- Đang online: 2
- Hôm qua: 925
- Tuần nay: 21734
- Tổng truy cập: 3,507,070
LAI LỊCH “TRẠNG CẬU TRẠNG CHÁU” VÀ CÁC VỊ TỔ XA ĐỜI CỦA THI HÀO NGUYỄN DU 596
- 1910 lượt xem
NHÌN LẠI LỊCH SỬ *
LAI LỊCH “TRẠNG CẬU TRẠNG CHÁU” VÀ CÁC VỊ TỔ XA ĐỜI CỦA THI HÀO NGUYỄN DU
TS. LÃ DUY LAN
Ở hai làng Canh Hoạch (xã Dân Hòa) – Tảo Dương (xã Hồng Dương) giáp nhau phía cuối huyện Thanh Oai – Hà Tây, từ nhiều đời nay vẫn lưu truyền câu chuyện về “Trạng cậu Trạng cháu” cùng một số nhân vật lịch sử, thuộc dòng họ Nguyễn.
Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919 (CNKB) ghi về thế thứ đỗ đạt của dòng họ Nguyễn ở Canh Hoạch như sau:
“Phạm Bá Ký, người xã Canh Hoạch, cha của Phạm Quý Lượng ông nội của Phạm Khuông Lễ, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến Binh bộ Thượng thư”.
“Nguyễn Đức Lượng (1465 – ?) người xã Canh Hoạch, con Nguyễn Bá Ký, cha Nguyễn Khuông Lễ, đỗ Trạng nguyên niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) đời vua Lê Tương Dực. Khi đỗ 50 tuổi. Lúc đầu tên là Hề, vua phê đổi Đức Lượng. Làm quan đến Lễ bộ Tả thị lang, khi mất được tặng Thượng thư”.
“Nguyễn Khuông Lễ (1507 – ?) con Đức Lượng cháu Bá Ký. Đỗ Đệ tam giáp đông tiến sĩ xuất thân, niên hiệu Đại Chính thứ 6 (1535) đời Mạc Đăng Dung, làm quan đến Tả thị lang, tước Mỹ Thục bá, sau đổi là Văn Tinh bá”.
Sách không thấy ghi đính chính. Vậy điều băn khoăn: có phải Phạm Bá Ký còn có tên là Nguyễn Bá Ký hay không?
Trong sách CNKB có một vị nữa cũng tên là Nguyễn Bá Ký quê ở gần Canh Hoạch, và được ghi như sau:
“Nguyễn Bá Ký (? – 1465). Người xã Viên Nội huyện Chương Đức (nay là thôn Viên Nội, xã Viên nội, huyện ứng Hòa – Hà Tây). Đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448) đời Lê Nhân Tông. Ông từng được cử làm Phó sứ sứ bộ sang nhà Minh (1452)” Làm quan đến chức Thượng thư tước Quận công, Quốc tử giám Tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ, Nhập thị kinh diên. Mất tháng 12 năm 1465…”
Nguyễn Bá Ký ở Viên Nội còn có người em là Nguyễn Bá Kỳ cùng đỗ một khoa với Phạm Bá Ký ở Canh Hoạch. Tại khoa thi này, Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Bá Ký làm’ “độc quyển”, và đã lấy Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên (theo ĐVSKTT).
Thế là đã rõ: Phạm Bá Ký mà sách CNKB ghi cũng chính là Nguyễn Bá Ký – tên trùng với Nguyễn Bá Ký ở Viên Nội.
Lý do sự đổi họ của Nguyễn Bá Ký ở Canh Hoạch là như sau:
Như ta biết, sau vụ án “Lệ Chi viên” gia đình Nguyễn Trãi bị “tru di”. Do vậy, những người có quan hệ thân tộc muốn đi thi đã phải thay tên đổi họ thì mới mong đỗ đạt được.
Nguyễn Bá Ký ở Canh Hoạch, do chỗ có họ hàng gần gũi với Nguyễn Trãi đã phải đổi sang họ Phạm (Theo Gia phả của họ Nguyễn, ở Văn Nội, Phú Lương, Thanh Oai (Hà Tây) thì Nguyễn Bá Ký (hay Phạm Bá Ký) lúc đầu có tên là Nguyễn Đức Thời, con của Nguyễn Đức Trung. Còn Nguyễn Đức Trung là con thứ hai của Nguyễn Ứng Long (tức Nguyễn Phi Khanh), và Nguyễn Trãi là con thứ ba của Nguyễn Ứng Long). Năm 1463 là năm Phạm Bá Ký đỗ Tiến sĩ, thì Nguyễn Trãi chưa được minh oan. Chỉ sau đó một năm (tức là năm 1464) sự kiện minh oan này mới xảy ra (theo ĐVSKTT), và từ đó trở đi, Phạm Bá Ký và các con cháu của Ông mới lại trở về họ Nguyễn.
*
Hiện nay chưa tìm được tài liệu nào ghi năm sinh năm mất của Nguyễn Bá Ký và năm mất của Nguyễn Đức Lượng. Còn theo sách CNKB thì Nguyễn Đức Lượng sinh năm 1465 khi Nguyễn Bá Ký đã đỗ được 3 năm (1463). 50 năm sau (1514) Nguyễn Đức Lượng mới đỗ Trạng nguyên. Do vậy, có phần chắc là khi Nguyễn Bá Ký mất thì Nguyền Đức Lượng chưa đỗ Đại khoa. Câu chuyện truyền ngôn sau đây từ nhiều đời nay ở Canh Hoạch đã cho thấy điều đó.
Khi cha mất, Nguyễn Đức Lượng khoảng 27 tuổi, là công tử nhưng đang làm thầy đồ dạy học ở trong làng. Sau khi an táng cho cha thì Nguyễn Đức Lượng cũng mời thầy địa lý về nhà trong gần một năm để xem đất cát trong vùng, chờ khi cải táng sẽ đem hài cốt đặt vào. Ngôi đất mà thầy địa lý tìm được là tại một gò nhỏ, thuộc đồng đất làng Cao Xá nhưng lại ở rìa làng Canh Hoạch.
Tuy nhiên, khi sắp đến ngày cải táng cho cha, thì Nguyễn Đức Lượng gặp phải một sự cố nghiêm trọng.
Ấy là từ mấy tháng trước, người con trai thứ hai của Thám hoa Nguyễn Doãn Địch tên gọi Nguyễn Doãn Toại, khi ấy 22 tuổi, do bị mắc chứng bệnh phong, đã đến làm ngôi lều trên gò này ở, để tránh lây nhiễm cho dân làng – không hiểu do vô tình hay cố ý.
Về Nguyễn Doãn Địch, sách CNKB ghi:
“Nguyễn Doãn Địch người làng Cảo Dương sau là Tảo Dương (bây giờ thuộc xã Hồng Dương huyện Thanh Oai), trú quán làng Canh Hoạch, đỗ Thám hoa năm Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 2 (1481) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến Hữu thị lang” (Theo Phả họ Nguyễn ở Văn Nội, thì Nguyễn Doãn Địch là con trai của Nguyễn Biểu. Nguyễn Biểu là em của Nguyễn Quang Du, là chú ruột của Nguyễn Ứng Long (tức Nguyễn Phi Khanh), cả hai vị đều có quê gốc là Cổ Lôi (Sốm, nay ở đầu huyện Thanh Oai).
Tảo Dương ở phía dưới và sát với Canh Hoạch, ngày ấy là hai thôn của xã Cổ Hoặc. Nguyễn Doãn Địch thời trẻ, sau khi người cha là Nguyễn Biểu đã rời nhà, vào làm quan ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) thì ông lên Canh Hoạch theo học thầy là Nguyễn Đức Phương. Thầy Nguyễn Đức Phương thấy Nguyễn Doãn Địch sáng dạ lại chăm chỉ, nên dạy cho ông thành tài và gả con gái (tên là Nguyễn Thị Canh) cho. Nguyễn Doãn Địch ở rể và đi thi từ Canh Hoạch, nên sách CNKB ghi ông trú quán ở đây là đúng. Nguyễn Doãn Toại sinh ra ở Canh Hoạch, khi ấy Nguyễn Doãn Địch đã đỗ Thám hoa được khoảng 10 năm. Thời còn trẻ, khoảng 17 – 20 tuổi Nguyễn Doãn Toại là chàng công tử tài hoa, học hành nổi tiếng, nhưng chẳng may sau đó bị nhiễm bệnh phong.
Khoảng thời gian ông bố Nguyễn Bá Ký mất, Nguyễn Đức Lượng còn có người em gái tên gọi Nguyễn Thị Hiền, khi ấy 18 tuổi, là nàng tiểu thư khuê các xinh đẹp. Theo Phả họ Nguyễn ở Văn Nội, thì Nguyễn Doãn Toại khi chưa mắc bệnh và tiểu thư Nguyễn Thí Hiền vốn đã có tình ý với nhau từ lâu, định làm đám cưới, nhưng vì họ hàng còn quá gần, nên các vị tộc trưởng họ Nguyễn ở Cổ Lôi (Sấm) nhắn xuống không cho lấy. Do vậy, khi sắp đến ngày cải táng cho cha, Nguyễn Đức Lượng ra gò “vận động” Nguyễn Doãn Toại dời đi ở chỗ khác mấy lần mà không được, thì Nguyễn Thị Hiền đã đứng ra, nhận đi “thương thuyết”, vả chăng, đấy cũng chính là “điều kiện” mà Nguyễn Doãn Toại đưa ra khi nói với Nguyễn Đức Lượng: sẽ đồng ý dời đi, nếu để cho cô Hiền ra gò nói chuyện với chàng một đêm.
Trong cái đêm chuyện trò ấy, về cuối nàng tiểu thư đành phải “chiều lòng” chàng công tử mà về sau người ta có thể hiểu ngầm là một sự “đổi người lấy đất”. Nhưng thật chẳng may, công tử bị phạm phong rồi lăn ra chết đột ngột. Cô Hiền sợ quá, chạy về nói với anh. Ông Lượng (khi ấy tên là Hề) lập tức đến gia đình công tử Toại để loan báo rồi hai bên hẹn nhau đến sáng ngày mai cùng ra gò để làm các việc “hậu sự” cho người xấu số.
Thế nhưng, từ lúc ấy cho đến sáng, bên phía gia đình công tử Toại đã ra gò trước để “xử lý”, nên sáng ngày hôm sau, khi hai gia đình cùng ra gò, thì đã thấy “mối đùn” kín hết thi thể công tử Toại, chỉ còn hở đôi bàn chân.
Bên gia đình công tử Toại bảo là thi thể đã được “thiên táng”, bèn lấy đất lấp thêm vào. Bên gia đình ông Lượng thấy vậy cũng chỉ biết than thở và đứng nhìn, chứ chẳng biết làm sao. Đến lúc xong xuôi, ông thầy địa lý ra bảo! “Ngôi đất này rộng, ngoài “chính huyệt” còn có “bàng huyệt” cũng rất tốt, vì “cán bút hãy còn dài”, nên cứ táng thêm vào vẫn được”. Thế là hài cốt của cụ Nguyễn Bá Ký sau đó, đã được táng vào sát thi thể của công tử Toại. (Hiện nay, nếu đến thực địa, mọi người sẽ thấy hai ngôi mộ này kề bên nhau, nhưng ở phía trên, gần đây đã được các hậu duệ xây mái và cột bê tông kiên cố).
Từ đó, không biết có phải do mồ mả kết phát, hay cái chính là do bẩm tính thông minh lại cần cù chăm chỉ, mà 20 năm sau, thầy đồ Nguyễn Đức Lượng đã đỗ Trạng nguyên. Còn tiểu thư Nguyễn Thị Hiền, sau đêm ra gò ấy đã có mang, về sau sinh ra một bé trai khôi ngô tuấn tú, được đặt tên là Thiến (Theo nghĩa chữ Hán, Thiến là đẹp).
Thuở nhỏ, Nguyễn Thiến ở với mẹ trong gia đình ông Lượng, tỏ ra rất hiếu thuận, lại có những biểu hiện thông minh sáng láng thật khác thường. Tuy nhiên, mấy năm sau, ông Lượng cũng làm cho hai mẹ con bà Hiền một ngôi nhà để ra ở riêng, rồi đến năm Nguyễn Thiến lên 6 tuổi, thì ông dạy cho Nguyễn Thiến học. Do cả hai cậu cháu đều là những người thông minh, tài giỏi, lại chăm chỉ cần mẫn, mà sau khi cậu đỗ Trạng nguyên, thì 19 năm sau, cháu cũng lại đỗ Trạng nguyên” Từ đấy, dân trong làng và trong vùng, gọi hai vị theo cách dân giã, là “Trạng cậu Trạng cháu” (ở đây anh mẹ cũng vẫn được gọi là cậu).
Về Trạng nguyên Nguyễn Thiến, sách ĐVSKTT đã chép khá nhiều, còn CNKB thì ghi tóm lược như sau:
“Nguyễn Thiến (1495 – 1557) người làng Canh Hoạch, 38 tuổi đỗ Trạng nguyên năm Đại Chính thứ ba (1532) đời Mạc Đăng Doanh, làm quan nhà Mạc đến Lại bộ Thượng thư, Ngự sử, Đông các Đại học sĩ, Nhập thị kinh diên, Thư quận công. Bất mãn, cùng thông gia là Thái tể Phụng quốc công Lê Bá Ly dẫn quân vào Thanh Hóa theo Lê trung hưng. Nhà Lê cho giữ nguyên chức cũ, làm tuyển bổ quan lại, 8 năm sau thì mất, vào năm 1557 đời Lê Anh Tông” Nguyễn Thiến có hai con trai là Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn và một con gái là Nguyễn Thị Ngọc Cẩn. Khi về hàng nhà Lê, Nguyễn Thiến đã gả con gái làm “phi” cho Thái sư Trịnh Kiểm, dân gian gọi là “bà chúa Thuận”.
Nguyễn Quyện, ngay từ nhỏ đã có thiên hướng về ngành võ và có nhiều tài năng xuất chúng, sau là học trò cưng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, và con rể Thái tể Lê Bá Ly. Năm 1557 khi Nguyễn Thiến mất, hai anh em Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn đưa thi hài cha từ Thanh Hóa về quê an táng. Nhưng đến vùng giáp giới Ninh Bình (của 2 bên Lê – Mạc) thì bị giữ lại. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, là bạn và đỗ sau Nguyễn Thiến một khóa, khi ấy đang phò tá nhà Mạc, đã đến Ninh Bình, “hai thầy trò chuyện trò với nhau một đêm trên thuyền”. Sau đó, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn bỏ nhà Lê về với nhà Mạc.
Làm tướng cho nhà Mạc, Nguyễn Quyện lập nhiều “chiến công”, được phong tới tước “Thường quốc công”. Còn trong dân gian thời ấy có câu: “Quyện tồn Mạc tại. Quyện bại Mạc vong”.
Nguyễn Quyện có 4 con trai và 2 con gái. Nguyễn Miễn có 5 con trai.
Hai con gái của Nguyễn Quyện, một (Nguyễn Thị Nguyệt) là Hoàng hậu của vua Mạc Mậu Hợp, một (Nguyễn Thị Niên) là phu nhân của Mỹ quận công Bùi Văn Khuê. Nguyễn Thị Niên rất đẹp, thường ra vào cung cấm thăm chị, Mạc Mậu Hợp nhìn thấy đem lòng say mê, định cướp làm phi, hay tin, Bùi Văn Khuê sợ bị hại, đã bỏ sang hàng nhà Lê. Về sau Phan Ngạn lập kế, “sai người bắn chết Văn Khuê ở giữa sông” rồi ép duyên Nguyễn Thị Niên. Nguyễn Thị Niên tương kế tựu kế, nhận lời làm lễ cưới ở trên thuyền, nhưng ngầm sai quân hầu bắn chết Phan Ngạn cũng ở giữa sông. Trả thù xong cho chồng, bà Niên nhảy xuống sông tự tận (vào năm 1600).
Trước đó, năm 1592, Tiết chế Trịnh Tùng mang đại binh từ Thanh Hóa tiến đánh quân Mạc đến tận kinh thành Thăng Long. Quân Mạc đại bại, Nguyễn Quyện bị bắt ở Ô Cầu Dền, hai con trai (Bảo Trung hầu và Nghĩa Trạch hầu) bị tử trận. Hai con trai khác (Nhuệ quận công Nguyễn Tín và Thọ nham hầu Nguyễn Trù) cùng các con trai của Nguyễn Miễn (Đô Mỹ hầu, Vân Bảng hầu, Nam Dương hầu, An Nghĩa hầu và Nhân Trí hầu) phải ra hàng và bị bắt giam. Một năm sau, năm 1593, Trịnh Tùng xuống lệnh “chu di diệt tộc” anh em con cháu Nguyễn Quyện, nhưng trước đó mấy ngày, đã có ba người trốn thoát (là Nam Dương hầu, An Nghĩa hầu và Thọ Nham hầu). Rồi họ lại đi phò tá cho nhà Mạc.
Năm 1601 tại vùng Nam Xương (sau là Lý Nhân – Hà Nam) diễn ra trận đại chiến giữa Bình an vương Trịnh Tùng và Nam dương hầu Nguyên Nhiệm. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Nam Dương hầu tử trận, còn hai người anh em là Tào quận và Vị quận (tức An Nghĩa hầu và Thọ Nham hầu) thì bị bắt, rồi bị chém đầu.
Tuy nhiên, theo gia phả dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) và họ Nguyễn ở Canh Hoạch (Thanh Oai – Hà Tây) thì trong trận ấy, Nguyễn Nhiệm chỉ bị thương nhẹ. Ông sở dĩ thoát chết là do nằm ở dưới các tử thi, đến khi chiến trận yên ắng thì thoát được, rồi cùng một vài người lính sống sót tìm thuyền chạy ra biển. Theo đường biển, thuyền vào tới cửa Hội thì ngược dòng sông Lam, đến làng Tiên Điền thì dừng lại. Tiên Điền khi ấy còn là một nơi hoang vu, ít người ở, Nguyễn Nhiệm lên bờ dưới danh nghĩa một thầy lang chữa bệnh.
Ở Tiên Điền, Nguyễn Nhiệm đã bắt đầu một cuộc đời mới, tránh xa việc binh đao. Các con cháu của ông về sau nối lại nghiệp bút nghiên, rồi đến đời thứ 6 thì có hai người đỗ Tiến sĩ. Nguyễn Huệ (1705 – 1733) sau khi đỗ chẳng may lâm bệnh mất sớm, còn Nguyễn Nghiễm (1708 – 1776) thì làm Tể tướng tới 15 năm, dưới hai thời Trịnh Doanh và Trịnh Sâm. Nguyễn Nghiễm có 12 con trai, 9 con gái, và trong số các con của ông, có nhiều người hiển đạt. Tiêu biểu như Bồi tụng, rồi sau đó là Tham tụng Nguyễn Khản, con người tài hoa và ăn chơi sành điệu nổi tiếng ở đất kinh kỳ, lại có quan hệ tâm giao với chúa Trịnh Sâm.
Thi hào Nguyễn Du, tác giả của Truyện Kiều và nhiều áng thơ chữ Hán bất hủ, được thế giới thời nay kỷ niệm là “Danh nhân văn hóa”, cũng là một người con của Nguyễn Nghiễm.
Gần đây, dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền (Hà Tĩnh) đã về Canh Hoạch (Thanh Oai – Hà Tây) để nhận họ hàng và truy lập phả hệ, bước đầu đã có những kết quả tốt đẹp. Năm 1995 đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng ở Canh Hoạch đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử -văn hóa, còn từ nhiều năm trước, nhà thờ Nguyễn Du ở Tiên Điền cũng đã được xếp hạng.
Đọc Truyện Kiều và thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ta thấy chất chứa ở đó nỗi đau nhân thế và lòng yêu thương con người của ông thật là mênh mông, da diết. Đấy là kết quả từ những đổi thay quá ư nhanh chóng của các biến cố, sự kiện và do đó thân phận con người, mà nhà thơ đã từng chứng kiến, trải nghiệm trong cuộc đời mình, lại được cảm nhận đến tận sâu thẳm tâm hồn của một nghệ sĩ ngôn từ trác tuyệt.
Những đổi thay đó phải kể là từ gia cảnh có lắm thăng trầm của ông, hoàn cảnh chung của đất nước lúc bấy giờ (cuối thời Lê Trịnh, thời Tây Sơn và thời đầu Nguyễn) và còn là từ dòng họ, với những vị tổ xa đời ở đất Canh Hoạch mà khi sinh thời, chắc chắn là ông đã được nghe truyền lại.
Năm 2000
Viết bình luận
Tin liên quan
-
HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
-
CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
-
THƯ CHÚC MỪNG NGÀY QUỐC TẾ CÁC NHÀ GIÁO
-
Vì sao gần một nửa người Việt cùng mang họ Nguyễn
-
HỘI THỀ KHÔNG THAM NHŨNG TẠI HẢI PHÒNG – XUÂN KỶ HỢI 2019
-
Người Jing (Việt) Trên Đất Trung Hoa
-
HAI BÀI THƠ MẠC ĐƯỜNG CẢM TÁC
-
LỜI RĂN CỦA TĂNG QUỐC PHIÊN, TỨ ĐẠI DANH THẦN NHÀ THANH TQ
-
THÔNG BÁO HỘI NGHỊ THƯỜNG TRỰC MỞ RỘNG HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM
-
Bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH: “Chúng ta hãy trân quý Bà mẹ thiên nhiên, Người sẽ cho mình tất thảy”
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC