- Đang online: 1
- Hôm qua: 601
- Tuần nay: 23241
- Tổng truy cập: 3,395,626
Mạc Phúc Tư
- 647 lượt xem
Mạc Phúc Tư
Mục lục |
Thân thế
Mạc Phúc Tư là con thứ của Thái Tông Mạc Đăng Doanh, cháu nội của Thái tổ Mạc Đăng Dung, sinh năm Giáp Thân (1524). Ông quê gốc ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương xưa (nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng), là đất phát tích của nhà Mạc. Còn đất khởi tổ của dòng họ Mạc ở xã Cao Đôi, huyện Bình Hà, tỉnh Hải Dương xưa, nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Sự nghiệp
Tuổi niên thiếu của Mạc Phúc Tư ở vào thời kỳ hưng thịnh của triều Mạc nên được hưởng sự giáo huấn đầy đủ. Ông thông minh, hiếu học, tính khoan hòa, đức độ, được sĩ thứ (trong đó có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) mến mộ. Năm Canh Tý (1540) Thái Tông Mạc Đăng Doanh qua đời, con cả là Thái tử Mạc Phúc Hải lên làm vua, tức là Mạc Hiến Tông. Sau khi lên ngôi, Hiến tông Mạc Phúc Hải đã phong cho em mình là Mạc Phúc Tư tước Ninh vương. Ông còn tham gia vào công việc triều chính với vai trò của một quan chức đầu triều là Thái tể.
Năm 1545, ông làm tướng chỉ huy quân năm phủ đô đốc và các trấn đánh vào bản doanh của Lê Trang Tông Duy Ninh ở hạt Yên Mô (nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Khi quân đến sông Phù Chẩn, đội quân tiên phong do chủ quan khinh địch, nên bị phục quân của Lê Trang Tông và cánh quân do Trịnh Kiểm chỉ huy vây đánh. Trận này quân nhà Mạc bị thất thế phải rút về[2].
Năm Bính Ngọ (1546), Hiến tông Mạc Phúc Hải qua đời, tôn thất và triều thần tôn Thái tử Mạc Phúc Nguyên còn ít tuổi lên ngôi. Lúc ấy, Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi vì muốn lập Hoằng vương Mạc Chính Trung (con trai thứ của Mạc Thái Tổ) làm vua nên dấy binh gây biến loạn triều chính rồi rút quân về chiếm cứ vùng Yên Quảng. Mạc Phúc Tư nhận thấy người em kế mình là Mạc Kính Điển có tài thao lược liền xin nhường chức Phụ chính đại thần cho Mạc Kính Điển rồi xin đi trấn thủ vùng Hải Đông[2].
Trong những năm trấn thủ ở vùng biên ải trọng yếu này, ông ra sức vỗ về dân chúng và tướng sĩ. Ngoài ra, ông còn đốc thúc việc đắp đê, đào sông, khơi ngòi, khai khẩn đất hoang, trồng cây gây rừng, khuyến khích nghề đánh cá, nghề làm muối, mở chợ Chanh ở Yên Quảng, chợ Thưa, chợ Đá, Bia và phố Khách Long Mã ở Thủy Đường (Thủy Nguyên) để dân an lạc nghiệp. Những công trình do ông chỉ đạo với tên gọi dân gian như đê nhà Mạc, bãi nhà Mạc hay rừng nhà Mạc ngày nay vẫn còn dấu tích và được coi như những chứng tích về công lao của nhà Mạc đối với nhân dân vùng Đông Bắc (Hải Đông) đất nước. Suốt mấy chục năm chiến tranh Lê-Mạc, quân Lê-Trịnh nhiều lần đem quân cướp phá Thăng Long và một số vùng khác, riêng xứ Hải Đông do Mạc Phúc Tư cai quản đời sống nhân dân vẫn giữ được ổn định.
Năm Giáp Tý (1564), Tuyên tông Mạc Phúc Nguyên qua đời, Thái tử Mạc Mậu Hợp nhỏ tuổi lên nối ngôi. Các hoàng thân như Mạc Kính Điển,Mạc Đôn Nhượng cùng phụ chính. Mạc Phúc Tư vẫn lo liệu công việc trấn giữ miền đất phên dậu của nhà Mạc.
Năm Canh Thìn (1580), Mạc Kính Điển bị bệnh qua đời, em út của Phúc Tư là Mạc Đôn Nhượng làm phụ chính, giữ chức Trung doanh tổng sứ nhưng một mình Mạc Đôn Nhượng không đủ sức gánh vác việc lớn quốc gia. Thế lực nhà Lê-Trịnh ngày một mạnh mà triều thần nhà Mạc lúc ấy chia rẽ, vua ít tuổi lại ham chơi, chính sự ngày càng hỗn loạn.
Năm Nhâm Thìn (1592) vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp (Mạc Hồng Ninh) bị quân Lê-Trịnh bắt và xử tử khi đang chạy loạn. Lúc đó, thân vương Mạc Phúc Tư vẫn kiên trì trấn thủ vùng Hải Đông. Đầu năm Quý Tỵ (1593), sau khi đánh chiếm được Thăng Long, Dương Kinh và nhiều vùng đất khác của nhà Mạc, quân Lê-Trịnh chia đường tiến đánh Hải Đông. Mạc Phúc Tư cùng hai thân vương khác sau nhiều ngày đêm chống trả quyết liệt với quân đội Lê-Trịnh cuối cùng cũng bị vỡ trận và buộc phải tuẫn tiết. Con cả của Mạc Phúc Tư là Mạc Thuần Trực cùng tôn thất Mạc Huệ Khánh cố thủ trong thành Dền được 5 tháng, sau hết lương thực phải mở đường máu rút chạy, Mạc Thuần Trực cũng tử trận. Mạc Huệ Khánh cùng con cháu thoát được về vùng Giáp Sơn, dấu họ đổi tên lập ra làng Mai Sơn, nay thuộc chùa Trại Sơn, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên.
Phần mộ
Phần mộ của Ninh vương và hai thân vương khác tại cánh đồng làng Thiểm Khê được dân làng gọi là Mả Ba Vua – Nghè Đồng dưới, vì lúc đầu an táng ba người tại đây và ở khu đồng dưới của làng, dân lập nghè thờ ba vị. Sau phu nhân của Ninh Vương là Đoàn Thị Từ Linh chuyển hài cốt của vương và của con trai cả là Mạc Thuần Trực ở thành Dền về an táng tại phường Câu Tử, huyện Thủy Đường (sau này đổi tên thành Thủy Nguyên). Năm 1993, phần mộ của Ninh vương Mạc Phúc Tư đã được con cháu chi họ Mạc ở Câu Tử trùng tu lại.
Gia quyến
Ninh vương Mạc Phúc Tư được coi là thủy tổ của chi họ Mạc ở Câu Tử Nội, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Gia phả họ Mạc ở Câu Tử có ghi chép về một người phu nhân của ông là Đoàn Thị Từ Linh, là người xã Hợp Thành, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Bà có với ông ba người con trai là Mạc Thuần Trực, Mạc Đạo Trai và Mạc Tảo An. Con trưởng Mạc Thuần Trực được phong tước, mất năm 1593 khi chống cự với quân nhà Lê-Trịnh. Mạc Đạo Trai là võ tướng, năm 1573 theo Khiêm vương Mạc Kính Điển hành quân vào Thanh Hóa, bị bắt ở lũy Phúc Bồi, Thái úy Trịnh Tùng mến tài, gả con gái là Quận chúa Trịnh Thị Nhân (có sách ghi là Trịnh Thị Nhâm) cho. Mười năm sống ở Thanh Hóa, đến khi nhà Lê-Trịnh muốn dùng ông chống lại nhà Mạc, Mạc Đạo Trai đã tự sát. Bà Trịnh Thị Nhân vợ ông cảm thương tình cảnh đã xin với cha mình là Bình An Vương Trịnh Tùng nhận Mạc Hữu Đạo, con của Mạc Thuần Trực về nuôi dạy thành tài. Lớn lên Mạc Hữu Đạo thi đỗ làm quan và được phong tước Thượng Xá Hầu dưới triều Lê-Trịnh (Lê Trung Hưng).
Bạn vong niên với Nguyễn Bỉnh Khiêm
Ninh vương Mạc Phúc Tư ít hơn Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm 33 tuổi. Trong Bạch Vân Am thi tập, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có hai bài thơ với tiêu đề là Lưu đề Ninh Quốc công và Bộ Ninh Quốc công thi vận. Nội dung hai bài thơ thể hiện mối quan hệ gần gũi giữa Trạng Trình và Mạc Phúc Tư, đồng thời cũng cho thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh giá cao tài năng và đức độ của người bạn vong niên.
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.