cuốn tiểu thuyết mới xuất xưởng, nộp lưu chiểu vào tháng 7 vừa qua của Thái Bá Lợi, trong một nhà sách trên mạng. Qua nhà sách trực tuyến có tên là Đất Việt ấy, tôi có được trong tay “Minh sư – chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi” (Nxb. Hội Nhà văn).
Trong khi chờ nhân viên nhà sách giao hàng, ấn tượng quá lâu rồi về tác giả của tiểu thuyết “Minh sư” chợt hiện ra trong tôi. Có lẽ sau “sự kiện” nhà lí luận – phê bình Hoàng Ngọc Hiến tung ra bài viết bàn về “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” trong văn học nước ta, khoảng vào năm 1979, và có lẽ trước “sự kiện” Tố Hữu đăng bài thơ “Đêm cuối năm”, đậm chất thế thái nhân tình kiểu Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, vào đầu năm 1982, tác giả Thái Bá Lợi đã được chú ý đến bởi “Hai người trở lại trung đoàn”. Đó là một truyện vừa đánh dấu sự thoát khỏi “chủ nghĩa hiện thực phải phép”, với nhân vật bị “bóc trần” phần nào đó, không còn được “tô hồng” đến tuyệt đối.
Khi cầm cuốn tiểu thuyết “Minh sư – chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi”, những trang đầu ghi lại cuộc chuyện trò giữa chị Tư Trà, một người vợ liệt sĩ, cùng một nhà nghiên cứu sử học trẻ, có tên là Đoàn Minh Thành, về “chuyện đàn đúm trai gái”, con rơi con rớt của thủ trưởng bộ đội cùng với sự thật là không phải trăm trận trăm thắng, mà có khi cả sư đoàn bị Mỹ đánh tan tác, cũng khiến tôi nhớ lại ấn tượng ấy.
Thật ra, những mảng hồi ức về cuộc chiến 1954-1975 với thực tại của hai nhân vật Tư Trà và Thành – những năm 2004-2009 gần đây – cũng chỉ là những đoạn xen kẽ, có tính chất dẫn truyện. Đoàn Minh Thành đang nghiên cứu về đề tài sử học có bối cảnh chính là xứ Thuận Hóa – Quảng Nam vào thời đoạn Nguyễn Hoàng (1525-1613) trấn nhậm. Vì thế, mặc dù đang chuyện trò hay cùng đi với chị Tư Trà ra Hà Nội tìm người cùng cảnh ngộ là vợ liệt sĩ bộ đội cùng đơn vị, Thành luôn bị ám ảnh bởi đề tài nghiên cứu. Đó cũng chính là kết cấu của cuốn tiểu thuyết “Minh sư – chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi”. Kết cấu ấy đại để cũng như “Mùa hè bên sông” (2) của tôi, với hai nhân vật Hiền Lương và Hành ở lứa tuổi hai mươi đang tìm hiểu và bị ám ảnh bởi quá khứ của các nhân vật đã trải qua các giai đoạn chiến tranh trước và sau các mốc lịch sử 1945, 1954, cho đến 1975, lúc Hiền Lương và Hành mới chào đời hay chỉ dăm bảy tuổi.
Trong “Minh sư – chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi”, ở bình diện lịch sử “mở cõi”, hầu như Thái Bá Lợi đã dồn hết tâm sức để tái hiện nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng và ba nhân vật hư cấu khác, cùng thuở bấy giờ: Đỗ Chiêu, Phạm Dữ và Nguyễn Thiệu; nhưng ở bình diện thực tại hiện nay, anh chỉ thỉnh thoảng nhấn nhá vẽ nên hai nhân vật hư cấu là Thành và chị Tư Trà.
Dẫu sao, Thái Bá Lợi cũng đã dành khoảng hai phần ba của cuốn tiểu thuyết dày 418 trang (13 x 21 cm) để viết về các nhân vật lịch sử có thật và các nhân vật hư cấu đương thời thuộc về một giai đoạn cách đây bốn, năm hoặc sáu thế kỉ, có thể bắt đầu từ các mốc lịch sử như chính Thái Bá Lợi đã để cho nhân vật Thành đoán định, áng chừng, 1471, 1558, 1602, và xoay quanh chúng (sđd., tr. 18).
Nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng trong sử kí Đàng Ngoài (“Đại Việt sử ký toàn thư”) hay Đàng Trong (“Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Nam thực lục, tiền biên”…) đã được Thái Bá Lợi khắc họa thành hình tượng văn chương với những thao thức, trăn trở nội tâm, những nét tâm lí khá sinh động, gắn liền với những sự việc có thật, đã được sử sách ghi chép, trải dài theo hành trạng trọn cuộc đời của Nguyễn Hoàng (1525-1613). Ấn tượng chung, Thái Bá Lợi tạo ra trong trí tưởng người đọc, đó là một con người đức độ, có tài năng chính trị lẫn quân sự, luôn bình tĩnh, sống chan hòa với mọi người, kể cả thuộc cấp và nhân dân; và chính nhờ những ưu điểm đó, nên Nguyễn Hoàng chinh phục được quan tướng, sĩ dân Thuận – Quảng và danh tiếng còn vang lừng trong mọi tầng lớp ở Đàng Ngoài. Tuy vậy, vẫn có hai điểm khiến nhà nghiên cứu sử học Đoàn Minh Thành quên mất phương pháp sử lạnh lùng, khách quan để trôi hẳn vào suy tưởng, hình dung của nhà tiểu thuyết với rất nhiều cảm xúc và trăn trở:
— Đó là lúc Nguyễn Hoàng hi sinh người thiếp Ngọc Lâm (Ngô Thị Lâm) để thực thi kế mĩ nhân nhằm giết chết tên tướng nhà Mạc là Lập Bạo.
— Đó là lúc Nguyễn Hoàng gợi ý, tác động cho các tướng Lê – Trịnh là Bùi Văn Khuê, Lê Ngạn, Ngô Đình Kha làm phản, để rồi chính Nguyễn Hoàng lại tâu xin vua Lê, chúa Trịnh cho ông cất quân đi đánh dẹp, và nhân đó, ông cùng quyến thuộc, tướng sĩ trung thành trốn thoát vào Thuận – Quảng (vùng đất đầu tiên của cõi bờ Đàng Trong về sau) mà không còn lo có viên tướng nào đem quân cản chân, truy kích.
Nói đúng hơn, nhà nghiên cứu Đoàn Minh Thành này nghiên cứu nhưng không chỉ để làm luận án sử học mà còn để thỏa sức tưởng tượng trên cái nền nghiên cứu ấy. Do đó, chính Thành đã tự nhủ về truyền thuyết Trảo Trảo phu nhân cùng sự kiện nàng thiếp Ngọc Lâm, viên tướng Lập Bạo: “Thành có ý định tại hiện câu chuyện mà nhiều người đã biết, nó sẽ khác đi đôi chút so với những điều anh đã từng nghe, từng đọc…” (sđd., tr. 279). Cũng do đó, Thành băn khoăn về mưu kế Nguyễn Hoàng xúi các tướng làm phản để lừa Trịnh Tùng, nhằm loại bỏ nanh vuốt của y, và nhờ vậy, ông trốn thoát an toàn vào Thuận – Quảng: “Thành thì cứ băn khoăn về một nhân cách lớn lao ấy lại phải dùng đến mưu kế không lấy gì làm cao đẹp này”, “Thành cứ nghĩ Nguyễn Hoàng quay về Thuận Quảng bằng một cách khác chứ không phải bằng cái mưu kế này thì nhân vật của anh sẽ hoàn hảo xiết bao” (sđd., tr. 391). Thật ra, chính Trịnh Tùng, trong thư gửi Nguyễn Hoàng cũng viết là không rõ thực hư: “Không biết đó là bản ý của cậu, hay là nghe lầm gian kế của bọn phản nghịch. Nay Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn đánh lộn lẫn nhau, và đều bị giết cả” (3), mặc dù sử thần “Đại Việt sử ký toàn thư” vừa chép lại lá thư ấy, vừa viết rõ: “Nguyễn Hoàng ngầm sai bọn Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê mưu phản” (3). Và có lẽ đúng với sự thật lịch sử hơn nữa, ấy là lúc Trịnh Tùng bạo nghịch, bức ép vua Lê và công thần đã đến mức không thể chịu nổi, nên Nguyễn Hoàng cũng như các tướng đành phải lánh xa hoặc chống lại Trịnh Tùng để mưu tìm đường sống. Lô-gích của lịch sử ở sự kiện này là vậy. Tuy nhiên, nhân vật Đoàn Minh Thành (nhà nghiên cứu sử học) của Thái Bá Lợi hình như vừa không muốn thoát khỏi tư duy lí tưởng hóa nhân vật vừa chưa thấu triệt sự thật lịch sử như tôi mới thử nhận định (là các tướng đành phải lánh xa hoặc chống lại Trịnh Tùng để mưu tìm đường sống). Nói cách khác, phải chăng các viên tướng ấy có quyền tự vệ chính đáng?
Nếu nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng được xây dựng thành một hình tượng văn chương đúng nghĩa nhưng không thoát li sử kí (cũng như sử học) thì các nhân vật lịch sử khác quanh Nguyễn Hoàng như Nguyễn Ư Dĩ (Tỵ), Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống lại quá mờ nhạt, chưa có tính cách để trở thành những hình tượng nhân vật tiểu thuyết. Qua chuyện kể của chính mình, Bùi Tá Hán xem ra có phần sinh động hơn, nhưng việc Thái Bá Lợi để cho nhân vật hư cấu Phạm Dữ tiếp xúc với nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán, nghe Bùi Tá Hán kể chuyện mình, hình như tình huống cũng hơi gượng ép.
Những nhân vật hư cấu như Đỗ Chiêu, Nguyễn Thiệu, Phạm Dữ hẳn đã được Thái Bá Lợi sáng tạo nhằm phản ánh tình hình cõi biên địa, qua các chuyến vào ra Thuận – Quảng của họ để vận động, góp phần vào công cuộc an dân, gồm cả hòa giải các xung đột giữa các sắc dân Chiêm – Việt – Thượng, cùng với việc dẹp cướp, trị các thứ phỉ vốn là tàn dư của quân binh nhà Mạc. Đúng là Thái Bá Lợi đã dành rất nhiều trang tiểu thuyết của mình để giúp người đọc hình dung ra toàn cảnh vùng đất Thuận – Quảng qua các đời Trần – Hồ – Lê – Mạc, đặc biệt là thời Lê – Trịnh, về địa lí, trình trạng các tầng lớp lưu dân, sắc dân cùng văn hóa nghìn đời ở họ, hoặc từ Đàng Ngoài mang vào, thể hiện trong ngữ ngôn, nếp ăn, cách ở, phong tục, tập quán, lối tư duy và ngành nghề (4), hoặc kết đọng ở những phương diện tương tự và ở đền đài, kinh đô Chiêm quốc suy tàn. Ba nhân vật Đỗ Chiêu, Nguyễn Thiệu, Phạm Dữ là các hình tượng có tính cách khá rõ nét, chứ không trừu tượng, mờ nhạt như Nguyễn Ư Dĩ (Tỵ), Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống.
Qua tiểu thuyết, Thái Bá Lợi hình như cũng muốn nêu ra những băn khoăn về những vấn nạn lịch sử như xung đột Chiêm – Việt để góp phần hóa giải. Có điều, nỗi băn khoăn, tự tra vấn về mối liên hệ mà nhân vật Đoàn Minh Thành khiên cưỡng đặt ra giữa mâu thuẫn Chiêm – Việt với các vấn đề hậu chiến hiện nay (sau cuộc chiến 1945-1954-1975) vẫn chỉ là khiên cưỡng, thậm chí là áp đặt. Thật ra, vấn đề người Chiêm sinh tụ, chịu lưu chuyển, hoán đổi nơi cư trú, sinh sống là từ nghìn xưa, ít ra từ dăm bảy trăm năm trước, không chỉ ở Đàng Trong mà cả ở Đàng Ngoài… Sử sách thuộc loại kinh điển đã ghi chép rất rõ.
Nhưng rốt cục, theo Thái Bá Lợi, Minh sư là ai?
Đây chính là điểm mấu chốt để nhận định đúng thực chất của nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng. Minh sư không ai khác, mà chính là những ai đã nói đúng sự thật. Thái Bá Lợi để cho nhân vật Nguyễn Hoàng trò chuyện với những người lính hồn nhiên đã nói lên sự thật về ông: “… đúng là ta sợ chết mà thoát thân vào xứ này. Nào ta có nghĩ ngay được chuyện mở cõi như giờ đâu. Nhưng gặp vận mà không làm là có tội. Cũng như các anh quý mến ta cho ta một bữa ăn khi đang đói, nếu ta tham lam đòi ăn thật nhiều, hoặc khinh khi các anh, chê bữa anh dở thì hai tội ấy ngang nhau. Các anh đã nhắc ta biết một sự thật mà ta có thể quên thì đó là Minh sư của ta” (sđd., tr. 414). Nhân vật Đoàn Minh Thành xem đó là câu kết: “Đối với Thành, hình ảnh người thống soái già rót trà mời lính và tôn họ là Minh sư đã khép lại những suy tưởng của anh về Nguyễn Hoàng” (sđd., tr. 415). Tuy thế Thái Bá Lợi còn cho nhân vật Thành nghĩ ngợi thêm: “Vậy ông có nhận quả báo nào không? Câu trả lời là có. Một thời, người ta xóa tên ông khỏi những trường học, những công trình, những con đường mà người trước đặt ra để nhớ ơn ông. Nhưng nếu bây giờ có sống lại, ông sẽ nói rằng ngay cả chuyện đó cũng là Minh sư của ta và ông lại nở một nụ cười xả bỏ với Thành” (sđd., tr. 418).
Liệu có gì đó chưa thỏa đáng chăng? Chúng ta biết, hiện nay, vấn đề đặt tên đường, tên trường học bằng tên một số nhân vật lịch sử vẫn còn gây tranh cãi: Liệu các nhân vật lịch sử ấy có xứng đáng hay không? Mặc dù vậy, nhưng những nhân vật liên quan đến vấn đề mở cõi, chiến tranh hai Đàng (Ngoài & Trong) vẫn được tôn vinh bằng cách đó: Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Chu… Vậy thì vì nguyên nhân nào Nguyễn Hoàng (1525-1613) lại bị xóa danh tính trên các biển đường phố, trên các cổng trường học? (1).
Chúng ta còn nhận thấy, những băn khoăn về cách nhận thức, lí giải các sự kiện lịch sử liên quan đến Nguyễn Hoàng và thời đại của ông, cũng như các nhân vật quanh ông, phò giúp ông rất đắc lực, như Mạc Cảnh Huống (vốn là một hoàng tử triều Mạc, trong khi hành trạng suốt đời Nguyễn Hoàng là diệt Mạc), cùng vấn đề, khát vọng đau đáu của nhân vật chị Tư Trà là hòa giải thời hậu chiến (chị những muốn vợ liệt sĩ, tử sĩ hai bên chiến tuyến chia sẻ niềm đau với nhau, với cả đại gia đình các dân tộc Việt Nam), Thái Bá Lợi dồn lại ở vài phần cuối của tiểu thuyết. Anh dồn lại và chỉ luận giải qua suy tư của nhân vật nhà nghiên cứu Đoàn Minh Thành, với ngôn từ trừu tượng và lập luận thuần lí, chứ không triển khai thành các chương đoạn tiểu thuyết với ngôn từ và tình huống hiện thực, cụ thể, sinh động, trực cảm của người kể chuyện. Và chính qua luận giải của nhân vật nhà nghiên cứu Đoàn Minh Thành, người đọc thấy được một số xuất xứ sử liệu anh ta sử dụng (hay chính Thái Bá Lợi đã tham khảo). Tuy nhiên, nếu Thái Bá Lợi chịu khó chú thích nguồn sử liệu kĩ lưỡng hơn, hẳn sẽ thỏa đáng hơn trong vấn đề xuất xứ tư liệu.
Những yêu cầu của người đọc như vậy không phải là thái quá với nhà văn Thái Bá Lợi hoặc sai lệch với thể loại tiểu thuyết (mặc dù Thái Bá Lợi không ghi rõ là thể loại gì ở cuốn sách này).
Trần Xuân An
_______________________________
(1) Trần Xuân An, “Quanh vấn nạn lịch sử: Kẻ cát cứ hay anh hùng mở cõi?” & “Về cái chết của Nguyễn Diễn (Nguyễn Miện) và về hậu duệ của ông”, TranNhuongCom, PhongDiepNet (cuối tháng 7-2010).
(2) Trần Xuân An, TranXuanAn-WriterNet
(3) “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nội các quan bản 1697, tập 3, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long dịch và chú giải, GS. Hà Văn Tấn hiệu đính, ĐHKHTH. Hà Nội làm sách dẫn, Nxb. VHTT., 2003, tr. 326-329.
(4) Tôi nhấn mạnh: Tất thảy các lưu dân vào Thuận – Quảng thuở bấy giờ đều mang theo trong tâm khảm, hành trang của họ nền văn hiến bốn nghàn năm của dân tộc, như một sự thể tất nhiên. Do đó, người Đàng Ngoài thuộc các thế hệ sau đó cũng như gần đây rất ngạc nhiên và khâm phục về bề sâu văn hóa Đàng trong, nhận ra một cách tức thời Đàng Ngoài – Đàng Trong, Bắc – Nam chỉ là một, chung một cội nguồn Văn Lang – Đại Việt. Đó là chưa kể đến sự tiếp biến văn hóa từ các nguồn khác, trên căn bản bản sắc Việt, để trở thành giá trị văn hóa Việt.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.