- Đang online: 2
- Hôm qua: 790
- Tuần nay: 14047
- Tổng truy cập: 3,368,471
Khái quát
- 3549 lượt xem
Trong lịch sử dân tộc ta đã thấy triều đại nào cũng đều có lúc thịnh lúc suy và dòng họ gắn liền với vận mệnh của đất nước cũng có khi hưng khi vong đó là lẽ tự nhiên. Họ Mạc ta ở thời Lý – Trần thì thịnh hưng với các danh thần lương thần như Mạc Hiển Tích, Mạc Đĩnh Chi nhưng sang thời Hồ thì lại suy với Mạc Thuý, Mạc Tung, Mạc Bình; đến thời hậu Lê lại khởi sắc với Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh sáng lập nên Vương triều Mạc rực rỡ một thời nhưng rồi con cháu Phúc Hải, Phúc Nguyên, Mậu Hợp đi vào con đường hưởng lạc suy thoái nên cơ nghiệp ông cha gây dựng không giữ được, Vương triều Mạc ở Thăng Long kết thúc sau 65 năm, sau đó còn tồn tại 85 năm ở Cao Bằng với Kính Chỉ, Kính Cung, Kính Khoan, Kính Vũ là tông tộc của họ Mạc.
Việc đảo chính lật đổ vua Lê năm 1527 của Mạc Đăng Dung khách quan công bằng mà nói là điều tất yếu của lịch sử. Nhà Lê đã suy yếu quá đỗi để nhân dân lầm than cơ cực mà “Dân như nước”, “chở thuyền, lật thuyền nhờ sức của dân”. Dân tình đã chán ghét nhà Lê từ thời Uy Mục đế (1505 – 1509), Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng… Còn đâu quá khứ tốt đẹp Bình Ngô lừng lẫy lịch sử của Lê Lợi.
Trong khi nhà Lê đã đi vào con đường chống đối quyền lợi của nhân dân, nhiều tập đoàn phong kiến mới xuất hiện tranh giành xâu xé nhau, Mạc Đăng Dung là đại biểu của một tập đoàn. Nếu Mạc Đăng Dung không ra tay lúc này thì người khác trong triều thần lúc bấy giờ cũng hành động như thế (Trần Tuân, Trần Cảo đã nổi dậy; Trần Thăng, Lê Khắc Cương, Lê Bá Hiến, Ngô Kính, Vũ Hộ…) đó là chưa nói đại biểu cho các tập đoàn phong kiến đang lớn mạnh là Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng. Trịnh Kiểm đã từng muốn tự xưng vương nhưng còn lưỡng lự cho người đi lẻn ra Hải Dương hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm xem nên làm thế nào. Nguyễn Bỉnh Khiêm không nói gì cả, ngoảnh lại bảo đầy tớ rằng: “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo“. Nói rồi lại sai đầy tớ ra bảo tiểu quét dọn chùa và thắp hương, để ông ra chơi rồi bảo tiểu rằng: “giữ chùa thờ Phật thì ăn oản“. Do sứ giả về kể chuyện lại cho Trịnh Kiểm nghe, Trịnh Kiểm hiểu ý mới thôi ý cướp ngôi. Đến Trịnh Tùng lại giết vua Lê Anh Tông rồi phao tin rằng vua tự thắt cổ.
Mạc Đăng Dung không giết vua để mà lấy ngôi báu, cuộc đảo chính của ông thật êm gọn, không đổ máu, nghi thức cũng đơn giản. Tất nhiên có sự chuẩn bị nào đó rồi trong một quá trình nhất định, sau 12 năm tận tụy phục vụ Chiêu Tông và Cung Hoàng. Điều cơ bản là Đăng Dung lúc này được lòng dân vì có nhiều công dẹp giặc, đem lại hòa bình hạnh phúc, thực sự quan tâm đến đời sống của dân. Sử có ghi “được thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đều đón vào kinh sư“. Việc đảo chính của Mạc Đăng Dung, trong lịch sử của dân tộc ta cũng không phải là lần đầu tiên. Có cuộc thành công, có cuộc thất bại. Ví như Lê Hoàn đối với nhà Đinh (980); Lý Công Uẩn với nhà tiền Lê (1010); Trần Cảnh với nhà Lý (1225); Hồ Quý Ly với nhà Trần (1400).
Vậy thì tại sao triều đại Mạc (cũng như triều đại Hồ trước đây và sau này nữa có thêm triều đại Tây Sơn) lại gọi là nguỵ triều hay nhuận triều.
Đó là theo quan điểm chính thống phong kiến xưa vì người sáng lập ra các triều đại đó đều xuất thân từ dân thường, bị trị (dân chài hay nông dân…). Các sử gia phong kiến quên rằng Lê Lợi cũng từ nông dân mà ra, khác chăng là ở giai tầng hào phú. Còn biết bao trường hợp khác nữa mà dân gian vẫn thường nói: “Được là vua, thua là giặc“. Quan điểm đó ngày nay đã được uốn nắn, cái nhìn đã thoáng đãng hơn. Song tư liệu vẫn là một vấn đề quan trọng bên cạnh quan điểm chi phối và phương pháp luận. Tư liệu phong phú hay nghèo nàn, tư liệu chính xác hay xô bồ hỗn tạp sẽ hướng ta tới những nhận định đúng sai. Ví như vấn đề “cắt đất nộp nhà Minh” có hay không? ĐVSKTT các sử thần của Lê – Trịnh khẳng định “đã nộp các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh Yên trấn Yên Quảng cho nội thuộc vào Khâm Châu“.
ĐVTS của Lê Quý Đôn không nói gì tới vấn đề này.
KĐVSTGCM ghi sự việc này theo ĐVSKTT và cẩn án, hoài nghi về việc cắt động An Lương: “Có lẽ về động An Lương, Đăng Dung chưa từng dâng nộp mà chỉ là do sử cũ chép sai sự thực đó chăng?”
Giáo sư Trần Quốc Vượng đã phát biểu trong dịp giỗ Tổ họ Thạch (Văn) ở Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm vào đầu năm 1987 có đề cập tới khía cạnh này và theo Giáo sư thì nhà Minh đã sai quan tới khám đạc và Minh sử ghi có đất vốn thuộc về Trung Quốc từ lâu, có tên đất mà không có đất trên thực địa…
Trở lại vấn đề, chúng ta cho rằng Vương triều Mạc ra đời là tất yếu và thừa nhận sự suy yếu bất lực của Nhà nước trung ương tập quyền Lê, có nghĩa là thừa nhận sự sụp đổ của nó và khẳng định Vương triều Mạc. Hành động của Mạc Đăng Dung là phù hợp quy luật tiến hóa của xã hội phong kiến Việt Nam. Công và tội của Mạc Đăng Dung (người mở đầu triều đại Mạc) và các nhân vật kế tiếp thế nào xin để giới nghiên cứu sử theo quan điểm Mác-xít bình luận.
Con cháu họ Mạc cần hiểu rõ vì sao họ Mạc phải di tản nhiều nơi và chuyển đổi ra nhiều họ khác, cũng như rút ra bài học lịch sử cần thiết trong việc ứng xử ở cuộc đời hôm nay và cả ngày mai.
Đứng về quan điểm giai cấp thì trên nguyên tắc họ Trịnh cần phải tìm cách diệt hết nhà Mạc, có xóa bỏ được đối thủ của mình hoặc uy hiếp con cháu họ Mạc để làm tiêu tan ý chí phục thù rửa hận thì họ Trịnh mới khỏi lo về hậu họa. Cho nên sau Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng, Trịnh Tạc kiên quyết dùng uy lực trấn áp con cháu họ Mạc (trừ những người quy hàng thì tranh thủ sử dụng mà vẫn cảnh giác). Vì vậy họ Trịnh đã hành hình Mậu Hợp rất tàn nhẫn, chém giết một lúc 60 người họ Mạc, chưa kể lẻ tẻ khi có người bị chém, có người bị thắt cổ…tạo ra một bầu không khí nặng nề ghê sợ khiến có những thân vương tông tộc nhà Mạc phải tự sát vì sợ, vì tuyệt vọng, vì giữ khí tiết và danh dự của dòng họ. Họ Trịnh không nghĩ rằng chính sự trấn áp và truy bức đó đã dẫn tới chỗ này xưng vương, chỗ khác nổi dậy của con cháu họ Mạc là một sự phản ứng mãnh liệt đối lập lại với họ Trịnh. Có lẽ vì vậy mà họ Trịnh dần dần nhận ra và đã dùng trí mưu như: đãi lễ đặc biệt với ai quy thuận, gả con gái cho v.v… (ví như Mạc Đạo Trai).
Thực tiễn cho hay rằng: lòng dân còn mến mộ nhà Mạc nhất là vùng Đông Bắc nên khi Kính Chỉ xưng vương, họ Mạc có vài trăm người hưởng ứng và quân sĩ tập hợp được đến 7 vạn người. Kính Cung xưng vương, người vùng Đông Bắc kéo về ngày một đông, đi đến đâu dân theo đến đấy.
Hai là thực lực của nhà Mạc không cho phép họ Trịnh làm hơn được “lực bất tòng tâm”. Năm 1592 Trịnh Tùng đánh lấy được Thăng Long mà không dám đánh rấn lại bỏ về Thanh Hóa có thể vì tướng sĩ đã mệt mỏi nhưng có điều biết sẽ không giữ nổi. Sau này đánh lên Cao Bằng đánh mãi, năm liền năm mà không thắng. Phần còn lo đối phó với cả chúa Nguyễn ở phía Nam.
Ba là thái độ của nhà Minh – Trung Quốc vẫn dung dưỡng nhà Mạc. Muốn đất nước này nhiều chủ chia cắt, kình địch nhau có đại loạn thì đất nước Trung Hoa mênh mông kia mới đại trị. Do đó đã dùng áp lực buộc họ Trịnh phải để họ Mạc ở đất Cao Bằng, không cho phép các tri châu hưởng ứng kế sách của Trịnh Tráng đánh Kính Vũ…
Bốn là họ Mạc cũng có nhiều ưu ái với họ Trịnh từ xưa như bao dung Trịnh Cối (anh ruột của Trịnh Tùng) khi bỏ Lê sang quy phục Mạc (1). Chưa nói con gái Trịnh Tùng còn lấy con trai họ Mạc (xem tiểu sử Mạc Đạo Trai). Vì nghĩa vì tình, nên phải nới tay khi họ Trịnh thắng thế, được nước đi trên bàn cờ chính trị.
Do những lý do đã nêu trên mà có những chi của họ Mạc không phải đổi họ và không phải di chuyển chỗ ở như các chi họ Mạc ở Cổ Trai, Nhân Trai, Hùng Khê Trang (Hải Phòng)… Còn phần lớn là phải phân tán ở nhiều xứ sở, đổi sang họ khác, không liên lạc với nhau, cất giấu hoặc hủy bỏ kỷ vật để mai danh ẩn tích yên ổn làm ăn… Xin lược qua một số gia phả của các chi họ (gốc Mạc).
– Gia phả họ Bùi Trần ở xã Quất Động, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam (nay là xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Tây) còn giữ được, có ghi: Vì cấm lệnh nghiêm ngặt, Mạc Phúc Đăng phải giấu họ cha mà đổi theo họ mẹ, theo quê mẹ ở xã Quất Động. Từ bấy giờ là họ Bùi, theo việc nhà nông, làm ăn cần kiệm.
– Gia phả họ Lều ở Nhị Khê, Thượng Phúc, phủ Thường Tín, Hà Nội (nay thuộc Hà Tây) có ghi: đời Lê Trung Hưng (1533-1788) bắt đầu đổi sang họ Lều.
– Gia phả họ Phạm ở Thanh Đặng, Văn Giang, Bắc Ninh (nay là xã Thanh Đặng, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) cũng ghi rõ: Tổ tôn nhà ta từ đời Lê Trung Hưng gặp lúc binh qua, tán loạn lưu lạc, không còn giấy tờ gì sót lại, nay còn biết lõm bõm, chỉ còn là được nghe lại mà thôi. Lúc mới tán loạn chạy đi chi thứ 5 và chi thứ 6 anh em đều trốn tránh ở xã An Lưu, huyện Thiểm Sơn (Hải Dương). ở đây không bao lâu thì em ở đấy còn anh sang xã Thanh Đặng, Văn Giang (Bắc Ninh). Về sau có cụ Thiện Đạo rồi đến cụ Phúc An. Vì bấy giờ họ Trịnh chuyên quyền phải đổi họ Phạm… Họ Mạc đổi là họ Phạm cũng lấy di tích bộ thảo đầu(2). Chi thứ 6 ở An Lưu, Thiểm Sơn đổi là họ Nguyễn.
– Gia phả họ Thạch (Văn) ở Phù Ninh, Đông Ngàn (Bắc Ninh) (nay là Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) ghi: Gia phả họ nhà bị người trong họ là Thạch Duy Tấn làm thất lạc, bấy giờ còn cụ ở chi thứ tư họ ta thường dặn con cháu kể rõ gốc tích Thủy tổ và xem gia phả của họ Đào thì mới hiểu rõ được. Tiên tổ họ nhà, trước ở xã Cổ Trai, huyện Nghi Dương là họ Mạc, sau dời sang Văn Lung, An Lão (Hải Phòng) cùng họ tôn thất ở thành Thăng Long, về sau sa sút. Nhà Lê Trung Hưng, họ Trịnh khởi nghĩa, phải chạy tán loạn nhiều nơi. Tiên Tổ họ nhà có 4 anh em. Chi trưởng bị binh qua đuổi gấp chưa kịp sang sông cứ đi ven bờ sông lên tỉnh Sơn Tây rồi không biết ở đâu. Cụ tổ họ nhà cùng hai anh qua sông Nhị Hà về xã Phù Ninh, Đông Ngàn (Bắc Ninh) đổi họ đổi tên. Hai anh thì đổi họ Đào, con cháu đời sau có ông Đào Quốc Hiển đỗ Tiến sĩ, gia phả có dấu ấn hãy còn. Cụ tổ họ nhà đổi là họ Thạch làm ông tự ở chùa Cả, các tăng ni đều gọi cụ là Thịnh Đức thiền sư.
– Gia phả họ Thạch ở Công Đình (nay thuộc xã Đình Xuyên, Gia Lâm, Hà Nội) ghi: cụ tổ là Phúc Trung (em của Phúc Hiền, đều có chung cụ Thủy tổ là Thịnh Đức thiền sư).
– Gia phả họ Hoàng ở Nhân Võng, Văn Xá, Nông Cống, Thanh Hoá (nay là xã Hoàng Giang, Nông Cống, Thanh Hóa) ghi rõ gia phả bị thất lại vào thời Tự Đức nên không có căn cứ để khảo chứng. Cụ Cao tổ là Mạc Đăng Khuê di cư khai khẩn ruộng đất lập ấp, ấp đó gọi là thôn Thổ Ngoã…
– Gia phả họ Hoa ở xã Đằng Lâm, An Hải, Hải Phòng nay vẫn còn Hoa tộc phả ký và tấm bia Hoa thạch bi ký có ghi: Khi nhà Lê Trung Hưng đánh đuổi nhà Mạc, một nhánh nhà Mạc lẩn tránh tới Đằng Lâm mai danh ẩn tích, đổi họ Mạc thành Họ Hoa để tránh sự truy bắt. Rồi sau này để kiêng tên húy của một vị Tổ Tiên nên từ họ Hoa chuyển đổi thành họ Khoa như ngày nay.
– Gia phả họ Phạm ở Yên Dũng (Bắc Giang) ghi: Tiền cổ Mạc thị, hậu kim Phạm thị (thời xa xưa là họ Mạc, về sau cho đến nay là họ Phạm) ngoài ra còn nói thêm chi tiết “Trưởng chi Xuân Đán, thứ chi Đông Ngàn, tam chi…”.
+ Chi Xuân Đán này là xã Xuân Phúc, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Cụ Mạc Đăng Gia về đây đổi ra họ Phạm Đăng, cho đến nay đã 15 đời.
+ Chi Đông Ngàn nay là huyện Gia Lâm tức là chi họ Thạch ở Phù Ninh.
– Tộc phả họ Mạc ở Nghệ Tĩnh cho biết rõ hơn về vợ con Mạc Đĩnh Chi cho đến đời thứ 17 là Mạc Toàn, có nhiều nét khác so với thông sử và không có ở các phả khác. Đặc biệt từ Mạc Mậu Giang con của Mạc Phúc Nguyên và bà Đặng Thị Xuân chạy vào Thanh Hóa rồi vào Nghệ Tĩnh, có nhiều vợ. Đến đời con, người thì đổi ra họ Phạm, họ Nguyễn, họ Phan. Đến đời cháu, có người lại đổi ra họ Hoàng.
– Tộc phả họ Phạm (Mạc) ở Xuân Thủy (Nam Định) nói về việc di cư của Mạc Đăng Thận.
Như vậy ta thấy họ Mạc đổi ra họ Phạm hiện mới biết chắc chắn ở một số nơi: ở Hòa An (Cao Bằng), ở Văn Giang (Hưng Yên), ở Yên Dũng (Bắc Giang), Bắc Ninh, Xuân Trường và Giao Thủy (Nam Định), Hoa Lư (Ninh Bình), ở Thái Bình, ở Nghệ An và Hà Tĩnh, ở Mộ Đức (Quảng Ngãi). Họ Mạc đổi ra họ Nguyễn có ở Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình. Họ Mạc đổi ra họHoàng có ở ý Yên (Nam Định), ở Nông Cống (Thanh Hoá), ở Quốc Oai (Hà Tây), ở Nghệ An, Hà Tĩnh và ở Quảng Bình, Quảng Nam. Đó là 3 họ gốc Mạc ở nhiều tỉnh. Còn rải rác ở các tỉnh huyện khác cũng đều có họ gốc Mạc như các họ Bùi, Lều, Thạch, Đào, Hà, Hoa, Vũ, Lê, Phan, Thái, Khương, Tô, Ma, Bế, Trừ, Trương…
Hiện nay chưa biết rõ về họ Khương, Tô ở đâu. Họ Đào nhiều nơi có nhưng cũng chưa rõ họ Đào nào là gốc họ Mạc (3) gia phả chỉ nhắc qua mà thôi. Hy vọng một ngày nào đấy chúng ta tiếp cận được với các tộc phả, gia phả trên để xác minh và bổ khuyết cho đầy đủ.
Trích dẫn các gia phả trên (chắc chắn có nhiều gia phả đã mất chưa tìm thấy để dẫn) và theo truyền ngôn của các cụ cao tuổi nhất của một số dòng họ hoặc các câu đối ở từ đường hoặc nhà thờ họ, chúng tôi thấy nổi bật lên:
Từ họ Mạc đã đổi ra nhiều họ. Cho đến nay chúng ta mới biết chắc bốn mươi họ khác nhau (có thể còn hơn nữa, theo ý kiến Ban liên lạc họ Mạc). Đó là các họ sau:
1. Bế | 18. Hồ Đăng | 35. Phan |
2. Bùi | 19. Hoa (Khoa) | 36. Phùng |
3. Cao Thái | 20. Hoàng và Huỳnh | 37. Phương |
4. Cát | 21. Hứa | 38. Quách |
5. Chu | 22. Khổng Vũ | 39. Tạ |
6. Chữ | 23. Khương | 40. Thái |
7. Chương | 24. Lê Đăng | 41. Thạch |
8. Diệp | 25. Lều | 42. Thẩm |
9. Dương Mạc | 26. Liêu | 43. Tô |
10. Đào | 27. Lưu | 44. Trần |
11. Đặng | 28. Ma | 45. Trịnh |
12. Đinh | 29. Mai | 46. Trừ |
13. Đoàn | 30. Màn | 47. Trương |
14. Đồng | 31. Mậu | 48. Văn |
15. Đỗ | 32. Mông | 49. Vũ |
16. Hà | 33. Nguyễn | 50. Vương |
17. Hán | 34. Phạm |
Như vậy việc cải đổi tên họ của họ Mạc này trong lịch sử dân tộc ta chủ yếu diễn ra từ sau thời Lê Trung Hưng (cuối thế kỷ XVI) và việc di chuyển đến nhiều địa bàn cư trú từ Bắc đến Nam cũng trong thời điểm ấy trở đi.
Sơ bộ chúng tôi biết được hậu duệ Mạc Kính Điển và Mạc Kính Phu từ Quảng Ninh di tản về Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên…; hậu duệ của Mạc Phúc Nguyên, Mạc Phúc Thái, Mạc Mậu Giang thì di tản ở Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… trong khi ở Nghệ An và Hà Tĩnh trước đây đã có khá nhiều hậu duệ của Mạc Đăng Lượng, Mạc Đăng Bình, Mạc Mậu Giang…; Hậu duệ của Mạc Phúc Hải, Mạc Mậu Hợp, Mạc Thao thì di tán về Hà Tây…; Hậu duệ của Mạc Đăng Uyên, Mạc Đăng Chương, Mạc Đăng Tâm thì về Nam Định…; Hậu duệ của Mạc Kính Vũ thì vào Quảng Nam nơi đây đã có sẵn hậu duệ của Mạc Cảnh Huống ở từ lâu…; Hậu duệ của Mạc Đăng Dinh thì vào Quảng Ngãi…; hậu duệ của Mạc Nhữ Đỉa, Mạc Nhữ Diên… từ Cao Bằng về Bình Định…; Hậu duệ cảu Mạc Đăng Khuê thì vào Thanh Hóa; Hậu duệ của Mạc Đăng Thành, Mạc Đăng Quế thì đến Vĩnh Phúc, v.v… thật khó phác họa được con đường đã di tản ngược xuôi – xuôi ngược khắp các miền…, làm thầy đồ, thầy thuốc, thầy địa lý… hay khai hoang lập ấp…
Trong bước đầu bị thất thế và nguy cơ bị tiêu diệt, con cháu họ Mạc phải phân tán khắp nơi đổi họ thay tên, ẩn hình lánh nạn.
Thật là “đời thay thế đổi, đất lật trời nghiêng, ngôi Lê khôi phục. Vận Mạc đổi dời là Hoàng, là Phạm, là Thái, là Tô hoặc đổi họ thay tên ẩn mình theo họ mẹ”
Con cháu họ Mạc chạy xuống Kiến Xương, Thái Bình. Sau đó một chi vào Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định, Thanh Hóa ngoại (Ninh Bình) gồm nhiều chi phái.
Lịch sử mỗi dòng họ, mỗi tộc người đều gắn liền với lịch sử toàn dân tộc. Dân tộc Việt Nam rất tự hào với những người con tài ba lỗi lạc làm rạng rỡ cho non sông, cho giống nòi như Mạc Đĩnh Chi. Dòng họ ta cũng tự hào là con cháu Đức Viễn Tổ Mạc Đĩnh Chi vậy.
Mỗi họ đều có phả ghi chép lại cội nguồn từ họ Mạc hay từ xa xưa vốn ở Lũng Động hoặc Cổ Trai ra đi. Lý do vì sao phải ra đi, vì sao lại cư trú ở đây, đổi thành họ gì, từ vị tổ nào. Tín hiệu mật truyền cho con cháu các thế hệ sau biết và dặn dò phải tìm nhau, tìm về cội nguồn. Sau đó là ghi các thế thứ các đời nối tiếp. Có phả chép cả bài ký về từ đường (như họ Lều…). Chép câu đối thờ gia tiên (như họ Vũ, họ Thạch…), chép cả sắc phong (như họ Bùi, họ Phạm, họ Phan…), chép liệt vị Tiên Linh…
Cho đến nay nhiều họ còn giữ được phả nhưng chưa được ghi bổ sung tiếp, chưa đính chính và làm rõ một số chi tiết mập mờ sai lạc để tránh hậu họa cho con cháu một thời và cũng mới có một số họ bắt đầu phiên chuyển mã chữ Hán Nôm ra Quốc ngữ để cho con cháu dễ đọc. Thật đáng tiếc có một số họ đã để thất lạc mất phả do khách quan và chủ quan nên chỉ còn biết truyền ngôn, đặc biệt là trăng trối lại cho con cháu biết khi biết mình từ giã cõi đời về với Tổ Tiên…
Chúng tôi, những người được ủy thác biên soạn Mạc Thị Thế phả hợp biên (năm 1987) và Hợp biên Thế phả họ Mạc (năm 1999), cố gắng lượm lặt những gì còn sót lại, coi đó như những hạt ngọc quý, với lòng mong muốn được bảo tồn lâu dài làm cơ sở nghiên cứu sau này, không chỉ riêng dòng họ Mạc hay các địa phương có những họ này mà chung cho các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quốc gia của nước ta.
Nếu như cuốn Mạc thị Thế phả hợp biên năm 1987 coi là một bước khởi thảo mang tính lịch sử chứ chưa dám coi là một công trình hoàn thiện và có chất lượng khoa học cao thì cuốn Hợp biên Thế phả họ Mạc được biên soạn lần này (1999) là một bước tiến dài về chất lượng khoa học. Công lao lớn đó trước hết thuộc về các BLL họ Mạc ở các tỉnh đã dày công sưu tầm cung cấp tư liệu cho nhóm biên soạn, sau nữa được các nhà khoa học đầu ngành đã góp cho nhiều ý kiến quý báu. Trong phần thứ tư này chúng tôi xếp theo thứ tự địa lý hành chính hiện nay để các chi họ dễ liên lạc với nhau.
Chú thích:
1. Kính Điển có những trận tha không giết họ Trịnh.
2. Trường hợp này tương tự họ Trần đổi thành họ Đặng rồi ghép Đặng Trần ở Chương Đức (1158).
3. Ngay ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội có một tấm bia đá Sùng ân báo Đức tạo năm Vĩnh Thịnh 13 (1717) có nói đến Đào Quốc Hiển – Tiến sĩ chỉ có con gái gả chồng ở địa phương họ Nguyễn.
Viết bình luận
Tin liên quan
- BÀI TỰA THẾ PHẢ HỌ MẠC
- Sơ đồ phả hệ của Mạc tộc (theo Gia phả thôn Tiều Lợi – Đông Hoãn)
- Viễn Tổ Kiến thuỷ khâm minh văn Hoàng đế – Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
- Phụ chép: Ngọc tỉnh liên phú
- THỦY TỔ HỒNG PHÚC ĐẠI VƯƠNG MẠC HIỂN TÍCH
- VIỄN TỔ HOẰNG CƠ ĐỐC THIỆN TUYÊN HƯU HOÀNG ĐẾ MẠC DAO
- VIỄN TỔ TRIỆU PHÚC HOẰNG ĐẠO TÍCH ĐỨC HOÀNG ĐẾ MẠC THÚY
- VIỄN TỔ HỒNG KHÁNH UYÊN TRIẾT ANH DUỆ HOÀNG ĐẾ MẠC TUNG
- VIỄN TỔ THUẦN HIẾN TUY HƯU ĐỐC CUNG HOÀNG ĐẾ MẠC BÌNH
- VIỄN TỔ QUANG LIỆT CƠ MỆNH HOÀNG ĐẾ MẠC HỊCH
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.