- Đang online: 1
- Hôm qua: 944
- Tuần nay: 20637
- Tổng truy cập: 3,371,578
KỊCH BẢN TRẠNG MẠC ĐI SỨ
- 324 lượt xem
TIỂU PHẨM
“TRẠNG MẠC ĐI SỨ”
Lê Hoài Nguyên
Bối cảnh và trang phục toàn bộ của nhân vật vào thời Việt Nam và Trung Quốc Thế kỉ XIV.
Cảnh 1: Cảnh Cung điện Triều Trần
Vua Trần ngồi trên ngai vàng trước các quần thần.
Vua Trần:
-Hôm nay trẫm cho triệu các khanh đến để bàn một việc hệ trọng của đất nước. Sứ giả Nhà Nguyên vừa đem quốc thư đến đòi nước ta phải cho sứ đích thân sang cầu hòa. Nước Nguyên là nước lớn, nước Nam ta là nước nhỏ. Từ xưa các bậc tiên vương đều nghĩ đến việc phải giữ hòa khí với họ. Nhưng các khanh phải cho trẫm biết được quan hệ giữa hai nước hiện nay thế nào.
Một viên quan:
– Tâu bệ hạ, sau một vài năm yên ắng tình hình biên ải lại rối ren. Dân họ cứ sang xâm lấn ruộng nương của dân ta. Hôm trước còn là ruộng ngô, hôm sau đã thấy dãy mộ mới, bia mộ ghi tên người của họ. Hết mùa họ kéo sang nhận đất là của họ. Còn ở các khúc sông người ta be đập cho nước lũ chảy xéo sang cuốn đất của ta sang bãi bồi của họ.
Viên quan khác:
– Bẩm hoàng thượng, trên biển thì thuyền dân họ kéo đàn kéo lũ sang đánh bắt hải sản của ta. Đêm thì thuyền họ cứ nhằm thuyền ta mà đâm. Dân chài ta người bị chết, người bị thương, mất thuyền, mất lưới không dám ra khơi nữa.
Viên quan nữa:
– Tâu bệ hạ, trong nước thì thương lái của họ ra vào tự do, bày đủ mọi cách vơ vét tài nguyên, khoáng sản của ta. Dân ta hám lợi, nghe họ mua thứ gì là đua nhau đào bới bán cho họ, nào rễ hồi, móng trâu, nhân sâm, gỗ sưa, đến cả đỉa, lông đuôi voi, lá sắn…
Một quan nữa:
– Họ còn nâng giá dưa hấu, vải thiều lên cao, dân ta đổ xô chở dưa lên cửa ải Nam Quan. Họ không mua nữa, vải thiều, dưa đổ đầy hai bên đường, thối um lên…
Nhà vua:
– Vậy thì nguy quá. Trẫm có lỗi lâu nay không vi hành xem xét tình hình đất nước. Còn các khanh có lỗi lơi lỏng với việc quản lý biên giới, để dân họ xâm nhập tự do đi lại đến mức coi thường chủ quyền nước ta, gậm nhấm dần lãnh thổ, phá hoại sản xuất của dân ta. Có những việc giao hảo với họ các trấn, các bộ lại không bẩm báo cho trẫm biết. Nay phải cấp bách sửa lại các quy định về buôn bán, quản lý thương khách. Nhưng còn một việc cực kỳ quan trọng là phải cải thiện lại quan hệ giữa hai nước. Vậy ai có thể lĩnh sứ mệnh sang nước Nguyên bày tỏ cho trẫm chủ ý bang giao này.
Bá quan văn võ im lặng, không ai lên tiếng.
Vua chỉ quan tể tướng.
Vua Trần:
-Khanh chỉ cho trẫm xem ai là người xứng đáng.
Tể tướng bối rối:
-Bẩm Hoàng thượng xá tội , con mắt hạ thần chưa nhìn ra được người nào.
Các quan nhìn nhau.
Một viên quan thấp bé bước lên.
Người này tướng tinh loài khỉ, điệu bộ trông khổ sở.
Quần thần bừng tỉnh rỉ tai nhau:
-Trạng nguyên họ Mạc
Mạc Đĩnh Chi:
-Thần ăn lộc triều đình, bấy lâu nay vẫn mong có cơ hội để báo đáp ân đức ấy. Nay xin bệ hạ cho thần được đem chút tài mọn giúp dân giúp nước. Thần quyết không để bệ hạ thất vọng, không để mất thể diện nước Nam ta.
Vua Trần:
-Ta rất cảm kích tấm lòng của khanh. Nhưng giờ khanh đang chịu tang mẹ sao ta có thể để khanh đi được.
Mạc Đĩnh Chi:
-Thần đã định bụng xin từ quan về với điền viên khi mãn tang mẹ. Nay dù còn tang, song việc nước là việc lớn thần xin bệ hạ cho phép thần được đi sứ sang phương Bắc để tỏ rõ chủ ý của bệ hạ với Nguyên triều. Mẹ thần dù nơi chín suối biết được cũng sẽ ngậm cười.
Vua Trần:
– Ta rất hài lòng,khanh đúng là người tài đức,biết đặt vận mệnh quốc gia lên trên hết. Nay ta thưởng cho khanh 100 quan tiền, cho phép khanh về quê thu xếp ổn thỏa việc gia đình trước khi đi sứ.
Cảnh 2 : Cung điện Vua Nguyên
Phía trong là cung điện Vua Nguyên , bên ngoài là 2 lính canh gác.
Trạng Mạc và đoàn sứ đi vào bị 2 lính gác giáo chặn lại.
Nhân viên đoàn sứ thần :
-Xin mở cửa cho đoàn sứ bộ nước Nam.
Một viên quan nhà Nguyên ra lớn tiếng :
-Giờ cửa ải đã đóng, hết giờ rồi. Các ngươi muốn qua phải đối câu này.
Viên quan đưa 1 tờ giấy cho nhân viên đoàn sứ, nhân viên đưa cho Mạc Đĩnh Chi
Mạc Đĩnh Chi :
– Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.
(Qua ải chậm, cửa ải đóng, mời quý khách qua ải.)
Mạc Đĩnh Chi suy nghĩ một lát, mỉm cười rồi đối :
-Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.
(Ra đối dễ, đối lại khó, xin tiên sinh đối trước.)
Viên quan nghe xong gật gù :
– Thế này thì ta cũng chịu. Khá khen cho sứ thần nước Nam.
Quan coi ải cúi mình:
-Xin kính phục tiên sinh.(Lính gác thu giáo lại) Mời tiên sinh !
Hai lính canh dạt sang hai bên thì âm nhạc đưa vua Nguyên ra (có dàn múa rước vua ra)
Hoàng cung xa hoa lộng lẫy,hai bên tả hữu lính tráng gươm giáo tuốt trần khoa trương thanh thế.
Trạng Mạc quỳ dưới điện.
Vua Nguyên ngạo nghễ ngồi trên ngai vàng nhìn xuống.
Vua Nguyên :
-Người quỳ dưới điện kia tên là chi, từ chư bang nào tới ?
Trạng Mạc bình tĩnh dâng quốc thư.
Mạc Đĩnh Chi :
-Thần là Mạc Đĩnh Chi, sứ thần nước Nam, được cử sang đây để dâng quốc thư.
Vua Nguyên :
-Hãy ngẩng mặt lên cho ta xem.
Mạc Đĩnh Chi dung nhan xấu xí, ông nhìn thẳng vào vua Nguyên.
Vua Nguyên cười lớn :
-Nghe nói phương Nam có nhiều nhân tài, không ngờ trạng phương Nam lại là người có hình dáng tầm thường vậy sao ?
Mạc Đĩnh Chi :
– Những người tài trí, với con mắt tầm thường mới chỉ nhìn hình dáng bề ngoài chưa thể xét đoán được trí óc họ thế nào !
Vua Nguyên :
– Ngươi đừng khoác lác.Hãy đối thử câu đối này cho ta xem :
‘ Nhật -hỏa, Vân –yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ. ‘
Mạc Đĩnh Chi lẩm bẩm :
-Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng.
Vua Nguyên ví mình như mặt trời, nước Nam như vầng trăng…
Vậy thì Trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rơi mặt trời.
(Đọc to) Nguyệt – cung, tinh – đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô. ’’
Mặt vua Nguyên biến sắc nhưng vội mỉm cười :
-Hảo, hảo ta sẽ thưởng cho ngươi.
Một đại thần :
-Muôn tâu hoàng thượng , người này không phải hạng dễ bắt nạt nhưng chẳng nhẽ nước ta hùng mạnh như thế mà chịu để hắn ta làm bẽ mặt. Xin người triệu tập ngay các trạng giỏi nhất về đây đối đáp với hắn.
Vua Nguyên (Rỉ tai một viên quan)
– Được rồi, cứ để trẫm thử thách hắn.
Quan thượng thư :
– Thần tuân chỉ !(Với Mạc Đĩnh Chi)Chúng tôi có một chút quà biếu quan sứ thần nước Nam.
Người đi theo đặt mâm bánh trước mặt Mạc Đĩnh Chi, tấm đanh thiếp trên mâm có câu đối
Mạc Đĩnh Chi :
– Ông nói với quan thượng thư ta cám ơn.
Quan trạng liếc qua câu đối , chỉ nhân viên :
– Ngươi dịch câu này đi.
Nhân viên :
– Quách thiệt chi đầu đàm Lỗ Luận: Tri chi vi tri chi ,bất tri vi bất tri, thị tri
‘Chim chích chòe đậu đầu cành bàn sách luận ngữ: Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, thế mới là biết’. Thưa quan trạng họ dùng những từ giồng tiếng chim giễu tiếng người Việt ta.
Quan trạng cau mày nói với nhân viên:
– Tiếng người Nguyên có phải ồm ộp như chẫu chuộc không?
Nhân viên cười như nắc nẻ.
Quan trạng:
– ‘Oa lâm trì thượng độc châu thư: Lạc dữ độc lạc nhạc, thực lạc? Nghĩa là thế này: ‘Con chẫu chuộc ngồi dưới ao đọc sách nhà Chu: Nghe nhạc vui cùng ít người,nghe nhạc vui cùng nhiều người, đằng nào vui hơn?’
Nhân viên viết vào mảnh giấy.
Quan trạng giao tờ giấy lại cho nhân viên :
– Hãy mang cái này cùng mâm quà biếu lại quan Thượng thư.
Đoàn sứ nước Nam ra về.
Vua Nguyên:
– Các quan hãy cho ta biết sứ thần nước Nam là người thế nào?
Một viên quan:
– Bẩm bệ hạ, sứ thần nước Nam thướng mạo thật là xấu xí ạ!
Viên quan thứ hai:
– Sứ thần nước Nam cứng đầu không dễ bảo.
Viên quan thứ ba:
– Tâu bệ hạ, Sứ An Nam thật là láo xược. Đối với quan thượng thu bộ Lễ hắn dám nói rằng tiếng người Nguyên ta giống như tiếng chẫu chuộc.
Viên quan thứ tư:
– Thần thấy xứ nước Nam là trạng nguyên kiệt xuất, nhìn mặt bá quan văn võ của thiên triều e khó có người địch nổi ông ta.
Vua Nguyên:
– Thôi đủ rồi. Ta biết trong các khanh nhiều người đã mắc mắc lỡm trạng nước Nam. Bề tôi nước Nam có những người tài giỏi như vậy thì nước ta làm sao thôn tính, quy phục được họ, làm sao rửa được mối nhục ba lần bại trận của tổ tiên.
Quan tể tướng :
– Xin bệ hạ cho thần đối đáp với trạng nước Nam ạ.
Vua Nguyên :
– Được, ta cho phép khanh nhưng đừng để cho quốc triều mất thể diện lần nữa.
Tể tướng triều Nguyên :
– Người đâu! Mau đem bức trướng ra đây!
Quân lính :
– Tuân lệnh !
Tể tướng :
– Hỡi sứ thần nước Nam. Đây là bức trướng, đồ gia bảo của ta. Sứ thần thấy thế nào ?
Bức trướng thêu một khóm trúc.
Trên cành trúc có một con chim sẻ đậu.
Mạc Đĩnh Chi tiến lại giơ tay ra bắt con chim sẻ.
Các nho sĩ và quan khách nhà Nguyên thấy vậy cười ồ.
Họ nói :
– Sứ nước Nam kém mắt rồi !
– Ông này ngớ ngẩn !
– Ông ta chưa bao giờ được trông thấy một bức tranh tuyệt vời như vậy ở nước Nam !
Quan trạng kéo bức trướng xuống.
Ông xé bức trướng thành nhiều mảnh.
Các nho sĩ và quan khách kinh ngạc không hiểu việc gì đã xảy ra.
Mấy sứ bộ đi cùng ông toát mồ hôi.
Không khí trở nên hỗn loạn.
Mặt Tể tướng đằng đằng sát khí.
Mạc Đĩnh Chi vẫn đứng yên bình tĩnh nhìn mọi người.
Một nho sĩ :
-Sứ thần An Nam có học nhiều mà không hiểu lễ nghĩa, sao dám hành động như một kẻ vô lễ, tâm thần, xúc phạm quốc thể nước Nguyên. Ông hãy mau mau xin lỗi quan tể tướng xá tội, tha cho mạng sống.
Quan Trạng :
– Tôi hỏi ngài cây trúc là gì ?
Nho sĩ :
– Ai cũng biết trúc là tượng trưng cho người quân tử.
Quan Trạng :
– Tôi hỏi ngài chim sẻ là gì ?
Nho sĩ :
– Ai cũng biết chim sẻ là hình bóng của kẻ tiểu nhân.
Quan Trạng :
– Chim sẻ đè lên cành trúc nghĩa nói lên điều gì ?
Nho sĩ :
– Chim sẻ đè lên trúc….tiểu nhân, tiểu nhân….đậu trên….quân….quân tử….
Quan Trạng :
– Vậy là người thêu bức tranh này ngầm ý rằng ở nước Nguyên đạo tiểu nhân đang lấn át đạo quân tử, làm nhục quốc thể nước Nguyên.
Không khí đám đông tự dưng chùng xuống như bị dội nước lạnh.
Mọi người ngơ ngác,, không hiểu điều gì hệ trọng sẽ xảy ra.
Mặt quan Tể tướng từ đỏ ửng chuyển sang tái dại, thất thần.
Vua Nguyên :
-Thế nào ? Khanh đã trị được sứ thần nước Nam chưa ?
Tể tướng :
– Trạng nước Nam quả là người có học vấn siêu phàm. Trong đám nho sĩ của ta không có ai địch được ông ta. Dung mạo tầm thường mà ông ta vẫn được vua Nam trọng dụng đủ biết nước họ coi trọng hiền tài. Thần e rằng việc gây thanh thế với nước Nam khó mà thành.
Vua Nguyên :
– Vậy có cách nào để lấy lại sĩ diện của triều ta với nước Nam ?
Tể tướng :
– Bệ hạ phong cho Mạc Đĩnh Chi là trạng nguyên của nước Nguyên, tức là lưỡng quốc trạng nguyên. Bệ hạ được tiếng là người trọng dụng Mạc Đĩnh Chi.
Vua Nguyên:
– Khá khen cho ý của khanh! Mang sắc phong ra đây.
Quân lính mang tờ sắc ra.
Vua Nguyên ký ngay sắc phong trạng nguyên cho Mạc Đĩnh Chi.
Vua Nguyên:
– Xét tài năng và học vấn siêu phàm của sứ thần nước Nam, nay trẫm sắc phong cho trạng nước Nam chức Trạng nguyên của nước Nguyên.
Mạc Đĩnh Chi:
– Thần đa tạ bệ hạ.
Vua Nguyên:
– Trẫm mong nước Nguyên ta có được một người tài giỏi, tiết tháo như trạng nước Nam. Các ngươi nhớ lấy lời trẫm. Từ nay hai nước chúng ta kết mối giao bang, tôn trọng quốc thể của nhau, từ bỏ việc binh đao để hai nước được cùng nhau thái bình, thịnh trị!
Âm nhạc kết!
* Tài liệu tham khảo:
– Những mẩu chuyện về trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi – Hoàng Lê chủ biên – NXB VHTT 1996.
– Mạc Đĩnh Chi Sen trong giếng ngọc. Đinh Ngọc Hùng – NXB Kim Đồng 2009.
Tháng 12 năm 2012
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.