- Đang online: 3
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 19516
- Tổng truy cập: 3,370,184
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- 1188 lượt xem
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
Ngày 8 và 9 tháng 12 năm 2023, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng, Hội Khoa học – Lịch sử Việt Nam cùng Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng đã long trọng phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc gia: “Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam”.
Hội thảo đã được hàng trăm nhà sử học tham dự, trong đó có các giáo sư, tiến sỹ, các nhà sử học, các chuyên gia sử học hàng đầu Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Đảng và chính quyền TP. Hải Phòng cùng đại diện con cháu dòng họ Mạc Việt Nam và Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng tham dự.
Hội thảo đã tiếp nhận và in ấn 58 bản tham luận trong kỷ yếu Hội thảo, có 8 bản tham luận được tác giả trực tiếp trình bầy tại Hội thảo, trong đó có bản tham luận của TS. Hoàng Văn Kể, PCT HĐMT Việt Nam, Chủ tịch HĐMT Hải Phòng.
Sau đây là toàn văn bản tham luận của TS. Hoàng Văn Kể đã trình bầy tại Hội thảo:
CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CANH TÂN ĐẤT NƯỚC CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC – LÀ DI SẢN CỦA QUỐC GIA, DÂN TỘC; KHỞI NGUỒN TRUYỀN THỐNG NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO, DÁM NGHĨ, DÁM LÀM CỦA MẢNH ĐẤT, CON NGƯỜI VÙNG DƯƠNG KINH XƯA, HẢI PHÒNG NGÀY NAY.
Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng
Trước hết, tôi xin thay mặt cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và con cháu họ Mạc, gốc Mạc ở Hải Phòng và trong cả nước rất vui mừng, phấn khởi và bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và UBND thành phố Hải Phòng đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học ở cấp cao nhất về một chủ đề mà chúng tôi mong đợi suốt nhiều thập kỷ qua, ít nhất là từ khi Đảng và Nhà nước ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế với quan điểm hết sức biện chứng, hết sức khoa học và nghiêm túc khi nhìn nhận và đánh giá các vấn đề về quá khứ, lịch sử: “Phải nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật, đánh giá đúng sự thật”.
Với tinh thần đó, tại Hội thảo khoa học này cho phép tôi được trình bày, trao đổi về chủ đề: “Công cuộc đổi mới, canh tân đất nước của Vương triều Mạc – là di sản của quốc gia, dân tộc, khởi nguồn truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của mảnh đất, con người vùng Dương Kinh xưa, Hải Phòng ngày nay”. Để làm rõ nội hàm của chủ đề trên, tôi xin trình bày một số vấn đề sau đây:
1) Sự ra đời của Vương triều Mạc – một tất yếu lịch sử; Hoàng đế Mạc Đăng Dung lên ngôi – sứ mạng của đất nước và người dân lựa chọn, giao phó.
Sử sách chính thống nước nhà, trước ngòi bút của các sử gia phù Lê bài Mạc đều ghi rõ trong gần 100 năm trị vì của nhà Lê Sơ, thì đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã đưa nhà Lê Sơ lên đỉnh cao thịnh trị. Sau khi vua Lê Thánh Tông băng hà, nhà Lê Sơ rơi vào thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng, nhất là các đời vua từ Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực đều sa vào con đường ăn chơi trác táng, bỏ bễ triều chính, ruộng đất tập trung vào tầng lớp quan lại, địa chủ, đời sống của người dân khốn cùng, lầm than, trộm cắp, loạn lạc nổi lên liên miên, các phe phái đánh giết, tranh giành quyền lợi; triều đình mục nát, rối ren dẫn đến nguy cơ diệt vong là tất yếu. Trong bối cảnh đó, Mạc Đăng Dung vốn xuất thân từ Đô Lực sỹ, Trạng nguyên võ bằng tài, trí, dũng của mình đã tận dụng thời thế hỗn loạn, triều đình mục nát, tê liệt, các thế lực trong triều đình nhà Lê Sơ đua nhau tranh giành quyền lực mà từng bước khôn khéo, bền bỉ, quyết liệt nắm lấy quyền lực. Cứ cho rằng Mạc Đăng Dung tận dụng thời cơ này lật đổ nhà Lê, lập ra một triều đại mới – triều đại nhà Mạc thì chúng ta cũng cần phải suy xét một cách công tâm, công bằng, khách quan khi triều đại (nhà Lê Sơ) mục ruỗng như vậy, không còn khả năng quản lý đất nước, quản lý xã hội thì tất yếu sẽ có một triều đại khác thay thế để cứu vãn đất nước, cứu người dân khỏi lầm than. Bởi vậy, việc nhường ngôi, ép nhường ngôi hay soán ngôi, thậm chí cướp ngôi thì bản chất sự việc vẫn như nhau khi mà tất yếu lịch sử đòi hỏi phải có một triều đại mới tiến bộ hơn, thay thế triều đại cũ đã mục ruỗng, thối nát. Theo logic biện chứng trên thì nếu triều đại nhà Mạc không thay thế nhà Lê Sơ, thì cũng sẽ có một triều đại khác lên thay. Nếu không phải Mạc Đăng Dung lập ra triều Mạc thì cũng sẽ có một nhân vật lịch sử khác lên nắm quyền.
Bởi vậy, theo chúng tôi, nhà Mạc ra đời là một điều tất yếu lịch sử, Mạc Đăng Dung lên ngôi lập nên triều Mạc là sứ mạng lịch sử của đất nước và nhân dân giao phó. Việc nhiều thế kỷ qua, lịch sử gán ghép cho nhà Mạc là nguỵ triều, các vị Vua nhà Mạc và con cháu các Ngài phải chịu nhiều oan ức, tủi nhục là không thoả đáng, không công bằng. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần phải đánh giá lịch sử một cách khách quan, công bằng hơn theo các quan điểm đổi mới của Đảng như tôi đã nêu ở phần trên.
Chẳng thế mà Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một đại thần nhà Mạc chỉ phụng sự nhà Mạc, chỉ phò các vua Mạc, chỉ chọn Mạc Đăng Dung làm minh quân như lời cố Giáo sư Vũ Khiêm, ông rất am tường quy luật vận động này của lịch sử, lường trước được đời sau sẽ gán ghép nhà mạc là ngụy triều, Mạc Đăng Dung soán ngôi, cướp ngôi. Cụ Trạng đã để lại hai câu sấm truyền trong Di Ngôn Chí do chính Cụ soạn lời, sai học trò tin cẩn khắc lên bia đá mang đi cất dấu trước khi Cụ lâm chung 6 tháng. Bia đá cổ trên gần đây (tháng 5/2018) đã được nhóm các nhà khoa học xã hội độc lập nghiên cứu trong nhiều năm tìm thấy tại quê ngoại cụ Trạng và hiện tại đang được bảo quản, giữ gìn tại Bảo tàng Hải Phòng. Hai câu cụ Trạng để lại cho hậu thế nguyên văn hán ngữ như sau:
“Tản thần tuyển Đế vi tâm phạn
Đà linh Nam Thế bá thánh Minh”
Các chuyên gia, các nhà hán học giải nghĩa hai câu này như sau:
“Thần Tản Viên nhiệm màu nhập vào, sai phái bậc hào kiệt ở phương Đông là Mạc Đăng Dung làm Hoàng đế vì có đạo nghĩa và tấm lòng hướng phật.
Linh khí thần sông Đà che chở nước Nam, cứ triều đại nào suy bại (thần) lại trừ bỏ kẻ Vương Bá, thay bằng một bậc thánh nhân sáng suốt”.
Đôi câu thơ trên của cụ Trạng để lại cho hậu thế chính là bảo vệ một sự thật hùng hồn, một sự thật rực sáng giữa trưa hè khi mặt trời đứng bóng thiêu cháy tất cả những gì làm hoen ố thanh danh của nhà Mạc, xúc phạm tới Thái Tổ Nhân Minh Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung.
2) Nhà Mạc ra đời trong bối cảnh nội chiến liên miên, bên ngoài phong kiến phương Bắc luôn nhòm ngó, lăm le xâm chiếm nước ta. Triều đình nhà Mạc vẫn thực thi nhiều chính sách tiến bộ, đổi mới, canh tân mang lại nhiều thành tựu tích cực phát triển ở nhiều lĩnh vực.
Mặc dù trên quan điểm phù Lê, bài Mạc, song các sử gia vẫn phải thừa nhận, ghi chép trong sử sách chính thống của nước nhà. Nổi bật trên các lĩnh vực sau:
– Trong nông nghiệp: nhà Mạc cho sửa đổi hạn điền, binh điền, giảm sưu cao, thuế nặng, chú trọng khai khẩn đất hoang, đắp đê, đào sông thoát lũ, bảo vệ mùa màng. Bởi vậy, “trong nhiều năm được mùa liên tiếp, bốn trấn yên vui… nhà nào cũng thóc lúa đầy cót, đầy bồ…” Cùng với chính sách trọng nông nhưng nhà Mạc không ức thương, cho phép hàng hoá, sản vật dư thừa làm ra được trao đổi, buôn bán giữa người sản xuất và người tiêu dùng, Theo đó nhà Mạc còn cho xây dựng nhiều chợ quán, cảng thị hoạt động buôn bán tấp nập, sầm uất cả ở trong nước, cả với thương gia nước ngoài;
– Nhà Mạc khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhiều ngành nghề mới được khởi nghề; nhiều ngành nghề truyền thống được duy trì và phát triển như: Chạm khắc gỗ, điêu khắc đá, chạm khắc vàng, bạc; đúc đồng, làm gốm, sứ: Chu Đậu, Bát Tràng, Hợp Lễ, Bình Giang, Hải Dương… Nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Trong triều đại phong kiến thì thợ thủ công thời Mạc được tự do sáng tác hơn, hàng hoá sản xuất ra được ghi tên người chế tạo, ghi tên người đặt hàng (xuất xứ, thương hiệu hàng hoá) đó là một bước tiến lớn trong các triều đại phong kiến Việt Nam (Lịch sử Hải Phòng tập II, T2 203).
– Về giáo dục và khoa cử: Nhà Mạc rất quan tâm tới khoa cử, tuyển chọn, đào tạo, trọng dụng và sử dụng hiền tài với quan điểm “Hiền tài là nguyên khí quốc gia.”. Mặc dù thời gian trị vì ngắn, nội chiến liên miên. Song, nhà Mạc vẫn cứ 3 năm đều đặn 1 lần tổ chức các khoa thi, tuyển chọn được 485 tiến sĩ, 13 trạng nguyên. Trong đó có nhiều tiến sĩ, trạng nguyên tài ba, kiệt xuất, hết lòng vì nước, vì dân như: Nguyễn Thiến, Giáp Hải, Trần Tất Văn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngôi sao khuê rực sáng trời Nam thế kỷ XVI. Đặc biệt thời Mạc còn có người phụ nữ duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam là bà Nguyễn Thị Duệ giả trai đi thi và đỗ tiến sỹ.
– Nhà Mạc còn thực thi chính sách rất tiến bộ và nhân văn trong sử dụng và bổ nhiệm quan lại trong bộ máy cai trị đất nước. Khác với các triều đại trước đó, ngay từ ngày đầu lên ngôi, Hoàng đế Mạc Đăng Dung đã tuyên ngôn trước triều thần: “Ai muốn phụng sự đất nước thì tiếp tục được triều đình trọng dụng, bổ nhiệm chức tước, còn ai mà nặng tình, nặng nghĩa với vua cũ thì được cấp quần áo, ruộng vườn về quê sinh sống làm ăn”. Chính sách này của nhà Mạc rất được lòng quan lại, người dân.
– Nhà Mạc còn thực thi chính sách cởi mở đối với tôn giáo. Thời Mạc, Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo chung sống hoà hợp. Phật giáo được chấn hưng. Nhiều vị vua, chúa, hoàng thân quốc thích, quan lại bỏ tiền mua ruộng xây chùa, cúng dường Tam bảo. Đặc biệt, Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn – chính cung hoàng hậu của Hoàng đế Mạc Đăng Dung đã cúng tiến nhiều tiền bạc xây chùa, mở chợ ở nhiều nơi. Bởi vậy, bà đã được người đời tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ, Phật sống trần gian”. Bà đã được người dân tạc tượng, phụng thờ ở nhiều đền, chùa khắp khu vực vùng Dương Kinh xưa.
– Nhà Mạc còn thực thi chính sách thượng tôn pháp luật, thiết lập trật tự kỷ cương. Sử sách còn ghi “dưới thời Mạc, ra đường thấy của rơi không ai nhặt; đêm ngủ cửa ngoài không phải đóng; trâu bò thả rông ngoài đồng tối không phải lùa vào chuồng,…”
– Về ngoại giao: Nhà Mạc còn thực thi chính sách ngoại giao với các nước lớn một cách mềm dẻo, khéo léo (ngoại giao cây tre) nhằm tránh được các cuộc chinh phạt, xâm chiếm, dày xéo nước ta. Chỉ bằng một bài biểu của triều đình đã làm lui binh hàng vạn tướng sĩ nhà Minh.
– Dưới thời Mạc đã hình thành tư tưởng tiến bộ, đột phá trong nhận thức xã hội. Đó là tư tưởng xây dựng một xã hội bao dung, bình đẳng, bác ái, không có người nghèo, không có kẻ ác, làm nhiều việc thiện. một xã hội quan lại, chức sắc không tham nhũng, không lấy của công làm của tư, nếu lấy của công làm của tư sẽ bị thần linh đả tử. Tư tưởng đó không chỉ tồn tại trong nhận thức xã hội mà đã được bộc lộ, thực thi. Trong thực tế xã hội đương thời lúc bấy giờ. người khởi xướng, truyền dạy tư tưởng đó chính là bà Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn bằng lễ hội Minh Thề được lưu truyền cho tới tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị;
– Đặc biệt nhà Mạc, đại diện là vị vua đầu Triều, Hoàng đế Mạc Đăng Dung ngay từ đầu lân nắm quyền đã có tầm nhìn và tư tưởng hướng ra biển lớn cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Hoàng đế Mạc Đăng Dung đã cho xây dựng kinh đô Dương Kinh – đô thị ven biển đầu tiên của nước Đại Việt; xây dựng nhiều cảng thị, chợ quán ven các cửa sông lớn, mở xưởng đóng thuyền đưa hàng hoá, sản vật ra bán ở nước ngoài. Đây là tiền đề của quá trình hình thành và xác lập của đô thị Cảng Hải Phòng, bắt đầu từ đô thị Dương Kinh và tiếp nối là các cảng thị trong chiến lược vươn ra biển lớn của quốc gia Đại Việt trong các thế kỷ XVI đến XIX, trong đó khởi đầu từ nhà Mạc (trích dẫn Lịch sử Hải Phòng, tập I, trang 29).
Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – một bậc hiền triết thông kim bác cổ, một trong những đại diện xuất sắc nhất của trí tuệ Việt thời Mạc, hơn ai hết đã nhận thức được nguồn năng lượng dồi dào từ Biển Đông mang lại và tầm nhìn hướng ra biển của nhà Mạc; ông đã đúc kết thành nguyên tắc sinh tồn, phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam bằng 2 câu sấm về Biển Đông:
“Biển Đông vạn dặm giang tay giữ
Đất Việt muôn năm vững trị bình”
Theo cụ Trạng thì “nếu giữ được Biển Đông thì Việt Nam muôn thuở ổn định, hòa bình và thịnh vượng. Nếu để mất Biển Đông thì Việt Nam sẽ mất tất cả”. Đây chính là bài học xương máu được đúc rút ra từ lịch sử vương triều Mạc; là cống hiến lớn lao của trí tuệ và minh triết Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Lịch sử Hải Phòng, tập I, trang 28).
Tóm lại, theo nhận thức của tôi thì những chính sách cởi mở, tiến bộ, cách tân và mang lại nhiều thành tựu trong những năm nhà Mạc trị vì, nhất là dưới thời Hoàng đế Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh. Đây được xem như sự khởi đầu, khởi nguồn của truyền thống đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của mảnh đất con người vùng Dương Kinh xưa, Hải Phòng ngày nay. Có thể còn xem đây là bản sắc văn hoá, là truyền thống lịch sử, xứng đáng trở thành những di sản văn hoá lịch sử triều đại nhà Mạc để lại cho hậu thế, trong đó có chúng ta ngày hôm nay.
3) Nhà Mạc để lại nhiều di sản vật thể và phi vật thể quý giá, đặc sắc.
Các di sản này đang được bảo tồn và phát huy giá trị rất hiệu quả phục vụ phát triển đất nước và thành phố. Nhưng cũng còn rất nhiều di sản chưa được định danh, nhiều di sản bị xâm hại, thậm chí bị xoá sổ. Nổi bật là Hoàng đế Mạc Đăng Dung sau khi lên ngôi được ít năm đã trở về quê hương ở Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương nay là xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng đã cho xây dựng Dương Kinh, kinh đô thứ hai của nhà Mạc, đô thị ven biển đầu tiên của nước Đại Việt với rất nhiều công trình kiến trúc mang đậm bản sắc thời Mạc với các cung điện nguy nga như: Điện Tường Quang, Hưng Quốc, Gò Phủ Tín, Khu Mả Lăng… Rất tiếc do biến cố lịch sử vào năm 1592-1593, cố đô Dương Kinh chỉ còn lại là các phế tích. Thời Mạc hàng trăm ngôi Đình, Chùa, hội quán, miếu mạo, lầu gác thành quách được xây dựng trải rộng khắp khu vực đồng bằng Bắc bộ và khu vực miền núi, trung du, biên giới phía bắc. Riêng ở trung tâm Dương Kinh có hơn 30 công trình lớn nhỏ mang đậm dấu ấn của vương triều Mạc: Thành nhà Mạc ở Liên Khê (Thuỷ Nguyên), Xuân Đám (Cát Bà), núi Voi (An Lão) Hải Phòng; Tuyên Quang,…., Đình Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội). Nhiều tượng người, tượng Phật, Long, Ly, Quy, Phượng,… Nhiều công trình đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, cấp thành phố. Nhiều hiện vật đã được nhà nước vinh danh là cổ vật, bảo vật quốc gia. (Riêng ở Hải Phòng đã có 03 hiện vật là: Long Đao, tượng đá bán thân vua Mạc Đăng Dung, bức phù điêu bằng đá Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn). Các văn bia thời Lê-Mạc, Mạc-Lê được UNESCO vinh danh là tư liệu văn hoá thế giới,…
Về di sản phi vật thể: nhiều lễ hội dân gian thời Mạc mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền đã được lưu truyền, phục dựng, bảo tồn, lan tỏa trong cộng đồng xã hội và đã trở thành nét đẹp, bản sắc, truyền thống văn hoá ý nghĩa, giá trị đã được nhà nước vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia như: Lễ hội Minh Thề xã Thuận Thiên, Kiến Thuỵ, Hải Phòng; Hát then các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng; Lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn, Lạng Sơn), v.v…
Hầu hết các di sản vật thể và phi vật thể thời Mạc đã và đang được các cấp chính quyền, các đơn vị, tổ chức ở địa phương lưu giữ, bảo tồn, tôn tạo và tổ chức nhiều hoạt động phát huy giá trị đạt hiệu quả cao theo Luật Di sản, thiết thực phục vụ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, du lịch – dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Riêng ở Hải Phòng vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nhà nước và thành phố đã đầu tư cho phục dựng Dương Kinh (Khu tưởng niệm vương triều Mạc) – công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, sau đó Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo mở rộng khuôn viên từ đường họ Mạc xã Ngũ Đoan, Kiến Thuỵ – Di tích quốc gia, dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Đền-Chùa Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, Kiến Thuỵ,… Tại các di tích này, chính quyền địa phương, Ban Quản lý các di tích cùng nhân dân địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động, lễ hội để phát huy giá trị như:
– Lễ hội khai bút đầu xuân tại từ đường họ Mạc và Khu tưởng niệm vương triều Mạc – tổ chức thường niên từ năm 2012 đến nay để tôn vinh truyền thông hiếu học, học giỏi, thi cử, đỗ đạt cao từ thời Mạc;
– Phục dựng Hội thi truyền thống vật dân tộc thời Mạc (từ 2022) để tôn vinh truyền thống thượng võ-vật của vùng đất Dương Kinh xưa, Hải Phòng nay từ sử tích, thần tích Hoàng đế Mạc Đăng Dung vốn là đô lực sĩ – trạng nguyên võ;
– Lễ hội chợ quê thời Mạc (từ 2023) tại di tích Từ đường họ Mạc để tôn vinh thành quả rực rỡ của nhà Mạc thực thi chính sách cởi mở, tiến bộ, cách tân, thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển dư thừa, xuất hiện nhu cầu trao đổi giữa người sản xuất và người tiêu dùng; buôn bán phát triển, các vị Vua nhà Mạc và Thái hoàng Thái hậu đã cho xây dựng nhiều chợ quán, cảng thị đã trở thành các trung tâm buôn bán sầm uất cả trong và ngoài nước.
– Phục dựng lễ hội Minh Thề tại đền chùa Hòa Liễu xã Thuận Thiên, Kiến Thuỵ do Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn khởi xướng cách đây 500 năm, để răn dạy quan, quân và người dân hướng tới xây dựng 1 xã hội đồng thuận, bình đẳng, bác ái, không có kẻ giàu, người nghèo, không làm điều ác, làm nhiều việc thiện, không lấy của công làm của tư, đã được nhà nước vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây là di sản rất độc đáo, mang đậm bản sắc, có ý nghĩa quốc gia, quốc tế, thời sự, thời đại. Các lễ hội trên đều gắn với các thành tựu nhà Mạc đạt được trong công cuộc cách tân đất nước, được tổ chức thường niên, rất độc đào, rất hấp dẫn, chính là các sản phẩm văn hoá, lịch sử, du lịch tâm linh thực sự cuốn hút, thiết thực, phục vụ và thúc đẩy phát triển du lịch – dịch vụ, kinh tế, xã hội của thành phố và các địa phương.
4) Một số đề xuất kiến nghị
Nhân hội thảo khoa học quan trọng và lịch sử này, thay mặt Hội đồng dòng họ Mạc Việt Nam và Hải Phòng, bà con cô bác dòng tộc Mạc cả nước xin có một số đề xuất, kiến nghị sau:
– Một là: Trong suốt hơn 30 năm hành trình công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, quán triệt và thực hiện nhất quán quan điểm “Nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật” tiếp nối kết quả nghiên cứu của lớp sử gia đi trước, hội thảo lần này đã làm rõ và khẳng định Vương triều Mạc ra đời là một tất yếu lịch sử, hoàn toàn biện chứng theo quy luật vận động của xã hội. Hoàng đế Mạc Đăng Dung lên ngôi là sứ mạng của đất nước và người dân Đại Việt lựa chọn, giao phó. Nhà Mạc có nhiều đóng góp tích cực, to lớn trong công cuộc cách tân, phát triển đất nước, hoàn toàn không phải là ngụy triều, không phải là soán ngôi, cướp ngôi. Bởi vậy, con cháu dòng tộc Mạc cả nước chúng tôi trân trọng và thiết tha đề nghị Hội khoa học lịch sử Việt Nam và giới sử gia nước nhà cùng với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm có giải pháp và lộ trình hợp lý, tích cực, hiệu quả chỉnh lý lịch sử về nhà Mạc, về các vị vua nhà Mạc, sao cho đúng với thực tế lịch sử đã được làm rõ, khẳng định;
– Hai là: Suốt nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta cũng như các địa phương trong cả nước có nhiều chủ trương, nghị quyết bảo tồn, lưu giữ, tôn tạo và phát huy các giá trị của các di sản vật thể và phi vật thể các triều đại trong lịch sử nước nhà, trong đó có triều Mạc. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều di sản vẫn chưa được nghiên cứu để xác định, định danh, rất nhiều di sản chưa được vinh danh, xếp hạng để quản lý, bảo tồn, phát huy theo Luật Di sản. Nhiều di sản rất giá trị và được xếp hang quốc gia, tỉnh, thậm chí là di sản thế giới, nhưng việc phát huy giá trị còn rất khó khăn, hạn chế. Đặc biệt có nhiều địa danh, dấu tích lịch sử vô cùng quý giá đã và đang bị xâm hại, thậm chí bị xoá sổ hoàn toàn, không thể khôi phục, phục dựng.
Bởi vậy chúng tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn từ TW đến địa phương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đẩy mạnh nghiên cứu, có các giải pháp, biện pháp xác định giá trị, vinh danh, lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản của cha ông để lại cho chúng ta theo quan điểm: còn di sản là còn dân tộc, bản sắc dân tộc, mất di sản là mất tất cả.
– Ba là: Theo lời chỉ dạy của nhà tiên tri, nhà tướng số trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà Mạc đã dời Dương Kinh và Thăng Long lên vùng biên giới phía Bắc, cát cứ tại Cao Bằng thêm 85 năm nữa. Trong thời gian này, nhà Mạc cũng đã để lại nhiều dấu ấn, dấu tích ở khu vực rộng lớn này. Tuy nhiên, được biết đến nay cũng chưa có một chương trình nghiên cứu sâu, đầy đủ về nhà Mạc trên đất Cao Bằng và ở vùng biên cương phía bắc. Bởi vậy, chưa có cơ sở khoa học nào để Nhà nước và chính quyền các địa phương có kế hoạch xác định, phục dựng, bảo tồn các di sản văn hoá lịch sử của Vương triều Mạc tại đây. Rất mong qua Hội thảo này, Ban Tổ chức và chủ trì Hội thảo có kết luận và kiến nghị để Chính phủ, các bộ ngành chức năng, các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương quan tâm tới khu vực này chắc chắn đã và đang lưu giữ những dấu ấn đáng kể của nhà Mạc.
– Bốn là: Lịch sử ghi nhận Mạc Cảnh Huống – con út của Thái Tông Mạc Đăng Doanh, đời vua thứ 2 triều Mạc, em trai của Hiển Tông Mạc Phúc Hải (đời vua thứ 3 triều Mạc) và Khiêm Vương Mạc Kinh Điển, là nhân vật đặc biệt trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Xuất thân là Hoàng tử của vương triều Mạc, nhưng ông lại một lòng phò tá nhà Nguyễn. Ông theo Nguyễn Hoàng vào đàng Trong, giúp nhà Nguyễn giữ yên và mở rộng bờ cõi, lập đô tại Huế, đã được vua Nguyễn phong là Khai quốc công thần, được tạc tượng thờ tại nội cung kinh thành Huế.
Được biết đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào về nhân vật lịch sử này. Từ đó, xác định công trạng, có hình thức vinh danh phù hợp như các nhận vật lịch sử khác.
Đề nghị Hội khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì một cuộc hội thảo khoa học để làm rõ và khẳng định thân thế, sự nghiệp của Mạc Cảnh Huống và những đóng góp của ông với triều Nguyễn nói riêng và đất nước nói chung, trên cơ sở đó đề xuất các hình thức vinh danh phù hợp đối với Cụ.
Nhân Hội thảo về Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam, thay mặt dòng tộc Mạc cho phép tôi được bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới các cố giáo sư và giáo sư, các nhà khoa học: Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Văn Tạo, Phan Đăng Nhật, Giáo sư Đinh Khắc Thuân, PGS. Tống Trung Tín, nhà sử học Ngô Đăng Lợi và nhiều nhà khoa học, sử học khác đã dành nhiều thời gian, tâm huyết, lương tâm, trách nhiệm của mình, có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết về Vương triều Mạc trong lịch sử nước nhà là những tiền đề rất quan trọng để Hội thảo ngày hôm nay chúng ta kế thừa và phát triển thêm một bước nữa trên hành trình tìm chân lý và sự thật lịch sử ./.
Một số hình ảnh chọn lọc tại Hội thảo:
1. Toàn cảnh Hội thảo:
2. CT UBND TPHP NGUYỄN VĂN TÙNG PHÁT BIỂU CHÀO MỪNG
3. GS.TSKH. VŨ MINH GIANG KHAI MẠC HỘI THẢO
4. GS.TS. ĐINH KHẮC THUÂN TRÌNH BẦY THAM LUẬN
5. PGS.TS. TRẦN THỊ VINH TRÌNH BẦY THAM LUẬN
6. HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG TÙNG TRÌNH BẦY THAM LUẬN
7. PGS.TS. TỐNG TRUNG TÍN TRÌNH BẦY THAM LUẬN
8. NHÀ SỬ HỌC DƯƠNG TRUNG QUỐC TRÌNH BẦY THAM LUẬN
9. TS. HOÀNG VĂN KỂ TRÌNH BẦY THAM LUẬN
10. GS. LÊ MẠNH PHÁT TRÌNH BẦY THAM LUẬN
11. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO, TS. NGUYỄN KIM SƠN TRÌNH BẦY THAM LUẬN
12. TS. TRẦN HOÀNG MAI TRÌNH BẦY THAM LUẬN
Tin: Hoàng Sơn Hiền – CVP HĐMT Hải Phòng
Viết bình luận
Tin liên quan
- ĐIỀU LỆ SỐ 01/NQ-HĐMTVN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐMTVN
- NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-HĐMTVN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM KHÓA IV, NHIỆM KỲ 2024 – 2029
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM DIỄN RA THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
- ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM KHOÁ IV ĐANG ĐƯỢC HĐMT VIỆT NAM, HĐMT TỈNH HẢI DƯƠNG TÍCH CỰC CHUẨN BỊ ĐỂ ĐÓN TIẾP CÁC ĐẠI BIỂU, CON CHÁU VỀ DỰ ĐẠI HỘI
- DANH SÁCH ỦNG HỘ ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM LẦN THỨ IV NHIỆM KỲ 2024- 2029
- HỘI ĐỒNG MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TRIỂN KHAI, PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CHO CÁC THÀNH VIÊN PHỤC VỤ ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM KHOÁ IV NHIỆM KỲ 2024- 2029 TẠI ĐIỆN SÙNG ĐỨC ( TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM)
- HĐMT HẢI DƯƠNG DỰ LỄ KHÁNH THÀNH HỌ PHẠM GỐC MẠC KIM BẢNG, HÀ NAM
- THÔNG BÁO HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH MẠC TỘC VIỆT NAM KHÓA III – Nhiệm kỳ 2019-2024.
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.