Linh Thiêng Điện Biên

Dịp nghỉ lễ Ba Mươi Tháng Tư năm nay, chị em ruột chúng tôi về Điện Biên mừng Nhà máy Thuỷ Điện Pa Khoang của em trai út Mai Duy Thiện trên rừng Mường Phăng, hoà lưới điện quốc gia.
Tạ hồn Điện Biên linh thiêng:
Trước tin vui lớn này, đại gia đình con cháu hoan hỷ, khâm phục tài năng và lao động của cậu Thiện. Nhưng ai cũng lo, đường ngược núi ngoằn ngoèo, nơi khỉ ho cò gáy, liệu chị em tôi có chịu nổi không? Nhất là chồng tôi, anh phập phồng lo sợ mà chẳng dám ngăn bước chân tôi. Anh bảo việc đi và viết là “nghiệp” của tôi rồi.
Không ai ngăn được “nghiệp”, ngay cả chính mình.
Kinh Phật dạy:
“Ta đi với nghiệp của ta Cho dù tốt xấu tạo ra tự mình Theo ta như bóng theo hình Ta thọ quả báo phân minh kiết tường”
Tôi nhờ ánh sáng Phật Pháp, hiểu luật nhân quả nên luôn tỉnh thức, hướng mình tạo nghiệp tốt. Tôi nhờ sức bi tâm của Bồ Tát Quán Thế Âm luôn giải thoát hoạ tai, nhạy cảm linh giác.
Đường Hà Nội- Điện Biên hơn bốn trăm cây số, vòng cua, khúc khuỷu. Đại ngàn trùng điệp đại ngàn. Chị em tôi bay trong vòng tay lái lụa của cậu em. Lên đèo xuống dốc. Dốc Pha Đin trên đỉnh cao nhất rừng Tây Bắc vòng ba mươi tám cây số nay đã hạ con đường mới, đỡ dốc xoáy hơn. Hoa sim, hoa mái trải áo váy tím hồng trinh nữ, quyến rũ mây trời.
Tây Bắc tàn Xuân. Hoa Ban không còn. Thung lũng mận đào vào mùa quả chín. Dặm trường, bóng váy hoa mềm mại in bóng núi. Những rổ đào hồng, mận đỏ, thúng sắn, khoai, măng, cây thuốc, cây cảnh… bày bán đó đây.
Mái nhà sàn thấp thoáng lưng chừng mây.
Rừng nguyên sinh loang lổ màu đất.
Cao nguyên Mộc Châu đồi nhấp nhô đồi, uốn lượn nhịp nhàng những nốt nhạc khổng lồ. Mây trắng đậu giữa thung lũng xanh. Cỏ non ngút ngát khe sâu. Từng đàn bò ung dung gặm cỏ. Mặt trời hồng bừng toả khắp nơi. Tuy vậy, xe chúng tôi có lúc đâm vào vùng sương mù mịt, rẽ mù mà đi.
Nhà máy thuỷ điện Pa Khoang nằm trong khu rừng Mường Phăng cách phố Điện Biên khoảng hai chục cây số, trên cao gần bảy trăm mét so với mặt biển.
Sau một ngày ô tô xuyên ngược núi, chúng tôi ngủ ngon lành trong khu nhà một tầng đủ tiện nghi của thuỷ điện Pa Khoang. Ngoài trời, tối đen. Đêm trùm đại ngàn. Mưa rừng sầm sập. Côn trùng hoà ca. Thác nước rì rào. Tiếng nước chảy qua tuốc- bin liên tục phát điện hoà lưới quốc gia, thắp sáng Mường Phăng. Rừng ru. Hương núi mát dịu. Sao Mai mờ xa xăm thức đợi sao Hôm.
Sớm mai, ba mươi sáu tiếng chim líu lo, cung bậc trầm bổng, hợp thành bản giao hưởng bình minh hùng vĩ ngàn trùng.
Chúng tôi về Nghĩa trang Điện Biên và Thành bản phủ Hoàng Công Chất trong thành phố Điện Biên dâng hương tạ hồn thiêng Điện Biên.
Thành phố Điện Biên, thung lũng lòng chảo, rừng vòng màu xanh lam ôm cánh đồng Mường Thanh vàng thơm lúa đặc sản Điện Biên.
Thế kỷ XX.
Nghĩa trang Điện Biên dưới chân đồi A1 ru giấc ngủ ngàn thu của lớp Cha đánh giặc Pháp.
Nghĩa trang Trường Sơn, đất rừng Quảng Trị âm vang khúc quân hành của lớp Con đánh Mỹ.
Non nước Việt Nam ngàn thủơ mai sau, ghi dấu linh thiêng hai nghĩa trang này.
Đây là lần thứ hai tôi về viếng nghĩa trang Điện Biên, tuân theo tiếng gọi mơ hồ của tâm linh.
Năm 2004. Cả nước rầm rộ về Điện Biên kỷ niệm năm mươi năm chiến thắng Điện Biên. Tôi đã nghỉ hưu nên chẳng bám chân ai lên Điện Biên được. Mình đứng lề đường, không dám mơ về Điện Biên, dù chỉ một lần.
Hết mùa đại lễ chiến thắng Điện Biên, anh Ngô Xuân Thưởng, nguyên Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội khuyến học Bình Thuận xếp cho tôi lên Điện Biên cùng đoàn cán bộ tuyên huấn do trưởng ban tuyên giáo tỉnh Bình Thuận, Ngô Đình Miên dẫn đầu.
Nghỉ hưu, tôi được mời làm phó ban tuyên truyền Hội Khuyến học Việt Nam, có vào Bình Thuận, quen biết Ngô Đình Miên. Phan Thiết- xứ sở của thơ ca và tình yêu, rất quí trọng người. Lập tức mọi người xúm quanh tôi, yêu mến và nâng niu. Anh Thưởng dành cho tôi một ô- tô riêng. Mỗi sớm tôi tắm biển về, ô tô chờ sẵn, đón tôi đi ăn sáng và dẫn tôi vào Tháp Chàm linh thiêng.
Nhờ vậy, tôi viết “Phan Thiết Mùa Trăng” đăng trên website Newvietart.com , nhà thơ Trần Vấn Lệ sống tận nước Mỹ đọc được, nước mắt chứa chan, nhớ quê nhà Phan Thiết, đẫm hồn thơ đau đớn, thương yêu.
Anh Ngô Minh Thưởng, bạn chiến đấu của nguyên phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ông Chủ tịch nước luôn nhớ bạn xưa, về tận nhà Ngô Minh Thưởng thăm vợ con gia đình bạn. Anh Thưởng ra Hà Nội, Chủ tịch nước bảo anh muốn đi chơi khắp nước Việt Nam tôi cũng cấp xe. Nhưng anh Thưởng chẳng ham hố vật chất, cầu lợi, phiền Chủ tịch nước. Anh Thưởng mê Tinh Hoa Hà Nội.
Phan Thiết có những con người đẫm hồn thi sĩ, dù họ là quan chức cấp cao như anh Thưởng, đã giữ hồn tôi ở lại cùng Phan Thiết Mùa Trăng.
Tôi viết “vầng trăng ai nỡ bỏ quên”. Nhưng tôi không bị ai bỏ quên. Người Phan Thiết nâng tôi như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Tôi nhớ lại những phút giây được sống cùng Phan Thiết, nước mắt vòng quanh. Bài ký “Phan Thiết Mùa Trăng” cô đặc thành thơ. Nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc thành bài hát “Biển Trăng” đậm chất dân ca Chăm, được một nữ ca sĩ hát, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Biển Trăng
Tiếng ai mơ hồ gọi ai về Phan Thiết Phan Thiết mùa trăng Vầng trăng ai nỡ bỏ quên Đang tan thành sóng biển Trăng Bích Khê xanh gờn gợn Nâng hồn ngọc thạch lặng im như tờ Trăng Hàn Mặc Tử vàng ngọc ân tình Trăng rơi tha thiết ngậm ngùi trăng!
Phan Thiết biển trăng Chuông nhà thờ nhẹ giăng Ru tháp Chàm u linh trầm mặc Trải nhiệm màu tháng năm Thiếu nữ Chàm lung linh ẩn hiện Uốn lượn lưng ong vờn ánh sáng Xao xuyến nhịp nhớ nhung Kéo trăng về tình tự. Biển trăng.
Ngô Đình Miên in “Phan Thiết Mùa Trăng” trên Tạp chí Văn Nghệ Bình Thuận.
Bởi yêu chữ của tôi nên Miên quí tin tôi.
Đoàn lên Điện Biên của Ngô Đình Miên về Hà Nội, trân trọng đón tôi đi Điện Biên. Ô tô không xịn, Miên nhường tôi chỗ ngồi dễ chịu cùng chị duy nhất đoàn.
Qua đèo Pha Đin cũ, dốc cheo leo. Mù sương. Xe kẹt phanh xuống dốc thẳng đứng, bốc khói. Tôi hoảng hồn nghĩ không bao gìơ dám lên Điện Biên nữa.
Miên tỏ rõ bản lĩnh người chỉ huy kiên định và vui tính. Chàng kể tiếu lâm râm ran. Cả đoàn cười hỷ xả. Quên sợ.
Tôi biết Miên làm thơ, và là phó chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận, chưa đọc thơ Miên, nên nghĩ, chàng làm thơ để lãnh đạo văn nghệ sĩ.
Năm 2006. Miên tặng tôi tập thơ Phía Ngược, gây ồn ào Bình Thuận.
Tôi đọc và tin Miên là nhà thơ đích thực. Thơ Miên siêu thực và hiện thực. Thơ tượng trưng. Thơ Tình. Khốn nỗi, ai đó thường đọc thơ với tâm trạng nghi ngờ, suy diễn tư tưởng này nọ. Khổ vậy. Tôi viết bài bình Phía Ngược. Mọi người thấy có lý, thôi bàn cãi.
Miên cùng tuổi Em trai liệt sĩ Mai Hoà Bình của tôi, quí thương tôi như Chị.
Chuyến lên Điện Biên 2004, Miên dành cho tôi đủ tiêu chuẩn cán bộ tuyên huấn đoàn Bình Thuận, được ăn theo, ngủ cùng.
Nhưng tôi biết, tôi đã thuộc về những người khốn khổ đứng lề đường. Tôi xin Miên cho ra ăn ngủ nhà dân, gặp gỡ người nghèo ham học để viết bài đăng báo Dân Trí- Hội Khuyến học Việt Nam.
Tôi dành trọn buổi sáng, một mình vào Nghĩa trang Điện Biên. Không một bóng người. Một mình tôi chầm chậm thắp khói nhang. Nước mắt chảy ròng ròng. Tôi khóc. Càng khóc càng nức nở. Nức nở thành âm thanh, vang động những ngôi mộ không tên. Tôi nức nở một mình như lên đồng, đi vòng quanh nghĩa trang tượng trưng, không to, không rộng, hút hồn tử sĩ khắp núi rừng Tây Bắc, khắp chiến dịch Điện Biên Phủ tụ về.
Nghĩa trang Điện Biên. Năm mươi năm lặng ngủ. Tôi đọc tên các anh hùng chiến sĩ ghi trên dãy tường dài. Nhiều vô kể. Đọc không nổi.
Máu xương lớp Cha ngã xuống nơi này. Đồng đội của Cha tôi, chú bác của tôi. Họ thấy tôi thương họ, nên tụ về vai tôi mà khóc. Các chiến binh khóc. Không phải tôi khóc.
Tôi thầm niệm “Nam mô Adidà Phật” và đọc thần chú “Vãng sinh tịnh độ”.
Xong việc, tôi tỉnh thức, từ từ ra khỏi nghĩa trang.
Tôi leo lên đồi A1. Chiến hào đẫm máu lính Pháp. Tôi lại bị lên đồng. Tôi chắp tay vái lạy đất trời núi rừng Điện Biên, hoa lúa Mường Thanh và niệm Phật cầu cho linh hồn những người lính Pháp siêu thăng tịnh độ, bay về nước Pháp với Thủ đô Ánh Sáng huy hoàng.
Bốn ngày ở Điện Biên. Tôi buồn. Không muốn dạo chơi. Ngó qua hầm tướng Đờ- Cát bị bắt sống, thấy nó như một cái hang dế trơ trọi giữa lúa đồng, tôi nghĩ tướng nhà giời cũng không thể thoát. Phong thuỷ ấy thật bất lợi cho kẻ xâm lược. Ngó qua hầm tướng Đờ- Cát bị bắt sống, thấy nó như một cái hang dế trơ trọi giữa lúa đồng, tôi nghĩ tướng nhà giời cũng không thể thoát. Phong thuỷ ấy thật bất lợi cho kẻ xâm lược.
Thiêng liêng Điện Biên!
Tượng đài chiến sĩ Điện Biên vừa dựng tại ngọn đồi trước đường phố chính Điện Biên, chẳng rõ vì sao bị sạt lở. Bà giám đốc công trình tượng đài từ Hà Nội lên, bị bắt giam. Tôi sợ không dám lên, đứng dưới khấn vọng. Sau này, những người bạn của bà kể trong khi bà ngồi tù, chồng bà đi tắm biển Nha Trang, bỗng bị nước biển cuốn trôi. Tôi nghe chuyện thật mà sởn gai ốc. Không thể đùa với sự linh thiêng.
Thiêng liêng Điện Biên!
Chuyến lên Điện Biên đầu tiên ấy, tôi không thể viết được gì, ngoài một bài báo kêu xin kinh phí xây nhà nội trú cho học sinh các bản xa hẻo lánh.
Lần này về dâng hương nghĩa trang Điện Biên cùng các em tạ hồn anh hùng liệt sĩ lớp Cha, tôi không bị lên đồng nữa. Hái một bông hoa đại trên cụ đại thụ mấy trăm năm tuổi của núi rừng Tây Bắc trước đài hương, dâng linh hồn lớp Cha, tôi khấn nguyện cầu vạn hồn siêu thăng, mãi mãi truyền linh thiêng Điện Biên, cùng con cháu giữ nhà, giữ nước.
Bên chúng tôi, đoàn sư Tăng và Phật tử Tùng Lâm Hương Tích Đạo Tràng Chân Tịch- Tổ Hoa Đức, chùa Hương- Hà Nội do sư thầy Thích Minh Hợp dẫn , đang nao nức chuẩn bị tổ chức khoa cúng Mông Sơn thí thực và tụng kinh cầu siêu Adidà, dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, kỷ niệm 57 năm lễ chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5- 1954- 7- 5- 2011).
Tạ hồn nghĩa trang Điện Biên, chị em tôi về dâng hương Thành Bản phủ Hoàng Công Chất trong cánh đồng Mường Thanh.
Hoàng Công Chất, người anh hùng cuộc khởi nghĩa nông dân (1739- 1769). Câu đối vàng khắc ghi:
Tài năng vang dội khắp non sông Đức độ ghi sâu lòng dân tộc
Hoàng Công Chất quê Vũ Thư- Thái Bình. Năm 1739, ông tổ chức cuộc khởi nghĩa nông dân vùng Sơn Nam (Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên). Năm 1748 tiến quân vào vùng thượng du Thanh Hoá hoạt động. Dần dần theo đường rừng lên Hưng Hoá (Tây Bắc). Ở đây, Hoàng Công Chất đã cùng tướng Ngải và tướng Khanh, là hai thủ lĩnh người Thái Điện Biên lãnh đạo nhân dân các dân tộc cùng nghĩa quân đánh đuổi giặc Pọong (giặc biên giới Trung Hoa) giải phóng Điện Biên tháng 5- 1754.
Tròn hai trăm năm sau. Điều kỳ diệu đã xuất hiện. Tháng 5- 1954. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhân dân chiến sĩ anh hùng đã giải phóng Điện Biên. Chấm dứt cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.
Linh thiêng Điện Biên!
Theo ông Bùi Xuân Liêu cán bộ trông coi Thành bản phủ Hoàng Công Chất rêu phong nguyên vẹn thiêng liêng hai trăm năm trước, để có căn cứ hoạt động lâu dài, năm 1758- 1762 Hoàng Công Chất xây dựng Thành bản Phủ trên diện tích tám mươi mẫu Bắc bộ, gồm Thành nội và Thành ngoại, đào một trăm ba mươi ba cái ao bảo vệ.
Từ đó, căn cứ Hoàng Công Chất phát triển khắp mười châu, phía Bắc giáp biên giới Trung Quốc, phía Nam mở rộng xuống Hoà Bình, Thanh Hoá, Ninh Bình.
Cuộc khởi nghĩa nông dân mang tên Hoàng Công Chất kéo dài ba mươi năm từ đồng bằng lên rừng núi, tạo khối đoàn kết các miền xuôi, ngược chống giặc biên cương. Âm vang diệu kỳ và sức sống linh thiêng truyền lửa tiếp sức đời sau.
Hơn hai trăm năm nay, cháu con kính cẩn dâng hương Thành Bản Phủ Hoàng Công Chất uy linh giữa cánh đồng Mường Thanh. Dấu tích xưa vẫn vẹn nguyên, hơn một trăm cái ao hoa sen thơm ngát.
Linh thiêng thay! Ba cây đa, cây đề, cây si do chính tay Hoàng Công Chất trồng trước sân Thành Bản Phủ giờ đây đã xoà rễ, bám đất, tụ lại thành một cây không lồ như ngọn núi trước ngôi đền thờ Ngài. Lá cây, rễ cây, hoa, quả, cành của cây nào vẫn chính là nó. Nhưng ba cây đã thành một cây hơn mười người ôm không xuể. Bóng mát lá cành toả rợp cánh đồng Mường Thanh. Ngày nay đến đây dâng hương, con cháu được chiêm ngưỡng hình tượng cây xanh hiển linh trong câu ca dao:
“Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
Linh thiêng Điện Biên!
_________________________________
(Còn nữa)
© Tác giả giữ bản quyền. . Đăng tải theo nguyên bản của tác giả từ Hà Nội ngày 04.05.2011. Trích đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com
|